sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Sau đó chàng rời khỏi chỗ và quay trở lại, đi vào nhà. Bây giờ chàng không đi men theo tường mà đi ngang qua sân trên tuyết, ở hành lang chàng xô phải người chủ quán, anh ta lặng lẽ chào chàng và chỉ vào cánh cửa quầy uống. K. đi theo hướng đó, vì đang lạnh và muốn nhìn thấy mặt người, nhưng chàng đã thật sự thất vọng khi nhìn thấy ngài trẻ tuổi cạnh một chiếc bàn mà người ta đặt riêng ra cho ngài, (còn những người khác vẫn bằng lòng với những chiếc thùng). Ngài trẻ tuổi ngồi đó, đứng trước mặt ngài là - một cảnh tượng nặng nể đối với K. - bà chủ quán "Bên cầu" của chàng. Cô Pepi vẻ tự hào, với cái đầu nghiêng về phía sau, nụ cười không dứt và bím tóc đung đưa mỗi lần quay người, với ý thức không thể lay chuyển về phẩm giá của mình, cô vội vã chạy đi chạy lại, mang bia, và sau đó là mực và bút đến, vì ngài trẻ tuổi trải những tờ giấy ra trước mặt và đối chiếu các số liệu nào đó khi thì từ tờ giấy này, khi thì từ một tờ giấy khác ở nửa cuối chiếc bàn, và bây giờ ngài muốn viết. Bà chủ quán hơi bĩu môi, từ trên cao như vừa nghỉ ngơi vừa quan sát ngài trẻ tuổi và những tờ giấy của ông ta, như thế bà đã nói tất cả những điều cần nói, và người ta đã chấp nhận tất cả mặt cách tốt đẹp.

- Ngài đạc điền đây rồi, - ngài nói khi K. bước vào, và ngẩng lên nhìn sau đó lại cắm cúi vào những tờ giấy. Bà chủ quán chỉ nhìn lướt qua K. với ánh mắt thờ ơ không bị bất ngờ. Còn Pepi thì như thể lần đầu tiên nhìn thấy K., chàng bước đến quầy và gọi một cốc cô nhắc.

K. tựa vào quầy rượu, áp chặt tay vào mắt, không để ý đến điều gì cả. Sau đó chàng nếm thử cô nhắc và liền đẩy cốc rượu ra vì chàng thấy không thể thưởng thức nổi loại rượu đó.

- Các ông ấy cũng uống rượu này, - Pepi nói cộc lốc. Cô ta đổ đi số rượu còn lại, rửa cốc và lại đặt vào giá đựng.

- Các ông ấy có loại rượu ngon hơn, - K. nói.

- Có thể lắm, - Pepi nói, - nhưng tôi không có.

Với câu nói đó, cô ta đã giải quyết xong với K. và lại xoay quanh ngài trẻ tuổi. Nhưng vì ngài không cần gì cả, nên cô ta chỉ lượn lờ đằng sau lưng, và cố gắng nhìn trộm các giấy tờ qua vai của ngài với vẻ tôn kính, dè dặt. Đúng là sự tò mò và hợm hĩnh vô nghĩa, bà chủ quán cũng nhíu mày không đồng tình.

Thế rồi sau đó bỗng ngài trẻ tuổi ngẩng nhìn lên, mắt dán vào khoảng không, hầu như ngài lặng người đi. K. quay lại, chàng không nghe thấy cái gì đặc biệt, và hình như những người khác cũng không nghe thấy gì cả. Bà chủ quán thì với những bước dài nhón chân chạy đến cánh cửa mở ra sân, và nhìn trộm ra ngoài qua lỗ tra khóa rồi với đôi mắt mở to, nét mặt hứng khỏi bà ta quay lại với mọi người, vẫy họ đến gần. Bây giờ thì người ta thay nhau nhìn ra, nhìn lâu nhất là bà chủ quán, nhưng bà cũng nghĩ đến cô Pepi nữa, so với họ thì ngài trẻ tuổi là người thờ ơ nhất. Ông ta và Pepi nhanh chóng quay trở lại, chỉ có bà chủ quán là tiếp tục nhìn với vẻ mặt căng thẳng, người oằn xuống gần như là quỳ, trông như thể bà ta van xin, phù phép cái lỗ tra khóa để nó cho bà đi qua, vì đã từ lâu không thể nhìn thấy gìrốt cuộc khi ngẩng lên, bà vuốt khắp mặt, sửa lại tóc, thở sâu; có thể thấy rằng bà lại che mắt làm quen với cảnh tượng của căn phòng và mọi người một cách rất khó khăn. Bất chấp cả ý muốn của mình. K. không phải chỉ tin chắc vào điều mình đã biết mà còn đề phòng bị tấn công bất ngờ, trong chốc lát chàng cảm thấy là mình dễ bị thương tổn.

- Vậy là Klamm đã đi rồi sao? - chàng hỏi.

Bà chủ quán đi ngang bên cạnh chàng không nói nhưng ngài trẻ tuổi đã trả lời chàng từ chỗ chiếc bàn:

- Vâng, đúng thế, sau khi ông bỏ chỗ đón đợi ông ấy thì Klamm có thể ra đi. Nhưng ông ta mới nhậy cảm làm sao, thật đáng kinh ngạc. Bà có chú ý thấy ông ta lo lắng nhìn quanh không, bà chủ quán?

Bà chủ quán có vẻ không nhận thấy điều đó, ngài trẻ tuổi vẫn tiếp tục:

- Bây giờ thì may là không có thể nhìn thấy gì nữa, gã xà ích đã quét luôn cả dấu vết trong tuyết.

- Bà chủ quán không nhận thấy gì hết, - K. nói, không phải để hy vọng điều gì đó, mà chỉ vì lời nhận xét tỏ ra kiêu kỳ và không thể bài bác được của ngài trẻ tuổi.

- Có lẽ lúc đó tôi không nhìn qua lỗ khóa, - bà chủ quán nói, thoạt đầu cốt để bảo vệ ngài trẻ tuổi, nhưng sau đó quay sang bênh vực Klamm, và nói thêm: - Tuy vậy, tôi không tin rằng Klamm lại nhậy cảm cực kỳ như thế. Tất nhiên chúng ta lo cho ông ấy và muốn bảo vệ ông ấy. Cố gắng này của chúng tôi xuất phát từ chỗ Klamm là người cực kỳ nhạy cảm. Việc đó là tốt, chắc chắn Klamm cũng muốn như vậy. Còn như trong thực tế, sự việc ra làm sao thì chúng tôi không biết được, điều chắc chắn là nếu Klamm không muốn nói chuyện với ai thì sẽ không bao giờ ông ta bắt chuyện, cho dù người đó cố công quấy quả đến mức nào chăng nữa. Sự thật là Klamm sẽ không bao giờ thèm nói chuyện với người đó, sẽ không bao giờ cho phép người đó trực tiếp gặp mình, chỉ riêng điều đó là đã đủ rồi, tại sao lại phải để cho Klamm thật sự không chịu đựng được việc phải nhìn thấy người đó? Ít ra thì cũng không thể chứng minh được việc này vì ông ấy sẽ không bao giờ thử cả.

Ngài trẻ tuổi gật đầu và sốt sắng:

- Về cơ bản, tất nhiên ý kiến của tôi cũng như thế, - ông ta nói, - nếu tôi nói hơi khác là vì để cho ngài đạc điện hiểu đó thôi. Mà đúng là lúc đó, vừa bước ra ngoài, Klamm đã nhìn quanh nửa vòng nhiều lần.

- Có lẽ ông ấy tìm tôi, - K. nói.

- Có thể, - ngài trẻ tuổi nói, - tôi không nghĩ điều đó.

Họ cười, cười to nhất là Pepi, người hầu như không hiểu đầu của tai nheo gì hết.

- Nếu chúng ta đã có mặt vui vẻ như thế này - ngài trẻ tuổi nói, - tôi muốn đề nghị ông đạc điền làm ơn bổ sung hồ sơ của tôi bằng một vài tư liệu.

- Ở đây các người viết nhiều quá, - K. nhận xét và liếc nhìn những tập hồ sơ từ xa.

- Vâng, một thói quen xấu, - ngài trẻ tuổi nói và lại cười, - nhưng có lẽ ông chưa biết tôi là ai. Tôi là Momus, thư ký làng của Klamm.

Nghe những lời này mọi người trong phòng đột nhiên nghiêm nét mặt, bà chủ quán và cô Pepi tất nhiên là đã biết ngài trẻ tuổi, thế nhưng việc nhắc đến tên tuổi và chức vụ của ngài vẫn tác động sâu sắc đến họ. Bản thân ngài trẻ tuổi cũng dường như đã nói nhiềuết, và để thoát khỏi sự trang trọng sượng sùng ấy trong những lời nói, ngài chăm chú nhìn tập hồ sơ và bắt đầu viết; trong phòng không còn có thể nghe thấy gì khác hơn ngoài tiếng sột soạt của ngòi bút.

- Thư ký làng là gì vậy? - K. hỏi sau một lúc im lặng.

Momus sau khi tự giới thiệu, có vẻ không cho là thích hợp việc mình tự giải thích những chuyện như thế, bà chủ quán đã trả lời thay cho ngài:

- Ngài Momus là thư ký của ngài Klamm, như những người thư ký khác của Klamm, nhưng trụ sở của ngài, và nếu tôi không nhầm thì phạm vi hoạt động của ngài... - trong khi viết, Momus lắc đầu mạnh nên bà chủ quán chữa lại, - nghĩa là chỉ trụ sở của ngài, chứ không phải phạm vi hoạt động của ngài, hạn chế ở trong làng. Ngài Momus chuyển giấy tờ của Klamm cho làng, và tất cả mọi giấy tờ từ dưới làng báo lên cho Klamm, đều đến tay ngài trước tiên.

Do vẫn chưa hiểu lắm những chuyện này, K. nhìn bà chủ quán bằng đôi mắt trống rỗng làm cho bà ta phải nói thêm vẻ hơi lúng túng:

- Trật tự ở đây là như thế, tất cả các ông chủ ở Lâu đài đều có thư ký làng của mình.

Momus chú ý những lời bà chủ quán một cách chăm chú hơn cả K., ngài nói thêm:

- Phần lớn thư ký làng chỉ làm việc cho một ngài ở Lâu đài, nhưng tôi thì phục vụ hai người, Klamm và Vallabene.

- Vâng, - bà chủ quán nói, giờ thì bà cũng nhớ ra, bà quay về phía K. - Ngài Momus làm việc cho hai người, Klamm và Vallabene, tức là hai lần thư ký làng.

- Những hai lần! - K. nói và gật đầu về hướng Momus đang gần như ưỡn người ra trướcìn lên chàng. Chàng gật đầu với ngài trẻ tuổi như gật đầu với một đứa trẻ được người ta khen ngợi trước mặt mình. Nếu trong cử chỉ đó có cái gì là khinh bỉ thì hoặc là họ không nhận ra, hoặc là họ đang chấp nhận. Mặc dù K. không được Klamm một lần liếc nhìn qua, trước mặt chàng, người ta tán dương một người thân cận của Klamm với ý định rõ ràng là gợi lên một sự thừa nhận và lời khen ngợi của chàng.

Và K. đã không tiếp nhận điều đó như đáng ra chàng phải tiếp nhận; K. đang cố hết sức mình để được một cái liếc nhìn duy nhất của Klamm nhưng chàng lại không trọng vọng gì nhiều cái công việc của một kẻ như Momus, người được phép gần gũi Klamm. Và K. không ngạc nhiên hay ghen tị, bởi vì cái mà chàng cố gắng đạt được không chỉ là sự gần gũi của Klamm, mà là chính chàng, K., không phải ai khác, phải gặp được Klamm với những công việc của riêng chàng chứ không phải của ai khác, và không phải đến với Klamm để rồi chàng nghỉ ngơi, mà là để chàng đi tiếp, qua ông ta đến với Lâu đài.

Chàng liếc nhìn đồng hồ của mình và nói:

- Nào, bây giờ tôi phải đi về nhà.

Tình thế bỗng dưng thay đổi có lợi cho Momus.

- Tất nhiên, tất nhiên, - ngài trẻ tuổi nói, - những công việc ở nhà trường đang đợi ông. Nhưng ông còn phải dành cho tôi một phút nữa, chỉ để hỏi một vài câu ngắn thôi.

- Tôi không có hứng thú gì để làm việc đó, - K nói và định tiến về phía cánh cửa...

Momus ném một tập hồ sơ lên bàn và đứng dậy:

- Nhân danh Klamm tôi yêu cầu hãy trả lời những câu hỏi của tôi!

- Nhân danh Klamm ư? - K. nhắc lại. - Thế ta ông ta quan tâm đến việc của tôi sao?

- Điều đó không liên quan đến tôi, - Monus nói, - càng ít liên quan tới ông, cả hai chúng ta có thể yên tâm phó mặc ông ấy. Nhưng với trách nhiệm được ngài Klamm giao phó, tôi yêu cầu ông hãy ở lại đây và trả lời các câu hỏi.

- Ông đạc điền ạ, - bà chủ quán can thiệp vào, - tôi ngại phải tiếp tục khuyên bảo ông, bởi vì ông đã từ chối những lời khuyên thiện chí nhất của tôi một cách quá đáng. Tôi không có gì cần phải bí mật, tôi đến gặp ngài thư ký đây cũng chỉ để báo cho ngài biết về thái độ ứng xử và về những ý định của ông, để đứt khoát miễn cho tôi, đừng đưa ông đến ở chỗ tôi. Quan hệ giữa chúng ta là như vậy, không còn có thể thay đổi được nữa. Còn nếu như giờ đây tôi nói ý kiến của mình thì không phải là để giúp đỡ ông, mà hoàn toàn chỉ để bớt phần nào công việc của ngài thư ký đang có nhiệm vụ nặng nề là phải thảo luận với một người như ông. Thế nhưng, nếu ông muốn, nhờ sự cởi mở của tôi, ông có thể rút ra từ những lời tôi nói điều gì đó có ích cho bản thân, bởi vì tôi không biết nói với ông bằng cách khác với nói thẳng, nói thẳng mà tôi còn không muốn nữa là. Trong trường hợp này tôi lưu ý ông rằng con đường duy nhất có thể đưa ông đến với Klamm là đi qua các biên bản của ngài thư ký đây. Tôi không muốn nói quá, có thể cả con đường này cũng không dẫn đến Klamm, nó có thể dừng lại ở cách xa ông ấy, việc này tùy thuộc vào ý định của ngài thư ký. Trong mọi trường hợp thì đây là con đường duy nhất đối với ông dẫn về hướng Klamm. Chẳng nhẽ ông muốn từ bỏ con đường duy nhất này không phải vì nguyên nhân nào khác mà chỉ vì ngang bướng sao?

- Ồ, thưa bà chủ quán, - K. nói, - con đường này cũng không phải là duy nhất và nó cũng không dẫn đến đâu cả, như mọi con đường khác mà thôi. Còn ngài, thưa ngài thư ký, có thật ngài quyết định điều tôi nói sẽ đến tai Klamm hay không

- Tất nhiên rồi, - Momus nói, đôi mắt tự hào liếc ngang, liếc ngửa vào nơi không có gì để nhìn cả, - bằng không tôi làm thư ký để làm gì?

- Bà thấy chứ, thưa bà chủ quán, - K. nói. - Hóa ra tôi không cần tìm con đường dẫn đến Klamm, mà trước hết phải đến ngài thư ký.

- Tôi đã muốn mở con đường này cho ông, - bà chủ quán nói. - Chẳng phải tôi đã đề nghị sáng nay là để tôi chuyển yêu cầu của ông đến Klamm đó sao? Việc này chỉ có thể được thực hiện qua ngài thư ký. Nhưng chính ông đã bác bỏ đề nghị của tôi, và bây giờ ông cũng không còn con đường nào khác ngoài con đường này thôi. Tất nhiên sau những trò của ông mưu toan bất ngờ gặp được Klamm hôm nay thì ông càng ít có hy vọng thành công. Thế nhưng, niềm hy vọng cuối cùng, mong manh, không đáng kể, thật ra không tồn tại này lại là niềm hy vọng duy nhất của ông.

- Sao lại có chuyện này, thưa bà chủ quán? - K. nói. - Đầu tiên bằng mọi cách, bà can ngăn tôi đừng đến gặp Klamm, còn bây giờ thì lại coi trọng yêu cầu của tôi và thậm chí còn xem tôi gần như là người gặp rủi ro đến mức đó nếu những kế hoạch của tôi thất bại. Nếu trước đây bà thành thật khuyên tôi từ bỏ nỗ lực tìm đến Klamm, thì làm sao bây giờ bà lại xúi tôi tìm đường dẫn đến Klamm cũng một cách chân thành như thế, kể cả khi con đường đó không dẫn đến ông ta?

- Sao lại tôi xúi ông? - bà chủ quán nói. - Sao lại là xúi, khi tôi nói với ông rằng những cố gắng của ông là vô vọng? Đây quả là một sự trắng trợn, nếu ông định trút trách nhiệm lên đầu tôi như vậy. Chắc không phải sự có mặt của ngài thư ký đã xúi bậy ông điều đó? Không, ông đạc điền ạ, tôi không hề có ý nghĩ thúc giục ông. Cùng lắm, tôi chỉ nói được rằng, khi mới gặp ông, có lẽ tôi đã đánh giá ông hơi cao. Việc ông chinh phục cô Frida một cách nhanh chóng đã làm tôi hoảng, tôi không biết được ông còn có thể làm những điều nữa, tôi muốn ngăn chặn những tai họa tiếp theo, tôi tưởng rằng chỉ có thể làm được việc đó nếu tôi cố gắng lay chuyển được ông bằng sự nài nỉ và đe doạ của mình. Nhưng rồi tôi đã học được cách suy nghĩ bình tĩnh hơn về những chuyện này. Ông muốn làm gì thì cứ việc. Những hành động của ông có lẽ để lại dấu chân in sâu trong tuyết ở ngoài kia, nhưng không để lại cái gì khác đâu.

- Bà đã không giải thích được những lời nói mâu thuẫn của mình, - K. nói, - nhưng tôi đã chỉ ra cho bà những mâu thuẫn đó. Còn bây giờ thì tôi yêu cầu ngài thư ký nói cho tôi biết là ý kiến bà chủ quán có đúng không, rằng nhờ biên bản ông định ghi với tôi mà tôi có thể gặp được Klamm? Nếu đúng như vậy thì ngay lập tức tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của ông.

- Không, - Momus nói. - Nói chung là không có những mối liên quan như thế. Chỉ có chuyện là trong tập tài liệu làng của Klamm phải ghi chép chính xác về buổi chiều hôm nay. Tôi đã ghi chép xong, giờ chỉ cần bù vào hai - ba tư liệu thiếu để cho quy củ mà thôi, không có mục đích nào khác đâu.

K. im lặng nhìn bà chủ quán không nói.

- Ông nhìn gì thế? - bà chủ quán hỏi. - Dễ thường tôi đã nói khác sao? Ông ta luôn luôn như thế, ngài thư ký ạ, luôn luôn như thế. Ông ta xuyên tạc điều người ta thông báo cho mình rồi sau đó nói rằng người ta đã thông báo không đúng. Từ đầu đến hôm nay tôi vẫn luôn bảo ông ta rằng ông ta không có hy vọng được Klamm tiếp đón. Mà, nếu ông ta không có hy vọng gì cả thì biên bản này cũng không giúp gì được. Có phải điều đó rõ hơn ban ngày không? Tôi nói tiếp rằng, biên bản này có thể tạo ra mối quan hệ hành chính thực tế duy nhất với Klamm, điều này cũng tương đối rõ và không thể phủ nhận. Nhưng nếu ông ta không tin tôi, và tôi không biết được là tại sao càng ngày ông ta càng hy vọng rằng có thể đến với Klamm, nêu trong một chừng mực nào đó chúng ta dựa theo ý nghĩ của ông ta, thì không có gì khác có thể giúp ông ta ngoài mối quan hệ hành chính thực tế duy nhất có được với Klamm là biên bản này. Đây là tất cả điều tôi đã nói, nếu ai nói khác thì người đó xuyên tạc lời tôi một cách cố ý.

- Nếu như vậy, thưa bà chủ quán, - K. nói, - thì tôi xin lỗi vì đã hiểu lầm. Bây giờ mới rõ là tôi đã hiểu sai lời bà, dẫu sao tôi vẫn có hy vọng vô cùng mong manh.

- Hiển nhiên, - bà chủ quán nói. - Tôi cũng chỉ có ý kiến đó, nhưng lần này ông đã giải thích sai lời tôi nói theo hướng ngược lại. Theo ý kiến tôi, có hy vọng như thế đối với ông, nhưng trong mọi trường hợp chỉ dựa trên biên bản này thôi. Nhưng sự việc không chỉ bằng cách ông dồn ngài thư ký bằng câu hỏi. ''Nếu tôi trả lời ông thì tôi có thể đến được với Klamm chứ?" Nếu một đứa trẻ hỏi câu đó thì cùng lắm người ta chỉ cười nó, nhưng nếu một người lớn mà cũng hỏi như vậy thì xúc phạm đến nhà chức trách. Với câu trả lời tinh tế ngài thư ký đã có ý tốt giấu đi điều đó. Niềm hy vọng mà tôi nghĩ đến chính là ở chỗ thông qua biên bản mà ông có được mối quan hệ nào đó, có lẽ là mối quan hệ với Klamm. Điều đó chưa đủ để hy vọng hay sao? Tôi đặt cho ông một câu hỏi: ông lấy gì để xứng đáng với cái mà niềm hy vọng mang đến, ông dựa vào cái gì mới được chứ? Thật ra là không thể nói cụ thể hơn về niềm hy vọng này, nhất là ngài thư ký với tư cách công chức cũng không bao giờ có thể ám chỉ đến, dù chỉ là thoáng qua. Đối với ngài thư ký, như ông ấy đã nói, chỉ là chuyện ghi biên bản chiều nay cho nó có quy củ mà thôi: ngài thư ký sẽ không nói nữa đâu cho dù ông dựa vào lời tôi mà lập tức bắt đầu gạn hỏi ông ấy.

- Ngài thư ký, - K. hỏi, - nghĩa là Klamm sẽ đọc biên bản này chứ?

- Không, - Momus trả lời. - Ông ấy đọc làm gì? Klamm không thể đọc tất cả các biên bản, thậm chí một tờ biên bản ông ấy cũng không đọc. Phần lớn ông ấy bảo: "Các anh hãy để tôi yên với các biên bản của các anh

- Ông đạc điền, - bà chủ quán nói vẻ trách cứ, - ông làm tôi đau đầu với những câu hỏi như thế. Chẳng lẽ là cần thiết hoặc nói chung có gì hấp dẫn để Klamm phải đọc biên bản này và biết tỉ mỉ những chuyện không đâu của cuộc đời ông? Tốt nhất ông hãy nhẫn nhục yêu cầu người ta dấu Klamm tờ biên bản, dù yêu cầu đó cũng vô lý như yêu cầu trước, vì ai có thể dấu được Klamm điều gì?... Nhưng việc làm này chí ít thì cũng làm cho ông dễ có cảm tình hơn. Chẳng lẽ cái đó cần để cho cái mà ông gọi là niềm hy vọng của ông? Chẳng phải chính ông đã nói là ông hài lòng với việc được nói chuyện trước mặt Klamm, không cần biết Klamm có nhìn hay chú ý đến ông đó sao? Có phải với tờ biên bản này ít nhất ông cùng đạt được bấy nhiêu chuyện, hoặc có thể còn nhiều hơn thế?

- Nhiều hơn ư? - K. hỏi. - Bằng cách nào?

- Ít ra là ông đừng đòi người ta đút ngay vào miệng mình tất cả mọi thứ bánh kẹo như một đứa trẻ! - bà chủ quán kêu to. - Ai có thể trả lời những câu hỏi như thế? Ông đã nghe rằng biên bản sẽ nằm trong tủ tài liệu thôn của Klamm, và không thể nói gì về nó nữa. Nhưng ông có hiểu biết được toàn bộ ý nghĩa của tờ biên bản của ngài thư ký và tủ tài liệu thôn chứ? Ông có biết rằng nếu ngài thư ký truy hỏi ông thì việc đó có ý nghĩa gì không? Có thể, thậm chí bản thân ngài thư ký cũng không biết được. Ông ấy ngồi đây bình thản làm công việc của mình vì sự quy củ như ông ấy đã nói. Nhưng ông nên biết rằng, Klamm đã bổ nhiệm ông ấy, ông ấy làm việc thay mặt Klamm, và cái mà ông ấy làm đều đã được Klamm chuẩn y trước, mặc dù có thể không bao giờ những việc đó đến tay Klamm. Ngài thư ký làm sao có thể được sự chuẩn y của Klamm nếu tinh thần của Klamm không ngự trị? Đừng cho là tôi nói như thế để lấy lòng ngài thư ký một cách lộ liễu, việc đó đơn giản là ngài thư ký không tha thứ nhưng mà tôi đâu có nói về cá nhân ngài thư ký, tôi nói là những lúc ngài có được sự chuẩn y của Klamm, như lúc này đây, thì ngài không khác gì một thứ cụ trong tay của Klamm và vô phúc cho ai không làm theo ngài.

K. không sợ sự đe đọa của bà chủ quán, chàng chán ngấy những niềm hy vọng mà bà ta định làm cho chàng mắc bẫy. Klamm ở xa. Có một lần bà chủ quán ví Klamm như con chim đại bàng, lúc đó K. cảm thấy chuyện đó nực cười, nhưng bây giờ thì không. Chàng nghĩ đến một nơi xa, nghĩ đến một cái tổ không thể đến gần được và sự câm lặng của nó mà có lẽ chỉ một mình tiếng kêu của đại bàng mới phá tan được, tiếng kêu đó K. chưa từng nghe. Chàng nghĩ đến cái nhìn ngạo mạn và không nắm bắt được của nó, đến những vòng tròn vô hình ở trên cao được vẽ theo những đạo luật không thể hiểu nổi: Thảy những điều này đều cùng thể hiện đặc điểm của Klamm và đại bàng. Nhưng chắc chắn tờ biên bản không có gì liên quan đến những việc đó, Momus giờ đây đang bẻ chiếc bánh hình cái vòng có rắc muối để ăn cùng với bia, làm muối và hạt thì là phủ đầy lên các tờ giấy.

- Chúc ngủ ngon, - K. nói. - Tôi kinh tởm tất cả các cuộc thẩm vấn.

Nói xong chàng thật sự bước về phía cánh cửa.

- Thế là ông ta vẫn cứ đi đấy, - Momus nói với bà chủ quán vẻ lo lắng.

- Ông ta không dám làm, - bà ta nói, K. không còn nghe gì nữa, chàng đã ở ngoài hành lang.

Trời lạnh, gió thổi mạnh. Anh chủ quán bước ra từ cửa đối diện, hình như anh ta đã quan sát hành lang qua một cái lỗ từ đó. Anh ta phải túm chặt chiếc áo bành tô trên người vì ngoài hành lang này gió quất mạnh.

- Ông đi đấy à, ông đạc điền? - anh ta hỏi.

- Anh ngạc nhiên sao? - K. hỏi.

- chủ quán nói. - Chẳng lẽ người ta không thẩm vấn ông à?

- Không, - K. nói. - Tôi không thể để cho họ thẩm vấn.

- Tại sao lại không? - chủ quán hỏi.

- Tại sao tôi lại phải để cho họ thẩm vấn, tại sao tôi phải làm theo một trò đùa hay thói đỏng đảnh của một công chức? Lúc khác có lẽ tôi đã làm theo cũng để đùa hoặc vì đỏng đảnh đấy, nhưng hôm nay thì không.

- Tất nhiên, tất nhiên, - chủ quán nói, một sự tán thành vì xã giao chứ không hẳn là tin tưởng. Bây giờ tôi phải cho bọn đầy tớ vào quầy uống đây, - anh ta nói. - Đã đến giờ rồi, lúc nãy tôi đã không muốn quấy rầy cuộc thẩm vấn.

- Anh cho cuộc thẩm vấn quan trọng thế à?

- Ồ vâng, - chủ quán trả lời.

- Nghĩa là lẽ ra tôi không cần từ chối? - K. nói.

- Không cần, - chủ quán nói, - không cần thiết phải từ chối cuộc thẩm vấn. - Vì thấy K. im lặng nên anh ta nói thêm hoặc là để an ủi chàng, hoặc là để thoát khỏi chàng thật nhanh; - Tốt, tốt, nhưng tuy thế trời không đổ ngay trận mưa đá lưu huỳnh vì chuyện đó đâu.

- Không, - K. nói, - trời không đổ trận mưa đá lưu huỳnh đâu.

Rồi họ cười, chia tay nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx