sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11

Thưa thầy,

Em không thuộc loại người sống ở cái ngày hôm nay chỉ biết có than thở và nhìn về quá khứ chỉ thấy những nét vàng son chói lọi. Dẫu thế nào thì em vẫn cứ thích cái ngày hôm nay hơn.

Súng trường và máy bay đã có từ lâu, nhưng em nghe nói, qua thời chống Pháp, đến thời chống Mỹ mới biết tổ chức súng trường hạ máy bay Mỹ. Tự do, dân chủ cũng là những khái niệm có từ thời cổ đại, nhưng bây giờ mới trở thành sống mãnh liệt của con người. Cá nhân đã có nhưng chưa bao giờ hoàn thiện nhân cách như ngày hôm nay để sự tôn trọng nó trở thành một thước đo quan trọng trình độ phát triển của mỗi xã hội.

Ngày hôm qua thế nào thì cũng khờ dại, không đầy đủ, bị nhiều ràng buộc hơn. Bởi con người trong mỗi bước đi tới của nó là một bước tới gần tự do hơn.

Có thể có người không đồng tình với ý kiến của em, nhưng em thì em hết sức tin ở mình, với những dữ kiện ở chính đoạn đời hai mươi năm trước đây của thầy. Hai mươi năm trước đây, thằng Tuẫn, con trai ông bí thư Lại, đã gây cơ cực và phiền phức thế nào cho thầy, em vẫn còn nhớ lắm. Chưa có đứa học trò nào dốt nát, hư hỏng, lười biếng như nó cả. Nhưng thời đó bảo rằng nó dốt nát tức là thầy đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Còn bảo nó hư tức thị là thầy đã chê bố nó. Huống hồ thày lại dám bắt nó lưu ban. Nhất là thầy lại dám tát nó.

Thời đó, ở cái thị xã con ấy, ý ông Lại là ý chúa, ý trời. Ông Trưởng ty giáo dục đã phải trực tiếp thuyết phục thầy hiểu ra điều nọ, để cho một thằng học trò lớp 8 không giải nổi bài toán quy tắc tam suất lên lớp 9 và năm sau cũng vậy, lên lớp 10. “Ôi, việc thằng Tuẫn lên lớp nhỏ như hạt kê ấy mà. Đừng tham bát, bỏ mâm. Tự à”. Ông Trưởng ty nói vậy. Thì ra, con người tiếp nhận một lý thuyết nào đó suy cho cùng là tiếp nhận nó ở khía cạnh vụ lợi mà thôi.

Nhưng mà thầy thì chỉ có sự tự phát hồn nhiên thôi.

Quả thật là buổi giảng văn hôm đó còn lưu dấu trong chúng em những xúc động hết sức lạ lùng.

Chúng em bị hút hồn ngay từ khi thầy cất tiếng dọc bài thơ Người đảng viên dự bị. Và tiếp đó, suốt bốn mươi lăm phút, hoàn toàn tự nguyện trôi theo dòng cảm xúc của thầy. Lý tưởng là chất men say với hồn trai trẻ. Khao khát của tuổi hoa niên bấy lâu ở một địa vực cách ngăn vì sông núi, lúc đó như gặp vận hội tỏ bày, trong một kích ứng mãnh liệt vì thấu hiểu và cảm thông. Thầy và trò hòa hợp, không ranh giới, trở nên tri kỷ trong cuộc du hành vào chiều sâu hình tượng con người. Con người đảng viên ấy sống đã dâng hiến hết mình cho đất nước và ngã xuống trong một trận chống giặc càn quét. Anh hi sinh, nhưng cái chết của anh là cái chết nảy nở vĩnh hằng.

Anh ngã xuống rồi,

Mặt trời lên

Cái đẹp có bao giờ thôi là đối tượng đam mê của tuổi trẻ. Nhưng, nhận ra được cái đẹp, xúc động trước nó và để nó trở thành một định hướng trong cuộc tìm kiếm bản thân vô cùng vất vả, cơ cực và hồi hộp thì phải có ông thầy. Thưa thầy, mỗi giờ thầy dạy, một ý đẹp, một lời hay, một hạt ngọc, một hạt vàng. Để đến ngày cuối cùng chia tay, trong em là cả một kho châu báu, ngọc ngà. Tiếc cho ai không qua trường học, không được một lần cất tiếng nói: thưa thầy. Trách ai không hiểu nổi ý tưởng của câu tục ngữ có vẻ ngoài vô cùng đơn sơ: Không thầy đố mày làm nên, nên san bằng nghề thầy như mọi thứ nghề nghiệp xã hội khác.

Trong rung cảm trước hình ảnh con người đảng viên tuyệt đẹp đó, chúng em thấy mình hạnh phúc biết bao. Tất cả đều im lặng, thành kính. Đó là trạng thái chiêm ngưỡng cái toàn thiện, toàn mỹ với ước ao trong sạch và rất đỗi thiêng liêng, thánh thiện.

Dẫu có thế nào thì tên côn đồ cũng chớ có nên dại dột mà phá đám trạng thái tinh thần ấy. Chớ có cậy mình là ông nọ bà kia mà báng bổ thánh thần, tín điều của kẻ khác vào lúc họ đang trong cảm xúc dâng hiến. Trạng phái văn hóa ấy không chấp nhận cả đến một lời bình phàm tục.

Ấy vậy mà thằng Tuẫn lại bất chấp lề luật tâm lý ấy, dám ngang nhiên đóng vai thằng phá đám. Thằng Tuẫn, chính nó lúc ấy, thật sự là tên Juda phản nghịch, chống đối lại toàn thể cộng đồng.

Thằng Tuẫn! Chính nó, khi chúng em đang tạo lập mối liên hệ với niềm tin như con chiên ngoan đạo tạo lập mối liên hệ với Đấng Christ tối linh trên cao xanh, đã xoạc chân, ngoạc miệng, phá bĩnh:

- Ôi, chó chết là hết chuyện. Chứ có đếch gì mà cao cả với vĩnh hằng! Lằng nhằng!

Lỗ mãng! Trâng tráo! Đểu giả! Một hành vi vô văn hóa, phi đạo đức, xúc phạm tới tất cả mọi lương tri, không thể tha thứ được.

Thầy, kẻ đại diện cho tình cảm và ý nguyện tập thể, tiến thẳng tới chỗ nó ngồi, khuôn mặt thầy lúc đó là khuôn mặt chúng em, những kẻ bị báng bổ.

- Tuẫn! Cậu vừa nói gì?

- Tôi nói: Chó chết là hết chuyện. Hừ...

Khốn nạn đến thế là cùng! Nhưng, môi nó không thể mở tiếp để lặp lại toàn bộ sự thô bỉ. Thầy nghiến răng, gầm lênếng quát nhỏ và giang tay. Ông Lại chửi bới Kitô giáo giữa nhà thờ đêm Nôen năm nào đã ra khỏi nhà thờ một cách yên lành. Còn thằng Tuẫn, cái giá phải trả cho sự sàm báng lý tưởng, là một cái tát lạng người, lệch mặt.

Lớp học im phắc trong kinh động. Sự trừng phạt bột phát như một phản ứng tức thời nhằm mục đích tối cao: bảo vệ quyền tồn tại của con người.

Thằng Tuẫn lập tức buông tay sờ má, xách cặp vùng ra khỏi bàn, văng ra cửa. Chúng em đứng cả dậy. Hơn lúc nào hết, thầy lúc này là hình ảnh của lý tưởng, thầy là đấng siêu nhân của chúng em. Chúng em sẵn sàng tử vì đạo, đạo của thầy.

Thằng Tuẫn dừng lại ở cửa lớp, nhổ bọt, quay vào nhếch mép:

- Ông Tự! Còn ông thì hết đời chó chết cũng không được là thằng đảng viên dự bị đâu! Đời ông từ đây khốn nạn rồi đấy!

Chúng em xô ra cửa, tạo thành một bức tường thành. Bọn con gái òa khóc, chúng dự cảm ngay được những khốn khó sắp tới của đời thầy.

Thế là câu chuyện vốn đã rắc rối giờ đây sẽ rắc rối bội phần. Lịch sử không bao giờ có sự nếu như, nên giờ đây, ngồi nghĩ lại chuyện đã qua, em không bao giờ đặt ra giả sử này nọ. Vả lại, thiên hướng tự nhiên của con người, ai mà thay đổi được? Thầy không thể phản bội lại chính thầy! Không thể không có cái tát của Makarenkô với tên học trò hư. Đó là cái tát bổ ích cho nhân loại, đó là một hành vi của hiệp sĩ đại diện cho lẽ phải. Đó là một dòng chảy tự nhiên. Tự nhiên là chỗ xuất phát, và tự nhiên hoàn bị là nơi đến

Tiếc thay, trí khôn của một thời bao giờ cũng chỉ có một lim giới hạn. Em có một ông anh họ là phó ban tổ chức tỉnh ủy, đang ngấp nghé chân tỉnh ủy viên khóa tới. Ông học lớp ba, là cốt cán hồi cải cách ruộng đất, được cất nhắc dần từ xã lên huyện, rồi lên tỉnh. Sửa sai, dư luận đòi xử trí tội ăn gian nói dối của ông ta nổi lên mạnh quá, thế là người ta điều phắt ông ta lên tỉnh mạn ngược này. Ban của ông, theo phân cấp, quản lý các thầy giáo cấp ba về mặt nhân sự.

Sau hôm xảy ra vụ trừng phạt thằng Tuẫn, đang ăn cơm, ông bỗng ngừng nhai, hỏi em:

- Này, cái tay Tự ở trường mày là thằng cha thế nào?

Em đáp:

- Ở trường em không có tay Tự hay thằng cha Tự nào cả.

Ông anh em há hốc mồm cơm:

- Mày nói sao? Tự giáo viên văn, hiệu trưởng. Hồ sơ lý lịch tao nắm đây mà lại.

- À, thầy Tự dạy văn học, hiệu trưởng trường thì có.

- Há, há, há... Tao hiểu rồi. Ra là ông em tôn sư trọng đạo.

Ông anh em cười, bắn cả cơm ra mâm. Em cáu, vặc:

- Thế thì xấu

Ông anh em ngớ người, nuốt nghẹn. Khốn khổ!

Lát sau, ông tảng lờ, không đáp lại câu hỏi của em:

- Thôi, được, thế theo mày, thầy mày là người như thế nào?

- Thôi, anh đừng dò hỏi em làm gì. Anh định khuyên em thế nào thì anh cứ bảo thẳng em đi.

- À, nếu vậy thì được. Nhưng mà mày dẫu sao thì cũng đã lớn rồi. Tao muốn cung cấp cho mày một phương pháp luận để mày xử lý cho đúng đắn mọi trường hợp thôi. Nghĩa là khi xem xét bất cứ một hành vi, cử chỉ nào của ai, ta cũng phải truy tìm ra cái động cơ mục đích của nó. Mà động cơ, mục đích này luôn luôn gắn liền với quyền lợi giai cấp.

- Anh nói cao quá, em không hiểu.

- Thì bây giờ mày thử phân tích xem. Đấy, cái việc thầy Tự mày tát con trai đồng chí bí thư thị ủy là…

- Thằng Tuẫn chứ gì?

- Ừ, thằng Tuẫn. Tao đã ghi rồi lại nhãng.

- Phải em, em cũng tát! Mà không phải chỉ một cái!

Ông anh em giật nẩy người, nhảy lên như dẫm phải tổ kiến lửa:

- Ông ơi, sao ông lú lấp đến như thế, hả ông! Ông có hiểu hành động như thầy ông là phản ứng gì không?

Thôi, nhắc lại làm gì những quy kết của họ, những đồn thổi, suy diễn của họ về cái tát thầy đã giáng vào mặt Tuẫn. Nêxin và Nguyễn Công Hoan có thể có được một truyện ngắn tuyệt vời từ cái nguyên mẫu này. Còn viết lại bây giờ thì không ai tin: “Điên hay sao mà lại bảo cái tát ấy là tát vào giai cấp!”.

Chuyện con con mà động trời, xôn xao cả thị xã.

Một bữa, cơm nước xong, ông anh em vừa lia tăm tành tạch vào hàng răng trước, vừa buông một câu bình phẩm tưởng như là bâng quơ:

- Ra cái anh tiểu tư sản khi hăng tiết vịt lên cũng khí khái hiên ngang ra phết. Không trách có người nói, nó đúng là cái của nợ của thằng đàn ông.

Thấy ngờ ngợ, em liền bắt chuyện:

- Có chuyện gì thế, anh.

- À, thì vẫn là chuyện thầy mày. Ra lão ta không chỉ vô chính trị mà lại còn ương bướng, hay lý sự ra trò nữa cơ chứ. Vừa rồi Ban tao gọi thầy mày lên, bắt lão kiểm điểm về việc đánh con đồng chí Lại và nhân tiện phê luôn các khuyết điểm khác nữa. Tao nói. Rồi đồng chí trưởng ban phân tích. Mục đích là trị bệnh cứu người. Thế mà lão dám ngang nhiên trả lời thế này: “Các đồng chí đừng làm một việc trái khoáy. Tuẫn, dù nó là con ông Lại hay con một ông đồ tể vô học, thì tôi vẫn cứ phải trừng phạt. Đó là sự trừng phạt của nhân phẩm, của lương tâm, của trời đất, thánh thần�

Dừng một chút, súc miệng sùng sục, ông anh em thở dài:

- Cứ cái đà ương ngạnh này, rồi thế nào cũng dẫn đến phiêu lưu, manh động tiểu tư sản cho mà xem.

Lại một nhận xét xấu về cái anh bạn tiểu tư sản, kẻ đồng hành với cách mạng. Ấy thế, đi cùng với nhau trên một đoạn đường, mà lại cứ luôn luôn bị chê bai, đả kích và nhất là… bị dè chừng. Khó chịu thì đã đành. Nhưng nguy hiểm hơn, chính cái anh bạn đồng hành ngày qua ngày sống trong trạng thái không được anh bạn lớn của mình tin cậy, cũng phát sinh tâm lý tự ti, sọ sệt. Em đã thấy những cán bộ hành chính, những kỹ thuật viên như những ông phán còm ăn đói mặc rách, nhẫn nhục, mà vẫn luôn sọ sệt bị trách mắng quở phạt.

Không nên thế! Vì sao chúng ta cứ hay hợm mình thế nhỉ? Vì sao ta lại cứ hết lời tụng ca vẻ đẹp của bản thân ta, còn kẻ ở ngoài ta luôn luôn là đối tượng để ta chê trách. Chẳng lẽ vì chúng ta vô học, vô học nên sinh ra bạo chúa? Hay bạo chúa chính là tên vô học, không biết quý trọng bạn bè?

Thằng Tuẫn, như mặt trời đang lên, mặt vênh váo đắc thắng, một hôm đã mò đến phòng thí nghiệm khi chúng em đang làm bài tập ở đó.

- Lão Tự còn chết, chúng mày ạ!

Nó nói, ngước nhìn mái nhà lợp gồi của căn phòng. Cử của nó sau này bất ngờ em đã nhớ lại và là cơ sở để em đoán định ra một âm mưu hại thầy vô cùng khốn nạn của bọn chúng.

- Tuẫn này, mày nên đến xin lỗi thầy Tự và đi học tiếp đi. - Em nói.

Nó cười gằn:

- Mày nói đùa hay thật.đấy! Nói thật nhé, đời lão Tự xuống dốc không phanh rồi!

Còn những mưu mô đê hèn nào nữa đang khai triển?

Một hôm, chị Phượng đột ngột đến nhà em, mặt đẫm hoang mang, lo sợ. Chị bảo vừa lên trường thì thấy công an đang khám xét, lục soát căn buồng thầy ở. Họ lôi ra một chồng sách chữ nho. Mấy cuốn tiểu thuyết của các nhà văn thuộc Tự Lực Văn đoàn như Nửa chừng xuân, Lạnh lùng, Đoạn tuyệt... và cả cuốn Giông tố của Vũ Trọng Phụng, do nhà xuất bản Văn học mới ấn hành. Họlập biên bản, quy tội thầy là tàng trữ, truyền bá văn hóa đồi trụy, phản động. Họ bắt thầy ký nhận. Thầy không chịu. Họ chỉ vào mặt thầy, quát: “Anh sẽ phải hối tiếc vì sự ngoan cố của anh”. Và chất lên xe chở đi toàn bộ sách vở, cả những cuốn nhật ký của thầy. Thầy đòi lại họ du đẩy thầy ngã trên sân trường.

Chị Phượng kể xong, run rẩy:

- Không hiểu tôi có nên nói cho anh Tự biết không? Thằng Tuẫn.nó đến nhà tôi, nó nhắn tin rằng: nếu anh Tự xin lỗi bố nó thì bố nó sẽ tha thứ.

Không! Không đời nào! Thầy giáo của chúng em, siêu nhân của chúng em, dẫu phải nhẫn nh trong vai ông phán còm, không bao giờ chịu uốn lưng khuất phục cả! Em, chúng em nói vậy. Nhưng lại bảo chị Phượng cứ đến nói cho thầy biết để thầy định liệu.

Thầy Tự ơi, chị Phượng đã nghe chúng em, đã đến gặp thầy, vào một đêm trước mấy hôm xảy ra vụ hỏa hoạn khủng khiếp thiêu trụi ngôi trường thân yêu của các thầy và chúng em, thầy còn nhớ không. Sự việc đã diễn ra với những tình tiết u uẩn gì mà sau hôm đó chị Phượng đến nhà em vật vã, khóc lóc như mưa như gió. Gặng mãi chị mới bảo: “Tôi ngu dại quá, tôi nghe lời các cậu. Tôi đã vô tình phản bội anh ấy. Tôi đã bị lừa. Tôi không xứng đáng với anh ấy”.

Phải chăng là thầy đã nghi ngờ thiện ý của chị Phượng và không cảm thông hết nỗi lòng người thiếu nữ đang khắc khoải lo sợ cho người mình yêu? Hay cả hai đều bị rơi vào cạm bẫy giăng sẵn của một trò điên đảo? Bởi vì sau này chỉ có nghe loáng thoáng rằng: họ, cái bọn chuyên nghề dựng chuyên ấy, đã ập vào khi chị Phượng có mặt ở buồng thầy và định giở trò vu cáo xằng bậy, nhưng bị thầy lật tẩy, bọn họ đành như chó cúp đuôi, và chị Phượng, khổ thay, bị thầy coi như một kẻ đồng lõa đáng khinh bỉ!

Nhưng thôi, dẫu sao những trò ba que xỏ lá vặt ấy cũng không đáng kể so với cơn hỏa hoạn xảy ra mấy ngày hôm sau, đám cháy dữ dội quá! Cuộc đời chúng ta dữ dội quá! Thầy Tự ơi, có khi nào thầy nghĩ vậy khi nhớ đến những ngày đã qua không.

Ngày chủ nhật ấy, như rất nhiều ngày nghỉ khác, chúng em rủ nhau đạp xe lên khu rừng cây số 7 lấy củi về cho gia đình. Khoảng trưa, kéo củi ra cửa rừng, nhìn về thị xã, bỗng thấy có đám khói đen đùn lên cao. “Khéo cháy trường mình”. Lời buột miệng ra từ cảm ứng tâm linh của một bạn nào đó bỗng như luồng diện truyền qua tất cả. Chúng em vứt củi đấy, vội vã nhẩy lên xe phóng về. Mấy hôm nay, trong dạ em cứ phấp phỏng về một điều gì có thể rất là quái gở sắp xẩy ra. Lạ thế!

Ở đầu phố, em nhận thấy dấu hiệu nháo nhác, bất yên trên nét mặt nhiều người dân. Hỏi, thì được biết, thật là kinh khủng, đúng là cháy trường cấp ba chúng em. Kinh sợ hơn nữa là giữa những lời đổi trao ồn ĩ về nguyên nhân cơn tai họa: vì chập điện, vì bất cẩn nơi củi lửa, một cái giọng ma quái nào đó cứ thẽ thọt chỗ này chỗ khác, mách lẻo rằng có một ông giáo ở chính trường ấy, bị kỷ luật, bất mãn, đã phóng hỏa đốt trường.

Lao như điên dại tới trường, tất cả chúng em đều bị chặn đứng lại. Một hàng chiến sĩ công an đã dàn ngang bị lối. Trước chúng em, ngôi trường năm gian đồ sộ cùng hai dãy nhà toócsi lợp lá gồi, phòng thí nghiệm, nơi ăn của các thầy, chỉ còn là những mảng tường chơ vơ đen sạm và những đống tro than đang âm ỉ bốc cháy. Giữa sân trường, những hàng phượng trơ cành, trụi lá, hai chiếc xe cứu hỏa đỏ chói thõng hai chiếc vòi cao su bẹp dí, mấy người công an đang đào bới cái gì trên nền đất cháy nơi buồng thầy. Lẩn quất đâu đó nỗi khiếp đảm thường thấy sau tai ương cùng với sự dọa dẫm, khủng bố bất thường hiện lên ở dáng đi lùng sục, con mắt gườm gườm của những bóng người xa lạ. Vơ vẩn như những làn khói bẩn trên nền trời hoang dã là nỗi hung hiểm chập chờn sắp hiện hình thắt nghẹt trái tim học trò non trẻ của chúng em.

Tiếng xaiđơca rú ga lên dốc khiến chúng em càng thất thần lo sợ. Nhưng, tất cả chúng em đều tắc nghẹn tiếng reo, và lao tới. Thầy Tự! Thầy ngồi trên thùng chiếc xe ha bánh từ đâu mới về có dáng vẻ một kẻ bị áp điệu tới hiện trường. Kinh khiếp quá! Sau này em mới biết rằng, lúc xảy ra vụ cháy trường, thầy đang ở một nơi cách xa trường 9 cây số, thầy đang thăm một gia đình học sinh. Công an đã tới tận nơi đó tìm thầy, đưa thầy về. Thầy vô can. Thầy nghĩ vậy nhưng lòng tan nát. Mặt thầy hốc hác. Trán thầy lõa mồ hôi. Thầy đứng giữa sân trường còn nóng hực lửa thiêu. Sao lúc ấy em có cảm giác vụ cháy là một dàn lửa thiêu thế nhỉ?

Đã có những dàn lửa thiêu? Ở thời Galilê! Ở thời Côpecních! Ở những thời uy danh của kinh thánh là tuyệt đối, nhà thờ nắm độc quyền chi phối tư tưởng, tâm hồn, tình cảm cùng là những quan niệm về vũ trụ và xã hội của con người.

Hàng tháng sau tất cả mọi người ở thị xã nọ còn chưa hoàn hồn vì vụ cháy trường ấy. Không phải vì độ lớn của vụ hỏa hoạn. Mà vì những đám mây nghi ngờ lởn vởn trên bầu trời tâm tưởng. Bọn phátxít, chính chúng đã đốt tòa nhà Quốc hội Đức và vu cáo tội ác ấy cho Quốc tế Cộng sản. Chuyện ấy xảy ra vào năm 1933, sau khi chủ nghĩa phátxít đã đưa Hítle lên cầm quyền.

Một hôm, ông anh em từ cơ quan về, gọi em vào buồng, giọng rất khẩn thiết:

- Này, mày vẫn hay lên thăm thầy Tự mày, hả? Tao yêu cầu cắt đứt ngay quan hệ với lão ấy nhé! Phức tạp lắm! Nghĩa là lão này về chính trị có vấn đề. Ngoài vụ cháy trường ra, gần đây người ta truy lý lịch lão, tìm thấy nhiều điểm nghi vấn. Bố lão ấy hồi dạy học ở miền núi bị thổ phỉ bắt. Rồi bỗng dưng được nó tha. Vì sao? Chưa xác minh được, nhưng chắc chắn là có vấn đề. Bởi vậy, tao cấm mày liên hệ với lão ấy.

Có vấn đề! Tội danh thế là đã định. Không cần luật. Khỏi cần tòa án. Và kết thúc chuỗi mưu toan hèn hạ ấy lại là một lễ đăng quang cho tội phạm, thế mới kỳ quái chứ thầy. Mùa thu ấy mưa nhiều hơn mọi mùa thu. Giặc Mỹ đã mở r địa bàn bắn phá tới cửa ngõ tỉnh mạn ngược này. Chúng em vượt qua một cách chật vật kỳ thi tốt nghiệp, vì những xáo động rung chuyển đời sống tâm tư, lại hàng hoàng dự lễ tiễn thầy ra tiền tuyến. Thầy, 8 lần khám tuyển, 8 lần phiếu nhận xét ghi: sức khỏe kém, thuộc loại B2, nhưng vẫn được hưởng vinh dự là anh giải phóng quân - con người dẹp nhất. Trớ trêu đến thế là cùng!

Đã hai chục năm qua rồi, ông anh họ em giờ đã về hưu. Lận đận mãi. Không leo nổi lên ghế tỉnh ủy viên, vì đại hội Đảng bộ tỉnh lần ấy, người ta yêu cầu cấp ủy tỉnh phải có trình độ văn hóa cấp hai. Ông ta hậm hực, cay cú cho đến tận ngày gần đây, khi đã là một ông lão ngư dân láu cá, còn văng tục: “Mẹ nó chứ, cấp hai là cái đ. gì mà nó đưa vào thành tiêu chuẩn cấp ủy để làm hại mình”.

Nhân nói về văn hóa, ông ta sực nhớ, liền hất hàm hỏi em:

- Này, mày có biết ông giáo Tự đi B rồi sống chết ra sao không?

Em nghiến răng:

- Đẩy người ta vào chỗ chết, độc ác như các ông mà giờ cũng còn biết hỏi thăm à?

- Mày ăn nói hồ đồ nó vừa vừa chứ!

- Hồ đồ? Chính các ông là kẻ hồ đồ. Các ông hồi đó có biết ai gây ra vụ cháy trường không? Kẻ nào đốt trường, các ông có biết không? Chính tập thể chúng tôi làm đơn tố cáo, gửi lên các ông. Nhưng, các ông có thèm nghe đâu.

- Tao không biết. Nhưng về chuyện giáo Tự đi bộ đội thì chính taoười giơ tay ủng hộ. Đó cũng là thiện ý của ông Lại. Giáo Tự là người giáo viên có năng lực nhất định, nhưng có rất nhiều nhược điểm. Kiêu căng, tự phụ, luyến ái bất chính, quan điểm lập trường giai cấp rất kém cỏi, lại có nhiều điều tiếng về các vụ việc nghi vấn. Kỷ luật thì chưa được. Vì thiếu bằng cứ xác đáng. Vì vậy cho đi bộ đội là bắn một mũi tên mà trúng được hai đích. Một là, truất quyền dạy học của lão. Hai là tạo điều kiện để lão rèn luyện, trở nên người cán bộ tốt của nhân dân. Mày phải hiểu rằng ban tổ chức chúng tao bàn cái chuyện này hàng tuần liền. Còn có đồng chí nói: Giáo Tự vốn ương, chỉ có cách gọi đi nghĩa vụ quân sự là lão chịu cứng. Mà học trò có muốn bênh thầy cũng thúc thủ. Mày đã thấy chưa? Vấn đề nó phức tạp, xử lý không dễ dàng đâu.

Thầy Tự vô cùng kính mến của em.

Thầy hãy tha thứ cho sự thóc mách của em nhé. Bới đống tro tàn quá khứ làm gì, hiện tại chẳng lẽ đã hết việc? Vâng,chính là vì hôm nay mà em để trí nhớ diễu vòng trở lại những ngày qua. Trí nhớ hình tượng, chỉ nhờ có nó, ta mới chuyển vận được những ý tưởng có độ sâu cần thiết cho bản thiết kế tương lai. Như em đã nói ở thư trước, như em đã nói ở đầu lá thư này, em muốn góp một tiếng nói vào một lý thuyết thể nghiệm, em sẽ trình bày với thày ở lá thư sau.

Thầy thứ lỗi cho em vì cùng với thư này, thầy cũng nhận được một số tiền em gửi thầy. Em phải nói ngay để thầy yên lòng. Đó là những đồng tiền kiếm được bằng lao động chân chính của em. Người Nga có câu thành ngữ rất vui: “Đồng tiền không gây phiền cho ai cả”. Câu ấy không đúng với thầy. Em biết tính thầy. Nhưng thầy thể tất cho em. Em không muốn một cuốn sách nào nữa phải chia tay thầy.

Một học trò cũ của thầy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx