sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Trước quán trọ người chủ quán đang đợi chàng. Anh ta không muốn lên tiếng trước, vì thế K. đã hỏi anh ta muốn gì.

- Ông đã tìm được chỗ ở mới cho mình chưa? - chủ quán hỏi, mắt đăm đăm nhìn xuống đất.

- Vợ anh bảo anh hỏi à? - K. hỏi, - chả là không có bà ta thì anh không nhúc nhích đi đâu cả mà.

- Không, tôi không hỏi vì vợ tôi bảo. Nhưng bà ấy đang rất hồi hộp và lo lắng vì ông; không làm việc được, bà ấy chỉ nằm ở trong giường, thở dài và trách móc.

- Tôi phải đi vào với bà ấy à?

- Tôi xin ông, - chủ quán nói, - tôi đã định gọi ông ở chỗ trưởng thôn, tôi đã đứng ở trước cửa nghe thấy các ông đang say sưa nói chuyện nên không dám quấy rầy, vả lại vì lo lắng cho vợ tôi, nên tôi vội trở về, nhưng bà ấy không cho vào, vậy nên tôi không làm được gì khác hơn là đợi ông ở đây.

- Thế thì ta đi nhanh lên, - K. nói, - rồi ta sẽ làm cho bà ấy

- Giá được như thế, - chủ quán nói.

Họ đi qua nhà bếp sáng sủa, ở đó có ba hay bốn hầu gái đang làm việc, cách xa nhau. Vừa nhìn thấy K., họ thật sự lặng người đi. Ở trong nhà bếp đã có thể nghe tiếng thở dài của bà chủ quán trọ. Bà ta nằm trong gian nhà kho nhỏ được ngăn cách với nhà bếp bởi một bức tường xây bằng gạch, chỉ chứa được một chiếc giường rộng và một tủ. Cái giường được kê ở một nơi có thể nhìn thấy toàn bộ nhà bếp, để có thể kiểm tra được công việc. Ngược lại từ nhà bếp không thể nhìn thấy gì ở nhà kho. Trong gian nhà kho đã tối hoàn toàn, chỉ có tấm vải trải giường kẻ sọc đỏ và trắng là còn sáng lên tí chút. Người ta chỉ có thể phân biệt được các đồ vật nếu đã bước vào trong và mắt quen với bóng tối.

- Cuối cùng ông đã đến - Bà chủ quán nói uể oải. Bà ta nằm ngửa, người duỗi ra, hất chiếc chăn nhồi cốt lông chim xuông đất, thở khó nhọc. Ở trên giường trông bà ta trẻ hơn là khi ăn mặc nghiêm chỉnh, chiếc khăn dùng để chít ban đêm có viền đăng ten mịn màng, dù quá nhỏ và phất phơ trên mái tóc, thì vẫn làm cho khuôn mặt thiểu não của bà ta trở nên đáng thương.

- Làm sao tôi có thể đến được? - K. dịu dàng hỏi - Bà có cho gọi đâu ạ!

- Ông không cần phải để tôi đợi lâu thế! - Bà chủ quán nói với tính cố chấp của người ốm. - Ông ngồi xuống đi. - Bà nói và chỉ xuống mép giường. Còn các anh hãy đi khỏi đây!

Trong phòng, ngoài những người giúp việc, những hầu gái cũng đã rón rén bước vào.

- Tôi cũng đi đây, Gardena ạ, - chủ quán nói. Đây là lần đầu tiên K. nghe tên của bà chủ quán.

- Tất nhiên, - bà ta nói nhỏ nhẹ, và dường như đang bận tâm với việc khác, bà nói thêm một cách lơ đễnh: - Mà anh ở lại làm gì?

Nhưng khi mọi người đã lui vào nhà bếp - những người giúp việc ngay lập tức đã vâng lời, hơn nữa họ bám theo tán tỉnh một người hầu gái - Gardena cũng đủ tỉnh táo để biết rằng ở trong nhà bếp có thể nghe hết những gì mà họ nói trong gian nhà kho, bởi vì nhà kho không có cửa. Vì vậy bà ta đã ra lệnh cho họ rời khỏi nhà bếp. Việc này đã được thực hiện ngay.

- Ông đạc điền, tôi nhờ ông làm ơn lấy cho tôi chiếc khăn quàng vai trong tủ. Ở ngay phía trên ấy, tôi muốn đắp nó, vì không chịu được chăn nhồi lông chim, tôi khó thở quá.

Và khi K. đưa cho chiếc khăn, bà ta nói:

- Ông thấy chiếc khăn đẹp không?

K. thấy đấy là chiếc khăn len thông thường, chỉ vì giữ ý mà chàng sờ thêm một lần nữa, nhưng không nói gì cả.

- Cái khăn đẹp thật, - Gardena nói và quấn khăn lên người. Bây giờ bà nằm yên như thể nỗi đau của mình đã chấm dứt. Biết là tóc bị rối trong khi nằm, bà đã ngồi dậy một phút sửa lại bộ tóc một tý quanh chiếc khăn trùm đầu. Tóc bà dày.

K. bắt đầu thấy sốt ruột.

- Bà hỏi là tôi đã có chỗ ở khác chưa, phải không bà chủ quán?

- Tôi hỏi à? - bà chủ quán nói. - Không, đấy là một sự nhầm lẫn.

- Nhưng mà chồng bà vừa hỏi tôi đấy thôi.

- Tôi tin ông, - bà chủ quán nói.- Tôi đến phải chịu con người đó. Khi mà tôi không muốn ông ở đây thì anh ta giữ ông lại, còn bây giờ, khi mà tôi cảm thấy hạnh phúc vì ông ở đây thì anh ta lại muốn xua đuổi! Anh ta luôn luôn làm như vậy.

- Chỉ trong vòng một đến hai tiếng đồng hồ mà bà đã thay đổi ý kiến về tôi như vậy ư? - K. hỏi.

- Tôi đã không thay đổi ý kiến, - bà chủ quán lại nói giọng uể oải hơn. - Ông đưa tay đây. Thế thế... Và bây giờ ông hãy hứa rằng ông sẽ hoàn toàn thành thật, tôi muốn thành thật với ông.

- Đúng đấy, - K. nói. - Nhưng ai trong chúng ta bắt đầu trước?

- Tôi, - bà chủ quán nói, không phải để tỏ ra lịch thiệp với K., mà dường như bà rất mong được nói đầu tiên.

Bà lấy ở dưới gối ra tấm ảnh và đưa cho K.

- Ông xem bức ảnh này, - bà khẩn khoản nói.

Để nhìn cho rõ hơn, K. bước vào nhà bếp, nhưng ở đó chàng cũng không thể nhận ra cái gì ở trên tấm ảnh. Tấm ảnh đã phai màu, nhàu nát, cũ kỹ và lỗ chỗ do để lâu ngày.

- Tấm ảnh không được tốt nữa, - chàng nói.

- Rất tiếc, rất tiếc, - bà chủ quán nói, nếu năm này qua năm khác người ta mang nó trong người thì sẽ như vậy thôi. Nhưng nếu ông nhìn kỹ hơn ông sẽ nhận ra, tất cả, chắc chắn là như thế. Mà tôi có thể giúp ông, ông cứ nói ông thấy gì. Tôi rất mừng nếu được nghe về tấm ảnh. Nào, ông thấy gì?

- Một người trẻ tuổ

- Đúng đấy. - bà chủ quán nói, - và anh ta đang làm gì nào?

- Tỏi nghĩ rằng anh ta nằm trên một tấm gỗ người duỗi ra và đang ngáp.

Bà chủ quán bật cười:

- Làm gì có chuyện đó, - bà nói.

- Nhưng mà đây là tấm gỗ, và anh ta đang nằm lên đó. - K. cố chứng minh.

- Anh hãy nhìn cho kỹ hơn, - bà chủ quán bực tức nói. - Có thật là anh ta đang nằm không?

- Không phải,- K. nói, anh ta không nằm mà là đang lơ lửng. - Bây giờ tôi mới thấy đây không phải là tấm gỗ mà có lẽ là sợi dây, người trẻ tuổi đang nhảy qua nó.

- Đấy đấy, - bà chủ quán vui vẻ nói, - anh ta đang nhảy. Những người đưa thư phải tập như vậy đấy. Tôi đã biết là cuối cùng ông cũng nhận ra. Ông có thấy mặt anh ta không?

- Tôi không thấy rõ hết khuôn mặt anh ta, - K. nói, - chắc là anh ta đang lấy hết sức, miệng há, mắt nhắm và tóc bay xõa ra.

- Phải, phải. - Bà chủ quán nói vẻ tán thành. - Người nào không trực tiếp biết anh ta thì không nhận được ra nhiều hơn. Đây là một người trẻ tuổi rất điển trai, tôi chỉ thấy có một lần thoáng qua, nhưng sẽ không bao giờ quên được anh ta.

- Anh ta là ai thế? - K. hỏi.

- Là người đưa thư, - bà chủ quán nói. - anh ta đã đưa tôi đến gặp Klamm

K. không thể tập trung nghe những điều bà chủ quán trọ nói, vì chàng bị quấy rầy bởi tiếng va chạm vào cửa kính. Ngay lập tức chàng phát hiện ra nguyên nhân gây tiếng động. Những người giúp việc đứng ở ngoài sân, họ đổi chân mà nhảy trong tuyết. Họ làm như thể đang hạnh phúc vì được gặp lại K., vừa vui sướng chỉ trỏ cho nhau, họ vừa liên tục chọc ngón tay vào cửa sổ nhà bếp. Thấy K. giơ tay dọa, họ liền chạy khỏi chỗ đó, nhưng vẫn cố xô đẩy nhau, người nọ vượt qua người kia, không biết chán và rồi họ lại ở bên cửa sổ. K. vội đi vào nhà kho, từ ngoài nhìn vào những người giúp việc không thể thấy chàng được, và chàng cũng không muốn nhìn họ. Nhưng tiếng gõ nhẹ nhàng, nài nỉ trên mặt kính cửa sổ vẫn bám theo chàng vào tận nhà kho một lúc lâu.

- Lại những người giúp việc, - chàng nói nhã nhặn với bà chủ quán và chỉ ra ngoài. Nhưng không chú ý đến chàng, bà chủ quán lấy lại tấm ảnh, bà ta xem và vuốt lại rồi đút xuống dưới chiếc gối. Bà ta cử động chậm chạp hơn, nhưng không phải do mệt mỏi mà là do sức nặng của sự hồi tưởng. Bà định kể cho K. nghe, vậy mà trong lúc kể lể bà đã quên mất chàng. Bà nghịch những dải viền tua của chiếc khăn. Chỉ sau đó bà mới ngước nhìn lên, xoa xoa mắt khắp lượt và nói:

- Chiếc khăn này cũng của Klamm cho, cả chiếc khăn chít đầu nữa. Tâm ảnh, chiếc khăn này và khăn chít đẩu: đấy là ba kỷ niệm của tôi có được từ ông ấy. Tôi không trẻ như Frida, không muốn làm nên việc lớn như cô ấy, và cũng không đa cảm, cô ấy đa cảm lắm. Tóm lại, tôi biết cam chịu với cuộc đời, nhưng cần phải nói rằng, thiếu ba thứ này tôi đã không chịu được lâu đến thế, thậm chí một ngày duy nhất thôi cũng không thể! Có lẽ ông coi thường ba vật kỷ niệm này, nhưng ông xem: Frida mặc dù đã có quan hệ lâu với Klamm nhưng cô ấy không hề có một vật kỷ niệm nào cả, tôi đã hỏi rồi mà. Cô ấy quá mơ mộng, thêm vào đó là quá bất mãn; còn tôi thì mặc dù chỉ gặp Klamni có ba lần (sau đó ngài không cho gọi tôi, tôi không biết tại sao), tôi có lẽ đã dự cảm thấy thời gian ngắn ngủi làm sao nên đã mang theo những kỷ vật này. Tất nhiên tôi phải tự lo lấy những vật đó, Klamm không bao giờ cho gì cả, nhưng nếu nhìn thấy cái gì có thể xin được thì có thể xin Ngài.

Những chuyện này đã làm K. khó chịu, dù chúng liên quan trực tiếp tới chàng.

- Những chuyện này có từ bao giờ? - chàng thở dài hỏi.

- Hơn hai mươi năm rồi, - bà chủ quán nói - Nhiều hơn hai mươi năm rồi.

- Các người chung thủy với Klamm lâu như thế cơ đấy, - K. nói. - Bà biết không, thưa bà chủ quán, bà đã làm tôi lo lắng thật sự, nếu tôi nghĩ đến cuộc sống vợ chồng sắp tới!

Bà chủ quán cho việc K. đưa chuyện riêng của mình ra là không đúng chỗ, bà bực tức liếc nhìn K.

- Bà đừng giận tôi, bà chủ quán ạ, - K. nói. - Tôi không nói một lời nào chống lại Klamm đâu, do hoàn cảnh mà tôi đã phải có mối quan hệ nhất định với Klamm, điều đó thì người kính trọng Klamm nhất cũng không phủ nhận được. Đúng như vậy. Còn bây giờ nếu như khi nhắc đến Klamm mà tôi luôn phải nghĩ đến bản thân thì đó là chuyện có thể hiểu được, và không thể thay đổi được nữa. Tuy nhiên, thưa bà chủ quán, - nói đến đây K. nắm lấy bàn tay đang lảng tránh của bà ta, - bà đừng quên là cuộc nói chuyện lần cuối cùng của chúng ta đã không thành công, bây giờ thì chúng ta cũng nên chia tay nhau êm đẹp.

- Ông nói đúng đấy, - bà chủ quán nói và cúi đầu xuống, - nhưng tôi xin ông lượng thứ cho. Tôi không đa cảm hơn những người khác mà ngược lại, nhưng ai cũng có điểm dễ xúc động của mình, tôi chỉ có một điểm này đây.

- Rất tiếc, điểm xúc động của tôi cũng như thế, - K. nói. - Tôi sẽ cố gắng làm chủ mình tng hợp. Nhưng bà nói đi, bà chủ quán, tôi phải chịu đựng ra sao sự chung thủy khủng khiếp ấy với Klamm trong cuộc sống vợ chồng tôi, nếu trong lĩnh vực này Frida giống bà?

- Sự chung thủy khủng khiếp ư? - bà chủ quán càu nhàu nhắc lại. - Đây có phải là sự chung thủy không? Tôi chung thủy với chồng tôi, điều đó đúng, nhưng chung thủy với Klamm ư? Có một lần Klamm đã biến tôi thành tình nhân của ông ta, và như thế nào đó tôi đã đánh mất cái vinh dự đó rồi à? Ông phải chịu đựng ra sao với Frida ư? Ồ, ông đạc điền, ông là ai mà đám hỏi như vậy?

- Bà chủ quán! - K. lưu ý nói.

- Tôi biết, - bà chủ quán nhượng bộ, - nhưng chồng tôi không báo giờ hỏi tôi những chuyện như thế. Tôi không biết ai là người bất hạnh hơn: Tôi của thời đó, hay Frida bây giờ? Frida, người đã tự nguyện bỏ Klamm, hay là tôi, người mà ông ta không cho gọi đến nữa. Có lẽ là Frida, cho dù xem ra, trước mắt cô ta chưa hoàn toàn ý thức được điều đó. Ngày ấy những suy nghĩ của tôi đều bị số phận hẩm hiu của mình chế ngự, tôi luôn tự hỏi mình, và thực ra ngay bây giờ tôi vẫn thường xuyên hỏi: tại sao lại xảy ra như vậy? Klamm đã cho mời tôi đến ba lần, và lần thứ tư thì không, và không bao giờ nữa! Thời gian đó tôi chỉ dằn vặt về điều ấy. Tôi có thể kể được cái gì khác cho chồng tôi, người mà tôi đã lấy sau sự kiện đó không lâu? Ban ngày chúng tôi không có thì giờ,- vì chàng tôi đã mua lại cái quán khi ấy nó tương đối thảm hại, liền phải cố gắng cho nó khởi sắc chút ít; còn ban đêm thì sao? Đã bao năm rồi những cuộc trò chuyện ban đêm của chúng tôi vẫn chỉ xoay quanh ông Klamm, quanh việc tại sao ông ấy có thể thay đổi tình cảm đối với tôi. Nếu trong khi nói chuyện mà chồng tôi ngủ thì tôi đánh thức ông ấy dậy và chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện.

- Bây giờ nếu bà cho phép, - K. nói. - Tôi xin hỏi một điều rất thô lỗ.

Bà chủ quán im lặng.

- Tóm lại là tôi không có thể hỏi? - K. nói. - Với từng ấy điều tôi cùng đã hiểu cả rồi.

- Tất nhiên, - bà chủ quán nói, - là ông đã hiểu cả, đây là một việc đặc biệt. Ông đã hiểu nhầm tất cả, kể cả sự im lặng. Ông không có khả năng khác. Tôi cho phép ông hỏi.

- Nếu tôi hiểu sai tất cả, thì có lẽ tôi hiểu sai cả câu hỏi của mình, - K. nói,- có lẽ câu hỏi của tôi cũng không thô lỗ. Tôi chỉ muốn biết là bà đã làm quen với ông nhà như thế nào, và ông bà đã đến với cái quán này ra sao?

Bà chủ quán nhăn trán, trả lời chàng một cách lãnh đạm.

- Chuyện rất đơn giản. Bố tôi là thợ rèn, còn Jankó, người chồng hiện nay của tôi, hồi ấy là anh chàng coi ngựa cho một ông chủ lớn, và thường đến chỗ bố tôi. Sau đó, khi tôi gặp Klamm lần cuối cùng, tôi rất bất hạnh mặc dù không nên như vậy vì mọi việc đều xảy ra theo cách thức của nó, chính Klamm đã quyết định là tôi không còn được đến gặp ông ấy nữa; nghĩa là việc đó đã xảy ra theo cách thức của nó. Chỉ có các nguyên nhân là chưa rõ ràng, lẽ ra tôi đã có thể tìm hiểu những nguyên nhân đó, và không được bất hạnh. Nhưng tôi đã bất hạnh, không làm việc được, cả ngày tôi ngồi trong mảnh vườn nhỏ trước nhà. Jankó đã nhìn thấy tôi ở đó, thỉnh thoảng anh ấy ngồi cạnh tôi, tôi không than vãn với anh ấy, nhưng anh ấy biết chuyện gì đã xảy ra, vì anh ấy là người tốt. Có khi anh ấy đã khóc cùng với tôi. Thế rồi ông chủ quán lúc ấy, một lần đi ngang qua vườn và thấy chúng tôi đang ngồi ở đó - vợ ông ta đã chết, vì thế ông ta muốn bỏ việc, ông ta lúc ấy cũng đã già rồi - ông ta đứng lại và ngay tại đó, đã cho chúng tôi thuê quán, và ông ta cũng không yêu cầu số tiền ứng trước, vì ông rất tin ở chúng tôi, tiền thuê quán ông cũng định ra rất thấp. Tôi không muốn làm gánh nặng cho bố tôi, tuy vậy đối với tôi tất cả mọi đều thế cả thôi, nghĩ đến quán trọ và cho rằng công việc mới mẻ có lẽ làm cho mình khuây khỏa, tôi đã lấy Jankó, chuyện xảy ra như vậy đó.

Yên lặng một lúc, sau đó K. nói:

- Ông chủ quán ấy xử sự đẹp, nhưng thiếu suy nghĩ, hay là ông ta có nguyên nhân gì đó đặc biệt mà đã tin ở hai người?

- Ông ta hiểu Jankó, - bà chủ quán nói, - là bác họ của anh ấy.

- Thế thì đó là chuyện khác, - K. nói, - gia đình Jankó rõ ràng đã rất quan tâm với quan hệ của ông bà.

- Có thể, - bà chủ quán nói. - Tôi không biết, mà tôi cũng không bao giờ để ý đến việc đó.

- Thế mà lẽ ra bà phải quan tâm đấy, - K. nói, - nếu gia đình anh ta đã sẵn sàng chấp nhận sự hi sinh và đã trao cho bà quán trọ mà không cần có gì bảo đảm như thế.

- Sau đó mới té ra là không phải người ta thiếu suy nghĩ, - bà chủ quán nói, - tôi đã lao vào công việc, tôi khỏe, con gái thợ rèn mà lại, không cần gái hầu, đầy tớ. Tôi có mặt khắp nơi, trong quầy uống, trong bếp, trong chuồng bò, ngoài sân, và tôi nấu nướng ngon đến nỗi phải nấu cả cho khách bị lôi cuốn đến đây từ quán "Ông chủ". Ông chưa đến quán ăn vào buổi trưa, ông không biết những người khách đến buổi trưa của chúng tôi, hồi đó họ tới đây động hơn nhiều, từ đó có nhiều người đã không đến. Kết quả là, chúng tôi không những đã trả tiền thuê quán đều đặn, mà một vài năm sau đã mua toàn bộ cái quán ăn, và hiện nay hầu như không có khó khăn gì nữa. Nhưng tất nhiên có một kết quả khác: tôi đã bị tàn tạ, bị bệnh tim và giờ đây trở thành một bà già. Chắc là ông tưởng tôi già hơn Jankó nhiều lắm nhưng thật ra anh ấy chỉ kém tôi độ hai, ba tuổi thôi, mà anh ấy cũng sẽ chẳng bao giờ già đâu, bởi vì với những công việc như hú tẩu, nghe khách nói chuyện, đổ tẩu, thỉnh thoảng mang ra vài cốc bia... thì con người ta không già được đâu.

- Công việc mà bà đã làm thật là tuyệt vời, - K nói, - điều đó không thể nghi ngờ được nữa. Nhưng vừa rồi chúng ta nói về thời gian trước khi bà lấy chồng, vậy thì vẫn là chuyện lạ nếu như gia đình Jankó đưa tiền, hoặc phải trả giá liều lĩnh bằng việc trao lại quán trọ để đồng ý cho anh ấy lấy bà một khi không có hy vọng gì khác, ngay như khả năng lao động của bà lúc đó họ cũng chưa thể biết được, còn về khả năng lao động của Jankó thì họ đã biết rất rõ là không đáng kể gì cả.

- Vâng, vâng, - bà chủ quán nói. - Tôi hiểu ông ám chỉ gì; ông lại nhầm lẫn rồi đấy. Trong những chuyện đó Klamm không có dính dáng gì. Tại sao ông ấy lại phải lo lắng cho tôi, nói đúng hơn, làm sao ông ấy có thể lo lắng cho tôi được nhỉ? Bởi vì ông ấy cũng không biết tôi có mặt ở trên đời. Ông ấy không cho gọi tôi nữa, điều đó chứng tỏ rằng ông ấy đã quên tôi rồi. Người mà ông không cho gọi nữa thì ông hoàn toàn quên. Trước mặt Frida tôi không muốn nói về điều đó. Nhưng việc đó còn nhiều hơn là sự quên lãng. Chúng ta có thể quan hệ lại với người mà chúng ta đã quên, nhưng với Klamm thì điều đó không thể được. Nếu ông ấy đã không cho gọi ai đó nữa thì ông ấy đã quên người đó không chỉ trong quá khứ, mà là quên dứt điểm, trong tương lai cũng thế. Nếu cố ép buộc mình, tôi cũng nghĩ được như ông, và có thể những ý nghĩ đó có hiệu lực ở cái nơi xa xôi mà ông đã rời bỏ để đến đây, còn ở đây thì hoàn toàn vô nghĩa. Có thể ông đã có cái ý nghĩ hoang đường, rồ dại cho rằng sở dĩ Klamm cho tôi đi lấy anh chàng Jankó như thể là để khi ông ta gọi, tôi có thể đến với ông ta êm thấm. Thế thì thật là ngu ngốc, ông sẽ không thể đi xa hơn thế được đâu. Ai là người đàn ông có thể cản đường tôi để tôi khỏi chạy đến với Klamm, nếu như ông ấy cho một tí tín hiệu gọi tới? Phi lý, hoàn toàn phi lý, con người ta đâm ra lẩn thẩn nếu cứ đùa chơi với sự phi lý này. Không, vì thế chúng ta cũng chưa muốn lẩn thẩn đâu, - K. nói. - Và tôi cũng chưa suy nghĩ đến điều mà bà linh cảm thấy đâu, mặc dù tôi thú nhận là mình đã suy nghĩ theo hướng đó. Tạm thời, tôi ngạc nhiên là họ hàng của chồng bà đã chờ đợi nhiều làm sao ở cuộc hôn nhân này, và những hi vọng của họ đã được toại nguyện đến mức nào, dù phải trả giá cho trái tim và sức khỏe của bà đi nữa. Trong tôi xuất hiện ý nghĩ ràng hết thảy những việc này đều liên quan tới Klamm, chỉ có điều không phải, hoặc chưa phải trong hình thức thô lỗ mà bà đã nêu lên rõ ràng với mục đích mắng nhiếc tôi lần nữa. Vì một cái gì đó, bởi trong việc ấy bà lấy làm thích thú thật sự. Thì bà cứ việc thích thú! Nhưng ý nghĩ của tôi như sau: động lực thúc đẩy cuộc hôn nhân rõ ràng là Klamm. Nếu không có Klamm thì bà đã không bất hạnh, không ngồi vất vưởng ở trong vườn; không có Klamm, Jankó đã không trông thấy bà ở đó, người đần độn như thế thì nếu không có nỗi đau của bà anh ta đã không dám lên tiếng; không có Klamm thì không bao giờ bà khóc với Jankó, không có Klamm thì ông bác họ chủ quán trọ đã không thể gặp bà và Jankó đang lặng lẽ ngồi cạnh nhau trong vườn, không có Klamm thì không phải mọi việc đối với bà thế nào cùng xong, nghĩa là bà đã không lấy Jankó làm chồng. Nào, trong tất cả những điều đó đều có đủ Klamm, tôi đã nghĩ như vậy đấy. Nhưng hết thảy những điều này vẫn chưa là gì cả. Nếu bà không cố quên ông ta đi chắc chắn bà đã quan tâm đến bản thân nhiều hơn, không lao vào công việc đến mức đó, và không làm cho quán trọ khởi sắc đâu. Vậy thì ở đây cũng có Klamm. Nhưng tất cả những việc đó, ngay cả nguyên nhân bệnh tình của bà cũng là Klamm nốt, bởi vì trước cuộc hôn nhân, trái tim bà đã chịu đựng những dục vọng bất hạnh. Vấn đề còn lại bây giờ là cái gì đã quyến rũ họ hàng nhà Jankó trong cuộc hôn nhân này. Chính bà đã nói rằng được một lần làm tình nhân của Klamm nghĩa là mãi mãi giữ được danh hiệu quý giá đó, chắc điều này đã quyến rũ họ. Ngoài ra, theo tôi họ đã hi vọng rằng ngôi sao hạnh phúc đưa bà đến với Klamm, - nếu đúng ngôi sao đó là hạnh phúc như bà đã khẳng định, và trong thực tế đúng là như vậy, - nó sẽ mãi mãi ở lại với bà và

bỏ bà không lời từ biệt như Klamm đã làm.

- Ông nghĩ những điều này nghiêm chỉnh chứ? - bà chủ quán hỏi.

- Nghiêm chỉnh, - K. trả lời, - bên cạnh đó tôi tin rằng những họ hàng Jankó vừa đúng vừa đồng thời không hoàn toàn đúng. Tôi đã cảm thấy họ phạm sai lầm. Trông qua thì mọi chuyện đều thành công, cuộc sống của Jankó được thu xếp tuyệt vời: anh ta có một người vợ tốt, được mọi người kính trọng và một cái quán làm ăn trôi chảy. Nhưng thật ra vẫn không thành công tất cả, rõ ràng anh ta sẽ hạnh phúc hơn với mội cô gái bình thường mà anh ta là người tình thật sự đầu tiên. Nếu có lúc như bà cũng thấy, anh ta hầu như đứng vô dụng ở quầy uống, anh ta làm như vậy là vì cảm thấy mình vô dụng thật nhưng cũng không có nghĩa là vì thế mà anh ta cho rằng mình bất hạnh, tôi biết chứ, nhưng đồng thời cũng chắc chắn rằng anh chàng điển trai thông minh này sống với người phụ nữ khác thì hạnh phúc hơn, tôi muốn nói là anh ta sẽ độc lập và chăm chỉ hơn nhiều. Mà nay thì bản thân bà cũng không hạnh phúc, và thiếu ba kỷ vật kể trên là bà không thiết sống nữa, thêm vào đó bà còn bị bệnh đau tim. Theo đó thì họ hàng nhà anh ta đã hy vọng hão chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Ngôi sao hạnh phúc vẫn ở trên đầu bà, nhưng họ không biết cách với tới đó thôi.

- Vậy thì chúng tôi đã quên không làm cái gì? - Bà chủ quán hỏi. Bây giờ bà nằm ngửa, toàn thân duỗi ra, mắt nhìn chăm chăm lên trần nhà.

- Quên hỏi Klamm! - K. trả lời.

- Nghĩa là chúng ta trở lại vấn đề của ông, - bà chủ quán nói.

- Tức là trở lại vấn đề của bà, - K. nói, - việc của chúng ta gần gũi nhau mà.

- Vậy ông muốn gì ở Klamm? - bà chủ quán hỏi, rồi ngồi dậy, bà dựng những chiếc gối ở phía sau để có thể dựa lưng vào đó, và nhìn thẳng vào mắt K. - Tôi đã thành thật kể cho ông nghe chuyện của tôi, ông có thể học được việc này, việc kia. Bây giờ ông hãy nói cho tôi cũng chân thành như thế rằng ông muốn hỏi gì Klamm? Tôi đã phải khó khăn lắm mới thuyết phục được Frida đi lên phòng của ông và ở lại đó, tôi sợ sự có mặt của cô ấy ở đây làm cho ông không nói thành thật.

- Tôi không có gì phải giấu giếm cả, - K. nói - Trước hết tôi muốn lưu ý bà một việc. Bà nói: Klamm quên ngay lập tức. Tôi cho điều đó thứ nhất là cực kỳ không hiện thực, thứ hai là không chứng minh được, đó chỉ là một chuyện hoang đường do những cô gái đang hưởng ân huệ của Klamm nghĩ ra. Tôi ngạc nhiên là bà đã tin vào những điều bịa đặt nông cạn kiểu đó.

- Không phải chuyện hoang đường, - bà chủ quán nói, - mà là được đúc kết từ những kinh nghiệm chung.

- Vậy thì những kinh nghiệm mới có thể bác bỏ chúng, - K. nói. - Ở đây còn có một sự khác biệt giữa trường hợp của bà và của Frida là không có chuyện Klamm không gọi Frida nữa mà ngược lại, chắc chắn ông ta gọi nhưng Frida không làm theo. Có thể là ông ta vẫn luôn luôn chờ đợi cô ấy.

Bà chủ quán im lặng, ánh mắt bà ta chăm chú lướt trên người K. Cuối cùng bà nói:

- Tôi muốn bình tĩnh nghe tất cả những điều ông nói. Ông đừng thương hại, mà tốt nhất hãy nói thật lòng. Tôi yêu cầu ông đừng nói đến tên Klamm, ông hãy gọi là Ông ta, hoặc thế nào cũng được, miễn là đừng gọi tên.

- Tôi sẵn lòng thôi, - K. nói, - nhưng thật khó nói là tôi muốn gì ở ông ta. Trước hết tôi muốn được trực tiếp nhìnấy ông ta thật gần, sau đó tôi muốn nghe tiếng ông ta, và muốn biết ông ta có ý kiến gì về cuộc hôn nhân của chúng tôi. Ngoài rà, tôi còn muốn yêu cầu ông ta điều gì nữa thì còn phụ thuộc xem cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra như thế nào. Có thể sẽ trao đổi việc này, việc kia, nhưng đối với tôi quan trọng nhất vẫn là mặt đối mặt với ông ta. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa được nói chuyện trực tiếp với các nhà chức trách thực thụ. Xem ra thì việc này khó thực hiện hơn là tôi đã nghĩ. Bây giờ thì trách nhiệm của tôi là phải nói chuyện với ông ta như nói với một con người bình thường, và theo tôi, việc này dễ thực hiện hơn nhiều. Với một nhà chức trách, ông ấy chỉ nói chuyện với tôi ở một nơi - mà xem ra là không thể nào đến được - là ở văn phòng của ông ấy, trong Lâu đài hoặc ở quán "Ông chủ", mặc dù điều này rất khó xảy ra. Nhưng nếu với tư cách cá nhân thì ông ấy tiếp chuyện tôi ở đâu mà chẳng được: ở nhà, ngoài đường, ở mọi nơi mà tôi gặp được ông ấy. Nếu cùng lúc đó mà ông ta tiếp tôi với tư cách nhà chức trách thì tôi rất mừng, nhưng đó không phải là mục đích của tôi.

- Được rồi, - bà chủ quán nói và úp mặt vào gối, như thể bà nói điều gì xấu hổ, - nếu tôi liên hệ để yêu cầu của ông gặp được Klamm, thì ông có hứa với tôi rằng ông sẽ không làm gì phương hại chứ?

- Tôi không thể hứa điều đó được, - K. nói, cho dù tôi cũng muốn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hay sự khó tính của bà. Sự việc rất khẩn cấp, nhất là sau khi cuộc nói chuyện của tôi với ngài trưởng thôn diễn ra không thuận lợi.

- Lý do này không xác đáng, - bà chủ quán nói.

- Ngài trưởng thôn là một nhân vật hoàn toàn vô tích sự, ông không nhận thấy à? Dù chỉ một ngày thôi ông ta cũng không giữ được địa vị của mình nếu không có bà vợ bên cạnh, bà ấy làm tất cả đấy.

- Bà Mici ư? - K. hỏi. Bật đầu. - Bà ta cũng đã có mặt ở đó. - K. nói.

- Bà ấy nói gì không? - bà chủ quán hỏi.

- Không, - K. nói, - nhưng tôi có ấn tượng là bà ta cũng không có ý kiến gì.

- Ông thấy chưa, - bà chủ quán nói, - ông nhìn mọi việc đều nhầm lẫn như thế đấy. Trong mọi trường hợp, cho dù trưởng thôn đã giải quyết công việc liên quan đến ông ra sao thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu có dịp tôi sẽ nói chuyện với vợ ông ta sau. Còn nếu bây giờ tôi hứa thêm với ông rằng chậm nhất là một tuần nữa sẽ có trả lời của Klamm thì thật ra ông không có lý do gì nữa để không chấp nhận đề nghị của tôi.

- Chuyện đó cũng chỉ là thứ yếu, - K. nói, - tôi đã quyết tâm thực hiện quyết định của mình, dù có phải nhận câu trả lời từ chối. Và nếu tôi đã có ý định đó từ trước thì tôi cũng không thể đề nghị cuộc nói chuyện được. Không đề nghị có lẽ là việc làm liều lĩnh, nhưng không phải là có ý xấu, sau khi bị từ chối sẽ là sự chống đối công khai. Điều này tất nhiên là xấu hơn nhiều.

- Xấu hơn nhiều ư? - bà chủ quán hỏi. - Dù sao thì đó cũng là sự chống đối. Ông hãy làm như ông muốn. Ông đưa cho tôi cái váy!

Và không thèm để ý đến K., bà ta mặc váy, vội đi ra nhà bếp. Từ phía quầy uống từ lâu đã vọng đến tiếng lộn xộn ầm ĩ. Người ta gõ vào cửa sổ. Những người giúp việc cùng một lúc giật cửa sổ và hét to vào rằng họ đói bụng. Sau đó xuất hiện những khuôn mặt khác, thậm chí có thể nghe nhiều tiếng hát khe khẽ.

Cuộc nói chuyện của K. và bà chủ quán tất nhiên đã làm muộn thời gian nấu cơm trưa; vẫn chưa có gì chuẩn bị xong, nhưng khách hàng đã tâp nập kéo đến bà chủ quán cấm không được vào nhà bếp, nên không một ai dám bước vào. Khi những kẻ nhìn trộm qua cửa sổ nhỏ cho biết bà chủ quán đang đến thì ngay lập tức những cô hầu gái chạy vào nhà bếp, và khi K. bước vào quầy uống thì chàng cũng bất ngờ thấy một nhóm hơn hai mươi người, có cả đàn ông lẫn đàn bà ăn mặc theo kiểu tỉnh lẻ nhưng không phải nông dân, cùng một lúc ùa vào phía các dãy bàn để chiếm chỗ. Ở một góc phòng, cạnh chiếc bàn nhỏ, đã có một cặp vợ chồng ngồi cùng với mấy đứa trẻ. Người đàn ông có đôi mắt xanh, niềm nở với mái tóc và bộ râu bạc trắng, rối bù đang cúi xuống những đứa trẻ và dùng con dao đánh nhịp bài hát đang bị ông ta cố gắng làm cho trầm đi, có lẽ bằng lời hát như vậy ông ta muốn làm cho những đứa trẻ quên rằng chúng đang đói. Bà chủ quán nói vài lời xin lỗi với đám đông mặc dù chẳng ai trách móc bà cả. Bà nhìn quanh tìm chủ quán, nhưng anh ta thấy tình thế khó khăn đã chuồn từ lâu. Rồi bà chủ quán từ từ quay lại bếp không hề nhìn K. đang vội vàng lên phòng với Frida.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx