sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Khởi đầu đã có ý khang khác! Toàn nhận ra điều đó trước hết là ở gương mặt ông Quyết Định ngay từ khi bước vào cuộc họp ban Thường vụ tỉnh ủy thường kỳ lần này. Bí thư tỉnh ủy, thì vẫn là gương mặt vuông vức đôn hậu ấy, nhưng lúc này lại lâm tâm đỏ như mặt trẻ lên đơn. Nó thiếu cái phong thái an nhiên, bình đạm. Nó thấp thoáng nỗi e sợ, ngượng ngùng và bối rối. Và đó chính là điều ngạc nhiên với Toàn. Một người năm hai mươi tuổi đã một mình một ngựa ngang nhiên vào tận hang ổ đối phương đóng vai chính khách, bản lĩnh hiển nhiên không thể tầm thường, tại sao lại có thể như thế? Hội nghị Mường Thông là một đối chứng thứ hai. Là bởi vì tình thế lúc đó với bí thư tỉnh ủy có khác gì một người một ngựa giữa vòng vây trùng trùng. Vậy mà đâu có bối rối, lao lung? Không! Rất bình tĩnh, từ tốn, đàng hoàng. Thái độ ấy, phong cách ấy, bản lĩnh ấy một lần nữa đã được Toàn xác nhận và tin tưởng ở chuyến đi Pha Linh mười hai ngày dài vất vả vừa rồi. Bí thư có thể buồn, có thể lo, có thể đăm chiêu nghĩ ngợi, chứ không bao giờ tỏ ra nản lòng, thối chí, chứ đừng nói là dao động, hoang mang.

Vậy thì rất có thể là ông Quyết Định lúc này đang ở trong trạng thái tinh thần không bình thường. Ông đang ngượng ngùng với các đồng chí của mình. Ngượng ngùng vì Quàn v Hưng, hai đảng viên sẽ được thường vụ bàn bạc, quyết định chịu án kỷ luật hôm nay là hai cán bộ có quan hệ với cá nhân ông. Trước hết là Quàn. Quàn, hồi ông làm chính ủy mặt trận tiễu phỉ miền Đông tỉnh, đã có lần chừng ba tháng làm phiên dịch viên tiếng Quan cho ông. Cũng chính tay ông ký quyết định cho Quàn đi học trường Đảng Trung ương rối sau đó về ban Tuyên giáo tỉnh; thực tâm lúc đó ông cũng tin vào sự ăn năn hối cải của Quàn, thêm nữa, ông cũng có chút thân tình nể vì: lúc này Quàn đã là con rể ông Ké Lanh. Quan hệ với Hưng thì không rắc rối như thế. Hưng, người Ứng Hòa, Hà Đông, năm 1946 vào bộ đội Nam tiến, suốt chín năm kháng chiến chống Pháp lăn lóc ở chiến trường Tây Nguyên, một người có quá trình hoạt động không thể là ngắn. Năm 1963 ông gặp Hưng ở Hội nghị Cơ giới hóa nông thôn tỉnh Thái Bình. Lúc này, Hưng đang là Chủ nhiệm cơ khí Trung đoàn. Trò chuyện, thấy tâm đầu ý hợp, ông bèn gặp bộ Quốc phòng, xin cho Hưng chuyển ngành. Và sau một khóa đào tạo Hưng đưa vợ con lên Hoàng Liên nhận việc, ít lâu sau thì được ông ký quyết định đề bạt chi cục trưởng chi cục Khai hoang cơ giới tỉnh.

Công tác cán bộ là của tập thể Thường vụ, nhưng dẫu thế nào, ủy viên thường vụ trực tiếp đề xuất cũng vẫn là người có phần liên đới. Và như vậy thì chẳng lẽ ông Quyết Định lâu nay vẫn được cán bộ và nhân dân trong tỉnh coi là một cán bộ chính trị già dặn, một tư chất chính trực, một tư cách gương mẫu, lại đồng thời là con người có thể mắc những lỗi lầm nghiêm trọng trong việc chọn người?

Hay là ông bối rối, xấu hổ do việc Văn phòng đã lặng lẽ trả lại giáo Cầu cho Ty Giáo dục. Lý do công khai trên giấy trắng mực đen thì rõ rành là chính đáng, hợp lý. Nhưng còn phong thanh nghe trong dư luận? Chả lẽ Yên vợ ông lại là một phụ nữ không chung tình, một người đàn bà dễ sa ngã và xấu xa đến thế? Không, khởi đầu mối thiên tình sử của ông và nàng đẹp thế kia mà. Ừ thì nàng vốn ham mê tình dục và ái lực của nàng mạnh mẽ hơn người, đó là cái phần sinh hoạt chăn gối nàng dành riêng để hiến tặng cho chồng nàng; chứ nàng đâu có phải là người đàn bà phong tình phóng đãng của thế gian. Buồn thế! Cả câu chuyện tiếu lâm Đợi cho bà ấy ho xong đã Kiến kể toang

toang bất cứ ở đâu, tưởng là gây cười phiếm chỉ, mà ngẫm nghĩ ra cũng thấy chạnh lòng. Cứ y như người có tật giật mình vậy.

Tội nghiệp! Lúc này đây, lòng tự trọng vốn là thứ hàng xa xỉ với mọi người, trong khi ở ông nó lại quá dư thừa. Quá nhạy cảm là một ưu thế trội bật đồng thời cũng là một nhược điểm trong phẩm chất ông. Có cách nào cất giấu nhược điểm đó bây giờ? Loay hoay mãi, một lúc sau ông mới tìm được cơ hội. Rất đúng lúc, Duyễn vừa trình ông văn bản chỉ thị tiếp theo của Trung ương về công tác bảo vệ tuyến đường sắt chống chiến tranh phá hoại. Và lập tức ông giấu gương mặt chất phác đang mỗi lúc một như lên men của mình vào đó.

Trong khi đó, một người đáng lẽ phải rất xúc động, bối rối là ông Ké Lanh thì ông này lại tỏ vẻ thản nhiên, không chút bận lòng. Ai cũng biết Trần Quàn, đối tượng của vụ bê bối bẩn thỉu chưa từng thấy và hôm nay dứt khoát là kẻ phải lĩnh án kỷ luật, là con rể ông! Vậy mà lạ chưa! Gương mặt dài có hàng mày rậm đen tua tủa dãn nở tênh tênh cùng cái cười hở hàm răng cặn sỉ của ông bộc lộ một tâm thái thật vui vẻ và nhẹ nhõm. Đưa mắt nhìn quanh, thấy vẫn còn thiếu ông Văn Hiến chưa tới, lẽ ra sẽ là mở sổ tay ra và tiếp tục sản xuất thơ như thường khi, thì ông mở túi công tác, lôi ra tờ báo của tỉnh, rồi ngoảnh về phía mấy ông trợ lý:

- Này, các ông đã đọc số báo Hoàng Liên mới nhất chưa?

- Có chuyện gì thế, anh

Nhanh nhảu, ông Bình ngẩng lên, sốt sắng. Ông Ké Lanh giơ tờ báo khổ lớn lên cao, rồi chỉ ngón tay vào trang bìa, gõ nhè nhẹ vào tấm ảnh in dưới hàng tít báo:

- Các ông có thấy cái gì lạ không?

Ông Bình nheo mắt:

- Cái gì lạ ạ? Đó là một tấm ảnh chụp bộ đội pháo cao xạ đang bắn máy bay Mỹ.

Gật đầu đánh khực một cái, ông Ké Lanh cười nhạt:

- Thì đúng là thế. Nhưng các ông nhìn xem, nòng pháo chĩa vào đâu?

- Chĩa lên giời chứ còn chĩa vào đâu nữa ạ.

- Chĩa lên giời? Để ý kỹ xem nào! Đây là chĩa ra rìa trang báo. Tức là bắn... ra ngoài rồi còn gì! Hừ, thử hỏi, như thế thì ý thức chính trị để đâu? Phản động hay là quá kém cỏi?

Trời! Chỉ suýt nữa thì Toàn bật cười! Mà không phải chỉ có Toàn. Cả ông Căn, ông Duyễn, ông Bình, ông Đồng cũng vậy. Ông trưởng ban Tuyên giáo mà suy luận thế thì đã có thể gọi là lẩm cẩm, ngớ ngẩn chưa? Lẩm cẩm và ngớ ngẩn thì ai mà chẳng có lúc mắc. Như ông Văn Hiến đấy, tinh khôn đáo để vậy mà buổi sáng ấy ở Na Ẳng, say thuốc lào hay u u mê mê thế nào mà lại bảo biện pháp chống chim ăn hạt lúa mì giống là cứ gieo tiếp, gieo tiếp cho kỳ chim ăn no, bội thực thì thôi. Tuy vậy, lẩm cẩm ngớ ngẩn đến mức bảo nòng súng chĩa ra rìa trang báo là bắn ra ngoài thì thật là quá thể!

Tất nhiên lúc này ông Ké Lanh không nhận ra mình là người lẩm cẩm. Cũng như không biết những sáng tác gọi là... thơ của ông thường bị anh em coi là ngô nghê và đem ra làm trò cười. Ông hạ tờ báo xuống, tặc lưỡi một tiếng, rỗi nhìn ông Căn:

- Anh Căn thấy tôi nói có đúng không?

Ông Căn đang ôm ống điếu, quấy quá:

- Thôi thôi, cũng là bạch ốc khởi công khanh, tay trắng làm nên, cụ cũng nhẹ tay, đánh chữ đại xá cho con em được nhờ!

- Đại xá là thế nào! - Chẹn họng ông Căn, ông Ké Lanh hểnh mặt về phía ông bí thư - Vấn đề là ý thức chính trị, là trình độ tư tưởng. Tức là còn cần phải giáo dục, rèn luyện nhiều. Cho nên đừng có trách tôi là nói dai, nói dài, nói dại. Tôi phải nói. Còn nói, sẽ nói nhiều nữa. Đấy, Hội nghị Mường Thông về căn bản biểu lộ tư tưởng gì, các đồng chí có biết không? Giữa hội trường mà dám cởi áo, suýt nữa không ngăn kịp thì còn cởi cả quần ra nữa, để tố cáo ai, tổ cáo cái gì? Hừ, kêu khổ. Kêu đói. Đòi phá bỏ hợp tác xã. Nếu không phải là hữu khuynh thì là gì? Nếu không phải tư tưởng chưa dứt khoát về hai con đường thì là cái gì? Chưa hết đâu! Vừa rồi, anh Quyết Định đi Pha Linh về có kể cho tôi nghe chuyện một ông già người Xã đòi trả tiền thuê hai tấm ván bắc qua khe đất lở ở cầu Bản Phiền. Nó là cái gì vậy? Chung quy cũng vẫn là luẩn quẩn trong tư tưởng tư hữu, chưa dứt khoát giữa hai con đường chứ gì, các đồng chí! Trong khi đó thì ở Lầu Thí Ngài, người ta làm thủy lợi không cần kỹ sư, không cần mìn...

Không hiểu ông Ké còn tiếp tục bài rao giảng đến bao giờ! Ông Đồng ngáp dài một hơi, như buồm:

- Bà già chẳng nhớ gì cả nữa, vén váy đái mẹ nó vào nồi canh rồi...

Vừa may, cũng là lúc ông Văn Hiến đeo xa cốt bước vào. Và ông Ké Lanh lập tức chấm dứt bài rao giảng, chẳng hề để ý tới ngụ ý chê trách là lạc đề trong câu nói có tính hình ảnh của ông Đồng. Tuy vậy ngồi xuống rồi, như để lấy lại thăng bằng, ông Ké Lanh quay lại ông Quyết Định, trịnh trọng:

- Báo cáo anh. Bên Lâm nghiệp họ cử Cục trưởng Cục trồng rừng lên bàn với ta mở một đợt trồng cây. Anh đi Pha Linh. Tôi đã tiếp và bàn công việc cụ thể với họ rồi, anh ạ.

Ngoài cửa, ông Gia vừa bước vào, giơ tay theo thói quen, bô bô: Chào các đồng chí. Ông Văn Hiến lẳng chiếc xa cốt lên mặt bàn. ông Đồng ghé tai Toàn:

- Lão này hôm nay rũ váy ra lửa đây!

Quả nhiên, không để ông Quyết Định nói vài lời khai mạc, ông Văn Hiến đã vào cuộc ngay. Ông nhấc xấp văn bản văn phòng đã chuẩn bị sẵn để các ủy viên thường vụ có căn cứ bàn bạc và quyết định, vừa đưa con mắt có lẹo liếc xéo một cái, đã liền vứt tạch xuống mặt bàn rồi xoi xói cái nhìn quằm quặm vào ông Duyễn:

- Thế nào, ông chánh văn phòng! Ông đề nghị kỷ luật cảnh cáo ghi lý lịch thằng cha Hưng!

Quát to một hơi, Văn Hiến chuyển cái nhìn trách móc từ ông Duyễn qua ông Đình, ông Ké Lanh. Giọng nói như có vẻ sừng sộ của ông Văn Hiến khiến ông Đình luống cuống. Đang mấp máy môi đánh vần v bản, lập tức ông gật gật đầu, lập bập:

- Ừ nhẹ nhẹ... quá thật! Nhẹ quá quá... thật!

Và nhìn sang ông Ké Lanh, ông Đình như tìm chỗ dựa. Ông Ké Lanh bỏ kính, mắt lim nhim như sợi chỉ, liếm môi rồi ho khan một tiếng. Trước nay ông vẫn e ngại ông Văn Hiến. Ông Văn Hiến có ỷ thế ông chú ở ban Tổ chức Trung ương thật, có kiêu hãnh về thành phần cố nông của mình thật, nghĩa là hơn hẳn ông Quyết Định, ông Ké Lanh, ông Đình thành phần trung nông thật, nhưng cũng phải công nhận ông Văn Hiến là cái miệng ăn miệng nói sắc sảo, là cái đầu chịu khó tư duy và có tác phong quyết đoán. Có kém chăng, ông Văn Hiến chỉ kém ông Quyết Định thôi! Chứ ông Văn Hiến cũng còn hơn cả ông Gia. Ông Gia tiếng là xông xáo, nhưng xem chừng cũng lốp bốp, phổi bò, nông cạn lắm.

- Kể ra thì... cũng hơi nhẹ thật!

Ông Ké Lanh cũng gật gật đầu, giống như ông Đình và chỉ chờ có thế là ông Văn Hiến đập chát tay xuống mặt bàn, đứng phắt dậy, lên giọng nạt nộ:

- Tôi nói thẳng: trong Thường vụ còn có tư tưởng hữu khuynh! Ở vụ này cũng như ở các vụ khác. Tôi xin mở cái ngoặc. Vụ khác tôi nói ở đây còn nghiêm trọng hơn, nhưng lúc khác tôi sẽ nói. Nói thật, tôi đã có linh cảm như thế từ khi Thường vụ quyết nghị đưa máy kéo MTZ lên Na Ẳng cày năm hécta đất hoang kia! Hừ, thế nào mà vừa đưa ra đã lập tức bị chống đối! Thử hỏi, vì sao kẻ chống quyết nghị của thường vụ lại có gan to vậy? Hay là nó tìm được chỗ dựa là sự đồng lõa ở ngay chính nội bộ chúng ta!

Chà! Lập luận mới hiểm ác làm sao! Nhưng mà ông Văn Hiến ám chỉ ai? Chẳng lẽ là ông Quyết Định trong vi chỉ đạo thí điểm Bản San? Tình thế dẫu biết là sẽ không bình thường, nhưng Toàn không thể ngờ lại xoay chuyển, trở nên căng thẳng như thế. Ông Đình, ông Ké Lanh cúi gằm mặt, như kẻ chịu tội. Rất may, làm cho tình hình dịu đi là nhờ ông Căn. Ông Căn trợ lý thường vụ, cũng đã từng là bí thư huyện ủy lừng lẫy một thời chứ kém cạnh ai. Văn Hiến, cái anh chàng cố nông láu cá như ông Đồng định danh với ông đã là cái gì! Thì chẳng chính là tay ông hồi làm bí thư huyện ủy Pa Kha đã ký quyết định cho anh chàng Bật mã ôn này vào biên chế đó sao! Thành ra lúc này, ông mới mặc ông Văn Hiến lên tiếng quát nạt, cứ điềm nhiên đứng dậy đủng đỉnh đi qua mặt tất cả mọi người, tìm cái điếu cày, rồi khi ông này vừa ngừng lời, thì liền ghé lại, dở đùa nửa thật, lè nhè cái câu nói cửa miệng:

- Ông ơi, ông nhè nhẹ tay cho con cháu nó nhờ, ông à.

Câu nói khiến không khí có dịu đi phần nào thật. Ông Ké Lanh ngẩng lên lại gật gật đồng tình. Ông Đình thở ra nhè nhẹ. Chỉ tiếc, với ông Văn Hiến thì lại như khơi mào cơn cáu giận. Và thế là, ông lại một lần nữa; đứng phắt ngay dậy, mặt mày hùng hùng hổ hổ. Bây giờ mới là những lời phân tích gay gắt quyết liệt về tội lỗi của Hưng, chi cục trưởng chi cục Khai hoang cơ giới đây.

Người từ đầu cuộc có thái độ phớt lờ, gần như không thèm nghe ông Văn Hiến nói, có lẽ là ông Gia. Ông Gia đọc văn bản gì mà mặt cứ cau cau. Và khi ông Văn Hiến nổi cơn cáu giận tiếp theo, thì ông quay lại đám trợ lý ngồi ở phía sau, nhìn Toàn:

- Toàn này, dốc bốn mươi độ thì nhà giáo liệu có leo được không, hay cũng chổng kềnh như máy MTZ?

Không ngờ câu nói lại có ý vị lập lờ có thể suy diễn thành nhiều kiểu. Thừa cơ, ôngọc lõi, lập tức cười hệ hệ.

- Có những chỗ dốc nữa cũng leo được, ông ơi!

Ông Gia cười híp mắt, trỏ ngón tay vào ông Căn:

- Thằng cha này sắp về hưu rồi mà thế thì còn khá. Nghĩa là chưa đến nỗi phải Đợi bà ấy ho xong đã, có phải không?

- Há há...

- Này, cụ Gia ơi! Nói thế thôi. Chứ khỏe đâu đến già. Tinh nước dãi cả thôi, cụ ạ!

- Này, Toàn. Tớ hỏi: Trong Truyện Kiều nói về việc gia đình Kiều mắc oan, có hai câu ý đá nhau. Câu thứ nhất: Có ba trăm lạng việc này mới xong. Câu thứ hai: Giờ

lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm. Vậy gia đình Kiều phải đút lót ba trăm hay bốn trăm lạng vàng?

Toàn nghĩ, ông Gia hỏi thế là có ý móc máy ai, và hỏi là hỏi chứ chắc gì ông đã cần nghe Toàn trả lời. Quả nhiên, vừa thay chánh văn phòng lom khom đi vào, ông Gia đã ngoái trở lại:

- Này Duyễn, ông đã xem con lợn Trại giống Mường Thông ở nhà Quyết Định chưa? Lai giữa con Ỉ Móng Cái và con Ioocsai bên Anh, con này thân dài, xương ít, nạc nhiều, nuôi chóng lớn phải biết đấy.

Ông Duyễn gật đầu như lấy lệ. Ông Gia chĩa mũi dùi vào ai thế là rõ rồi. Toàn vừa nghĩ vậy thì thay ông Duyễn ghé tai ông Đồng và ngay tiếp đó, a được cái bấm tay ra hiệu hãy theo tôi của ông Đồng.

Có chuyện gì thế? Toàn len lén ra khỏi cuộc họp, theo ông Đồng xuống văn phòng. Cô Tình thấy Toàn liền nhắc: anh Toàn nhớ tuần này cùng công đoàn đi lấy củi nộp nhà bếp nhé. Toàn gật, bụng nghĩ: Chả lẽ chỉ có việc con con ấy. Mà sao ở đây tập trung đông người thế này! Đứng ngẩn, một lát thì Toàn hiểu. Thì ra, gần như tất cả cán bộ nhân viên ở O Tròn lúc này đã có mặt ở đây để xem mặt Trần Quàn! Trần Quàn, chủ sở hữu chiếc cặp da tai tiếng. Trần Quàn, bí thư thị ủy sa đọa, hư hỏng đã bị đình chỉ công tác. Và việc Trần Quàn biếu O Tròn con chó gié là có thật. Nay nhằm cởi gỡ điều tiếng, rắc rối, chánh văn phòng Duyễn có sáng kiến gọi Quàn tới thanh toán tiền sòng phẳng theo giá ba đồng một cân hơi. Chỉ tiếc, lúc này khi Toàn cùng ông Đồng xuống tới nơi thì Quàn đã đi rồi.

Kiến, người trực tiếp trả tiền Quàn, từ nhà bếp đi lên, ngồi xuống bàn, giơ tay lên trời, thở hắt ra, cười sằng sặc:

- Hoài của, các bác không được tường dung nhan anh chường! Mà giời ơi là giời! Người ơi là người! Ngợm ơi là ngợm!

Cô Tình cười nắc nẻ:

- Như cái kẹo mút dở, các anh ạ.

Ông Đồng hất hất cái cằm đầy râu, tặc tặc lưỡi:

- Thử tả cho nhà giáo xem nào.

Kiến ngỏng cổ, cười giốc lên một chập n

- Đúng là quân tử lộ hình, tiểu nhân lộ tướng. Đúng là quân đứt dây trên trời rơi xuống. Đầu củ kiệu. Trán lõm. Mõm dô. Tai bẹp. Thái dương hóp. Vóc dáng khuôn mặt thì tướng hầu. Nhưng bước đi thì lại vặn mình xà, như rắn lượn vậy.

- Thật không thể mê được!

Cô Tình thêm. Kiến nhếch mép, liếc cô Tình:

- Thật là thừa l. cho nó chơi, em gái nhỉ!

- Khiếp, ăn với nói!

- Ấy thế mà còn nhiều ả chịu cho nó lột quần đấy!

Ông Đồng nhổ bọt:

- Rõ điếm nhục chưa! - Rồi ông kéo tay Toàn: - Toàn à, thằng này đúng là con người ô trược, xuẩn động, vô lại do vô sỉ. Không nghe nó nói, nhưng tôi tin rằng thằng này giọng á thanh khàn khàn, kiểu người khuyết hậu, thuộc loại người thết đãi nhau bằng chuyện đàn bà. Thôi, ta đi lên họp tiếp đi!

Toàn trở lại nhà họp Thường vụ. Ông Quyết Định sau hồi nghe các ủy viên thường vụ bày tỏ chính kiến, đang phát biểu kết luận. Ông Bình ghé tai Toàn:

- Toàn này, ông Quyết Định vừa nói một câu rất hay. Hư hỏng của Trần Quàn là cái việc vài căn nà, mạ căn trá, nghĩa là trâu gần ruộng, ngựa gần mạ thôi. Theo mình, ý kiến của ông Quyết Định là có tình có lý. Quy kết người ta là phản đ̓ng là quá đáng, có phải không Toàn?

Ngẩng lên nhìn ông Quyết Định, quan sát gương mặt ông, nghe ông nói, Toàn nhận ra, ông vẫn cố giữ phong thái điềm tĩnh, cân nhắc thận trọng thường khi, nhưng cũng rất rõ ràng là ở ông đã xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi lấn cấn và rụt rè. Trán ông hằn rõ ba nếp nhăn sâu như dao khía. Lòng ông không thanh thản.

Trưa mùa thu vàng rực ngoài khu đồng. Nắng lấp lóa hơi sương. Ngồi trong bóng râm, thấy hơi rừng tỏa ra lành lạnh. Vo ve đâu đó khi tỏ khi mờ mấy chấm ong soi tìm tổ. Cắm cúi ghi chép lời phát biểu của ông Quyết Định, Toàn chỉ nghển dậy khi ông Đồng đưa khuỷu tay huých nhẹ vào sườn mình. Theo hướng mắt ông Đồng, Toàn nhìn thầy ông Ké Lanh vừa móc túi lấy chiếc khăn tay, mở rộng bốn góc và đặt vào lòng bàn tay khum khum. Rồi ông đứng dậy, ra khỏi cái bàn họp, lò dò đi ra cửa, men theo vách nhà, dõi theo một chấm ong soi. Ù... ập! Nhoáng cái, ông đã vồ gọn được một chú ong rừng. Gói chú lại, ông nhìn Toàn cười tủm tỉm, rồi chỉ tay ra ngoài cửa, ra hiệu lát nữa sẽ đem ra cho Đích, để Đích cho nó nhận đõ, gọi đàn về. Đang là mùa ong soi. Ông Đồng ghé tai Toàn: Nói riêng với Toàn nhé. Ông Ké này, cho giữ chân Chủ nhiệm Công ty ong là chính xác nhất. Từ lúc ấy, Toàn lại thấy ông Ké Lanh tồi tội thế nào.

Án kỷ luật Nguyễn Chí Hưng và Trần Quàn thế là đã được ông Văn Hiến, nhân danh ủy viên thường trực của Thường vụ ký! Thực bụng thì ông Văn Hiến cũng muốn được là người ký hai vụ kỷ luật này. Nhất là với Hưng. Ông có mối hận riêng với Hưng. Hưng đã làm hỏng dự định to tát của ông. Thế đấy, mì phải là cây lương thực lên ngôi thống soái, chứ không phải đậu tương! Ông chứ không phải là ông Quyết Định, là người mở ra một thời kỳ mới cho nền nông nghiệp của tỉnh nhà. Thêm nữa, với việc trực tiếp ký quyết định hai vụ kỷ luật này, ông muốn chứng tỏ mình rất xứng đáng giữ vai trò chủ chốt tỉnh này. Ông là con người cả quyết. Chứ ông Quyết Định có quá trình cách mạng, tốt đầy, nhưng nhu nhược lắm. Tên là Quyết Định mà có dám quyết định gì đâu. Chưa kể, bản chất trung nông rất lập lờ. Hội nghị Mường Thông biểu hiện rõ ràng khuynh hướng xét lại chủ nghĩa xã hội, mà có dám thẳng tay trấn áp đâu. Chưa kể những việc khác mà ông đang ngấm ngầm theo dõi. Ý muốn tăng thêm uy lực nhân vụ kỷ luật này của ông Văn Hiến gặp dịp may, đúng lúc ông Quyết Định có ý né tránh. Chém tre dè đầu mặt. Quàn là con rể ông Ké Lanh.

Theo văn bản kỷ luật đã ký thì Nguyễn Chí Hưng, chi cục trưởng Khai hoang cơ giới bị lưu đảng một năm. Trần Quàn bị nặng hơn. Cách chức bí thư thị ủy và khai trừ đảng vô thời hạn. Đặc biệt, toàn ban Thường vụ thị ủy Đồng Cam bị giải thể. Do phạm phải trầm trọng hai khuyết điểm là mất đoàn kết, chia rẽ bè phái và quan hệ nam nữ bất chính. Trong đó, phó bí thư bị khai trừ. Hai ủy viên thường vụ bị lưu đảng. Một bị cảnh cáo ghi lý lịch.

Vụ án gây rung động toàn tỉnh. Cuộc họp để phổ biến án kỷ luật Trần Quàn có năm trăm đại biểu toàn đảng bộ tham dự được tố chức tại nơi sơ tán, trong một khu rừng sâu, cạnh thị xã Đồng Cam. Suốt buổi họp, không có tiếng vỗ tay. Đại diện ban Tổ chức Trung ương nói: Đây là một vụ án hy hữu, chưa từng có trong tổ chức Đảng ta!

Trên đường trở về O Tròn, Toàn ngồi cùng ô tô với ông Quyết Định. Im lặng từ lúc lên xe. Đích cũng vậy. chiếc răng nanh bịt vàng chỉ loe lóe sáng mỗi khi chép miệng. Đang mùa ong soi, lẽ ra chuyện về con vật dã sinh này phải sôi nổi lắm, mà cũng chẳng hé răng. Thật tình là Đích cũng thở phào. Vì chính là Đích đã nhận con chó gié Trần Quàn biếu và chở nó về O Tròn chứ ai! May mà sau đó đã không theo mưu chạy tội của Kiến, nói thác đi là chẹt được nó trong một buổi đêm đi công tác về, hoặc theo ông Duyễn nói là mua được nó ở Bản San, ba đồng một cân hơi.

Mặt lân rân đỏ, ông Quyết Định lặng phắc suốt cuộc họp. Kết luận hội nghị, ông để ông Văn Hiến nói. Còn ông, đến bây giờ, khi đã đi được quá nửa đường, sau một cú xóc nảy người, nhìn trong kính chiếu hậu, thấy Toàn, mới như sực tỉnh:

- Toàn này, ngày kia khai mạc Hội nghị toàn quốc về dược liệu ở tỉnh ta, cậu viết cho mình một bài tham luận nhé. À, mà cậu nghĩ gì mà có vẻ đăm chiêu thế?

- Ông Lép Tônxtôi, văn hào nước Nga nói: Trên đường đi, từ khởi hành tới nửa chặng đường là nghĩ về chuyện vừa qua. Còn từ nửa chặng đường sau là nghĩ về chuyện sắp tới.

Ông Quyết Định chớp chớp mắt:

- Thật tình là rất khó có thể quên chuyện hư hỏng của Trần Quàn và cấp ủy thị xã này. Nhưng mà này...

- Anh định nói gì?

- Khi nghe đọc quyết định kỷ luật, Toàn có thấy gì đặc biệt ở phần lý lịch nhân thân các đồng chí mình không?

- Tôi không để ý lắm.

- Cả năm đồng chí mình, từ đồng chí thường vụ mới bổ sung tất cả đều xuất thân từ thành phần... rất tốt.

- Rất tốt?

- Đúng thế. Trần Quàn thì vô nghề nghiệp, sống cầu bơ cầu bất từ nhỏ. Còn bốn đồng chí khác thì ba người trước cách mạng là ăn mày, trong đó, hai là ăn mày chuyên nghiệp.

Toàn im lặng. Ô tô đã bật đèn pha. Đêm như giọt mực loang. Trong luồng đèn sáng quắc, bay bay những hạt bụi sương. Lát sau, thầy luồng đèn sáng quét qua quét lại những mảng tường trắng lóa thì Toàn hiểu ô tô đang đi qua thị xã tỉnh lỵ. Thị xã tỉnh lỵ, nơi có ngôi trường cấp ba của Toàn. Những đường phố đổ dốc. Những ngõ nhỏ hun hút rợp bóng cây. Giờ đây tất cả chỉ còn là một khối gạch ngói im lìm. Thấy nó mà chạnh nhớ một đêm mùa thu dịu dàng đã rất xa. Phong vừa đi làm ca đêm ở nhà máy điện bên kia sông về. Anh đón Phong ở đầu phố. Hai người đi theo một con phố đổ dốc. Đêm thu lững lờ trôi. Chợt vẳng lại từ đâu đó một tiếng đàn măngđôlin như những hạt sương rơi, thánh thót bâng quơ. Và cả hai bỗng dưng cùng đứng lại, nắm tay nhau, lặng đi trong ngơ ngẩn.

Tâm tư ấy dẫn đến trạng thái hơi lãng đãng, Toàn ngẩng lên:

- Anh Quyết Định ạ, hôm rồi, tôi không được nghe trực tiếp anh nói. Nhưng có nghe anh Bình nhắc lại. Khi bàn về lỗi lầm của Trần Quàn anh giải thích bằng một câu tục ngữ Tày: Vài căn nà. Mạ căn trá. Trâu gần ruộng. Ngựa gần mạ. Tôi cho là, cũng có thể nên thể tất như thế. Phải xuất phát từ đời sống, từ con người, chứ không nên từ khái niệm rồi quy chụp. Tôi có ý nghĩ, phải chăng, ít lâu nay ta cứ hay chính trị hóa mọi câu chuyện

- Cậu nói rõ tôi nghe ý ấy xem nào?

Nhãng đi nỗi buồn, ông Quyết Định vừa nói vừa xoay cả người về băng ghế sau.

- Thế này, anh Quyết Định ạ - Toàn nói - Chắc anh có chú ý tới ý câu chuyện hôm rồi ông Ké Lanh quy kết khẩu súng cao xạ chĩa ra rìa tờ báo tỉnh Đảng bộ là bắn ra ngoài. Nghe ông nói mà buồn cười, mà chợt nhớ tới một câu chuyện cũng khá ngộ nghĩnh khác, nhưng không phải là cá biệt, đã xảy ra ở trường tôi. Dạo đó là kỷ niệm ba mươi năm thành lập Đảng. Công đoàn nhà trường phát động thi đua, chỉ tiêu đề ra là mỗi người đào ba mươi hố trồng cây. Anh em hưởng ứng hăng hái. Riêng có một ông giáo ngoài Đảng, quá hăng, đào những ba mươi ba hố. Lẽ ra phải hoan nghênh người ta thì bí thư chi bộ lại lên tiếng phê phán. Phê phán rất gay gắt rằng như thế là có ý lỡm cợt xỏ xiên, là có ý đồ chính trị xấu...

Ông Quyết Định ngả lưng vào thành ghế, trầm ngâm:

- Xưa, cứ nghĩ, xóa bỏ hết tư hữu, công hữu hóa tất cả tư liệu sản xuất, hết giai cấp bóc lột là con người được giải phóng, là con người sẽ trong sạch, là đẹp đẽ hoàn toàn.

Toàn hơi nhổm lên:

- Ta cứ tưởng đồng chí rồi thì không ai xấu nữa. Anh có biết câu thơ đó không?

- Có câu thơ ấy thật à?

- Có! Có cả một thời kỳ ấu trĩ, vị thành niên chúng ta chưa thoát khỏi.

- Thời kỳ ấu trĩ, vị thành niên? Chúng ta?

Nghe ông Quyết Định hỏi giật giọng, thót mình, Toàn vội lảng chuyện:

- Câu thơ ấy có ở trong tập thơ Cửa mở của thi sĩ Việt Phương. Hôm nào tôi tìm cho anh đọc. - Ngừng lại trong giây lát, Toàn tiếp: - Còn điều anh băn khoăn về thành phần của các đồng chí bị kỷ luật, tôi nhớ đã đọc được một câu của Ăngghen, đại để là thế này: Chỉ cần các lãnh tụ giai cấp công nhân tỏ ra có ý muốn sử dụng bọn vô sản lưu manh du thủ du thực làm cận vệ quân cho mình, thì họ đã... có tội với phong trào rồi.

- Sao? Một câu nói của Ăngghen!

- Vâng!

- Ăngghen...

Quay phắt lại, ông Quyết Định thở hắt ra:

- Câu nói đó của Ăng ghen à? Giờ mình mới được nghe đấy.

- Tôi đọc đã lâu rồi. Đối với người nghèo khổ, căn bệnh phải đề phòng nhất, chính là thói tệ lưu manh. Hình như có nhà kinh điển còn nói vậy.

Toàn đáp. ông Quyết Định vỗ trán:

- Hồi đi học trường Nguyễn Ái Quốc, mình có đọc tài liệu về Công xã Paris. Được biết, Công xã ngay khi thành lập đã nêu khẩu hiệu: Đả đảo bọn ăn cắp! A bas des voleurs!

Nhổm lên phía trước, Toàn khe khẽ:

- Còn một ý nữa, tiện đây tôi muốn được nói cùng anh. Anh còn nhớ hôm đi Pha Linh, qua cầu Bản Phiền gặp hiện tượng ông già người Xã bắt trả tiền mới đưa ván lót cho ô tô qua khe đất lở chứ? Hôm ấy tôi nói, đây là một tiến bộ hợp quy luật. Anh tán thưởng. Còn vừa rồi thì ông Ké Lanh lên tiếng phê phán kịch liệt hiện tượng này...

Nghe thoảng trong giọng nói của Toàn có ánh cười giễu cợt, ông Quyết Định quay lại:

- Ông Lanh là người tốt, nhưng trình độ có hạn lắm, Toàn à. Nguyên ông là tỉnh ủy viên bên Lạng Sơn. Nhưng bên đó bị người ta coi thường quá. Họ giao cho ông lúc làm trưởng Ty Lâm nghiệp, khi giữ trách nhiệm thư ký công đoàn, đều không làm được. Trung ương đành điều ông ấy lên đây. Khổ! Tham gia cách mạng từ năm bốn mươi, trước cả mình đẫy. Nhưng thôi, nói tiếp đi.

- Toàn bộ tiến trình của cách mạng là để giải phóng sức lao động sức sáng tạo của mỗi con người.

- Đúng! Nhưng còn hoàn cảnh chiến tranh lúc này?

- Vâng. - Toàn tiếp - Mỗi con người là một cá nhân. Cái tôi là hạt nhân cơ bản trong toàn bộ cấu trúc đời sống con người. Nhưng, đã có một thực tế là ta đã đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể và sự đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể này đã dẫn đến tình trạng bóp nghẹt cái tôi làm nghẹn thở cái tôi. Liên hệ Hội nghị Mường Thông, tôi có ý nghĩ: đó cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến thái độ vô cảm trước sự khốn khó của dân chúng, dẫn đến tình trạng tan vỡ hợp tác xã ở vùng cao tỉnh ta.

- Cậu nói tiếp đi!

- Anh hãy coi tôi là người ngoại đạo thôi nhé!

- Miễn là có ích.

- Vâng. Nếu vậy thì tôi xin nói thêm: Chính là từ thực tế đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể mà phát sinh ra hiện tượng: Chỉ những kẻ ở trên tập thể, những người lãnh đạo mới được quyền có cái tôi. Thành ra, theo tôi nghĩ, đề cao chủ nghĩa tập thể thái quá, cũng sẽ là một trong những tiền đề làm nảy sinh sự thao túng, thói chuyên quyền, đặc quyền đặc lợi của cá nhân. Trần Quàn mà ông Đồng gọi là tên ô trược, xuẩn động, chẳng qua chỉ là một ví dụ chua chát mà thôi.

- Thế còn sự tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường cách mạng của mỗi con người?

Ông Quyết Định cắt ngang lời Toàn. Toàn cắn cắn môi:

- Tất nhiên là có vẫn đề đó. Nhưng, xin anh cũng nhớ cho, cách mạng không chỉ nảy sinh ra anh hùng như Hoàng Văn Đồng, cách mạng còn hàm ẩn ở trong nó cả sự hỗn độn, anh cứ nghe tiểu sử của Trần Quàn thì biết, thành ra đó là mảnh đất màu để đẻ ra, nuôi dưỡng các thực thể hỗn mang, các quái trạng, cặn bã. Và anh biết roi đấy, chính là từ trận Oateclô đại bại của Napôlêông đã nảy nòi ra tên Tênacđiê đại lưu manh đó thôi!

Thấy ông Quyết Định im lìm, Toàn tiếp, giọng dìu dịu:

- Còn chuyện này nữa, anh Quyết Định à, nghe anh nói ở Hội nghị Mường Thông, tôi thấy anh hiểu biết rất rộng rất sâu. Anh biết cả đấy. Chứ không phải chỉ nhìn thấy ba bước chân trong đám sương mù đâu. Chỉ có điều là... Nhưng thôi, tôi hiểu rồi, đó là... sự vĩ đại của tổ chức, sự lớn lao của mỗi thành viên tự nguyện.

Tiếng Toàn lấp trong tiếng xe ô tô gầm. Đích đang đánh tay lái từ Quốc lộ bảy rẽ vào O Tròn. Trong bóng đêm nhập nhoạng, cả ba người đều nhìn thấy ông Đình đang gò lưng đẩy chiếc xe đạp, phía sau xe đèo cái rọ tre trong có con lợn giống. Thấy xe của bí thư tỉnh ủy, ông Đình dừng lại, giơ tay vẫy vẫy. Ông Quyết Định quay lại hỏi Toàn: Dạo này ông Đình có đến học Toàn đều đều không?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx