sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 91 - Những Mối Thù Rùng Rợn Giữa Đồng Môn

Người đàn bà áo trắng chưng hửng một lát rồi hỏi:

- Hừ! Y... sao y lại giao nhẫn cho sư tỷ? Nếu không phải là sư tỉ ăn cắp thì hẳn là đã cướp giật?

Ðồng Mỗ lớn tiếng nói:

- Lý Thu Thủy! Chưởng Môn phái Tiêu Dao truyền cho ngươi phải quỳ xuống để nghe mệnh lệnh.

Người đàn bà áo trắng tức Lý Thu Thủy nói:

- Chức chưởng môn nhân này chính là sư tỷ tự phong cho mình hay sao? Chắc là... chắc là sư tỷ đã ám hại y để ăn cắp nhẫn.

Lý Thu Thủy vốn là người hoà nhã, nhưng từ lúc trông thấy cái nhẫn sắt, bà không khỏi xúc động và trong lời nói đã ra chiều nóng nảy.

Ðồng Mỗ dõng dạc hỏi:

- Ngươi không chịu tuân theo mệnh lệnh của chưởng môn nhân và muốn phản nghịch sư môn, có phải thế không?

Ðột nhiên một làn bạch quang xẹt qua! Người Ðồng Mỗ tung lên rồi hất văng đi xa!

Hư Trúc thất kinh hỏi:

- Sao vậy?

Rồi nhà sư nhìn thấy trên mặt đất tuyết đọng có vết máu loang và ngón tay út của Ðồng Mỗ bị chặt đứt rớt xuống. Cái nhẫn lấy đã bị Lý Thu Thủy lấy được cầm trong tay.

Nguyên Lý Thu Thủy dùng thủ pháp mau lẹ tuyệt luân chặt đứt ngón tay út của Ðồng Mỗ rồi đoạt chiếc nhẫn.

Bà lại phóng chưởng hất mụ bắn ra xa, còn bà dùng thứ khí giới gì để chặt ngón tay Ðồng Mỗ thì Hư Trúc không nhìn rõ được vì bà ra tay lẹ quá!

Bỗng nghe Lý Thu Thủy nói:

- Ðại sư tỷ! Sư tỷ đã ám hại y cách nào, sư tỷ nói thật cho tiểu Muội nghe đi! Tiểu Muội đối với sư tỷ là chỗ tình nghĩa thâm trọng quyết không làm chuyện gì khó chịu cho sư tỷ đâu.

Bây giờ Lý Thu Thủy lấy được chiếc nhẫn rồi, giọng nói của bà ta trở lại rất ôn tồn.

Hư Trúc không nhịn được nữa, lên tiếng nói:

- Hai vị đã là chỗ sư tỷ Muội cùng môn phái, sao lại ra tay độc địa đến thế? Vô Nhai Tử lão tiên sinh nhất quyết không bị Ðồng Mỗ giết chết đâu. Tiểu tăng là người xuất gia chẳng khi nào nói dối thí chủ đâu...

Lý Thu Thủy quay sang hỏi Hư Trúc:

- Tại hạ không dám! Xin hỏi đại sư pháp hiệu là gì? Ngài xuất gia ở bảo tự nào? Tại sao lại biết danh hiệu sư huynh của tại hạ?

Hư Trúc đáp:

- Tiểu tăng pháp danh là Hư Trúc, đệ tử chùa Thiếu Lâm. Còn việc Vô Nhai Tử lão tiên sinh... nói ra dài quá...

Nhà sư chưa dứt lời thì đột nhiên Lý Thu Thủy phất tay áo một cái, hai đầu gối nhà sư chùn lại rồi cảm thấy tê nhức, khí huyết trong người bỗng chạy ngược đường. Nhà sư ngã lăn ra kêu lên:

- Trời ơi! Thí chủ làm gì thế? Tiểu tăng có điều gì đắc tội với thí chủ đâu, sao lại ra tay đánh tiểu tăng bị thương?

Lý Thu Thủy mỉm cười đáp:

- Tiểu sư phụ đã là cao tăng phái Thiếu Lâm, tại hạ chẳng qua muốn thử công lực một chút mà thôi! Hừ! Té ra tiếng tăm phái Thiếu Lâm lừng lẫy là thế mà cao tăng phái này chỉ có thế thôi ư?

Hư Trúc nhìn qua tấm mạng che trên mặt Lý Thu Thủy thì thấy nét mặt bà ta phảng phất như một thiếu phụ ngoài bốn mươi tuổi. Cặp lông mày rất xinh, nhưng trên má dường như có mấy ngấn máu lại tựa hồ như có vết sẹo nữa. Nhà sư nhìn không rõ nên trong lòng càng khủng khiếp.

Hư Trúc đáp:

- Tiểu tăng là một hoà thượng kém cỏi nhất tại chùa Thiếu Lâm. Tiền bối chẳng nên lấy một mình tiểu tăng là kẻ vô dụng mà mạt sát tệ phái.

Lý Thu Thủy không nói gì với nhà sư nữa, từ từ đến bên Ðồng Mỗ lên giọng ỏn thót:

- Sư tỷ ơi! Mấy năm nay nhớ sư tỷ biết chừng nào! Trời đã mở mắt cho tiểu Muội còn được gặp mặt sư tỷ một lần. Trước kia sư tỷ đối đãi với tiểu Muội tử tế quá! Tiểu Muội ngày đêm vẫn ghi nhớ trong lòng...

Ðột nhiên một làn bạch quang loé ra, Ðồng Mỗ rú lên một tiếng bi thảm rồi lăn trên mặt đất đây tuyết phủ máu chảy thành vũng. Chân trái Ðồng Mỗ đã bị chặt đứt lìa khỏi mình.

Hư Trúc thấy thế kinh hãi vô cùng. Nhà sư cả giận quát hỏi:

- Ðã là chỗ đồng môn mà tỷ muội... sao thí chủ lại nhẫn tâm hạ thủ đến thế được? Thí chủ... thí thủ thật là dã man không bằng giống cầm thú.

Lý Thu Thủy từ từ quay đầu lại, bà kéo tấm khăn lên, để lộ bộ mặt trái xoan trắng nõn nà.

Hư Trúc vừa nhìn thấy đã la lên một tiếng kinh ngạc, trống ngực đánh thình thịch. Mặt bà bị kiếm thương hai vệt ngang hai vệt dọc thành hình chữ Tinh. Vết kiếm thương đã làm cho mắt bên phải bà lồi ra ngoài, miệng bên trái méo xệch đi. Bộ mặt rất xinh đẹp biến thành xấu xa, khủng khiếp.

Lý Thu Thủy nói:

- Những năm trước kia có kẻ dùng mũi kiếm vạch vào mặt tại hạ đến nỗi thế này. Tiểu sư phụ chùa Thiếu Lâm thử nghĩ xem có nên trả thù hay không?

Lý Thu Thủy nói xong lại từ từ kéo tấm khăn xuống che mặt.

Hư Trúc hỏi lại:

- Ðây có phải là Ðồng Mỗ đã tàn hại thí chủ không?

Lý Thu Thủy đáp:

- Tiểu sư phụ thử hỏi lại y xem.

Ðồng Mỗ tuy bị chặt chân máu chảy ra như suối mà mụ vẫn không chết ngất, lên tiếng đáp:

- Ðúng rồi! Chính ta đã vạch vào mặt nó. Năm ta hai mươi sáu tuổi, luyện công sắp đến ngày thành tựu, có thể làm cho người ta cao lớn lên như những người đàn bà thông thường. Nhưng rồi ta bị nó hãm hại làm cho thân thể liệt bại. Vậy ta hỏi ngươi mối thâm thù này có nên báo hay không?

Hư Trúc ngước mắt nhìn Lý Thu Thủy và nghĩ thầm:

- Nếu lời Ðồng Mỗ quả đúng sự thực thì Lý Thu Thủy là người gây ác nghiệt trước.

Ðồng Mỗ lại nói:

- Bữa nay ta đã lọt vào tay mi thì còn nói gì nữa? Còn vị tiểu hoà thượng đây là bạn vong niên với Vô Nhai Tử. Mi không được động đến một sợi lông của nhà sư. Nếu mi càn rỡ thì y quyết không tha đâu.

Lý Thu Thủy thở dài đáp:

- Sư tỷ! Sư tỷ đã lớn tuổi hơn mà lại thông minh hơn tiểu muội. Nhưng bữa nay sư tỷ muốn gạt tiểu muội không phải là chuyện dễ đâu. Sư tỷ đã nói y... Y hiện nay hãy còn trên thế gian thì cái nhẫn sắt này sao lại lọt vào tay sư tỷ được? Vị tiểu sư phụ này đối với tiểu muội đã không thù không oán, vả tiểu muội vốn là người nhát gan, chẳng bao giờ dám gây thù với phái Thiếu Lâm là núi Thái Sơn là sao Bắc Ðẩu trong võ lâm. Tiểu muội không làm cho nhà sư bị thương đâu. Sư tỷ đừng ngại gì hết. Tiểu muội có mang theo hai viên Cửu chuyền hùng xà hoàn, xin mời sư tỷ uống vào cho vết thương đừng chảy máu nữa.

Hư Trúc nhìn tay bà ta, những ngón tay tháp bút rất xinh xắn đang cầm hai viên thuốc vàng khè, giống hệt như thuốc mà Ô lão đại uống lúc trước. Nhà sư lẩm bẩm:

- Thiên đạo tuần hoàn, cuộc báo ứng thật mau lẹ, người ta phải khiếp sợ.

Bỗng thấy Thiên Sơn Ðồng Mỗ la lên:

- Tiểu hoà thượng! Ngươi phóng mạnh chưởng vào đỉnh đầu cho ta chết đi, đừng để cho ta phải chịu những sự đau đớn nhục nhã của con tiện nhân này nữa.

Lý Thu Thủy cười nói:

- Vị tiểu hoà thượng đó mệt lắm rồi. Bây giờ y cần nằm dài ra để nghỉ ngơi một chút.

Thiên Sơn Ðồng Mỗ biết là Lý Thu Thủy đã điểm huyệt Hư Trúc bằng phép Hán tụ phát huyệt để kiềm chế y rồi, mụ tức quá, trong ngực đau nhói lên.

Lý Thu Thủy lại nói:

- Sư tỷ ơi! Sư tỷ có hai chân, bây giờ một chân dài một chân ngắn trông thấy khó coi quá. Một vị mỹ nhân như sư tỷ mà một bên cao một bên thấp thì hoá ra mỹ nhân lệch vai, tất y không khỏi chán ghét, vậy để tiểu Muội thanh toán làm cho hai chân sư tỷ bằng nhau.

Bà vừa dứt lời, một ánh bạch quang loé lên, trong tay bà cầm một thứ khí giới.

Lần này Hư Trúc trông rõ trong tay Lý Thu Thủy cầm một lưỡi đao truỷ thủ. Lưỡi truỷ thủ này dường như chế bằng thuỷ tinh và có thể trông suốt qua được.

Lý Thu Thủy cố kéo dài cuộc khủng khiếp để hành hạ Ðồng Mỗ cho bõ ghét, nên bà ta không ra tay mau lẹ. Bà cầm lưỡi truỷ thủ giơ lên giơ xuống trước chân phải Ðồng Mỗ.

Hư Trúc tức quá lẩm bẩm:

- Mụ này thiệt là tàn nhẫn.

Nhà sư lòng càng khích động. Bắc Minh chân khí trong thân thể càng xông lên mạnh và lập tức y cảm thấy hai chân mình tự giải khỏi huyệt đạo, hành động không bị trở ngại gì nữa.

Hư Trúc không kịp nghĩ gì thêm, xông lại phía trước, ẵm Ðồng Mỗ lên, hướng về phía đỉnh núi mà chạy.

Lúc Lý Thu Thủy dùng kỹ thuật Hán tụ phất huyệt hất ngã Hư Trúc, bà ta phát giác ra võ công nhà sư rất tầm thường, nên chẳng coi vào đâu rồi bỏ mặc nhà sư nằm đó không để ý tới nữa quay lại hành hạ Ðồng Mỗ.

Lý Thu Thủy muốn để nhà sư nằm chứng kiến cuộc hành hạ tàn ác và cho rằng trong trường hợp có thêm một người bàng quan thì sự hành hạ của mình mới tăng thêm mấy phần hứng thú. Bà ta định bụng chờ đến lúc sau cùng mới hạ sát nhà sư bịt miệng. Ngờ đâu nhà sư đem chân lực mình giải khai mới được huyệt đạo.

Trong thời gian chớp nhoáng này, Lý Thu Thủy không kịp đề phòng, để Hư Trúc bất thình lình ôm được Ðồng Mỗ chạy xa tới năm sáu trượng.

Lý Thu Thủy rảo bước đuổi theo, cười nói:

- Tiểu sư phụ! Sư phụ bị sư tỷ của tại hạ làm cho mê mẩn tâm thần rồi chăng? Sư tỷ tại hạ là người nguyệt thẹn hoa nhường nhưng đã thành bà cụ chín mươi sáu tuổi rồi đó, chứ không phải là một vị cô nương mười bảy mười tám đâu nhé.

Bà ta ỷ mình có bản lãnh cao cường, chẳng coi vào đâu và cho là chỉ trong khoảnh khắc sẽ đuổi kịp.

Bà ta vừa đuổi vừa nghĩ: Vị tiểu sư phụ này chẳng có bản lĩnh chi đáng kể. Dù y luyện công ngay từ ngày còn ở trong bào thai thì đến giờ bất quá mới được hơn hai chục năm công lực mà thôi!

Lý Thu Thủy vốn biết nội công phái Thiếu Lâm phát triển rất chậm chạp, càng luyện lâu ngày thì công lực càng tinh thâm. Lúc bắt đầu khởi luyện từ mười tuổi cho đến hai mươi tuổi, công lực chưa có gì đáng kể.

Bà ta có ngờ đâu Hư Trúc chạy rất lẹ. Huyết mạch càng chuyển động mau thì Bắc Minh chân khí càng phát huy rất nhiều.

Hai người cách nhau chừng năm sáu trượng mà thuỷ chung Lý Thu Thủy vẫn không đuổi kịp Hư Trúc.

Chỉ trong khoảnh khắc Lý Thu Thủy đã theo sườn non thoai thoải đuổi được đến một dặm mà vẫn không kịp.

Bà vừa kinh ngạc vừa tức giận la gọi:

- Tiểu sư phụ! Nếu tiểu sư phụ không chịu dừng bước cứ chạy hoài thì tại hạ sẽ phóng chưởng lực đánh cho tiểu sư phụ bị thương đó.

Ðồng Mỗ biết chưởng lực của sư muội mình biến ảo khôn lường, chắc chắn Hư Trúc không thể chống cự nổi. Mụ chỉ phóng vài phát chưởng là Hư Trúc sẽ mất mạng ngay, rồi mình cũng lọt vào tay hắn.

Ðồng Mỗ nghĩ vậy liền nói:

- Tiểu sư phụ! Ða tạ ngươi có lòng tốt cứu ta, nhưng con tiện nhân kia thật là ghê gớm! Chúng ta không địch nổi hắn đâu! Ngươi... ngươi hất ta xuống khe núi, có khi vì thế mà hắn không sát hại ngươi nữa.

Hư Trúc đáp:

- Không thể nào thế được.

Nhà sư chỉ nói có bấy nhiêu tiếng mà chân khí đã tiết ra, chạy chậm lại một chút, nên Lý Thu Thủy đuổi đến nơi.

Ðột nhiên nhà sư thấy sau lưng có gió lạnh tựa hồ như một khối băng lớn đè vào da thịt mình. Tiếp theo người nhà sư lao đi rồi không sao gượng lại được nữa, để mình rớt xuống khe núi.

Nhà sư biết rằng Lý Thu Thủy dùng chưởng lực âm hàn. Nhưng hai tay vẫn ôm chặt Ðồng Mỗ, để người rớt xuống vực thẳm và la thầm:

- Rớt xuống đây thì sẽ tan xương nát thịt ra như một đống bùn.

Lúc Hư Trúc đang, nhà sư còn văng vẳng nghe tiếng Lý Thu Thủy đứng trên núi nói vọng xuống:

- Chao ôi! Ta ra tay nặng quá. Thế là tiện nghi cho mụ mất rồi.

Nguyên ngọn núi này có một cái ngòi cụt, vì trên mặt ngòi tuyết phủ che lấp không rõ dấu vết gì. Lý Thu Thủy phóng chưởng đánh định bụng chỉ làm cho Hư Trúc ngã ra rồi nắm lấy Ðồng Mỗ dùng những phương pháp cực kỳ tàn ác để hành hạ mụ. Không ngờ chưởng vừa phóng ra, Hư Trúc trượt chân trên mặt tuyết rồi cả nhà sư lẫn Ðồng Mỗ rớt cả xuống khe núi.

Lý Thu Thủy tuy giết chết Ðồng Mỗ để rửa hận, nhưng thấy mụ chết một cách dễ dàng thì cuộc báo thù của mình không được thích thú cho lắm nên bà ta còn tiếc rẻ.

Lúc Hư Trúc rớt xuống thấy người mình chơi vơi, không tự được, đành để cho người tuột thẳng xuống. Bên tai nhà sư nghe tiếng gió vù vù.

Tuy khoảng thời gian chớp nhoáng này chẳng có bao lâu mà nhà sư tưởng chừng như một thời gian dài vô tận.

Nhà sư mắt còn nhìn thấy làn tuyết trắng xoá trên sườn núi người mình đang nhào xuống thì yên trí rằng mình gieo người vào đây là hết đời.

Mắt nhà sư bỗng hoa lên vì nhìn thấy trong đám tuyết có một chấm đen đang từ từ chuyển động. Nhà sư không kịp nhìn kỹ thì người mình đã gieo gần xuống đến đất.

Bất thình lình có tiếng người hỏi:

- Ai?

Rồi một luồng cường lực đột nhiên đưa ngang ra chạm vào lưng Hư Trúc.

Hư Trúc người chưa chấm đất đã bắn chênh chếch ra. Nhà sư giật mình liếc nhìn thấy người ra tay vừa đẩy mình là Mộ Dung Phục.

Hư Trúc vội la lên:

- Ðón lấy này!

Nhà sư toan vận kình lực để liệng Ðồng Mỗ ra.

Nên biết rằng Hư Trúc từ trên sườn núi cao trăm trượng rớt xuống mười phần chắc chết cả mười. Nhà sư chợt thấy Mộ Dung Phục đứng bên liền muốn quăng Ðồng Mỗ cho y đón lấy để cứu mạng cho mụ.

Ngờ đâu Mộ Dung Phục thấy hai người từ trên ngọn núi té nhào xuống liền ra chiêu đẩu chuyển tinh di khiến cho sức mạnh rớt xuống giảm đi quá nửa và đổi chiều đang đâm thẳng xuống cho tạt ngang ra.

Luồng lực đạo này mãnh liệt vô cùng.

Hư Trúc tuy muốn liệng Ðồng Mỗ ra nhưng bị luồng cường lực đè ép nên không thể tung Ðồng Mỗ ra được.

Nhà sư đang lúc ngần ngừ một giây thì người đã bay ra mười mấy trượng rồi lại rớt xuống.

Ðột nhiên chân nhà sư đáp vào một vật gì rất mềm nhũn và nảy lên, khiến cho nhà sư lại bắn lên không.

Nhà sư trong lòng kinh hãi và rất lấy làm kỳ dị la hoảng:

- Cái gì đó?

Hư Trúc để ý nhìn thì ra một tay nhà sư thấp lủn thủn mà béo chùn béo chụt, người tròn ủng như quả bóng nằm lăn ra đó. Rõ ràng là Tam Tĩnh hoà thượng.

Nhà sư tròn ủng là con người quái dị nên mỗi lần y phạm thanh quy thì trong chùa Thiếu Lâm chẳng ai là không biết.

Chuyện ngẫu nhiên này thật là kỳ lạ! Hư Trúc lúc rớt xuống đáp hai chân vào bụng y, đáng lý Tam Tĩnh lập tức vỡ bụng lòi ruột chết liền. Nhưng may mà da bụng y hất ra được. Cũng nhờ thế ma hai chân Hư Trúc không đến nỗi bị gãy nát.

Hư Trúc bị hất văng ra không tự chủ được, người y đang lơ lửng thì có tiếng la:

- Cưu Ma Trí! Ðại sư đón lấy quả bóng người đó!

Hư Trúc nghỉnh về phía phát ra tiếng gọi bất giác hồn vía lên mây. Vì người đó chính là Tinh Tú lão quái Ðinh Xuân Thu.

Hư Trúc chắc Ðinh Xuân Thu trông thấy mình tát hạ độc thủ ngay. Nhà sư vội ôm Ðồng Mỗ sang tay trái, còn tay phải giơ lên trước ngực để che chở chỗ nguy hiểm.

Giữa lúc ấy Ðinh Xuân Thu đã phóng chưởng ra.

Hư Trúc cũng vung chưởng ra chống đỡ.

Bây giờ Bắc Minh chân khí của nhà sư đã có đến năm sáu thành công lực. Hai chưởng vừa chạm nhau, Ðinh Xuân Thu rung người lên lùi lại một bước. Miệng lão la lên một tiếng: "Chà!"

Chưởng lực hùng hồn này không làm cho Hư Trúc bị thương mà chỉ nẩy người y lên không, chơi vơi không đạp vào đâu được.

Ðinh Xuân Thu lại phóng ra một chưởng nữa. Người Hư Trúc tựa hồ mũi tên lìa khỏi dây cung rớt nhanh xuống.

Bỗng nghe một thanh âm hoà nhã gọi:

- A di đà Phật!

Chợt thấy một nhà sư trẻ vẻ mặt hiền hoà tướng mạo trang nghiêm phóng chưởng đánh ra. Hư Trúc là một đệ tử nhà Phật rất thành kính. Tuy người y đang lơ lửng trên không mà vẫn giơ một cánh tay lên tuyên Phật hiệu nói:

- A di đà Phật! Ðại sư phụ từ bi!

Nhà sư cảm thấy một luồng lực đạo tuy hoà mà bao la rộng rãi cho mình cơ hội nghẹt thở. Nhưng toàn thân cảm thấy ấm áp dễ chịu.

Hư Trúc cũng vung chưởng ra để chống lại. Hai luồng chưởng lực gặp nhau, người nhà sư lại tung lên trên không.

Nhà sư còn nghe ra tiếng người hỏi:

- Bây giờ làm thế nào? Bây giờ làm thế nào?

Rồi thanh âm một nữ lang đáp lại:

- Cái trò lấy người làm khí giới thì chỉ có môn võ của nhà họ Diêm ở phủ Thái Nguyên. Nhưng nhà sư này công lực bản thân không phải tầm thường. Y ở trên không mà vẫn biến chiêu thì khác với chiêu thức Nhân hình kim cương chỉ của nhà họ Diêm nhiều. Ðoàn công tử! Ta cũng không biết đối phó cách nào. Có điều công tử chớ nên thi triển Lục Mạch Thần Kiếm để đánh nhà sư, lỡ ra y mất mạng thì tội nghiệp!

Hai người đang nói chuyện đây tức là Ðoàn Dự và Vương Ngọc Yến.

Vương Ngọc Yến tuy nói rất mau và nói được khá nhiều mà vẫn còn chưa hết thì người Hư Trúc đã tung về phía Ðoàn Dự.

Ðoàn Dự la lên:

- Tiểu sư phụ! Tại hạ không làm cho sư phụ bị thương đâu!

Rồi giơ tay ra toan ẵm lấy Hư Trúc.

Vương Ngọc Yến với nhắc Ðoàn Dự:

- Thế đẩy lại rất hung mãnh, không nên đón tiếp theo bề chính diện.

Nhưng Ðoàn Dự ngoài môn Lăng Ba Vi Bộ chẳng hiểu một môn võ công nào khác. Còn môn Lục Mạch Thần Kiếm có lúc dùng được, lại có lúc không hiệu nghiệm. Vậy cũng không thể kể là một môn võ của chàng. Huống chi môn Lục Mạch Thần Kiếm lại dùng chân khí để đánh người bị thương thì không thể sử dụng để đỡ cho Hư Trúc được.

Chàng nghe Vương Ngọc Yến hô, liền di chuyển thân hình sử dụng phép Lăng Ba vi bộ.

Giữa lúc ấy, Hư Trúc cùng Ðồng Mỗ lại nhắm đúng lưng chàng mà đáp xuống.

Ðoàn Dự nghĩ thầm:

- Thế này thì hỏng bét!

Chàng liền gia tăng cước lực chạy về phía trước. Về các môn võ công khác tuy chàng chẳng hiểu tý gì, nhưng về phép Lăng Ba Vi Bộ thì chàng lại tinh thục vô cùng!

Trong khoảng thời gian chớp nhoáng này, Ðoàn Dự cảm thấy trên lưng bị đè ép cơ hồ nghẹt thở. Nhưng mỗi lần cất bước chân, luồng lực đạo trên lưng lại giảm bớt dần đi. Càng cứ thế chạy luôn một lúc hơn ba chục bước.

Hư Trúc từ trên lưng Ðoàn Dự nhẹ nhàng tuột xuống.

Hư Trúc cùng Ðồng Mỗ từ trên cao mấy trăm trượng rớt xuống, đầu tiên được Mộ Dung Phục ra chiêu Ðẩu chuyển tinh di lái chếch đi đã giảm sức mạnh được một phần. Kế đó làn da bụng nhà sư Tam Tĩnh hất lên, sau được Ðinh Xuân Thu và Cưu Ma Trí đẩy qua đẩy lại. Cuối cùng được Ðoàn Dự cõng trên lưng chạy quanh quẩn theo đường vòng vèo đến năm lần mới hạ xuống đất nên chẳng bị thương chút nào.

Hư Trúc đứng thẳng người lên tỏ lời cảm tạ nói:

- Xin cảm ơn các vị đã cứu cho!

Bỗng thấy có tiếng thở dài từ trên sườn núi vọng xuống.

Ðồng Mỗ từ lúc bị chặt chân, tuy mất máu nhiều, nhưng thần trí vẫn tỉnh táo. Mụ vừa nghe tiếng thở dài đã kinh hãi nói:

- Nguy rồi! Con tiện nhân lại đuổi tới nơi. Chắc là nó cố tìm cho thấy thi thể mình để chặt làm muôn đoạn mới hả giận. Chạy mau đi! Chạy mau đi!

Hư Trúc nghĩ đến Lý Thu Thủy lòng dạ độc ác, thủ đoạn tàn nhẫn, thì lại sợ cuống cuồng. Nhà sư vội ôm xốc Ðồng Mỗ lên nhằm chạy vào trong rừng.

Cưu Ma Trí trông bề ngoài thấy mụ đang độ xuân xanh mà lại xinh đẹp. Nhưng lúc này mụ nằm co rúm trong lòng Hư Trúc nên lão không trông rõ người mụ thấp lùn bé nhỏ. Lão cho ngay là nhà sư dắt gái đẹp chạy trốn, liền lớn tiếng hô:

- A di đà Phật! Một nhà sư chùa Thiếu Lâm không giữ quy luật tu hành, đi cưỡng đoạt phụ nữ nhà lương thiện.

Ðinh Xuân Thu quát lên như sấm:

- Thằng trọc con kia! Mi đã xéo chết một vị hoà thượng chùa Thiếu Lâm... ta phải róc xương, lột da mi mới được!

Lão phóng người chạy như bay đuổi theo. Mộ Dung Phục vừa phóng chưởng ra vừa nói:

- Ðinh lão tiên sinh! Tiên sinh cùng ta chưa phân thắng bại, muốn nhân cơ hội này để chuồn đi phải không?

Ðinh Xuân Thu tức giận nói:

- Thúi lắm! Có là con rùa mới toan bỏ trốn!

Lão đề tụ chân lực, phóng chưởng nhằm Mộ Dung Phục đánh trả.

Lý Thu Thủy theo sườn núi chạy xuống, tuy khinh công bà mau lẹ vô cùng, nhưng so với Hư Trúc rớt thẳng xuống thì bì thế nào được. Thực ra bà còn cách rất xa, nhưng Hư Trúc trong lòng sợ hãi quá, không dám dừng lại chút nào.

Hư Trúc chạy đi được hơn một trăm dặm nữa, Ðồng Mỗ đột nhiên bảo nhà sư:

- Ngươi buông ta xuống, xé áo buộc vết thương lại, đừng để có vết máu cho địch nhân biết đường mà theo dõi. Ngươi lại điểm vào hai huyệt đạo Hoàn Khiêu và Thừa Phù ba cái cho máu ngưng chảy ra nữa.

Hư Trúc đáp:

- Vâng.

Rồi làm theo lời mụ. Nhà sư vẫn để ý lắng tai nghe xem Lý Thu Thủy có động tĩnh gì không.

Ðồng Mỗ móc trong bọc ra một viên thuốc sắc vàng uống ngay rồi nói:

- Con tiện nhân kia đối với ta có một mối thù sâu tựa bể. Thế nào hắn cũng không chịu buông tha đâu. Ta còn phải bảy mươi hai ngày nữa mới hoàn nguyên được. Lúc đó thì không còn sợ gì hắn. Nhưng trong bảy mươi hai ngày này, ta trốn đâu cho được bây giờ?

Rồi mụ lẩm bẩm một mình:

- Bây giờ chỉ còn cách ẩn mình trong chùa Thiếu Lâm là hay hơn hết.

Mụ nói đến đây, Hư Trúc nghe tiếng sợ quá giật nẩy mình lên.

Ðồng Mỗ tức giận nói:

- Gã hoà thượng chết đâm này! Làm sao mà ngươi phải sợ đến thế? Từ đây đến chùa Thiếu Lâm đường xa ngàn dặm, làm sao mà tới đó được?

Rồi mụ nghiêng đầu đi nói:

- Ở đây đi thẳng về phía Tây, chỉ còn hơn trăm dặm nữa là đến nước Tây Hạ. Con tiện nhân kia có mối quan hệ sâu xa với nước này. Nếu hắn ra lệnh cho hết thảy những cao thủ trong Nhất phẩm đường chia ngả đi lùng bọn ta thì khó mà tránh khỏi độc thủ của chúng. Tiểu hoà thượng! Ngươi tính chúng ta trốn đi đâu cho phải?

Hư Trúc đáp:

- Chúng ta hãy lánh mình trong những sơn động tại nơi rừng sâu núi thẳm thì trong vòng bảy tám chục ngày vị tất lệnh sư Muội đã tìm được đến nơi.

Ðồng Mỗ nói:

- Ngươi chẳng biết cóc gì cả. Con tiện nhân đó mà không tìm được chúng ta thì nhất định nó đến nước Tây Hạ gọi đàn chó săn hơn bảy ngàn con chó ngao thính mũi vô cùng, bất luận chúng ta nấp ở đâu thì đàn súc sinh đó cũng tìm được lôi về.

Hư Trúc nói:

- Vậy thì chúng ta chạy về ngả Ðông Nam, càng xa nước Tây Hạ chừng nào càng tốt chừng ấy.

Ðồng Mỗ hắng giọng nói:

- Con tiện nhân kia rất nhiều tai mắt. Ngả Ðông Nam chắc thị đã bố trí rất nhiều người ngựa.

Mụ trầm ngâm một chút rồi đột nhiên vỗ tay nói tiếp:

- Tiểu hoà thượng ơi! Ðược rồi! Thế cờ bí hiểm bữa trước ngươi phá được đó, nước đầu tiên tuyệt diệu ở chỗ nào?

Hư Trúc đang gặp lúc vô cùng nguy ngập, còn đầu óc nào mà nghĩ đến cách bình luận thế cờ. Nhà sư liền đáp:

- Tiểu tăng nhắm mắt đặt liều con cờ xuống, thế nào lấp mất lối thoát của bên mình, đến nỗi bị chết mất cả phân nửa quân.

Ðồng Mỗ cả mừng nói:

- Phải rồi! Mấy chục năm nay biết bao nhiêu bậc thông minh tài trí gấp trăm ngươi mà chẳng ai phá nổi thế cờ bí hiểm. Ðó chỉ vì lý do trông đường chết nên chẳng ai dám lần vào. Tiểu hoà thượng! Ngươi cõng ta lên ngọn cây và mau mau chạy về phía Tây, thế là tuyệt diệu.

Hư Trúc hỏi:

- Bây giờ chúng ta định chạy tới đâu?

Ðồng Mỗ đáp:

- Chúng ta đi đến nơi cực kỳ nguy hiểm mà không ai ngờ tới. Nhưng có đặt mình vào tuyệt địa thì mới sống được. Chúng ta cần phải mạo hiểm một phen.

Hư Trúc nhìn vết thương ở chân mụ, buông một tiếng thở dài rồi lẩm bẩm: - Mụ đã không đi được nữa, mình chẳng mạo hiểm thì cũng không còn cách nào khác.

Nhà sư thấy Ðồng Mỗ bị thương trầm trọng, nên chẳng quan tâm về điều kiêng kỵ nam nữ thọ thọ bất thân nữa, rồi nhà sư cứ đi theo phương hướng của Ðồng Mỗ chỉ bảo, nhìn về hướng Tây mà chạy.

Nhà sư chạy một hơi liền hơn mười dặm, chợt nghe có thanh âm uyển chuyển từ đằng xa vọng lại gọi:

- Tiểu hoà thượng! Tiểu hoà thượng té xuống đất chết chưa? Sư tỷ ơi! Sư tỷ ở chỗ nào? Tiểu Muội nhớ sư tỷ vô cùng! Mau mau ra đây với tiểu Muội!

Hư Trúc nghe rõ là thanh âm Lý Thu Thủy thì sợ hãi quá hai chân nhũn ra, thiếu chút nữa từ trên ngọn cây té xuống.

Ðồng Mỗ cất tiếng mắng:

- Gã tiểu hoà thượng vô dụng này! Sao mà ngươi ngu ngốc thế? Có điều gì đáng sợ đâu? Ngươi không nghe thấy tiếng con tiện nhân đã gọi mỗi lúc một xa. Như vậy có phải hắn đang rượt theo về phía Ðông mà mình đang chạy đây là về phía Tây không?

Hư Trúc để ý lắng tai nghe, quả nhiên tiếng gọi của Lý Thu Thủy mỗi lúc một xa dần. Nhà sư lại càng bội phục Ðồng Mỗ là người khôn ngoan tinh tế. Y ngập ngừng hỏi:

- Bà ấy... sao bà ấy biết chúng ta trên sườn núi cao rớt xuống vực thẳm sâu hàng trăm trượng mà chưa chết?

Ðồng Mỗ đáp:

- Dĩ nhiên là có kẻ hớt lẻo với hắn! Hừ! Lại tên tiểu quỷ Ðinh Xuân Thu chứ còn ai? Mỗ mỗ đã dự bị sẵn cho hắn một viên Ðoạn cân hủ cốt hoàn đây rồi!

Hư Trúc thấy Ðồng Mỗ kêu Ðinh Xuân Thu bằng tên tiểu quỷ không khỏi lấy làm lạ. Nhưng nhà sư nghĩ lại: Sư phụ Ðinh Xuân Thu là Vô Nhai Tử còn là sư đệ mụ thì mụ có gọi lão bằng tiểu quỷ cũng chẳng có chi là trái ngược.

Nhà sư hỏi:

- Có đúng là Ðinh Xuân Thu không?

Ðồng Mỗ đáp:

- Trừ thằng giặc non đó, còn ngoài ra đều là bọn hậu sinh tiểu bối, có ai nhận biết được ta đâu?

Mụ ngẫm nghĩ một lát rồi nói tiếp:

- Mấy chục năm nay, mỗ mỗ chỉ ở trên núi Phiêu Diễu, không hạ sơn lần nào, thành ra không biết võ học trên đời ngày nay tiến triển mau lẹ là thế! Mấy thằng lỏi nhỏ tuổi đó mà kiêm thông cả hai mặt nội công và chúng đều là những cao thủ cả. Gã thanh niên công tử kia biết cách hoá giải thế mạnh của chúng ta từ trên cao rớt xuống. Gã dùng phép Bốn lạng đẩy ngàn cân phóng chưởng ra mượn sức người để hất đi đã đến độ xuất thần nhập hoá. Thế rồi nhà sư đứng tuổi dường như là một nhân vật có danh vọng tại nước Thổ Phồn. Thế rồi lại một anh chàng nữa không hiểu là ai mà lại biết phép Lăng Ba vi bộ...

Mụ tự hỏi để mình nghe chứ không hỏi gì đến Hư Trúc.

Hư Trúc cũng sợ Lý Thu Thủy đuổi kịp, nên chỉ đề khí cắm đầu chạy lấy được, chẳng buồn để vào tai những lời bình luận của Ðồng Mỗ.

Bấy giờ Hư Trúc đã chạy dưới đất bằng rồi mà vẫn phải tìm những lối đi nhỏ hẹp mà xông pha.

Ðêm đến hai người ngủ lại trong bụi cỏ rậm chốn rừng sâu. Sáng hôm sau lại đi sớm.

Ðồng Mỗ vẫn trỏ về phía Tây mà chạy.

Hư Trúc chợt nhớ ra hỏi:

- Tiền bối! Tiền bối bảo cứ chạy về phía Tây thì chẳng bao lâu nữa mình sẽ chạy vào địa phận nước Tây Hạ thì làm thế nào? Tiểu tăng tưởng chúng ta đừng nhằm phía Tây mà chạy nữa.

Ðồng Mỗ cười lạt hỏi:

- Tại sao chúng ta không nên chạy về phía Tây?

Hư Trúc đáp:

- Vạn nhất mình lần mò vào địa phận nước Tây Hạ, há chẳng phải tự chui đầu vào bẫy hay sao?

Ðồng Mỗ nói:

- Chỗ ngươi đang chạy đây cũng là bờ cõi nước Tây Hạ rồi đó...

Hư Trúc thất kinh la hoảng:

- Sao? Chỗ này là đất nước Tây Hạ rồi ư? Tiền bối đã hiểu... bà Lý Thu Thủy có thế lực rất lớn ở nước Tây Hạ kia mà?

Ðồng Mỗ cười đáp:

- Phải rồi! Tây Hạ là nơi con tiện nhân đó mặc sức hoành hành không còn uý kỵ gì nữa. Hắn muốn làm mưa làm gió thế nào cũng được. Vậy mà chúng ta cứ đến thẳng nơi trọng địa của hắn mới là diệu kế. Vì không khi nào hắn đoán ra được mình xâm phạm vào khu vực của hắn. Hắn cứ việc đi khắp nơi mà tìm mà kiếm. Có ngờ đâu mình vẫn ngồi yên ổn trong sào huyệt của hắn để tu luyện?

Mụ nói đến đây rất lấy làm đắc ý, bật lên một tràng cười khanh khách, rồi nói tiếp:

- Tiểu hòa thượng ơi! Ðây là ta đã học được `phương pháp tuyệt diệu của ngươi đó. Một nước cờ rất ngu ngốc chẳng hợp tình hợp lý chút nào mà lại thành ra nước cờ cao nhất.

Hư Trúc trong lòng rất bội phục, cất tiếng khen:

- Tiền bối liệu việc như thần, quả nhiên không ai biết đâu mà lường được. Có điều...

Ðồng Mỗ hỏi:

- Có điều làm sao?

Hư Trúc đáp:

- Nơi trọng địa của Lý Thu Thủy chỉ sợ có người khác. Nếu mình bị bọn họ khám phá ra hành tung bí mật thì...

Ðồng Mỗ đằng hắng ngắt lời:

- Nếu là chỗ không có ai thì sao gọi là mạo hiểm được? Có dấn thân vào chỗ cực kỳ gian nan nguy hiểm mới đáng mặt nam tử, mới là hành vi của bậc đại trượng phu.

Hư Trúc lẩm bẩm:

- Giả tỷ vì việc cứu nhân độ thế thì dù dấn thân vào nơi nguy hiểm mới xứng đáng. Nhưng đây cả mụ lẫn Lý Thu Thủy thì kẻ tám lạng người nửa cân chẳng ai kém ai và toàn là phường bạc ác bất nhân. Mình cứ mạo hiểm cho mụ thì thật hoài công vô ích!

Ðồng Mỗ thấy vẻ mặt Hư Trúc ra chiều phân vân, dường như có ý hối tiếc công trình, mụ đoán ra ý nghĩ của y liền nói:

- Ta đã bảo ngươi mạo hiểm cho ta thì ngươi cũng được đền bồi, chứ có để ngươi khó nhọc một cách vô ích đâu. Rồi đây ta sẽ dạy cho ngươi ba đường chưởng pháp, sáu đường cầm nã. Hai môn này hợp lại gọi là Thiên Sơn chiết mai thủ.

Hư Trúc nói:

- Tiền bối bị trọng thương chưa khỏi, chẳng nên phí sức nhọc lòng, hãy nghỉ ngơi ít lâu là hơn.

Ðồng Mỗ đảo hai mắt nhìn nhà sư rồi nói:

- Ngươi có điều hiềm nghi là công phu của ta thuộc bàng môn tả đạo nên không muốn học phải chăng?

Hư Trúc ấp úng đáp:

- Cái đó... cái đó... vãn bối không có ý nghĩ như vậy đâu. Tiền bối đừng hiểu lầm!

Ðồng Mỗ nói:

- Thiên Sơn Ðồng Mỗ trước nay chẳng chịu làm việc gì chỉ ích cho mình mà để thiệt cho người. Ta dạy võ công cho ngươi cũng vì được việc cho ta. Bởi lẽ ta phải mượn tay ngươi để chống ngăn cường địch. Ngươi mà không chịu học sáu đường Thiên Sơn chiết mai thủ thì tất sẽ phải bỏ mình ở nước Tây Hạ. Tiếng tăm của một gã tiểu hoà thượng bị tiêu diệt ở Tây Hạ thì có chi đáng kể, nhưng mỗ mỗ cũng không thể sống được thì sao?

Hư Trúc liền đáp:

- Xin vâng lời tiền bối!

Nhà sư thấy Thiên Sơn Ðồng Mỗ chẳng thiện lương gì, có điều mụ nghĩ sao nói vậy, kể cũng là một hạng chân tiểu nhân quang minh lỗi lạc, còn hơn hạng nguỵ quân tử giả dối.

Lúc ấy Ðồng Mỗ đem khẩu quyết về chưởng pháp đầu tiên trong môn Thiên Sơn chiết mai thủ ra truyền thụ cho Hư Trúc.

Bài khẩu quyết này có mười hai câu, mỗi câu bảy chữ, tổng cộng là tám mươi tư chữ.

Hư Trúc học thuộc rất mau. Ðồng Mỗ chỉ đọc một lượt là y nhớ được ngay.

Ðồng Mỗ nói:

- Ngươi cõng ta trên lưng nhằm phía Tây mà chạy, vừa chạy vừa đọc lại bài khẩu quyết.

Hư Trúc làm theo lời mụ. Không ngờ mới đọc được ba chữ đầu đến chữ thứ tư là chữ phù thì không sao thốt ra được. Nhà sư dừng bước lấy lại hơi mới đọc lên được.

Ðồng Mỗ giơ chưởng lên đập vào đỉnh đầu y rồi mắng:

- Gã tiểu hoà thượng này tồi quá! Mới câu đầu mà đã đọc không ra.

Tuy mụ không đập mạnh lắm nhưng trúng vào huyệt Bách Hội nhà sư.

Hư Trúc lạng người đi một cái và cảm thấy đầu óc choáng váng. Y đọc lại bài khẩu quyết đến chữ thứ tư thì lại bị vấp.

Ðồng Mỗ lại đập nhà sư một chưởng nữa.

Hư Trúc rất lấy làm kỳ tự hỏi:

- Tại sao mình cứ đọc đến chữ phù là bị vấp không nói ra được?

Nhà sư đọc tới lần thứ ba, vừa đề tụ chân khí xong, chững phù đã bật ra khỏi miệng luôn.

Ðồng Mỗ cười nói:

- Tốt lắm! Thế là đã qua được một cửa rồi!

Nguyên bài khẩu quyết này mỗi câu gồm toàn những chữ trúc trắc khó đọc. Câu thì bảy chữ bằng liền, câu thì bảy chữ vần trắc, không ăn nhịp với sự hô hấp của mọi người. Ngay lúc bình tâm trí đọc lên còn khó thay, huống chi nhà sư vừa chạy vừa đọc nên càng khó phát âm hơn nữa. Học bài khẩu quyết này thực ra là một phương pháp để điều hoà chân khí.

Ðến giờ ngọ, Ðồng Mỗ bảo Hư Trúc đặt mụ xuống, mụ cầm viên đá nhỏ búng ngón tay trỏ vào một cái cho bắn lên không trung trúng một con quạ rớt xuống để bắt lấy uống huyết tươi, rồi mụ ngồi luyện môn Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn.

Ta nên nhớ rằng Ðồng Mỗ lúc này đã khôi phục công lực bằng lúc mười tám tuổi. So với Lý Thu Thủy mụ chưa vào đâu thế mà mụ búng ngón tay đã đủ sức mạnh bắn được con quạ rơi xuống một cách dễ dàng.

Ðồng Mỗ luyện công xong bảo Hư Trúc cõng mình lên và đọc bài khẩu quyết.

Nhà sư đọc xong xuôi rồi, mụ bảo y đọc ngược lại.

Bài khẩu quyết này đọc xuôi cũng đã khó khăn, phải cong lưỡi chúm miệng mới phát âm được. Ðọc ngược lại thì làn hơi cũng đi ngược đường phải cuộn lưỡi lên và rít hai hàm răng lại, đâu phải chuyện dễ dàng. Nhưng Hư Trúc là người nghị lực có thừa nên học chưa đến tối đã đọc được chẳng khó khăn gì. Nhà sư đọc bài khẩu quyết này bất luận đọc xuôi hay đọc ngược đều rõ ràng minh bạch.

Ðồng Mỗ rất mừng nói:

- Tiểu hoà thượng! Thế là được rồi!

Rồi đột nhiên mụ la hoảng:

- Úi chao!.... Úi chao!...

Thanh âm mụ biến đổi khác thường. Hai tay mụ nắm chặt lấy đầu Hư Trúc vừa lắc vừa đánh. Mụ quát mắng om sòm:

- Thằng giặc vô lương tâm này! Ngươi... ngươi... Nhất định ngươi đã làm trò đồi bại với con tiện nhân kia rồi. Ngươi còn định che mắt ta, lừa gạt ta ư? Trời ơi!...

Hư Trúc cả kinh, cái đầu trọc của nhà sư bị mụ đánh xuống mười mấy cái. Nhà sư cả kinh vội buông mụ xuống hỏi:

- Tiền bối! Tiền bối... bảo sao?

Mặt Ðồng Mỗ trở nên tím bầm, mụ hét lên:

- Mi cùng con tiểu nhân Lý Thu Thủy đã tư thông với nhau rồi phải không? Mi còn có cãi nữa thôi? Mi đã chịu thừa nhận hay chưa? Nếu không thế thì làm sao nó đem Tiểu vô tướng công truyền cho mi? Mi... mi làm cho ta đau khổ biết chừng nào...!

Hư Trúc xoa đầu hỏi lại:

- Tiền bối! Tiểu vô tướng công là cái gì?

Ðồng Mỗ thộn mặt ra rồi định thần lại, lau ráo nước mắt thở dài nói:

- Không có chuyện chi cả. Sư phụ ngươi đối với ta không tốt.

Nguyên Hư Trúc lúc đọc bài khẩu quyết, nhiều chỗ khó khăn mà y đọc rất lưu loát. Nhất là lúc đọc ngược lại, lại càng trôi chảy. Ðồng Mỗ sực nghĩ ra và tưởng nhà sư đã tập luyện môn Tiểu vô tướng thần công. Tuy mụ cùng Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy ba người cùng học một thầy, nhưng mỗi người có một tuyệt nghệ riêng và sở học của ba người có nhiều điểm không giống nhau. Môn Tiểu vô tướng thần công, sư phụ chỉ truyền cho một mình Lý Thu Thủy. Ðó là một môn thần công lợi hại vô cùng! Ðồng Mỗ đã mấy lần định gia hại Lý Thu Thủy mà không thành công vì là bà ta có môn tiểu vô tướng công.

Ðồng Mỗ tuy không hiểu môn này, nhưng diệu dụng của nó thế nào mụ đã biết hết. Bây giờ mụ phát giác ra trong người Hư Trúc chẳng những có thần công này mà công lực lại rất thâm hậu. Lúc mụ vừa kinh hãi vừa ghen tức nên thần trí mê loạn, tưởng Hư Trúc là Vô Nhai Tử nên mụ cứ đánh nhà sư hoài. Sau tâm thần mụ tỉnh lại, mụ nhớ tới Vô Nhai Tử đã phản bội mình, tư thông cùng với Lý Thu Thủy rồi cấu kết với nhau.

Nghĩ tới đó, Ðồng Mỗ vừa căm giận, vừa tự thương thân mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx