sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lễ Sinh Tìm Hiểu Tân Ước (Câu 1 - 60)

Lễ Sinh Tìm Hiểu Tân Ước (Câu 1 - 60)

Nguồn: simonhoadalat.com

TIN MỪNG LÀ GÌ?

1. Tin Mừng trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gì?

Tin Mừng dịch từ tiếng euangelion của Hy Lạp, thường được dùng để chỉ việc loan báo tin chiến thắng.

2. Trong Cựu ước chữ "loan báo Tin Mừng" có nghĩa là gì?

Trong Cựu ước chữ "loan báo Tin Mừng" được dùng để nói về việc báo tin Thiên Chúa đến ban ơn giải thoát (Is 52, 7-10).

3. Trong Tân ước, chữ Tin Mừng có nghĩa là gì?

Trong Tân ước, chữ Tin Mừng dùng để chỉ lời Chúa Giêsu rao giảng về quyền cai trị của Thiên Chúa (Mt 4,23; Mc 1, 14-15) và cũng chỉ lời các tông đồ rao giảng về Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại (Mc 16, 15; Rm 1,1-4).

Về sau, từ thế kỷ thứ hai, chữ Tin Mừng mới được dùng để chỉ các tập sách chép lại các lời rao giảng trên đây.

Tóm lại, chữ Tin Mừng có 2 nghĩa: vừa là loan báo ơn cứu độ, vừa là tập sách chép lại lời loan báo đó.

DO THÁI THỜI CHÚA GIÊSU

4. Thời Chúa Giêsu, người Do Thái có nơi nào để sinh hoạt tôn giáo không?

Ở các địa phương, có các hội đường cho dân chúng họp nhau hàng tuần, vào thứ bảy, để nghe đọc, nghe giải thích Kinh Thánh và cầu nguyện. Trung tâm của tôn giáo là đền thờ Giêrusalem, do vua Hê-rô-đê tu bổ lộng lẫy. Hằng năm, các người Do Thái nam giới đều hành hương về đó, nhất là trong các dịp lễ lớn, như lễ vượt qua, lễ Năm mươi ( Ngũ tuần), lễ Lều tạm, lễ Cung hiến đền thờ.

QUÊ HƯƠNG CHÚA CỨU THẾ

5. Bạn hãy cho biết diện tích nước Do Thái thời Chúa Giêsu?

Diện tích nước Do Thái thời Chúa Giêsu khoảng từ 20 đến 25 ngàn km2. So với diện tích nước Việt nam là 334.230km2, nước Do Thái chỉ bằng 1/15.

6. Bạn hãy cho biết về khí hậu và đất đai ở Do Thái như thế nào?

- Khí hậu ở nước Do Thái tương đối mát, ít mưa.

- Đất đai phần lớn là đồi núi, sỏi đá khô cằn, cho nên nghèo.

7. Thời Chúa Giêsu, Do Thái sản xuất những gì?

Sản xuất chính yếu là trồng trọt (lúa mì, dầu ô liu, trái vả nho) và chăn nuôi (dê, cừu).

8. Thời Chúa Giêsu ai cai trị nước Do Thái?

Thời Chúa Giêsu, đế quốc Rôma bành trướng rộng khắp các miền quanh Địa trung Hải. Nước Do Thái nằm dưới ách thống trị của đế quốc Rôma, dưới các triều hoàng đế Au-gút-tô (-29 đến 14), Ti-bê-ri-ô (14-37), Cơ-lau-đi-ô (41-54, Nê-rô (54-68). Thời Chúa Giêsu, xứ Pa-lét-tin do một viên tổng trấn Rôma trực tiếp cai trị tên là Phong-xi-ô Phi-la-tô.

NHỮNG NƠI CHÚA GIÊSU ĐÃ ĐI QUA.

9. Belem có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Bê-lem là nơi Chúa Giêsu được sinh ra.

10. Giêrusalem có liên hệ gì với Chúa Giêsu lúc nhỏ?

Đền thờ Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu được dâng cho Chúa Cha.

11. Nazaret có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Na-za-rét là nơi Chúa Giêsu làm thợ mộc.

12. Bêtania bên kia sông Giođan có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Bê-ta-ni-a ( bên kia sông Gio-đan) là nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa.

13. Cana có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Ca-na là nơi Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên trong tiệc cưới.

14. Caphanaum có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Ca-pha-na-um là nơi Chúa đã tới và ở lại đó ít ngày.

15. Bêtania gần núi Cây Dầu có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Bê-ta-ni-a (gần núi Cây dầu) là nơi Chúa Giêsu cho ông La-da-rô sống lại.

16. Xy-kha có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Xy-kha là nơi có giếng Gia-Cóp. Chúa Giêsu nói chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri về nước hằng sống.

17. Bết-xai-đa có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Bết-xai-đa là nơi Chúa chữa một người bệnh phong.

18. Na-in có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Na-in là nơi Chúa Giêsu cho đứa con trai duy nhất của một bà góa sống lại.

19. Xi-đôn có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Xi-đôn là nơi Chúa chữa lành bệnh cho một cô gái người Sy-rô Phê-ni-xi.

20. Tia vùng Phênixi có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Tia (vùng Phê-ni-xi) là nơi Chúa chữa bệnh cho con gái một phụ nữ vùng này.

21. Vùng Xê-da-rê của Philípphê có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Xê-da-rê của Phi-líp-phê là nơi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

22. Mác-đa-la có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Mác-đa-la là nơi quê hương bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu.

23. Vùng Ép-ra-im có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Ép-ra-im ở phía bắc Giêrusalem, là nơi Chúa Giêsu ở ẩn tại đây lúc người ta tìm bắt Người.

24. Giêricô có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Giê-ri-khô là nơi Chúa Giêsu vào trọ nhà ông Gia-kêu, người thu thuế.

25. Em-mau có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Em-mau là nơi Chúa Giêsu gặp hai môn đệ, sau khi sống lại.

THÁNH GIUSE

26. Bạn biết gì về thánh Giuse?

Thánh Giuse thuộc dòng dõi Đa-vít, nhưng thánh Giuse chỉ là một thợ mộc bình dị ở Na-za-rét. Sau lễ hỏi, thấy Đức Maria chưa về với mình mà đã có thai, Giuse định tâm rời bỏ đi. Thiên Chúa đã sai thiên thần báo mộng cho Giuse biết Đức Maria mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, yêu cầu Giuse đón Maria về nhà và đặt tên con trẻ là Giêsu. Việc đặt tên này rất quan trọng: Theo luật Do Thái, đặt tên cho ai là nhận người ấy làm con về mặt pháp lý.

Vâng ý Chúa, thánh nhân trở thành bạn trung tín của Đức Trinh Nữ và bảo vệ cho con trẻ giữa bao hiểm nguy lúc sinh ra và trong thời thơ ấu.

27. Đức Giêsu có học nghề của thánh Giuse không?

Khi Đức Giêsu trở về Na-za-rét, dân làng nói đến Ngài như chú thợ mộc. Điều ấy cho thấy Chúa Giêsu đã tiếp tục nghề thợ mộc của thánh Giuse một thời gian khá lâu, và cũng có nghĩa là thánh Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu lên đường rao giảng.

28. Hội Thánh đã tôn kính thánh Giuse như thế nào?

Từ thời trung cổ, người ta đề cao tấm gương thầm lặng kín đáo của thánh Giuse. Rồi từ đó Hội Thánh càng lúc càng tôn kính ngài, vị gia trưởng của gia đình Na-za-ret. Càng tìm hiểu về thánh Giuse, người ta càng thán phục lòng tin đã giúp ngài gắn bó với chương trình của Thiên Chúa và lòng yêu mến của ngài đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Hội Thánh đã nhận ngài làm bổn mạng của Hội Thánh toàn cầu.

29. Vì sao Đức Mẹ Maria lại đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ?

Máng cỏ là máng đựng thức ăn của bò lừa, khi sinh con trong cảnh bơ vơ không nhà, Đức Mẹ đã phải dùng một máng cỏ làm nôi đặt hài nhi Giêsu mới sinh (Lc2,7).

30. Ai là người có sáng kiến làm hang đá và máng cỏ?

Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (thế kỷ 12) là người đầu tiên có sáng kiến mừng lễ Giáng Sinh với một hang đá Bê-lem, với cảnh Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, có Đức Mẹ và thánh Giuse, có các mục đồng và thiên thần. Ngài đặt cả chiên bò vào đó để nhắc lại lời tiên tri I-sai-a: "Con bò biết người tậu nó và con lừa biết chuồng của chủ, còn Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường." (Is 1,3). Người ta còn dùng hai từ máng cỏ để chỉ toàn cảnh hang đá ấy.

CÁC PHE NHÓM

31. Em hãy cho biết về các phe nhóm thời Chúa Giêsu?

Vào thời Chúa Giêsu, trong dân Do Thái có một số phe nhóm như: Nhóm Biệt phái (Pharisiêu), nhóm Sa-đốc, nhóm Et-xê-nô.

32. Nhóm Biệt phái chủ trương những gì?

Nhóm Biệt phái (Pha-ri-sêu): Đa số gồm những ký lục và luật sĩ thông thạo luật Mô-sê. Về phương diện luân lý, họ chủ trương giữ luật theo những truyền thống rất tỉ mỉ, vì thế nhiều lần họ đã bị Đức Giêsu đả kích rất nặng nề (Mt 23). Mặt khác, họ tin có thiên thần, tin người ta sẽ sống lại để được thưởng hoặc bị phạt đời sau, điều mà nhóm Sa-đốc không nhận. Họ cũng chờ đợi một Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ đến phục hồi tôn giáo và cứu dân tộc khỏi ách ngoại bang.

33. Nhóm Sa-đốc chủ trương những gì?

Nhóm Xa-đốc (do tên ông Xa-đốc, tư tế của Đa-vít) thường thuộc hàng tư tế và qúy phái. Họ chỉ nhận Ngũ Kinh là sách thánh, không nhận các truyền thống do các luật sĩ cắt nghĩa luật Mô-sê. Về phương diện chính trị, họ chấp nhận ách thống trị Rô-ma, nhóm Xa-đốc thường đối lập với nhóm Biệt phái.

34. Nhóm Et-xê-nô chủ trương những gì?

Nhóm Ét-xê-nô, thường sống trong những tu viện, một đời khắc khổ, không vợ con, không tiền bạc. Tại Cum-ram, ở phía tây bắc biển Chết, người ta tìm thấy một tu viện thuộc nhóm này, với một số sách vở tài liệu của họ. Thánh Gio-an Tẩy Giả có lẽ đã liên lạc với nhóm này.

TIN MỪNG NHẤT LÃM LÀ GÌ?

35. Trong 4 sách Tin Mừng, ba sách nào có nhiều điểm giống nhau?

Ai chăm chú đọc 4 sách Tin Mừng sẽ nhận thấy điều này: 3 Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca có rất nhiều điểm giống nhau; đồng thời 3 cuốn sách đó lại khác với Tin Mừng Gio-an.

36. Ba sách Matthêu, Máccô và Luca giống nhau như thế nào?

1. Cả ba đều trình bày họat động của Chúa Giêsu theo một khuôn khổ giống nhau: Ngài giảng đạo ở Ga-li-lê một thời gian rồi lên Giêrusalem chịu khổ nạn và phục sinh ở đó.

2. Các đoạn văn nhiều khi cùng theo một thứ tự, và cùng có một chi tiết giống nhau.

Chính vì 3 cuốn Tin Mừng này có thể xếp thành 3 cột để nhìn một lượt giúp thấy ngay những chỗ giống nhau, mà được gọi là Tin Mừng nhất lãm (nhất là một, lãm là nhìn xem).

CÁC ANH EM CHÚA GIÊSU

37. Chúa Giêsu có anh chị em không?

Trong Tin Mừng có nhắc tới "những anh em" của Chúa Giêsu. Bên Do Thái người ta cũng dùng tiếng "anh em", "chị em" để gọi các anh chị em họ như bên Việt Nam ta.

Tiếng "anh em", "chị em" trong Tin Mừng (Mc 6,3) hiểu theo nghĩa đó.

Trong những người có họ với Chúa Giêsu về bên ngoại, phải kể đến ông Da-ca-ri-a và Ê-li-xa-bét, cha mẹ của Gio-an Tẩy Giả.

GIOAN TẨY GIẢ

38. Ông Gioan Tẩy Giả là ai?

Đây là vị tiên tri sống đồng thời với Chúa Giêsu và có bà con với Chúa Giêsu, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát sinh Kitô giáo, tên gọi Gioan có nghĩa là "Thiên Chúa tha thứ".

39. Cha mẹ ông Gioan Tẩy Giả tên là gì?

Cha của ông là một vị tư tế tên là Da-ca-ri-a và mẹ là bà Ê-li-xa-bét đã già mà vẫn còn hiếm muộn không con.

40. Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng những gì?

Ông sống khắc khổ trong hoang địa lâu năm, rồi khởi sự rao giảng rằng Đấng Cứu Thế sắp đến, phải kịp thời hoán cải để đón tiếp Ngài. Đám đông dân chúng tuôn đến dìm mình trong nước sông Gio-đan để biểu lộ lòng thống hối. Chính Chúa Giêsu cũng đến xin Gio-an làm phép rửa. Trong dịp này, Gio-an đã làm chứng rằng Đức Giêsu chính là Chiên của Thiên Chúa và là Đấng Cứu Chuộc Israel.

41. Ông Gioan Tẩy Giả chết như thế nào?

Ông bị vua Hê-rô-đê An-ti-pa bỏ tù vì đã dám lên tiếng chỉ trích nhà vua đã cưới em dâu làm vợ (cướp vợ của em trai). Trong một tiệc rượu của vương gia, vua Hê-rô-đê đã ra lệnh cho lính vào tù chém đầu ông

Ông được coi là vị "tiền hô", vị dọn đường cho Đấng Cứu Thế. "Ông không phải là sự sáng nhưng được sai đến để làm chứng cho Đấng là sự sáng" (Ga1,8).

PHÉP RỬA CỦA GIO-AN VÀ PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU

42. Phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả có tính cách như thế nào?

- Đây là phép rửa bày tỏ lòng ăn năn và xin ơn tha thứ.

- Mọi người đều được mời gọi lãnh nhận.

- Chỉ được ban một lần như đấu hiệu sự hoán cải nội tâm.

- Và là một nghi thức tạm thời, trong lúc chờ đợi việc thanh tẩy trong Thánh Thần.

43. Đức Giêsu lãnh phép rửa của ông Gioan để làm gì?

Mặc dù vô tội, Đức Giêsu đã muốn lãnh nhận phép rửa của Gio-an để tỏ tình liên đới với các tội nhân mà Ngài đến cứu chuộc. Lễ rửa này là dịp để Ngài được biểu lộ là Con Thiên Chúa.

44. Phép rửa của Chúa Giêsu ban những ơn gì?

Sau ngày Chúa phục sinh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là khởi đầu cho việc thanh tẩy trong Thánh Thần. Phép Rửa Chúa Giêsu lập vẫn lấy nước tự nhiên làm dấu hiệu, nhưng ơn được ban cho người tín hữu là chính Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ trở nên con của Thiên Chúa và thành viên của Hội Thánh Chúa Kitô.

TIN MỪNG MÁT-THÊU

45. Thánh Matthêu là ai?

Theo truyền thống Hội Thánh, tác giả sách Tin Mừng thứ nhất là thánh Mat-thêu, còn có tên là Lê-vi. Ông sống ở Ca-phác-na-um, làm nghề thu thuế. Được Chúa Giêsu kêu gọi, ông lập tức theo Ngài. Ông là một trong 12 tông đồ của Chúa. Có sách nói ông đã đem Tin Mừng tới xứ Ê-thi-óp. Ông đã bị giết chết vì đạo Chúa.

46. Sách Tin Mừng Matthêu biên soạn vào năm nào?

Tin Mừng Mát-thêu lúc đầu được biên soạn bằng tiếng A-ram rồi được dịch ra tiếng Hy lạp, khoảng năm 80-90.

47. Dàn bài Sách Tin Mừng Matthêu chia ra mấy phần?

Ngoài phần mở đầu về thời thơ ấu của Chúa (ch.1-2) và phần kết thúc với cuộc thương khó và phục sinh (ch.26-28), sách chia làm 5 phần.

48. Trong mỗi phần của sách Tin Mừng Matthêu có điều gì đặc biệt?

Mỗi phần đều có phần thuật truyện và một bài giảng:

1. Bài giảng trên núi (ch. 5-7)

2. Bài giảng về thái độ người tông đồ (ch.10)

3. Bài giảng về các dụ ngôn (ch.13)

4. Bài giảng về tình anh em trong Hội Thánh (ch.18)

5. Bài giảng về thời cuối cùng (ch. 24-25).

49. Tác giả Matthêu muốn nói với đối tượng nào?

Thánh Matthêu muốn nói với người Do Thái. Tác giả thấm nhuần giáo lý Cựu Ước, thường trích dẫn Cựu Ước để chứng minh cho người Do Thái rằng Đức Giêsu đã làm trọn những điều đã báo trước trong Cựu Ước. Tác giả cũng hay nhắc đến các tập tục Do Thái mà không cần giải thích (vì người đọc đã biết rồi).

50. Tin Mừng Mt nhấn mạnh đến những điểm nào?

Tin Mừng Mt nhấn mạnh đến 4 điểm sau:

1. Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế Thiên Chúa đã hứa mà dân Do Thái đang mong đợi.

2. Đức Giêsu đến rao giảng Nước Trời. Khi người ta tin vào Đức Giêsu và nhận Thiên Chúa làm chủ đời mình, thì nước Thiên Chúa ngự trị trong lòng họ.

3. Đức Giêsu ban bố luật mới, không bãi bỏ luật Cựu Ước nhưng làm cho luật này được hoàn hảo hơn.

4. Hội Thánh là cộng đoàn những người tin vào Chúa Giêsu và Cha Ngài, và sống tình anh em với nhau.

TIN MỪNG THEO THÁNH MÁC CÔ

51. Sách Tin Mừng thứ hai có đặc điểm gì?

Sách Tin Mừng thứ hai chỉ có 16 chương, giọng văn có vẻ đơn giản nhưng cụ thể và sống động. Sách trình bày đời sống Đức Giêsu từ khi nhận phép rửa của Gio-an đến khi sống lại.

52. Ai đã viết Tin Mừng thứ hai?

Tác giả là Mác-cô, môn đệ của thánh Phê-rô.

Mác-cô cũng gọi là Gio-an, nhà ở Giêrusalem. Ông đã đi theo thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất rồi trở về Giêrusalem. Năm 60, ông về giúp thánh Phê-rô ờ Rôma. Sau khi thánh Phê-rô tử đạo, Mác-cô đã gom các bài giảng của thánh Phê-rô và một số tài liệu rời có sẵn, viết lại thành sách Tin Mừng, như một cuốn giáo lý của giáo đoàn Rô-ma.

53. Tin Mừng Maccô được biên soạn vào năm nào?

Sách được viết vào khoảng năm 65-70 và rất quan tâm đến những người không phải gốc Do Thái (giải thích các tập tục Do Thái, nó rõ về nơi chốn, giải thích các từ ngữ Do Thái...)

NHỮNG TƯỚC HIỆU CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ

54. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu được gọi bằng những tước hiệu nào?

Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu được gọi bằng nhiều tước hiệu:

1. Con Ta yêu dấu (Mc 1,11; 9,7)

2. Người Na-za-rét (1,24; 14,67; 16,6)

3. Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24)

4. Con Thiên Chúa (3,11; 15,39)

5. Thầy (4,38; 5,35; 9,38; 10,7 và 35; 12, 14-19)

6. Con Thiên Chúa tối cao (5,7)

7. Người thợ mộc (6,3)

8. Con bà Ma-ri-a (6,3)

9. Anh em của Gia-cô-bê, Giuse và Si-mon (6,3)

10. Một tiên tri (6,15; 8,28)

11. Chúa (7,28; 11,3)

12. Đức Kitô (8,29)

13. Con vua Đa-vít (10,47-48)

14. Đấng ngự đến nhân danh Chúa (11,9)

15. Rabbi (11,21; 14,46)

16. Con Đấng đáng chúc tụng (11,61)

17. Người (14,71)

18. Vua dân Do Thái (15,2.9.12.18.26)

19. Đấng Thiên Sai (14,61;15,32)

20. Vua Israel (15,32)

21. Đấng chịu đóng đinh (16,6).

Tin Mừng Mác-cô cũng thường nhắc đến tước hiệu Đấng Con Người (Con-loài-người), chính Đức Giêsu cũng thường tự xưng bằng tước hiệu này (Mc 2,10.28; 8,31.38; 9,9-12.31; 10,33.45; 13,26; 14,21.41.62).

TIN MỪNG THEO THÁNH LU-CA

55. Thánh Lu-ca là ai?

Thánh Lu-ca là một y sĩ, sinh ở An-ti-ô-khi-a (ngày nay thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ).

Được gặp thánh Phao-lô, ngài trở lại Kitô giáo và đi theo thánh nhân trong các cuộc hành trình truyền giáo. Nhờ đó, ngài biết rõ sinh họat và sự phát triển của Hội Thánh buổi đầu. Ngài viết sách Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ.

56. Tin Mừng thánh Lu-ca trình bày những gì?

Tin Mừng thánh Lu-ca trình bày cuộc đời Đức Giêsu từ hồi thơ ấu cho đến lúc chết trên thập giá, sống lại và lên trời. Tin Mừng Lu-ca dần dần tỏ cho thấy Đức Kitô là Đấng Cứu Thế phổ quát, chung cho tất cả mọi người.

57. Đọc Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ Tông đồ, ta thấy điều gì?

Đọc Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ Tông đồ, ta thấy tác giả là một người vừa thông thạo văn hóa Hy Lạp, vừa có tâm hồn tế nhị và đầy tin tưởng.

58. Tin Mừng Lc được biên soạn vào năm nào?

Sách Lu-ca được biên soạn vào khoảng năm 80, nhắm tới những tín hữu không phải gốc Do Thái.

59. Đức Giêsu theo Tin Mừng Lu-ca là Đấng như thế nào?

Tin Mừng Lc nhấn mạnh đến hai điểm đặc biệt:

1. Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đầy thương xót. Ngài quan tâm đến tất cả nhưng ai bị khinh miệt (trẻ em, phụ nữ, ngoại kiều, người Sa-ma-ri...). Ngài ban ơn tha thứ cho tất cả; cho người phụ nữ thống hối ở nhà Si-mon tật phung (7,36-50), cho ông Da-kêu (19,1-10), cho các lý hình (23,34), cho người trộm lành (23, 39-43)... Chỉ có Lu-ca ghi lại các đoạn ấy, và cũng chỉ có Lu-ca kể chuyện người con hoang đàng được tha thứ (15,11-32).

2. Đức Giêsu đòi ta phải từ bỏ triệt để (6,20-25; 9,57-62).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx