sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18

Kha nói:

- Ông Thống hôm qua xuất viện, về quê rồi Tự ạ. Vẫn chưa nói được. Nhưng, nhiệm vụ cứu chữa của cái bệnh viện dành cho hạng người xoàng như chúng ta đến đây là hết. Tuỵ vậy, theo tớ nghĩ, vẫn còn có thể hy vọng. Đông y có cái huyền bí của nó. Có thể, đời sống tâm linh con người vẫn còn là vùng chứa đầy bí ẩn.

Ngừng một lúc, Kha tiếp:

- Theo mình đoán, ông Thống bị sốc mạnh. Mình có một ông chú. Một đêm ra sân đi tiểu. Mới kịp thét lên một liếng “Ma!” đã lăn ra bất tỉnh vã cấm khẩu luôn từ đó.

Tự gập xong cái màn võng tôm, ngồi ống giường, rùng mình. Cảm nhận của Kha tinh vi, sâu sắc. Một lần nữa, Kha lại diễn đạt hộ Tự một ý nghĩ mà Tự đang nung nấu.

Buồn thay, cuộc sống chẳng lẽ là một bà mẹ ghẻ, một vại dưa muối hỏng, lại còn đầy ma quái.

- Thôi, đứng dậy, xuống văn phòng trả chăn màn và thanh toán viện phí đi. Tự! Tớ có đến nhà, nhưng cái Hoạt đi chợ với mẹ nó rồi. Tớ sẽ nhắn nó sau vậy. Thôi, đi nhanh, kẻo nắng!

Tự vẫn ngồi im.

Lá thư thứ ba không thể ngờ lại trở thành cái cớ ngụy tạo cho cuộc vỗ nợ ái ân ra cái điều vô cùng đoan chính của Xuyến.

Lại cũng là dịp may trời sai quỷ khiến để Cẩm thực hiện trò ném đá giấu tay, thanh toán một kẻ thù vô cùng nguy hiểm của y. Với Dương, lá thư là một bằng chứng cực kỳ giá trị cho bản luận tội đã viết sẵn của ông. Tên bạch vệ thế là đã lộ toẹt mặt - đúng như ông vẫn ngầm phán định - ông tài thật như thần. Hai cái dục vọng thấp kém gặp một thói chuyên quyền tầm thường. Cả ba chung sức khai thác một cơ hội, hợp lực chơi đòn hội chợ. Tự làm sao mà không qụy!

Lá thư, sợi thòng lọng, quàng vào cổ Tự, cái ngõ cụt của đời anh. Nhưng, lá thư cũng lại là liều thuốc trợ sức cho Tự. Thế là, trong cuộc sống, anh đã nghe được một lời đồng vọng. Anh không cô đơn. Lòng anh, không ngờ lại có cả dấu hiệu một buổi sáng đẹp trời.

Kha có biết những sự việc đã xảy ra và tâm trạng Tự lúc này? Có lẽ là

Lật manh chiếu rách, ngó xuống gầm giường kiểm tra một lần nữa, xem Tự còn để quên gì không. Kha mới vòng hai tay ôm cả đống chăn màn, đứng lên.

- He he... Hóa ra là gặp anh chàng nhà báo kiêm văn sĩ ở đây.

Nghe như tiếng Thuật. Kha vội đặt ôm chăn màn của Tự xuống giường, quay lại. Thuật vừa từ ngoài cửa, lộp khộp đôi giày đá bóng buộc dây gai, chạy tới, đập khe khẽ vào vai Kha:

- Này, bỏ nhau đi lúc này là không nên đâu nhé. Bộ ông định bán rẻ thằng này cho Hítle, Pôn Pốt, Xômôsa, Chun Đô Hoan? Thôi, thôi, đừng thế!

Kha xua xua hai hàn tay:

- Thuật này, mình...

- Không không! Lỗi là ở mình. Tại sao mình lại ly khai các cậu nhỉ? Ôi, cái gác xép. Một thời trẻ dại một đi không trở lại. Tớ đã đánh mất tất cả rồi, Kha ơi, Tự ơi. Thương tớ với. Cho tớ trở về với các cậu đi. Ta sẽ sống lại với nhau, cái gác xép, vương quốc tự do, hang động trốn lẩn.

Kha đứng dịch lại, che chắn cho Tự. Anh nhận ra Thuật đã trượt hẳn sang trạng thái tâm thần rồi. Mắt Thuật choắt choeo, hai con mắt phồng lồi như mắt người thắt cổ, và đã thất lạc hết ý thức.

- Thuật à, hôm qua mình rẽ vào thăm ông. Nhưng cô y tá trực nhất định không cho vào.

- He! Thiên thần đáo để của tôi đấy!

- Ừ, thiên thần đáo để bảo: đang là giờ làm thuốc!

- He! Thiên thần mà cũng nói vậy. Hư hỏng hết cả rồi. Thuốc không có. Nếu có thì chỉ là thuốc rởm thôi.

Lui lại một bước, bụng Thuật thót lại và lưng anh cong như lưng của người gù; toàn bộ sự thiểu não và bệ rạc của anh thế là đã hiện lên trọn vẹn:

- Nhà báo kiêm văn nghệ sĩ ơi! Đừng tin gì hết. La Phôngten và lôgic đều sai bét và bịp bợm cả! Bệnh viện cũng hành hạ con người độc ác không kém gì phòng thẩm vấn của công an. Nhưng mà không phải tớ điên đâu nhé. Mẹ sư con vợ tớ chứ! Nó mà còn nói tớ điên thì tớ sẽ bóp cổ nó. Mẹ cha thằng Cẩm, nó chẹn quả đấm vào cổ tớ. Hiệu trưởng gì nó. Nó và thằng Dương phải cút khỏi nghề. Ill cút, Vous cút, Nous cút. Chúng nó cút. Các anh cút. Chúng ta cút!

Ngoài cửa buồng rộn rã mấy tiếng guốc cao gót. Một cô hộ lý chút chít như một cô búp bê, chón vón trên dôi guốc cao vời, bước vào:

- Anh Thuật ơi, nghe em bảo cái này.

- Thiên thần đáo để hả? Thiên thần cũng cút.

- Anh bảo cút cái gì.

- Cút ra khỏi đây. Bệnh viện phải ra bệnh viện. Bệnh nhân phải ra bệnh nhân. Giường ra giường. Chó ra chó.

- Anh nói kỳ vậy?

- Này, Thuật ơi! - Kha nắm tay Thuật lắc lắc - Tớ với Tự ra đằng này một tí nhé. Mai tớ sẽ đến thăm cậu, được chưa nào?

Cô hộ lý khoác tay Thuật, ngọt ngào:

- Anh Thuật ơi, anh đi ra dằng này với em, em nói cái này hay lắm!

- Nói cái gì?

- Thì ra đằng này cái đã.

- Này. Tình yêu cao thượng hay ái tình cóc nhái, đây cũng không màng tới nhé. Đây chán tuốt. Cả người. Cả chó. Cả toán học. Cả văn chương bác học cũng như văn chương cống rãnh. Cả tư bản lẫn vô sản. Đây chỉ mê có Tam Quốc thôi.

- Tam Quốc là cái gì, hở anh?

Thuật vằng, vượt ra khỏi vòng tay của cô hộ lý, bất đồ cười sằng sặc:

- Tam Quốc là ba cái cuốc. Mácxít là Các Mác cộng với Xíttalin. Mác Lê là một người đàn ông có râu. Nhưng không sao, không sao! Này, tôi hỏi, gia đình cô thuộc thành phần gì? Tiểu thương hay tiểu chủ?

- Bố em đạp xích-lô. Mẹ em bán cháo lòng.

- Tuyệt!

- Sao

- Em sẽ làm bệnh viện trưởng. Hé hé...

Thấy Thuật đã ra tới cửa buồng. Kha vội ôm đống chăn màn, kéo tay Tự:

- Thôi, lợi dụng lúc địch đang hưu chiến, rút nhanh. Rút nhanh về nhà mình!

Tự ôm bọc quần áo ngồi sau xe. Kha guồng đều đều, chốc chốc lại quay về phía sau:

- Tự, ăn lục tào xá không?

- Không!

- Uống chè bát bảo vậy?

- Thôi!

- Nghe giọng nói của cậu, thấy còn mệt lắm.

- Ừ, hơi ra cả đằng tai. Nhưng, Kha này.

- Gì thế?

- Phải giúp Thuật. Phải giúp ông Thống. Phải cứu họ. Thuật tiêu biểu cho một kẻ bị chà đạp rồi sau đó tự mình đánh mất mình luôn

Kha gật:

- Ừ. Sẽ bàn. Nhưng, Tự này. Trước hết, mình sẽ thay ông Thống nói cho cậu hay cái điển cố vì sao người ta lại nghỉ hè vào tháng sáu. Rất thú! Chỉ bực vì… tra cứu vài chục cuốn sách mới ra, viết được hai chục dòng, định đăng báo vào mục Bạn có biết, thì cha tổng biên tập cả đời chưa hề cắp sách đến trường phổ thông kêu: phù phiếm, gạt phắt!

Tự như lơ đãng:

- Có quen biết ai ở bệnh viện tâm thần không?

- Có! - Kha ngoái lại sau. - Bác sĩ trưởng bệnh viện Tâm thần ở Y là bạn thân. Ít lâu nay vẫn hay qua lại đấy, đang định làm một diều tra. Bệnh này quái lạ. Có ca vì tức giận mà liệt tay chân, mù mắt. Có trường hợp loét dạ dày mà chữa từ tâm thể. Hôm vừa rồi ông ta đã dùng thôi miên chữa cho một bệnh nhân khỏi cái bệnh nhai luôn mồm từ mười một năm nay, nhai cả lúc ngủ, nhai đến hỏng hết cả hai hàm răng...

Vừa đạp xe, Kha vừa sôi nổi: Căn bệnh lâm thần có nguồn gốc xã hội đấy. Phải giải trừ những chấn động, những stress gây nên những xáo trộn, xô lệch cả con người! Khổ lắm! Một khu phố, chỉ cần một anh tâm thần là đủ náo loạn rồi. Còn cả nhà năm người sưng phổi ba, viêm họng hai, vẫn cứ êm.

Lòng vòng một lúc. Kha lại quay về cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Kha đang bắt đầu khai triển, nhất định sẽ tương xứng với căn buồng đẹp Kha mới có, mặc cho tổng biên tập đang rình mò, hễ thấy Kha cầm bút viết văn trong giờ, là lớn tiếng cảnh cáo. Theo quan điểm của Đốt, căn phòng đẹp, văn chương cũng sẽ đẹp, Tự ạ. Văn chương vốn tuyển chọn người đọc, nó không phải là cải lương, tivi. Đúng như thằng Thuật đã nói. Nhưng không lo. Trí thức đã đông lên vì tăng theo cơ số và tạo ra một tỷ lệ mới trong dân số. Nhất định sẽ có một chuyển biến từ lượng sang chất, chứ không phải như cái thời hai mươi năm trước đây, khi chúng ta mới ra trường..

Nhưng. đang say sưa Kha bỗng bóp tay phanh đánh két, dừng phắt xe.

- Gì thế, Tự.

Tự đã ôm bọc quần áo, nhảy xuống xe, bước lên hè bên phải đường từ lúc nào. Vỉa hè, một sạp sách chạy dài. Sách không phải là đáng ghét với cả giới thương nhân chuyên nghiệp. Sách dang trở thành một mặt hàng thu lời không kém quần bò Mỹ, áo phông Thái, giầy Tây Đức, cátsét Nhật Bản. La liệt sách mới, cũ, sách dầy sách mỏng, sách đứng, sách nằm, đủ hết các thể loại, ôm trùm gần như là toàn bộ tri thức của loài người. Tự vị, xếp theo bộ, đứng như các khối đá đúc. Tiểu thuyết cổ kim chia theo từng châu lục và các trường phái, xếp từng hàng.

Kha nhấc xe, theo Tự, lên vỉa hè.

Tự sà trên sạp sách, hai tay run lẩy bẩy, nhấc cuốn này, lại lấy tiếp cuốn khác. Bộ Larousse mới nhất. Từ điển Anh - Pháp - Đức, Từ điển Hán - Việt. Các bộ tiêu thuyết cổ điển Trung Hoa. Bộ lịch sử tư tưởng thế giới. Thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Truyện Song Tinh... Kha tựa lưng khung xe, đón một cuốn Tự đưa. Một cuốn nữa. Một cuốn nữa. Kha vội đặt xe, ngồi xuống bên Tự, lật bìa một cuốn và giật thót người. Hóa ra là vậy! Một cuốn nữa. Cũng thế! Con dấu hình bồ dục của Tùng Thiện thư viện lồ lộ trên mỗi trang bìa lót. Mặt nhợt nhạt và đầy mồ hôi, Tự thở hổn hển.

Kha chống tay lên sườn nhìn chòng chọc gã bán sách đen sì hai thẻo ria trê.

- Này ông, ông mua những cuốn sách này ở dâu?

- Điều đó anh giai cho phép thằng em này miễn giả nhời!

- Ông anh mua sách của bọn ăn cắp!

- Ấy chết! Anh giai quá lời! Thời buổi này, biết ai là kẻ cắp, ai là không?

Chống tay vào gối, đứng dậy. Tự thở dốc, loang choạng:

- Thôi, Kha ơi. Về thôi. Về nhà Kha đi!

Căn buồng nhỏ nhắn mười bốn mét vuông của Kha chỉ có một chiết giường con trải chiếu rách làm nhiệm vụ cái giá sách. Một góc buồng là cái bàn viết kết cấu từ hai chiếc hòm xà phòng chồng lên nhau. Một bàn bề bộn giấy lộn, giấy trắng, cuộc sinh nở của văn chương thật cực nhọc, khốn khổ. Đối diện cái bếp núc văn chương ấy là cái bếp nấu ăn hàng ngày, luộm thuộm và đơn giản, lộ rõ dấu vết của lối sống độc thân và phóng tâm coi nhẹ mọi sự dời.

Ngồi xuống cái chiếu trải trên nền nhà, cạnh bàn văn của Kha, Tự đưa mắt mệt mỏi nhìn bốn bức tường trống

- Vợ đâu?

Kha xòe diêm, châm lửa vào sáu ngọn bấc bếp dầu, lé mặt tránh khói:

- Bay đi Đức rồi!

- Sao?

- Lao động xuất khẩu! Chủ nghĩa đến hay. Nó che đậy được cái cần giấu giếm. Lao động trờ thành hàng hóa đích thực. Thế mà còn mất bao công sức hội thảo: nó là cái gì nhỉ? Nhưng, còn một khía cạnh nữa: Chia tay nhau khi đã hết cả hơi sức để dằn vặt người thân. Vừa rồi, cô ấy viết thư về: “Anh Kha! Nhìn những người cùng di, em giật mình: tất cả lũ chỉ có một mục đích là... tiền! Em khóc cả đêm”.

Tự co ro:

- Sao dữ dội thế! Khắp nơi, chỗ nào cũng chấn thương!

Kha dụi mắt:

- Gần năm tỉ người trên trái đất, được bao nhiêu người sung sướng. Ngôi trường con con của cậu, chỉ một kỳ thi, mấy người gục ngã?

Tự lật bật đôi môi khô xác:

- Kha ạ, phải giúp Thuật và ông Thống. Thuật, mình tiếc và thương hơn là giận nó.

- Mình sẽ

- Một lần nó cứ xấn xổ đoán hậu vận cho mình, nó bảo, không ai lẩn trốn được, ai cũng phải lãnh đủ số phận của mình. Nó bảo mình: sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Còn nó, sao hoá kỵ cư ở mệnh... Thế là nó mất cái đầu rồi.

- Nói gì thế. Tự?

- Thuật mất đầu rồi. Cái đầu của nó bằng đầu hai ông tiến sĩ cộng lại.

- Tự! Mê đấy à!

Tự nhoài xuống mặt chiếu, hai mắt lờ đờ, giọng mờ mờ xa xăm:

- Mệt quá… Kha... Kha à. Mười đêm mất ngủ rồi, kể từ hôm Dương đến...

Kha đặt đầu Tự lên chiếc gối mềm. Rón rén đi ra ngoài, lát sau Kha nhón từng bước chân trở vào, tay xách xô nước, rồi nhấc siêu nước sôi, nín từng hơi thở nhẹ và ghé thật sát vòi siêu nước vào miệng ấm chè.

Lặng yên cho Tự ngủ.

Lặng yên để Tự thoát ra khỏi nỗi u buồn. Lặng yên để Tự đi vào vòng quên lãng.

Tự nằm nghiêng, hai mắt nhắm nghiền. Mái tóc mềm, bạc phếch ôm một khuôn mặt hóp hép như mặt một ông già. Chân gập, hai bàn tay gầy gùa kẹp giữa hai đầu gối nổi u, co quắp như đứa trẻ ốm yếu ngủ trong cảnh thiếu chăn ấm. Kha tìm mảnh chăn đơn, rũ rộng, đặt lên người Tự, chợt quay đi vì kinh sợ. Tự ơi, lẽ nào đây là hình xác một con người đẹp nhất mà Kha tìm thấy ở cõi đời này?

Tự ơi! Lẽ nào số mệnh lại chơi khăm như vậy với Tự? Lẽ nào đời Tự lại truân chuyên, hẩm hiu, trầy trật vậy? Tự ơi, đời Tự, cái ẩn ngữ kỳ lạ trong ngữ pháp văn chương, đến bao giờ mới được đời thấu hiểu. Và bây giờ, chẳng lẽ... thế là hết? Tự đây, kẻ tuẫn nạn của một sở nguyền, tin cậy? Bị bạc đãi. Bị khinh rẻ. Bị đầy đọa. Bị ruồng rẫy. Bị chà đạp. Bị vây bủa bốn bề. Bị phản bội. Bị vu cáo. Bị tước đoạt. Bị cướp bóc mất hết. Tiền tài không. Quyền lực không. Một chốn yên thân không. Rồi đây một chỗ đứng trên bục giảng cũng không nốt. Chút ao ước định danh, cũng không được chấp nhận. Bị chặn các ngả dường. Bị bít các lối thoát. Có cuộc hãm hại nào triệt để đến thế! Nỗi đau này là nỗi đau nhân thế. Nỗi đau này là nỗi đau tâm thể sâu xa. Nỗi đau này có thể làm mất nhân tính. Nỗi đau này có thể làm mất lương tri. Nỗi đau này kinh động quỷ thần, nhân tâm. Nỗi đau này là nỗi nhục trần ai!

Kha run hết chân tay. Kha trào nước mắt.

Nhưng, Kha đã từ từ đứng lên, bồi hồi nghẹn đắng. Tự vừa thức dậy. Khuôn mặt Tự vừa mở ra một vùng tâm thái tĩnh tại, đầm ấm và nhân hậu biết bao nhiêu.

- Uống chè nhé, Tự. Ngủ được độ ba mươi phút. Tốt quá! Tốt lắm!

Kha lập cập. Chưa bao giờ Kha lập cập vì cảm động, sung sướng như thế cả. Nhưng, nhìn bàn tay Tự chìa ra đón ca nước chè xanh mét màu lá héo, Kha lại rưng rưng:

- Tự này,ớ cái hôm ở trên gác xép cậu nói về Nguyễn Du, qua Độc tiểu thanh ký. Thi sĩ đâu có buồn. Đội ngũ những người tài dẫu thế nào cũng vẫn cứ điệp điệp trùng trùng. Rủi ro họ chấp nhận. Những phường giá áo túi cơm có đổi cái may của chúng cho họ, họ cũng chẳng them. Lúc đó, cậu định dẫn một câu thơ. Câu gì thế? Lần trước, ở quán nước chè lão chủ quán đầu mốc, mình cũng đã hỏi. Còn nhớ không?

Tự đặt ca nước chè xuống mặt chiếu, nén một cơn ho bệnh tật:

- Phong vận kỳ oan khách tự cư. Cái oan của người phong nhã do chính người đó gây ra, chuốc lấy.

Kha kêu thảng thốt:

- Trời! Một nghịch lý vĩ đại!

- Một nghịch lý!

Tự nhếch khóe môi, chua chát như chính cái nghịch lý vĩ đại ấy. Kẻ xấu thịnh đạt, người tốt ôm hận và chỉ biết trách mình. Cuộc tình dang dở. Bữa tiệc dang dở. Cuốn sách để lầm chỗ. Cũng chỉ là do mình. Một lối giải thích ngược đời. Một cách hành xử yếm thế vô cùng tội nghiệp.

Kha nhìn Tự, săn đón:

- Tự ơi, nhưng, tại sao lại có nghịch lý ấy?

Tự bơ phờ:

- Mình mệt quá, Kha ạ. Mình muốn đi ng

- Cậu cần phải nghỉ dưỡng sức một thời gian.

- Kha à! Một lần, thằng Thuật xem tử vi... Nó bảo: mình là một đám cưới không thành... Đúng! Nhưng, có đám cưới không có giấy giá thú chứ!

Kha bật dậy:

- Tự, cậu nói cái gì thế?

Tự đứng lên, bước xiêu vẹo đi đến giường, nhấc bọc quần áo, quay lại, như bất chợt:

- Sao? Lạ à? Khi tôi yêu, tôi có quyền. Không một kẻ nào được quyền ngăn cản cuộc hôn phối của tôi. Tôi tự tổ chức hôn lễ cho mình.

- Nhưng mà cậu nói cái đám cưới nào?

- Cái đám cưới thằng Thuật nói là không thành ấy! Thầy quỷ cốc không thể đúng được, vì tầm nghĩ thấp lắm. Và mình nữa, mình cũng đã lầm. Mình không vượt được cái thường tình. Nguyễn Tiên Sinh, thi sĩ đâu có buồn. Dương tầm thường làm sao dám xưng tụng là đại diện cho cái đẹp. Thi nhân và lý tưởng, đó là một cuộc hôn phối của tự nhiên. Đám cưới ấy dẫu không có giấy giá thú vẫn cứ thành. Dương là con số không. Suy ra hành trình tâm hồn của mình là đi tới cuộc thành hôn này. Giống như một tình nhân yêu đắm đuối mãnh liệt người đẹp mình tôn thờ, mình bất chấp mọi thủ tục. Kha ơi! Tâm hồn mình, đó là cái giá trị của riêng mình. Dương đừng hòng hủy hoại nổi.

- Tự! - Kha kêu, sung sướng, như đứng trước một cái gì bất ngờ, quá tầm.

Tự cúi xuống, tay thọc vào túi quần áo. Ý nghĩ bỗng lại như nhảy cóc:

- Kha à, cả đời mình chưa một mùa hè nào đi nghỉ cả. Kha có biết bãi biển Thịnh Long?

Kha ngơ ngác, bước lại cạnh Tự, lấn lướt:

- Thịnh Long, bãi biển tuyệt đẹp. Năm ngoái mình đã đến đó, ở đó có một viện điều dưỡng của quân đội. Cậu phải đi nghỉ. Mình sẽ dẫn cậu đi. Tháng sáu là tháng nghỉ hè. Theo truyền thuyết Hy Lạp, tháng sáu là tháng nữ thần Duy-mông ngự trị. Bà vợ Duy-pi-te này có nhiều tính xấu: như hiếu thắng, đố kỵ, thù vặt. Nghỉ ngơi vào tháng sáu, người Hy Lạp muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của những thói tật ấy. Thế nào chúng mình cũng cùng nhau đi nghỉ nhé. Nhưng… phải nhất thiết là Thịnh Long, hở Tự?

Tự lấy từ trong bọc quần áo ra một phong thư, trở lại trạng thái hoàn toàn tỉnh táo:

- Đọc đi! Kha. Có lẽ thế hệ sau sẽ khá hơn chúng ta.

Kha đón lá thư:

- Nhưng chúng ta cũng tạo được hình ảnh của mình. Hình ảnh những nạn nhân. Hình ảnh những chú rể không có giấy hôn thú.

Kha kêu: “Một ý nghĩ tuyệt hay!” và giở lá thư.

Mười phút sau, Kha rời mắt khỏi lá thư, bàng hoàng

- Thật thú vị có một thế hệ đàn em như thế này! Chúng sẽ làm được nhiều việc có ích đấy. Chúng sẽ rất đẹp.

Nhìn Tự, thấy Tự gật đầu. Kha mới ngồi xuống và bảo Tự ngồi theo. Giọng Kha dò dè:

- Bây giờ cho chúng mình nói mấy suy nghĩ của mình nhé. Thế hệ chúng mình đẹp một lối riêng, phảng phất cái vẻ đẹp của ông cha. Chú học trò của cậu đã khơi lên một vấn đề lý thú đấy, Tự ạ. Phong vận kỳ oan khách tự cư. Cái kiểu ngẫm nghĩ sự đời này là một ví dụ. Chua cay, tự nhạo và thúc thủ, thở dài và cao ngao. Kẻ sĩ quân tử, nhà nho là thế đấy, Tự ơi. Chúng mình có tí chút hình bóng nào chung với họ không?

Kha hơi ngẩng lên. Tự khe khẽ:

- Ông cứ phát triển ý của mình di.

Kha nuốt nước bọt, cảm thấy tự chủ hơn:

- Theo mình, chúng ta chẳng phải chỉ là con cháu của người Bàn Cổ mà còn là con cháu trực tiếp của cái đẳng cấp nho sĩ rất gần gũi nữa, Tự ạ. Đẳng cấp này có một đời sống riêng, có vận mệnh khá độc đáo. Thử phân tích họ một chút nhé. Về vị trí xã hội, họ làm quan nhưng không phải là quý tộc. Họ là thầy và không phải là người lao động. Họ sống không bằng bóc lột mà bằng danh vị. Trên thực tế, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du luôn dùng dằng giữa xuất và xứ. Đời họ, khi thì hành đạo, khi thì ở ẩn. Cho đến Nguyễn Công Trứ thì đẳng cấp này thêm một lóp nhà thơ tài tử. Lớp này tự do hơn, cá nhân hơn, phong nhã hơn. Họ đa tình và thị tài. Muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo không phải vì đạo nghĩa, mà chếu là vì thị tài. Nói chung, họ là lớp người vừa khiêm tốn vừa nghênh ngang. Họ đấu tranh cho tự do, bình đẳng nhằm giữ gìn phẩm giá chứ không phải để giành lấy phẩm giá. Họ vừa lười vừa không lười, theo cái nghĩa thà chịu nhịn đói chứ không đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, nhưng siêng năng trồng cây, chăm hoa. Không bón phân bắc, phân súc vật mà tưới hoa bằng nước gạo. Thích được khen cây cam đẹp, hơn là được khen cây cam sai quả.

- Ông nói tiếp đi.

- Nói chung bản chất họ gắn với nông thôn, thích hợp với một xã hội tự nhiên, đơn giản, không phù hợp với một xã hội phát triển cao, phức tạp. Họ là kẻ bất lực ngây thơ, thiện chí mà bất lực, họ không có sức chiến đấu, hay chờ đợi dùng dằng, dễ cầu an, bối rối, phát sinh mặc cảm yếm thế.

- Thôi!

- Sao thế, Tự?

- Nhưng mà...

- Thôi! Đủ rồi. Đứng dậy, lấy xe đạp đèo tôi đi.

- Đi dâu?

Kha đứng dậy theo Tự, hơi ngơ ngác. Sao Tự đột ngột biến đổi thế. Tự vùng ra cửa, quát bất thần:

- Đừng hỏi nữa! Đi!

Ngày mỏi mòn trong nóng nôi. Mây chân trời dồn đống mung lung, lẫn lộn cảm xúc bình minh khai mở và hoàng hôn lụi tàn.

Bảo Kha đừng đợi. Tự dồn hết sức lực còn lại, leo qua cái cổng gỗ khóa vòng xích, nhảy xuống đất, bước vào sân trường.

Mới có ít ngày mà ở những đường nứt lở nơi chân tường và các bậc lên xuống thềm nhà, cỏ dại đã tua tủa đâm những chồi biếc nhọn như gai. Mờ mờ một làn rêu bạc trên mảng tường loang nước mưa tháng sáu nơi đầu hồi văn phòng nhỏ. Sân trường buồn tênh sắc lá bàng héo và phượng lặng lẽ buông những cánh hoa tàn.

Im lặng chạy suốt các hàng hiên.

Tĩnh lặng chết chóc tỏa ra từ hai vệt giấy niêm phong trắng như vôi dán chéo qua các cửa ra vào các lớp học. Ve bặt tiếng vì sợ hãi. Chỉ có tiếng rúc dè dặt của dế mèn, ngắn ngủi từng đợt giữa hoang vắng một ai khúc ly biệt.

Tự bước nhẹ nhưng không thật chân. Cảm giác xa lạ lướt qua anh rồi tan hòa. Anh thấy mình như một kẻ đi xa mới trở về. Anh như vừa qua cái mê cung hỗn độn, cái náo động nhộn nhàng, nhớ cái mãnh lực huyền bí của tình yêu tiếp sức đã trở về ngôi nhà yên ả, hiền hậu. đầy thương nhớ này. Nhà trường, lớp học, bục giảng, phấn trắng, bảng đen, mùi thơm trang vở mới, tiếng trống trường ấm áp tuổi hoa niên, rung vang nỗi bồn chồn cổ kính, mối quan hệ thầy trò, cái chức nghiệp thiêng liêng của ông thầy - bản hòa âm nơi trường ốc trang nhã và cổ điển - lại một lần nữa anh nhận ra, đó chính là âm điệu, là linh hồn sinh động vĩnh cửu, là tình yêthiên phú của đời anh.

Nhận ra mình. Tự đứng lặng.

Cho đến khi ngước lên, nhìn thấy nơi đầu hồi văn phòng, chỗ treo cái trống da quen thuộc, chỉ còn lại hai sợi dây da trâu buông hai nét vẽ ngoằn ngoèo, anh bỗng ôm chặt lấy ngực mình, và cảm thấy đã xảy ra một cơn hụt hẫng thật kinh khiếp, từ bên trong anh, khiến anh rơi vào trạng thái vừa đau đớn, vừa hoang mê.

Bây giờ, anh mới dám thú nhận với chính mình. Anh đền đây để thực hiện một cuộc chia tay lớn của đời mình.

Nhưng, chẳng lẽ anh lại có thể chia tay với mái trường thân thương này? Chẳng lẽ là anh có thể giã từ những kỷ niệm, những bóng hình thân thuộc cùng tất cả những mộng ước đẹp đẽ và lớn lao, những gì anh đã hết lòng yêu quý và tôn thờ suốt mấy chục năm qua?

Sao cuộc chia tay có vẻ bất đắc và buồn thảm quá thế, Tự ơi!

Mùa hạ đang đi những bước vội vàng. Mùa hạ đang bao bọc anh trong sắc đỏ của hoa phượng đã qua thời son trẻ. Trên cao, những vầng phượng già đỏ não đỏ nùng như nhưng vũng máu đỏ của một cuộc chiến bi thương và quyết liệt.

Hè 1988 - 1989


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx