sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 9: Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài

Địch Vân lưu lại trong tuyệt cốc thêm nửa tháng nữa, đem đao pháp và nội công ghi trong Huyết Đao kinh luyện đến khi thật thuần thục, ước chừng không thể nào quên được nữa. Sau đó đem quyển sách đốt thành tro, rắc lên mộ phần của Huyết Đao lão tổ.

Trong nửa tháng đó chàng vẫn ngủ trên tảng đá lớn ở bên ngoài thạch động, tuy Thủy Sinh đã bỏ đi chàng vẫn không dám vào trong động, ngay cả nệm gối nàng bỏ lại chàng cũng không dám động tới.

Ngày hôm đó Địch Vân quyết định rời khỏi cốc, đứng lặng nhìn vào trong cốc, thầm nhủ:

“Đã đến lúc phải đi rồi, chiếc áo lông chim này chẳng cần phải mang theo, chờ khi làm xong mọi việc mình sẽ quay về sống ở đây. Thế gian người ta ai ai cũng thông minh, mình không thể hiểu được người ta suy nghĩ những gì, mình dù không tranh danh đoạt lợi với ai nhưng người ta vẫn không để cho mình yên thân. Nơi đây quanh năm không có ai đến, mình sống ở đây là phù hợp nhất”.

Thế là chàng ra khỏi cốc nhắm hướng Đông mà tiến. Việc đầu tiên phải làm đó là về thôn Ma Khê xem thử tình hình sư phụ ra sao. Từ nhỏ chàng đã được Thích Trường Phát nuôi nấng, sư phụ cũng là người thân duy nhất trong đời chàng.

Từ biên giới Tây Tạng muốn về đất Tương phải đi ngang qua Tứ Xuyên.

Chàng nghĩ, nếu gặp phải người trong võ lâm Trung Nguyên nhất định là khó tránh khỏi một trường ác đấu. Thật ra thì mình với họ chẳng có oán cừu gì, tất cả chỉ tại mình nhổ sạch tóc và khoác lên người chiếc tăng bào của Bảo Tượng mà ra. Lúc này võ công của Địch Vân đã cực cao, nhưng bản thân chàng lại không hình dung được điều đó, chỉ sợ gặp các cao thủ Trung Nguyên thì khó tránh khỏi sát kiếp. Thế là chàng mua một bộ áo ngắn theo kiểu của người nhà quê, đốt bỏ chiếc tăng bào của Bảo Tượng, lại lấy lọ nồi thoa lên mặt. Nông dân ở đất Tứ Xuyên và Tương Tây thích dùng vải trắng cột trên đầu, nghe đâu là di tục để tang Gia Cát Lượng còn lưu truyền tới ngày nay. Địch Vân cũng tìm cho mình một miếng vải trắng cũ kỹ quấn lên đầu. Việc hóa trang xong xuôi, chàng yên tâm tiếp tục đi về hướng Đông.

Trên đường đi thỉnh thoảng cũng có giáp mặt với người trong giang hồ, nhưng không ai nhận ra chàng nữa. Chàng sợ nhất là gặp lại Thủy Sinh và Uông Tiêu Phong, cả Hoa Thiết Can nữa, may mà không gặp lại ba người này.

Địch Vân đi suốt hơn ba mươi ngày mới về tới Ma Khê thôn, lúc này trời đã ấm rồi, mạ non đã lên xanh trên đồng. Càng về đến gần nhà chàng càng cảm thấy nôn nao khó tả, da mặt nghe nóng bừng, tim đập loạn nhịp.

Chàng men theo những sơn đạo mình vẫn thường đi thưở nhỏ về đến trước gian nhà ngày cũ, nhìn lại gian nhà bất giác ngạc nhiên ngẩn người, cơ hồ không dám tin vào mắt mình nữa. Căn nhà cỏ ba gian ẩn mình khiêm nhường dưới rặng liễu cạnh dòng suối nhỏ giờ bỗng hóa thành một tòa biệt thự tường trắng ngói đỏ lộng lẫy dị thường. Sau một hồi nhìn kỹ mới thấy gian nhà tuy lộng lẫy nhưng được xây cất có vẻ rất vội vàng.

Địch Vân ngơ ngác nhìn quanh, rõ ràng là chỗ này, không thể nhầm lẫn được. Vậy ra mấy năm nay sư phụ đã phát tài to rồi! Thế thì hay quá!

Chàng mừng rỡ kêu to:

- Sư phụ!

Nhưng vừa kêu được một tiếng, chàng bỗng im bặt, nghĩ thầm:

“Không biết gian nhà này là của sư phụ hay là của người khác. Bộ dạng mình trông chẳng khác một tên khất cái là mấy, đứng la lối thế này không hay chút nào”.

Mấy năm nay gặp không biết bao nhiêu bất trắc, Địch Vân cũng học khôn được rất nhiều điều. Chàng còn đang ngẫm nghĩ xảy thấy một người bước ra, đưa mắt vẻ khinh thị nhìn chàng từ đầu tới chân một cái rồi khinh khỉnh hỏi:

- Ngươi làm gì ở đây?

Địch Vân nhìn lại đối phương, mũ vải đội lệch, toàn thân lấm lem đầy bùn đất như một thợ nề, có điều bộ dạng lại chẳng tương xứng với thái độ của gã chút nào.

Địch Vân nhún nhường hỏi:

- Xin hỏi đại ca có Thích sư phụ ở nhà không?

Gã hán tử hừ lạnh một tiếng, đáp:

- Ở đây không có Thất sư phụ, Bát sư phụ nào cả!

“Thích” và “Thất” âm tương tự nhau, gã hán tử tưởng Địch Vân hỏi người họ Thất. Địch Vân ngẩn người hỏi lại:

- Vậy ra chủ nhân ở đây chẳng phải họ Thích sao?

- Ngươi hỏi điều đó làm gì? Muốn xin cơm cũng chẳng cần phải trèo cao đến gia chủ. Không có! Không có gì hết! Tiểu khiếu hóa, xéo mau!

Địch Vân thương nhớ sư phụ từ xa xôi ngàn dặm trở về đây thăm viếng, có khi nào lại chịu bỏ đi dễ dàng như vậy. Bình tĩnh nói:

- Ta không đến đây để xin cơm, chỉ hỏi thăm xem, ngày trước có một người họ Thích sống ở đây, không biết hiện giờ có ở nhà hay không?

Gã hán tử cười lạnh nói:

- Bọn khiếu hóa các ngươi chuyên nghề hỏi dai nhách như vầy, ai mà không biết! Hừ, ta đã nói không có ai họ Thất cũng không có họ Bát, Cửu, Thập gì ở đây cả, nghe rõ chưa? Làm ơn đi khỏi đây cho lão tử ngươi nhờ!

Trong khi đó ở trong nhà lại có một người nữa bước ra. Người này đầu đội mũ trái dưa, y phục sáng sủa, trông có vẻ như là một quản gia của nhà tài chủ giàu có. Dừng chân giữa sân, người mới tới cất tiếng hỏi:

- A Bình, làm gì mà la ó om sòm vậy? Bộ ngươi lại gây lộn với ai hay sao?

Gã hán tử cười cười nói:

- Quản gia! Người coi tên ăn mày này có quá đáng không? Đến ăn xin thì ăn xin, đã vậy còn hỏi xem gia chủ họ gì!

Quản gia nghe nói thì hơi biến sắc, bước lên mấy bước nhìn Địch Vân từ đầu tới chân mấy lượt, cuối cùng nói:

- Tiểu bằng hữu, ngươi hỏi thăm họ của gia chủ có việc gì vậy?

Nếu việc này xảy ra cách đây năm sáu năm thì chàng đã cứ theo sự thực mà đáp lời gã quản gia rồi. Nhưng chàng ngày nay đã có kinh nghiệm sống phong phú hơn, thấu hiểu được lòng người gian hiểm khác thường, nhìn thấy vẻ mặt của gã quản gia có điều bất thường thì biết trong gian nhà này có cái gì đó bất thường, liền ấp úng nói:

- Cũng chẳng hỏi họ của gia chủ làm gì, chẳng qua là muốn gọi gia chủ để xin ít cơm ăn. Gia chủ mới hay cho cơm còn người ở thì thường keo kiệt. Lão gia, xin người rủ lòng thương cho tiểu nhân ít cơm...

Gã quản gia nghe Địch Vân nhận lầm mình là gia chủ thì khoái chí bật cười ha hả, nói:

- Ta không phải là lão gia. À mà này, tại sao người lại cho rằng ta là lão gia?

Địch Vân ấp úng đáp:

- Thì người... cốt cách oai phong... giống như một tài chủ phú quý...

Gã quản gia càng khoái, cười lớn nói:

- Tiểu tử ngốc nói hay lắm! Lão Cao này ngày sau phát tài lớn nhất định sẽ không quên nhà ngươi! Mà này, trông nhà ngươi khỏe mạnh như vậy tại sao không tìm việc gì làm kiếm cơm ăn mà lại đi xin cơm chứ?

Địch Vân lắc đầu đáp:

- Chẳng ai thuê mướn chi cả. Lão gia, xin người cho tiểu nhân ăn một bữa cơm có được không?

Gã quản gia đập mạnh vào vai gã hán tử tên A Bình, nói:

- Ngươi nghe rồi đó! Hắn cứ gọi ta là tài chủ lão gia, không cho hắn ăn một bụng cơm thì không được rồi. Từ nay cho hắn vào gánh đất, tính cho hắn mỗi ngày một phân tiền.

Gã hán tử vội gật đầu vâng dạ.

Địch Vân nghe khẩu âm của hai người thì nhận ra tên hán tử A Bình này là đầu công, người bản địa; còn gã họ Cao kia là quản gia, người phương Bắc.

Càng giả bộ ngu khờ, Địch Vân cung kính nói:

- Đa tạ tài chủ lão gia, tài chủ thiếu gia.

Gã đầu công bật cười mắng:

- Mẹ nó, ngươi nói điên nói khùng cái gì vậy!

Gã quản gia vỗ tay cười lớn nói:

- Ta là tài chủ lão gia, ngươi là tài chủ thiếu gia. Ha ha ha! Thì ra ta là lão gia tử của ngươi!

Gã đầu công véo tai Địch Vân, đá đít chàng một cái, nói:

- Theo ta vào trong! Cho ngươi ăn no bụng trước đã, đến tối thì bắt đầu làm việc.

Địch Vân lẳng lặng bước theo gã đầu công, ngoài mặt tỉnh như không nhưng trong lòng thì lấy làm lạ, nghĩ thầm:

“Tại sao phải làm vào ban đêm?”

Vừa vào đến bên trong Địch Vân không khỏi giật mình kinh hãi, cảnh tượng bên trong vượt quá sức tưởng tượng của chàng. Chỉ thấy giữa nhà đào một chiếc hố vừa rộng vừa sâu, chiếc hố hầu như vừa triến với phần trong của căn nhà, cặp bốn bức tường chỉ chừa lại một lối đi hẹp té mà thôi. Bên trong hố còn vứt đầy cuốc xẻng, quang gánh, rõ ràng là công việc đào bới còn chưa kết thúc. Đứng bên ngoài nhìn thì gian nhà trông bề thế lộng lẫy là vậy, ai ngờ được bên trong lại bị đào bới ra nông nổi thế này.

Gã đầu công nhìn Địch Vân nghiêm giọng nói:

- Việc ở đây thấy sao hay vậy, không được đi ra ngoài kể bừa bãi, biết không?

Địch Vân gật gật đầu nói:

- Nơi đây phong thủy tốt, tài chủ lão gia định dùng làm mộ phần cho ngày sau, không được để người ngoài biết được!

Gã đầu công cười lạnh nói:

- Không sai! Tiểu tử ngốc này coi vậy mà thông minh hơn người! Theo ta đi ăn cơm.

Địch Vân đến nhà bếp ăn no một bụng, đầu công dặn chàng nằm nghỉ nơi mé hiên, không được đi lộn xộn. Địch Vân ăn xong ra mé hiên nằm xuống, càng lúc chàng càng cảm thấy việc đang diễn ra ở đây không đơn giản chút nào. Đưa mắt nhìn quanh, trong nhà chỗ nào chỗ nấy đều tỏ ra gia chủ xây cất rất vội vã, bên trong cũng chẳng có đồ đạc gì đáng giá, thậm chí nhà bếp cũng xây chưa hoàn chỉnh, cái gọi là “bếp” thật ra chỉ là mấy hòn đá kê gần lại, bên trên đặt mấy chiếc nồi to tướng. Bàn ghế cũng là loại nhà nghèo thường dùng, trông không tương xứng chút nào với bề ngoài bề thế của can nhà.

Đến chạng vạng tối thì có rất nhiều người đến, tất cả đều là những thanh niên khỏe mạnh ở trong làng, mọi người ăn uống cãi vã om sòm. Địch Vân cũng hòa theo đám người ăn uống, giọng nói chàng chuẩn xác là giọng của người vùng này. Bởi vậy đầu công và quản gia chẳng ai nghi ngờ gì, hai người đều tưởng chàng là một thanh niên du thủ du thực ở trong thôn.

Cơm nước xong xuôi, đầu công dắt mọi người vào trong đại sảnh, lớn tiếng nói:

- Anh em nghe đây, chúng ta cố sức đào tiếp, hy vọng đêm nay gặp may, nếu đào được vật gì có ích tất sẽ được trọng thưởng.

Mọi người hô lên một tiếng phấn khởi, ào xuống hố, kẻ cuốc người xẻng thi nhau đào bới. Một người hơi lớn tuổi đang lom khom đào đào cuốc cuốc bên cạnh Địch Vân thấy chàng có vẻ là người mới tới bèn hạ giọng nói nhỏ:

- Đào hai tháng nay rồi đó, có cái mẹ gì đâu. Cứ cho rằng chỗ này có báu vật đi, còn phải coi ngươi có phúc khí để tìm thấy nó hay không nữa chớ bộ!

Địch Vân nhíu mày nghĩ thầm:

“Chúng muốn đào tìm báu vật? Nhưng chỗ này thì có báu vật gì mới được chứ?”

Địch Vân chờ cho đầu công quay đi, mới hỏi nhỏ:

- Đại thúc à, họ tìm báu vật gì vậy?

- Báu vật này ghê gớm lắm. Chủ nhân ngôi nhà này chẳng phải là người bản địa, nhưng lại là người biết nhìn khí tượng, từ ở tận đẩu tận đâu nhìn lại thấy chỗ này phát bảo quang, biết là dưới đất có báu vật. Thế là đến đây mua mảnh đất này, lại sợ người ngoài dòm ngó nên cất vội một căn nhà lớn, thuê chúng ta ban đêm đến đây đào bới.

Địch Vân gật đầu nói:

- Thì ra là như vậy. Đại thúc biết đó là báu vật gì không?

- Nghe đầu công nói đó là một chiếc “Tụ bảo bồn”, chỉ cần bỏ vào đó một đồng tiền, qua một đêm thức dậy lập tức biến thành một bồn tiền đầy; nếu bỏ vào đó một đĩnh bạc, sáng ra sẽ được một bồn đầy bạc. Đó, vật như vậy thử hỏi ngươi có báu không chứ?

Địch Vân gật đầu lia lịa nói:

- Quả là báu vật! Quả là báu vật!

Người kia lại nói tiếp:

- Đầu công còn dặn, phải cuốc nhẹ tay thôi, đừng để bể mất Tụ bảo bồn. Lão gia còn nói sau khi đào được bồn rồi sẽ cho chúng ta mỗi người mượn một đêm. Tiểu từ ngốc à, ngươi phải lo tính trước đi, chuẩn bị đến lượt mình có cái mà bỏ vô.

Địch Vân làm ra vẻ suy nghĩ một lát rồi nói:

- Tiểu nhân thường bị đói, vậy thì bỏ một hột gạo vào đó, sáng ra cho nó thành cả một bồn gạo. Đại thúc thấy thế nào?

Người nọ cất tiếng cười lớn, nói:

- Như vậy là nhất rồi còn gì!

Đầu công nghe tiếng cười nói thì quát:

- Đừng cười giỡn nữa! Làm việc đi!

Địch Vân quay đi làm việc vừa nghĩ thầm:

“Thế gian làm gì có báu vật như vậy? Chủ nhân ngôi nhà này quyết chẳng phải là một đứa ngu, vậy tất phải có mưu đồ khác, việc cái bồn chẳng qua là ngụy tạo để đánh lạc hướng người khác mà thôi”.

Nghĩ đến đây Địch Vân, hạ giọng hỏi:

- Đại thúc à, chủ nhân ở đây họ gì vậy? Đại thúc nói không phải người bản địa.

Người kia chưa vội đáp lời, ngẩn đầu nhìn lên, nói:

- Đó, chủ nhân ra rồi đó.

Địch Vân theo ánh mắt của người kia nhìn lên, chỉ thấy một người từ hậu đường đi ra, thân hình gầy gò, song mục thần quang sáng rực, y phục cực kỳ hoa lệ, tuổi trên dưới ngũ tuần. Địch Vân vừa nhìn thấy chủ nhân ngôi nhà thì trống ngực đập thình thình, vội vàng quay mặt nhìn xuống cắm cúi làm việc, không dám nhìn lên. Người này có một đặc điểm gì đó trông rất quen thuộc, nhất định là phải gặp ở đâu rồi, có điều nhất thời chàng không nghĩ ra đã gặp người này ở đâu.

Xảy nghe chủ nhân cất tiếng oang oang nói:

- Đêm nay các ngươi đào ở mé Tây sâu thêm ba thước nữa. Bất kỳ tìm thấy vật gì, từ một mảnh giấy rách cho tới một khúc gỗ mục hay ngói bể cũng không được bỏ qua. Tất cả đều phải trình lên cho ta coi.

Địch Vân nghe giọng nói của chủ nhân thì giật nảy người, lập tức nhận ra, trong bụng kêu thầm:

“Phải rồi! Thì ra là lão!”

Chàng liếc mắt nhìn lên, trông kỹ lại một lần nữa.

“Không sai! Chính là lão!”

Địch Vân đã nhận ra người này chính là lão khất cái từng dạy cho chàng ba chiêu kiếm pháp trong phủ của Vạn Chấn Sơn năm ấy. Lúc ấy lão ăn mặc rách rưới, đầu tóc rối bời, toàn thân dơ bẩn, ngày hôm nay lại xuất hiện trong vai một đại tài chủ giàu có sang trọng, từ đầu tới chân chỉ còn có ánh mắt là Địch Vân hơi ngờ ngợ nhận ra, nhưng cũng chưa xác định được một cách rõ ràng. Đến khi lão cất tiếng nói thì chàng mới dám khẳng định.

Địch Vân rất muốn nhảy lên cùng lão nhận nhau. Nhưng mấy năm nay Địch Vân đã nhận thức ra được một điều, phàm việc gì cũng phải thận trọng hành sự, cẩn tắc vô ưu.

Địch Vân đã kềm được lòng mình không ra nhận mặt lão, thế nhưng lòng thì không ngừng nhớ lại chuyện cũ. Ngày ấy chàng mới lần đầu tiên ra thành, cái gì cũng bỡ ngỡ, đến khi cùng đại đạo Lã Thông giao đấu, thấy đã bại đến nơi, may nhờ lão ra tay tương cứu. Sau đó lão lại còn dạy cho chàng ba chiêu kiếm pháp, nhờ đó mới thắng được chúng đệ tử của Vạn môn. Đến giờ nghĩ lại ba chiêu kiếm pháp ấy cũng tầm thường thôi, có điều dùng trong lúc ấy thì lại phát huy được tác dụng, tránh khỏi bị nhục dưới tay của các đệ tử Vạn môn.

Qua một lát chàng lại nghĩ, lần này gặp lại lão cái ở đây, theo lý mình phải thù tạ lão cho thật xứng đáng mới phải. Nhưng nơi đây là chỗ ở cũ của sư phụ, lão đến đây đào bới để tìm vật gì? Tại sao lão phải cất một căn nhà lớn để ngụy trang? Ngày trước lão là một khất cái nghèo hèn, tại sao giờ lại trở thành một tài chủ giàu có đến như vậy?

Suy tới nghĩ lui một hồi chàng quyết định, chờ xem cho rõ ràng mọi chuyện rồi tính nữa. Lão dù là ân nhân của mình, nhưng chuyện đáp đền cũng chẳng cần phải vội vã. Tại sao lão làm vậy mà không sợ sư phụ trở về? Hay là... hay là... Sư phụ đã chết rồi...

Chàng từ nhỏ đã sống với sư phụ, chàng coi sư phụ cũng như cha, nghĩ tới việc sư phụ đã chết, bất giác hai mắt cay xè.

Xảy nghe có tiếng keng vang lên nho nhỏ, chủ nhân nhảy phắt xuống hố, nhặt vật mà người lao công vừa đào lên xem. Toàn thể lao công đều dừng tay nhìn về phía lão, thì ra đó là một lưỡi cuốc cùn đã gỉ sét. Chủ nhân lật tới lật lui lưỡi cuốc cùn xem một lát rồi ném lên trên, quát:

- Đào tiếp đi! Không phải cái này! Đào tiếp đi!

Địch Vân cùng mọi người đào bới suốt đêm, chủ nhân cũng túc trực bên cạnh để giám sát, đến sáng hôm sau mới dừng tay đi nghỉ. Phần lớn lao công đều là người trong thôn, nghỉ tay là lập tức trở về nhà, một số ít nhà ở hơi xa thì nằm lại dưới mái hiên mà ngủ. Địch Vân cũng nằm ngủ nơi mái hiên. Ngủ đến trưa, mọi người mới thức dậy ăn cơm. Địch Vân mình mẩy dơ bẩn, lúc ngủ cũng như lúc ăn cơm, mọi người đều cố tránh xa chàng. Đây chính là điều mà Địch Vân đang trông đợi. Mấy năm nay chàng tuy đã biết phải cẩn trọng, không dễ dàng tin vào những người xung quanh, có điều buộc phải giả cách ngu ngơ mãi với mọi người xung quanh thì chàng thấy khó khăn quá. Sợ rằng sẽ có lúc sơ ý để lộ hình tích thì thật là nguy hiểm. Mọi người đều tránh xa làm chàng yên tâm hơn.

Cơm nước xong, Địch Vân rảo bước sang thôn bên cạnh cách đó chừng vài dặm đường, định bụng tìm người hỏi thăm xem sư phụ chàng có trở lại quê nhà không. Dọc đường đi chàng nhìn thấy mấy người quen vẫn thường qua lại với mình ngày trước đang bận rộn với việc đồng áng, nhưng vì không muốn để lộ thân phận, chàng làm lơ đi luôn. Đến khi gặp một thiếu niên chừng mười ba mười bốn tuổi mới kéo lại hỏi thăm.

Thiếu niên cho biết, gian nhà lớn ấy mới cất hồi mùa thu năm ngoái, chủ nhân là người giàu có từ phương khác tới, nghe đâu đến để đào tìm Tụ bảo bồn gì gì đó, mà tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy. Thiếu niên vừa kể vừa che miệng cười, chứng tỏ việc này từ lâu đã trở thành đầu đề cười nhạo của cư dân trong vùng. Còn chủ nhân trước kia của mảnh đất ấy à? Đã lâu lắm rồi không thấy ai ở đó, lâu nay cũng chẳng thấy ai quay lại. Còn gian nhà cũ thì bị dỡ đi lúc xây nhà mới.

Địch Vân cảm ơn gã thiếu niên rồi bỏ đi, lòng cảm thấy buồn bực vô cùng.

Lão khất cái bày ra những chuyện quái gở này có dụng ý gì? Chàng vừa suy nghĩ về những chuyện xảy ra ở đây vừa thả bước đi vào trong núi. Qua khỏi một vạt ruộng trồng cải, trước mắt chàng bỗng hiện ra một vùng đất xanh bát ngát, những đám ruộng nối tiếp nhau trồng rau muống.

“Không Tâm Thái! Không Tâm Thái!”

Bên tai chàng chợt vang lên tiếng gọi trong trẻo và vui nhộn của ngày xưa. Không tâm thái (rau muống) vốn là thứ rau phổ thông nhất ở vùng Tương Tây này, dễ trồng chóng lớn, thân rau to và rỗng ruột. Thích Phương đặt cho chàng ngoại hiệu đó có ý cười nhạo chàng chẳng có chút tâm cơ. Từ ngày rời quê nhà lên Giang Lăng, lưu lạc đến bây giờ chàng mới lại nhìn thấy rau muống. Chàng đứng ngẩn ngơ một lúc lâu rồi cúi xuống ngắt một cọng rau, đưa lên mũi ngửi ngửi cái mùi rau quen thuộc ấy, sau đó mới đi thẳng về hướng Tây.

Phía này toàn là hoang sơn, ngổn ngang đá lớn đá nhỏ, đất đai cằn cỗi đến nỗi các loài cây hoang dại cũng khó lòng mà sống được. Trong núi có một sơn động mà người trong làng không một ai biết, đó chính là chỗ mà ngày xưa chàng và Thích Phương thường hay tới để chơi đùa. Chàng bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, quyết định đi đến sơn động ấy. Vượt qua hai con dốc, xuyên qua một thạch động, đi vào một vùng cực kỳ hoang lương cuối cùng mới tới được sơn động ấy.

Chỉ thấy cỏ dại mọc đầy, che lấp cả cửa động. Chàng lại cảm thấy nỗi buồn trào dâng trong tâm khảm. Khom người chui vào trong động, mọi thứ bên trong đều y như cũ, chỉ có khác là tất cả đều phủ đầy bụi đất.

Kia là hình nhân bằng đất sét do Thích Phương đắp, dưới đất là những hòn đá nhỏ mà chàng nhặt vào để làm đạn bắn chim, kia nữa là mấy cái bẫy dùng để bẫy thỏ, cả ống tiêu ngắn mà Thích Phương thường thổi lúc thả trâu cũng còn nằm nguyên trên tảng đá lớn giữa động. Trên đó còn có chiếc làn đựng kim chỉ của Thích Phương, chiếc kéo trong làn đã sét vàng.

Ngày trước, vào những lúc nông nhàn, hai người thường vào đây, chàng thì đan giày cỏ còn nàng thì ngồi ngay bên cạnh may giày vải. Nàng lấy vải vụn rồi khéo léo may từng mũi từng mũi, kết chúng lại thành đế giày. Giày của chàng và sư phụ bao giờ cũng là màu xanh, còn giày của nàng thì bên trên đôi khi có thêu hoa hoặc hình chim hình bướm. Giày vải chỉ được mang vào các dịp lễ tết, còn ngày thường thì mang giày cỏ, lúc ra đồng xuống ruộng thì ai cũng như ai, tất cả đều đi chân đất.

Địch Vân cúi xuống cầm lấy quyển sách cũ trong giỏ kim chỉ, ngoài bìa sách có đề mấy chữ “Đường Thi tuyển tập”. Chàng và Thích Phương đều không được đi học, chữa nghĩa cũng chỉ biết chút ít, chẳng ai có hứng thú mà ngâm vịnh Đường thị Có điều quyển sách này Thích Phương dùng để ép các mẫu thêu của mình. Chàng lật lật quyển sách lấy ra hai mẫu giấy, đó là mẫu hình một đôi bướm mà Thích Phương cắt sân để làm mẫu thêu. Cầm hai mẫu hình trên tay, kỷ niệm xưa chợt ùa về trong tâm trí.

Một đôi bướm lớn bay lạc vào trong động, cánh bướm màu vàng chen lẫn màu đen chập chờn thoắt Đông thoắt Tây, nhưng dù bay đi đâu chúng cũng không rời nhau nửa bước. Thích Phương vỗ tay reo lên:

- Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài! Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài!

Loại bướm này bao giờ cũng bay thành từng đôi, một trống một mái.

Địch Vân đang ngồi đan giày cỏ, thấy đôi bướm bay đến gần, chàng tinh nghịch dùng chiếc giày đập chết một con. Thích Phương thấy vậy thì nổi trận lôi đình, hét lớn:

- Ngươi... ngươi làm gì vậy?

Địch Vân thấy nàng nổi giận thì ấp úng nói:

- Muội... muội thích bướm thì... để ta đi bắt con khác cho...

Thích Phương vẫn chưa hết giận, nói:

- Ngươi coi đi! Người ta có đôi có bạn, đang sống yên lành như vậy, khi không lại bị ngươi chen ngang phá hoại! Có phải là nghiệp chướng không?

Địch Vân giờ mới biết vì sao mà nàng nổi giận, đỏ mặt nói:

- Sư muội, ta... ta thật có lỗi với chúng...

Sau đó Thích Phương theo hình dáng của con bướm cắt thành hai mẫu thêu, thêu lên đôi giày vải của nàng. Đến mùa xuân thì nàng lại may cho chàng một chiếc túi thơm, cũng thêu hình đôi bướm. Trên đôi cánh rộng của chúng màu vàng xen kẽ những vệt đen, gần sát trong thân lại có điểm xuyết vài đốm màu đỏ và màu lục. Chiếc túi thơm ấy chàng luôn mang trong người, đến khi bị bắt vào huyện Giang Lăng thì bị bọn ngục tốt lấy mất.

Địch Vân cầm hai mẫu thêu, bên tai vẫn còn nghe văng vẳng tiếng Thích Phương:

“Ngươi coi đi! Người ta có đôi có bạn, đang sống yên lành như vậy, khi không lại bị ngươi chen ngang phá hoại! Có phải là nghiệp chướng không?”

Địch Vân ngơ ngẩn một lúc lâu rồi kẹp hai mẫu hình bướm trở vào trong sách, bên trong còn rất nhiều mẫu thêu khác, có cái là một cành hoa, có cái là một con cá, có cái là ba con sơn dương đang gặm cỏ. Mấy cái này là hình thêu lên khăn bàn nhân dịp năm mới. Tất cả đều do chính tay Thích Phương cắt lấy.

Địch Vân cầm từng mẫu hình lên xem, mỗi cái gắn liền với một kỷ niệm, kỷ niệm về những ngày ba người sống quay quần trong gian nhà nhỏ, nghèo khó, cực nhọc nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.

Xảy nghe cách đó mấy chục trượng có tiếng đá va chạm nhau lạch cạch, chứng tỏ có người đang đi tới. Địch Vân nhíu mày nghĩ thầm:

“Chỗ này xưa nay không có ai đặt chân tới, hay là tiếng động của thú hoang?”

Chàng kẹp vội mấy hình thêu vào trong sách rồi nhét quyển sách vào ngực áo, tiếp đó lại nghe có tiếng người, nói:

- Chỗ này trông hoang lương lắm, chắc không có ở đây đâu!

Giọng của một lão nhân cười nhẹ, đáp lời:

- Chỗ càng hoang lương thì càng có người đến để cất giấu báu vật! Chúng ta cần phải lục tìm cho kỹ mới được!

Địch Vân nhíu mày, lại có người mò tới đây để tìm báu vật sao? Chàng chui nhanh ra khỏi động, tìm một nơi kín đáo ẩn thân.

Chẳng bao lâu sau quả nhiên có người đi về phía này, nghe tiếng bước chân thì có đâu khoảng bảy tám người. Địch Vân hé mắt nhìn ra, đi đầu là một hán tử cao gầy, ăn mặc hoa lệ, phía sau lại có mấy người nữa tay cầm cuốc xẻng đi tới. Nhìn thấy tên hán tử đi đầu, Địch Vân bỗng cảm thấy mặt nóng bừng, nộ hỏa bốc cao ngùn ngụt, chỉ muốn xông ra bóp chết hắn mới hả dạ.

Thì ra đó chính là Vạn Khuê, kẻ đã cướp sư muội chàng, tống chàng vào ngục, bắt chàng phải chịu ngàn vạn khổ ải.

Tại sao hắn bỗng dưng xuất hiện ở chỗ này?

Người đi tiếp sau lưng Vạn Khuê thân hình nhỏ thó, nét mặt trông rất tinh ranh, chính là Thẩm Thành.

Tiếp sau nữa cũng đều là các đồ đệ của Vạn Chấn Sơn:

Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Thản, Ngô Khảm và Phùng Thản. Vạn Chấn Sơn có tám tên đệ tử, nhị đệ tử Chu Kỳ đã bị Địch Vân giết chết ở Kinh Châu thành, còn lại bảy người đều xuất hiện ở đây. Địch Vân cảm thấy quái lạ nghĩ thầm:

“Bọn chúng tìm báu vật gì ở đây? Chẳng lẽ cũng là chiếc Tụ bảo bồn ấy?”

Xảy nghe Thẩm Thành kêu lên:

- Sư phụ! Sư phụ! ở đây có một sơn động!

Giọng nói của lão nhân khi nãy vang lên:

- Vậy sao?

Giọng lão nghe rõ ý mừng rỡ. Tiếp đó là một lão nhân cao lớn bước nhanh qua, chính là Ngũ Vân Thủ Vạn Chấn Sơn. Đã mấy năm rồi Địch Vân chưa gặp lại lão, trông lão còn rất tinh nhanh, bước chân vững chãi chưa hề thấy dấu hiệu lão suy.

Vạn Chấn Sơn gạt cỏ bước vào trong sơn động trước, quần đệ tử cũng ùa vào theo. Bên trong có tiếng vọng ra:

- Chỗ này hình như có người ở.

- Bụi bặm bám dày thế này, xem ra đã lâu lắm rồi không có người lui tới.

- Xem này! Có dấu chân!

- Ở đây có dấu tay nữa. Có người vừa mới vào đây trước chúng ta.

- Nhất định là Ngôn sư thúc! Lão đã lấy cắp Liên Thành kiếm phổ rồi!

Địch Vân nghe nói vừa kinh ngạc lại vừa buồn cười, thì ra là sư đồ Vạn Chấn Sơn tới đây để tìm Liên Thành kiếm phổ! Quyển kiếm phổ ấy, nếu có thì mình và Thích Phương đã thấy từ lâu rồi, làm gì có ở đây? Chúng lại còn nói tới Ngôn sư bá. Ngôn Đạt Bình Ngôn sư bá mất tích đã lâu, chắc là đã tạ thế rồi, làm gì có dính líu tới quyển Liên Thành kiếm phổ? Hà, những dấu chân dấu tay ấy là do chính mình lưu lại, chúng lại đoán già đoán non, đúng là...

Xảy nghe giọng Vạn Chấn Sơn nói:

- Các ngươi chớ có làm ồn như vậy, mau chia ra các nơi tìm thử xem!

Có người nói:

- Ngôn sư thúc đã vào đây thì lão đã lấy đi rồi chứ còn đâu mà tìm nữa?

Lại có người nói:

- Lão gian tặc Thích Trường Phát đúng là quỷ kế đa đoan. Lão giấu kiếm phổ ở đây thì đố ai mà tìm nổi.

Có người cười lạnh nói:

- Đương nhiên phải là như vậy rồi, nếu không thiên hạ đâu gọi lão là Thiết Tỏa Hoành Giang!

Vạn Chấn Sơn nói:

- Lúc nãy chúng ta nhìn thấy có người đi về hướng này, cước trình của người này nhanh nhẹn dị thường, thoắt cái đã biến mất tăm. Ta thấy người này cũng rất đáng nghi!

Tiếng của Vạn Khuê:

- Người này chắc chắn là dân bản địa, nhờ thông thuộc đường nên đi đường tắt mà lên núi đó thôi. Nếu không nhờ có hắn, chúng ta có tìm nửa năm trời cũng chưa chắc tìm ra chỗ này.

Địch Vân nghe tới đây thì mới tỉnh ngộ, thì ra bọn chúng theo chân mình lên đây, nếu không chỗ này bí mật như vậy, chúng làm sao mà tìm thấy được?

Sau đó lại nghe có tiếng ầm ầm loạn xạ, chắc là lật mấy tảng đá lên lục soát. Trong động ngoài mấy tảng đá ra cũng chẳng có đồ đạc gì, có chăng chỉ là mấy thứ đồ chơi ngày xưa của Địch Vân và Thích Phương mà thôi. Sau nữa lại nghe có tiếng đào bới, nhưng nền của sơn động toàn là đá, làm sau mà đào xuống nổi?

Tiếng của Vạn Chấn Sơn tức tối:

- Chẳng có thứ gì lưu lại cả. Thôi đi ra ngoài bàn tính lại xem sao.

Vạn Chấn Sơn cùng đám đệ tử kéo ra ngoài, đến bên bờ suối ngồi xuống thương nghị, Địch Vân vì không muốn bị bọn Vạn Chấn Sơn nhận mặt nên không dám đến gần. Khoảng cách khá xa, bọn Vạn Chấn Sơn lại nói chuyện thì thầm nên chàng chẳng nghe thấy gì cả. Một lúc lâu sau cả tám người mới đứng dậy bỏ đi.

Địch Vân nhìn sư đồ Vạn Chấn Sơn bỏ đi, bất giác một tia sáng lóe lên trong đầu:

“Vạn Chấn Sơn dắt đồ đệ tới đây tìm Liên Thành kiếm phổ, tìm không thấy chúng nghi là đã bị Ngôn sư bá lấy đi. Nhà của sư phụ bỗng biến thành một gian nhà lớn, lão khất cái lại đào bới nơi đó nói là tìm Tụ bảo bồn... Phải rồi! Cả Vạn Chấn Sơn và lão cái đều nghi là Liên Thành kiếm phổ rơi vào tay sư phụ. Lão cái cũng tới đây để tìm kiếm phổ, nhưng vì muốn che giấu hành tung, lão cất lên gian nhà lớn, lại còn tung tin là đào tìm Tụ bảo bồn để mọi người xung quanh đừng nghi ngờ”.

Tiếp đó chàng lại nghĩ:

“Vạn Chấn Sơn cùng đồ đệ tìm không thấy kiếm phổ, nhất định sẽ đến tìm nơi gian nhà lớn. Chà, xem ra việc này còn chưa kết thúc ở đây. Đêm nay nhất định sẽ có một màn kịch hấp dẫn xảy ra, mình cứ việc về gian nhà lớn chờ xem náo nhiệt. Bên trong còn quá nhiều uẩn khúc, đêm nay thể nào mình cũng sáng tỏ được đôi điều”.

“Còn sư phụ thì sao? Người đã đi đâu rồi? Nhà của sư phụ bị người ta đào nát cả lên người có biết không? Còn sư muội nữa, giờ này chắc nàng còn ở Kinh Châu thành hưởng phúc thanh nhàn. Vạn Chấn Sơn đến đây đào bới nhà nàng chắc không thể nào nói cho nàng biết được. Giờ này, nàng đang làm gì?”

Đêm đó trong gian nhà lớn lại đốt đuốc cắm quanh tường, mười mấy lao công bắt tay vào làm công việc đào bới, Địch Vân cũng lẫn vào đám lao công làm việc, chàng làm không cố gắng lắm, cũng chẳng tỏ ra lười nhác, cố làm sao để người xung quanh càng ít lưu ý tới mình càng tốt. Địch Vân lúc này râu tóc bù xù, quá nửa gương mặt bị râu tóc che khuất. Tuy nhiên chàng vẫn sợ bị người khác nhận ra, trước khi bắt tay làm việc đã bốc đất thoa lên mặt, nhớ lại ban chiều sư đồ Vạn Chấn Sơn theo dõi mình, tuy không nhìn thấy mặt nhưng chúng có thể nhìn ra dáng mình, thế là chàng tháo mảnh vải trắng cột đầu xuống, lấy dây thắt lưng màu xanh cột lên đầu, đổi mảnh vải trắng cột thắt lưng.

Đêm đó đám lao công theo lệnh của chủ nhân đào ở góc phía Bắc. Lão cái thì chắp tay sau lưng đi đi lại lại bên trên giám sát. Tất nhiên lão lúc này không còn dáng vẻ của một lão khất cái nữa mà toàn thân đầy vẻ phú quý, y phục hoa lệ, tay đeo nhẫn bích ngọc, lưng giắt một miếng hán ngọc to tướng.

Chưa đến nửa đêm thì Địch Vân nghe có tiếng bước chân người di chuyển trên mái nhà, bốn phía đều có người. Có điều tiếng bước chân còn ở ngoài xa, lão cái hình như chưa phát giác.

Địch Vân nghiêng mặt, qua mái tóc rối nhìn lên, thấy lão cái vẫn đi đi lại lại như thường, vẻ mặt không chút thay đổi. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, một, hai, ba... bảy, tám... chắc chắn là Vạn Chấn Sơn và bảy tên đồ đệ chứ không còn ai khác nữa. Địch Vân nghe rõ ràng từng người một đang đến gần, lạ một điều là lão cái như người điếc, chẳng nghe thấy chi cả.

Năm năm trước, lão cái trong mắt Địch Vân chẳng khác nào tiên nhân giáng thế. Chàng chỉ học có ba chiêu kiếm nơi lão mà đã đánh cho tám tên đệ tử của Vạn Chấn Sơn bò lăn bò càng. Nhưng sao bây giờ võ công lão bỗng trở nên kém cỏi như vậy? Hay là không phải lão? Hay là mình đã nhận lầm người? Không, quyết không thể nhận lầm được. Giọng nói ấy, ánh mắt ấy làm sao có thể nhầm được?

Địch Vân không biết rằng võ công của chàng lúc này đã đạt đến cảnh giới cực cao, những điều chàng nghe thấy rõ ràng như ngay trước mặt thì người thường vẫn không nghe thấy gì cả.

Tám người tiến mỗi lúc một gần, nhón chân dò từng bước một, Địch Vân cảm thấy buồn cười nghĩ thầm:

“Sư đồ Vạn Chấn Sơn cũng buồn cười thật. Còn ai không biết tám người bọn ngươi đến mà còn làm ra vẻ lén lén lút lút như vậy?”

Đến khi tám người đến gần chỉ còn cách hơn chục trượng thì lão cái bỗng hơi giật mình, lão nghiêng đầu lóng tai nghe động tịnh. Địch Vân bật cười nghĩ thầm, đến giờ mới nghe, chắc hôm nay lão cái bị bệnh nên tai điếc đặc mất rồi. Thật ra thì khoảng cách cũng còn khá xa, với khoảng cách này cách đây vài tháng Địch Vân cũng chưa chắc đã nghe thấy.

Giờ thì tám người đã đến rất gần, đi vài bước thì dừng lại, như sợ người trong nhà phát giác. Nhưng lão cái đã nhận ra có người sắp đến, lão xoay người chụp lấy cây long đầu trượng dựng sát tường, quay lưng vào vách, gương mặt trầm trầm chờ đợi.

Bất thần cả tám người đồng nhảy tới, bao vây quanh gian nhà. Bình bình bình liên tiếp mấy tiếng, cửa nẻo bốn bên bị đá văng ra, đi đầu là Vạn Khuê, Thẩm Thành, tiếp sau là mấy sư huynh đệ đồng tiến vào, vây chặt quanh lão cái.

Lão cái cất tiếng cười ha hả nói:

- Hay lắm! Tất cả các ngươi đều có mặt ở đây, Vạn sư ca còn chờ gì mà chưa chịu vào?

Bên ngoài cửa bỗng có tiếng cười ha hả, một người cao lớn chậm rãi bước vào, chính là Ngũ Vân Thủ Vạn Chấn Sơn. Lão và lão cái đứng đối diện, cách nhau chiếc hố to giữa nhà. Hai người đứng nhìn nhau một lúc lâu, cuối cùng Vạn Chấn Sơn cất tiếng cười lớn nói:

- Nhị sư đệ, cách biệt bấy lâu, không ngờ ngươi đã phát tài to đến như vậy!

Mấy lời của Vạn Chấn Sơn Địch Vân nghe như tiếng sét ngang tai:

“Cái gì? Lão cái chính là... là nhị sư bá... là Ngôn Đạt Bình sao?”

Lại nghe lão cái cười nói:

- Tiểu đệ cũng có phát tài chút chút. Còn đại sư ca thế nào? Lâu nay buôn bán phát đạt chứ?

Vạn Chấn Sơn cười nhẹ, đáp:

- Cũng không đến nỗi nào. Này, các đồ nhi, sao không khấu đầu ra mắt nhị sư thúc các ngươi?

Bọn Lỗ Khôn đồng quỳ xuống, đồng thanh nói:

- Chúng đệ tử khấu kiến nhị sư thúc.

Lão cái khoát tay nói:

- Thôi khỏi! Thôi khỏi! Các ngươi tay đều cầm kiếm, khấu đầu coi bộ bất tiện, thôi miễn đi!

Địch Vân nghĩ thầm, người này quả nhiên là Ngôn nhị sư bá. Nhưng ông ta... Ông ta...

Lại nghe Vạn Chấn Sơn hỏi:

- Nhị sư đệ, người định tìm mỏ gì mà đào bới dữ vậy?

Ngôn Đạt Bình cười cười nói:

- Đại sư ca đoán sai rồi. Tiểu đệ có quá nhiều cừu nhân, nay phải về đây lánh nạn, đào chiếc hố này một công mà hai chuyện. Cừu nhân tìm đến, nếu bị tiểu đệ giết thì chiếc hố này là mồ chôn chúng, ngược lại, nếu tiểu đệ bị giết thì đây chính là chỗ táng thân tiểu đệ vậy.

Vạn Chấn Sơn phá lên cười lớn nói:

- Hay lắm! Nhị sư đệ trù tính thật chu đáo. Có điều một mình ngươi, thân hình cũng chẳng phải to mập gì cho lắm, chiếc hố coi bộ cũng đã đủ sâu đủ rộng, ta thấy không cần phải đào thêm nữa.

Ngôn Đạt Bình cũng cười lớn nói:

- Chôn một người thì chừng này là quá đủ, nhưng đến tám người thì e rằng còn hẹp!

Địch Vân nghe sư huynh đệ họ tuy ngoài mặt cười cười nhưng lời nói ẩn chứa đầy đao gươm sát phạt thì chợt nhớ tới chuyện Đinh đại ca kể ngày trước. Bất giác thở dài nghĩ thầm:

“Bọn họ nhẫn tâm giết cả ân sư thụ nghiệp của mình thì giữa sư huynh đệ có còn tình nghĩa gì mà kể? Nghe Đinh đại ca nói ba sư huynh đệ họ tuy cướp được Liên Thành kiếm phổ nhưng lại thiếu kiếm quyết, cũng bằng vô dụng mà thôi. Nhưng kiếm quyết ấy chẳng qua chỉ là những con số, số thứ nhất là “bốn”, số thứ hai là “mười lăm”, số thứ ba là “ba mươi ba”, số thứ tư là “năm mươi ba” đáng tiếc là Đinh đại ca đã không kịp nói hết kiếm quyết ra. Còn quyển kiếm phổ thì đã bị ba người cướp được vào tay từ lâu rồi, tại sao bây giờ còn tranh nhau đi tìm như vậy?”

Vạn Chấn Sơn cười lớn nói:

- Hảo sư đệ! Ta với ngươi sư huynh đệ mấy chục năm nay, ta muốn gì ngươi biết rất rõ, ngược lại bụng ngươi đang nghĩ gì ta cũng đã nhìn thấu từ lâu. Theo ta thì chúng ta chẳng cần phải vòng vo cho mất thì giờ! Đưa đây!

Quát hai xong tiếng “đưa đây” lão đưa tay ra phía trước, vẻ chờ đợi.

Ngôn Đạt Bình lắc đầu nói:

- Chưa tìm thấy! Tâm cơ của Thích lão tam, sư huynh đệ chúng ta không thể bì kịp. Đệ thật không sao hiểu nổi hắn giấu quyển kiếm phổ ấy ở đâu.

Địch Vân nghe đến đây thì giật mình, không lẽ ba sư huynh đệ hợp lực cướp được quyển kiếm phổ rồi sau đó lại bị sư phụ đánh cắp? Nhưng tại sao bao nhiêu năm nay vẫn không thấy động tịnh chi cả? Phải rồi, chắc là sư phụ hạ thủ quá khéo léo làm cho hai vị sư huynh không hay biết. Nhưng sư phụ hiện không có ở đây, kiếm phổ đương nhiên là cũng mang theo bên người, làm gì còn chôn cất ở nhà mà đến đây tìm? Không lẽ đại nhị sư bá lại khờ khạo đến nỗi không hiểu ra điều đơn giản như vậy?

Có điều chàng biết chắc Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình không thể và không bao giờ là kẻ hồ đồ, việc này bên trong tất phải còn tiềm ẩn rất nhiều bí mật mà mình chưa thể khám phá hết được.

Lại nghe Vạn Chấn Sơn cười ha hả nói:

- Lão nhị! Ngươi đừng giở trò trước mặt ta nữa. Thiên hạ nói trong ba sư huynh đệ chúng ta Thiết Tỏa Hoành Giang là lợi hại nhất, nhưng theo ta thì lão tam còn phải nhượng ngươi vài phân. Không nói nhiều nữa. Đưa đây!

Nói xong lại giơ tay ra phía trước.

Ngôn Đạt Bình vỗ vỗ trán, nói:

- Đại sư ca, chúng ta là sư huynh đệ mấy chục năm nay, chẳng lẽ lại còn coi nhau như người ngoài sao? Nếu đệ mà lấy được nó, tiểu đệ chỉ có một mình chắc là không thể ứng phó nổi, nhất định sẽ mời đại sư ca ra chủ trì đại cuộc, còn tiểu đệ bất quá chỉ ở bên cạnh hiệp trợ, nhận một phần nhỏ mà thôi. Còn nếu đại sư ca lấy được thì, hì hì, môn đệ sư ca tuy đông nhưng công phu đều còn hơi non, chừng đó chắc cũng không khỏi gọi tiểu đệ ra giúp sức. Xem ra ai lấy được cũng như nhau thôi.

Vạn Chấn Sơn nhíu mày hỏi:

- Trong sơn động ở ngoài kia ngươi đã tìm thấy gì?

Ngôn Đạt Bình nghe nói thì chưng hửng hỏi lại:

- Sơn động nào? Xung quanh đây có một sơn động như vậy sao?

Vạn Chấn Sơn nghiêm mặt nói:

- Nhị sư đệ, ta với ngươi giờ đã không còn là trẻ con nữa, đừng để đến giờ này mà còn làm mất hòa khí đôi bên. Ngươi lấy ra đi, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu. Từ nay hai ta có phúc cùng hưởng có nạn cùng chịu, ngươi thấy thế nào?

Ngôn Đạt Bình tỏ vẻ hơi bực bội nói:

- Tại sao đại sư ca cứ một mực nói là đệ đã lấy được nó? Nếu đã lấy được rồi bộ điên hay sao mà vẫn còn ở đây đào bới?

Vạn Chấn Sơn cười lạnh nói:

- Đó mới chính là chỗ lợi hại của ngươi!

Ngôn Đạt Bình hơi dịu giọng nói:

- Đồ của lão tam chủ ý cất giấu đâu phải dễ dàng tìm thấy được? Bấy lâu nay tiểu đệ đã có ý nghi ngờ nó không nằm ở đây, đại sư ca không tới, đệ đào thêm vài ba ngày nữa nếu không thấy cũng đành bỏ cuộc mà thôi.

Vạn Chấn Sơn cười lạnh nói:

- Ta thấy ngươi cứ đào thêm mươi bữa nửa tháng nữa cũng được. Làm như vậy giả cho giống thật hơn!

Ngôn Đạt Bình biến sắc, định trở mặt đánh một trận rồi ra sao thì ra, nhưng đến giây khắc cuối lão đã nhịn được, giọng bình thản hỏi:

- Thế đại sư ca muốn thế nào mới tin?

Lão bỏ chiếc long đầu trượng xuống, cởi cả chiếc trường bào ra, dốc ngược lại giũ giũ, chỉ nghe leng keng mấy tiếng, mấy đĩnh bạc vụn và một chiếc tẩu thuốc đổ hết ra đất.

Vạn Chấn Sơn cười lạnh nói:

- Ngươi đâu phải đồ ngu, vật như vậy làm sao cất giữ bên người để cho người ta dễ dàng đánh cướp chứ?

Ngôn Đạt Bình thở dài nói:

- Đại sư ca đã không tin thì cứ lục soát.

Vạn Chấn Sơn hừ lạnh nói:

- Đành đắc tội vậy!

Nói xong lão nhìn Vạn Khuê và Thẩm Thành hất hàm ra hiệu. Hai người gật đầu cất kiếm vào bao, một trái một phải áp đến gần Ngôn Đạt Bình. Vạn Chấn Sơn đưa mắt nhìn Bốc Thản và Lỗ Khôn ra hiệu, hai người lập tức vòng ra sau lưng Ngôn Đạt Bình, tay nắm chặt trường kiếm.

Ngôn Đạt Bình đưa tay vỗ vỗ ngực áo, nói:

- Các ngươi cứ lục soát đi!

Vạn Khuê nói:

- Nhị sư thúc, điệt nhi cam đắc tội!

Vừa nói vừa đưa tay vào ngực áo Ngôn Đạt Bình sờ soạng.

Xảy thấy Vạn Khuê kêu ối lên một tiếng, rút phắt tay ra lùi lại, dưới ánh đuốc, một con bò cạp cực lớn vẫn còn đeo trên tay gã. Vạn Khuê quát lớn một tiếng, vung tay đập nát con bò cạp, nhưng lưng bàn tay đã bị bò cạp đốt rồi, thoáng chốc sưng vù lên trông thật dễ sợ. Gã sợ bị mất mặt, không dám cất tiếng kêu rên, nhưng trên trán từng giọt từng giọt mồ hôi to bằng hạt đậu không ngừng lăn xuống.

Ngôn Đạt Bình thất thanh kêu lên:

- Ôi Vạn hiền điệt! Ở đâu mà ngươi lại bắt được con bò cạp này? Chà, loại bò cạp đốm này không giỡn với chúng được đâu. Đại sư ca, sư ca có thuốc giải không? Mau lấy ra cho Vạn hiền điệt uống đi, để trễ một chút thì ôi thôi...

Lưng bàn tay Vạn Khuê lúc này không chỉ sưng lên mà còn biến từ màu đỏ thành tím, sau đó từ tím hóa thành đen. Luồng sắc đỏ lan dần lên cổ tay.

Vạn Chấn Sơn biết đã bị mắc bẫy Ngôn Đạt Bình, nhưng biết không thể hồ đồ, chỉ cố gắng nhẫn nhịn, bình tĩnh nói:

- Lão nhị, ta phục ngươi rồi đó. Ta chịu thua ngươi, ngươi đưa thuốc giải ra thì ta lập tức ra đi, không làm khó dễ ngươi nữa.

Ngôn Đạt Bình chậm rãi nói:

- Thuốc giải cho nọc độc của loại trùng độc này ngày trước đệ cũng có, nhưng lâu ngày không dùng đến, chẳng biết bây giờ để ở đâu, để thư thả tiểu đệ tìm lại coi, có khi tìm thấy cũng nên. Nếu không tìm thấy tiểu đệ sẽ đi tìm mua dược liệu rồi điều chế thuốc giải đặc biệt cho Vạn hiền điệt. Chúng ta dù sao cũng là đồng môn sư huynh đệ mà.

Vạn Chấn Sơn nghe giọng lưỡi của Ngôn Đạt Bình thì tức muốn bể ngực.

Trúng nọc độc của các loại xà trùng này chỉ qua một canh giờ cũng đủ mất mạng, vệt đỏ mà lan tới ngực thì có Hoa Đà tái thế cũng không cứu nổi. Vậy mà lão gian tặc dám nói nào là “để thư thả tìm coi”, nào là “sẽ đi tìm dược liệu điều chế thuốc giải”. Đã vậy còn vô sỉ đến độ xưng là huynh đệ đồng môn nữa chứ! Nhưng tính mạng ái tử của lão giờ như chỉ mành treo chuông, đành phải nuốt nộ khí vào bụng, nghĩ quân tử báo cừu mười năm chưa muộn.

Nghĩ xong liền mỉm cười nói:

- Nhị sư đệ! Ta đã chịu thua ngươi rồi mà. Ngươi muốn ta phải làm gì thì ngươi cứ nói.

Ngôn Đạt Bình chẳng tỏ chút vội vã, cúi người lượm chiếc trường bào lên, tỉ mẩn mặc vào, chậm rãi cài nút, lại còn vuốt phẳng vạt áo, sau đó mới từ tốn nói:

- Đại sư ca quá lời rồi. Tiểu đệ sao dám bắt buộc đại sư ca được. Đại sư ca thích sao thì cứ làm vậy đi.

Vạn Chấn Sơn nghiến răng nghĩ thầm:

“Ngày hôm nay ngươi đắc thế, cho ngươi cứ việc lên mặt với ta. Ngày sau sẽ cho ngươi biết đại sư ca ngươi lợi hại thế nào!”

Nghĩ xong lão nhẫn nhịn nói:

- Thôi được! Từ nay về sau ta không bao giờ gặp lại ngươi nữa. Nếu ta còn tìm ngươi gây sự thì Vạn Chấn Sơn này không phải là người!

Ngôn Đạt Bình cười lớn nói:

- Thật không dám! Tiểu đệ chỉ mong đại sư ca nói một câu: “Liên Thành kiếm phổ nên thuộc quyền sở hữu của Ngôn sư đệ”. Giả như tiểu đệ có may mắn tìm được nó thì chẳng còn gì đáng nói, bằng ngược lại, đại sư ca cũng phải giao cho tiểu đệ. Vậy thôi.

Độc chất càng lúc càng dâng lên cao, Vạn Khuê cảm thấy đầu óc choáng váng, thân hình không kềm được, lảo đảo như sắp té xuống tới nơi. Lỗ Khôn thấy vậy thì thất kinh kêu lên:

- Sư đệ! Sư đệ!

Vừa gọi vừa đưa tay đỡ một bên người Vạn Khuê. Lỗ Khôn nhìn vào hai mắt Vạn Khuê, thấy tròng mắt đã bắt đầu mất thần, vội quay lên nói:

- Sư phụ! Nhị sư thúc muốn sao sư phụ nên nhận lời như vậy đi.

Vạn Chấn Sơn gật đầu nói:

- Được, quyển kiếm phổ ấy sẽ thuộc về nhị sư đệ. Cung hỷ! Cung hỷ!

Lão nói hai tiếng “cung hỷ” mà giọng nói nghe đầy oán độc. Ngôn Đạt Bình cười lớn nói:

- Nếu đã vậy thì để tiểu đệ vào bên trong tìm xem. Cũng chưa chắc là tìm được, cái đó còn phải coi phần phước của Vạn hiền điệt nữa.

Nói xong lão chậm rãi quay người đi vào bên trong. Vạn Chấn Sơn đưa mắt nhìn Lỗ Khôn và Bốc Thản ra hiệu, hai người lập tức đi theo sau lưng Ngôn Đạt Bình.

Ba người đi vào bên trong nhưng thật lâu sau mà chẳng nghe động tịnh gì cả, Vạn Chấn Sơn nhìn lại thì thấy Vạn Khuê đã bắt đầu hôn mê, phải có Thẩm Thành dìu bên cạnh. Vạn Chấn Sơn sốt ruột nhìn Phùng Thản nói:

- Ngươi vô trong đó xem tình hình thế nào.

Phùng Thản dạ một tiếng định chạy vào trong, xảy thấy Ngôn Đạt Bình từ trong bước ra, mặt mày hớn hở nói:

- Tìm được rồi! Tìm được rồi!

Vừa nói tay vừa giơ cao một chiếc bình ngọc, tiếp:

- Cái này chính là thuốc giải, chuyên dùng để giải nọc độc các loài xà trùng. Vạn hiền điệt, vậy là mạng ngươi còn lớn đó. Từ nay về sau đừng chơi các loài trùng độc nữa.

Lão đi thẳng tới bên cạnh Vạn Khuê, giở nắp bình ngọc, rắc một ít thuốc bột lên vùng da màu tím đen. Thuốc giải này quả nhiên linh nghiệm vô cùng, chỉ một lát sau màu tím đen nhạt dần, cuối cùng vết thương rỉ ra một ít máu đen. Thẩm Thành vội xé vạt áo lau đi. Mọi người nhìn lại thì thấy vệt đỏ vốn đã chạy lên quá khuỷu tay giờ hạ dần, hạ dần rồi cuối cùng mất hẳn.

Vạn Chấn Sơn nãy giờ mắt không rời khỏi Vạn Khuê, theo dõi sát từng thay đổi nhỏ trên người Vạn Khuê. Lúc này thấy tính mạng ái tử đã không còn nguy nữa mới thở dài nhẹ nhõm, nhưng lòng lão thấy tức tối vô cùng, thầy trò ra quân đợt này có thể nói là thảm bại, chưa kịp động thủ đã bị đối phương chế ngự rồi.

Qua một lát, Vạn Khuê mở mắt ra, gọi:

- Cha!

Ngôn Đạt Bình giờ mới đậy nút bình thuốc cất vào ngực áo. Lão xoay người cầm lấy cây long đầu trượng lên, khẽ dộng xuống đất, nói:

- Vậy là xong rồi đó. Vạn hiền điệt, đây là một bài học quý giá cho ngươi.

Từ nay về sau thò tay vào bọc người khác phải cẩn thận lắm lắm mới được.

Vạn Chấn Sơn quay sang Thẩm Thành nói:

- Vào gọi chúng nó ra!

Thẩm Thành dạ một tiếng rồi chạy vào bên trong, cất tiếng gọi:

- Lỗ sư ca, Bốc sư ca. Mau đi ra, chúng ta phải đi rồi!

Không thấy Lỗ Khôn và Bốc Thản đi ra, chỉ nghe tiếng hai người ú ớ ở bên trong. Tôn Quân không chờ sư phụ bảo cũng vội chạy vào bên trong, lát sau hai người dìu Lỗ Khôn và Bốc Thản ra, chỉ thấy hai người mặt mày nhợt nhạt, kẻ thì bị gãy chân phải người gãy chân trái, rõ ràng là khi nãy tự tiện đi theo Ngôn Đạt Bình đã bị trúng độc thủ của lão.

Vạn Chấn Sơn nhìn thấy bộ dạng thảm thương của hai đồ đệ thì nổi trận lôi đình. Lão vốn đã có ý giết chết Ngôn Đạt Bình để trừ hậu họa, giờ gặp chuyện này quả là một cái cớ rất tốt để động thủ, đâu còn nhẫn nhịn để chờ dịp khác nữa. Thế là lão rút phắt trường kiếm, gầm một tiếng nhảy xẹt tới, chỉ thấy một đạo bạch quang nhằm yết hầu Ngôn Đạt Bình kích tới.

Địch Vân chưa từng nhìn thấy Vạn Chấn Sơn xuất thủ bao giờ, nay thấy lão đâm ra một kiếm, chiêu thức hiểm ác, kiếm khí thâm trầm thì gật đầu khen thầm:

“Chiêu này hầu như chẳng để lộ bất kỳ sơ hở nào”.

Hiện tại, tạo chỉ võ công của Địch Vân đã cực kỳ cao thâm, tuy chàng không được luyện võ một cách căn bản nhưng mỗi khi nhìn người khác xuất chiêu là lập tức nhận ra chiêu thức của đối phương có chỗ sơ hở nào hay không.

Ngôn Đạt Bình nghiêng người tránh qua một thế, tay trái nắm chắc thân trượng, tay phải nắm lấy long đầu, hai tay dang mạnh ra một cái, chỉ thấy hàn quang chớp động, cây long đầu trượng đã biến thành một thanh trường kiếm!

Thì ra long đầu trượng chỉ là hình thức bên ngoài, kỳ thực bên trong lại là một thanh kiếm. Ngôn Đạt Bình đã cầm kiếm nơi tay, lập tức xuất chiêu phản công, chỉ nghe tiếng kim khí chạm nhau liên hồi, hai sư huynh đệ triển khai kiếm pháp sư môn giao đấu kịch liệt bên cạnh chiếc hố. Qua lại vài hiệp, cả hai đồng cảm thấy bên trên chật hẹp khó lòng thi triển sở học, đồng thanh quát lớn một tiếng, tung người nhảy xuống giữa hố.

Đám lao công từ khi thấy sư đồ Vạn Chấn Sơn xuất hiện, song phương tuy gọi nhau là sư huynh sư đệ, nhưng sắc diện lời nói đều chứa đầy gai nhọn thì đã sợ hãi đứng dồn vào một góc. Đến khi song phương bắt đầu đánh nhau thì càng sợ hãi, nằm úp mặt xuống đất, miệng lầm rầm khấn vái, cầu xin tai qua nạn khỏi. Địch Vân cũng hòa vào đám đông, giả vờ sợ hãi nhưng kỳ thực chàng không bỏ sót bất kỳ một chiêu thức nào của hai vị sư bá đánh ra. Xem một lúc, chàng thở dài tiếc rẻ, nghĩ thầm:

“Hai vị sư bá xem ra nội lực quá kém, chiêu thức thì đã luyện đến mức hỏa hầu, chỉ tiếc thiếu nội lực phụ trợ nên phát huy không hết cái tinh túy của kiếm pháp. Tình hình này cho dù hai người có lấy được Liên Thành kiếm phổ e rằng cũng chẳng phát huy được gì thêm, trừ phi trong ấy có dạy luyện nội công thì không kể. Nhưng quyển sách ấy đã gọi là “kiếm phổ” thì tất phải dạy chuyên về kiếm pháp chứ làm sao dạy luyện nội công được?”

Xem một lúc nữa, chàng càng lấy làm kỳ, tự nhủ:

“Võ công của nhị vị sư bá nếu đem so với Nam Tứ kỳ “Lưu Thủy Lạc Hoa” thì kém hơn thấy rõ. Hai người luyện kiếm chỉ chuyên chú vào chỗ biến hóa của chiêu thức chứ không chú trọng phối hợp với nội lực để chiêu thức tăng thêm oai lực. Tại sao lại kỳ vậy? Ngày trước sư phụ dạy kiếm pháp cho mình và sư muội cũng y như vậy. Chắc là hai vị sư bá và sư phụ cũng được dạy luyện kiếm theo cách đó. Luyện kiếm pháp kiểu này nếu gặp phải địch thủ có võ công kém hơn mình thì đương nhiên là giành hết thế thượng phong dễ dàng áp đảo đối phương. Ngược lại, nếu gặp phải đối thủ có nội công vững vàng một chút thì cho dù kiếm chiêu biến đổi thiên hình vạn trạng cũng chẳng có chút tác dụng gì. Tại sao lại luyện kiếm theo kiểu đó? Tại sao?”

Chỉ thấy Tôn Quân, Phùng Thản, Ngô Khảm nháy mắt ra hiệu rủ nhau nhảy vào hiệp trợ với sư phụ. Chiến cục lập tức biến thành bốn người đánh một.

Ngôn Đạt Bình cười ha hả nói:

- Đại sư ca! Không ngờ ngươi càng ngày càng tiến bộ, kéo cả một đoàn lâu la đến vây đánh sư đệ ngươi!

Tuy ngoài mặt lão làm ra vẻ tỉnh như không, kỳ thực đang lâm vào tình thế vô cùng khó khăn. Võ công lão với đại sư huynh chưa biết ai hơn ai kém, nhưng nay phải đối phó với một lúc bốn người thì chống cự sao nổi?

Địch Vân nhìn vào trường đấu, ngầm nhận xét:

“Kiếm pháp của nhị vị sư bá mỗi người có một sở trường riêng, mấy chiêu kiếm pháp của Ngôn sư bá dạy mình ngày trước đem đối phó với bọn Vạn Khuê thì rất hữu dụng, nhưng đem ra đối phó với Vạn sư bá thì chỉ là trò trẻ con mà thôi. Ôi, xem ra mấy người bọn họ chẳng ai hiểu chuyện luyện kiếm phải song song với việc luyện nội công, kiếm chiêu nội lực hòa làm một mới phát huy hết oai lực của kiếm pháp. Nguyên lý đơn giản như vậy, đến một tên nhà quê ngu như mình còn nhận ra, tại sao bọn họ thông minh như vậy mà không nhận ra? Không lẽ họ có lý còn chính mình mới là kẻ hồ đồ?”

Xảy đâu một tia sáng lóe lên trong đầu Địch Vân:

“Phải rồi, Đinh đại ca đã từng kể cho mình nghe về lai lịch của Thần Chiếu kinh. Sư tổ Mai Niệm Sinh ắt hẳn phải thấu hiểu nguyên lý này, vậy tại sao người lại dạy ba đồ đệ của mình theo cách hoàn toàn trái ngược như vậy? Ô không lẽ... không lẽ...”

Trong lòng chàng nói luôn ba bốn lượt hai tiếng “không lẽ” rồi không dám nghĩ tiếp nữa, nghe như có một hòn băng chạy dài trong sống lưng, mồ hôi lạnh toát ra ướt cả áo, thân hình không ngăn được run bắn lên.

Một lao công đứng tuổi thấy Địch Vân bỗng run lên như vậy thì, miệng niệm Phật, nói:

- Lạy Trời đừng để xảy ra án mạng. Tiểu huynh đệ, chớ sợ! Chớ sợ!

Thấy Địch Vân run rẩy, hắn tưởng chàng vì sợ cảnh đâm chém nhau mà run, miệng khuyên người khác chớ sợ nhưng bản thân hắn cũng đang run lẩy bẩy.

Địch Vân đã suy ra được chân tướng, nhưng điều đó quá âm hiểm, quá ác độc nên chàng cũng không muốn nghĩ thêm nữa, càng không muốn đem điều mình vừa phát hiện ấy quy thành một sự việc rõ ràng. Có điều, một khi đã nhìn rõ chân tướng sự việc thì tất cả những việc vụn vặt đều được quy về một mối và trở nên rõ như ban ngày. Mỗi một chiêu Vạn Chấn Sơn, Ngôn Đạt Bình, Tôn Quân, Ngô Khảm, Phùng Thản đánh ra đều trở thành một bằng chứng củng cố thêm điều suy đoán của chàng.

“Không sai! Không sai! Quả nhiên là như vậy. Nhưng... Sợ rằng không phải, kẻ làm sư phụ có khi nào lại đối xử với đồ đệ mình ác độc đến như vậy? Không! Nhất định không phải vậy. Nhưng... nếu không đúng thì sự việc sao lại diễn ra như vậy chứ? Thật không thể hiểu nổi!”

Một bức tranh của ngày cũ hiện ra trước mắt chàng: nhiều năm về trước, cũng chính trong gian nhà tại chỗ này, sư phụ dạy kiếm cho chàng và sư muội. Sư phụ dạy một chiêu kiếm rất vi diệu, hai sư huynh muội cố gắng luyện, nhưng đến lần sau thì sư phụ lại nói khác đi, tuy kiếm chiêu vẫn rất vi diệu nhưng lại có khác chút ít so với lần đầu. Lúc ấy chàng cứ nghĩ kiếm pháp của sư phụ cao siêu biến ảo khó lường, nhưng giờ nghĩ lại mới biết tại vì sao lại như vậy!

Địch Vân bỗng cảm thấy lòng quặng đau, kêu thét lên ở trong lòng:

“Sư phụ cố ý dạy sai! Người cố ý hướng mình vào dị lộ, chỉ dạy cho mình một loại kiếm pháp thứ cấp. Bản lãnh của sư phụ rất cao siêu, ít ra cũng tương đương với hai vị sư bá Vạn Ngôn, nhưng người lại dạy cho mình một thứ kiếm pháp vô dụng, chỉ nhìn cho đẹp chứ không có tác dụng gì. Võ công của sư phụ và Ngôn sư bá không cách biệt nhau là mấy, nhưng Ngôn sư bá chỉ dạy cho mình có ba kiếm chiêu đã hữu dụng hơn gấp mấy lần tất cả những kiếm chiêu mà mình luyện trước đó!”

“Còn Ngôn sư bá nữa, tại sao lão lại dạy cho mình ba kiếm chiêu ấy? Cứ trông vào tình thế ngày hôm nay cũng có thể thấy lão chẳng có ý tốt gì với mình. Phải rồi, lão làm vậy để khơi dậy lòng nghi ngờ của Vạn sư bá, để cho Vạn sư bá và sư phụ đấu đá nhau...”

“Vạn sư bá cũng vậy, bản lãnh của lão cao cường như vậy nhưng cứ nhìn bản lãnh của bon Vạn Khuê thì biết, lão cũng chỉ dạy chiếu lệ cho các đồ đệ mà thôi. Nhưng... nhưng sao cả con mình là Vạn Khuê lão cũng lừa gạt nốt? Phải rồi, Vạn Khuê cùng các sư huynh đệ khác ở chung trong một nhà, lão không thể chỉ dạy cho một mình Vạn Khuê mà không dạy cho những người khác”.

Trong khi đó thì bên dưới hố, xảy nghe Ngôn Đạt Bình quát lớn một tiếng, cổ tay chợt rung lên, thanh trường kiếm lập tức hóa thành bảy vòng tròn to nhỏ khác nhau, nhanh như chớp nhằm ngực Vạn Chấn Sơn kích tới. Vạn Chấn Sơn hừ lạnh một tiếng, hoành ngang kiếm, dùng thế ngang phá thế xoắn, gạt ngang mấy nhát hóa giải hết kiếm chiêu của Ngôn Đạt Bình.

Địch Vân nhìn thấy kiếm chiêu của Ngôn Đạt Bình thì thở dài nghĩ thầm:

“Bảy vòng tròn đó nhìn thì rất đẹp mắt nhưng lại thừa, điều cốt tử là phải đâm một kiếm vào ngực đối phương, tại sao không đâm thẳng một kiếm có phải vừa nhanh vừa hiểm không? Tại sao phải tốn nhiều công sức để rồi cuối cùng cũng chỉ là đâm vào ngực đối phương? Còn cách phá kiếm của Vạn sư bá, dùng bảy thế gạt ngang để hóa giải bảy vòng tròn công tới, làm như vậy thoạt trông thì rất hay, nhưng kỳ thực là quá ngu muội. Cần gì phải làm như vậy? Cứ đâm thẳng một kiếm nhằm bụng dưới Ngôn sư bá có phải là lập tức thủ thắng rồi không?”

Địch Vân chợt nhớ tới một cảnh chàng và sư muội luyện kiếm ngày trước: trong khi đấu tập, kiếm chiêu của sư muội biến hóa lanh lẹ, còn chàng thì không nhớ hết các chiêu thức mà sư phụ đã dạy, bị Thích Phương bức đến rối loạn chân tay, phải liên tiếp lùi lại. Trong khi đó Thích Phương được thể càng làm già, xuất thủ tấn công ráo riết, chàng thấy đầu óc choáng váng, biết là khó bề chống đỡ nổi, không còn đầu óc đâu để mà nghĩ ra các chiêu thức sư phụ đã dạy nữa. Qúa bức bách, chàng đánh liều đâm ngược lại một kiếm.

Thích Phương sử một chiêu “Hốt thính văn kinh phong, Liên sơn thạch bố triệu” để gạt đỡ, nhưng kết quả là không chống đỡ nổi một chiêu chẳng ra chiêu, thức không ra thức của chàng. Vì vận sức quá mạnh, chàng không kịp thu thế, mắt thấy đã đâm trúng ngực Thích Phương, may mà lúc ấy sư phụ chàng ở ngay cạnh đó. Sư phụ chàng vung chưởng đánh văng thanh kiếm gỗ trong tay chàng đi. Lần đó chàng bị mắng một trận nên thân, nói xuất chiêu nhất nhất phải tuân theo chiêu thức, không được đâm bừa chém bậy như vậy.

Lúc đó chàng cũng đã từng nghĩ, mình xuất thủ không theo đúng phép tắc nhưng tại sao lại có thể thắng được? Nhưng ý nghĩ đó vừa lóe lên đã bị chàng dập tắt ngay, bởi lúc đó chàng nghĩ chắc tại sư muội luyện kiếm chưa tới nơi tới chốn chứ nếu gặp một cao thủ thật sự thì chẳng những không thắng mà còn rước họa vào thân nữa. Lúc đó chàng làm sao tưởng tượng nổi nhát kiếm tự phát của chàng đâm ra trong lúc bối rối còn hữu dụng hơn nhiều so với những kiếm chiêu biến hóa ly kỳ của sư phụ dạy chàng?

Giờ ngồi nghĩ lại, tình hình đã hoàn toàn khác đi. Với võ công của chàng hiện tại, chỉ cần nhìn qua kiếm chiêu của Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình thì đã nhận ra thế thắng bại rõ như ban ngày. Kiếm chiêu của Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình có quá nhiều tư thế hoa mỹ vô dụng. Những kiếm chiêu mà Vạn Chấn Sơn dạy cho bọn Vạn Khuê, Thích Trường Phát dạy cho chàng và Thích Phương thì những thứ vô dụng ấy càng nhiều hơn nữa. Xem ra sư tổ Mai Niệm Sinh chắc đã sớm nhìn ra ba tên đồ đệ của mình tâm thuật bất chánh, chính vì vậy trong lúc truyền thụ kiếm pháp đã cố ý dẫn ba người đi vào dị lộ. Đến khi Vạn Chấn Sơn và Thích Trường Phát dạy kiếm pháp cho đồ đệ, hoặc vô tình hoặc cố ý, dẫn chúng rẽ vào dị lộ càng xa chính lộ của kiếm pháp.

Đến khi lâm địch, đồ đệ mình sử một kiếm chiêu vô dụng, đến lúc này vấn đề không đơn giản là kiếm chiêu vô dụng hay hữu dụng nữa mà là vấn đề tính mạng! Tại sao sư tổ rồi đến sư bá và sư phụ đều nhẫn tâm đến như vậy? Sư tổ có thể vì thấy ba tên đồ đệ tâm thuật bất chánh nên không muốn chân truyền tuyệt học, thế còn Vạn sư bá và sư phụ thì giải thích thế nào? Hai người đến con mình mà cũng đối xử như vậy? Không lẽ Vạn sư bá có thù với Vạn Khuê?

Sư phụ có thù với Thích Phương? Chắc không phải vậy. Việc này tất có liên quan đến một nguyên nhân cực kỳ trọng đại, nếu không thì cũng ẩn tàng bên trong một cơ mưu gì đó. Không lẽ những việc này có liên quan đến quyển Liên Thành kiếm phổ?

Cũng có lý lắm. Vạn sư bá và Ngôn sư bá đã vì nó mà vây giết sư phụ, đến giờ thì lại dốc hết sức để giết nhau!

Không sai, cuộc đấu ở bên dưới hố càng lúc càng khốc liệt, song phương ai cũng mong sao giết chết đối phương càng sớm càng hay. Kiếm pháp của Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình thật khó phân cao hạ, nhưng các đồ đệ của Vạn Chấn Sơn ở bên cạnh gây rối làm Ngôn Đạt Bình phân tâm, xem ra việc thắng bại cũng không khó nhận định.

Trong khi đó thì xảy thấy Tôn Quân vung kiếm đâm vào lưng Ngôn Đạt Bình. Ngôn Đạt Bình xoay người đón đỡ, đồng thời thuận đà chém xuống một nhát. Chỉ nghe Tôn Quân kêu ối lên một tiếng, trường kiếm rơi xuống đất, bàn tay phải máu me dầm dề, cũng không biết là chỉ bị thương nơi hổ khẩu hay có ngón tay nào bị chém rụng không. Phía trước mặt Vạn Chấn Sơn thừa lúc Ngôn Đạt Bình sơ ý, vung kiếm chém tới, rạch một đường dài nơi cánh tay phải Ngôn Đạt Bình, máu tươi túa ra.

Ngôn Đạt Bình bị thương đau quá, liền chuyển kiếm sang tay trái, nhưng tay trái dù sao cũng không thuận bằng tay phải. Kiếm chiêu đánh ra chậm chạp, lại không đủ lực, chỉ qua bảy tám chiêu lại trúng một kiếm nữa nơi vai.

Máu tươi chảy ra ướt đẫm cả chiếc trường bào hoa lệ của lão.

Đám lao công nhìn thấy gia chủ sắp mất mạng đến nơi thì quá kinh hãi, có người muốn bỏ chạy ra khỏi nhà nhưng hai chân đã không còn nghe sai khiến nữa!

Vạn Chấn Sơn đã quyết ý giết chết Ngôn Đạt Bình, trường kiếm trong tay ra chiêu càng lúc càng nhanh, càng nhanh càng hiểm. Soạt một tiếng, ngực Ngôn Đạt Bình lại trúng một kiếm nữa.

Ngôn Đạt Bình cũng nhận thức được rằng ngày hôm nay lão khó thoát khỏi sát kiếp, nhưng lão chỉ cắn chặt răng vung kiếm chống chọi được đến đâu hay đến đó, không hé răng nói nửa lời van xin. Lão cùng Vạn Chấn Sơn là sư huynh đệ cùng nhau luyện kiếm mười mấy năm, sau khi sư phụ chết rồi, sư huynh đệ khi ngấm ngầm lúc ra mặt đối đầu nhau mười mấy năm nữa, tính khí của đại sư huynh thế nào lão biết rất rõ, mở lời van xin cũng chỉ rước nhục vào thân chứ chẳng ích gì.

Địch Vân thấy tình thế này thì nghĩ thầm:

“Ngày trước lúc ở Kinh Châu, Ngôn sư bá đã từng dùng chén cơm giải cứu mình. Lão còn dạy cho mình ba kiếm chiêu, khiến mình có thể ngẩn cao đầu trước đám đồ đệ của Vạn môn. Tuy rằng lão làm những việc đó là vì mục đích riêng, nhưng nói gì thì nói đó cũng ân, mình không thể để lão chết dưới tay Vạn Chấn Sơn được”.

Địch Vân xúc sân một xẻng đất cầm nơi tay chờ đợi. Xảy thấy Vạn Chấn Sơn vung kiếm nhằm bụng Ngôn Đạt Bình đâm tới, trong khi đó Ngôn Đạt Bình thân hình lảo đảo đứng không vững nữa, chắc rằng không thể né khỏi kiếm này. Địch Vân nhằm người Vạn Chấn Sơn hất mạnh xẻng đất trong tay.

Đó chẳng qua chỉ là một xẻng đất ít ỏi nhưng lại hàm chứa một kình lực kinh nhân. Vạn Chấn Sơn không gượng được, bị hất một cái té ngửa ra phía sau.

Mọi người ngơ ngác thất thần, không ai biết đám đất từ hướng nào bay tới. Địch Vân không dám chậm trễ, hất tiếp mấy xẻng đất nữa dập tắt hết đèn đuốc trong nhà. Cả một gian đại sảnh bỗng tối đen như mực, mọi người đồng kêu lên kinh hãi. Địch Vân nhảy vọt tới, ôm ngang người Ngôn Đạt Bình, phóng tuốt ra ngoài.

vừa thoát ra khỏi nhà, Địch Vân liền đặt Ngôn Đạt Bình lên lưng, nhắm hướng núi chạy như bay.

Địa hình vùng này chàng rất thông thuộc nên cứ chọn lối tắt hoang vắng mà chạy. Ngôn Đạt Bình nằm trên lưng Địch Vân, hai tay ôm chặt cổ chàng, nghe tiếng gió vù vù bên tai chẳng khác nào đang đằng vân mà đi. Lão như người nằm mộng, thật không thể nào tưởng tượng nổi trên thế gian lại có người võ công cao cường đến như vậy.

Địch Vân cõng Ngôn Đạt Bình thoăn thoắt leo lên một đỉnh núi cao nhất trong vùng. Ngọn núi này không những cao mà dốc núi cũng dựng đứng, địa thế hiểm trở vô cùng, ngày trước chàng cũng chưa từng lên đây lần nào. Còn nhớ có một lần chàng và sư muội đi quanh quẩn dưới chân ngọn núi này, nhìn lên thấy mây trắng giăng giăng ngang lưng núi, hai người từng nói chơi với nhau không biết ở trên đó có thần tiên hay không.

Thích Phương nói:

- Có một ngày, nếu sư ca chọc giận muội, muội sẽ leo lên ở luôn trên đó, vĩnh viễn không trở xuống nữa.

Chàng cũng mỉm cười nói:

- Vậy càng hay! Ta cũng sẽ ở luôn trên đó, vĩnh viễn không xuống nữa!

Thích Phương lại nói:

- Nếu sư ca chịu lên đó ở với muội vĩnh viễn không xuống thì muội cũng chẳng cần phải lên đó làm gì.

Nghĩ đến đây chàng cảm thấy lòng quặng thắt, ta lúc nào cũng mong được cùng nàng sống vĩnh viễn bên nhau, nhưng chính nàng đã không chịu như vậy!

Tìm một tảng đá bằng phẳng, Địch Vân đặt Ngôn Đạt Bình xuống, hỏi:

- Ngươi có thuốc kim sang bên người không?

Ngôn Đạt Bình không trả lời câu hỏi của chàng, chỉ đứng dậy chắp tay xá dài hỏi:

- Xin hỏi cao danh quý tánh của ân công? Ngôn Đạt Bình ngày nay thọ ân tái tạo của ân công, không biết phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?

Địch Vân không dám nhận đại lễ của sư bá, vội đưa tay đỡ lấy tay lão không cho hành đại lễ. Chàng đỡ lão ngồi xuống, nói:

- Tiền bối đừng làm như vậy, không khéo vãn bối lại bị tổn thọ. Vãn bối vô danh tiểu tốt, nói ra tiền bối cũng chẳng biết là ai. Còn việc đêm nay chỉ là chút việc mọn, qua đường thấy việc bất bình mà ra tay, chẳng đáng để gọi là ân, cũng không cần báo đáp.

Ngôn Đạt Bình năm lần bảy lượt nằng nặc đòi thỉnh giáo danh tánh, Địch Vân đương nhiên không muốn để lão nhận ra mình, chàng cũng không biết bịa chuyện nói láo, đành cự tuyệt không cho biết.

Ngôn Đạt Bình thấy chàng kiên quyết không chịu xưng danh tánh đành thôi, đến giờ mới lấy thuốc kim sang ra rắc lên các vết thương. Nhìn thấy ba vết thương sâu hoắm thịt nứt cả ra thì rùng mình nghĩ thầm:

“Nếu người này đến trễ giây khắc nữa thì mình tiêu rồi!”

Địch Vân chờ cho Ngôn Đạt Bình băng bó vết thương xong, mới lên tiếng:

- Tại hạ trong lòng có mấy việc thắc mắc muốn thỉnh giáo tiền bối!

Ngôn Đạt Bình vội xua tay nói:

- Xin ân công chớ gọi tiểu nhân là tiền bối, còn như có việc gì muốn hỏi xin cứ nói, Ngôn Đạt Bình này biết tới đâu nhất định thưa rõ tới đó.

Địch Vân gật đầu nói:

- Vậy thì tốt! Tại hạ có lời đa tạ trước! Thứ nhất, gian nhà đó có phải tiền bối dựng nên không?

- Không sai!

- Tiền bối thuê người đào bới như vậy chắc là để tìm Liên Thành kiếm phổ.

Không biết đã tìm thấy chưa?

Ngôn Đạt Bình nghe hỏi tới Liên Thành kiếm phổ thì lạnh người nghĩ thầm:

“Ta tưởng ngươi có hảo tâm cứu người, té ra cũng chỉ vì Liên Thành kiếm phổ mà thôi”.

Nghĩ xong ngoài mặt lão vẫn làm ra vẻ cung kính đáp lời:

- Lão phu đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức nhưng đến giờ này vẫn chưa có chút manh mối nào. Xin ân công minh giám, Ngôn Đạt Bình này nếu đã tìm thấy xin nguyện dâng lên cho ân công, tính mạng này là do ân công cứu được, Ngôn Đạt Bình nào dám coi trọng thân ngoại chi vật?

Địch Vân xua tay nói:

- Ta không có ý muốn lấy quyển kiếm phổ ấy. Nói thật với tiền bối, võ công của tại hạ tuy rất tầm thường nhưng tại hạ tin rằng quyển kiếm phổ ấy chẳng giúp ích gì cho võ công của tại hạ.

Ngôn Đạt Bình gật đầu lia lịa nói:

- Dạ phải! Dạ phải! Võ công của ân công xuất thần nhập thánh, đã là thiên hạ đệ nhất nhân rồi cần chi những thứ võ công tầm thường ấy? Quyển kiếm phổ này chẳng qua là ghi lại kiếm pháp của bản môn, nó chỉ quan trọng đối với tiểu nhân và sư huynh mà thôi.

Địch Vân biết những lời của Ngôn Đạt Bình là không thật, nhưng chàng thấy cũng không cần thiết nói ra, chỉ hỏi tiếp:

- Chỗ căn nhà của tiền bối bây giờ, trước kia vốn là nhà của Thích sư đệ của tiền bối. Người này ngoại hiệu gọi là “Thiết Tỏa Hoành Giang”, không biết cái ngoại hiệu này có ý nghĩa thế nào?

Chàng từ nhỏ sống với sư phụ, thấy lão đúng là một người nhà quê thật thà trung hậu, ngày trước nghe Đinh Điển nói sư phụ chàng là người tâm cơ thâm trầm, chàng không dám không tin lời Đinh đại ca, chỉ sợ rằng Đinh đại ca nghe được những thông tin sai lạc, nên nhân dịp này hỏi lại cho rõ.

Ngôn Đạt Bình đáp:

- Thích sư đệ của tiểu nhân được thiên hạ đặt cho trước hiệu là “Thiết Tỏa Hoành Giang”, ý nói hắn mưu kế đa đoan, là một nhân vật cực kỳ khó đối phó, ví như một sợi xích sắt khóa ngang mặt sông, thuyền bè muốn đi lên cũng không đặng mà đi xuống cũng không xong.

Địch Vân cố giấu một tiếng thở dài nghĩ thầm:

“Đinh đại ca nói không sai, sư phụ quả là một con người như vậy. Ta đã bị đánh lừa, sư phụ trước nay chưa bao giờ để lộ con người thật của mình ra ngoài. Nhưng... Sư phụ trước nay vẫn đối xử với mình rất tốt, người gạt mình như vậy ắt phải có nỗi khổ tâm riêng”.

Chàng cố gắng bám víu vào một tia hy vọng mỏng manh. Trên đời này, chàng chỉ còn một người thân duy nhất là sư phụ, nếu mọi việc đều đúng như suy đoán thì khủng khiếp quá! Chàng lại nói:

- Những ngoại hiệu trên giang hồ chưa hẳn đã là sự thật, rất có thể đó là do cừu gia của Thích lão tiền bối gán cho lão. Tiền bối với tôn sư đệ là đồng môn sư huynh đệ, chắc là biết rõ tâm tính của người. Vậy theo tiền bối thì sự thật thế nào?

Ngôn Đạt Bình thở dài nói:

- Chẳng phải tiểu nhân muốn nói xấu đồng môn, nhưng ân công đã hỏi tiểu nhân nào dám giấu diếm. Thích sư đệ của tiểu nhân nhìn bề ngoài quê mùa trung hậu, nhưng bên trong thì tâm cơ thâm trầm thuộc hạng nhất nhì trong thiên hạ. Nếu không phải vậy thì quyển Liên Thành kiếm phổ này đã không lọt vào tay hắn.

Địch Vân gật gật đầu, trầm ngâm một lát rồi nói:

- Tiền bối làm sao có thể đoan chắc quyển kiếm phổ đã lọt vào tay của tôn sư đệ? Tiền bối có tận mắt nhìn thấy không?

Ngôn Đạt Bình lắc đầu đáp:

- Tiểu nhân tuy không tận mắt nhìn thấy quyển kiếm phổ bị Thích sư đệ lấy đi, nhưng sau nhiều năm, mất nhiều tâm huyết để điều tra, cuối cùng xác định được người đã lấy đi chính là hắn.

Địch Vân im lặng một lát rồi hỏi:

- Tại hạ nghe người ta nói, tiền bối thường hay giả làm khất cái, không biết việc này đúng hay sai?

Ngôn Đạt Bình nghe nói thì giật mình, người này quả nhiên lợi hại, đến việc này mà hắn cũng biết! Lão cung kính đáp:

- Ân công nhìn sự việc như thần như thánh, hành vi của tiểu nhân không qua được mắt ân công! Chẳng dám giấu ân công, tiểu nhân biết chắc quyển kiếm phổ không ở trong tay Vạn sư ca thì ở trong tay Thích sư đệ, nên đã giả dạng làm khất cái để âm thầm dò xét hành tung của hai người.

Địch Vân thở dài hỏi:

- Tại sao tiền bối lại biết chắc như vậy?

Ngôn Đạt Bình lén nhìn Địch Vân một cái rồi nói:

- Lúc gia sư lâm chung, đem quyển kiếm phổ gia cho ba sư huynh đệ tiểu nhân...

Địch Vân nhớ lại sự việc mà Đinh đại ca đã kể lúc trước, rõ ràng ba người bọn họ đã hành thích sư phụ để đoạt kiếm phổ, giờ lại còn ngụy biện. Chàng hừ lạnh ngắt lời Ngôn Đạt Bình:

- Hừ! Ngươi nói lệnh sư tự tay giao kiếm phổ cho ba ngươi sao? Người bị bệnh gì mà chết? Ta thấy tình hình lúc đó không giống như ngươi kể bây giờ!

Ngôn Đạt Bình đứng bật dậy như bị điện giật, tay run rẩy chỉ chàng nói:

- Ngươi... ngươi... ân công chính là... Đinh... Đinh đại gia...

Việc Đinh Điển an táng Mai Niệm Sinh về sau bị truyền ra ngoài, giang hồ không một ai không biết. Bởi vậy Địch Vân vừa mới tỏ ý vạch trần sự việc ba sư huynh đệ lão giết sư phụ để đoạt kiếm phổ thì lão đã nghĩ ngay chàng là Đinh Điển.

Địch Vân lạnh lùng nói:

- Ngươi đoán sai rồi, ta không phải là Đinh Điển. Đinh đại ca ghét ác như cừu, người tận mắt nhìn thấy ba sư huynh đệ các ngươi thí sư diệt tổ, nếu là Đinh đại ca thì người sẽ không giải cứu cho ngươi mà sẽ để ngươi chết dưới tay Vạn... Vạn Chấn Sơn rồi.

Ngôn Đạt Bình cố trấn tĩnh hỏi:

- Vậy ân công là ai?

Địch Vân khoát tay nói:

- Ngươi chẳng cần quan tâm đến việc ta là ai. Phàm việc gì đã sợ người ta biết thì cách tốt nhất là đừng làm. Sau khi vây giết sư phụ đoạt được kiếm phổ rồi, tình hình tiếp theo thế nào?

Ngôn Đạt Bình rung giọng nói:

- Việc gì ân công cũng biết, hà tất phải bắt tiểu nhân tự nói?

Địch Vân thở dài nói:

- Ta biết được một số việc, một số việc thì nắm không được rõ ràng.

Ngươi hãy theo tình thực mà kể, chớ có giấu diếm điều gì. Ngươi có thể giấu ta bây giờ, nhưng sớm muộn gì rồi ta cũng tra ra sự thật.

Ngôn Đạt Bình tuy sợ hãi, nhưng thấy đối phương không có vẻ gì muốn giết mình thì hơi yên tâm, đáp:

- Tiểu nhân không dám! Ba sư huynh đệ tiểu nhân sau khi đoạt được quyển sách mới hay trong sách chỉ có kiếm phổ mà không có kiếm quyết, sau đó mới tiếp tục truy tìm kiếm quyết...

Địch Vân hừ lạnh nghĩ thầm:

“Đinh đại ca nói Liên Thành kiếm quyết ấy có liên quan đến một bảo tàng bí mật, vậy ra các ngươi vì kho báu chứ không phải vì võ học! Nhưng nay Mai sư tổ, Đinh đại ca và Lăng tiểu thư đã chết, không còn ai biết kiếm quyết ấy nữa, các ngươi đừng hòng nằm mộng!”

Ngôn Đạt Bình đang kể, nghe Địch Vân hừ một tiếng thì thất kinh dừng lời, nhưng sau đó thấy chàng như chìm vào tâm tưởng thì khẽ hắng giọng, tiếp:

- Ba sư huynh đệ tiểu nhân chẳng ai tin ai nên mỗi đêm đều ngủ cùng một phòng, quyển kiếm phổ thì đặt trong một chiếc hộp sắt khóa lại. Chiếc chìa khóa bọn tiểu nhân đã ném xuống sông, trên chiếc hộp sắt có gắn ba sợi dây xích nhỏ, đêm đến hộp sắt được cất trong ngăn kéo bàn, ba sợi xích sắt thì ba người chia ra mỗi người một sợi nắm giữ. Chỉ cần một trong ba người có người động dậy thì hai người kia lập tức biết ngay.

Địch Vân thở dài nói:

- Ba ngươi phòng bị chu đáo quá!

Ngôn Đạt Bình lắc đầu nói:

- Vậy mà vẫn xảy ra sự cố!

- Thế nào?

Ngôn Đạt Bình im lặng một lúc rồi nói:

- Có một buổi sáng bỗng nghe Vạn sư ca kêu lên: “Kiếm phổ! Kiếm phổ đâu rồi?” Tiểu nhân giật mình chạy tới kéo hộc bàn ra thì ôi thôi, chiếc hộp sắt đã bật nắp, còn quyển kiếm phổ thì không cánh mà bay. Bọn tiểu nhân chia nhau đi tìm nhưng làm sao mà tìm nổi? Sự việc xảy ra quá ly kỳ, cửa nẻo vẫn đóng chặt, không có dấu cạy phá, vậy thì kiếm phổ không thể do người ngoài lấy được. Nếu không phải là Vạn sư ca thì là Thích sư đệ.

Địch Vân hỏi:

- Nếu quả đúng là như vậy thì tại sao kẻ hạ thủ không mở cửa sổ để hai người kia nghi là người ngoài vào đánh cắp?

Ngôn Đạt Bình lắc đầu nói:

- Ba sợi xích sắt đã được khóa chặt vào tay mỗi người, không thể đi xa ra tới bên cửa sổ, hơn nữa cũng không thể gây ra tiếng động, vì bọn tiểu nhân ngủ cùng một giường, chỉ động một chút là bị phát giác ngay.

Địch Vân gật gật đầu, hỏi:

- Thế sau đó thì sao?

- Kiếm phổ phải khó khăn lắm mới lấy được, bọn tiểu nhân đương nhiên là đổ cho nhau, cãi vã suốt nửa ngày, nhưng không ai trưng ra được bằng cớ gì để buộc cho người khác, cuối cùng đành phải ngậm đắng mà bỏ qua.

Địch Vân lại hỏi:

- Có một chuyện ta cảm thấy hơi khó hiểu, lệnh sư đã có trong tay quyển kiếm phổ ấy thì sớm muộn gì cũng truyền lại cho ba người, việc gì phải hành động đại nghịch vô đạo, giết sư phụ để đoạt lấy?

Ngôn Đạt Bình nghe tránh mắng thì giật thót người, lấm lét nói:

- Cũng bởi gia sư... quá hồ đồ, lúc nào cũng khăng cho rằng ba sư huynh đệ tiểu nhân bất tài vô dụng, lại còn nói bọn tiểu nhân tâm địa bất chánh. Thấy gia sư định đem Liên Thành kiếm phổ và kiếm quyết truyền cho người khác, bọn tiểu nhân bị bức bách, không nhịn được nữa mới... mới...

Địch Vân thở dài nói:

- Thì ra là vậy! Thế sau đó làm sao ngươi lại đoan chắc Thích sư đệ đã lấy kiếm phổ?

Ngôn Đạt Bình kể tiếp:

- Ban đầu tiểu nhân có ý nghi ngờ Vạn sư ca, bởi lão là người đầu tiên phát hiện ra sự việc, khó tránh khỏi bị hiềm nghi vừa ăn trộm vừa la làng. Tiểu nhân đã âm thầm theo dõi lão, nhưng không bao lâu sau thì biết là mình đã lầm. Bởi bản thân lão cũng đang ngấm ngầm theo dõi Thích sư đệ. Kiếm phổ một khi đã lọt vào tay Vạn sư ca thì lão chẳng đời nào lại còn đi theo dõi người khác, chắc chắn sẽ trốn biệt ở một chỗ nào đó để nghiên cứu một mình rồi. Nhưng mỗi khi tiểu nhân âm thầm tìm đến theo dõi thì thấy lão nghiến răng nghiến lợi, tỏ vẻ thống hận vô cùng. Thế là tiểu nhân quay sang theo dõi Thích Trường Phát.

- Thế ngươi có tìm thấy dấu hiệu khả nghi nào không?

Ngôn Đạt Bình lắc đầu:

- Tâm địa của Thích sư đệ thâm trầm, dễ gì để lộ hình tích? Tiểu nhân đã từng ngấm ngầm rình hắn dạy kiếm pháp cho con gái và đồ đệ. Hắn giả vờ ngu dại, đọc sai hết cả tên của chiêu thức, những tên này vốn xuất phát từ những câu Đường thi tao nhã, bị hắn đọc trại đi, mất hết cả ý nghĩa. Nhưng hắn càng giả vờ thì tiểu nhân càng thấy khả nghị Nhưng theo dõi suốt ba năm trời vẫn không tìm thấy được đầu mối gì. Những lúc hắn đi ra ngoài tiểu nhân từng lẻn vào nhà lục soát, thật kỳ lạ, trong nhà hắn cả một quyển sách cũng không có, đừng nói là kiếm phổ! Hì hì, ân công thấy vị sư đệ của tiểu nhân có ghê gớm không?

Địch Vân cố ý không nhận ra nụ cười cầu tài của Ngôn Đạt Bình, chỉ lạnh lùng hỏi:

- Còn sau đó?

Ngôn Đạt Bình hơi cụt hứng, nhưng liền đó tươi cười, vẻ cung kính nói:

- Sau đó thì Vạn Chấn Sơn bỗng nảy ra ý định làm lễ mừng thọ, bảo một tên đồ đệ đến mời Thích Trường Phát lên Kinh Châu thành ăn lễ thọ. Đương nhiên, lễ mừng thọ là giả, cái chính là muốn thăm dò Thích Trường Phát. Thích Trường Phát dắt con gái và một tên đồ đệ ngốc tử lên Kinh Châu. Trong buổi yến, gã đồ đệ của Thích Trường Phát cùng bọn đồ đệ của Vạn Chấn Sơn động thủ, hắn bất ngờ để lộ ba chiêu kiếm pháp khá tinh diệu. Thế là Vạn Chấn Sơn nghi ngờ, Vạn Chấn Sơn gọi Thích Trường Phát vào thư phòng để nói chuyện. Lời qua tiếng lại một lúc thì hai bên trở mặt, Thích Trường Phát đâm Vạn Chấn Sơn một dao rồi từ đó bặt tăm. Kỳ lạ! Kỳ lạ đến không thể hiểu nổi!

Địch Vân hỏi:

- Kỳ lạ thế nào?

- Thích Trường Phát bỗng dưng mất tăm không biết ẩn trốn ở nơi nào. Hắn đi Kinh Châu chẳng khi nào lại mang theo quyển kiếm phổ bên người, nhất định là giấu lại ở đâu đó. Tiểu nhân đoán định sau khi đâm Vạn Chấn Sơn bị thương, hắn nhất định trốn về đây lấy quyển kiếm phổ rồi cao chạy xa bay, thế nên việc vừa xảy ra, tiểu nhân lập tức lấy ngựa phi nhanh về đây đón đầu rình xem hắn cất giấu kiếm phổ ở đâu. Nhưng chờ mãi mà không thấy hắn trở về. Chờ tới mấy năm sau vẫn không thấy tăm dạng hắn đâu, nghĩ chắc là hắn vĩnh viễn không trở về nữa, nên quyết định đào bới chỗ này để tìm kiếm phổ. Nhưng tiểu nhân chỉ tốn công vô ích, nếu không có ân công ra tay cứu mạng thì họ Ngôn này đến mạng cũng chẳng còn. Vạn sư ca của tiểu nhân quả quả là hiểm độc.

Địch Vân lại hỏi:

- Theo ý của tiền bối thì Thích Trường Phát hiện giờ ở đâu?

Ngôn Đạt Bình lắc đầu:

- Việc này tiểu nhân thật không đoán nổi. Cũng có thể gặp cừu nhân giết đi, hoặc giả mang bệnh tật gì đó chết mất xác rồi cũng chưa biết chừng.

Địch Vân thấy lão nói đến sự bất hạnh của sư đệ mà tỏ vẻ vui mừng thì lòng cảm thấy bất mãn vô cùng, liền đứng dậy nói:

- Đa tạ các hạ đã nói cho biết những việc vừa rồi. Cáo từ!

Ngôn Đạt Bình vòng tay thi lễ, cung kính nói:

- Đại ân đại đức của ân công tiểu nhân nguyện suốt đời khắc cốt ghi tâm.

Địch Vân gượng cười nói:

- Chút việc mọn nào có đáng gì. Huống hồ ngày trước... À mà thôi. Ngươi cứ ở đây dưỡng thương, chỗ này rất hẻo lánh, sư đồ Vạn Chấn Sơn sẽ không tìm ra ngươi đâu.

Ngôn Đạt Bình cười nhẹ nói:

- Cha con hắn giờ này như kiến bò trong chảo nóng, chẳng còn hơi sức đâu mà đi tìm tiểu nhân.

Địch Vân vừa quay đi, nghe giọng nói Ngôn Đạt Bình ra chiều rất đắc ý thì lấy làm lạ, quay lại hỏi:

- Tại sao?

- Nọc độc của loài bò cạp này vô cùng lợi hại, ít ra cũng phải liên tiếp thoa thuốc mười lần mới khỏi hẳn. Nực cười cho cha con hắn tưởng thoa qua một lần là khỏi nên cả gan trở mặt với tiểu nhân. Không có thuốc giải, mạng quý tử hắn kể như đi đời!

Địch Vân nghe nói thì hơi giật mình, hỏi lại:

- Con bò cạp đó lợi hại đến như vậy sao?

Ngôn Đạt Bình ra vẻ đắc ý nói:

- Loại bò cạp này sinh trưởng ở Tây Vực, nọc độc của nó độc hại vô cùng. Bị đốt phải mà không có thuốc giải, toàn thân đau đớn, suốt ngày kêu rên, đếm đủ ba mươi ngày mới chết! Ha ha ha! Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!

Địch Vân nói:

- Phải một tháng mới chết thì đâu có gì phải lọ Hắn có thể đi mời lang y về giải độc mà.

Ngôn Đạt Bình lắc đầu nói:

- Ân công còn có chỗ chưa biết. Con bò cạp này do chính tay tiểu nhân nuôi lớn, thường ngày cho nó ăn rất nhiều loại giải dược nên độc chất trong người nó đã có tính kháng lại các loại giải dược thông thường. Cho dù lang y cao minh đến mấy, nếu không biết được tiểu nhân đã cho con bò cạp ăn những gì thì cũng đành bó tay, không giải độc nổi. Chỉ có một thứ giải dược độc môn của tiểu nhân mới có thể giải được mà thôi. Thế gian ngoài tiểu nhân ra không có người thứ hai biết được cách phối chế thứ giải dược ấy! Ha ha! Ha ha ha!

Địch Vân rùng mình nghĩ thầm:

“Người này tâm dạ còn độc hơn cả nọc độc của con bò cạp ấy gấp vạn lần. Ngày sau gặp lại lão chưa biết chừng sẽ bị bò cạp của lão chích phải, chi bằng phòng ngừa trước vẫn hơn. Đinh đại ca từng nói, hành tẩu trên giang hồ không nên để tâm hại người nhưng phải để tâm phòng người”.

Nghĩ xong liền nói:

- Bình giải dược của ngươi xem ra còn rất nhiều, ngươi đưa đây cho ta!

Ngôn Đạt Bình dạ dạ luôn miệng, nhưng không lập tức đưa ra, còn hỏi:

- Ân công cần thứ giải dược này, không biết để dùng vào việc gì?

Địch Vân mỉm cười nói:

- Nọc độc của loài bò cạp này quá ư lợi hại. Ngày sau biết đâu ta bất cẩn bị nó chích phải, có bình giải dược bên người yên tâm hơn.

Ngôn Đạt Bình nở một nụ cười gượng gạo, nói:

- Ân công đã có ân cải tử hoàn sinh, tiểu nhân làm sao dám gia hại ân công. Ân công quá đa nghi rồi!

Địch Vân mỉm cười đưa tay ra, nói:

- Cứ để nó bên người, không dùng đến cũng chẳng hại gì.

Ngôn Đạt Bình dạ dạ mấy tiếng rồi lấy bình giải dược đưa ra.

Địch Vân xuống núi, quay trở lại chỗ cũ, thấy bốn bề vắng ngắt, thầy trò Vạn Chấn Sơn chắc đã bỏ đi, đám lao công ai về nhà nấy, cả tên quản gia và tên đầu công cũng mất dạng. Địch Vân đứng lặng một lúc rồi nghĩ thầm:

“Sư phụ đã chết, sư muội giờ cũng đã là thê tử của người ta. Nơi đây chẳng còn gì để mà lưu luyến nữa”.

Đi ra khỏi gian nhà, chàng men theo dòng suối đi về hướng Tây Bắc. Đi được hơn chục trượng, quay đầu nhìn lại, thấy đằng Đông đã hiện sắc hồng, những tia nắng đầu tiên rọi lên tàng dương liễu và cây hòe già trước sân, rọi xuống mặt suối làm cho làn nước như bỗng trổ ra vô vàn vảy vàng óng ánh.

Cảnh tượng này vốn đã quen thuộc với chàng từ thưở nhỏ. Bất giác chàng lẩm bẩm:

- Từ nay ta sẽ không bao giờ trở về đây nữa!

Chàng xốc lại chiếc bọc trên lưng, nghĩ thầm:

“Giờ việc tiếp theo phải làm là mang di cốt của Đinh đại ca hợp táng cùng Lăng tiểu thư, chắc là phải đi Kinh Châu một chuyến rồi. Tên tiểu tử Vạn Khuê hại cho mình không ngóc đầu lên được. Hừ, may mà ác nhân lại bị ác nhân hại, mình chẳng cần phải tự tay báo cừu. Ngôn Đạt Bình nói hắn phải nằm rên đúng một tháng mới chết, không biết việc này đúng sai thể nào. Nếu không may hắn tìm được lang y giải được độc, lại phải mất công mình động thủ lấy cái mạng chó của hắn”.

Từ sau khi nhìn thấy Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình đấu kiếm Địch Vân mới bắt đầu tin tưởng vào võ công của mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx