sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

Chiếc Uoát do Đích lái vừa nổ máy, rẽ ra quốc lộ 7, ông Quyết Định đã quay lại băng ghế sau với Toàn:

- Tối qua, ở văn phòng các cậu họp nhau làm gì mà ầm ĩ đến khuya thế? Mười hai giờ, tớ xách đèn bão từ trên nhà Thường vụ đi xuống vẫn còn thấy cậu Đồng nói choang choang như chuông đồng ấy.

Đích đánh một vòng cua nhẹ, nhếch mép, hé chiếc răng nanh bịt vàng:

- Chín giờ tối, thấy ùm ũm ở ngoài ngòi, em chạy xuống còn thấy ông Đồng đang lặn ngụp nhấc cụp. Được con trắm đến ba cân. Chắc các cụ lại xíu dề rồi họp hội tổ tôm. Ông Đồng trông lẻo khẻo vậy mà khỏe gớm đấy.

Ông Quyết Định quay sang Đích, gật đầu:

- Cậu Đồng hồi còn trẻ đẹp phong trần lãng tử lắm! Năm bốn sáu, tớ một thân một mình đại diện Việt Minh cưỡi ngựa vào Pha Linh, vùng đất của thổ ty La Văn Đờ, người quen và là cơ sở đầu tiên chính là cậu Đồng đấy. Không có cậu ta thì hồi đó mình gặp nguy, mà Pha Linh cũng chẳng thành lập được chính quyền cách mạng. Còn nhớ, cậu ấy đội cái mũ nan rộng vành, mặc áo lanh khuy vải, quần rộng, xắn ống cao, chân đi hải xảo, ngang tàng, oai vũ hệt một trang hảo hán. Quê ở Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ, đất khoa bảng nổi tiếng. Đồng lên đất này ở với ông bác từ hồi còn là chú thiếu niên. Ông bác mất. Tự lực sống bằng đủ nghề. Quen thung thổ. Thông hiểu cổ sử. Chữ Hán giỏi. Tiếng Mông, tiếng Quan, tiếng Dao, cả tiếng Phù Lá, U Ní cũng thạo.

Đường mới rải cấp phối, xe đi nhiều, đã xuất hiện ổ gà. Lá ngụy trang lòa xòa tỏa bóng mát dịu trước kính xe. Mặt ông Quyết Định trầm trầm trong hồi ức. Đích liếc ngang sang phía ông Quyết Định, nhẩn nha:

- Mỗi ông trợ lý một tính một nết. Ông Duyễn vốn hương sư thì vui vẻ cẩn thận. Ông Bình thì hiền lành dễ dãi. Ông Căn đúng là phong thái ông thợ cạo, thung dung, đĩnh đạc, tỉ mẩn, thóc mách. Sắc sảo, nói năng vừa thâm nho vừa ngang tàng bạo miệng thì phải là ông Đồng.

Toàn nghĩ, chân dung ông Đồng đẹp quá trong hồi ức của ông Quyết Định. Còn bây giờ thì đúng là ông Đồng có tầm kiăn, có nghĩa khí, ăn nói bạo tợn, và thâm thúy thật. Vẻ như trong đời, ông đã gặp phải nhiều điều bất như ý, có lắm khúc mắc, không thuận chiều, nên mới sinh ra thất chí, nhưng mà là cái thất chí của kẻ rất có ý thức về giá trị của mình. Nghe ông ví mình như Lạn Tương Như trong tích chuyện với Liêm Pha thời Đông Chu bên Tàu, Toàn đoán chừng ông với ông Văn Hiến quan hệ đã có trục trặc, nhưng cũng phải công nhận rằng ông là con người bộc trực, thẳng thắn, có chính kiến rõ ràng. Thì đấy, chính là ông đã khảng khái bảo vệ ý kiến của mình trước ông Văn Hiến đó thôi! Ông còn dám ví ban Thường vụ tỉnh ủy Hoàng Liên như bầy ngựa kéo cỗ xe năm ngựa! Rồi lại còn điểm mặt từng con, chỉ ra từng khuyết tật của mỗi con; trừ ông Quyết Định ra, còn thì chê bai tất. Người ta vẫn thường nói, muốn biết cấp trên thế nào, chỉ cần hỏi anh cần vụ. Nhưng nghe ông Đồng, ông Bình, ông Căn, ông Duyễn vừa ăn xíu dề cá vừa bình phẩm từng ông Thường vụ, thì Toàn nửa tin nửa ngờ. Căn cứ vào kỳ hình dị tướng để đặt ra các hỗn danh châm chọc, hoặc dựa vào đôi ba nét yểu nhược để quy kết thành một tính cách, thói thường xưa nay vẫn vậy. Đám các ông trợ lý phải chăng cũng không ra khỏi vòng quy tắc nọ?

Tuy vậy trong cái xô bồ phổ biến thường quy ấy, Toàn vẫn có thể lọc ra được đôi ba nét phác thảo về từng người, từng nhân vật của cuốn sách từ nay anh sẽ phải đọc ngày ngày. Với ông Quyết Định thì vẫn là một ấn tượng tốt đẹp ngay từ buổi đầu về sự từng trải vững vàng, đẹp đẽ một cách oai vệ, như hình ảnh ông một mình một ngựa đi vào sào huyệt của đối phương ngày nào. Kể cả mối tình của ông với Yên. Một mối tình giữa giai nhân và anh hùng, đẹp lãng mạn đến kỳ lạ. Lấn cấn chăng là gần đây có giáo Cầu được Ty Giáo dục cử sang dạy bổ túc hết chương trình văn hóa cấp hai cho ông, lại có ý bờm xơm với Yên và nghe nói, với tâm hồn trẻ trung ưa bay bướm, đã có lúc Yên tỏ ra thích thú chiều chuộng y.

Tất nhiên, được nói đến với thái độ chê bai quyết liệt không phải là ông Quyết Định. Mà là ông Văn Hiến. Ông Văn Hiến xuất thân cố nông, chuyên cày thuê cuốc mướn, vóc hình còi cọc xấu xí, mắt có lẹo lại ngưỡng thiên chỉ địa, chỉ là gã thanh niên nông dân lên khai hoang ở huyện Pa Kha, rồi lân la anh được giữ chân cắt cỏ ngựa, rồi làm giám mã, tức giữ chức Bật mã ôn ở huyện đội từ hồi ông Căn còn làm bí thư huyện ủy ở đây. Tựu trung, ông này chỉ là một anh chàng cố nông láu cá, tinh ma, biết tranh thủ cơ hội.

Gây cười cho mọi người là hai ông Lanh và Đình. Ông Lanh được gọi là Ké Lanh người Tày Lạng Sơn. Theo cách mạng từ năm 1945, xuất thân cán bộ xã, là con ngựa thứ tư kéo cỗ xe. Ông này phụ trách công tác tuyên huấn. Tuyên huấn nhưng nhạt nhẽo lắm. Ông Đình thiếu tá vừa được bổ sung thường vụ, là con ngựa thứ năm. Mặt mũi thì sáng sủa vậy mà sao đần quá! Cũng ề à như ông Ké Lanh, nhưng lại còn tật nói lắp. Chẳng bao giờ có chính kiến riêng. Toàn nói dựa. Tội nghiệp nhất là nghe ông đọc diễn văn. Ông đọc như trẻ con tập đánh vần chẳng biết chấm phẩy là gì. Bài đáng đọc hai mươi phút ông kéo dài cả tiếng. Có lần, bài nói của ông do Duyễn viết, cô Tình đánh máy vô ý để kẹp díp hai tờ cùng số trang. Ông cứ thế đọc lặp lại mà không hay biết.

Những điều thu nhận được sau buổi trò chuyện ăn xíu dề cháo cá với mấy ông kỳ cựu ở văn phòng, đối với Toàn thật lạ lùng. Nhưng Toàn nghĩ, có lẽ ông Quyết Định đều đã được biết tất cả. Tai vách mạch rừng. Thêm nữa, Kiến phó văn phòng phụ trách nhà ăn là anh trống khẩu, tếu táo, chắc đã toang toác đây đó rồi. Và ông Căn, ông Đồng đâu có phải là những kẻ biết dè giữ, nể nang ai. Tuy vậy, chắc chắn là ông bí thư không thể biết hết chuyện Toàn đã nghe đêm qua. Chắc chắn là thế. Vì từ lúc sáng, Đồng đi sang tòa án để nắm tình hình về báo cáo Thường vụ, đã kín kín hở hở dá dênh cho mọi người biết là vừa có một vụ việc kỳ quái xảy ra, nhưng vẫn ập ờ khất lần chứ đã nói ra đâu>

Đêm qua cũng vậy. Mãi tới khi buổi cháo cá sắp tàn để chuyển sang họp hội tổ tôm, ông Căn, ông Bình giục giã mãi, ông Đồng mới e hèm, dọn giọng. Thì ra công an huyện Yên Bình vừa bắt được một cái cặp da ở nhà khách của huyện ủy. Cái cặp là của một cán bộ tầm cỡ ở tỉnh ta. Mở cặp ra, ngoài những vật tùy thân một anh cán bộ đi công tác thường mang theo như: bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng, khăn mặt... còn có một cái bọc giấy. Mở bọc giấy ra thì thay bốn cái quần lót nữ. Bồn cái xi líp đàn bà thêu tên Cúc, Huệ, Hồng, Lan.

Trời! Nghe tiếng kêu vừa bàng hoàng vừa thích thú của các ông Duyễn, Bình, Căn, Toàn thấy cánh tay rơn rởn nổi da gà.

Chắn ngang đường là một dòng suối đục lờ chảy êm ru. Lần chần tí chút như đắn đo, Đích cho chiếc Uoát sục mũi xuống dòng nước, rồi đổi chiều, hất ngược lên, sục sặc quay tít bốn bánh, vượt chéo sang bờ bên. Rồi tiếp đó sang số, bám mặt đường trơn nhuội nhớt nhát, bắt đầu leo dốc. Con dốc không ngờ dài quá. Nhưng, rất may, vừa lúc có cảm giác chiếc Uoát hết hơi, lực cạn thì bốn bánh của nó đã nằm trên một chiều phẳng ngang bằng.

Cao nguyên phẳng lì miên man như một phẩm vật thiên nhiên kỳ lạ, đã hiện ra trước kính xe. Cảnh trí đã đổi hoàn toàn. Không còn những cánh rừng hỗn giao giữa tre nứa và bụi cây tầm thấp ướt át sũng nước. Không còn những thung lũng chật hẹp toen hoẻn mấy khoanh ruộng mạ vàng úa. Không còn những khe hẻm đột ngột xuất hiện và những con suối đục ngầu đổ nước ào ào. Trước mắt Toàn, đất đai rộng dài, tít tắp, thông thoáng. Trần mây đột ngột chuyển đổi thành xanh thắm. Trời sáng choang trong ánh nắng thu rung rinh hơi gió. Tạt vào cửa xe làn gió mang mùi đồng cỏ tươi non rười rượi hiền hòa, thân mật.

Chiếc xe như con tuấn mã gặp ngọn gió phóng khoáng hí rờn tăng tốc. Đích đưa mắt sang trái sang phải liên tục, sục sạo tìm kiếm. Còn ông Quyết Định, thì lạ chưa, ông như đã thoát khỏi cái vẻ trầm mặc thường thấy khi ngồi trên xe. Nhấp nhổm trên ghế xe, ông nhăm nhăm nhìn về phía trước. Phía trước ông, những khu đồng trồng đậu tương đã vào mùa quả chín.

- Đỗ lại! Đỗ lại! Đích!

Cuối cùng thì ông Quyết Định không thể kìm được nữa. Chiếc Uoát đứng khựng. Ông bật cửa xe, nhảy ngay xuống và xăm xăm bước vào một mảnh ruộng đậu tương rùm ròa rậm rạp ngay bên dệ đường. Ràn rạt ràn rạt, đậu tương lúc lỉu từng chùm quả trĩu nặng quệt vào ống quần ông.

- Tốt quá! Đậu tương năm nay sai quả quá!

Ông reo khe khẽ. Dang hai tay, ông đưa mắt nhìn quanh. Quanh ông, bên trái bên phải, và xa tít, là đậu tương đang vào mùa kết quả. Tràn ra, lênh láng quanh ông là sắc vàng của đậu tương chín, của tạo vật đang cố gắng tự thể hiện sự sung mãn của mình.

- A lúi! Đầy no! Tốt quá! Thắng lợi rồi!

Ông thì thầm như nói với chính mình bằng thứ tiếng Tày mẹ đẻ. Rồi ngồi thụp xuống, ông nâng trên tay từng chùm quả vàng. Thầm thào, ông đếm Nâng, thoong, tham, thí, hả, xốc, chất... Một, hai, ba, bốn, năm, sảy... Như sợ không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, ông đếm số quả trên một cây đậu bằng chính thứ tiếng Tày mẹ đẻ của ông. Rồi ông nâng cả chùm quả trân trọng như thứ vật phẩm vừa được đấng tối cao là thiên nhiên ban tặng, đứng dậy. Tiếng ông vang vang giữa khu đồng:

- Toàn ơi, lại đây mà xem, đậu tương mùa này của chúng ta thắng to rồi!

Đậu tương! Ôi! Đậu tương! Thứ quả hiền lành vậy mà với ông chức phận nó mang sao lại cao cả thế! Đậu tương! Đậu tương! Nó là thực phẩm, là lương thực chống lại cả một mùa băng giá ở vùng cao. Nó giúp nông dân biến ruộng một vụ thành hai vụ. Nó là thứ cây diệt đói trừ nghèo. Nó là thứ cây duy nhất có khả năng thay thế cây thuốc phiện độc tôn thống ngự cả chục thế kỷ ở vùng đất giá lạnh này. Đậu tương! Nó là thứ cây kỳ diệu, với bộ rễ có nốt u sần có khả năng biến oxy thành nitơ bồi bổ cho đất. Và như vậy ngoài giá trị thương phẩm, nó còn có khả năng cải tạo đất đai bạc màu. Đậu tương! Nỗi lao tâm khổ tứ bao năm nay của ông. Niềm mơ ước vàng! Khát vọng vàng của ông. Của toàn Đảng bộ. Và, sau bao năm thử nghiệm ở không biết bao vùng đất khác nhau, thất bại có thành công có, sau bao nhiêu là hồi hộp, lo âu, để bây giờ thu được thắng lợi mỹ mãn trên đồng ruộng đại trà ở Bản San này, thì cơ hội mở rộng ra ở tất cả các xã vùng cao coi như đã nắm chắc trong tay rồi. Và như vậy thì chỉ ít lâu nữa thôi, tất cả đất đai vùng cao khốn khó từ tiền kiếp của tỉnh nhà sẽ bước một cuộc hóa thân vĩ đại, sẽ mở ra một hoạt cảnh tưng bừng của lễ hội!

Trong giây lát, quay lại nhìn ông, Toàn như rơi vào trạng thái mê hoặc.

Gió đồng tạt vào ông. Mái tóc muối tiêu hất ngược. Mặt ông ngây ngây. Hai con mắt lấp láy trẻ thơ của ông sáng láng bừng ngộ. Tồn thông hội với cơ cấu tự nhiên vô thức, đang mê man giữa ánh vàng mùa quả chín, ông, cái hình thể thô mộc mang thiên chất bẩm sinh là có sức gợi ảo giác chập chờn cho Toàn từ buổi nghe ông kể chuyện một mình một ngựa đi thuyết phục các thổ ty, tới buổi ông một mình một ý tưởng đứng trên diễn đài tổng kết Hội nghị Mường Thông, lúc này hiện lên với phong nghi, tài khí đẹp vô cùng!

Có tiếng ngựa hí rộn rã đâu đây. Ngửng lên, ông Quyết Định và Toàn nhìn thấy một bóng ngựa hồng từ một bản nhỏ phía bên tay phải đang phi tới. Và thoáng cái, vừa ngửi thấy mùi mồ hôi ngựa, hai người đã thấy một con ngựa hồng hai tuổi yên cương bóng lọng dừng vó ngay trước mặt mình, rỗi một người đàn ông mặc áo xám quần đen đội mũ cát két từ trên mình ngựa nhảy xuống.

- Chào chủ nhiệm Voòng Chí Nình!

- Chào đồng chí Quyết Định! Chúng em nhận được điện từ O Tròn. Mời đồng chí lên ngựa. Đậu tương của chúng em lan rộng đến tận chân núi Cô Tiên rồi. Phải đi ngựa mới thấu đấy.

Thành thạo và vui vẻ, ông Quyết Định nhận sợi giây cương từ tay chủ nhiệm Nình. Con ngựa non, da hồng, bờm vàng, bụng thon, móng guốc đen bóng sạch sẽ như tranh vẽ dậm chân, brừ brừ một hơi. Rồi quay đuôi. Mặt ông Quyết Định bừng men đỏ hồng:

- Chào các đồng chí! Mình đi một lát nhé!

Con ngựa hí vang một hồi rồi cất vó. Rạp mình xuống bờm ngựa, toàn thân người bí thư thả lỏng, hòa hợp, mềm mại chuyển động theo nhịp phóng nước đại của con vật.

Toàn đứng lặng. Bó Quyết Định trên mình ngựa lồng lộng trong sắc vàng như kim nhũ của mùa đậu tương đang chín tới. Ông Quyết Định đang tái tạo hình ảnh mình một mình một ngựa ngày nào hào hùng và lãng mạn. Hai mươi tuổi, một mình một ngựa, đương đầu với đủ các thế lực chống phá cách mạng. Hai mươi tuổi đã đứng đầu một tổ chức cách mạng ở một tỉnh thượng du. Hai mươi tuổi đã đảm trách công việc quốc gia hệ trọng, gánh vác việc đại sự có quan hệ đến hưng vong của phong trào cách mạng cả một địa bàn. Một mình một ngựa! Một tuổi trẻ, một chiến mã, một lý tưởng cao cả, một sự nghiệp huy hoàng! Vị thống lĩnh tối cao của đạo quân hỗn hợp Tày, Nùng, Dao, Mông ba nghìn người, mở đột phá khẩu đánh tan bọn quân quan Quốc Dân đảng đang co cụm ở thị trấn Hoàng Liên biên giới. Rồi lập chính quyền liên hiệp. Rồi tổ chức Tuần lễ vàng. Rồi mở chiến dịch chống giặc dốt, giặc đói. Rồi tổ chức tiêu thổ kháng chiến, đón đánh đạo quân xâm lược Pháp từ bên kia biên giới trở về. Rồi trước thế giặc mạnh đành làm cuộc rút lui chiến lược trở thành bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch tỉnh lưu vong trên đất tỉnh bạn, ngày đêm ra sức xây dựng lực lượng để trở về giải phóng tỉnh nhà lần thứ hai.

Hợp tác xã toàn xã Bản San của chủ nhiệm Voòng Chí Nình chiêu đãi bí thư tỉnh ủy, Toàn và lái xe Đích một bữa cơm thức ăn được chế biến hoàn toàn từ đậu tương. Thoạt tiên cầm cốc sữa đậu nành thơm mát do chủ nhiệm hợp tác xã đưa, Toàn đã thích rồi. Tuy nhiên, tiếp đó, vào bữa, Toàn mới thật sự ngạc nhiên. La liệt trên mặt bàn là hạt đậu tương qua tay chế biến tài tình của con người đã hóa thân thành đủ các món thức ăn. Đậu phụ thì Toàn đã biết. Có thể luộc, nướng, kho rán, rim. Tương đậu nành thì Toàn cũng đã biết, ngọt và thơm lắm. Lạ ming là giá đậu tương dai nhách nhưng nhai lâu thì thấy bùi bùi. Canh giá đậu cũng vậy. Lạ miệng nữa là món đậu phụ nhự. Chà, miếng đậu phụ xắt quân cờ, rắc men trộn ớt, phơi nắng cho se mặt rồi ủ, ăn với cháo vừa ngậy vừa bùi sao mà hợp khẩu vị thế! Lạ nữa là tầu xì, hột đậu xay, rồi pha trộn gia vị, ủ thành một thứ thức ăn mằn mặn cay cay, bùi bùi, ngầy ngậy, rất khoái khẩu. Ấy là chưa kể đậu nhồi thịt, đậu xào giá, đậu rán trộn trứng gà.

Đích xin phép đánh xe đi thăm mấy cái đõ ong đặt ở trên rừng thông về, ngồi cạnh Toàn, nói:

- Thường vụ được cái ông nào cũng mê, không cây này thì cây khác. Ông Gia thì chỉ thích đao giềng và quế. Ông Văn Hiến dạo này thì toàn cổ vũ cho lúa mì vụ thu và giống lúa lai ngắn ngày. Đưa máy cày lên Na Ẳng cũng là để phát động toàn tỉnh trồng mì đấy. Nhưng xem ra, ông Quyết Định chỉ đạo thí điểm đậu tương đại trà ở vùng Bản San này là sát sao nhất, có hiệu quả nhất.

Toàn ghé tai Đích:

- Mấy cái đõ ong của anh thế nào?

- Có một đàn nó bốc bay. Đang bu đầy ở cây mít rừng cạnh đấy. Tí nữa, tôi phải ra tìm con ong chúa bắt lại.

Ông Quyết Định ăn như nhấm nháp. Mọi người còn đang xì xụp, ông đã đứng dậy, vui vẻ khác thường:

- Thôi, thời gian ít. Ta vừa ăn vừa nói chuyện nhé. Trước tiên, cám ơn bà con cho chúng tôi ăn một bữa cơm đặc sản rất ngon. Tôi nghĩ, sau này khách sạn của tỉnh có thể dùng những đặc sản này để chiêu đãi khách quốc tế đấy. Đúng không? Chủ nhiệm Nình vừa cho tôi ngựa c5;i đi xem mấy khu đồng trồng đậu của hợp tác xã nhà. Tôi có mấy ý kiến thế này, đồng chí chủ nhiệm và bà con nghe xem thế nào nhé!

Thì ra, bí thư tỉnh ủy thăm vùng trồng đậu của hợp tác xã không phải chỉ bằng cảm hứng ngợi ca. Ông còn có tư duy của một nhà nông học. Ông bảo nhìn lướt qua thì thấy đậu năm nay là năm thứ ba mở rộng diện tích ra đại trà là khá tốt. Cả cánh đồng Nà Khẩu Má, cả khu ruộng Na Giang ở sát chân núi Cô Tiên cũng vậy. Điều đó chứng tỏ là cây đậu thích hợp với thời tiết mười một xã vùng này.

- Tuy nhiên, tôi có nhận xét thế này. - Bí thư tỉnh ủy ngưng lại tí chút rồi tiếp - Đại để vùng ta có ba loại đậu. Loại gieo trước Tết. Loại gieo sau Tết. Loại gieo đầu tháng Ba. Thế thì phải nói ngay, loại gieo đầu tháng Ba ra quả muộn, gặp mưa, hạt không mẩy. Có đúng không đồng chí Nình?

Chủ nhiệm Nình vóc cao gầy, mũi gồ, cằm nhọn, đã đứng dậy từ nãy, giờ chắp tay, kính cẩn:

- Báo cáo bí thư. Năm rồi, Bản San gieo bốn mươi phần trăm trước Tết, bốn mươi phần trăm sau Tết. Còn đầu tháng Ba chỉ gieo hai chục phần trăm số hạt thôi ạ.

- Đúng đấy ạ! - Có tiếng một phụ nữ nói.

Ông Quyết Định quay lại:

- Chị Trâm đội Tám có ý kiến gì không?

Người phụ nữ tên Trâm mặc áo đen cài khuy nách, tóc vấn trần, mặt trái đào đứng dậy, nhanh nhẩu: - Dạ, thưa, ở đội em đậu gieo tháng Ba giờ có chỗ còn xanh ngắt. Mọi năm, giờ đã nhổ đậu, cấy được một nửa diện tích lúa rồi ạ. Còn năm nay trời ra tai, dịp Tết rét quá, sương mù dày đặc cả tuần, trâu đứng trong chuồng còn tê chân, chết cóng, cây đậu lên ngọn chỉ nhú nhú như sợi chỉ thôi ạ.

Ông Quyết Định gật gật:

- Vậy nên phải xem lại thời vụ, đồng chí Nình ạ. Còn bây giờ thì cần lên ngay kế hoạch thu đậu và làm lúa vụ thu. Kinh nghiệm cho biết, thu đậu cũng cần phải kịp thời, không để quả già quá là nổ, mất hạt ngay. Thế đã bàn chỗ phơi đậu chưa?

- Báo cáo, phơi ở sân kho thôi ạ:

Chủ nhiệm Nình đáp. Người phụ nữ tên Trâm nhấp nhểnh, tiếp:

- Đội em cũng phơi ở sân kho. Có một con chó canh giữ không gà nó vào nó mổ hạt ăn ạ.

Ông Quyết Định cười. Người phụ nữ đứng thẳng dậy. Chị cho biết, đội Tám cách mười ngày gieo một đợt, nay đã có đủ mạ cấy. Mạ năm nay đẹp vì thóc giống sảy kỹ, phơi già, ngâm ba sôi hai lạnh chiều nay, mai vớt, hôm sau nữa gieo, gặp đất là hạt thóc ngồi ngay dậy, mọc mầm ngay. Năm nay, thi đua với miền Nam Tổng tiến công nổi dậy, đội chị quyết định, trước tiết tiểu thử mồng bảy tháng Bảy, phải cấy xong ba nghìn cân giống diện tích.

- Ơ kìa, mời đồng chí bí thư ăn cơm đi chứ ạ.

Như sực nhớ, người phụ nữ, đột ngột chển làn câu chuyện. Ông Quyết Định cười cười:

- Cám ơn đồng chí Trâm.

- Mời đồng chí ăn cơm xong, nghỉ lại rồi đi tham quan Nhà trẻ Hoa Hồng của hợp tác xã mới khánh thành ạ.

Chủ nhiệm Nình vòng tay trịnh trọng. Ông Quyết Định xua xua tay:

- Thôi thôi, để dịp khác. Chiều nay chúng tôi có kế hoạch làm việc với các đồng chí trên Pha Linh rồi mà.

- Ôi dà, trời hôm nay có thể có mưa to. Mà đường đi Pha Linh dốc lắm. Tuần trước sạt núi tắc đường hai ngày đấy. Còn nghe nói cầu Bản Phiền cũng bị lở đường kia, đồng chí bí thư à.

Ông Quyết Định giơ tay, tiến lại phía ông Nình:

- Cám ơn các đống chí! Đã trót hẹn với các đồng chí ở trên Pha Linh rồi. Khi quay về, tôi sẽ ở lại đây một hôm. Còn bây giờ tôi có việc cần bàn riêng với đồng chí chủ nhiệm và chị Trâm. Thế nhé! Tạm biệt!

Xe rì rì nổ máy. Nhoai người sang cửa bên, Đích bật chốt. Ông Quyết Định né người, chui vào, tay nắm thanh chắn trước mặt, miệng lẩm nhẩm câu gì.

- Anh nói gì ạ? Đích quay sang. Ông Quyết Định nhằn nhằn môi:

- Tớ tính ra, năng suất đậu tương ở vùng Bản San mười một xã thì điểm này có thể đạt một tấn hai một hécta.

- Thế là cao hay thấp ạ?

- Trung bình.

Đập đập tay vào thanh chắn, ông Quyết Định quay sang Đích:

- Thế nào, mấy đàn ong ra sao?

- Nó bốc bay mất một đàn anh ạ. Em đoán có thể là mùa này nó thiếu thức ăn.

- Không phải, mùa này có mật hoa sèo, hoa chân chim. Cậu phải xem kỹ lại đi. Có khi có đàn kiến vống vào phá. Có khi có con ong bò vẽ ở đâu tới bắt ong mật cũng nên. Thế mỗi đõ cải tiến cậu để mấy cầu?

- Để năm cầu ạ.

- Mỗi cầu cách nhau bao nhiêu?

- Dạ, chừng sáu đến tám ly.

- Xa nhau quá. Dịch cầu vào không nó thấy trống trếnh là nó xẻ đàn đấy. Hôm nọ tớ sang thăm Công ty ong. Anh em bên ấy người ta tạo được ong chúa quanh năm rồi đấy.

Quay sang Toàn, ông Quyết Định tiếp:

- Toàn này. Kỳ lạ là cái con ong dã sinh này! Tớ nhớ là Các Mác có nói đại ý: Con ong làm ra cái tổ của nó thật kỳ diệu. Nhưng khác với con ong, con người trước khi làm ra công trình gì thì trong óc đã hình dung ra công trình đó rồi. Nghĩa là con người có tư duy.

Đích đủng đỉnh:

- Em nuôi ong nhiều, để ý quan sát chúng thấy chúng làm việc, phân công lao động cực kỳ khoa học luôn. Chẳng hạn, ong non một đến bảy ngày tuổi thì được giao nhiệm vụ là sửa sang bánh tổ. Từ tám đến mười hai ngày tuổi thì chế biến mật. Từ mười hai đến mười bảy ngày tuổi thì xây bánh tổ. Còn từ bốn mươi đến sáu mươi lăm ngày tuổi thì đặc trách việc bảo vệ, canh gác cửa tổ. Những con này độc ác nhất, dính ngòi nó chỉ có khóc.

Toàn hơi nhổm dậy:

- Về bản năng thì con người có nhiều điểm thua con vật! Con kiến mang vác được một trọng lượng gấp ba chục lần nó. Con sói nhìn xa được tám trăm mét trong đêm đen. Con voi nghe được âm tần thấp cách một cây số rưỡi. Con bướm với hai cái râu nhỏ tí có thể đánh hơi được mùi hương xa năm nghìn mét. Nhưng... con người có bộ óc năm tỉ nơ ron!

Ông Quyết Định ngả người vào lưng ghế, lim dim mắt:

- Con người có tư duy. Có khả năng phân tích, phán đoán, dự cảm tương lai. Con người có khả năng hiệu chỉnh bản thân mình...

Tiếng ông Quyết Định thấp dần, thấp dần, như tan thấm vào cõi tâm linh sâu thẳm mịt mờ. Bí thư tỉnh ủy đang chìm đắm trong dòng suy tưởng nào, lúc này Toàn chưa thể biết, nói cách khác ông cũng chưa muốn cho Toàn biết. Đó là những điều bí mậ những công việc đang ở trong quá trình thực nghiệm, nhằm biến đổi phương thức quản lý để tạo nên một hiệu quả năng suất cao hơn, trên cơ sở kích thích sức lao động của mỗi cá thể và điều này còn đang nằm trong vùng cấm kỵ, nếu lộ ra còn có thể tạo nên hiểm họa cho ông và mọi người. Đó là những điều sau này mới phong thanh bị tiết lộ và số phận ông Quyết Định cũng vì thế mà bị quyết định theo.

Chiếc xe Uoát đã sang số. Máy nổ rầm rì nặng nhọc. Mũi xe hếch dần lên. Những khu ruộng vàng ánh mùa đậu tương chín đã lùi về phía sau. Lùi về phía sau cả một buổi trưa đầu thu êm ắng. Bóng bụi mai già. Rặng mơ, đào lất phất lá. Những làng bản người Giáy cổ xúm xít như một ổ nấm có vòng hàng rào gỗ vây quanh. Giờ đây, bên đường chốc chốc đã thấy những tràn ruộng bậc thang lóng lánh nước mưa đọng ngửa mặt nhìn trời như những tấm gương soi. Thấp thoáng dáng cây tống quá sủ gốc ngoằn ngoèo, cành đen thui, cheo leo bám vách núi. Những nương sèo ba góc đỏ sậm màu hoa mười giờ. Những nương ngô đã thu hoạch xác xơ vàng úa và những thân chè cổ thụ gốc cây phủ một lớp địa y dày đứng trơ trụi giữa vùng đất hoang hoải, xòe những búp non mởn, loe hoe hoa trắng nở.

Pha Linh! Pha Linh đã hiện lên trước mũi xe! Một dải sơn mạch giăng giăng nơi chân trời xa, chĩa lên không trung hình những chiếc kích khổng lồ ngập trong sương mây trắng mờ. Pha Linh, mái nhà của tỉnh. Vùng đất cao nhất xa nhất. Mảnh đất không có tên trên bản đồ. Nơi quanh năm thời tiết chỉ một vòng tuần hoàn, qua mùa thu non là tới mùa đông già! Pha Linh! Nơi đá lấn đất, nơi đá lớn nhanh hơn người. Nơi đất chỉ đủ sức nuôi cây ngô cao hai gang tay. Pha Linh đi năm cây số để lấy nước ăn. Đi mười cây số để lấy được một bó củi đun. Pha Linh, con ngựa chỉ thấy bụng. Con lợn chỉ thấy đầu. Và con người thì lam lũ như từ tiền kiếp lầm than hiện về. Tóc xơ rơ đỏ quạch như râu ngô. Mặt đen cháy. Mắt lỗ đáo. Tay không nổi múi bắp. Chân chỉ có gân. Thịt da đã tiêu hết. Mình mẩy chỉ rặt những xương cùng xẩu. Như hồn ma bóng quỷ dật dờ.

Pha Linh! Quê hương của chủ nhiệm Sùng A Mang. Nơi ông Quyết Định để lại hình ảnh một thời trai trẻ hào hùng, một mình một ngựa, khắc điêu khúy tu mạ xổng khẩn! vào tận hang ổ của thổ ty La Văn Đờ thuyết phục y hội quân đánh Quốc Dân đảng giải phóng tỉnh nhà. Pha Linh! Lần này ông Quyết Định sẽ lên đó thâm nhập, khảo sát tình hình thực tế. Sẽ là một chuyến đi dài ngày và lăn lóc thật sự vào cuộc sống. Để cởi gỡ khó khăn. Để đề xuất một kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Để giải thoát con người khỏi cảnh khốn khó, cơ hàn.

Dốc càng lúc càng gắt và trơn trượt. Đích phải đánh tay lái lựa đường liên tục. Nhưng cuối cùng, sau một khúc quành nhỏ bất ngờ, một bánh sau của chiếc xe đã trượt chân, trụt xuống một cái hủm đất nhão nhoét. Đích tăng ga, gài số. Bánh xe sục bùn, bắn tóe nước ra phía trước phía sau, chỉ một lát hủm đất đã hoắm xuống một vệt sâu hoẳm. Cùng lúc, Toàn và ông Quyết Định mở cửa xe bước xuống. Hai người đứng ở đuôi xe, kết hợp với ga số của Đích, dún chân dồn sức đẩy. Ú ú... chiếc xe rú, phụt khói mù mịt. Bùn văng bàm bạp vào áo quần cả hai người. Tình hình xem ra càng tệ hại. Vì cả bánh xe bên, lúc này cũng cày đất sục lên một đống bùn và khoét thành một cái rãnh sâu, chìm nghỉm xuống, rồi khực một tiếng, xe đột ngột tịt máy. Đích hốt hoảng nhảy ra khỏi xe. Khói từ gầm xe phả ra xanh đặc.

Đúng lúc ấy, phía trước có tiếng chân ngựa nện lịch bịch. Ngẩng lên, Toàn nhận ra, theo đà dốc trượt, dẫn đường là một con ngựa bạch và tiếp đó là một tốp sáu người Mông, tất thảy đều xanh nhờ một sắc chàm phai, lếch thếch, dặt dẹo. Một ông già tóc và râu cằm đỏ quành quạch, khô xác. Một cặp vợ chồng. Anh chồng mặc áo lanh, sau lưng địu một cái chảo gang. mặt lờ ngư ngái ngủ. Chị vợ xanh bủng, mặc váy xanh, lưng địu một đứa nhỏ, tay dắt một bé gái. Theo sau con ngựa bạch, lông bờm mình mẩy lấm láp, ướt rượt, dính đầy quả ké là một chú thiếu niên tóc cờm cợp da ngăm, mắt trắng dã. Trên lưng ngựa nghềnh ngàng một cái bàn gỗ chân thấp, hai cái nệm lau, lổng chổng mấy cái cán cuốc, mấy lưỡi dao phát thò ra ở miệng chiếc mã làn.

- Pê tu mông trang! Anh em người Mông ta! Anh em đi đâu đấy?

Đích nhanh miệng tiến ra. Con ngựa bạch như lần đầu nhìn thấy chiếc ô tô, choại móng, giật lùi vào bụi mâm xôi, sợ hãi như gặp thú dữ, hí rơn rởn. Chú thiếu niên gò cương kéo. Một lát, con ngựa dạt vào sau bụi cây, co cẳng huỳnh huỵch len lén qua chỗ Đích đứng. Ông Quyết Định phủi bùn ở ngực áo, bước tới trước ông già:

- Chào cụ. Cụ và gia đình ta chuyển cư đi đâu đấy?

Dừng lại, hai bàn chân to xều trong chiếc hải xảo đay rụn rịn, ông già ngoái lại phía sau, nói một tràng tiếng Mông. Người đàn ông địu chảo gang lập tức bước dấn lên.

- Chào anh! - ông Quyết Định nói - Tôi nghe được lời ông cụ rồi. Anh nói được tiếng Kinh không? Gia đình ta từ đâu đến, định đi đâu?

- À từ Thào Chư Phìn thôi.

- Thào Chư Phìn có Sùng A Mang làm chủ nhiệm hợp tác xã, có phải không?

- Đúng đấy! Nhưng bây giờ không còn hợp tác xã nữa rồi. Đánh kẻng xã viên nó cũng không đi làm. Vì làm không nên ăn á

- Thế bây giờ gia đình mình định đi đâu?

- Chưa biết đi đâu đâu. Cứ đi đã. Gặp đâu đất hoang còn tốt thì ở lại mà.

Người đàn ông vừa nói vừa nhìn chiếc ô tô và đưa mắt một lần nữa, đánh giá ông Quyết Định, thấy có thể tin cậy được, liền mạnh dạn:

- Này, thế đồng chí cán bộ có cho tôi hỏi không? Nghe người đi trước nói, ở xã Phong Niên huyện Bảo Sơn có đất ven sông Hồng còn rộng và tốt lắm. Đã có người Mông tôi đến ở đấy rồi, đúng không?

Đích vần vò mảnh giẻ lau tay, nhanh nhảu đáp: “Đúng rồi đầy!”. Rồi hích vai Toàn, ngụ ý bảo Toàn có lời nhờ mấy người này đun đẩy hộ chiếc ô tô đang sa lầy khỏi vũng bùn.

Người đàn ông hiểu ý ngay. Anh bỏ cái chảo đang đeo sau lưng xuống dệ đường, gọi ông cụ và chú thiếu niên lại. Năm người hợp sức. Đích nổ máy, cài số đúng nhịp. Chiếc xe phắt ngay lên khỏi vệt bùn sâu hoăm hoắm.

“Đi thôi, Đích!”. Sập cửa xe, ông Quyết Định nhắc Đích, rồi ngồi thần mặt. Chốc chốc ông lại như giật mình, chồm lên trước xe. Có một tiếng gọi giục giã ông ở phía tr

Bốn bánh nhoe nhoét bùn, chiếc Uoát ầm ì chạy. Được chừng hai cây số nữa, nó như hết sức, bỗng đứng khựng. Ngó lên phía trước, Toàn thấy một cây cầu xi măng cao lênh khênh. Dưới nó là một hẻm núi sâu vẳng lên tiếng rí rách tỉ tê của một con lạch. Bên kia cầu, sau rặng thông đuôi ngựa, loáng thoáng một vệt đường ngoằn ngoèo vắt vẻo trên một sườn núi chênh vênh. Đích xuống xe. Đây là cầu Bản Phiền, điểm nối tiếp Pha Linh và Bản San.

Linh cảm của nghề lái ở Đích thật chính xác. Cũng có lẽ là vì anh đã trông thấy con ngựa bạch của gia đình người Mông di cư nọ ướt sũng. Không qua được chiếc cầu này, nó phải lội qua con lạch ở tít dưới khe sâu. Phía bên kia chiếc cầu, sau mấy cơn lũ quét, đất đã bị lở, hở hoác một đoạn dài từ mặt cầu tới bờ đất.

“Giờ mới thật chết tắc đây!”. Đích vừa nói vừa dún chân nhảy qua khe đất lở. Toàn nhảy theo. Hai người nhìn thấy, gần chân cầu có một ngôi nhà lợp ván thông. Trên mảnh sân trước nhà, một ông lão, tóc búi sau gáy, áo chàm đen, quần xắn ống cao, ngậm chiếc ống tẩu dài ngoẵng, vừa dựng đứng một khúc gỗ thông. Đích tiến lại. Phập phè thổ khói, ông lão nhấc chiếc rìu. Choác! Khéo chưa! Lười rìu vừa hạ, khúc gỗ đã tách làm đôi, nét chém phẳng như bào. Chưa xong. Nửa khúc gỗ lại được dựng thẳng. Lần này ông lão nheo mắt. Nhoáng cái, lưỡi rìu như ánh chớp. Nửa khúc gỗ vừa dựng đã bửa làm đôi, mặt ván nhẵn thín. Nhìn mái nhà nọ, thấy những tấm ván thông đen xỉn dài gần thước rải sõng sượt như ngói, đầu mỗi tấm lại khoan một lỗ nhỏ để lồng mây níu vào đòn tay, Toàn hiểu, ván này để lợp nhà.

- Chào cụ ạ.

Đích bước tới phía ông cụ khi khúc gỗ đã đượ chẻ hết thành ván. Nghe tiếng Đích, ông cụ rút tẩu khỏi miệng, ngẩng lên, rồi bất thình lình ngoái ra sau, rành rọt:

- Cán bộ muốn thuê ván để bắc cho ô tô đi qua chỗ đất lở trên cầu à?

Bây giờ cả Toàn và Đích mới nhận ra, vách nhà sau lưng ông cụ dựng hai tấm ván gỗ xương gấu dày, vàng nhờ bùn đất, in dấu bánh xe bò cải tiến.

Đích hơi cúi xuống:

- Phải thuê, hả cụ?

- Năm đồng một lượt hai tấm đấy!

- Năm đồng! Sao đắt thế!

- A, không muốn thuê thì thôi mà.

Nhíu nhíu mày, Đích liếm môi:

- Cụ ơi cụ có biết đồng chí Quyết Định bí thư tỉnh ủy không?

- Không biết đâu.

- Không biết thật à?

- Không biết! Chỉ biết Sùng A Mang chủ nhiệm hợp tác xã Thào Chư Phìn trên Pha Linh thôi.

Đích bật cười. Ông Quyết Định đã nhảy qua khe đất lở. Trên vai ông là cái túi dết đựng tư trang. Gọi Đích quay trở lại nơi đất lở ở đầu cầu, vỗ vai Đích, ông bảo:

- Thôi, Đích cho ô tô quay về đi! Có đặt ván ô tô cũng không sang được đâu. Mạo hiểm lắm!

Đích tần ngần:

- Nhưng còn xa, những hơn hai chục cây số đường dốc nữa cơ, anh ạ.

- Không sao. Tớ và Toàn hai anh em vừa đi vừa trò chuyện, đường xa cũng hóa gần.

Chia tay Đích, Toàn và ông Quyết Định bắt đầu đi bộ.

Ra khỏi cây cầu xi măng, họ gặp ngay một con dốc uốn lòng vòng đường rắn lượn, quấn quanh một quả núi đá. Leo hết một đoạn, dừng lại thở, nhìn xuống còn thấy khúc đường vòng vừa đi qua nhô ra ở phía dưới. Ngước lên, lại thấy đoạn đường vòng ở phía trên thòi ra như cái vành quai. Ông Quyết Định bảo:

- Tên dốc này là dốc chín quai. Gọi theo hình tượng chín lần vòng quai chảo của nó. Đây là dốc độc đạo. Hồi phỉ La Văn Đờ nổi loạn, bộ đội ta tiến vào Pha Linh, qua đây bị địch phục kích. Hai mươi mốt chiến sĩ ta đã hy sinh. Nhưng cuối cùng kịp phản kích, đuổi dạt hơn năm trăm tên phỉ ra khỏi trận địa. Bây giờ bận rộn quá, chứ sau này hòa bình lập lại nhất định ở đây phải dựng bia kỷ niệm chiến tích anh hùng, bi thương này.

Đến đỉnh dốc, hai người ngồi nghỉ trên một tảng đá. Nhìn xuống, thấy hun hút xa những khu ruộng bậc thang im lìm, những bản làng xanh mơ, ủ ê mờ mờ sương khi.

- Toàn này, Toàn nghĩ thế nào về hiện tượng ông già vừa rồi cho thuê ván?

Đột ngột, ông Quyết Định quay lại nhìn Toàn. Toàn chớp chớp mắt, bỗng dưng thấy mình như đắn đo:

- Ông già ấy, theo tôi...

- Có thế nào Toàn cứ nói.

- Theo tôi, hiện tượng này phải coi là... một tiến bộ.

- Một tiến bộ?

- Anh cứ để tôi nói. Nếu không đúng với ý anh thì anh trao đổi lại. Theo tôi, đây là một hiện tượng tiến bộ, có nghĩa là hợp quy luật. Tôi nói thế, có lẽ là vì theo tôi lâu nay chúng ta nhiều lúc đã quên nhãng điều quan trọng này: Con người ta chỉ là đích thực, khi nó là một cá nhân, anh ạ.

Toàn tưởng ông Quyết Định sẽ rất khó chịu vì câu trả lời của anh. Nhưng không, kìa, gương mặt chất phác của ông trong giây lát bỗng như giãn ra, thanh thản lạ lùng. Lặng đi một lát rồi tiếng ông mới thoát ra cùng hơi thở nhè nhẹ.

- Toàn à. Mình còn nhớ, hồi đi học trường Đảng Trung ương, đọc tài liệu tham khảo, thay trên tờ Le Parias, Nguyễn Ái Quốc viết: Khi người ta biết mình là nô lệ thì đó đã là một cách tự giải phóng. Câu nói đó làm mình suy nghĩ rất nhiều!

- Tôi

- Con người ta, đúng như Toàn nói, trước hết là một cá thể. Làm gì thì làm cũng không thể quên điều ấy. Nói rộng ra thì một cuộc cách mạng càng không thể quên điều ấy, không thể triệt tiêu lợi ích cá nhân được. Vấn đề của mọi cuộc cách mạng là giải phóng sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Toàn có hiểu hết ý mình trong bài phát biểu tổng kết ở Hội nghị Mường Thông không? Chẳng ai học được bài học lịch sử cả. Đúng thế! Nhưng cũng buồn thay, lịch sử thật vĩ đại và cũng vô cùng hạn hẹp. Chẳng ai thoát ra khỏi cái bóng của nó cả!

Một làn sương từ đỉnh núi như một cánh chim sà xuống, phủ che bóng hình của cả Toàn và ông Quyết Định. Lăn tăn bay quanh họ những hạt sương trắng li ti. Mát lạnh. Cả hai đều có cảm giác thoáng chút run rẩy như vừa vượt qua được một quãng đường rất xa, như vừa xuất hiện một bước nhảy vọt, để leo tới một đỉnh dốc cao và đứng đây, tầm nhìn của họ đã trở nên thông thoáng, đã có thể bao quát được toàn cảnh, một toàn cảnh xa lạ chưa hề được nhìn thấy bao giờ. Giữa hai người lúc này là một khoảng lặng mênh mông.

Không ai nói một lời. Cả khi nhìn đồng hồ, thấy đã ba giở chiều, ông Quyết Định đề nghị, bỏ con đường ô tô đi tắt qua một cánh rừng già để đến Pha Linh trước khi trời tối. Hào hứng như tìm được tri kỉ tri âm, hai người trước sau như dắt díu nhau lần theo con đường rừng mờ mờ ẩn hiện dưới tán rừng âm âm tối. Khu rừng còn trọn vẹn bóng hình nguyên thủy. Lợp kín tầng cao, thông bách tán thân tròn như thoa vuốt giao cành cùng giẻ oằn oại vóc hình. Dưới thấp, tầng lâm hạ rậm rịt cỏ dại và dương xỉ, thấp thoáng đôi ba bụi thảo quả lấp ló chùm quả đỏ chót. Lác đác một vài cây que thân chắc như cây chay, vỏ cây mốc hoa, lá khô rụng đầy đất. Lội qua một khe nước nhỏ, dừng lại vừa tháo giày dốc nước, Toàn nghe thấy tiếng ông Quyết Định gọi ở phía trước. Vội vã dấn lên, anh đã nhìn thay ông bí thư đang đứng chờ, tay xách đôi giầy vải, quần xắn ống cao, để hở hai bắp chân vập vạp và hai bàn chân dày nặng như hai chiếc vồ, đúng chân dân leo núi đi rừng. Cùng lúc nhìn thấy ông, theo hướng tay ông chỉ lên cao, Toàn nhận ra một chùm phong lan với bộ lá xanh mướt, uốn vòng một giò hoa tím biếc thập thò ở trên một cái chạc cây ngõa già! Chà! Phong lan đang ở đúng quê hương xứ sở mình! Lẩn khuất đâu đây thứ u hương, thanh nhã, vương giả khi gần khi xa, lúc ẩn lúc hiện.

- Toàn có thích hoa không?

- Tôi thấy đời mình bận rộn quá. Còn bao nhiêu sách chưa đọc. Còn bao nhiêu việc chưa làm. Thành ra...

- Mình cũng vậy. Nhưng mình rất thích loài hoa này: cẩm chướng! Toàn nghe mấy câu thơ này nhé! Chúng mình chỉ biết yêu nhau. Lẫn trong muôn vàn đồng bào gái trai. Giữa bao lòng đất rộng dài. Để cho cẩm chướng đâm chồi nở hoa. Thế còn thơ, Toàn có thích không?

- Thích chứ! A, anh Quyết Định này, thế anh có thích đọc sách văn học không?

Ông Quyết Định quay lại:

- Mình thích lắm!

- Thế anh đã đọc được những cuốn gì rồi? Còn nhớ không?

- Đọc thì chưa. Nhưng mình nhớ hồi học tiểu học ở làng có ông giáo người Kinh hay kể cho bọn mình nghe. Thích nhất là chuyện Không gia đình của Hectô Malô. Sau nữa đến chuyện của Víchto Huyg có chú bé ngủ đêm trong bụng tượng con voi và thằng cha tên là Tênacđiê.

- Đó là tiểu thuyết Những người khốn khổ.

- Đúng rồi! Còn hồi đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc thì được nghe giới thiệu và xem phim Sông Đông êm đềm.

- Toàn những kiệt tác văn chương thế giới đó, anh. Tôi sẽ tìm mấy cuốn đó cho anh đọc. Phải đọc sách văn học anh ạ. Anh nên nhớ, Các Mác rất mê văn học nghệ thuật. Còn Ăngghen mơ trở thành nghệ sĩ pianô đấy!

Ông Quyết Định nhíu mày, ưu tư:

- Văn học hay lắm chứ! Thế nào mà cái gã Tênacđiê nó gớm guốc quá! Trận Oateclô xong, nó dám bò trên xác các binh sĩ tử trận moi móc lục soát lấy đi từng đồng tiền, từng đồ vật quý. Rồi trở về Môngphécmơi mở quán trọ, tiếp tay cho bọn đầu trộm đuôi cướp.

- Tôi sẽ tìm mấy cuốn sách đó cho anh đọc. Anh Quyết Định ơi, Các Mác và Ăngghen đều là những tâm hồn nghệ sĩ lớn cả đấy, anh à.

Ông Quyết Định cười chúm chím:

- Thế thì Toàn nghe mình đọc một bài thơ nữa nhé! Đôi ta anh hỡi biết đâu/ Chưa từng tha thiết yêu nhau thế này/ Nếu từ anh đấy tới đây/ Hồn chưa thông cảm từ ngày còn xa/ Biết đâu anh hỡi đôi ta/ Chưa từng gắn bó thiết tha mặn nồng/ Nếu trăm năm cuộc tao phùng/ Đời không chia cách giữa lòng đôi ta

Những câu thơ hé lộ tâm tình của ông Quyết Định vừa dứt thì ông và Toàn ra khỏi cánh rừng già. Trời là lạ như bị quên lãng bẫy lâu. Nắng chập chờn loang lổ một sườn đồi gianh vàng ố. Gió xông xổng thấm đẫm hơi lạnh. Cây sơn tra rũ lá rào rào, cạnh một vệt đào lòa xòa lá xanh. Xa xa, bóng cây sa mu đứng bâng quơ hình cây cọc cuốn sợi chỉ rối.

Pha Linh, xứ sở lạ, một vùng mông quạnh đang ở trước mặt Toàn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx