sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 15

Anh đưa em về bên kia sông Đuống…

Người đàn ông đeo cái đài Xiangmao, tay cầm cái gậy hèo đi trước Tự quay lại:

- Có nhớ bài thơ ấy của Hoàng Cầm không. Hay đấy trứ!

- Báo cáo thủ trưởng, tôi không biết thơ văn gì cả.

- Đừng thế! Đừng thế, anh bạn nhà giáo trẻ.

- Tôi bây giờ là chiến sĩ binh nhất cần vụ của trung tá.

- Tôi lấy anh ở bệnh viện về là vì anh là nhà giáo. Trứ không phải vì thấy anh có khả năng xách nước, giặt quần áo phục vụ tôi.

- Thế hóa ra tôi là cây cảnh của anh!

- Đừng giận dỗi vô lý như thế. Mà nói cho cùng, được là cây cảnh cho cuộc đời cũng không dễ đâu.

- Làm cây cảnh, hèn con người đi, anh hiểu không? Tôi có cảm giác hèn từ ngày bị ném vào đội ngũ với các anh. Càng thấy hèn hơn từ ngày về hầu hạ anh. Anh cho tôi đi đánh nhau đi. Tôi không ơn anh đâu.

Viên trung tá cười độ lượng, bước đi chầm chậm. Tự đi theo sau ông. Một cuộc đi thăm đường dây. Công tác và du ngoạn kết hợp. Nếu là cuộc đi xa, bao giờ cũng có một chiến sĩ cần vụ kiêm bảo vệ đích thân đi theo ng. Gã này người Tày, xuất thân thợ nguội, đen đúa, lừng lững. Gã thương Tự khi biết Tự là thầy giáo. Gã đem sữa, đường cho anh: “Ăn đi! Tội gì để thủ trưởng nó ăn không hết nó lại gửi về cho vợ con nó ở Hà Nội”. Tự hỏi: “Vợ ông ấy là gì?” - “Cô giáo!”, gã đáp. Tự nói: “Thủ trưởng không xấu đâu”. Gã gật đầu: “Ông này chỉ có hai tính xấu là sợ vợ và sợ cấp trên”. Hóa ra cấp trên của ông chính là viên đại tá tự xưng là Đảng, là chính phủ. Hai người trước cùng một cấp, một đơn vị. Vụt cái, người nọ được đề bạt. Đề bạt mà không có một thành tích trội bật gì. Bạn cũ mà giờ thành nỗi khiếp sợ mới. Tự nhận ngay ra cái khía cạnh tinh thần ấy của ông, ngay đêm hôm sau. Ông thức cả đêm đánh vật với câu chữ để làm một bài thơ chúc thọ mẹ viên đại tá cấp trên thọ tám mươi tuổi. Sáng hôm sau, ông đọc cho Tự nghe, bảo Tự góp ý: “Mừng thợ thân mẫu thọ tám mươi. Đẹp như tùng bách mãi xanh tươi”. Tự ậm ừ, rồi sửa chữa bài thơ, gần như làm lại hoàn loàn cho ông, trong lúc óc lởn vởn một câu hỏi vì cái bí ẩn của nỗi sợ hãi giữa người và người.

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây

Viên trung tá răn đôi môi chúm huýt sáo, lại quay về phía sau với Tự, nhay nháy mắt:

- Dẫu thế nào thì cuộc đời vẫn là rất đáng sống trứ, Tự! Đừng có bao giờ chỉ nhìn thấy một mặt. Dẫu thế nào thì sự nghiệp của thế hệ ta vẫn vô cùng vĩ đại. Tất nhiên thế hệ nào cũng có cái tật tự coi thời đại mình là quan trọng. Nhưng, thời đại này quả thật là quan trọng, là vĩ đại. Và cùng với cái vĩ đại, những cái xấu xa, thô kệch, nhiều khi cũng là tất ếu. Chiến tranh là hoàn cảnh sống bất bình thường, thì những cái bất bình thường, thậm chí phi lý là có thật, và có khi phải chấp nhận. Cho nên hãy vứt bỏ mọi bi kịch cá nhân đi. Vui lên! Cheer up!

Ông nói như tâm sự với chính mình. Lại dùng cả tiếng Anh, chứng chỉ về một học lực đã có từ thời cách mạng. Trán cao, gò mũi thanh, dáng điệu thư sinh. Có vẻ không hợp lắm với khung cảnh chinh chiến cái mẫu người con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi này. Lại xoay trở trong óc Tự nỗi thắc mắc về cái sợ cấp trên nhỉ? Ông thừa khả năng hiểu biết. Ông đâu có phải là người ham hố chức vụ, địa vị? Ông có một tầm suy xét rộng lớn.

Trời bừng sáng sau một khu rừng non. Con đường men một vực sâu. Sườn núi xòe những cây cọ lùn và khóm hoa đỏ như tiết đọng. Rung rinh một vệt bướm dài như một dải băng trắng uốn vòng. Ánh sáng xuyên chéo từng luồng qua các hàng cây thưa như lụa là phơi phóng. Cảnh phảng phất một bức tranh sơn thủy thanh tĩnh, như khoảng khắc và trích đoạn bất ngờ của vùng đất liên miên bom đạn, bỗng gây cảm hứng cho cả hai người. Tự kêu:

- Sao yên lặng thế?

Ông trung tá cười:

- Có chuyện gì kể cho vui chân đi, Tự!

- Chuyện gì được, thủ trưởng?

- Bất kể. À, hay là kể chuyện Tây du ký đi. Phải nói về tiểu thuyết Tàu có những bộ cổ điển trứ danh: Tam Quốc, Thủy hử, Đông Chu, Nho lâm ngoại sử, Hồng lâu mộng… Nhưng mình vẫn mê nhất là Tây du. Không phải vì màu sắc thần thoại của nó đâu. Mà là ở sức khái quát của nó. Suy raọi công cuộc ta đang làm, đã làm, đều có cái dạng là một tập thể đồng hành đi tìm kiếm chân lý. Trong bất cứ tập thể nào thì cũng có một sư Huyền Trang, trưởng đoàn đầy nhược điểm, như nhìn sự vật phiến diện chủ quan, xa rời thực tế, ra nhiều quyết định sai lầm, vô lý. Hậu quả là anh chàng Tôn Ngộ Không phải chịu cả. Thú vị nữa là mọi yêu quái trong truyện đều là tay chân của thiên đình, bửu bối pháp thuật đều do cấp trên của chúng chủ trương, cung cấp, truyền bá.

Thấy Tự có vẻ chăm chú, ông trung tá tiếp:

- Do vậy mà mười bốn năm đi từ Đông Bộ đến Tây Trúc lấy kinh, có đến tám mươi mốt tai nạn. Đường Tăng thì hoang mang, dao động. Trư Bát Giới thì cầu an hưởng lạc. Sa Tăng và con ngựa Rồng thì trông chờ thụ động. Nếu không có chàng Tôn chắc chắn sự nghiệp đành tiêu ma. Nhưng mà hình như đời là vậy. Kẻ hiền tài thế nào cũng bị một cái vòng thắt buộc gì đó, khiến nó mạnh đấy mà yếu hèn đấy. Tôn Ngộ Không tinh thông bảy mươi hai phép biến hóa, ấy thế mà chỉ cần Đường Tam Tạng “bấm nút” một cái, chiếc vòng kim cô bóp chặt lấy đầu là tha hồ mà rên la, quằn quại. Khổ vậỵ!

Ông trung tá chép miệng.

Tự im lặng. Ông vừa hé mở một cánh cửa tâm tư thầm kín. Nhưng, hình như ông còn định mở một cánh cửa nữa mà không kịp. Ông kêu khẩn thiết: “Tự!” và rút khẩu K59 nhỏ xíu, chạy vụt lên.

Ấy là cái tai nạn thứ bao nhiêu của đoàn lữ hành? Từ Tự vừa kịp tháo khẩu AK thì hai chiếc trực thăng Mỹ từ phía sau khu rừng non đã vượt qua ngọn núi, hình thành hai gọng kìm vây bắt. Cùng với tiếng cánh quạt phành phạch quay và xói lật tàn bạo các vòm cây, trên một chiếc máy bay, một giọng nói đàất lên qua máy phóng thanh thật bạo liệt và ngang tàng:

- Trung tá Lê Văn Vọng! Hãy rời bỏ hàng ngũ Việt Cộng trở về với chính nghĩa quốc gia. Người anh trai của trung tá đang chờ đợi ở ngay trên chiếc phi cơ trực thăng này. Chuẩn tướng Quân đội Việt Nam Cộng hòa Lê Văn Hy.

- Tạch!

Tự thấy ông trung tá giơ sung lên. Còn anh, anh bỗng hiểu rằng. Thế là cái vòng kim cô đã xuất hiện. Anh đứng thẳng, rê khẩu AK theo một chiếc máy bay. Rồi lại một chiếc khác. Anh quyết bẻ gãy chiếc vòng kim cô quái ác. Nhưng, đó là một cuộc đấu không cân sức.

Anh bị thương lần thứ hai. Và ông Trung tá hy sinh. Cái chết của ông là cái chết bảo toàn danh dự. Danh dự cái mà ông luôn thấp thỏm sợ bị mất.

Không không bao giờ Tự rơi vào vòng vây của hai chiếc trực thăng nữa. Nhưng chiếc vòng kim cô thì chẳng bao giờ mất. Trưa ấy nó lại đánh đai đầu anh, riết chặt, và anh có cảm giác bị thít mạnh, mắt anh phồng lồi lên và ngực anh tức thở. Từ bệnh viện, nơi ông Thống nằm, anh tạt qua nhà định bụng lấy mấy cuốn sách đem lên trường, nhưng đẩy cửa vào, anh khựng lại, chết đứng ngay tại chỗ.

Cái gác xép thiêng liêng của anh đã trở thành cái hang động của yêu ma. Lũ vụ lợi thính nhạy đã khai thác kịp thời cái thuận lợi kín đáo của cái diện tích treo ấy; trước hết, đó là nơi diễn ra những cuộc tình thô lậu sặc mùi nhục dục. Hợ đồng trao đổi, hùn vốn kinh doanh cả ủng cao su và xác thịt đã được ả đàn bà và tên đàn ông ký kết. Xuyến đã quá mù ra mưa, chẳng còn sợ điều tiếng, lại mê mẩn vì lời lãi. Quỳnh thì máu tham bốc, quen thói tận dụng tận hưởng tới cùng tình huống có lợi.

- Sao cái hồi mới đến, mặt trơ trán bóng, ghét thế không biết!

- Thì mình cũng sành, cũng đá chứ dễ kém!

- Không thế thì ăn tươi nuốt sống người ta ấy à. Cái mặt này là khiếp lắm!

- Thế có để ý một câu nói anh nói hôm ấy không: mình sống với nhau bằng tình bằng nghĩa. Đấy!

- Ái đau!

- Anh yêu mà!

- Nó về bây giờ thì nó chém cả đôi.

- Anh cóc vợ. Chết chém chết cả đôi. Cả hai thân xác chúng ta trần truồng dính liền nhau như một.

- Hí hí...

Tự tự hỏi rằng đây là thực hay là sự dâm đãng bỉ ổi được hình tượng hóa qua trí tưởng tượng, rồi lại khúc xạ qua giấc mơ của anh. Đời người, nếu không tránh được, thì cũng chỉ nên một lần chứng kiến cảnh đồi bại này. Một lần bị máy bay trực thăng giặc quần đảo vây bắt. Một lần bị trở thành cái bung sung chịu sai khiến, đọa đầy của thói trả thù tiền sử. Một lần mục sở thị trò đnh tháo và vu cáo đê tiện kinh người. Một lần đủ để bại liệt, cấm khẩu, đủ để nhớ cả dời.

- Chú Tự ơi, chú mê gì thế?

- Chú Tự ơi, sao chú lại khóc? Chú tỉnh dậy đi. Cháu bóc cam chú ăn nhé!

Tự he hé mắt, ngác ngơ. Anh đang ở đâu? Hai khuôn mặt phụ nữ, một đứng tuổi quen quen, một thiếu nữ non tơ là lạ. Không phải Xuyến. Xuyến đang ăn nằm với thằng Quỳnh trên cái gác xép tháp ngà, vương quốc tự do của anh. Cái gác xép bây giờ là hang thú, là vương quốc của tình dục.

- Chú đừng khóc nữa, chú Tự.

- Chú ăn cam nhé, chú ơi.

Tự khíp mắt, lắc đảo mái đầu phờ phạc. Tóc cũng mệt mỏi theo người. Tóc không còn mượt. Tóc khô cằn, bạc phếch hai bên thái dương và sắp lan cả ra khắp đầu rồi. Có một hồi, mới có mấy sợi bạc, Xuyến đòi nhổ bằng được. Có hôm, anh cầm cái cặp bìa đi ra cửa lên trường, Xuyến bỗng gọi giật lại. “Khoan đã, em bảo cái này”. Xuyến chạy ra, vít cổ anh xuống, vạch vạch đỉnh đầu anh, rồi sựt một tiếng êm nhẹ “Trông cái tóc bạc mà chán! Không thấy ngứa à!”. Tự cười sung sướng. Ôi dà, bận chết đi được.

Tự bận lắm. Học sinh kém yêu cầu phụ đạo. Học sinh giỏi yêu cầu dạy mở rộng, nâng cao thêm trình độ. Cuối năm rồi phải chạy thi với thời gian. Anh chạy theo cái hàng lang. Ở căn buồng đầu tiên, Thuật đang dạy toán, anh liếc vào. Quái, sao đang giờ dạy mà trên bục lại có hai con chó đang đi tơ với nhau. Anh quát: “Thuật! Nhà trường là thánh đường. Không được nham nh thế!”. Rồi anh rảo bước.

“Không khéo mình mê!”. Tự nghĩ. Đứng trên bục nhìn lướt qua mấy chục gương mặt học trò, anh bỗng giật mình. Lao thẳng tới cuối lớp, anh nghiến răng:

- Tuẫn! Ai cho cậu vào lớp?

Thằng Tuẫn thật. Nó nhe những chiếc răng nhọn như răng Thuật, nói như đấm từng chữ:

- Tôi đến để khen thầy. Chính tôi đã viết cái câu “Đời là một vại dưa muối hỏng” lên bảng để thử thách thầy, xem ra, thầy trả lời vững quan điểm đấy!

- Này, bước ngay ra khỏi lớp. Ở đây, tôi là người có quyền cao nhất.

- Thế thì thầy nhầm. Tôi ở lại đây để làm nhiệm vụ bảo vệ chế độ.

- Nếu thế thì cậu ở lại, tôi đi.

Tự ôm cái cặp bìa đi ra cửa. Thà rằng đi dạy tư. Chứ nhất định không đánh mất quyền tự do và tỏa sáng của ông thầy. Anh gõ trán, nhớ ra một cái địa chỉ cắm cúi đi.

Xe đạp bán rồi, giờ mới thấy thành phố này là dài rộng. Phố Dân Chủ ở phía Tây Nam. Đó là một phố lớn mới lập và toàn biệt thự riêng, hai ba tầng, ốp đá rửa, mỗi cái một cá tính, cái kín đáo, cái cởi mở, cái trầm mặc, cái tươi vui. Trông những tòa biệt thự như thế này mà còn nói dân mình đói khổ thì đúng là bôi đen xã hội.

Số nhà 21 là một biệt thự kiểu Tây. Có vườn hoa, cổng sắt nặng nề. Nghe tiếng chuông điện, một ông lão đeo tạp dề, đi ủng, đang quét lối đi rải sỏi, ra cổng, mở cái lỗ cửa trổ trên nóc cánh cửa bên phải, nheo mắt ngó ra.

- Tôi là thầy giáo dạy văn cấp trung học. Có người giới thiệu tôi đến đây dạy thêm cho hai lệnh ái của ông chủ, bà chủ.

- A, hóa ra anh cũng đi làm thêm như tôi. Tôi là bác sĩ về hưu rồi, tôi đến đây phụ trách công tác vệ sinh môi trường. Thật là đúng ngành, đúng nghề. Chẳng có gì đáng phàn nàn nữa. - ông già cười.

Tự thấy cay cay sống mũi. Định quay ra thì nữ chủ nhân biệt thự đã từ tiền sảnh tha thướt bước lại. Tự dụi mắt. Quái! Diễn viên cải lương hay là bà chị dâu của anh, nữ nhân viên bị sa thải vì nhập nhèm tiền công quỹ ở Intershop? Hóa ra hai vai nhập một. Bà chị dâu quay lại sau, vẫy một người đàn ông mặc comlê màu kiến vống tay đang cầm mấy cuộn tranh lụa.

- Mình ơi, thầy giáo dạy thêm cho Minh Tơ, Minh Nhẫn đến dây rồi! Tưởng ai, hóa ra là chú Tự nhà mình.

- A, cậu Tự! Mấy năm trước nghe đài, báo ca ngợi thầy Tự dạy văn giỏi, đã ngờ ngợ rồi.

- Anh chị đổi nhà từ bao giờ?

- Thế này, chú Tự ạ. - Người đàn bà cầm cái quạt lông phẩy mặt chiếc đôn sứ đầu voi, mời Tự ngồi, dẻo kẹo: - Hồi chia gia tài, chú nhận cái thư viện của ông mà chú hay nói đùa nó là cây khế ấy, hóa ra lại là khôn. Chú nổi danh như cồn là nhờ... sách. Còn anh chị, hóa ra xúi quẩy. Cái nhà của ông, ông ăn hết lộc rồi. Thất bát, lụn bại liên tịch. Bốn năm ông thầy bói đều bảo vậy. Thế là đành chịu tội với ông cha, rứt ruột bán đi. Rồi giật gấu vá vai, vay vỏ thêm, mua đất, xây cất tòa nhà này. Còn chú thế nào? Có khát nước không, để chị lấy?

- Vẫn vậy, cây khế ra quả, nhưng ít thôi.

- Ấy ăn ít mà no lâu, chú ạ.

Người đàn ông đặt mấy cuộn lụa nhỏ xuống mặt bàn, ngả lưng vào chiếc phôtơi nệm bọc da.

- Nghe nói giáo viên giỏi được thưởng nhiều lắm. Sao mà ăn mặc như thằng xích lô thế?

- Cái ông này ăn với nói!

- Bà không biết tính anh em chúng tôi. Chủ nghĩa Mác là vạch toạc móng heo ra. Hề hề... nói đùa vậy thôi. Tự này, tranh thủ ngay trước khi vào việc chính. Cậu có con mắt nghệ thuật xem hộ anh. Mấy bức lụa này anh mua liều ở Triền lãm Hội chợ, đem đi Paris liệu có ăn không?

- Ăn gì?

- Ăn tiền chứ còn ăn gì.

Người đàn hà quay lại, nguýt nhẹ chồng:

- Lại nhờ bà T.S bán chắc?

- Nhờ thì dã sao!

- Chú Tự có biết bà T.S không? - Người đàn bà lên giọng sành sỏi - Trước đây cả dòng họ khinh ghét bà ấy. Vì bà ấy là me Tây bỏ nước theo chồng sang Tây.

- Ôi dào, hẹp hòi, cổ hủ đệ nhất là dân mình. Me Tây thì đã sao! Lẽ ra phải noi theo những con người phá cách ấy chứ. Rõ vật thì khinh, hình thì trọng chưa!

- Ai người ta khinh bà ấy!

- À là nói cái dân mình ấy chứ.

Tự sốt ruột:

- Thôi, hai cháu đâu để em xem sức học của chúng thế nào.

- Sáng nay chúng nó đi học nhảy rồi. Thôi, thế này, chú Tự. Hôm nay ta hãy cứ bàn...

- Giá cả! - Người dàn bà tranh lời người đàn ông.

Tự gật:

- Được! Thế ông chủ, bà chủ định trả bao nhiêu?

Người đàn bà toe toét:

- Cái chú này! Chủ khách cái gì mà phân biệt thế.

Người đàn ông nghiêm mặt:

- Tục ngữ Pháp có câu rất hay: Cái trả được bằng tiền thì là rẻ nhất. Chú Tự đừng ngại. Cứ sòng phẳng, thuận mua vừa bán. Anh đi quốc tế nhiều, anh muốn quan hệ chúng mình hiện đại như thế.

- Thế, hả?

- Ừ.

- Vậy thì thế này... mỗi chương một chỉ vàng.

- Ôi trời!

- Một quả khế một cục vàng. Kiến thức mà chị!

Người đàn ông đứng bật dậy, sừng sộ:

- Kiến thức là cái mẹ gì mà mắc thế. Thế thì vái cả nón ông. Mời ông đi ngay cho!

- Này, ăn nói cho tử tế nhé.

- Mày là cái gì mà ông phải ăn nói tử tế.

Người đàn bà đẩy chồng ra, đập chân đành đạch:

- Ơ kìa cái ông này, cán bộ ngoại giao gì mà hổ mang hổ lửa thế. Chú Tự ơi, chị xin lỗi chú. Thôi thì cái việc dạy các cháu học, ta bỏ đấy đã. Nói là nói thế thôi, chứ hai cháu của chú lẽ nào chú tính giá cao như người ta. Gì thì cũng phải rẻ hơn mấy giá chứ. Nhưng thôi, chị bàn với chú việc khác cơ. Thế này, chú Tự ạ. Anh lại sắp đi Ba di. Ngặt cái, phờ răng anh không dư dật như đôla, như mác. Nghe vợ Quỳnh nói, chú quen cô Trình khoèo hàng xóm, có ngườiở nước ngoài vẫn hay gửi ngoại tệ về cho... Ơ kìa, chú Tự, khoan hẵng đi nào! Kìa ông! Rót nước mời chú ấy đi. Chú Tự ơi, sao chú lại bỏ đi thế, chú Tự... Chú Tự ơi...

- A. Chú tỉnh rồi!

- Chú Tự ơi.

Một giây tĩnh lặng chợt hiện ra giữa náo động bộn bề.

Lặng lẽ, hai con mắt Tự như hai cái lá héo lừ từ dãn ra tươi thắm dưới hai hồ nước trong veo.

Nhận thức đầu tiên là về mình. Anh thấy tất cả các khớp tay, chân, gối, cổ mỏi rời. Rồi mùi cồn, mùi ête, mùi thuốc đỏ hăng hắc, khài khài cùng mùi rệp hôi sặc ập vào khứu giác anh. Thoáng qua như một nỗi nhớ vấn vương, vị nước cơm ngon ngọt hiền lành, từ đâu hiện về rồi biến mất, nhưng dư vị còn lưu lại mơ mơ hồ hồ trên mặt lưỡi anh.

Ngước mắt, anh nhìn thấy mảnh trần nhà long lở, vữa đã rơi, hở cả một lớp tre làm cốt, thẳng góc với mặt anh. Lảng mắt xuống bờ tường vôi, da mặt anh bỗng nổi gai vì cái đường mối đắp xù xì ngoằn ngoèo từ chân tường đã lên tới trần nhà. Tất cả đều tồi tàn, đều lồ lộ, dấu vết của thói tắc trách và sự khinh miệt. Anh nằm trên một manh chiếu vừa rách nát, vừa ngắn, không rải kín được cái giát tre. Anh nằm trên một cái khung sắt hàn dối, han rỉ và rỗ nhằng nhịt. Chiếc màn đã được một bàn tay nào tháo hai đầu dây, cuộn tròn sát bờ tường phía đầu anh. Màn ám khói, bở mục, mặc dù đã cuộn, vẫn không giấu dược mấy chỗ rách buộc túm bằng sợi lạt.

Nếu như không nhìn thấy một nải chuối, mấy nẹp trứng, dăm hộp sữa và những quả cam chồng chất trên cái bàn nhỏ bên trái anh, những vật mọn nhưng tỏa niềm ưu ái lớn lao; nhất là không nhìn thấy một gương mặt phụ nữ quen quen và một gương một thiếu nữ chưa từng gặp nhưng không hẳn là xa lạ, cùng tỏa xuống một niềm thương mến thiết tha, thì anh đã khóc vì tủi phận. Những khi đau yếu, anh như con trẻ, hay tủi thân lắm.

- Chú Tự! Chú đỡ rồi, tôi mừng quá. Bác sĩ bảo, chú bị cảm rồi sốt rét tái phát. Sức chú kém lắm. Khổ, rộc rạc cả người. Bốn hôm nay chú chăng ăn gì rồi. Quyên à, cháu hâm lại nồi cháo hộ cô đi.

Người phụ nữ nói, đặt tấm khăn mặt gấp tư mát rượi lên trán Tự, quay đi, ắng lặng.

- Khổ! Còn nóng lắm! Cố mà ăn cho có hơi cốc thì mới đỡ mệt, chú Tự ạ.

Có tiếng lửa bếp dầu bốc phần phật. Và lát sau, lục bục tiếng bong bóng cháo nổi phập phồng.

- Cô Lụa ơi, cháu đập trứng vào bát nhé.

- Để cô làm cho.

Người phụ nữ định đứng dậy. Nhưng Tự đã quờ tay và lắc đầu ra hiệu đừng làm vội. Cô bé tên là Quyên bước lại, đứng sau người phụ nữ

- Cháo cháu Quyên nó nấu ngon lắm, chú cố ăn một tí nhé!

- Cháu nấu bằng gạo quê cháu mang lên đấy, chú ạ.

- Chú ăn đi cho cháu nó mừng. Khổ! Không hiểu năm nay là năm gì mà vận hạn nhiều thế. Trường thì nhỏ mà sau ông Thống là chú, hôm qua người ta lại đưa thầy Thuật vào. Ông Thống tỉnh rồi, nhưng vẫn chưa nói được. Hôm qua cháu Quyên nó hỏi: Bố có nhận ra con không, thì thấy ông lão gật đầu.

- Chú Tự ạ, chú vào viện hôm trước thì hôm sau cháu nhận được điện, cháu lên với bố cháu. Cháu không ngờ, thể là một lúc cháu được săn sóc cả bố cháu và chú. Cháu bóc cam chú ăn nhé!

- Ừ, cháu bóc cam đi. Cô đi mua phích nước sôi để tí nữa pha sữa cho bố cháu và chú Tự nhé.

Người phụ nữ đứng dậy, xách cái phích đi. Cô bé Quyên cầm quả cam, ngồi vào chiếc ghế sát giường Tự. Thốt nhiên, Tự quay đi, chớp chớp mắt. Anh cố giữ để khỏi phải khóc và khi cô bé nọ đưa tay sờ tấm khăn ướt trên trán anh thì anh quờ tay nắm lấy cổ tay nó:

- Cháu... cháu Quyên.

- Cháu đây, chú Tự ạ. Cháu là con bố Thống. Còn cô Lụa, chú nhận được không?

Tự khép mắt, gật đầu, mấp máy đôi môi khô nẻ.

Anh nhận được rồi. Người xa lạ, nhìn bằng mắt. Người gần g trong tâm tưởng, nhận biết bằng suy cảm. Cô bé con gái út ông Thống, nỗi khắc khoải của tuổi già người cha. Với Tự, nó là một âu lo anh phải chia xẻ, một trách nhiệm anh phải gánh vác, đỡ đần. Và bây giờ, nó, cái tuổi mười sáu trong trẻo kia, hai con mắt đằm thắm, thông tụệ, từng dáng nét, cử chỉ thấp thoáng cái thần thái của ông Thống kia, nó, chính nó đang mang lời giải đáp vô cùng hệ trọng mà anh đang ngóng đợi bồn chồn.

Anh nằm trở lại thế thăng bằng. Trìu mến nhìn cô bé, vã bất thần, như một hơi gió lạnh, giọng nói yếu ớt, thấm nhiễm sợ hãi của anh trượt qua hai vành môi mất máu của anh.

- Quyên ơi, cháu… thi thế nào?

Câu hỏi tựa như vô tình buột ra, không kiểm soát được. Và bây giờ là cực điểm của hoang mang. Anh nằm như một xác chết. Và có lẽ anh sẽ cứ thế mà thỉu dần đi mất. Cuộc sống rất sẵn các điều buồn phiền.

Nhưng, anh đã thoát một hơi thở rất dài và buông bàn tay nóng khô ra khỏi cổ tay mát lịm của cô hé. Một luồng gió tươi mát vừa tạt vào mặt cùng với cái thông điệp dịu dàng lọt ra từ đôi môi tươi hồng của em:

- Chú ơi, cháu đỗ rồi chú ạ.

Tự ngước lên trần nhà, đối mặt với chỗ vữa lở lói, hai mắt im phắc, và lát sau, không gì ngăn cản nổi, nước mắt anh tràn qua hai bờ mi như mưa lũ, đầm đìa dội ướt hai bên má.

Quyên ơi, thế là cháu không thua cuộc! Thế là bố cháu đã đứng lên được! Cuộc đời này, dẫu có là mụ dì ghẻ như bố cháu vẫn kêu than, thì cũng có cách để sống, để chiến thắng! Lhế nào để báo tin này cho bố cháu biết? Không nói được, nhưng khả năng nhận biết vẫn còn thì không lo! Và như vậy sẽ diễn ra một sự cải tử hoàn sinh của bố cháu đấy, cháu ơi! Đời cháu còn dài. Còn lắm gian truân. Nhưng, như vậy là chúng ta lại có một cái đà mới. Đấy, từ nãy đến giờ cháu có thấy là chú khỏe hẳn ra chưa? Thế đấy, cháu ơi, chúng ta sống, người nọ vang hưởng cái âm điệu cuộc sống của người kia. Cháu xem, cái bệnh viện điều trị cho bố cháu và chú, những người không đến nỗi vô ích cho xã hội, có khác gì cái nhà thương bố thí, làm phúc không? Nhưng, không hề gì. Chú đã sống trong những hoàn cảnh eo hẹp. Bố cháu cũng lăn lóc đủ cảnh rồi. Khổ sở, buồn đau nhiều phen đã tưởng là cùng cực rồi. Vậy mà chúng ta không bị đánh quỵ. Ấy là vì ta tự hào, vì hồn ta thơm ngát và tự do.

Tự ngửa bàn tay để cô bé đặt vào đó những múi cam hồng mọng.

- Chú Tự ơi, chú phải ăn thật nhiều cơ. Đó là trách nhiệm cháu phải thực hiện đấy. Chú có biết ai giao trách nhiệm đó cho cháu không? Các anh chị học sinh của chú đấy. Hàng mấy trăm anh chị cơ. Họ đến từng đoàn. Đoàn nào cũng nhờ cháu săn sóc chú. Có một em gái hôm nào cũng đến. Chú mê man, nó khóc thút thít hàng giờ. Nó bảo nó là con gái chú. Sao cháu không thấy cô đến thăm chú, hả chú Tự!

Tự xoay nghiêng người, giấu một cái nhói giật đau nhức lên tận đỉnh dầu. Người phụ nữ xách cái phích đầy nước về, dừng lại ở cửa. Ngoài hành lang rộn tiếng dép. Lao xao tiếng nhiều em trai, em gái. Rồi tiếp đó là giọng nói vang khỏe của Cầm, tiếng nói khoan thai, đĩnh đạc của Dương.

- Đồng chí Thuật. giáo viên trường trung học số 5, nằm ở đâu nhỉ, đồng chí hộ lý?

- Thuật bị tâm thần mới nhập viện ấy mà, cô.

- Khoa thần kinh ở dãy B ạ.

- Kế hoạch thế này được không, anh Cẩm. Ta đến chỗ cậu Tự, sau đó cùng sang thăm ông Thống. Ơ kìa, chị Cẩm! Chị vẫn ở đây suốt từ hôm ấy? Xét một cách toàn diện, chuyện này thật không khác gì chuyện Dương Lễ nhờ nàng Châu Long đi nuôi chàng Lưu Bình bạn cũ biếng nhác ăn học nên người vậy. Thôi, cũng là vì nghĩa lớn, chị ạ.

Dương và Cẩm đã bước vào cửa buồng. Nhưng Cẩm còn dừng lại, quay mặt theo dọc hành lang, hất hất tay, oang oang:

- Các em học sinh chờ một lát. Để tôi và thầy bí thư thăm thầy Tự xong, các em hãy vào. Trật tự nhé. Thế... thế.. Như thế là rất tốt!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx