sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11

25-11. Máy bay Mỹ lại bắn phá Hà Nội. Hà Nội, nơi trái tim tôi hàng ngày vẫn đập vì nó. Ở đó, có chùa Kim Liên, nơi gửi gắm vong hồn của ba mẹ tôi. Hà Nội là Ngõ 221 phố Sinh Từ, nơi tôi sống qua tuổi thiếu niên. Và hiện thời, Phong và hai đứa con chúng tôi là Ngân và Thủy, sống ở đó. Phấp phỏng lo, buồn. Cả đêm không chỉ chợp mắt được nửa giờ. Mới vào đông mà đã rét quá.

27-11. Nhận được điện của Phong đánh đi từ Cửa Nam Hà Nội. Phong đã cùng con gái theo khoa Hóa Máy của trường Bách khoa đi sơ tán lên Thất Khê, Lạng Sơn. Vợi nhẹ cả nỗi lo buồn. Ông Gia phóng Jawa đi họp Hội nghị Quốc phòng ở Hà Nội lên, cho biết: Máy bay Mỹ đánh phá ga Yên Viên, gây thiệt hại rất nặng nề. Còn ở miền Trung, một tháng vừa rồi nó đánh bằng bốn năm. Từ Nghệ An trở đi, không còn một cây cầu nào nguyên vẹn. Ông quát ầm ầm trong máy: “Các đồng chí thị ủy Hoàng Liên ơi! Hà Nội người ta sơ tán ầm ầm. Còn các đồng chí, chả lẽ còn bám chuồng nuôi con tu mu, con lợn ở thị xã không sơ tán được à? Chiến tranh phá hoại với máy bay siêu thanh thì tỉnh Hoàng Liên miền núi chẳng xa xôi gì đâu”.

28-11. Lại có tin đồn: Tuần này Mỹ sẽ đánh hủy diệt thị xã Hoàng Liên. ông Ké Lanh họp với thị ủy Hoàng Liên về cho biết: Rạp phim đã đóng cửa. Hiệu sách đã kiểm kê lần cuối rồi sẽ chuyển xuống cây số 6 đường đi Mường Thông. Ông trừng mắt: Thắng lợi sắp đến. Càng phải tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội: Đêm ngày sản xuất say sưa. Khó khăn quyết vượt nắng mưa không sờn. Có tin, sắp tới muối ăn cũng phải phân phối.

29-11. Máy bay Mỹ lượn nhiều vòng thám thính Cầu Nhò trên đường sắt thuộc địa phận phía nam tỉnh. Đó là tinược từ tỉnh đội. Trại trưởng trại lợn giống Mường Thông đạp xe ra nhà ông Quyết Định. Xục ngay vào chuồng lợn, ẵm con F1 nọ lên, ước lượng, ông bảo: tăng trọng tốt! Chỉ còn con lợn sáu cân Yên mới mua về sau khi bán con lợn gần tạ, ông hỏi: thiến nó nhé? Yên gật. Ông tóm con lợn nọ, buộc hai chân nó, treo lên cành nhãn. Rút dao díp, ông rạch nhẹ một đường ở bụng dưới con vật. Đoạn thọc hai ngón tay vào vết mổ. Mắt lim dim dò tìm rồi thoắt cái ông móc ra hai quả cà, nhét luôn vào mồm con lợn đang thở è è sùi cả bọt mép. Khâu xong vết mổ, ông bảo Yên: Cho nó ăn ít thôi. Yên hỏi: có sợ nó xổ ruột không? Ông lắc đầu. Quả nhiên vừa cởi dây trói, con lợn đã chạy quẩng trong chuồng. Chiều, lúc ăn cơm, Kiến toang toang thông báo: Trại lợn giống Mường Thông biếu bí thư hai tạ cám (!).

2-12. Sinh nhật Phong. Đánh điện mừng tuổi Phong. Bao giờ mới hết chiến tranh, vợ chồng con cái được đoàn tụ? Nhớ đến Phong lại nhớ tới bài thơ Mùa thu của nhà thơ Nga B. Paxtecnak: Em cởi áo/ Như cánh rừng trút lá/ Em buông mình cơn ghì riết mê man/ Vòng tay dịu êm qua lớp áo choàng / Em là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc/ Khi đời sống còn ghê rợn hơn cơn đau/ Thì can đảm - cội nguồn cái đẹp/ Chính là điều cuốn ta lại gần nhau. Trưa, nắng. Không khí rừng rực như có đám cháy lớn. Máy bay Mỹ lại nổ tăng tốc ngay trên bầu trời thị xã. Ty Giao thông thông báo: Ô tô hàng chở hành khách đã có. Giá vé người: năm đồng bảy. Vé xe đạp: hai đồng hai. Nhưng chỉ chở về tới Yên Bái. Từ Yên Bái hành khách sẽ chuyển sang tàu hỏa để về Phú Thọ. Tiếp đó, đi bộ qua cầu Việt Trì, sang Bạch Hạc. Rỗi đi tiếp tàu tăng bo về Gia Lâm, Hà Nội.

5-12. Ông Căn đi chỉ đạo bên giao thông mở chiến dịch khắc phục hậu quả lũ cuốn về. Mặt mày phờ Phạc, hốc hác, nhưng vui vẻ khoe vừa được công trường tặng một bộ tông đơ dao kéo của Tàu, lần này ông sẽ cắt tóc cho thầy giáo Toàn. Chánh văn phòng Duyễn đi họp với Ban chỉ huy tỉnh đội về, thông báo mật: Sẽ tập trung đồ viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa chuyên chở bằng đường sắt Trung Quốc sang Hoàng Liên để đưa vào Nam, ở hai kho lớn thuộc huyện Bảo Sơn. Hoàng Liên phải đảm bảo tăng khối lượng vận chuyển quý tới gấp tám lần mới đáp ứng được yêu cầu của chiến trường miền Nam.

10-12. Mỹ đánh phá khu tập thể Kim Liên, phố Trịnh Hoài Đức, khối 79 Hà Nội. Ta bắn hạ bốn chiếc F4H. Chiều, đi cùng ông Ké Lanh sang Ty Văn hóa duyệt phim Người thứ tám của Bungari. Ông Ké đồng ý cho chiếu rộng rãi phim này. Ông cầm máy cuốn sách Ty Văn hóa mới in xong, đưa mắt lướt qua, rồi mím mím môi: Mặt trận văn nghệ có nhiều vấn đề phức tạp lắm, lâu nay ta buông lỏng đấy, các đồng chí ạ...

15-12. Mỹ lại đánh Hà Nội. Chín giờ sáng nay. Đài Phát thanh thông báo. Bom rơi ở Xưởng may 20. Khu Trương Định sập hai mươi nhà. Ta bắn rơi năm máy bay Mỹ. Bắt được phi công ở Thanh Trì. Kiến sang Ban tuyên huấn về, kể: Ta bắt được thằng sĩ quan ngụy lái máy bay ở Hạm đội 7. Thằng này quê ở Xuân Đỉnh. Nó đi Nam từ 1954. Nó bảo, bay qua làng nó, nó còn nhìn thấy cái chậu thau ở trên bể nước mưa nhà nó. “Cả lò nhà mày nói phét!”. Thình lình, ông Đồng quát. Hai tay chống háng, vô cùng quắc thước và oai vệ, trông ông tôi bỗng nhớ Pha Linh, và hình bóng tưởng tượng của tôi về ông, ông khu trưởng hảo hán năm xưa.

20-12. Ông Căn cầm cái bàn chải phất phất mấy đường sau gáy ông Bình, rồi kêu to: Đẹp giai quá rồi! Đón mẹ đĩ lên ở cùng thôi! Ông Bình mặt đỏ dừ, đưa tay sờ sờ túi quần sau theo thói quen cắt tóc xong thì trả tiền rồi như sực nhớ, bẽn lẽn nhìn tôi và chìa tay nhỏ nhẻ: Mời thầy! Ông Căn choàng tấm vải dù loang lổ qua hai vai tôi. Động tác thành thục như một ông phó cạo lành nghề. Chà, tóc ông thầy này mềm như tơ ấy nhỉ! Hơi khó cắt đây. Nhưng được cái đầu thầy tròn nên cắt dễ đẹp đấy. Ông phó cạo Căn vừa đặt lưỡi tông đơ vào gáy tôi, đã bắt đầu câu chuyện v đầu của tôi và của mọi người. Hóa ra ông đã cắt tóc suốt lượt cho tất cả mọi người ở O Tròn. Kể từ ông Quyết Định, ông Văn Hiến, ông Ké Lanh, ông Duyễn... cho đến Kiến, Đích. Ông bảo: Đầu ông Gia húi cua là vừa mắt. Đầu ông Duyễn như củ hành để carê thì đẹp. Còn đầu ông Quyết Định tròn trịa cân đối, để tóc vừa phải thì hợp với khuôn mặt thiền nhân quân tử. Ông chê đầu Kiến gáy bẹp cá trê, tính tình lại xấc lấc nên ông cắt cho kiểu đầu móng lừa. Ông bảo khó cắt nhất là đầu ông Văn Hiến. Đã dài, lại còn méo mó xẹo xọ và thêm cái sẹo to bằng đồng xu ở thái dương bên phải, vì vậy ông phải giúp ông ấy nuôi một vạt tóc dài chải lật sang để che lấp đi. Ông bảo, năm 1940, vừa tròn mười tám tuổi thì ông nối nghiệp cha xách cái hòm tông đơ đi cắt tóc rong. Đàn ông làng ông tất thẩy đều làm nghề ấy, trong khi đàn bà thì trồng rau muống và thả cá. Chết chết, ông nói, sao cái năm bốn mươi lăm người chết đói nhiều đến thế. Ấn tượng còn in sâu trong ký ức ông là mỗi sáng đi làm lại gặp những xác người đen thui mắt mở răng nhe nằm chết trên những cái bao tải bên vỉa hè. Là tiếng xe bò chở đầy xác người, chân thò ra cả bên ngoài, lăn lọc khọc xuống bãi tha ma. Ông kể, một lần đi qua trại lính Nhật bị bọn chúng gọi vào cắt tóc cho một thằng sĩ quan. Nghe nó xì xồ the nào đó, ông liền cạo phăng bộ ria vểnh của nó. Thế là nó tức giận, đứng dậy, kéo hai vai ông lại, thúc đầu gối nó lên, xin một phát âm dương vào giữa ngực ông. Ông liền gục ngay xuống. Mãi sau mới được thằng thông ngôn kéo tay đứng dậy, bảo: Mày ngu lắm, quan lớn nói: trên đầu có huyệt bách hội cần tỉa tóc cho thưa thoáng để thông thiên với trời. Còn râu ria phải để vì đó là ăng ten nối liền với điện âm ở dưới đất. Ông nói trước tình cảnh ấy, một khi được cách mạng móc nối là tớ theo liền. Thế đấy! Cái hòm tông đơ của tớ lập tức biến ngay thành cái hòm thư lưu động. Tớ đem truyền đơn, công văn chỉ thị của thượng cấp đi khắp các nơi. Rồi dần dần trở thành anh cán bộ cách mạng lúc nào không biết. Buồn cười là năm 1949, theo ông Quyết Định đi vào địch hậu làm anh cán bộ cơ sở, không ngờ lại được đóng vai anh thợ cạo. Thì đi vào các làng Mán làng Dao, thoạt đầu làm công tác dân vận còn gì hơn là cắt tóc cho trẻ con người lớn.

Ông Căn kể đến đây thì ông Bình từ nãy đứng nghe liền vỗ vai tôi, thân mật: Chả nói giấu gì nhà giáo, anh em chúng tôi người tứ xứ đi làm cách mạng đều thế cả, thoạt đầu chỉ là lòng yêu nước, là tinh thần không chịu nổi bất công, là lý tưởng cộng sản, chứ kiến thức văn hóa còn lỗ mỗ lắm. Ông Căn dừng tay kéo ngẩng lên: Đúng thế đấy. Như ở cái O Tròn này gồm những ai nào? Ông Quyết Định, ông Ké Lanh, ông Văn Hiến... vốn là những anh nông dân nghèo. Ông Gia là lính khố đỏ, ông Bình là dân thợ thuyền. Ông Duyễn là anh hương sư. Tớ là thằng phó cạo. Còn lão Đồng là thằng cha lãng tử. Ông Bình tủm tỉm: Nếu cần thì phải kể tên cả tay Trần Quàn cầu bơ cầu bất nữa chứ!

25-12. Yên sang O Tròn lĩnh lương cho ông Quyết Định. Đệ nhất phu nhân dáng điệu vẫn rất khuê các và nhí nhảnh. Gãi đầu, Yên kêu: Chấy quá cơ! ông Căn bảo: “Lấy hạt na giã nhỏ ngâm nước rồi dùng lược nhúng nước đó chải lên đầu. Cần thì lấy cái khăn đỏ chị vẫn dùng quàng lên, ủ một lúc, bao nhiêu trứng chấy cũng ung hết! Kinh nghiệm gia truyền giá trị như kinh nghiệm ăn tiết canh của dân thợ cạo chúng tôi đấy”. Ông Duyễn đi dự họp với thường vụ huyện Pa Kha cùng ông Đình về, mang theo mấy hạt giống chè Tuyết Shan móc câu. Ông tặng ông Căn. Ông Căn bảo, tìm cây ngâu trắng nữa là vườn tớ đủ chè ngon uống khi về hưu. Chà, ăn sáng xong, uống một tuần trà ngâu, ngâm nga câu: Hòa thuận nhất môn thiêm bách phúc. Bình an nhị tự trị thiên kim. Hòa thuận một nhà thêm trăm phúc. Bình an hai chữ giá ngàn vàng. Trần gian, tiên cảnh cũng thế thôi...

28-12. Ông Bình xin nghỉ phép mười hai ngày về quê. Trở về. Gầy rộc. Hai mắt ngầu ngầu. Khổ! Vợ ông lao động ở hợp tác xã, nay ốm yếu, nghỉ mất sức và ba đứa con, cùng hai bố mẹ già, sáu miệng ăn chỉ trông vào ông, lương cán sự 4, sáu mươi tám đồng, kể cả ụ cấp nước độc khu vực miền núi Hoàng Liên. Ông Bình xuất thân thợ sửa chữa cơ khí hãng AVIA. Ông kể, hồi còn đi làm thợ, ở mỗi phân xưởng chủ hãng đặt một cái rọ, trong cắm đầy roi mây, cai thấy thợ trái ý cứ việc quật gãy roi thì thôi, tội vạ đâu chủ chịu tất. Trên cổ ông có một vết sẹo roi dài hơn ngón tay. Tháng mười hai năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô. Đã đánh trận Bông Lau, Đại Bục, Đại Phác, Phố Lu... ông bị sức ép của bom Mỹ khi dẫn Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I đi B chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam năm 1968. Ông chuyển ngành với cấp bậc đại uý. Không một lời than van. Đời sống thu về nội tâm. Lặng lẽ làm việc, nghĩ ngợi trong một tâm thế luôn ở trạng thái yên bình. Từ ông tỏa ra sự tin cậy, đúng mực. Nghe nói Tổ chức định đưa ông xuống Bảo Sơn làm bí thư. Bảo Sơn là trọng điểm đánh phá giao thông của địch. Ông có dự định đưa vợ con lên khai hoang ở đó.

Cửa hàng Mậu dịch cây số 8 đường đi Mường Thông bán thịt bò theo phiếu. Kiến đi từ sớm. Đem về ba cân bạc nhạc. O Tròn được bữa sốt vang. Mời ông Ké Lanh xuống ăn. Ông mang theo một cuốn Thơ ca của Ty Văn hóa. Chỉ tay vào bìa cuốn sách màu trắng bên rìa có vẽ hình mặt trời đỏ, ông bảo tôi: Nhà giáo thấy ở đây có vấn đề gì không? Hà, tuyên truyền cho Nhật Bản à! Ông Đồng đặt bát sốt vang đang ăn dở xuống, ra cửa ho sục sặc một hồi... Nhận xét lẩm cẩm ngô nghê của ông Ké Lanh gây phản cảm hay ông Đồng có triệu chứng bệnh tật gì ở đường hô hấp? Không hề để ý, ông Ké Lanh nghển cổ hỏi chánh văn phòng Duyễn: “Thế nào O Tròn đã có chỉ thị cho các cơ sở chuẩn bị đón mừng quân dân ta bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ ba nghìn chưa?”.

- Nhà trí thức hiều rồi còn mải mê đọc với ghi chép gì đới!

Toàn gấp vội cuốn sổ ghi vặt và còn đang loay hoay xếp dọn chồng báo đọc giùm ông Quyết Định, đã lại thấy ông Đồng gõ cành cạch cánh cửa buồng:

- Ra hòa nhập với anh em một tí cho vui chứ, nhà giáo.

- Tôi ra ngay đây! Xin ra ngay đây!

Toàn hấp tấp bước ra. Các ông trợ lý và Kiến đang ngồi ở trong buồng, xì xoạp uống nước. Ông Căn ngoái ra:

- Vào uống chén trà móc câu cho nó tỉnh táo, ông Toàn.

Toàn đỡ chén trà. Hương trà nồng nồng thơm thơm.

Ông Bình nhìn ông Đồng, nhỏ nhẹ:

- Thôi, họ đã phân cho nửa lạng cao hổ là tốt rồi. Nhận đi cho nó vui vẻ, ông ạ.

Ông Đồng chống tay, đứng dậy:

- Vấn đề không phải là tôi trách thằng Muôi tư cách hèn hạ quen ăn bẩn, điêu trá. Mà là tôi xưa rày chỉ hưởng cái gì đúng là phần của mình đáng được hưởng thôi. Còn của bố thí, dù là sang trọng mấy thì cũng là của đi ăn xin, được người ta rủ lòng thương mới có, tôi không màng.

Ông Căn chèm chẹp miệng, chuyển làn câu chuyện

- Này các ông, theo tôi, hay nhất bây giờ là bắc nồi cháo, bảo ông Đình và anh giáo Toàn xách khẩu cácbin lên nương kiếm con lợn rừng về làm bữa xíu dề đi.

Kiến tán thưởng:

- Thịt lợn rừng chính tông ba lông một lỗ ngon ngỏn ngòn ngon phải biết. Các vị ở đây đã có ai được thưởng thức chưa? Chính tông cơ!

Ông Đồng lừ mắt xua xua tay:

- Chỉ được cái nói phét. Mà cũng quên cái lão Đình, học trò dốt của thầy giáo Toàn, trăm voi không được bát nước xuýt đi. Để đấy tôi đi kiếm mấy chú cóc cụ về nấu cháo chiêu đãi các vị vậy.

Ông Căn cười cười:

- Nghe quảng cáo mãi rồi mà vẫn chưa khai trương cửa hàng. Hôm nay chả lẽ không trổ tài cho anh em biết, ông Khu trưởng Đồng nhỉ!

- Được rồi! Các vị cứ ngồi chờ đấy!

- Tôi xung phong bắc nồi, nhóm bếp.

Ông Bình nhanh nhẩu. Ông Đồng vào góc buồng xách ra một cái giỏ tre và một khúc cây nhỏ, đầu chẻ như chạc súng cao su của trẻ con. Rồi ông đi ra sân. Và tạt sang đầu hồi bên kia.

Trời đã xâm xẩm. Đang là lúc cóc lịch bịch nhảy ra khỏi tổ bắt muỗi. Sau một mùa hè, con nào cũng béo ú, thành cóc cụ cả. Khom khom lưng, ông Đồng dò dè từng bước chân. Nhón chân này lên cao, nín thở, lựa chỗ rồi mới nhẹ nhàng đặt xuống, người ông lúc này mềm mại như sợi mây. Ấy thế! Bọn cóc thế mà tinh ra phết. Động dạng là rúc tổ ngay. Nhưng thế nào thì các chú cũng không nhanh bằng ông Đồng. Nhác thấy bóng chú nào chồm chỗm trong búi cỏ là ông vòng ra sau lưng, nhanh tay và chính xác vô cùng, thò cái chạc đôi ở đầu cây gậy chịt ngay đầu chú xuống. Chà! Có mà chạy đằng giời! Cậu ông giời chỉ còn cách choài chân đạp đạp lấy lệ rồi rơi bịch xuống cái giỏ tre ông xách theo thôi.

Nửa giờ sau, xách giỏ cóc đã lưng lửng, nằng nặng, ông Đồng trở về đầu hồi bên này. Kiến đang lúi húi nhóm bếp. Cái bếp đào vào vách đồi, đặt vừa chiếc nồi gang mười người ăn. Ông Bình lôi một cành màng tang khô ở trên đồi xuồng, ngồi chặt từng khúc ngắn. Ông Căn đem rá gạo đã vo từ dưới bếp đi lên cùng chánh văn phòng Duyễn. Duyễn cười hề hề, nói tối nay xíu dề xong ta họp hội chứ. Toàn biết, hội ở đây là hội tổ tôm. Ông Đồng từ trong buồng đi ra, bụng lủng lẳng bao dao găm, tay xách cái thớt và con dao phay. Ngó nhìn giỏ cóc, ông Duyễn gật gật:

- Thịt cóc bổ thật lực đấy! Mà cứ đều đều thế này thì có khi còn hơn tiêu chuẩn thịt ba lạng một tháng của cánh ta đấy nhỉ!

Ông Bình đẩn củi vào bếp, nhìn Toàn:

- Thế nào, nhà giáo có nhớ bài thơ Vịnh con cóc của vua Lê Thánh Tông không? Câu đầu hình như là: Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi.

Toàn gật đầu:

- Nguyên văn là thế này: Chừ thuở sinh ra tấm áo sồi. Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi. Nâng tay mấy phút oai hùng nép. Tắc lưỡi đôi lần chúng tiến lui.

- Nhà giáo giỏi thơ văn thật! Còn thực tế này, có biết không?

Ông Đồng hất đầu lên, giơ bàn tay phải. Toàn nhìn, lòng bàn tay chàng hảo hán về già lõm một đường xẻ sâu hoắm.

- Sẹo đấy! - ông Đồng nói - Đó là vết sẹo tớ chặt đầu cóc. Đáng lẽ phải chịt lưỡi dao vào đầu chú ta, tớ lại đặt sống dao xuống, lưỡi dao chổng ngược lên. Rồi phập bàn tay xuống. Dao anh Mông đi rừng, sắc như nước. Suýt mất bàn tay đấy!

- Thế là cóc đầu trảm à?

Kiến toang toang. Ông Đồng lườm Kiến:

- Đã dốt lại còn hay nói chữ. Cóc, từ Hán - Việt phải gọi là thiềm thừ, hiểu không? Rồi ông đưa mắt kéo mọi người lại - Còn bây giờ, xem đây!

Chú cóc đầu tiên đã được ông Đồng kéo từ giỏ ra, áp đầu xuống mặt thớt. Khéo léo vô cùng, bàn tay ông vừa rút ra thì lười con dao phay sáng rợn đã thay thế, chịt chặt cổ chú. Có lẽ là bị nghẹt thở, hai chân sau chú đạp loạn xạ. Vô ích! Phập! Bàn tay phải của ông Đồng từ trên cao đã hạ xuống đúng giữa sống dao. Nghe đánh cạch, đã thấy đầu chú lìa thân, bắn ra khỏi mặt thớt, hai con mắt còn mở trừng trừng.

- Độc nhất là hai túi mủ ở trên đầu nó. Beng cái đầu đi là yên tâm phần lớn r

Ông Đồng vừa nói vừa nhấc ông thiềm thừ mất đầu, hai chân sau còn ngọ nguậy lên, đưa nhẹ một đường dao nhọn dọc sống lưng chú. Ông bắt đầu bóc tấm áo sồi của chú. Và tiếp đó, nhẹ như không, ông đã phanh được bụng và móc toàn bộ lục phủ ngũ tạng chú ra.

- Ruột gan nó cũng độc. Nhất hạng là trứng nó. Chỉ một tí ti thôi lẫn vào cũng đi đời nhà ma đấy, các vị ạ.

Ông Đồng nói, tay giơ chú cóc lên cao. Cậu ông giời bây giờ chỉ còn lại hình hài một mảnh thịt trắng nhợt, loe ngoe bốn cái chân bé xíu, nhây nhớt. Kiến đã kịp thời bê chậu nước muối đến, đón chú cóc mất đầu, bỏ vào. Nồi cháo sôi lăn tăn. Hơn chục ông thiềm thừ đã bị chặt đầu, phanh thây ngâm trong chậu nước muối cho sạch, rồi tiếp đó, từng ông sẽ được chặt khúc bỏ vào nồi cháo, ninh nhừ.

Ông Đồng rửa dao thớt xong, ngồi chồm hổm trên đất ôm cái điếu ống, thảnh thơi nhìn Kiến:

- Cháo cóc bổ nhất hạng chẳng kém món cờ tây nổi tiếng của ông đâu, ông Kiến ạ.

Kiến giả vờ thèn lẹn, cười ngỏn nghẻn:

- Thôi xin bác, từ ngày mắc bẫy Trần Quàn nhận con chó gié tới nay, hễ cứ nhắc đến chú cẩu là em hốt rồi ạ.

Ông Đồng tiếp:

- Ông nào ở đây có con cháu bị cam sài, bảo tôi, tôi làm ruốc cóc cho, ăn là khỏi liền. Nhưng mà cũng xin nói ngay là... rất nóng. Nóng lắm. Vì thế, xin có lời khuyên: chớ nên uống rượu cùng. Thêm nữa, ăn cháo cóc cũng có vị cơ địa không hợp sẽ bị đi đái dắt đấy!

Ông Căn bình:

- Thành ra món này chớ có để các vị Thường vụ xơi. Xơi vào các vị có thế nào là bỏ mẹ mình có ngày!

Ông Duyễn cười hề hệ:

- Cụ Căn cứ hay nói quá!

- Nói quá cái gì! - ông Căn trợn mắt - Năm ngoái có ông Trung ương lên nghỉ mát ở tỉnh ta. Thằng bác sĩ ở Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh xoe xoé miệng khoe: Trong cả nước Việt Nam này, thuốc Bắc chỉ ở Hoàng Liên là có chất lượng cao. Rồi tâng nịnh, bốc mấy thang thuốc sắc cho thượng cấp uống. Ngờ đâu, thượng cấp bị táo bón suốt một tuần. Thế là công an xộc vào điều tra. Họ bới bã thuốc bắc ra. Thằng bác sĩ bị một phen chất vấn khốn khổ! May mà sau đó phát hiện thang thuốc bắc chỉ khí nhiều gừng và thượng cấp qua khỏi.

Bữa cháo cóc kết thúc lúc chín giờ. Ông Duyễn đang ăn thì có điện thoại ông Gia gọi, vội vã đi ngay. Kiến gọi cô Tình xuống ăn với dụng ý nhờ cô lo việc dọn dẹp sau khi ăn. Toàn ăn lấy lệ. Cháo ngọt thật, nhưng rất khó nuốt, vì trong óc cứ ám ảnh hình hài con cóc xù xì gớm guốc. Thêm nữa, vẫn nhớ rằng, mủ cóc, gan cóc, trứng cóc rất độc, sơ ý có thể nguy hiểm đến tính mệnh. Lại rơn rởn da gà thấy lại cái đầu cóc còn nguyên hai con mắt thô lố bắn ra khỏi thớt, khi bàn tay ông Đồng hạ xuống sống dao.

Lạ là ông Đồng, như người khảnh ăn, ông chỉ xuỵp xoạp hết chừng lưng bát. Ông Căn khích: Người quân tử phong thái giản dị mà khí cốt kiêu sa nó thế đấy!

Ông Đồng lắc đầu:

- Không phải thế! Mà là làm xong, người nó bễ bã ra rồi. Với lại, tôi theo lời các cụ xưa dạy: Buổi sáng ăn như hoàng đế; buổi trưa ăn như thợ cày; buổi tối ăn như hành khất.

Vui vẻ như sau bữa tiệc, cô Tình vừa quét dọn xong, thì ông Bình đã trải cái chiếu hoa ra giữa nền nhà. Và ở giữa chiếu, ông Căn đã đặt cái đĩa trên nằm úp thìa cỗ bài tổ tôm một trăm hai mươi quân. Ông Bình hỏi, Toàn nói: không biết chơi. Ông Căn bảo: Thế thì cho cái Tình một chân cho đủ năm. Hội tổ tôm nhóm họp.

Cô Tình rửa mặt mũi chân tay xong, ngồi vào chiếu, với cỗ bài. Kiến giằng lại:

- Mày không chia được. Tay mày có mùi đàn ông.

- Ư ừ Anh chỉ quàng xiên.

- Ư ự cái sự đã rồi!

Cô Tình phát đét vào tay Kiến. Kiến cười hì hì:

- Này, mày có biết thế nào là l. tù cu hãm không? Liều liệu đấy. Ăn vụng không biết chùi mép như thằng Trần Quàn thì lấy mo che mặt không kịp đâu em ạ!

Ông Căn nhếch mép, thủng thỉnh:

- Bụng trâu như dạ bò. Thằng đàn ông nào xa vợ chả thế!

Ông Đồng bước vào chiếu, nhìn Toàn ngồi chầu rìa bên cạnh:

- Nhà giáo đừng chê anh em chúng tôi là suy đồi, trụy lạc nhé.

- Bây giờ phải gọi Toàn là bí thư của bí thư!

Ông Bình nói. Toàn cắn cắn môi. Ông Bình tiếp:

- Văn chương, khẩu khí anh Toàn xứng đáng gọi là thế!

Mặt khinh khỉnh, ông Đồng bĩu môi:

- Quan trọng đếch gì! Tất cả chúng ta chẳng qua chỉ là một lũ tiểu đồng, cắp tráp theo hầu mấy tòa quan lớn dốt đặc cán táu thôi.

Rồi hết câu nói nọ, nhìn Toàn, ông đổi giọng thân mật:

- Nhưng mà này, nghe Đích lái xe nó nói, trên xe ô tô ông Toàn và bí thư ta trò chuyện tâm đầu ý hợp lắm. Hôm họp ở Đồng Cam về, ông nói về bọn vô sản lưu manh du thủ du thực nghe người ta truyền tụng là hay lắm đấy. Ông còn nói cái gì nữa nhỉ? A, sự đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể là tiên đề đẻ ra sự thao túng, thói chuyên quyền của cá nhân. Hà, nghe có vẻ ngược đời nhỉ! Lúc nào rỗi, nói lại cho anh em mình nghe với nhé!

Toàn im lặng. ông Căn chặc chặc lưỡi:

- Chuyện! Dân trí thức có học thì dứt khoát hơn anh em cán bộ công nông i tờ rít chúng mình rồi.

Ông Bình cắn cắn môi:

- Thì bọn mình, kể từ ông Quyết Định trở đi, có anh nào được học hành đến nơi đến chốn đâu. Lẽ ra làm cái gì thì cũng phải cao hơn việc đó một cái đầu. Còn thực tế lúc này anh em mình chỉ là cơm chấm cơm thôi!

Toàn lắc đầu, chân thành:

- Cuộc đời mênh mông, học sao thấu hết được. Nói vậy thôi, chứ đặt tôi vào vị trí công tác các anh bây giờ, làm sao tôi kham nổi.

Kiến chia bài xong, đặt bài nọc vào đĩa, nhấc phần bài mình lên tay, rung đùi:

- Chết với mỗ rồi... Hà hà...

Ông Bình nhấp nhổm:

- Ông Toàn à, chưa biết chơi thì tập chơi đi cho vui. Tổ tôm không phải là cờ bạc đâu. Nó là một thứ giải trí có tính văn hóa dân tộc. Nó là một thú vui tao nhã và cao cấp. Nó thật là cao cấp đấy. Vì nó có rất nhiều nước, nước ăn, nước bốc... thiên biến vạn hóa. Có anh chơi đến bạc đầu còn chưa biết hết các nước đâu.

Ông Căn

- Nhà trí thức cần biết thêm điều này nữa nhé. Ông có thường nghe người ta nói: Chầu rìa, phỗng tay trên. gàn bát sách... không? Những từ ấy ở đâu ra? Tổ tôm chứ còn gì. Mà ông cứ thử quan sát xem, anh nào chơi tổ tôm phong cốt nó cao nhã, tinh tế lắm. Hà hà...

Lát sau, đám tổ tôm vào cuộc mải mê. Thấy chả còn ai để ý đến mình, Toàn lặng lẽ đứng dậy, trở về buồng. Buồng bên, ánh sáng cây đèn bão hắt lên trần nhà những bóng người lô nhô mập mờ. Buồng bên, chốc chốc lại bùng lên một chập cười ha hả. Tưởng là có thể châm đèn đọc sách được thì Toàn ngồi im trong bóng tối. Những người đang chơi tổ tôm, đang tiêu pha thời gian vào một việc vô bổ, hay đó là một phương thức tồn tại của họ? Và như vậy thì giữa Toàn và họ, tầng lớp cán bộ, những kẻ giúp việc cho bộ máy chính trị cấp tỉnh, giữa tuyệt đại đa sổ những người sống vô tư lự ít bận tâm lo nghĩ và Toàn, kẻ cứ luôn luôn trăn trở, dằn vặt, chọn lựa, tự vấn mình, ai là người sống cho đúng nghĩa là sống và sung sướng hơn?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx