sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương I Phẩm Giá Con Người 15*

Chương I

Phẩm Giá Con Người 15*

12. Con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm của chúng.

Vậy con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa được những khó khăn này, Giáo Hội, vì được Thiên Chúa là Ðấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người.

Thực vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng "theo hình ảnh của Thiên Chúa" có khả năng nhận biết và yêu mến Ðấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất 1 để cai trị và xử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa 2. Vì "thế nhân là chi để Ngài nhớ đến? hay con người là gì để Ngài phải bận tâm? So với thiên thần Ngài có để cho thua mấy tí. Vinh dự huy hoàng là triều thiên Ngài ban tặng. Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm, muôn sự Ngài đã đặt dưới chân" (Tv 8,5-7).

Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy "Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ" (Stk 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.

Vì thế như ta lại đọc thấy ngay trang đầu của Thánh Kinh: "Thiên Chúa đã thấy tất cả những gì Ngài đã làm đều rất tốt đẹp" (Stk 1,31).

13. Tội lỗi. Ðược Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Dù họ đã nhận biết Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa 3. Ðiều Thiên Chúa mạc khải cho ta biết cũng phù hợp với kinh nghiệm của ta. Bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Ðấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo.

Vậy trong chính con người đã có sự chia rẽ 16*. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải phóng con người và làm cho con người trở nên mạnh mẽ khi Ngài đổi mới tự nội tâm họ và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (xem Gio 12,31) là kẻ đã kìm giữ họ trong vòng nô lệ tội lỗi 4. Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn 17*.

Dưới ánh sáng mạc khải này, thiên chức cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người nghiệm thấy đều tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng.

14. Sự cấu tạo của con người. Con người duy nhất với xác hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Ðấng Tạo Hóa 5. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác. Nhưng trái lại con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng và phải được sống lại ngày sau hết. Tuy nhiên, mang thương tích do tội lỗi gây nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Vậy chính phẩm giá con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác của mình 6 chứ đừng để thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình 18*.

Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới 19*, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ 7, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa. Như vậy, khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, con người không phải là bị mê hoặc bởi một thứ ảo tưởng phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội. Trái lại, nhìn nhận như thế là con người đã đạt tới chính chân lý sâu xa.

15. Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết. Dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, con người có lý để nhận định rằng nhờ trí tuệ họ vượt trên mọi tạo vật. Qua các thời đại, nhờ chuyên cần trau dồi tài năng của mình, chính con người đã thực sự tiến bộ trong những khoa học thực nghiệm, những khoa kỹ thuật và nghệ thuật. Trong thời đại chúng ta, con người đã đạt được những thành công phi thường, nhất là trong việc khám phá và chế ngự thế giới vật chất. Tuy nhiên con người đã luôn luôn tìm kiếm và đã khám phá ra chân lý sâu xa hơn. Thực vậy, trí khôn con người không hẳn chỉ giới hạn trong những hiện tượng mà thôi, nhưng còn có thể thấu triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi.

Cuối cùng bản chất tri thức của nhân vị được kiện toàn và phải được kiện toàn nhờ sự "hiểu biết" 20*. Chính sự hiểu biết lôi kéo một cách dịu dàng tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân, là thiện. Rồi nhờ thấm nhuần sự hiểu biết mà con người được đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình.

Hơn hẳn những thế kỷ trước, thời đại chúng ta càng cần đến sự hiểu biết để tất cả những khám phá mới của con người mang tính chất nhân bản hơn. Bởi vì vận mệnh tương lai của thế giới sẽ lâm nguy, nếu thế giới không phát sinh ra những bậc thông thái lỗi lạc. Hơn nữa, phải lưu ý rằng, nhiều quốc gia tuy nghèo nàn về kinh tế, nhưng lại giàu có về phần hiểu biết, nên vẫn có thể trợ giúp những quốc gia khác rất đắc lực.

Nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần, con người, qua đức tin, tiến tới sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm Thánh ý Thiên Chúa 8.

16. Phẩm giá của lương tâm 21*. Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa 9. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ 10. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu 11. Trung thành với lương tâm, người Kitô giáo liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.

17. Sự cao cả của tự do 22*. Nhưng con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do. Sự tự do ấy những người đương thời với chúng ta rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi, và họ thực có lý. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ tự do một cách lệch lạc như có thể làm bất cứ điều gì mình thích, cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu 12, hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng. Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động. Vậy trước tòa án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình tùy theo chính họ đã làm điều thiện hay điều ác 13.

18. Mầu nhiệm sự chết. Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng của lòng mình, con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được Mạc Khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết 14; sự chết này sẽ bị đánh bại khi Ðấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vì tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Ngài trong sự thông hiệp vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết 15. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Ðồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa.

19. Những hình thức và nguyên nhân vô thần 23*. Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình. Tuy nhiên có nhiều người đương thời với chúng ta không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế thuyết vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này và cần phải được nghiên cứu kỹ càng hơn.

Danh từ vô thần chỉ những hiện tượng rất khác nhau. Thực vậy, có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa cả. Có người muốn cứu xét vấn đề về Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Có người hình dung ra cho mình một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi biểu tượng mà họ bài xích không còn điểm nào là Thiên Chúa của Phúc Âm cả. Cả vấn đề về Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh hoặc do sự phản kháng mãnh liệt chống lại sự dữ trong thế gian hoặc do nhận định sai lầm cho một số giá trị của con người là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho chính Thiên Chúa. Ngay cả nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho khó đến với Thiên Chúa hơn, không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian.

Quả thực, những người không nghe theo tiếng nói của lương tâm, cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng mình và tránh né những vấn đề tôn giáo, chắc chắn họ mắc lỗi. Song chính những tín hữu nhiều lúc cũng có một phần trách nhiệm về vấn đề này. Bởi vì chủ nghĩa vô thần nói chung không phải do một nguyên nhân duy nhất, nhưng trái lại nó phát sinh do nhiều nguyên nhân. Trong những nguyên nhân ấy còn phải kể tới phản ứng chỉ trích chống lại các tôn giáo, hơn nữa ở một vài nơi, còn chống lại cả Kitô giáo. Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo.

20. Vô thần có hệ thống. Vô thần hiện nay nhiều khi cũng được trình bày như một hệ thống; không kể tới những nguyên nhân khác, hệ thống này quá nhấn mạnh đến khát vọng được tự lập của con người đến độ làm cho nó khó chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào vào Thiên Chúa. Những người chủ trương thuyết vô thần như vậy cho rằng tự do hệ tại ở con người là chính cùng đích cho mình, là người tạo nên và điều khiển 24* lịch sử riêng của mình. Họ tưởng rằng quan niệm trên không thể đi đôi với sự nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tác thành và là cùng đích của mọi sự, hay ít ra quan niệm như thế thì quả quyết có Thiên Chúa cũng bằng thừa. Chủ thuyết này có thể được cổ võ thêm vì sự tiến triển về kỹ thuật hiện nay đem lại cho con người cảm tưởng mình đầy thế lực.

Trong số những hình thức vô thần hiện nay, không thể bỏ qua một hình thức vô thần mong giải phóng con người, nhất là giải phóng con người về phương diện kinh tế và xã hội. Hình thức vô thần này cho rằng tự bản chất, tôn giáo vẫn ngăn cản sự giải phóng trên, vì khi gây cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu và hão huyền, tôn giáo đã làm cho họ xao lãng việc xây dựng xã hội dương thế này. Bởi vậy, những người chủ trương lý thuyết ấy, một khi lên nắm chính quyền, họ kịch liệt chống lại tôn giáo, dùng cả những biện pháp cưỡng bách của chính quyền để truyền bá thuyết vô thần nhất là trong phạm vi giáo dục thanh thiếu niên.

21. Thái độ của Giáo Hội đối với chủ nghĩa vô thần. Trung thành với Thiên Chúa cũng như với con người, Giáo Hội không thể không tiếp tục lên án với nỗi đau buồn và với tất cả sự cương quyết, như đã từng lên án 16, những chủ thuyết vô thần và những hành động nguy hại đi ngược lại lý trí và kinh nghiệm chung của con người cũng như làm cho con người mất đi sự cao cả bẩm sinh của mình.

Tuy nhiên Giáo Hội vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân chối từ Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần và ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên Giáo Hội thấy cần phải cứu xét những nguyên nhân ấy kỹ lưỡng và sâu xa hơn.

Giáo Hội cho rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa: bởi vì con người có trí tuệ và tự do được Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng đặt để trong xã hội, nhưng nhất là vì con người được gọi đến thông hiệp với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh phúc của Ngài như con cái. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng hy vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy. Vả lại, nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống trường cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ vẫn không giải đáp được, như thế con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng.

Trong khi đó, mỗi người vẫn còn là một câu hỏi chưa giải đáp cho chính mình, một câu hỏi chỉ thấy lờ mờ. Bởi vì có những lúc, nhất là trong những biến cố lớn lao của cuộc sống, không ai có thể hoàn toàn tránh được câu hỏi nói trên. Chỉ một mình Thiên Chúa là Ðấng kêu gọi con người suy nghĩ sâu xa hơn và tìm hiểu khiêm tốn hơn mới đem lại được câu giải đáp hoàn toàn và hết sức chắc chắn.

Ðể đem lại phương thuốc chữa trị vô thần, người ta phải cậy nhờ vào giáo lý được trình bày một cách thích hợp và nhờ đó vào đời sống thanh khiết của Giáo Hội cũng như của các chi thể của Giáo Hội. Bởi vì nhiệm vụ của Giáo Hội là làm sao cho Thiên Chúa Cha và Chúa Con nhập thể trở nên hiện diện và như thể thấy được bằng cách chính Giáo Hội tự đổi mới và không ngừng tinh luyện chính mình 17dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ðiều đó trước hết nhờ chứng tá của một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin đã được huấn luyện để có thể sáng suốt nhận định và thắng vượt những khó khăn ấy. Rất nhiều vị tử đạo đã và còn đang hùng hồn làm chứng cho đức tin ấy. Ðức tin đó phải biểu lộ sự phong phú của mình bằng cách thấm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục, và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ. Sau hết, điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu như họ đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin Phúc Âm 18 và tỏ ra họ là dấu chỉ hiệp nhất.

Thực vậy, Giáo Hội dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được hợp lý, là nơi họ đang chung sống: điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan. Bởi vậy Giáo Hội phàn nàn về sự kỳ thị giữa những người tin và không tin do một số nhà lãnh đạo quốc gia gây ra một cách bất công khi không nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người. Riêng đối với các tín hữu, Giáo Hội đòi cho họ phải được tự do đích thực để họ có thể xây dựng đền thờ Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Ðối với những người vô thần, Giáo Hội nhân ái mời gọi họ hãy nghiên cứu Phúc Âm Chúa Kitô với một tâm hồn cởi mở.

Bởi vậy, Giáo Hội đã biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người, khi Giáo Hội bênh vực thiên chức con người và do đó đem lại niềm hy vọng cho những ai đã thất vọng về vận mạng cao cả của mình. Sứ điệp của Giáo Hội chẳng những không làm suy giảm con người mà trái lại còn đổ tràn ánh sáng, sự sống và tự do để giúp con người tiến bộ. Ngoài sứ điệp đó không còn gì khác có thể thỏa mãn được lòng người. "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con để chúng con đến với Chúa, và tâm hồn chúng con còn thao thức cho tới khi được an nghỉ trong Chúa" 19.

22. Chúa Kitô, Con Người Mới. Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến 20, là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người.

Là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Col 1,15) 21, chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt 22, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người 23, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi 24.

Là Chiên vô tội Người tự ý đổ máu ra để cho chúng ta được sống, và chính trong Người Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và hòa giải giữa chúng ta với nhau 25 cũng như đem chúng ta ra khỏi ách nô lệ của ma quỉ và tội lỗi, do đó mỗi người chúng ta đều có thể nói như Thánh Tông Ðồ rằng: Con Thiên Chúa "đã yêu thương tôi, lại hiến thân cho tôi nữa" (Gal 2,20). Chịu đau khổ cho chúng ta, không những Người nêu gương để chúng ta theo vết chân Người 26, nhưng Người còn mở ra con đường mới để nếu chúng ta theo Người thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hóa và có một ý nghĩa mới.

Con người Kitô hữu khi trở nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đúc 27, họ nhận được "những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần" (Rm 8,23), nhờ đó họ có thể chu toàn lề luật yêu thương mới 28. Nhờ Thánh Thần làm "bảo chứng cho quyền thừa tự" (Eph 1,14), toàn thể con người được canh tân từ nội tâm cho tới khi "thân xác được cứu rỗi" (Rm 8,23): "Nếu Thánh Thần Chúa là Ðấng đã khiến Chúa Giêsu từ kẻ chết sống lại cư ngụ trong anh em, chính Ðấng đã khiến Chúa Giêsu Kitô từ kẻ chết sống lại đó cũng sẽ làm sống động thân thể hay hư nát của anh em nhờ Thánh Thần Ngài ở cùng anh em", (Rm8,11) 29. Người Kitô hữu chắc chắn cần thiết và có bổn phận chiến đấu chống sự dữ khi phải trải qua nhiều gian nan cũng như phải chết nữa. Nhưng vì được dự phần vào mầu nhiệm phục sinh, 25* được đồng hóa với cái chết của Chúa Kitô, được mạnh mẽ nhờ đức cậy, họ sẽ được sống lại 30.

Ðiều nói trên không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn 31. Thực vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người 32và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi.

Ðó là tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được Mạc Khải Kitô giáo soi sáng cho các tín hữu. Vậy nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã hủy diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống 33 để là con cái trong Chúa Con chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, lạy Cha! 34.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx