sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 02:Những đêm châu chấu - P2

Đó là hai ngọn đèn bão đặt trên đất, cách nhau chừng năm, sáu mét. Mỗi cây đèn được để giữa một chiếc lồng đan mắt cáo thon dài khá to cao. Xung quanh mỗi chiếc lồng lại được quấn bằng mảnh ni lông đùng đục. Ánh sáng của những ngọn đèn được thu gọn trong chiếc lồng, phản chiếu qua tấm ni lông trở nên dìu dịu, mờ ảo nhưng đủ để thu hút bọn thiêu thân, bươm bướm và nhiều loại côn trùng khác sống trong bãi ngô mò tới. Nhiều nhất vẫn là họ hàng nhà cào cào, châu chấu. Chưa bao giờ tôi được thấy đông đủ bộ tộc cào cào, châu chấu hội hè tụ tập với nhau vào cùng một lúc như thế. Những con cào cào ma nâu sồng, bẩn bẩn, mắt kèm nhèm, ngọ nguậy râu, lụ khụ chắp tay trước ngực vẻ vô cùng ngoan đạo. Những con cào cào kim nhợt nhạt, bé bỏng, ốm yếu, run rẩy, gầy gò. Những con muỗm ngô đỏng đảnh, môi đỏ, đầu đội mũ nhọn hoắt, dáng đi đủng đỉnh. Những con muồng muỗng xướng ca gảy đàn tành tạch, cười khanh khách giữa đêm khuya. Những con muỗm khoai vàng vàng màu lá đỗ, lê thê lưỡi gươm sau đuôi gương oai, gặp động là lủi biến trước nhất. Rồi những con châu chấu trú ẩn trong cành mục nhiễm lân tinh phát sáng lập lòe. Hình như có cả bầy đàn con chấu chúa đã làm tôi phải khóc giữa bãi ngô kia nữa. Con nhỏ, con to, con lớn, con bé... cứ lũ lượt, đàn đàn, bò ra, bay về, đậu lộp bộp, bám lồm cồm trên tấm ni lông và cọ râu giao lưu với nhau ở đó. Những con côn trùng mắt lồi long lanh, hai ngoạm răng đen, bốn chân, hai càng, bụng dài có đốt, cánh đỏ, cánh xanh, râu vàng chanh như sợi cước, ngọ nguậy ngỗ nghịch trên cái đầu trọc trụi thùi lụi. Chúng ăn lá ngô non, uống những giọt nhựa úa ra từ vết thương trên cỏ cây ngưng kết cùng sương tinh khiết. Người chúng to béo, bụng căng, mỡ màng, mơn mởn, mũm mĩm no đủ. Mỗi khi nhìn thấy dấu vết nham nhở, lỗ chỗ do chấu cào cắn trên lá ngô, bố và anh tôi hay nhòm ngó quanh đó và lùng bắt bằng được lũ thủ phạm, vặt càng, bẻ cánh, xâu cổ, đem cho chim, gà, vịt ăn. Tôi nghe kể, trước kia, chấu cào rất nhiều, có mùa, chúng phá gần như tan hoang cả bãi ngô. Vài năm nay, mưa thuận, gió hòa, ít sâu bọ, bọn chấu cào ngông nghênh kia mới tạm cam chịu thành thứ trâu ngựa kéo xe đồ chơi của chúng tôi. Nhưng tôi vẫn sợ những con châu chấu to, có lẽ bằng ngón tay cái người lớn, răng đen, cổ đeo giáp phòng thân xù xì, đôi càng to béo, cứng khỏe, đầy ngạnh sắc. Nó rất tinh khôn, thường đậu lẫn với màu lá ngô rồi bất chợt cắn rất đau, đạp tanh tách đến xước da, chảy máu người ta. Trước khi tẩu thoát bao giờ nó cũng ọe ra một tý nước xanh xanh đen đen tanh tanh lên tay nạn nhân như để lại bút tích nhắc nhở tên tuổi của mình. Bây giờ, bọn chúng cũng đang có mặt trên tấm nhựa kia, hiền lành, đờ đẫn, ngây thộn...

Hai anh em tôi vẫn lặng im quan sát vì phía trước, cũng trong xó tối hun hút xa xa, có hai bóng đen đang ngồi quay lưng về phía chúng tôi, cùng yên lặng hướng mặt về phía những ngọn đèn và chờ đợi. Trong ánh sáng yếu ớt, điều đầu tiên tôi nhìn rõ là bóng dáng một người đàn bà bởi chiếc khăn trùm kín mái tóc và một người đàn ông đầu trọc, những người chúng tôi chưa gặp bao giờ... Khi những con chấu, cào đã bu bám dày đặc, che kín tấm ni lông, họ mới chậm chạp tiến ra. Người đàn bà một bên chân nạng gỗ còn người đàn ông rờ rẫm. Họ quờ quạng, lập cập tóm bắt, dồn góp vào tất cả vào một cái bao. Rõ ràng, cái túi đựng ấy cũng làm bằng vải mưa vì tôi nghe tiếng mở sột soạt và tiếng chân chấu, cào nhảy bấn loạn lộp bộp giống hệt tiếng mưa rơi vỡ trên ni lông. Chân bọn cào, chấu đều có mấu ngạnh nhỏ li ti như răng cưa, giúp chúng bấu chặt dính vào bất cứ vật gì, nhưng vải mưa ni lông đã làm vô hiệu vũ khí của chúng. Chúng bị tóm rất dễ dàng, như thể hai người lớn kia chỉ việc nhặt ra, trút hết những con vật đờ đẫn ấy vào túi. Xong đợt, lại nhấc đèn ra chỗ khác, tiếp tục mẻ "câu" châu chấu mới. Chúng tôi cứ theo họ, cùng đi sâu mãi vào trong bãi ngô, xem họ câu hết lượt này đến lượt khác, cho đến lúc tiếng cào chấu nhảy trong bao vải mưa không còn lộp bộp nữa mà trở nên lịch thịch rồi gần như im lặng. Đã đầy chặt, đã "câu" được nhiều, nặng túi rồi đấy. Họ gỡ tấm ni lông buộc quanh lồng che đèn, thổi tắt một ngọn rồi gói ghém tất cả lại, lầm lũi, dắt díu nhau quay về phía tiếng nước chảy. Lúc ấy đêm đã rất khuya và tôi thì quá chán ngán với trò đơn điệu ấy, muốn sớm về chòi ngủ từ lâu...

Đêm thứ ba, lúc hai người thu dọn bộ đồ câu châu chấu thì anh tôi không quay về chòi như hai đêm trước nữa mà nhất định đi tiếp theo họ. Nhận ra mình sắp sửa bước lên thân cây nghiến cổ thụ dài mấy chục mét đổ lấp lửng ngang mặt nước thay chiếc cầu chạm vào bãi đá cạn bờ bên kia thì tôi ngồi thụp xuống bụi, níu tay anh tôi, lo sợ. Phía bên kia là đất hủi. Câu chuyện về cái trại hủi xa xưa vẫn còn rất ghê gớm, đầy ấn tượng, ám ảnh và quá đỗi khủng khiếp trong tâm trí chúng tôi. Đứng ở bãi ngô, chập tối, ai đó lấm lét chỉ về cái hầm khổng lồ, thấp thoáng, tròn tròn, trắng trắng, có cái hốc đen ngòm sâu hun hút trên mỏm đồi cây cối xơ xác xa xôi bên ấy. Đó là lò thiêu xác hủi. Nghe kể, hồi trước, những người hủi bị bắt về vùng sơn cước chúng tôi để cách ly. Họ chết rồi cũng không được chôn xuống đất, phải thiêu thành tro bụi ngay trong cái lò ấy để tránh lây lan. Có người hủi chưa kịp tắt thở đã bị cuốn chiếu vứt ngay vào lò thiêu vì người ta bảo con hủi bị thiêu sống sẽ bớt ác hơn con hủi đã chết. Có lần, tôi đang săn cò ke trên bãi, thấy bầy gia súc cong đuôi chạy dạt vào. Mấy người chăn dắt mặt nhợt nhạt, hớt hải băng qua, nói họ vừa thoáng trông có khói bay lên ở cái lò thiêu ấy, ngửi thấy mùi khen khét, hình như vẫn còn xác hủi chưa cháy hết. Thực hư thế nào không biết nhưng chắc chắn lại có con hủi về sống ở bên ấy. Nó đang đi lấy củi kia kìa. Anh em tôi dắt tay nhau chạy lên núi, ngó sang. Trên sườn đồi có vài người đang gánh củi, dáng vẻ nặng nhọc, rách rưới và khổ sở. Bó củi nhỏ xíu, chằng buộc lỏng lẻo, xộc xệch và đi đứng loạng choạng. Mặc dù không thù ghét nhưng nỗi kinh sợ, khiếp đảm sự cùi cọc tật nguyền đã làm những người bên bãi ngô chúng tôi từ lâu xa lánh rồi tuyệt giao hẳn với sông nước, đất đồi hoang hóa, um tùm, rậm rì phía bờ sông trại hủi.

... Cái gạt tay cương quyết của anh tôi thay cho câu trả lời "đường ai nấy đi nhé!". Một mình mà vượt hai bãi ngô rộng thế, nếu không bị lạc thì rồi cũng nằm chơ vơ cô quạnh trong chòi đến sáng. Đi nốt theo anh thì sợ, nhưng mà có chuyện gì thì hai anh em vẫn hay hơn... Biết phận, tôi đành ngậm tăm, lầm lũi tiếp tục cất bước.

Trong đêm, nhưng tôi vẫn nhận ra trên đất ấy cây cỏ tươi tốt khác thường nhờ những chiếc lá mềm mại, phốp pháp chạm lên da thịt mỗi khi rúc vào bụi cây nào đó để bớt động trước khi tiếp tục đuổi theo. Hai người phía trước đi rất chậm, nói chuyện cũng lào phào, chỉ nghe rõ nhất tiếng nạng gỗ lộc cộc, lộc cộc vang lên suốt dọc đường đi. Rõ ràng là có lối mòn, nhưng ít dấu chân lại qua, quá nhiều cỏ nên không thể gọi là con đường được. Chẳng có nhà cửa hay chí ít, mảnh vườn cây, khoảnh đất trồng dứa, chè... chứng tỏ có con người đến đây. Lúc vòng qua chân quả đồi, tôi run cầm cập vì nhận ra đây chính là quả đồi có cái nhà thiêu mà đứng trên bãi ngô tôi nhìn thấy. Anh tôi cũng ngập ngừng đôi chút trước những bậc đá khổng lồ, phả khí buốt giá, xoa xoa vào tóc tôi, chẳng biết là để trấn an bản thân hay cổ vũ đứa em đồng hành.

Một dãy nhà dài, đổ nát, hoang phế phía bên trái vườn chuối xơ xác. Chiếc lò thiêu mái tròn xây bằng xi măng đen xám, vững chắc, bền bỉ, lặng câm lù lù trước mắt. Có cổng, có sân, có bờ rào cành tre xung quanh nhưng lỏng lẻo, thưa thớt. Hai người kia kéo cái cổng lên và cất tiếng gọi. Như đã đợi sẵn, từ cái hốc đen ngòm của lò thiêu chợt lóe lên ánh đèn. Hai, ba đứa bé, nhỏ hơn cả tôi, vừa dụi mắt, vừa gãi đầu sồn sột, miệng ngáp ngáp xuất hiện, khe khẽ reo mừng rồi lũn cũn chạy ùa tới. Đứa lễ mễ đón lấy đồ nghề lỉnh kỉnh trên tay hai người lớn, đứa vội khiêng ra cái chậu to. Có tiếng ho lụ sụ, giọng ca cẩm nhắc nhở nhẹ nhàng. Một bà già, lưng còng, lẹt xẹt xách cái siêu đất, đổ vào chậu. Nước nóng, tôi nhìn rõ những cuộn khói nghi ngút bốc lên. Hai người chúng tôi gặp từ bãi ngô chập choạng lại gượng gạo tay nâng cái túi vải mưa, dốc châu chấu, cào cào đổ nhanh vào chậu. Bị nước nóng, lũ chấu cào lạch tạch nhảy nhảy giãy giụa rồi im thin thít. Bọn trẻ lấy que khua khoắng và hớt hết ra nong tre đặt trên đất. Cả nhà họ ngồi xúm xít lại, bên ánh đèn, vừa làm châu chấu, cào cào vừa chuyện trò rôm rả, vui vẻ. Những tiếng trẻ thơ líu lo sung sướng, ấm cúng và đoàn tụ...

Tôi nhìn sang bên cạnh. Gương mặt thanh tú có vầng trán cao rộng, đẹp như vị thần thiếu niên của anh tôi sáng bừng lên. Yên lặng, đăm đắm, chăm chú và đầy xúc động. Trăng hạ thuyền cong chếch trên tàu lá dong không đủ chiếu rọi cho mọi sinh linh trong bóng tối, nhất là bụi cây chúng tôi đang ẩn nấp. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy ngàn vạn mảnh trăng đã vỡ vụn từ lâu đang gắn kết lại, ngưng đọng nơi đôi mắt anh tôi. Có lẽ, cũng như tôi, nhưng nơi ký ức còn dày dặn hơn hồi ức mỏng manh của tôi, tâm hồn anh ấy đang dập dồn tiếng sóng. Những tiếng sóng vĩnh viễn không thể nguôi ngoai... Mùa tôm cá, bố và mẹ tôi đi từ bến sông lên. Bố tôi cởi trần, vai vác lưới, hông đeo giỏ, thân thể lấm tấm vết bùn. Những sợi rêu, hạt cát bám trên lồng ngực nở nang, trên da thịt đỏ au khỏe khoắn của bố lóng lánh ánh mặt trời. Mẹ tôi, đầu đội chiếc khăn đen vương vấn mấy chiếc lá tre, không bao giờ chịu xắn quần để lộ bắp chân trần tròn trắng, những vết nước làm ướt gấu quần mẹ loẹt xoẹt theo vệ cỏ. Mẹ cắp rổ có phủ cành lá chua, khép nép, dịu dàng, hiền hậu bước theo sau. Nghe tiếng bố mẹ gọi, dù đang chơi ở đâu xa anh em tôi cũng nghe thấy và kịp chạy về đón. Chúng tôi đỡ lưới, cởi giỏ, xách rổ, hớn hở nghé mắt ngó nghiêng qua hom, láu táu nhanh nhảu bê chậu, vác thau, đổ tất cả òa ra. Những con tôm óng ánh cong mình nhảy tanh tách. Những con cua mắt lồi, miệng sủi bọt, chĩa đôi càng to xù dọa dẫm. Những con lươn, con chạch chui lủi. Những con ốc to bằng trôn chén, vặn vẹo, nín thinh... Lại có bữa tươi rồi đây! Anh em tôi vừa chọn lựa, vừa tóm bắt, miệng cố tình la oai oái, thích thú vì bị râu tôm đâm, càng cua kẹp vào tay, liêng liếc nhìn, âm thầm khoái trá thấy bố mẹ giật mình, nhắc nhở, xót thương... Bố mẹ ngồi nghỉ ngơi trên bậu cửa, âu yếm nhìn anh em tôi, mắt chan chứa yêu thương và dào dạt niềm hạnh phúc của người bằng lòng cay cực, nhọc nhằn suốt đời mình để lấy đôi chút vui vẻ, sung sướng cho con cái... Bây giờ, phía trước chúng tôi kia, trong khoảnh sân mỏng hẹp có vùng ánh sáng nho nhỏ của ngôi nhà tiêu điều ấy, cũng là không khí ấy, cũng là ánh mắt, giọng nói thương yêu như thế. Khác chăng với chúng tôi là ban ngày bừng sáng thì họ là đêm tối mịt mùng, mớ tôm cá tươi sống thay bằng mớ cào cào, châu chấu xanh non mà thôi...

Bỗng dưng thấy lại chiếc khăn tay được gấp cẩn thận, đặt ngay trên gối của mình, tôi sung sướng cứ muốn nhảy tâng tâng lên mãi. Đó là kỷ vật của mẹ. Tôi hay bị chảy máu cam và chỉ vâng lời mẹ dặn luôn nhớ mang khăn tay khi đòi người thêu vào con nhạn trắng. Con nhạn trắng lẻ bạn, lạc bầy, bay một mình, y hệt con nhạn trong bức tranh treo tường nhà ông già bán thuốc người Hoa dưới trấn tôi thấy buổi được bố mẹ cho ngồi xe ngựa xuống chợ bán ngô. Tôi vô tình thích thú, mẹ cũng không biết, chim nhạn đơn độc như thế là điềm báo niềm hoài thương biệt ly. Mùa xuân, mẹ đột ngột trúng cảm rồi mất. Tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn mới khâu. Đi đâu, làm gì cũng mang theo như lá bùa số mệnh. Không tìm thấy khăn, tôi nghĩ mình đánh mất, cứ ngẩn ngơ tiếc nhớ mà không dám hé lời với ai... Cái đập tay ấm áp, chắc nịch và mạnh mẽ lên đôi vai gầy guộc của tôi làm tôi nhận ra rằng anh tôi đã lớn hơn tôi nghĩ nhiều lắm. Ngồi kề vai nhau trên đống lá ngô, trước mặt là những sáo nứa lủng liểng từng túm bắp ngô chắc mẩy chớp nắng hanh hong vàng rực, anh trai dúi vào tay tôi bọc lá riềng hong lửa âm ấm, thơm cay. Những con châu chấu, những con cào cào rang vàng, giòn giòn, ngòn ngọt, thơm ngon, ngậy bùi và mặn mòi lần đầu tiên tôi được nhấm nháp trong đời.

Tôi là đệ tử trung thành của anh tôi, luôn giữ trọn vẹn lời hứa không bép xép với bất kể ai về những đêm châu châu ấy. Chỉ khi bố trở về, anh tôi mới kể lại cho bố nghe. Người đã theo chân anh em tôi sang đất hủi, xuất hiện vào đúng lúc gia đình ấy đang đoàn viên vui vẻ nhất. Ban đầu, những người tật nguyền hốt hoảng, sợ sệt, lo lắng tưởng bố tôi đến cấm đoán họ không được bắt châu chấu trên cánh đồng ngô của mình nhưng khi bố tôi nói là đến cảm ơn vì nếu không có họ đêm đêm âm thầm cặm cụi như thế thì biết đâu, nạn châu chấu đã từng hoành hành chẳng lại quét sạch bãi ngô thêm lần nữa. Rồi dần dà, câu chuyện cuộc đời cũng hé mở.

Những người lớn ở ngôi nhà ấy đã từng bị hủi. Khỏi bệnh, nhưng họ vẫn mang nặng tật nguyền, vẫn chịu sự xa lánh, kinh sợ của cộng đồng. Ba số phận, lưu lạc từ ba phương trời khác nhau, kẻ trước, người sau, cùng lần tìm đến trại hủi với hy vọng phần đời còn lại được san sẻ với những người cùng cảnh ngộ không may. Tới nơi, mới biết trại hủi hoang hóa từ lâu nhưng chỉ vì miệng lưỡi thế gian mà tin đồn ác nghiệt lúc nào cũng như mới mẻ. Không còn đủ sức để đi, cũng không biết phải đi về đâu, họ đành lấy cái lò thiêu vững chắc làm nơi cư ngụ và sum họp thành một gia đình. Mấy đứa bé là con cái của người đàn bà và người đàn ông chúng tôi đã gặp trong bãi ngô. Chúng cũng lành lặn, tình cảm và nghịch ngợm như bao đứa trẻ khác. Có điều, còn hơn cả bố mẹ và bà, chúng thiếu thốn, khát thèm nhiều thứ... Thương bọn trẻ quá, mấy năm nay, ba người lớn ấy ban ngày vất vả cực nhọc kiếm tìm rau cháo đùm bọc nhau; vào mùa ngô, đêm xuống, bà cụ ở lại nhà trông các cháu vì chúng quá nhỏ, còn bố mẹ đánh liều mò mẫm xách đèn sang bãi “câu” châu chấu làm thức ăn cho các con. Trên gá bếp, còn vài hũ đất đựng châu châu khô ram muối để dành ăn dần...

*

Cây nghiến bị cơn mưa trái mùa làm bật hẳn chùm rễ cuối cùng bám trên mặt đất, vĩnh viễn chìm sâu xuống lòng nước thẳm sâu. Chiếc cầu tre bé nhỏ thôi, nhưng chắc chắn, vững vàng đã bắc qua eo sông, vượt bãi cạn. Vạt lau lách hoang rậm um tùm bị chặt quang quẽ lộ ra thẻo đất vàng nâu mịn màng tươi tốt. Những người phụ nữ thân quen nơi bãi ngô chúng tôi bớt tất tả chạy vạy vì khi làm bên bãi này, chồng con của họ đã có cô Chân gỗ, chú Đầu trọc (xin lỗi, tôi quen gọi thế mất rồi) điếu đóm, cơm nước. Bà cụ lòa loanh quanh ở nhà cùng đàn cháu, ngồi trên bậu cửa, bàn tay cùi cọc thiếu ngón tật nguyền nhăn nheo run run gãi tẽ những bắp ngô giống hạt đều tăm tắp, cười móm mém, vui lắm khi có nhiều khách đến chơi nhà. Bà chỉ bảo cho các cô, các mẹ cách làm bánh ngô, kẹo ngô, bỏng ngô, bung ngô, xôi ngô... thật ngon, thật dẻo; hẹn hôm nào đẹp trời, dẫn bà vào rừng, bà sẽ chỉ cho thứ lá ủ men rượu ngô. Thứ rượu rất ngọt lành ấm áp; trẻ con uống mau lớn; người già uống thêm khỏe mạnh sống lâu; trai gái chưa vợ chưa chồng sẽ bầu bạn thắm thiết với nhau, những ai đau khổ, bất hạnh, cô quạnh trên cõi đời này sẽ gặp vận may và hạnh phúc... Như câu hát í... í... á... á... mà tôi còn lâu mới bắt chước được. Nhưng đây là chuyện của người lớn. Còn tôi, tôi trông anh tôi càng chững chạc, cao lớn, oai phong hơn khi có thêm ba đứa đồ đệ lít nhít nghịch ngợm và hết sức sùng kính mình. Tôi "kết" cô bé út, bé gái duy nhất trong đám ấy. Cô bé đã đưa lại cho anh tôi chiếc khăn em nhặt được trong bụi dong riềng anh em tôi đã nấp nhòm vào khoảng sân đêm châu chấu...

Dĩ nhiên, cần thêm nhiều tháng ngày nữa để thân thiết hơn với nhau, tôi mới chia sẻ với em gái nhỏ bí mật chiếc khăn chim nhạn này. Điều bây giờ tôi có thể nói là bố đã sắm cho anh em tôi bộ đồ câu châu chấu có tấm vải mưa, ngọn đèn bão lung linh y hệt như ở nhà các em rồi đấy. Mùa ngô tới, anh em chúng mình sẽ cùng nhau đi bắt châu chấu. Bắt ở bãi ngô bờ bến chúng tôi và bắt cả trên bãi ngô bờ bến bên em, trên bãi ngô của nhà em nữa. Bãi-ngô-của-nhà-em, tôi không nói nhầm đâu. Em chưa biết là đúng thôi bởi bố tôi và các bác đã ngầm bảo nhau mùa thu hoạch sẽ giành phần lớn cho nhà em rồi đợi bố mẹ em thạo việc gieo trồng sẽ giao hết lại để tiếp tục phá hoang mở mang đất đai đấy. Lúc ngô bên bãi xanh lên cao ngang tầm ngực thì con nghé rừng thèm ăn mò về. Cái mũi đen ướt kìn kịt, cái miệng rộng, lưỡi hồng hà hít trên những chiếc lá ngô non tơ. Nó đã phổng phao đôi chút. Trên đầu, hai cái sừng hin hin nhu nhú như hai bím tóc đen tròn ngộ nghĩnh quá. Con nghé đứng ngẩn ra trước ánh sáng lung linh, dịu dàng hư ảo của những ngọn đèn câu châu chấu. Đôi mắt to tướng, tròn xoe, trô trố, ngơ ngác, cái đuôi nó ngoe nguẩy thú vị. Ô kìa, nghé rừng còn cõng trên lưng một con châu chấu xanh ngọc đang thư thả, đểnh đoảng duỗi đôi càng to khỏe với những lớp riềm răng cưa sắc nhọn thư giãn nữa cơ. Đúng là con châu chấu chúa đã lừa tôi vào lạc giữa bãi ngô rồi. Ngàn vạn lá ngô vẫy gọi, vuốt ve, mát lành như ngọn gió mẹ quạt những đêm oi ả tôi đau ốm. Suỵt... Chó vàng ơi, nằm xuống, đừng hậu đậu sủa lên, chúng thấy động lại biến mất cả thì sao? Nào, bé tuổi nhất nói đi, chúng mình bắt châu châu chúa trước hay là bắt nghé rừng trước đây?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx