sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Thầy giáo đợi chàng ở trên phòng. Rất khó có thể nhận ra căn phòng, thật đáng mừng là Frida đã chăm chỉ như thế. Cô đã thông gió, nhóm lò sưởi chu đáo, rửa sàn nhà, và dọn lại giường. Những thứ bẩn kinh người, đồ đạc của đám hầu gái, đã biến đi cùng với họ. Chiếc bàn mà trước đây ghét bẩn đóng lại thành lớp cứ ám ảnh người ta, cho dù có quay đi đâu, thì giờ đây đã được phủ một tấm khăn thêu màu trắng. Như vậy thì có thể tiếp khách. Còn ít đồ lót của K. mà chắc là Frida mới giặt lúc sáng, đang phơi cạnh lò sưởi không ảnh hưởng gì lắm. Khi K. bước vào, thầy giáo và Frida đang ngồi cạnh chiếc bàn đều đứng dậy. Frida chào K. bằng một cái hôn, thầy giáo thì hơi cúi xuống. K. vẫn còn bị ảnh hưởng của cuộc nói chuyện với bà chủ quán, đã lơ đãng thanh minh rằng chưa thăm thầy giáo được, làm như thể thầy giáo vì sốt ruột không thấy chàng đến thăm nên bây giờ đến tìm chàng. Nhưng thầy giáo với tác phong điềm tĩnh, tỏ ra khó khănới nhớ lại trước đây họ đã thỏa thuận với nhau một cuộc gặp gỡ nào đó.

- Thưa ông đạc điền, có phải ông là người lạ mà vài ngày trước đây tôi đã được đôi lời trò chuyện ở sân nhà thờ? - anh ta nói chậm rãi.

- Vâng, - K. đáp cộc lốc. Cái mà lúc đó khi bị bỏ rơi, K. đã phải chịu, thì giờ đây trong căn phòng của mình chàng không thể cho phép. Chàng quay lại với Frida, và bắt đầu bàn bạc với cô về một cuộc viếng thăm quan trọng mà ngay bây giờ chàng phải ăn mặc nghiêm chỉnh hơn để thực hiện. Frida không gạn hỏi chàng nhiều, ngay lập tức cô gọi những người giúp việc đang xem chiếc khăn trải bàn mới, và ra lệnh cho họ phải chải sạch quần áo và đôi ủng của K. Ở dưới sân, K. cởi quần áo, còn Frida lấy xuống một chiếc áo sơ mi từ dây phơi và cô chạy vào nhà bếp để là.

Còn lại hai người, K. và thầy giáo đang ngồi im lặng cạnh chiếc bàn. K. còn bắt anh ta phải đợi một lúc nữa; chàng cởi áo sơ mi, và bắt đầu rửa người bên chỗ rửa mặt. Chỉ lúc này, quay lưng lại với thầy giáo, chàng mới hỏi anh ta đến để làm gì.

- Ngài trưởng thôn đã ủy nhiệm cho tôi đến đây, - anh ta trả lời.

K. muốn nghe việc mà ông trưởng thôn ủy nhiệm, nhưng khó có thể nghe rõ lời thầy giáo trong tiếng vòi nước chảy róc rách, vì vậy thầy giáo phải đến gần hơn, đứng tựa người vào tường cạnh K. K. lấy cớ vội đi thăm ai đó theo kế hoạch để thanh minh cho sự tắm rửa và thái độ cáu kỉnh của mình. Thầy giáo bỏ ngoài tai điều đó, anh ta nói:

- Ông đã xử sự bất nhã với ngài trưởng thôn một con người già cả, có công, từng trải và đáng kính như thế.

- Tôi không biết là mình có bất nhã không, - K. nói trong khi lau người, - nhưng là tôi cũng phải lo chuyện khác hơn là để ý đến tác phong lịch thiệp, bởi vì đó là chuyện kiếm sống của tôi đã bị sự trì hoãn nhục nhã của chính quyền đe dọa. Về chi tiết của việc này tôi khỏi phải kể lại cho anh, bởi vì anh cũng là thành viên tích cực của chính quyền này. Ngài trưởng thôn kêu ca tôi phải không?

- Ông ấy kêu ca với ai được kia chứ? - Thầy giáo hỏi. - Mà nếu có ai để mà kêu ca thì chẳng lẽ ông ấy lại đi kêu ca? Tôi chỉ ghi biên bản về cuộc trao đổi của các ông, theo lời ông ấy đọc cho. Và chính từ những ghi chép này mà tôi đã có thể hiểu được lòng tốt của ngài trưởng thôn cũng như những câu trả lời độc đáo của ông.

Trong khi tìm cái lược của mình, chắc là Frida đã cất ở đâu đó, K. nói:

- Như thế nào? Biên bản ư? Ai đó đã ghi biên bản về tôi mà không có mặt tôi sao, hơn nữa người đó lại không có mặt ở cuộc nói chuyện đó. Cũng hay ho đấy. Nói chung tờ biên bản đó để làm gì? Đấy là việc làm chính thức phải không?

- Không phải, - thầy giáo nói, - mà chỉ là bán chính thức, và tờ biên bản cũng chỉ là bán chính thức. Chúng tôi phải làm việc đó vì ở đây mọi chuyện đều phải có nền nếp, nghiêm chỉnh. Dù sao cũng đã có tờ biên bản, và nó không làm cho ông đáng khen đâu.

Cái lược nằm lẫn trên giường, cuối cùng K. cũng tìm ra, bây giờ chàng nói bình tĩnh hơn.

- Nếu có tờ biên bản thỉ có chứ sao! Anh đến để thông báo điều đó cho tôi chăng?

- Không. - thày giáo nói. - Tôi không phải là cái máy, tôi cần phải nói ý kiến của mình. Tổi đượe ủy quyền, điều đó chứng tỏ lòng tốt của ngài trưởng thôn, tôi nhấn mạnh là đối với tôi lòng tốt này thật là kỳ lạ, và chỉ vì cương vị của mình và vì lòng kính trọng ngài trưởng thôn mà tôi thực hiện sự ủy nhiệm.

Tắm rửa và chải đầu xong, bây giờ K. ngồi bên chiếc bàn đợi áo sơ mi. Chàng không quan tâm lắm tới việc thầy giáo đến để làm gì, nhưng bên cạnh đó, việc bà chủ quán có ý kiến không được khả dĩ về ngài trưởng thôn, lại làm chàng để tâm.

- Chắc chắn đã quá trưa rồi, - K. nói, và nghĩ đến con đường sẽ đi, sau đó giống như sực tỉnh ra điều gì, chàng nói tiếp: - Anh muốn chuyển lời nhắn nhủ gì đó của ngài trưởng thôn, phải không?

- Phải, phải, - thầy giáo nói và nhún vai, như thể anh ta trút bỏ mọi trách nhiệm cá nhân. - Ngài trưởng thôn sợ rằng phải đợi quyết định quá lâu, nhỡ ra ông tự mình làm điều gì thiếu suy nghĩ, về phần mình, tôi không hiểu tại sao trưởng thôn lại lo lắng về việc đó. Theo ý kiến tôi, ông cứ làm điều ông muốn. Suy cho cùng chúng tôi không phải là những thiên thần canh gác của ông và trách nhiệm chúng tôi không phải là ông đi đâu thì chúng tôi bám theo đấy. Tóm lại là như vậy. Nhưng ngài trưởng thôn lại có ý kiến khác. Ai quyết định, tất nhiên do các nhà chức trách của bá tước, việc này ngài trưởng thôn không thể thúc giục được. Nhưng trong phạm vi ảnh hưởng của mình, ngài muốn tìm giải pháp quá độ nào đó, một giải pháp thật sự là cao thượng, mà chỉ phụ thuộc ở ông có nhận hay không: Ngài đề nghị ông phục vụ tạm thời ở trường học.

Việc người ta đề nghị chàng điều gì, ngay từ đầu K. đã ít quan tâm nhưng chàng không xem nhẹ ý nghĩa của việc đó. Sự việc này chứng tỏ theo ý kiến của trưởng thôn, chàng có khả năng làm một cái gì đó để bảo vệ mình, và để tránh nó, làng cũng phải mất một khoản đầu tư nhất định. Thế là người ta phải để tâm đến chuyện của chàng! Còn anh chàng thầy giáo đang đợi từ nãy đến giờ, người mà trước đó đã viết biên bản, đúng là đã bị trưởng thôn phái đến đây. Thấy sự việc thế là đã lọt tai K. thầy giáo liền tiếp tục:

- Tôi đã phản đối với lý do rằng từ trước đến nay nhà trường không cần đến bất kỳ sự phục vụ nào cả, thỉnh thoảng vợ người phục vụ nhà thờ vẫn đến quét dọn và cô giáo Giza vẫn theo dõi việc đó. Tôi cũng đã đủ tai họa với bọn trẻ, tôi không muốn bây giờ lại phải bực mình thêm với một người phục vụ nhà trường nữa. Nghe thế ngài trưởng thôn trả lời rằng dù sao ở trong trường học cũng có thể có nhiều rác bẩn. Tôi đã trả lời là tuy vậy tình hình không đến nỗi bi đát lắm, mà đúng thế thật: Tôi còn hỏi thêm phải chăng tình hình sẽ tốt hơn nếu chúng ta nhận con người này vào phục vụ nhà trường? Chưa kể đến việc anh ta không thông thạo loại công việc đó, trường học chỉ có hai phòng học lớn, không có một chỗ nào cả cho người phục vụ, có nghĩa là người phục vụ cùng gia đình phải ăn ở trong một trong hai phòng học đó, thậm chí cả nấu nướng cũng ở đó, và việc này, tất nhiên không làm tăng thêm sự sạch sẽ một tý nào. Nhưng ngài trưởng thôn để trả lời đã lấy lý do rằng công việc này đối với ông là sự giải thoát trong trường hợp tối cần thiết; chính vì thế mà ông sẽ làm hết sức mình để hoàn thành tốt công việc; hơn nữa ngài trưởng thôn nghĩ rằng, cùng với ông chúng tôi còn thu được cả sức lao động của vợ và những người giúp việc của ông, như vậy thì chẳng những chúng tôi giữ cho nhà trường qui củ mà cả vườn trường cũng được gọn gàng. Tất nhiên, tôi đã dễ dàng bác bỏ những điều đó. Cuối cùng, ngài trưởng thôn không còn biết lấy gì để bênh vực ông, mà chỉ còn biết cười trừ và nói là dù sao thì ông cũng là người đạc điền, nhờ đó mà ông có thể uốn thẳng những luống hoa trong vườn trường cho đẹp một cách đặc biệt. Tất nhiên chẳng nên phản đối câu nói đùa, và tôi đến gặp với ông với sự ủy nhiệm.

- Anh lo lắng cũng thừa, anh giáo ạ, - K. nói, - tôi không hề nghĩ là mình sẽ nhận việc làm đó.

- Tuyệt lắm, - thầy giáo nói, - tuyệt, ông đã từ chối mà không hề d dự. - Nói xong anh ta cầm mũ, cúi chào và đi khỏi.

Ngày sau đó, Frida xuất hiện với bộ mặt giận dữ, cô mang lại chiếc áo sơ mi không là và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Để làm cho cô ta vui lên, K. kể lại cuộc viếng thăm và lời đề nghị của thầy giáo; nhưng Frida chưa nghe hết đã vứt áo sơ mi xuống giường và lại chạy đi. Và cô ta nhanh chóng trở lại với thầy giáo có bộ mặt hết sức bất cần, không thèm chào hỏi gì cả. Frida yêu cầu anh ta kiên nhẫn cho một chút, - chắc là dọc đường cô ta đã yêu cầu như thế một vài lần, - sau đó cô kéo K. bước qua một cái cửa sang gác xép bên cạnh mà cho đến lúc này chàng vẫn chưa biết, ở đó cô ta hổn hển kể lại một cách lo lắng điều gì đã xảy ra. Bà chủ quán, vô cùng tức giận vì đã thổ lộ những chuyện riêng tư trước mặt K.. Và tệ hơn thế là để có một cuộc nói chuyện với Klamm, với những điều kiện cho phép nhất định, bà đã quỵ lụy mà như bà nói, vẫn không đạt được cái gì khác sự từ chối lạnh lùng, thậm chí là giảo quyệt. Bà đã cương quyết không chấp nhận K. ở trong nhà nữa, nếu chàng có quan hệ với Lâu đài thì cứ việc lợi dụng quan hệ đó, mà phải làm ngay lập tức, vì hôm nay, ngay bây giờ chàng phải rời khỏi ngôi nhà này, bà ta không bao giờ nhận chàng nữa, nếu không có lệnh và sự thúc ép trực tiếp của chính quyền nhưng bà hi vọng là chuyện đó sẽ không xảy ra vì bà ta cũng có các mối quan hệ với Lâu đài và bà sẽ hiểu cách thức lợi dụng chúng như thế nào. Hơn nữa chỉ vì sự nhẹ dạ của chồng bà mà chàng vào được quán trọ, còn bây giờ chàng không cần ở đây nữa, mới sáng nay thôi chàng chẳng đã khoe là luôn có một chỗ dành cho mình đó thôi. Tất nhiên Frida có thể ở lại, nếu cô cũng muốn đi với K. thì bà chủ quán sẽ bất hạnh lắm, chỉ mới nghĩ đến thôi bà đã khóc lóc khuỵu xuống bên bếp lửa, tội nghiệp bà ta bị bệnh tim! Nhưng bây giờ bà ta có thể làm được gì khác khi mà chí ít theo quan niệm của bà ta, tất cả những việc này đe dọa làm vấy bẩn những kỷ niệm về Klamm. Với bà chủ quán, sự việc là như vậy. Còn Frida thì tất nhiên cô sẽ theo K. đi bất kỳ đâu, về điều đó khỏi phải phí lời bàn cãi; nhưng dù, sao thì họ cũng đang lâm vào tình cảnh khốn quẫn, vì thế nên cô đã vui mừng nhận đề nghị của trưởng thôn, còn nếu công việc không thích hợp với K. - họ đã khẳng định công việc đó chỉ mang tính chất tạm thời - thì tranh thủ thời gian họ có thể dễ dàng tìm được khả năng khác nếu như quyết định cuối cùng không thuận lợi đối với K. chăng nữa.

- Trong trường hợp cuối cùng, - Frida kêu lên, cô đã ôm lấy cổ K, - chúng ta sẽ đi khỏi đây, cái gì giữ chúng ta ở lại làng này kia chứ? Nhưng tạm thời chúng ta cứ nhận lời đề nghị, phải không, anh yêu? Em đã đưa thầy giáo trở lại, anh chỉ nói với anh ta là "nhận lời", và chúng ta chuyển sang trường học.

- Đây là trò đểu giả, - K. nói không hoàn toàn nghiêm chỉnh vì chàng không quán tâm đến nơi ở với lại trong chiếc quần độc nhất, chàng cũng rất lạnh ở gian gác xép không có tường che và cửa sổ mở ở cả hai phía này, gió lạnh buốt cứ thổi thông thống. - Em đã dọn dẹp căn phòng, bây giờ chả nhẽ chúng ta bỏ đi, anh không nhận công việc đó; ngay cái chuyện phải quỵ lụy trước anh chàng giáo viên trong chốc lát cũng đã làm anh khó chịu, huống hồ anh ta sẽ là cấp trên của anh! Nếu như chúng ta vẫn có thể ở lại đây một lúc, có lẽ ngay chiều nay tình hình của anh sẽ thay đổi. Hoặc nếu chỉ có em ở lại đây, chúng ta có thể chờ xem cái gì xảy ra, cần trả lời cho anh chàng giáo viên một cách lập lờ. Về phần mình, anh luôn luôn tìm được cho bản thân chỗ nghỉ đêm; nếu như công việc không có cách nào trôi chảy thì quả thật Bar...

Frida đặt tay lên miệng K.:

- Không, không, - cô lo ngại nói, - em xin anh đừng nhắc lại điều đó. Tuy nhiên em sẽ làm mọi chuyện theo ý thích của anh. Nếu anh muốn, thì em ở lại đây một mình, cho dù điều đó làm em buồn như thế nào đi chăng nữa. Nếu anh muốn thì chúng ta cứ từ chối lời đề nghị, cho dù em có cho là sai lầm như thế nào chăng nữa. Bởi vì anh xem, nếu anh tìm được giải pháp nào khác thì ngay chiều nay tất nhiên là ngay lập tức chúng ta từ chối việc ở nhà trường, không ai có thể gây khó dễ trong chuyện đó. Còn việc quỵ lụy trước mặt anh chàng giáo viên thì anh cứ để mặc em, em cam đoan là không có chuyện đó, để rồi em nói chuyện với anh ta. Anh sẽ đứng ở đó, không nói một lời nào, mà sau này cũng thế, nếu anh không muốn thì không cần phải nói chuyện với anh ta, trong thực tế chỉ có em đóng vai trò phụ thuộc anh ta, mà cũng sẽ không như vậy, vì em biết những chỗ yếu của hắn. Cho nên nếu chấp nhận việc làm đó thì chúng ta cũng không mất gì, mà ngược lại chúng ta mất nhiều nếu từ chối: trước hết, nếu anh không đạt được gì ở trong Lâu đài thì quả thật là anh không thể tìm chỗ nghỉ đêm cho mình ở bất kỳ nơi nào trong làng, một chỗ nghỉ mà người vợ tương lai của anh không phải xấu hổ. Và nếu anh không tìm được chỗ nghỉ đêm thì làm sao anh có thể muốn em ngủ ở trong căn phòng ấm áp này, trong khi em biết rằng anh đang lang thang ở ngoài trời trong đêm lạnh giá?

Suốt thời gian đó K. đứng khoanh tay trên ngực, bàn tay vỗ vỗ lên lưng để người ấm lên tý chút, bây giờ chàng mới nói:

- Thế thì chúng ta không làm được gì khác hơn là chấp nhận thôi. Đi em.

Vào trong phòng, chàng đi thẳng đến lò sưởi, không để ý đến anh chàng giáo viên đang ngồi cạnh chiếc bàn. Anh ta lôi đồng hồ ra và nói:

- Thời gian trôi nhanh quá.

- Còn chúng tôi thì đã thỏa thuận rồi, thầy giáo ạ, - Frida nói. - Chúng tôi chấp nhận công việc đó.

- Được rồi, - anh chàng giáo viên nói, - nhưng ngươi ta đề nghị công việc cho ông đạc điền. Bản thân ông ấy phải có ý kiến.

Frida nói đỡ K.

- Tất nhiên, - cô nói, - anh ấy chấp nhận công việc đó, đúng không K.?

Như vậy thì K. có thể hạn chế ý kiến của mình thành một lời cộc lốc duy nhất là "đúng", lời đó chàng không nói với anh chàng giáo viên, mà là nói với Frida.

- Như thế, - anh chàng giáo viên nói, - bây giờ tôi chỉ cần nhắc cho ông ấy biết bổn phận của mình để trong chuyện này chúng ta hiểu nhau dứt điểm. Ông đạc điền ạ, hàng ngày ông phải quét dọn hai phòng học, phải đốt lò sưởi, phải hoàn thành những sửa chữa nhỏ trong nhà, phải làm ra các dụng cụ học tập và dụng cụ thể dục, cần phải quét tuyết trên đoạn đường dẫn qua vườn, thực hiện sự liên lạc cho tôi và cho cô giáo trẻ, và trong những mùa nóng hơn ông phải làm mọi công việc trong vườn. Ông có quyền chọn phòng học nào mình thích để ở, nên việc dạy không xảy ra cùng một lúc ở cả hai phòng. Tất nhiên là ông phải chuyển sang phòng khác nếu người ta dạy trong phòng ông đang ở. Không được nấu nướng trong trường học, vì thế cùng với thân nhân ông sẽ ăn ở quán này do làng chi phí. Cần phải cư xử cho phù hợp với trường học, nhất là đừng để bọn trẻ trông thấy bất kỳ cảnh sinh hoạt gia đình nào, chủ yếu trong giờ dạy. Điều này tôi chỉ nhắc thêm, vì như một người có học ông cũng cần phải biết. Liên quan tới tất cả những việc này, chúng tôi rất mong mối quan hệ của ông với chị Frida mau chóng được hợp pháp hóa. Chúng tôi sẽ thảo một tờ hợp đồng phục vụ có liên quan tới những điểm đó và những việc nhỏ nhặt khác, và khi ông chuyển vào trường thì phải ký ngay.

K. không thấy có gì là quan trọng trong tất cả những điều đó, dường như chàng không liên quan đến hoặc ít ra không bị chúng trói buộc, chỉ có sự quan trọng hóa của anh chàng giáo viên làm K. bực mình, chàng buông một câu dễ dãi:

- Phải rồi, những điều kiện quen thuộc.

Để giảm bớt sự gay gắt của câu nhận xét trên, Frida quan tâm đến tiền

- Tiền công như thế nào thì sau khi phục vụ thử một tháng sẽ được xem xét, - thầy giáo nói.

- Việc đó rất ảnh hưởng đến chúng tôi - Frida nói, - chúng tôi phải cưới nhau không có tiền, phải tạo lập cuộc sống gia đình từ con số không: chúng tôi có thể làm đơn gửi lên làng về việc xin một ít tiền công ngay được không, thầy giáo? Anh thấy có nên không?

- Không, - thầy giáo trả lời, luôn hướng lời mình về phía K. - Một lá đơn như vậy chỉ có kết quả nếu được tôi ủng hộ, nhưng mà tôi lại không ủng hộ. Người ta đề xuất công việc cho ông là vì lòng tốt, mà lòng tốt thì người ta không phung phí quá đáng nếu có ý thức về trách nhiệm của mình.

Nghe thế, không kìm được mình, K. đã nói cắt ngang:

- Về lòng tốt, thầy giáo ạ, tôi nghĩ anh nhầm đấy. Có lẽ tôi mới là người làm điều tốt.

- Không phải, - thầy giáo mỉm cười nói vì đã làm được K. lên tiếng, - tôi được biết một cách chính xác về việc này. Chúng tôi cần đến người phục vụ nhà trường như là cần người đạc điền vậy. Dù là người phục vụ nhà trường hay là người đạc điền thì cả hai cũng chỉ là gánh nặng trên cổ chúng tôi. Tôi còn phải vắt óc lo biện bạch thế nào đây trước làng về các khoản chi phí. Tốt nhất và cũng là phù hợp nhất với sự thật nếu chúng tôi không biện bạch gì mà chỉ đặt lên bàn những yêu cầu của mình.

- Từ những việc này tôi thấy, - K. nói, - anh buộc phải thuê người. Dẫu rằng việc đó làm anh phải suy nghĩ thì anh vẫn phải thuê. Mà ai đó phải thuê một người nào đó và người đó để cho mà thuê thì rõ ràng người để cho thuê làm điều tốt ch

- Thật là lạ lùng, - thầy giáo nói. - Ai bắt chúng tôi phải thuê người nào? Chỉ có tấm lòng tốt, tốt vô cùng của ngài trưởng thôn bắt buộc chúng tôi. Tôi thấy ông cần phải bỏ ý nghĩ rằng mình sẽ là một người phục vụ trường học tốt. Mà những nhận xét như thế sẽ không thúc đẩy việc cho phép lĩnh tiền công ngay đâu. Tiếc là tôi phải khẳng định rằng tôi sẽ còn nhiều chuyện rắc rối với lối cư xử của ông: ngay bây giờ cũng thế, tôi thấy mà khó tin ở mắt mình, suốt thời gian tọa đàm với tôi, ông mặc áo sơ mi, quần lót.

- Vâng, - K. cười, thốt lên và, đập bàn tay vào nhau, - bọn giúp việc này tệ quá! Mà họ ở đâu nhỉ?

Frida vội đến bên cửa và anh chàng giáo viên nhận thấy khó có thể nói chuyện tiếp tục với K. nên đã hỏi Frida là bao giờ thì họ muốn chuyển vào trường.

- Hôm nay, - Frida trả lời.

- Thế thì sáng mai tôi sẽ kiểm tra. - Anh chàng giáo viên nói, và thay cho lời chào anh ta vẫy tay, định đi qua cánh cửa mà Frida đã mở trước mặt nhưng va vào những người hầu gái đang mang đồ đạc của họ vào để xếp đặt lại căn phòng. Anh ta phải lách qua họ, vì những người hầu gái không tránh bất kỳ ai cả. Frida đi theo.

- Gấp thế, - K. nói với những người hầu gái nhưng không ác ý, - chúng tôi đang ở đây mà các người đã kéo vào à?

Những người hầu gái không trả lời, họ lúng túng lắc lư cái bọc mà K. thấy thò ra những thứ quán áo rách nát, bẩn thỉu.

- Các người hầu như không bao giờ chịu giặt mớ giẻ rách này, - K. nói không tỏ vẻ giận dữ, mà với thái độ có thiện chí. Những người hậu gái đã nhận thấy thế, những cái miệng cúng của họ liền hé ra, lấp lánh những hàng răng đẹp, khỏe mà dữ tợn, họ cười không ra tiếng.

- Nào, các người cứ vào mà sắp xếp lại chỗ ở, - K. nói, - đây là phòng của các người.

Nhưng vì họ cứ do dự - họ thấy căn phòng của mình đã quá thay đổi - K. liền nắm lấy cánh tay của một người trong số họ đẩy vào, người đó liền vùng vẫy nhoài ra, mắt đầy vẻ sửng sốt, họ liếc nhìn nhau rồi cứ chằm chằm không rời mắt khỏi K.

- Bây giờ thì các người đã nhìn đủ rồi, - K. nói để xua đi cái cảm giác khó chịu, rồi lấy quần áo và đôi ủng mà Frida vừa mang vào cùng với những người giúp việc rụt rè đi theo sau lưng, chàng thay quần áo. Cho tới lúc đó, và ngay cả bây giờ chàng cũng không hiểu là Frida làm sao có thể kiên nhẫn được với những người giúp việc như thế. Cô đã tìm họ hồi lâu mới thấy. Lẽ ra họ phải chải quần áo ở ngoài sân thì họ lại ngồi ở phòng ăn, nhét quần áo chưa chải sạch vào trong lòng, để cô phải đứng ra làm việc đó. Thế mà cô vẫn không nói gì họ, dù cô ấy biết cách cứng rắn với những kẻ mạt hạng ở trong quán trọ. Thậm chí trước mặt bọn giúp việc cô ấy nói về sự sơ suất của họ như nói về một chuyện đùa vậy, lại còn âu yếm, vỗ vỗ vào má một trong hai người. K. đã quyết định là rồi đây sẽ nhắc nhở cô. Còn bây giờ là lúc chàng phải đi.

- Những người giúp việc ở lại đây, họ giúp em chuyển nhà, - K. nói.

Những người giúp việc không thích việc đó, vì họ muốn vận động vui vẻ tý chút sau khi đã no bụng. Họ chỉ nghe lời khi Frida cũng nói:

- Phải rồi, các anh ở lại đây.

- Em biết anh đi đâu

- Em biết, - Frida trả lời.

- Nghĩa là em không giữ anh lại nữa chứ? - K. hỏi.

- Anh sẽ gặp bao nhiêu là trở ngại, - Frida nói. - lời nói của em có ý nghĩa gì đâu!

Cô hôn K. từ biệt, vì chàng chưa ăn trưa nên cô ấn một gói nhỏ có lạp xường và bánh mỳ vào tay chàng, đó là những thứ cô mang ở dưới nhà lên. Cô lưu ý chàng đừng quay lại đây nữa mà cứ đi thẳng đến trường học, và đặt tay lên vai K., cô tiễn chàng đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx