sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 12: Đại Bản Tàng

Địch Vân vượt tường vào trong Vạn phủ, đi đến thư phòng. Lúc này trời đã bình minh, trong cảnh tranh tối tranh sáng của gian phòng, chỉ thấy một người nằm dưới đất, hình như là Thích Phương! Ðịch Vân thất kinh vội đánh lửa châm đèn lên. Thích Phương nằm đó, toàn thân dính đầy máu, trên ngực hãy còn cắm một lưỡi dao truy thủ.

Cạnh nàng bề bộn gạch cát, nhìn lại bức tường thì thấy chỗ Ðịch Vân xây lại lúc nãy đã bị moi trở ra. Cha con Vạn gia đã biến mất tự bao giờ.

Ðịch Vân quỳ xuống bên cạnh Thích Phương, khóc lớn kêu lên:

- Sư muội! Sư muội!

Chàng sợ đến nỗi toàn thân run bắn, run run đưa tay lên mũi Thích Phương, thấy hơi thở vẫn còn âm ấm thì mới bình tĩnh được phần nào, lại kêu lên:

- Sư muội!

Thích Phương từ từ mở mắt ra, miệng nở một nụ cười khô héo nói:

- Sư ca... Muội đã phụ lòng sư ca...

Ðịch Vân vội nói:

- Ðừng nói... để ta... cứu muội...

Một tay chàng đỡ đầu Thích Phương dậy, tay kia cầm lấy cán dao định rút ra. Nhưng khi nhìn lại thấy lưỡi dao đã đâm ngập tận cán, chỉ cần rút ra là mạng Thích Phương cũng theo đó mà đi luôn. Chàng không dám liều, nhưng cũng không biết phải làm sao, kêu lên:

- Phải làm sao bây giờ? Phải làm sao? Ai? Kẻ nào đã hại muội?

Thích Phương gượng cười nói:

- Sư ca, người ta nói, nhất dạ phu thê... Thôi, đừng nhắc tới nữa. Sư ca, xin đừng trách muội. Muội quá yếu lòng, không nhẫn tâm nhìn thấy người ấy phải chết... Muội trở lại để cứu hắn...

Ðịch Vân nghiến răng hét lên:

- Rồi hắn trở mặt đâm muội một dao phải không?

Thích Phương gật đầu.

Ðịch Vân nhìn Thích Phương, lòng đau như cắt, Vạn Khuê ra tay thật tàn ác, dao đâm trúng chỗ nhược, lại sâu đến tận cán, sợ rằng không còn cách gì cứu được nữa. Lòng ghen tức như con rắn độc đang gặm nhấm tâm khảm chàng:

- Sư muội, đến nước này mà nàng vẫn không chịu quên hắn. Nàng dù có chết cũng nhất định cứu hắn.

Thích Phương cất giọng đứt quãng, nói:

- Sư ca! Hãy hứa với muội... Sư ca sẽ chăm sóc cho Không Tâm Thái... giống như... giống như con của sư ca vậy...

Ðịch Vân gật đầu, nghiến răng nói:

- Tên tặc tử ấy... trốn ở đâu?

Chỉ thấy thần quang trong mắt Thích Phương tán loạn, giọng nghe mơ mơ hồ hồ, nói:

- Sư ca! Có đôi bướm bay vào động kìa... Lương Sơn Bá - Chúc Anh Ðài... Con trống là sư ca, còn con mái chính là muội... Chúng ta cùng bay bên nhau... vĩnh viễn không rời nhau... Sư ca... sư ca thấy như vậy có hay không...

Tiếng nói của nàng càng lúc càng nhỏ, hơi thở cũng mỗi lúc một yếu dần...

Ðịch Vân một tay ôm Không Tâm Thái, một tay ôm thi thể Thích Phương nhảy ra khỏi Vạn phủ. Ban đầu chàng định phóng hỏa thiêu rụi cả tòa phủ đệ, nhưng sau nghĩ lại, nếu đốt đi rồi cha con Vạn Chấn Sơn sẽ không quay lại nữa, muốn báo cừu cho sư muội thì phải lưu nó lại, chờ cha con lão quay về sẽ ra tay.

Ðịch Vân đi đến tòa phế viện, nơi Ðinh Ðiển trút hơi thở cuối cùng. Chàng đào một chiếc hố, an táng Thích Phương, con dao truy thủ chàng giữ lại bên mình. Chàng sẽ dùng nó để kết liễu tính mạng hai cha con Vạn Chấn Sơn.

Ðịch Vân thương tâm đến nỗi không thể khóc thành tiếng, chỉ tự giày vò mình với ý nghĩ:

“Tại sao mình không đánh chết hai tên ác tặc ấy trước rồi mới ném vào trong động? Tại sao mình lại sơ suất đến như vậy? Chính mình, chính mình đã hại chết sư muội!”

Không Tâm Thái cũng khóc suốt, vừa khóc nó vừa kêu mẹ ơi mẹ hỡi khiến Ðịch Vân càng thêm rối trí. Thế là khi đến bên ngoài thành Giang Lăng, chàng tìm một nông gia, đưa cho họ hai mươi lạng bạc nhờ trông nom hộ Không Tâm Thái một thời gian.

Trở về Vạn phủ, chàng ngày đêm canh giữ bên ngoài suốt nửa tháng ròng, nhưng chẳng thấy bóng dáng cha con Vạn Chấn Sơn đâu cả. Quái lạ là cả bọn Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Thản, Phùng Thản và Thẩm Thành cũng mất dạng, không thấy trở về Vạn phủ nữa. Nô bộc trong Vạn phủ không có người cai quản, ngày ngày gây gổ đánh nhau, có tên còn lấy cắp đồ đạc ra ngoài bán để đánh bạc.

Mấy hôm nay Giang Lăng thành bỗng xảy ra sự lạ. Các nhân vật giang hồ từ bốn phương tám hướng bỗng tụ tập về đây. Vào một tối, Ðịch Vân vô tình nghe mấy nhân vật giang hồ tán gẫu trong tửu quán. Một người nói:

- Liên Thành kiếm quyết không ngờ lại nằm trong một quyển “Ðường Thi tuyển tập”. Bốn chữ đầu tiên là “Giang Lăng thành Nam”.

Một người khác gật đầu nói:

- Không sai! Mấy hôm rày anh hùng thiên hạ nghe đồn nên kéo tới đây không ít. Có điều không biết đàng sau bốn chữ “Giang Lăng thành Nam” còn những chữ nào nữa?

- Cần biết những chữ sau đó làm quái gì cho mệt xác. Chúng ta cứ việc đến thành Nam chờ, hễ thấy ai đào được bảo tàng là lập tức ra tay đánh cướp!

- Nói có lý! Cho rằng mình không đủ sức để đánh cướp đi, ít ra cũng có dự vào một phần. Người ta nói, kiến giả hữu phần, mình đã nhìn thấy thì có quyền chia phần chứ!

Một người vỗ đùi cười lớn nói:

- Các tiệm sách trong Giang Lăng thành mấy hôm nay làm ăn cũng phất lên nhờ bán quyển Ðường Thi tuyển tập. Hôm qua ta vừa bước vào một tiệm sách, chưa kịp mở miệng hỏi thì tên phổ ky đã nhanh nhảu hỏi: “Ðại gia muốn mua quyển Ðường Thi tuyển tập phải không? Bổn tiệm vừa đi Hán Khẩu lấy về đó, đại gia cần mua thì nhanh tay lên, kẻo lại tìm không ra đấy!” Ta lấy làm lạ hỏi: “Ngươi làm sao biết ta muốn mua quyển Ðường Thi tuyển tập?” Các ngươi đoán thử xem hắn nói thế nào?

- Không biết! Hắn trả lời thế nào?

- Ha ha ha! Hắn nói: “Chẳng giấu gì đại gia, mấy hôm rày hễ người nào mang đao mang kiếm đi vào tiệm sách thì mười người có tới mười một người hỏi mua quyển sách ấy. Năm lạng bạc một quyển, xin mời đại gia!”

- Mẹ nó! Làm gì mà bán mắc dữ vậy?

- Ủa ngươi biết giá sách hả? Ngươi cũng mua sách sao?

Gã đại hán râu ria xồm xoàm nọ cười lớn nói:

- Lão tử cả đời chưa bao giờ bước chân vào tiệm sách. Từ thuở lọt lòng mẹ đến giờ cũng chưa biết đọc sách nó thế nào, chỉ biết giết người và đánh bạc thôi.

Ðịch Vân nghe mấy gã hán tử bàn tán thì nghĩ thầm:

“Xem ra bí mật của Liên Thành quyết đã bị truyền ra ngoài rồi. Ai đem tin này truyền ra giang hồ? À phải rồi, lời của cha con Vạn Chấn Sơn bị bọn Bốc Thản nghe được, Vạn Chấn Sơn đi truy lùng bọn đệ tử giết người diệt khẩu. Bọn chúng tung tin này ra giang hồ, bí mật đã bại lộ, giết người diệt khẩu cũng chẳng ích gì nữa, khiến Vạn Chấn Sơn cũng không thèm truy sát chúng nữa”.

Chàng lại nhớ đến việc ngày trước ở trong ngục, bọn giang hồ hào khách tới, tất cả đều bị Ðinh Ðiển giết chết không còn ai sống mà ra khỏi ngục.

Chàng sực nhớ ra còn chưa hoàn thành tâm nguyện cho Ðinh Ðiển. Việc này quan trọng hơn chuyện báo cừu, làm xong chuyện cho Ðinh đại ca rồi quay lại báo cừu không muộn.

Ðịch Vân vào Giang Lăng thành, tìm đến các trại hàng, các hàng chạm đá hỏi thăm, cuối cùng cũng hỏi ra mộ Lăng tiểu thư nằm trên một ngọn đồi cách cửa Đông thành Giang Lăng mười hai dặm.

Ðịch Vân mua vài dụng cụ cần thiết, ra khỏi cửa Đông thành, đi một đỗi thì tìm thấy phần mộ. Mộ bia đề bảy chữ: “Ái nữ Lăng Sương Hoa chi mộ”, quanh mộ không có lấy một cành hoa nào. Lăng tiểu thư lúc sinh tiền yêu hoa là vậy, đến khi chết đi Lăng Tri phủ chẳng thèm trồng cho nàng một khóm hoa. Mộ cũng bỏ hoang phế, chẳng người chăm sóc.

Ðịch Vân cười lạnh nghĩ thầm:

“Ái nữ! Hừ! Có thật ngươi coi nàng là ái nữ sao? Ái nữ mà sau khi nàng chết ngươi lại đối đãi với nàng như vậy sao?”

Ðứng trước mộ phần của Lăng Sương Hoa, nhớ tới Ðinh Ðiển và Thích Phương, bất giác hai dòng lệ tuôn trào. Lệ tuôn ướt cả ngực áo chàng, trên ngôi mộ Lăng Sương Hoa cũng được tưới đẫm lệ chàng.

Nơi đây hoang vắng chẳng có nhà cửa chi cả, lại ở cách đường cái khá xa, không thấy có người đi lại. Nhưng giữa thanh thiên bạch nhật đào bới mộ người khác cũng bất tiện, lỡ bị người ngoài nhìn thấy, không tránh khỏi phiền phức.

Ðịch Vân tìm một nơi vắng vẻ ngồi nghỉ ngơi, chờ trời tối hẳn mới bắt đầu động thủ dỡ mộ. Ðào hết lớp đất bên trên thì gặp một tảng đá lớn, khui tảng đá ra thì nắp áo quan lộ ra.

Mấy năm qua Ðịch Vân đã trải qua biết bao gian nan khốn khó, từ lâu chàng đã không còn là một người yếu lòng mau nước mắt nữa. Nhưng khi nhìn thấy nắp áo quan, nhớ lại Ðinh Ðiển cũng chính vì ôm nắp áo quan này mà phải trúng độc bỏ mạng. Càng nghĩ càng đau, không ngăn được, hai hàng lệ lại tuôn rơi.

Lăng Thoái Tư đã từng dùng phấn độc của Kim Ba Tuần Hoa thoa lên nắp áo quan, đã lâu, lại nằm ở dưới đất lâu ngày, chắc là chất độc đã không còn.

Thế nhưng Ðịch Vân không dám khinh suất, rút Huyết Ðao ra, lách vào giữa lần nắp áo quan và phần thân bên dưới quét một vòng. Huyết Ðao vốn là món binh khí chí bảo chém sắt như chém bùn, lưỡi đao đi tới đâu ngàm mộng đứt tiện tới đó, ngầm vận công lực hất khẽ một cái, nắp áo quan bật văng lên.

Nắp áo quan vừa bay lên, Ðịch Vân nhìn thấy rõ ràng hai tay Lăng Sương Hoa giơ lên trời, nhưng chỉ một thoáng sau thì rơi xuống. Giống như tử thi còn biết cử động vậy!

Ðịch Vân kinh hãi nghĩ thầm:

“Lăng tiểu thư sau khi nhập quan, tại sao hai tay còn giơ lên trời?”

Chỉ thấy trong áo quan chẳng có các đồ tẫn liệm mang theo, Lăng Sương Hoa chỉ mặc một bộ đồ giống như lúc còn sống vậy! Ðịch Vân ngầm khấn khứa:

“Ðinh đại ca, Lăng tiểu thư! Nhị vị sinh thời chẳng được đồng tịch đồng sàng, nhưng sau khi chết đã được đồng quan đồng quách. Nhị vị có linh thiêng chắc được ngậm cười nơi chín suối”.

Khấn xong cởi bọc cốt Ðinh Ðiển trên lưng xuống, đổ hài cốt Ðinh Ðiển lên thi thể Lăng Sương Hoa. Chàng lại quỳ xuống cung cung kính kính lạy bốn lạy, sau đó đứng dậy lấy bọc quấn quanh tay, dùng nó khiêng nắp áo quan định đậy áo quan lại.

Dưới ánh trăng sao mờ nhạt, Ðịch Vân bỗng phát hiện nơi vách áo quan như có chữ viết. Ðịnh thần nhìn lại thì quả nhiên là chữ viết:

“Ðinh lang! Hẹn chàng kiếp lai sinh sẽ làm phu thê!”

Ðịch Vân rùng mình, té ngồi phịch xuống đất, nhìn nét chữ xiêu vẹo được viết bằng đầu móng tay, chàng bỗng hiểu ra:

“Vậy ra Lăng Thoái Tư đã chôn sống con gái! Sau khi bị bỏ vào quan tài nàng vẫn chưa chết! Mấy chữ này là nàng viết sau khi bị bỏ vào quan tài. Thảo nào mà lúc bật nắp quan tài, hai tay nàng còn giơ lên trời. Thật không ngờ trong thiên hạ lại có người cha tàn ác đến như vậy! Ðinh đại ca nhất định không chịu khuất phục, Lăng tiểu thư thì một lòng hướng về Ðinh đại ca. Lão càng nhìn càng ngứa mắt, cuối cùng không nhịn được mới hạ độc thủ. Lão hay tin Ðinh đại ca vượt ngục, biết Ðinh đại ca thế nào cũng đến, lão mới dùng phấn độc Kim Ba Tuần Hoa thoa lên nắp áo quan! Lòng lão còn độc hơn cả độc của Kim Ba Tuần Hoa gấp trăm ngàn lần!”

Chàng đến gần hơn để xem cho kỹ hàng chữ, bỗng phát hiện ra bên dưới còn ba hàng chữ nữa. Ba hàng chữ này chỉ toàn là những con số! Ðịch Vân giật mình kêu thầm:

“Phải rồi! Lăng tiểu thư trước khi chết vẫn còn nhớ đến lời đã hứa với Ðinh đại ca. Người nào chịu giúp hai người hợp táng, người đó sẽ nhận được bí mật Liên Thành quyết. Ðinh đại ca trước lúc chết cũng đã đem điều bí mật ấy nói với mình, nhưng chưa kịp nói hết thì bị độc phát tác mà chết. Quyển Liên Thành kiếm phổ đã bị cha con Vạn Chấn Sơn xé nát, những tưởng bí mật này vĩnh viễn bị chôn vùi, nào ngờ lại được Lăng tiểu thư ghi ra ở đây”.

Chàng thầm khấn:

“Lăng tiểu thư, tiểu thư thật là người biết thủ tín, đa tạ hảo tâm của tiểu thư. Chỉ tiếc rằng Ðịch Vân này giờ đã hoàn toàn thất chí, chỉ hận mình không thể tự đào huyệt tự vận chết theo để sớm hôm bậu bạn bên tiểu thư và Ðinh đại ca. Tất cả cũng chỉ vì hận cừu chưa báo xong, tại hạ còn mang nặng gánh hận cừu, phải giết chết cha con Vạn Chấn Sơn và lão gian ác Lăng Thoái Tư. Ðại bảo tàng này đối với tại hạ chẳng khác nào đất cát”.

Khấn xong cầm lấy nắp quan tài định đây lại. Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu:

“Phải rồi! Cha con Vạn Chấn Sơn giờ này chẳng biết trốn rúc ở chốn nào, sợ rằng cả đời ta cũng chẳng tìm ra chúng. Nếu có bí mật Liên Thành quyết bày ra trước mắt, thể nào rồi cha con lão cũng mon men đến xem! Không sai! Bí mật Liên Thành quyết sẽ là món mồi thơm ngon nhất để dụ cha con lão lộ diện”.

Nghĩ xong chàng bỏ nắp áo quan xuống, cầm lấy Huyết Ðao cẩn thận khắc từng con số vào lưỡi cuốc. Khắc xong còn cẩn thận kiểm tra lại một lần nữa rồi mới bắt tay vào dậy nắp áo quan, lấp đất lại.

Ðịch Vân xoa hai tay vào nhau, nghĩ thầm:

“Vậy là tâm nguyện lớn nhất của hai người đã hoàn thành. Chờ khi báo xong đại cừu, mình sẽ quay về đây trồng một vườn cúc hoa quanh mộ hai người. Sinh tiền Lăng tiểu thư và Ðinh đại ca rất yêu hoa cúc, giá mà có được loại lục cúc “Xuân Thủy Bích Ba” thì càng hay”.

Sáng sớm hôm sau, trên bức tường ngay cạnh cổng Nam của Giang Lăng thành bỗng xuất hiện ba hàng chữ viết bằng vôi. Ba hàng chữ này toàn là những con số. Lạ một điều là ba hàng chữ đều cách mặt đất có đến hơn hai trượng, trong Giang Lăng thành e rằng không kiếm nổi chiếc thang nào cao đến độ đó để có thể trèo lên mà viết, chắc là có người đã dùng dây thừng cột trên đầu tường thành rồi đeo người tòng teng giữa lưng chừng mà viết.

Cách mấy hàng chữ chừng hơn chục trượng, Ðịch Vân trong vai một gã khất cái, cởi chiếc áo khoác ngoài rách nát ra, ngồi dựa tường bắt rận trong nắng sớm.

Cổng Nam Giang Lăng thành người ra vào rất đông, chỉ vài canh giờ thì khắp Giang Lăng thành, bất kể là trong nhà ngoài ngõ, trà lâu tửu quán, đâu đâu người ta cũng bàn tán về chuyện kỳ lạ này. Một đồn mười, mười đồn trăm, có không biết bao nhiêu người hiếu kỳ bỏ cả công ăn chuyện làm chạy ra thành Nam xem để tận mắt chứng kiến việc lạ ngàn năm một thuở này. Chỉ có điều mấy con số kia ngoại trừ được viết ở một vị trí vô cùng đặc biệt ra, chữ viết cũng chẳng lấy gì làm đẹp, mấy con số càng chẳng mang chút ý nghĩa nào. Người thường hiếu kỳ ra xem một chốc, đoán già đoán non mấy câu rồi bỏ đi. Chỉ có mấy giang hồ hào khách sau khi xem xong thì tất cả đều lưu lại.

Những giang hồ hào khách này, đa phần đều có trong tay quyển Ðường Thi tuyển tập. Mạnh ai nấy lấy ra, dò dò lật lật, rồi lại lật lật dò dò, mặt mày ai nấy đều tỏ vẻ cực kỳ nghiêm trọng.

Ðịch Vân nhìn thấy Tôn Quân tới, Thẩm Thành tới, lát sau cả Lỗ Khôn cũng tới. Bọn chúng trong tay cũng có quyển Ðường Thi tuyển tập, tuy chúng đã lén nghe sư phụ cùng Vạn Khuê nói ra bí mật của quyển Liên Thành kiếm phổ. Nhưng giờ đây quyển Ðường Thi tuyển tập trong tay, Liên Thành kiếm quyết cũng viết ràng ràng trên tường, khổ nỗi chúng lại không biết thứ tự của kiếm chiêu, chẳng thể biết được con số nào là ứng với bài thơ nào.

Trên thế gian này chỉ có ba người biết, đó là Vạn Chấn Sơn, Ngôn Ðạt Bình và Thích Trường Phát.

Bọn Lỗ Khôn đứng nhìn một lát rồi chụm đầu thì thầm bàn tán, Ðịch Vân ngồi ở đàng xa, không nghe được chúng bàn tán những gì. Chỉ thấy chúng chia tay nhau đi trở vào trong thành, lát sau cả bọn lần lượt trở ra, có điều tất cả đều đã hóa trang. Người thì hóa trang thành người bán rau, người thì là kẻ bán hoa quả, lại có người hóa trang thành nông dân vác cuốc trên vai. Cả bọn chia ra mỗi người đứng một nơi, đưa mắt quan sát người qua kẻ lại.

Ðịch Vân cũng đoán biết được tâm ý của chúng. Chúng đang chờ Vạn Chấn Sơn tới. Chúng đã không mò ra được bí mật của Liên Thành quyết, chỉ còn cách chờ Vạn Chấn Sơn tới rồi bí mật theo chân lão, tất sẽ tìm đến được bảo tàng. Chừng đó dù không cướp được thì cũng có hy vọng kiếm chác chút đỉnh. Thực tế thì bọn chúng rất sợ phải gặp lại Vạn Chấn Sơn, nhưng châu báu đã làm mờ tâm trí chúng, chỉ cần được phát tài thì có sá gì hiểm nguy.

Bốn con số đầu tiên trong Liên Thành kiếm phổ là “bốn, năm mươi mốt, ba mươi ba và hai mươi tám”. Bốn con số này ứng với bốn chữ “Giang Lăng thành Nam”, cho dù là kẻ ngu xuẩn nhất cũng đoán biết được rằng những con số còn lại sẽ ứng với những chữ chỉ ra chỗ chôn giấu bảo tàng.

Dưới chân tường thành, cạnh cửa thành Nam càng lúc càng có nhiều người tới ngồi, có kẻ thì hóa trang, nhưng cũng có kẻ chẳng chút che giấu, cứ nguyên hình nguyên dạng mà chường mặt ra. Ðịch Vân ngầm đếm, có tất cả bảy mươi tám người. Lát sau lại thấy Bốc Thản và Phùng Thản tới, hai sư huynh đệ hắn chẳng biết vì việc gì mà tranh cãi với nhau đến đỏ mặt tía tai, chỉ thiếu điều xông vào nhau đánh vật nữa mà thôi. Nhưng cũng chỉ được một lát, hai người cũng yên tĩnh trở lại, ngồi xuống cạnh con hào bao quanh bờ tường.

Chờ đến quá trưa, không thấy Vạn Chấn Sơn đâu cả. Chờ đến xế chiều, cũng chẳng thấy bóng dáng Vạn Chấn Sơn. Quần hào chờ sốt ruột, có người bắt đầu lớn tiếng mắng nhiếc. Tổ tông Vạn gia đột nhiên được rất nhiều người nhắc tới, đặt biệt là mẹ của Vạn Chấn Sơn!

Trời đã sắp tối tới nơi, xảy thấy có một gã toan tú tài, bộ dạng như một ông giáo làng, một tay cầm bút, một tay cầm giấy khệnh khạng đi ra, nghiêng Đông ngó Tây một hồi rồi cắm cúi ghi lại mấy hàng chữ lên giấy. Một gã đại hán không biết từ đâu nhảy ra, thộp cổ gã toan tú tài, quát:

- Mẹ nó! Ngươi ghi chép mấy chữ này làm gì?

Gã toan tú tài làm mặt tỉnh, nói:

- Tại hạ có việc dùng thì ghi, hà cớ gì nhà ngươi lại gạn hỏi?

Gã đại hán phùng mang trợn má, quát:

- Không nói hử? Không nói thì đánh!

Vừa nói gã vừa dứ dứ nắm đấm to bằng quả bưởi trước mũi toan tú tài.

Toan tú tài sợ cuống quít, nói:

- Có... có người nhờ tại hạ ghi lại...

Gã đại hán lại quát:

- Người đó tên gì?

Toan tú tài sợ quá, nói:

- Là... là...

Gã đại hán quát:

- Nói! Là ai?

- Chẳng dám giấu tráng sĩ, người đó chính là Vạn lão gia trong thành. Các người... không đắc tội với lão được đâu.

Ba tiếng “Vạn lão gia” vừa thốt ra, đám đông ồ lên một tiếng mừng rỡ.

Ðịch Vân cũng mừng không kém, chỉ khác là trong cái mừng còn lẫn lộn cả cừu hận.

Gã toan tú tài bước thấp bước cao, bước đi xiêu vẹo dẫn đầu đi về hướng Đông, một hàng dài cả trăm người ồn ào náo nhiệt đi phía sau. Vạn Chấn Sơn đã không đến thì phải đi tìm Vạn Chấn Sơn vậy. Chỉ có một mình Vạn Chấn Sơn mới có khả năng tìm ra chỗ chôn giấu bảo tàng. Việc này giờ đã không còn là bí mật của riêng ai nữa, quần hào thế đông lực mạnh, ắt sẽ bức được Vạn Chấn Sơn dắt mọi người đến nơi chôn giấu bảo tàng. Quần hào không tiếc lời ca ngợi gã đại hán có công phát hiện ra hành tung đáng ngờ của gã toan tú tài. Lại còn tự trách mình sao một việc đơn giản vậy mà không nghĩ ra. Nếu không có lão huynh đây phát hiện thì có chờ ba ngày ba đêm Vạn Chấn Sơn cũng không đến...

Gã đại hán tỏ ra vô cùng đắc ý, nói:

- Nhìn thấy thái độ khả nghi của gã toan tú tài này, ta đoán ngay là gã không phải là người tốt!

Gã làm như gã toan tú tài kia không phải là người tốt còn gã là người tốt vậy.

Ðịch Vân đi lẫn trong đám đông, chàng cảm thấy có cái gì đó bất ổn. Vạn Chấn Sơn là tay đại gian hoạt, chẳng khi nào lại hành động một cách khinh suất như vậy. Việc này bên trong tất còn ẩn tình gì đây.

Ðoàn người đã rời thành Nam được hơn dặm đường, Ðịch Vân ngoái đầu nhìn lại phía thành Nam, chỉ thấy một bóng người chạy như bay về hướng Tây, hướng ngược lại!

Ðịch Vân nghĩ thầm:

“Gã toan tú tài này có cả một đám đông như vậy đi theo, gã chẳng chạy đi đường nào mà sợ. Ðám đông nếu tìm thấy Vạn Chấn Sơn thì quyết chẳng để cho lão chạy thoát. Cả một rừng người như vậy lo gì mà tìm không thấy? Vậy thì mình hà tất phải đi theo chúng?”

Nghĩ xong chàng lách người sang một bên, chờ cho đám đông đi qua, lập tức thi triển khinh công chạy ngược trở lại. Chàng cứ theo bóng người chạy phía trước mà đuổi theo, chẳng bao lâu sau đã đuổi kịp đối phương. Khinh công của người này cũng thuộc loại khá, nhưng so với Ðịch Vân thì còn kém quá xa. Hắn không hề hay biết có người theo dõi sau lưng, cứ giở hết khinh công mà chạy.

Ðịch Vân thấy người kia chạy đến trước một gian nhà nhỏ, đây cửa bước vào bên trong, chàng ẩn thân bên ngoài chờ đợi. Lát sau trong nhà đã thấy ánh đèn chiếu ra.

Ðịch Vân nhẹ nhàng lẻn đến bên cửa sổ nhìn vào, chỉ thấy một lão nhân ngồi giữa nhà, lưng quay ra cửa sổ, không nhìn thấy diện mạo lão.

Lão nhân móc trong ngực áo ra một quyển sách. Ðịch Vân nhìn qua đã biết ngay là quyển Ðường Thi tuyển tập. Thì ra lão nhân này cũng là một trong những người có mưu đồ tìm kiếm bảo tàng. Lão nhân cầm lấy bút, viết lên giấy mấy chữ “Giang Lăng thành Nam”, sau đó lẩm nhẩm đếm:

- Năm, mười, mười lăm, mười sáu...

Sau đó lại viết tiếp một chữ “thiên”.

Ðịch Vân giật nảy người:

“Lão nhân này cũng có thể tra ra chữ trong quyển Ðường Thi tuyển tập? Vậy lão cũng có luyện Ðường Thi kiếm pháp!”

Nhìn từ sau lưng, người này chắc chắn không thể là Vạn Chấn Sơn. Chỉ thấy lão mặc một chiếc áo vải cũ kỹ, không đoán nổi thân phận lão.

Lão nhân lại dò dò đếm đếm lại viết viết, tổng cộng viết ra hai mươi sáu chữ, cứ lão viết chữ nào Ðịch Vân đều đọc được hết chữ đó, kết quả như vầy:

“Giang Lăng thành Nam thiên Tây Thiên Ninh tự đại điện Phật tượng hướng chi kiền thành mô bái thông linh chúc cáo Như Lai tứ phúc vãng sinh cực lạc”.

(Tạm dịch: Thiên Ninh tự ở chếch về phía Tây cửa Nam thành Giang Lăng, hướng về tượng Phật trong đại điện thành kính vái lạy cầu Như Lai ban phúc lành để được vãng sinh cực lạc).

Lão nhân quăng bút, giận dữ đập bàn quát:

- Cái gì mà “Hướng chi kiền thành mô bái, thông linh chúc cáo”? Cái gì mà “Như Lai tứ phúc, vãng sinh cực lạc”? Tổ mẹ nó! vãng sinh cực lạc! Bộ biểu người ta đi chầu Diêm chúa sớm hay sao mà vãng sinh cực lạc chứ?

Ðịch Vân nghe giọng nói rất quen thuộc, còn đang suy nghĩ xem đó là ai thì lão nhân bỗng quay người lại. Ðịch Vân lật đật hụp đầu xuống, nghĩ thầm:

“Thì ra là nhị sư bá! Chẳng trách lão biết rõ thứ tự của kiếm chiêu. Nhưng bí mật của Liên Thành quyết là như vậy sao? Rõ ràng đó là trò bịp bợm trêu ngươi thiên hạ!”

Ðịch Vân bỗng cảm thấy tức cười:

“Biết bao người hao tâm tổn trí, không từ cả việc giết sư phụ, hại đồng môn chỉ để lấy được một câu nói trêu ngươi như vậy!”

Ðịch Vân không cười thành tiếng, nhưng ở trong nhà, Ngôn Ðạt Bình lại cất tiếng cười lớn, nói:

- Ha ha! Bảo ta hướng về Như Lai Phật thành kính vái lạy, thành tâm cầu nguyện thì sẽ được bức tượng gỗ ấy ban phúc lành. Tổ mẹ nó! Ha ha ha! Bảo lão tử hưởng cực lạc trong kiếp sau! Bọn ta hợp lực giết sư phụ, ba sư huynh đệ tranh giành chém giết lẫn nhau, tưởng gì tranh để được hưởng cực lạc trong kiếp sau! Mấy trăm anh hùng hảo hán, đầu trộm đuôi cướp trong Giang Lăng thành tranh đua nhau để được hưởng cực lạc trong kiếp sau! Ha ha ha! Ha ha ha!

Tiếng cười lão nghe thật thê lương, vừa cười lão vừa xé nát mảnh giấy ném bay khắp nhà.

Ðột nhiên Ngôn Ðạt Bình im bặt, đứng bất động, hai mắt chăm chăm nhìn ra cửa sổ.

Ðịch Vân nghĩ mình rơi vào thảm cảnh ngày hôm nay Thích Phương bị thảm tử cũng chỉ vì quyển Liên Thành kiếm phổ, mà bản thân nó, thật ra cũng chỉ là câu nói đó, bất giác chàng cũng muốn phá lên cười.

Ngay lúc đó bỗng thấy Ngôn Ðạt Bình nhìn chăm chăm về phía mình, tưởng chừng như lão đã nhìn thấy cái gì đó. Nhưng không, chỉ nghe lão lẩm bẩm nói:

- Ðã đến nước này thì cứ đến Thiên Ninh tự xem thử tình hình thế nào. “Giang Lăng thành Nam thiên Tây...” Không sai! Khoảng đó quả là có một ngôi cổ tự!

Dứt lời lão quạt tắt ngọn đèn trên bàn, đẩy cửa đi ra ngoài, giở khinh công chạy về hướng Tây.

Ðịch Vân hơi do dự nghĩ thầm:

“Bây giờ mình đi tìm Vạn Chấn Sơn hay là đi theo Ngôn sư bá? Ðám đông đó không khó tìm, cứ đi xem thử tình hình thế nào cho biết”.

Lòng đã quyết, chàng cũng giở khinh công theo sát Ngôn Ðạt Bình.

Không đầy nửa canh giờ sau, Ngôn Ðạt Bình đã đến trước Thiên Ninh cổ tự. Lão không đi vào bên trong ngay mà lắng tai nghe ngóng động tĩnh một hồi, sau đó còn đi một vòng quanh ngôi cổ tự. Không thấy một bóng người, không có một tiếng động, lão yên tâm đẩy cửa bước vào.

Ngôi cổ tự này nằm ở nơi vắng vẻ, đã nhiều năm không được Phật tử chăm nom, bên trong cũng chẳng có hòa thượng hay miếu chúc gì cả. Ngôn Ðạt Bình vào đến đại điện, đánh lửa châm vào cây nến cháy dở trên bàn thờ. Dưới ánh sáng, lão chợt nhìn thấy dấu giọt nến chảy dài trên thân nến còn mới nguyên. Lão biết có chuyện bất thường, vội đưa tay bóp tim nến cho tắt đi, xảy nghe sau lưng đau nhói, một lưỡi dao truy thủ đã đâm lút vào lưng lão.

Ngôn Ðạt Bình hét lên một tiếng hãi hùng rồi nhào xuống đất chết tốt.

Ðịch Vân ẩn mình sau hai cánh cửa, thấy ánh nến vừa tắt thì đã nghe tiếng Ngôn Ðạt Bình rú lên, đoán là lão đã bị ám toán, biết không thể giải cứu kịp, chàng quyết định đứng yên để xem người ám hại Ngôn Ðạt Bình là ai. Trong bóng tối chỉ nghe tiếng cười lạnh vang lên. Tiếng cười lọt vào tai làm Ðịch Vân nổi gai ốc đầy mình, tiếng cười âm trầm đến rợn người, nhưng cũng rất quen thuộc.

Cây nến lại được thắp lên, ánh nến chiếu lên thân hình của người nọ. Hắn ta từ từ quay lại. suýt chút nữa Ðịch Vân đã thét lên hai tiếng “Sư phụ”.

Người đó chính là Thích Trường Phát! Lão đá lên người Ngôn Ðạt Bình mấy cái, rút trường kiếm trên lưng xuống, đâm thêm mấy nhát vào lưng Ngôn Ðạt Bình.

Ðịch Vân thấy sư phụ ra tay sát hại đồng môn sư huynh, thủ đoạn lại tàn nhẫn đến như vậy thì hai tiếng “Sư phụ” vừa ra tới bên cửa miệng đã vội nuốt trở vào.

Thích Trường Phát cười lạnh nói:

- Nhị sư ca! Ngươi cũng đã tra ra bí mật của Liên Thành quyết rồi phải không? Hà hà, Giang Lăng thành Nam thiên Tây, Thiên Ninh tự đại điện Phật tượng, hướng chi mô bái, thông linh chúc cáo. Ha ha! Kiếm quyết nói: “Như Lai tứ phúc, vãng sinh cực lạc”, bây giờ không phải là ngươi đã được về cực lạc rồi đó sao? Ðó không phải là do “Như Lai tứ phúc” đó sao?

Lão quay lại nhìn bức tượng Như Lai Phật. Mặt chứa đầy vẻ phẫn uất, đứng nhìn một lúc lâu, lão tức tối mắng:

- Mẹ nó! Bức tượng thối này, ngươi hý lộng lão tử, hại lão tử khổ sở đến bực này!

Lão nhảy phắt lên bàn thờ, vung kiếm, keng keng keng, chém bức tượng ba nhát.

Thông thường tượng Phật nếu không phải làm bằng đất nung thì là bằng gỗ, nhưng bức tượng này chém vào lại phát ra tiếng keng keng, rõ ràng là bằng kim loại! Thích Trường Phát hơi ngẩn người một thoáng, lại vung kiếm chém thêm hai nhát nữa. Có cảm giác như chém trúng vật gì rất cứng. Lão khom người cầm cây nến, đi đến gần xem thử, chỉ thấy vết chém hằn sâu, chỗ vết chém phát ra ánh vàng lấp lánh. Thích Trường Phát ngẩn người! Lão giơ tay bóc bỏ lớp đất giữa hai vết chém, một mảng màu vàng rỡ hiện ra, bên trong là vàng ròng!

Thích Trường Phát như phát điên, kêu lên:

- Vàng ròng! Ðại Phật tượng bằng vàng ròng!

Bức tượng Phật này cao lớn dị thường, chiều cao có tới ba trượng, thân hình lại mập mạp, lớn hơn rất nhiều so với các tượng Phật thông thường. Nếu toàn thể bức tượng đều bằng vàng ròng, ít ra cũng có tới năm sáu vạn cân, đây không phải là đại bảo tàng thì còn là gì nữa?

Nhưng Thích Trường Phát quả chẳng phải người thường, tuy mừng đến gần như điên cuồng, nhưng lão đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Cúi đầu suy nghĩ một lát, lão đi vòng ra sau lưng bức tượng, vung kiếm chém bạt lớp đất bên ngoài, nơi hông bức tượng bỗng lộ ra một cánh cửa ngầm. Lão mừng rỡ vung kiếm chém lia lịa, chém đến lưỡi kiếm bị mẻ mấy miếng lớn mới bạt hết được đất xung quanh cánh cửa ngầm. Cánh cửa ngầm cũng được đúc bằng vàng ròng, lão lách mũi kiếm vào khe hở nạy nạy. Vì quá xúc động, tay chân luống cuống thế nào, cốp một tiếng, thanh trường kiếm gãy đôi.

Lão dùng nửa thanh kiếm trong tay quay sang nạy cạnh đối diện, cánh cửa ngầm đã sụt sịt. Thích Trường Phát vứt thanh kiếm, dùng hai tay nâng nhẹ cánh cửa ngầm kéo ra. Ðưa cây nến rọi vào bên trong, chỉ thấy bên trong rỡ rỡ ánh sáng của châu ngọc. Trong bụng bức tượng vàng khổng lồ này chứa không biết bao nhiêu là bảo ngọc!

Thích Trường Phát nuốt khan mấy cái, đưa tay vào trong bụng tượng định bốc châu ngọc lên xem thử, xảy thấy bàn thờ khẽ động đậy. Biết là có biến, lão co chân nhảy xuống đất, nhưng chân vừa mới chạm đất thì bụng nghe đau nhói, huyệt đạo đã bị khống chế, té ạch xuống đất.

Từ dưới bàn thờ có một người chui ra, nghiêng đầu cười lạnh, nói:

- Tam sư đệ, ngươi tìm được chỗ này, lão nhị tìm được chỗ này, tại sao ngươi không nghĩ là lão đại này cũng tìm được?

Chính là Vạn Chấn Sơn!

Thích Trường Phát cẩn thận hơn người, nhưng vì phát hiện ra bảo tàng, tâm thần bị phân tán khá nhiều nên sơ ý bị trúng kế Vạn Chấn Sơn. Lão nghiến răng nói:

- Lần trước ngươi hại ta không chết, không ngờ cuối cùng ta cũng chết về tay ngươi!

Vạn Chấn Sơn cất tiếng cười đắc ý nói:

- Ta đang lấy làm lạ là tại sao ta đã bóp chết ngươi, lại còn bỏ vào trong bộng tường xây kín lại, vậy mà ngươi vẫn sống mà chui ra được?

Thích Trường Phát mím chặt môi không đáp.

Vạn Chấn Sơn cưới lớn, nói:

- Ngươi không muốn nói? Ngươi tưởng ta không đoán ra hay sao? Hôm đó ngươi địch không lại ta nên đã bế hô hấp giả chết, chờ ta xây tường kín lại rồi ngươi mới chui ra. Khá lắm! Ngươi bao giờ cũng mang lại cho ta nhiều điều bất ngờ! Mấy hôm sau ta phát hiện có một viên gạch hơi nhô ra ngoài, lúc đó ta cảm thấy có cái gì đó hơi bất thường, nhưng không thể nào tưởng tượng nổi sau khi đục tường chui ra mà ngươi còn công sức để mà xây tường trở lại như cũ.

Thì ra Vạn Chấn Sơn Sau khi giết chết Thích Trường Phát đem bỏ bào trong bộng tường xây lại. Mấy ngày sau phát hiện thấy có một viên gạch hơi nhô ra ngoài. Việc này khiến lão cảm thấy bất an đến phải mắc chứng mộng du xây tường như đã có lần Thích Phương trông thấy. Lão sợ “cương thi” Thích Trường Phát chui ra khỏi bộng tường, bị ám ảnh mãi nửa đêm lão trở dậy xây kín tường lại, hết lần này đến lần khác.

Lão lại cười lạnh, nói:

- Ngươi lợi hại thật! Ngươi trơ mắt đứng nhìn con gái ngươi làm con dâu ta mà trước sau vẫn không chịu ra mặt. Ta hỏi ngươi, tại sao lại như vậy?

Thích Trường Phát khạc một bãi đờm phun vào người Vạn Chấn Sơn.

Vạn Chấn Sơn xoay người tránh khỏi, cười lạnh nói:

- Lão tam! Ngươi muốn chết một cách mau chóng hay là muốn ta lóc từng miếng thịt ngươi ra?

Song mục Thích Trường Phát để lộ vẻ sợ hãi. Lão nghiến răng nói:

- Ðược! Ngươi muốn biết để ta nói cho mà biết! Ả đánh cắp kiếm phổ của ta đem giấu trong sơn động, ngươi nói xem, ả có đáng là con gái ta không? Ngày đó ta ngày đêm âm thầm dò xét mà vẫn không thấy chút manh mối nào, thử hỏi ta không hận ả sao được? Ðó, ta nói xong rồi đó, ngươi để cho ta được chết cho mau chóng!

Vạn Chấn Sơn cười lạnh nói:

- Ðược! Ta sẽ cho ngươi được chết một cách nhanh chóng! Theo lẽ ra ta không cho ngươi được chết dễ dàng như vậy đâu, nhưng giờ sư ca chẳng còn thời gian nữa, ta phải mau chóng lấy đất đắp bức tượng lại. Hảo sư đệ, người ngoan ngoãn mà đi đi!

Dứt lời lão vung kiếm nhằm ngực Thích Trường Phát đâm xuống.

Xảy thấy hồng quang lóe lên, cánh tay phải của Vạn Chấn Sơn cùng thanh kiếm rơi xuống đất, còn thân hình lão thì bị trúng một cước văng ra xa. Chính là Ðịch Vân đã dùng Huyết Ðao cứu mạng Thích Trường Phát.

Ðịch Vân quỳ xuống giải khai huyệt đạo cho Thích Trường Phát, nói:

- Sư phụ! Ðể cho sư phụ phải kinh hãi đồ nhi thật đắc tội.

Biến cố xảy ra quá bất ngờ, khiến Thích Trường Phát ngơ ngẩn một lúc lâu mới hiểu ra mọi sự. Khi định thần nhìn lại, lạo mới nhận ra Ðịch Vân, kêu lên:

- Vân... Vân nhi... Ngươi đó sao?

Ðịch Vân xa cách sư phụ bấy lâu, giờ trùng phùng, lại nghe lão gọi mình là “Vân nhi” thì xúc động đến rơi lệ, nói:

- Sư phụ, chính là Vân nhi đây!

Thích Trường Phát hỏi:

- Những việc ở đây ngươi đều thấy cả rồi chứ?

Ðịch Vân gật đầu nói:

- Sư phụ! Sư muội... sư muội...

Vạn Chấn Sơn bị chặt đứt một cánh tay, lại bị trúng một cước của Ðịch Vân ngất đi, chừng tỉnh dậy gắng gượng đứng lên vụt chạy ra khỏi đại điện.

Thích Trường Phát hừ lạnh một tiếng nhảy theo, vung trường kiếm đâm một nhát suốt từ lưng ra tới ngực Vạn Chấn Sơn. Vạn Chấn Sơn rú lên một tiếng hãi hùng, đổ ập xuống đất chết tốt.

Thích Trường Phát nhìn thi thể của hai vị sư huynh, thở dài nói:

- Vân nhi, may mà ngươi đến kịp cứ mạng sư phụ. Ủa, ai đi tới vậy? Có phải là Phương nhi đó không?

Vừa nói lão vừa chỉ tay về phía hậu điện.

Ðịch Vân nghe hai tiếng “Phương nhi” thì giật mình quay nhìn ra phía sau, nhưng không thấy ai cả, còn đang ngạc nhiên thì lưng đã nghe đau nhói.

Chàng giật mình huơ tay ra phía sau nắm trúng cổ tay người ám toán mình đồng thời quay đầu nhìn lại. Chỉ thấy trong tay đang cầm một con dao truy thủ sáng loáng, chàng kinh hãi kêu lên:

- Sư phụ... đồ nhi phạm phải tội gì mà sư phụ định giết đồ nhi?

Lúc này thì chàng đã nhớ ra, sư phụ chàng không phải “định” nữa mà đã đâm chàng một đao trúng lưng, nếu không có Ô Tàm y hộ thân thì chàng đã đi theo Ngôn Ðạt Bình rồi!

Thích Trường Phát bị Ðịch Vân nắm chặt cổ tay, toàn thân tê liệt, không còn chút sức lực phản kháng. Lão bỗng quát lớn:

- Giỏi lắm! Ngươi đã học được võ công cao minh rồi chẳng còn coi sư phụ ngươi ra gì nữa! Ngươi giết ta đi! Giết đi chứ? Tại sao còn chưa giết?

Ðịch Vân buông tay, lắc đầu hỏi lại:

- Tại sao phải giết sư phụ?

Thích Trường Phát hét lớn:

- Ngươi còn giả bộ như vậy làm gì? Bức tượng Phật bằng vàng này bộ ngươi không muốn nuốt một mình chắc? Ta giết không được ngươi thì ngươi giết ta chứ có gì mà không hiểu? Ðây là một bức tượng vàng, cả một bức tượng vàng! Bên trong còn chứa vô số châu ngọc, tại sao ngươi không giết ta chứ? Tại sao ngươi không giết ta?

Lão hét thật lớn, tiếng hét chất chứa đầy nỗi bi phẫn, lòng tham lam và cả sự nuối tiếc. Thinh âm lão phát ra không con giống tiếng người nữa, nghe như tiếng dã thú rền rĩ lúc đói mồi.

Ðịch Vân lắc đầu, lui ra một bước, hỏi:

- Thì ra sư phụ muốn giết đồ nhi là vì bức tượng này sao?

Bỗng Ðịch Vân hiểu ra tất cả. Thích Trường Phát vì ham của báu mà có thể giết chết sư phụ, giết chết sư huynh, hoài nghi con gái, thế thì một đồ đệ như chàng tại sao lão không thể giết? Chàng nhớ lại lời của Ðinh Ðiển, Thích Trường Phát có ngoại hiệu là Thiết Tỏa Trường Giang, có việc gì mà lão không dám làm chứ?

Chàng lại lui thêm bước nữa, nói:

- Sư phụ, đồ nhi không chia phần bức tượng này với sư phụ đâu! Xin người cứ phát tài một mình đi.

Chàng thật sự không hiểu, một con người không cần đến bất kỳ người thân nào trên thế gian, không sư phụ, không sư huynh đệ, không đồ đệ, không thiết đến cả con gái, cho dù có gia tài bá vạn, trở thành người giàu có bậc nhất trong thiên hạ thì có gì vui thú?

Thích Trường Phát không dám tin vào tai mình, nghĩ thầm:

“Thế gian làm gì có kẻ nhìn thấy hoàng kim tài bảo mà không ham muốn chứ? Tên tiểu tử Ðịch Vân này ắt hẳn là có quỷ kế gì đây!”

Lão không còn giữ được sự trầm tĩnh vốn có nữa, quát:

- Ngươi còn định giở trò gì nữa? Cả một bức tượng vàng, bên trong còn chứa đầu châu ngọc, tại sao ngươi không lấy? Ngươi còn định dùng quỷ kế gì đối phó với ta nữa?

Ðịch Vân lắc đầu, đang định ra khỏi đại điện, xảy nghe tiếng bước chân rầm rập cùng với tiếng huyên náo vang trời. Quần hào như ong vỡ tổ kéo đến gần. Ðịch Vân phóng tuốt lên mái nhà đưa mắt nhìn ra, chỉ thấy hàng trăm con người tay cầm đuốc chiếu sáng cả một góc trời. Lại nghe có tiếng quát tháo:

- Tên tiểu tử thối Vạn Khuê này, mẹ nó! Ði mau đi!

Ðịch Vân vừa định bỏ đi, chợt nghe hai tiếng “Vạn Khuê” đập vào tai, lập tức dừng chân. Chàng còn phải báo cừu cho Thích Phương.

Trong nháy mắt đám đông tranh nhau ùa vào đại điện, Ðịch Vân nhìn thấy rõ ràng Vạn Khuê bị mấy tên đại hán bẻ quặc tay ra phía sau, mặt mày bơ phờ, máu me bê bết, xem chừng vừa bị đánh một trận tan nát, trên người gã hãy còn nguyên bộ y phục của gã toan tú tài. Thì ra hắn giả dạng làm một toan tú tài, cố ý bẹo hình bẹo dạng nơi cửa Nam Giang Lăng thành để đánh lạc hướng quần hào cho Vạn Chấn Sơn rảnh tay đi tìm bảo tàng. Nhưng vì bị quần hào tra tấn khiếp quá, hắn không chịu đựng nổi, cuối cùng phải dắt quần hào đến Thiên Ninh tự.

Thích Trường Phát nghe thấy tiếng ồn ào thì thất kinh nhảy lên, định dùng thân mình che khuất chỗ đất bị lão bóc ra khi nãy. Nhưng vô dụng, quần hào thấy lão đứng trên bàn thờ, tay cố che những chỗ vàng lộ ra ngoài, nhưng lúc này trong đại điện đèn sáng như ban ngày, chỉ thấy ánh vàng chói lọi. Quần hào đồng hô lên một tiếng điên cuồng, mạnh ai nấy vung đao chém lên thân tượng, chẳng bao lâu sau đất đã rơi xuống hết để lộ nguyên hình đó là một pho tượng vàng.

Tiếp đó lại có người phát hiện ra cánh cửa ngầm sau lưng tượng, thò tay vào hốt ra một vốc châu ngọc. Người đứng phía sau dùng đao chém mạnh vào người phía trước để tranh chỗ. Cứ thế, người này lấy ra rồi bị người khác cướp.

Xảy nghe bên ngoài vang lên tiếng tù và, cửa đại điện bật mở, mấy chục tên lính phủ xông vào quát:

- Tri phủ đại nhân tới! Các ngươi không được làm loạn!

Tiếp sau đó, một người mình mặc quan phục, ngạo nghễ bước vào, chính là Lăng Thoái Tư! Trong Giang Lăng thành tai mắt của lão không ít, đám đông đi đến đâu ồn ào như đàn ong vỡ tổ, nghe thuộc hạ cấp báo, lão cũng kịp dắt binh lính đến.

Nhưng đám giang hồ hào khách một khi đã nhìn thấy vàng bạc châu báu nhiều đến thế này thì đâu còn biết sợ quan binh nữa. Quan đến thì mặc quan, mạnh ai nấy tranh đoạt, cố lấy cho thật nhiều châu ngọc vào.

Dưới đất rơi vãi đầy trân châu, bảo thạch, các đồ vật bằng vàng, bạch ngọc, phí thúy ngọc, san hô, tổ mẫu lục ngọc, mao nhãn ngọc...

Thuộc hạ của Lăng Thoái Tư cũng là người, hà cớ gì thấy nhiều châu ngọc như vậy mà không lao vào tranh đoạt? Chẳng ai muốn để cho người khác qua mặt mình. Thích Trường Phát cũng đang cố giành giật, Vạn Khuê cũng lao vào giành giật, cuối cùng thì cả Lăng Thoái Tư, đường đường là một tri phủ cũng không nén được, cũng lao vào giành giật.

Một khi đã tranh đoạt thì tránh sao khỏi ẩu đả? Ðã có ẩu đả thì sao tranh khỏi có người chết? Kẻ thắng ngươi bại, kẻ sống người chết, kẻ sống lại lao vào giành giật.

Những người này càng ngày càng đánh nhau hung tợn hơn, có kẻ nhảy lên ôm riết tượng Phật dùng răng cắn, có người lại dùng đầu húc vào tượng.

Ðịch Vân đứng trên mái nhà nhìn xuống, thấy cảnh tượng hãi hùng này thì không khỏi lấy làm kỳ:

“Tại sao lại bỗng hóa thành như vậy? Cho là tham báu đến lu mờ cả thần trí cũng đâu đến nỗi phát điên như vậy!”

Không sai! Tất cả những người này đều đã hóa điên, ai nấy hai mắt đỏ ngầu như mắt trâu điên, cứ lao vào nhau, không đánh bằng tay chân thì cũng dùng răng cắn loạn xạ, cấu xé loạn xạ. Ðịch Vân nhìn thấy Uông Tiêu Phong cũng có mặt, cả Hoa Thiết Can cũng tới; hai người cũng hòa vào đám đông cào cấu cắn xé, dồn đầy châu ngọc vào miệng.

Ðứng nhìn một lát Ðịch Vân bỗng sáng ra:

“Thì ra trong mớ châu ngọc này có trộn lẫn một thứ độc dược cực kỳ ghê gớm. Năm ấy vị hoàng đế cất giấu bảo tàng này sợ quân Ngụy cướp mất kho tàng của mình nên đã trộn chất độc vào trong đó”.

Nghĩ đến đây chàng định nhảy xuống cứu sư phụ nhưng đã muộn mất rồi.

Ðịch Vân trồng mấy trăm cây hoa cúc quanh mộ Ðinh Ðiển và Lăng Sương Hoa, chàng không thuê người đến giúp. Một mình chàng làm tất cả, chàng vốn xuất thân nông gia, chuyện cuốc đất trồng cây chàng đã quen làm từ nhỏ. Chỉ có điều trước kia chàng rất ít khi trồng hoa, những thứ chàng trồng chủ yếu là cà ớt, bầu bí, củ cải và rau cải các loại.

Ðịch Vân rời khỏi Kinh Châu thành, ẵm Không Tâm Thái lên ngựa ra đi. Chàng không muốn lăn lộn trong chốn giang hồ đầy rẫy những gian dối lọc lừa nữa, chàng muốn tìm một nơi nào thật yên tĩnh để nuôi Không Tâm Thái nên người.

Chàng trở lại tuyệt cốc nơi giáp giới Tây Tạng. Từng bông tuyết trắng xóa như lông ngỗng lại bắt đầu rơi, chàng đi thẳng tới hang động.

Từ xa xa chàng đã nhìn thấy một nữ nhân đứng trước cửa động.

Chính là Thủy Sinh!

Gương mặt nàng tươi cười rạng rỡ, chạy như bay về phía chàng, kêu lên:

- Muội đã chờ Ðịch đại ca lâu lắm rồi! Muội biết sớm muộn gì rồi Ðịch đại ca cũng trở lại!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx