sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13

Quả nhiên mối lo của Đích về đàn ong là có thực! Là bởi vì, nhìn bề ngoài, năm cái tổ ong đông hàng triệu triệu quân ở quanh cái garage của anh thì hình như, chẳng có điều gì xảy ra cả. Bọn côn trùng dã sinh này rất biết giấu giếm ý đồ của chúng. Và như vậy, ngày ngày trong các đõ ong, cuộc sống nền nếp của xã hội ong vẫn diễn ra đều đều, gần như không có phàm lệ. Bọn ong ấu thơ vừa ra đời mới được bảy ngày tuổi đã lập tức đảm nhiệm việc dọn dẹp vệ sinh, sửa soạn bánh tổ. Lớp thiếu niên từ tám đến mười hai ngày tuổi thì cần mẫn với công việc chế biến mật và tập bay, sửa soạn bước vào tuổi lớn khôn. Còn các bác ong già, tuổi ngày từ bốn mươi trở lên thì sung vào đội cận vệ quân, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tổ và ong chúa một khi xuất hiện dấu hiệu nguy cơ.

Mọi sinh hoạt nhìn bễài vẫn giữ được nền nếp mạch lạc như thường ngày. Chú ong trinh sát vừa từ đâu đó trở về. Đậu xuống cửa tòa lâu đài vỏ gỗ long não xám trắng hình trụ, chú đập chân, rung cánh, quay một điệu vũ luân công thật điệu nghệ. Điệu vũ đó chính là ngôn ngữ thông dụng của chú. Và thông điệp của chú với bầy đàn là: Hãy theo tôi, bay đi lấy mật hoa đậu tương ở một khu ruộng, sản phẩm mới ra đời dưới sự chỉ đạo của ông Quyết Định, cách đây hơn hai cây số! Chưa hết! Một tốp ong trai tráng vừa cất cánh thì ngay trước lỗ tổ, một bác ong thuộc binh chủng thăm dò đã hạ cánh. Chà. Điệu vũ của bác ríu rít các hình con số tám nối nhau. Bác đang báo cho đồng loại biết: Đã tìm thấy một nguồn mật sèo đỏ không lớn, vào những giáp hạt này lấy đâu ra sự phả phê dư dả, ở cách tổ hơn một cây số đường chim bay! Và như vậy thì hình như tình hình là ổn định, bình yên, chẳng có nguy cơ gì, chẳng hạn, sự sẻ đàn, cuộc bốc bay, có thể sẽ xảy ra cả.

May thay, tất cả chỉ là vẻ bề ngoài dối trá và chúng không thể đánh lừa được Đích. Đích, tốt nghiệp binh chủng lái xe quân sự được điều về O Tròn, trực tiếp phục vụ bí thư tỉnh ủy Quyết Định đã sáu năm. Nhanh nhẹn, khôn ngoan, cẩn thận, anh là một tay lái vững vàng, tin cậy. Đặc biệt anh là người tinh tường, thông minh, nhiều tài lẻ. Hoàng Liên có ba phần tư số huyện thuộc địa bàn vùng cao. Vùng cao, hoa nở cả trong vụ đông. Và thế là Đích học cách làm đõ ong, cách bắt ong soi và đem đặt gần hai chục đõ ong tự tạo của mình ở Pa Kha, Mường Thông, Bản San...

Học mỗi nơi mỗi người một ít, kinh nghiệm tích lũy dần, giờ thì Đích đã là một tay lão luyện trong nghề. Đích biết rằng, việc nuôi con ong lầy mật, dễ thì thật dễ mà khó thì cũng vô cùng. Mấy cái đõ ong quanh garage của Đích toàn loại gỗ cây long não. Ông Ké Lanh, chủ nhiệm Công ty ong như danh phong giễu cợt chua cay của ông Đồng, thấy cũng phải khen. Loại đõ này mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát mẻ. Ấm áp, mát mẻ là yếu tố đầu ti để đám sinh vật nhỏ con có cánh này an cư lạc nghiệp. Đúng thế, an toàn là điều kiện thứ nhất. Bởi vì, cả cái cộng đồng ong đông không đếm xuể bỗng chốc có thể rời tổ bay đi biến mất trong phút chốc, có khi chỉ vì một lý do rất vu vơ, chẳng hạn, sự xuất hiện của mấy con kiến vống ở trong lòng đõ! Bọn lục khấu cao cẳng này thật là những tên lành nghề cướp giật! Chúng nguy hiểm chẳng kém gì bọn ong bò vẽ! Lũ ong vàng râu cẳng lõng thõng này có ngày nào mà không lảng vảng quanh mấy cái tòa lâu đài đang xây mật của Đích. Pắp! Pắp! Nhanh như cắt, chúng có thể chộp ngay được và nhai ngấu nghiến rồi nuốt chửng một chú ong bụng căng mật từ xa về vừa đậu xuống trước lỗ tổ của mình.

Bây giờ thì Đích thực sự là tay già đời kinh nghiệm trong công việc nuôi ong rồi. Vẻ ngoài yên tĩnh của năm cái đõ ong không đánh lừa được Đích. Giờ đây, chỉ cần nhìn kiểu cách đám ong vào ra tổ là Đích có thể đoán biết được nội tình bên trong của chúng. Đích biết ý nghĩa từng điệu vũ của con ong trinh sát. Đích nghe được tiếng nói của ong.

Và lần này thì Đích đã rất chính xác.

Đưa chiếc Uoát vào garage xong, Đích nhảy liền xuống đất và phóng ngay tới nơi đặt mấy đõ ong. Trời! Đã có dấu hiệu bốc bay của một đàn ong trong số năm đàn của Đích. Từ ba cái lỗ tổ của chiếc đõ nọ, đã có dấu hiệu chẳng lành: các cá thể ong liên tục chui ra mỗi lúc một nhiều với vẻ hoảng loạn sợ hãi khác thường. Và đâu chỉ có thế! Chúng đã cất cánh bay và bay ra là chúng bậu lại xúm xít thành một cái bọng lớn bằng cái hom giỏ ở gốc cây xoan rừng cạnh đó. Như vậy thì chỉ lát nữa thôi, con ong chúa bé xíu màu nâu sẫm sẽ lò dò bò ra và khi nàng ta cất cánh thì cả đàn sẽ cất cánh bay theo. Đàn ong sẽ bốc bay, tiếc thay, lại chính là đàn ong ông Ké Lanh ngày nào đó bắt được con ong soi đem ra cho Đích để Đích cho nó vào đõ thăm dò rồi bay đi dẫn cả đàn về. Đàn ong đôngất này sẽ bốc bay! Và chẳng lẽ là thiên nhiên quay vòng tuần hoàn, nhưng đã sơ ý để khuyết trống một mùa hoa và đó là nguyên nhân chính của biến động này! Thời tiết đã vào đông thật sâu. Cây cối rụng lá. Chỉ còn đám cây gạo mới hé những chùm nụ dài như cái dùi trống. Thật là thế ư? Vì đã hơn một lần Đích nhận ra, đàn ong đi kiếm ăn về, chân không một hạt bụi phấn, bụng không một giọt mật, con nào con nấy chỉ như là những cái xác vật vờ.

Vu vu vu... Bây giờ thì nàng ong chúa đã ra khỏi tổ. Và không thể ngờ, như một hiệu lệnh đã được phát đi, cả đàn ong đang bu lại ở gốc cây xoan rừng to như cái hom giỏ lập tức cùng lúc cất cánh. Vu vu vu... Đàn ong đã nâng mình lên khỏi nóc túp lều garage. Chẳng mấy chốc chúng đã nhanh chóng chuyển qua mấy tràn ruộng khô cằn. Và chỉ lát sau thôi, đã hình thành một đám bụi kéo dài lê thê, khi mang hình dấu ngã, lúc thành hình dấu hỏi, đang bay qua con ngòi đi vào O Tròn.

Đích hộc tốc lao xuống con dốc, trượt chân, ào xuống con ngòi. Cuống cuồng tới mức không nhớ tới cái mảng vầu, Đích cứ thế sải tay bơi qua con ngòi, sang bờ bên, rồi cứ nguyên quần áo ướt đầm đìa như thế đuổi theo đám bụi ong đang bay là là trên vệt đường mòn dẫn vào O Tròn.

Còn một người nữa, ngoài Đích, chú ý đến đám bụi ong. Người này là ông Ké Lanh đang từ O Tròn đi ra cửa rừng, dự định sẽ sang bên kia con ngòi để xuống mấy đơn vị cơ sở. Mấy quả bom Mỹ ném xuống Cầu Nhò hôm qua là chất xúc tác tạo nên không khí nhộn nhịp khác thường trong những ngày này ở Văn phòng Tỉnh ủy. Thường vụ hoãn cuộc họp đã được triệu tập. Ông Quyết Định ngồi ôm cái máy điện thoại, đích thân gọi đến từng bí thư huyện, thị, kiểm tra công tác phòng không nhân dân. Ông Đình sang tỉnh đội duyệt sơ đồ bố trí lưới lửa tầm thấp bắn máy bay. Ông Văn Hiến đi Hà Nội họp với Ban tổ chức Trung ương về công tác cán bộ. Người rời O Tròn sáng qua là ông Gia. Ông Gia phóng chiếc Jawa xuống huyện Bảo Sơn, rồi từ ga Phú Lô cuốc bộ cùng mấy anh cán sự tỉnh đội xuống khảo sát hậu quả trận oanh tạc của máy bay Mỹ ở Cầu Nhò. Từ Cầu Nhò, gọi máy bộ đàm về cho chánh văn phòng Duyễn, ông cho biết: Bom Mỹ thả trượt vào núi hết! Cầu Nhò còn nguyên vẹn! Nhưng cách đầu cầu phía Bắc hơn chục mét, phát hiện một hút bom sâu, đoán chừng là bom nổ chậm. Ông oang oang. “Ông Duyễn! Ông gọi ngay thằng Hưng lên cho tôi!,” ông Duyễn hỏi: Hưng nào? Ông gắt: “Thằng Nguyễn Chí Hưng chi cục trưởng Cơ giới khai hoang vừa bị ông Văn Hiến kỷ luật lưu Đảng một năm ấy chứ còn Hưng nào nữa. Trước nó là sĩ quan công binh. Nó là thằng có tài. Gọi nó! Bảo nó lên O Tròn Thường vụ giao nhiệm vụ khẩn cấp. Thành công sẽ xét xóa án kỷ luật. Rõ chưa! Dặn thêm, không để ông cố nông Văn Hiến biết việc này. Biết là hắn phá đấy!”.

Công việc sôi sục. Tình hình nước sôi lửa bỏng thế này lẽ nào ngành văn hóa, báo chí không vào cuộc. Ông Ké Lanh nghĩ vậy. Và sáng nay ông quyết định xuống gặp lãnh đạo hai cơ quan là Ty Văn hóa và báo tỉnh Hoàng Liên. Ở đây, ông sẽ duyệt kế hoạch phát động một phong trào trồng cây ăn quả ở dãy đồi Nhạc Sơn để chào mừng chiến công quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ ba nghìn. Hiện thời đã là chiếc thứ hai nghìn chín trăm chín mươi tám rồi. Cũng nhân dịp này, ông yêu cầu Ban cán sự Đảng hai đơn vị này nghiêm khắc kiểm điểm việc lãnh đạo chỉ đạo công tác tư tưởng văn hóa mấy năm gần đây. Rõ ràng là trong cán bộ, nhân dân các dân tộc đã xuất hiện trạng thái tinh thần uể oải, ngại gian khổ, sự khó khăn khi thầy chiến tranh kéo dài và nhất là khi thấy địch đã ném bom Cầu Nhòtỉnh nhà. Cũng đã rõ ràng và không thể tha thứ được là tư tưởng, thái độ hữu khuynh, không dứt khoát giữa hai con đường. Vụ án Trần Quàn và Thị ủy Đồng Cam, cho thấy một bộ phận cán bộ đã sút, thậm chí thoái hóa phẩm chất cộng sản một cách nghiêm trọng. Hội nghị Mường Thông là một biểu hiện nữa. Trong khi đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí lại tỏ ra dửng dưng, nếu không nói là thiếu nhạy bén, sắc sảo, thiếu sự phong phú đa dạng, sâu sát; chưa kể, điều đáng trách nhất là lại liên tục phạm phải những lệch lạc, sai lầm. Thì ai chẳng biết lĩnh vực này vốn phức tạp, tế nhị, nhưng như thế không có nghĩa là lơ là buông lỏng. Báo anh đã nhắc nhở rồi, vậy mà lại một lần nữa in tấm ảnh để nòng súng chĩa ra rìa trang báo! Còn tập Thơ ca của Ty Văn hóa thì ngoài tờ bìa y cờ của phát xít Nhật ra, nội dung còn đầy rẫy những sai sót về tư tưởng, đường lối, chính sách!

Chân đang bước gấp gáp, óc đang bận rộn những ý tưởng vậy mà bỗng dưng ông Ké Lanh sững người và nghểnh tai, ngước mắt lên trời. Lọc trong hơi gió đông giá buốt, ông đã nghe tiếng đập cánh vu vu... rất thanh mảnh trong suốt của đàn ong bốc bay. Và mấy phút sau, ông đã nhìn thấy đám bụi ong mờ mờ ở phía trước mặt. Đàn ong đang bay qua một nương ngô non. Và thế là trong khoảng khắc, ký ức, kinh nghiệm sống của một chàng trai người Tày trong ông về cách bắt ong, nuôi ong sống động trở lại. Trong ông, một phản ứng thật đột ngột, gần như bản năng đã diễn ra như một hành động vô thức. Nhanh như cắt, ông đưa tay cởi buột hàng khuy trước tấm áo đại cán màu tím than đang mặc; và khi đàn ong là là bay tới đúng đỉnh đầu ông thì ông dùng cả cánh tay phải văng mạnh tấm áo nọ lên cao.

Không thể ngờ cánh tay văng tạo nên cú ném lại chính xác đến thế! Cũng không thể ngờ, đám bụi ong, lũ côn trùng dã sinh khôn ngoan, rất khó thuần dưỡng này, lại cũng là những kẻ khờ khạo đến thế! Chúng đã bị ông Ké Lanh lừa! Và kẻ đầu tiên mắc lừa không phải ai khác lại chính là nàng ong chúa. Nàng chúa ong bé nhỏ, suốt đời ru rú ở trong tổ, xưa rày có mấy khi dấn thân vào những cuộc bay đường trường. Nay nhìn thấy tấm áo của ông Ké Lanh thì như tìm thấy bến đậu và chẳng hề đắn đoy một giây, nàng lập tức sà xuống, bấu chặt vào rồi cùng theo chiều rơi tà tà của tấm áo hạ dần độ cao xuống mặt đất, trong tâm trạng thật là mãn nguyện. Nàng hiểu, cả đàn ong, lũ lĩ con cháu của nàng, ngay lập tức, tuân theo một quy tắc chúa đâu ong đó sẽ bám riết theo nàng, bu vào tấm áo, thực hiện đúng tập quán sinh hoạt bầy đàn vĩnh tồn của mình.

Ông Ké Lanh đảo chân chạy đón đầu tấm áo. Việc đã quá quen thuộc từ thời còn là một chàng trai thợ cày ở miền quê núi Lạng Sơn. Vậy mà ông run run cả đôi tay khi đã đỡ được tấm áo và nâng nó trên tay. Rồi nhẹ nhàng, cẩn thận bao bọc lại và rảo bước vội vàng. Thú vị chưa, ông lúc này như là vị ong chúa vậy, theo sau ông là cả một đám bụi ong dày.

- Ông Ké Lanh, may quá! Em không biết cách!

Cảm động quá, Đích ướt lướt thướt chạy từ bờ ngòi lên, đón ông Ké Lanh. Ông Ké Lanh mím mím môi, đầu ngúc ngắc. Đích leo lên cái mảng vầu, kéo sát bờ cho ông Ké Lanh lên cùng bọc ong và đám bụi ong đang vu vu mù mịt quanh ông.

- Đâu, đõ nào?

- Dạ, đõ này ạ.

Ông Ké Lanh theo tay Đích chỉ, tiến đến cái đõ gỗ long não từ đó đàn ong vừa nổi cơn khùng nộ, bay đi. Ông bảo Đích nhấc nắp đõ, rồi nhẹ nhàng đặt tấm áo bọc đàn ong vào lòng đõ.

- Cậu có biết vì sao đàn ong này của cậu nó bốc bay không?

- Em nghĩ là mùa này quanh đây không có mật, phấn hoa. Với lại, em nghĩ, có khi có con ong vàng nó vào nó

- Đúng là con ong vàng to gấp mấy lần con ong mật. Một phút nó có thể giết chết mấy chục con ong mật thật. Nhưng ong mật nó cũng khôn ngoan lắm. Có lần tớ đã thấy chúng lừa bắt được một con ong vàng, rồi xử tội bằng cách hun chết con này. Hun chết bằng cách nào cậu có biết không? Bằng cách huy động một lúc mấy trăm con ong mật vây quanh lại rồi cùng phát nhiệt. Như cách hỏa thiêu ấy!

- Thế thì có thể là...

- Với lại nhìn này, cầu ong cậu để rộng quá! Cần xích cầu ong lại tí nữa để tổ nó ấm áp trong ngày đông tháng giá này.

Ông Ké Lanh tay chỉ cầu ong, miệng nói. Đích gật. Ông Ké Lanh tiếp:

- Pha một đĩa nước đường trộn thêm một ống B12 đặt ở trước tổ nó đi. Nên nhớ thiếu ăn cũng là nguyên nhân quan trọng khiến đàn ong di chuyển đấy.

Đích làm theo. Ông Ké Lanh đứng nhìn. Đàn ong theo ông, theo nàng chúa ong vẫn đang là những chấm nhỏ vẽ những đường bay rối loạn trên không. Ông Ké Lanh bảo Đích: Yên tâm đi! Phải từ giờ đến trưa. Chúng chưa vào hết trong tổ ngay đâu. Giờ, tránh va chạm, không để khói xăng phả vào, giữ yên tĩnh cho nó. Dần dần trật tự sẽ được lập lại. Thôi, tớ đến Ty Văn hóa và báo Hoàng Liên đây. Đích nói: anh lên ô tô, em đưa đi. Ông lắc đầu: Thôi, để tớ đạp xe cũng được. Đích tiếp: Lúc nãy, anh Toàn cũng vừa đạp xe vào thị xã, anh ạ! Ông Ké Lanh kêu: Thế à, biết thế rủ cậu ấy cùng đến Ty Văn hóa và báo Hoàng Liên có phải được một công đôi việc không!

Hình ảnh Toàn bắt gặp đầu tiên khi đạp xe trở lại thị xã quen thuộc vào ngày chủ nhật này là những căn nhà trọ mái gianh sạp nứa dài dặc và cạnh chúng là những tràn ngựa mái lợp ván thông thấp tè, chia ô ngang dọc, treo những chiếc máng gỗ đựng ngô, thóc, cỏ cho ngựa ăn. Người, ngựa từ các huyện thị miền đông tỉnh như Mường Thông, Pa Kha, Bản San, Pha Linh... ra đây họp chợ hay độ đường để tiếp tục cuộc hành trình sang phía Tây, đi Phong Thổ, Lai Châu, Điện Biên... đều gửi ngựa và tá túc qua đêm tại đây. Tràn ngựa, nhà trọ tiếp nối năm này qua năm khác, kể đã đến cả thế kỷ. Giờ, chiến tranh, việc đi lại đã thưa vắng, nhưng qua đây vẫn ngửi thấy mùi mồ hôi ngựa nồng nồng. Vẫn phải đề phòng bọn ruồi trâu, hễ thấy hơi người là lao ra đốt chích.

Tiếp giáp khu nhà trọ và tràn ngựa là dãy nhà bán mái màu vôi quét xam xám xin xỉn, vốn là tổ ấm của các cặp vợ chồng lính khố xanh khố đỏ đồn trấn ở miền biên viễn, từ hồi còn chế độ thuộc địa; nay đã chuyển thành nơi ăn ở của đám cư dân nghèo kiếm sống bằng các nghề ngỗng linh tinh, như cốn bè, đốn củi, đan cót. Phố xá chỉ thật là nó sau một đường ngoặt. Cảnh quan thay đổi hẳn với những ngôi nhà hai tầng kiến trúc kiểu châu Âu - trụ sở của các cơ quan hành chính. Và những ngôi nhà một tầng, mái ngói, mặt tiền rộng, cửa lùa ván gắn biển hiệu nền đen chữ Hán nổi ánh kim. Đó là các cửa hàng thuốc bắc: Nhân Hòa đường, Đông Hưng đường, Thiện Tâm đường... của người Hoa.

Ngày chưa có chiến tranh, nhiều buổi đêm sau khi hoàn thành phần việc soạn bài cho ngày lên lớp hôm sau, Toàn thường hay đi dạo một lượt qua con phố nhỏ này. Lúc nào cũng tỏa thơm mùi thuốc bắc, con phố như một thiếu phụ đoan trang, hiền thục, phong gấm rủ là. Và điều đó, kỳ lạ thay, vẫn không làm mất đi vẻ thân mật khiêm nhường của nó. Phố nhỏ thân thiết làm sao với những ngõ hẻm thâm u, lom đom một ánh lửa lò ấm áp tươi vàng, nơi chế tác món sủi dìn, một thứ bánh trôi Tàu thơm mùi gừng cay. Phong rất thích món quà đặc sản bình dân này. Trong khi anh không thể quên những cửa hàng ăn của người Hoa treo ở trước cửa những chiếc đèn lồng đỏ hồng như những quả táo chín, nổi tiếng với món cuốn sủi, một kiểu phở khô, ăn vừa lạ miệng vừa ngon, không một kỳ lĩnh lương nào anh không rủ Phong đi ăn cùng.

Giờ thì im vắng chạy suốt chiều dài phố xá. Im vắng chế ngự cả khu nhà ga - điểm đến tận cùng của các chuyến xe lửa từ Hải Phòng lên. Im vắng tràn ra mênh mang cả cây cầu bắc qua con sông Hồng sang khu phố thương mại bên kia, như một đối trọng với cụm phố cổ bên này. Những chiều hè chưa có chiến tranh, Toàn hay dẫn Phong ra hóng mát ở cây cầu này. Cây cầu sắt sơn đen, thành đứng, nổi từng mũ đinh tán tròn tròn. kiểu cầu vẫn thường thấy trên những con lộ thuộc địa từ thời Tây còn cai trị. Lúc này đang là giờ cao điểm. Nắng mùa đông lúc hai giờ sáng cháy. Phố xá nem nép ngủ. Chẳng cần biết đến ai ngoài mình và vẫn quen thuộc như ngày nào đó thôi, dòng chảy nơi thượng lưu con sông vẫn vật đổ ùm ùm khi vấp phải may cái mố cầu. Nghe tiếng bánh xe đạp của mình lăn rèn rẹt qua cầu, Toàn nghĩ: Có lẽ ở thị xã lúc này chỉ có độc mình mình. Cảm giác ấy càng thấm nhiễm Toàn khi anh đạp ngược lên con dốc ở bên kia cầu và sau đó, thả xe trôi theo một mặt nghiêng xoai xoải của trục đường xuyên qua khu phố thương mại này. Tiềm thức, nơi phóng ảnh của trí tưởng tượng, bất ngờ trỗi dậy. Toàn bóp phanh xe và thấy mình đang đứng lại ở giữa con phố, sát cạnh ngôi nhà thờ mái nhọn, cùng lúc thính giác chợt như vẳng lại từ đâu đó tiếng văng của một hồi chuông đồng. Ôi! Hồi chuông đồng đêm Nôen yên bình năm nào. Đêm cuối năm giá buốt thiêng liêng và huyền ảo! Tay trong tay, anh và Phong e ấp trong mối tình đầu, đi trong màn sương đông giá buốt, dọc theo con phố dài, thi thoảng lại thấy lậpòe ánh than cháy đỏ trong những chiếc lồng ấp của lũ trẻ đi chơi đêm, lòng tràn ngập những dự cảm về một ngày mai, một ngày mai tươi đẹp mãi mãi và hoàn toàn.

Bây giờ thì chiến tranh, một sự kiện mang kịch tính sâu xa thế là đã xảy ra và tất cả đã biến mất rồi ư? Không! Vẫn còn lại tất cả. Thị xã nho nhỏ miền biên vẫn mãi mãi muốn chỉ là chính nó! Nó, cái thị xã đau thương nơi địa đầu đất nước đã trở về với Tổ quốc mẹ hiền sau những đợt tiến công dũng mãnh của Vệ Quốc đoàn và liên quân các thổ ty - kết quả của cuộc viễn du oai hùng một mình một ngựa của ông Quyết Định. Nó, miền đất tình yêu của Toàn. Vẫn là nó, cái thị xã nhỏ nhắn như có thể đặt nó trong lòng bàn tay. Những con phố ngắn, dốc lên dốc xuống. Những mái nâu, tường trắng, im lìm bất động dưới sự chở che của những bóng gạo cổ thụ tháng Ba hoa nở như những cây đuốc lửa. Và ở cuối con phố, nơi tọa lạc ngôi nhà thờ nọ, trên một mỏm đồi, vẫn còn đó một kiến trúc ba tầng hình khối chữ nhật quét vôi vàng, ngôi trường cấp ba của Toàn, vào mùa hạ, hoa bằng lăng nở tím biếc như đối nghịch với màu đỏ ngoa ngoắt của hoa phượng trên sân trường, tạo nên một diệu cảnh huy hoàng chưa từng thấy. Vẫn còn đó, ngôi trường của Toàn đang âm vang tiếng trống báo giờ Toàn lên lớp.

Toàn đã đoán đúng. Bà cụ Dư, vẫn ở lại túp nhà gianh có giàn trầu không rậm ròa, dựng ở trước cổng trường của anh. Lâu nay, cứ nhớ đến ngôi trường, là anh thường nhớ tới bà cụ. Bảy mươi lăm tuổi. Bé nhỏ, sắt seo, nhưng bền dai như một cái rễ trầu. Người gốc Nam Định. Lưu lạc đến đất này từ hồi Công ty Việt - Điền còn sở hữu những con tàu lửa xóc nảy ruột gan, chạy đoạn đường sắt Hải Phòng - Vân Nam. Nghèo khổ nhưng lòng nhân ái bao la. Thấy học trò nghèo thì thương lắm. Thành ra nhà bà cụ là nơi nương náu thường xuyên của đám trò nghèo, vô gia cư như Trương Công Phiêu. Và đã thương trò thì thương luôn cả thầy. Mà hình như còn thương thầy hơn. Vì thấy thầy cũng nghèo túng như học trò mà lại còn cưu mang đùm bọc học trò. Thành ra, thấy thầy mặc cái áo rách vai, hở nách thì khéo vá vai, tài vá nách, liền xui đứa học trò lựa lúc thầy giặt, phơi áo thì lẻn lấy đem đến để bà vá cho. Thành ra có khi gặp Toàn tay cắp giáo án, vạt áo bám đầy bụi phấn, liền bảo Toàn dừng lại, mở vỉ buồm che mặt thúng, lấy ra một tấm bánh chưng, rồi ghé tai Toàn, bảo Toàn ăn đi cho đỡ đói; thật thà, tự nhiên như mẹ với con.

- Thế anh giáo Toàn chuyển công tác sang bên tỉnh hẳn à? Hèn nào đã hơn nửa năm nay chả thấy anh đến chơi.

- Bà ạ! Làm việc ở nơi mới này con chưa quen, lại cũng không được chủ động. Phần nữa, con nghe người ta nói bà đã sơ tán vào Đồng Tuyển, làng người Dao ở cây số bốn đường đi Mường Thông.

- Tôi chả đi đâu sốt. Nói thực với anh giáo là người ta cũng đến giục. Cả ông Gia giữ chức vụ gì to lắm ở tỉnh cũng đi bình bịch đến khuyên giải, thúc ép. Nhưng tôi bảo: Kháng chiến lần trước tôi theo ông Quyết Định tản cư xuống tận Lục Biên dưới Yên Bái vỡ đất trồng lúa ngô khoai sắn nuôi bộ đội rồi. Lần này tôi không đi nữa. Không đi không phải là do tôi bám chuồng, nuôi con tu mu, con lợn như các ông cán bộ. Tôi sống tự lực.

Tôi đi bán công. Tôi không dám làm phiền các ông. Chết tôi cũng tự lo lấy. Tôi không đổ nhớt cho trê. Đấy, cỗ hậu sự gỗ vàng tâm từ hồi anh giáo còn dạy học tôi đã mua về để sẵn kia rồi

- Nhưng mà con sợ bà ở lại thì không an toàn.

- Đúng là không an toàn thật. Dưng mà để tôi kể anh nghe. Ngay đêm qua chứ đâu. Vừa thiu thiu thì nghe tiếng con ngan năm cân kêu khào một tiếng. Nhìn ra

thấy trăng rõ sáng. Thế là tôi ngồi nhổm dậy. Anh gì ơi! Anh lấy con ngan rồi thì phải lấy cả cái chảo tôi để ở trong bếp nữa. Chứ không lấy gì mà đun nước làm lông nó. Hứ! Thế là thằng đạo chích kêu ối một tiếng, rồi vứt con ngan, ù té chạy mất.

Câu chuyện bà cụ kể khiến cả hai người cùng bật cười. Tuy nhiên chỉ lát sau, khi Toàn nói cho bà cụ biết mục đích cuộc viếng thăm này còn là để đem cái hòm sách của cậu học trò Trương Công Phiêu về cơ quan để cất giữ hộ, thì không khí đã khác hẳn.

- Thế anh giáo gặp em Phiêu nó rồi à?

- Vâng, vừa rồi, tạt qua Hà Nội, may mắn thầy trò con gặp nhau.

- Tội nghiệp! Cha mẹ họ hàng thân tộc em ấy chẳng còn ai. Hôm rồi, viết thư cho tôi, nó bảo: Bà ơi, nếu con chết thì giấy báo tử đơn vị con gửi về cho bà nhé! Trời, nghe mà rụng rời cả chân tay!

Cái hòm ghép bằng mấy mảnh ván gỗ thông dỡ ra từ chiếc hòm xà phòng Liên Xô vừa mở nắp. Toàn cúi gằm mặt. Nước mắt đã ứa đầy vành mi. Lóa nhóa trước mắt là những hàng chữ đã sắp phai hết mực in ở gáy những cuốn sách rất dày. Những người khốn khổ, Thời thơ ấu, Thép đã tôi, Một người chân chính, Ruồi trâu, Chiến tranh và hòa bình, Phục sinh, Ơgiêni Granđê, Người mẹ, ội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm... Hơn năm chục cuốn, cuốn nào cũng được bọc giấy bóng. Hơn năm chục cuốn được nâng niu kính trọng. Hơn năm chục cuốn sách chắt chiu dành dụm từ bao mồ hôi nước mắt của tuổi thiếu niên lao khổ nhọc nhằn mới có được! Nhưng mà chẳng lẽ là Phiêu sẽ không bao giờ trở về, sẽ không bao giờ được nâng trên tay và lần giở từng trang sách này trong tiếng đập bồi hồi của con tim!

Bà cụ Dư mếu máo:

- Anh giáo à, cũng vào quãng xâm xẩm tối như bây giờ, tôi đang nấu ăn thì em Phiêu em ấy đến. Bà ơi, bà cho con mượn cái nồi, với con dao. Con chẻ ít củi, con nấu nồi cơm. Chúng con đi hai ngày lên cây số bảy chặt gỗ thuê cho lâm nghiệp, nhưng về đến Thác Đôi thì lật mảng, rơi hết cả nồi và dao xuống suối rồi, bà ạ. Thầy giáo Toàn biết, tìm đến con, bảo con đến nhà thầy thầy nấu cơm cho mà ăn, nhưng con đã ăn nhờ thầy nhiều bữa rồi, nay con sợ phiền thầy. Mà thầy cũng nghèo, bà ạ. Thế còn năm kia, khi anh giáo đã cho nghỉ hè rồi, một hôm tôi đang cắt gianh ở Phú Lô nóng quá, mồ hôi ướt sũng cả lưng áo, người như đang say say, thì nghe tiếng gọi: “Bà ơi, bà uống bát nước chè tươi cho đỡ mệt đã, bà”. Thì ra lại là Phiêu. Chú ta bảo: Con đi đánh gianh thuê lấy tiền mua sách và ăn học năm lớp mười, năm cuối cùng. Con muốn làm gần bà để có gì còn giúp được bà. Giời ơi! Người như thế mà có thể chết được ư, anh giáo!

Trăng lên, Toàn mới đèo được hòm sách của Phiêu về tới vùng cửa rừng, nơi ăn ở của Đích cũng là garage chiếc ô tô Uoát của bí thư Quyết Định. Ở gốc cây xoan rừng, nơi đàn ong tụ l ông Ké Lanh bắt được nàng ong chúa đưa trở lại lòng đõ, chỉ còn sót vài chục con như đang còn mê ngủ.

- Anh Toàn đấy à?

Nghe tiếng Đích hỏi, Toàn dựng xe vào cạnh garage, bước lại thì thấy Đích đang rọi đèn pin kiểm tra cái tổ ong có đàn bốc bay được bắt trở lại. Trong quầng sáng đèn rung rinh, Toàn thấy mấy con ong thập thò ở lỗ tổ. Bình yên có lẽ còn là một trạng thái ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng cả với Toàn khi Toàn nhìn thấy một mảnh giấy trắng hình chữ nhật có dòng chữ viết tay dán bên rìa đõ. Con ong làm mật yêu hoa. Con người yêu nước thiết tha mặn nồng. Thì ra... lại là thơ của ông Ké Lanh.

Ông Ké Lanh đã về từ nãy. Chiếc xe đạp khung nam có gắn đèn cất ở trong buồng ngủ của Đích. Còn ông lúc này, theo tay Đích chỉ, đang cởi trần, ngồi ngảnh mặt xuống con ngòi dưới chân dốc. Trăng rằm tháng Giêng tròn vạnh một hình bóng cô đơn buông ánh vàng rười rượi trên mặt con ngòi đang phân vân đôi ba con xoáy nhỏ. Trăng rằm rắc muôn vàn chấm sáng trên tam lưng trần rám nắng, nổi gờ từng dẻ xương sườn khắc khổ của ông Ké Lanh.

- Toàn đấy à! Ngồi đây nghỉ cái đã rồi hãy về O Tròn!

Nghe tiếng chân Toàn nằng nặng vì bê hòm sách của Phiêu đi xuống dốc, ông Ké Lanh quay lại, khe khẽ bảo Toàn. Toàn nghĩ, ông đang cần có người tâm sự. Quả nhiên, Toàn vừa đặt hòm sách của Phiêu xuống, ông đã quay lại, lên giọng rất hào hứng:

- Toàn à, tiếc là hôm nay cậu không đi cùng mình để nghe mình nói, để rút kinh nghiệm. Thế đây, hôm nay mình đã phê phán rất nghiêm khắc các đống chí trong Ban cán sự Ty Văn hóa và báo Hoàng Liên. Chết thôi! Sao trong cuốn Thơ ca lại cho in bài thơ Mùa cốm, chuyên tả hươnghơm ngon của cốm, lại còn ca ngợi tiếng chày giã cốm kêu kình coong và hai hàng nam nữ tình tứ nhìn nhau đứng hai bên loóng giã cốm! Lãng mạn tiểu tư sản! Mà còn sai đường lối chính sách! Lương thực đang thiếu. Cần tiết kiệm để gửi ra cho đồng bào, chiến sĩ ngoài tiền tuyến nên Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ thị cấm lấy thóc non làm cốm rồi cơ mà! Ý thức Đảng ở chỗ nào? Cái bìa sách thì có khác gì lá cờ Nhật, nền trắng, mặt trời đỏ ở giữa. Hừ! Lại còn có bài thơ nhan đề Nhà sàn, có câu thơ như thế này: Có hay đâu giá lạnh dưới chân sàn. Hỏi rằng có đúng là lập

lờ có dụng ý xấu không? Còn báo Hoàng Liên...

Còn có thể nói thêm gì nữa? Tất cả đều đã rõ ràng. Ông Ké Lanh thủy chung vẫn là một tâm tình nồng nhiệt. Một mũi tên bật ra khỏi rãnh nỏ và cứ thế mà bay, không chệch đường, không cấn cá. Và thế là đủ. Biết làm sao được! Cuộc sống và những đòi hỏi của nó nghiệt ngã quá! Vào cuộc cách mạng này, ông như người lính được cấp tốc tuyển lựa rồi huấn luyện qua loa, võ vẽ vài bài tập cơ bản rồi đưa ngay ra mặt trận. Nghĩa là mới được chuẩn bị còn rất sơ sài, vì làm gì có thời gian!

“Sách gì mà lắm thế?”. Ông nhướng hai vệt lông mày nhìn mấy chục cuốn sách xếp ngay ngắn trong hòm gỗ của Phiêu khi ông hỏi: Cậu mang cái hòm đựng gì mà nặng thế và Toàn mở ra cho ông xem. Có lẽ lần đầu tiên trong đời ông thay có nhiều sách và sách được người ta trân trọng đến thế!

Tuy nhiên, ông lại khiến Toàn bất ngờ, khi ông bảo Toàn nên cởi trần ra để tắm ánh trăng. ông bảo, ông nội ông nói: Trăng tháng Giêng thuộc quẻ phục. Phục có nghĩa là đền đáp, đền bù. Còn thiếu cái gì thì được đáp đền cái đó. Đêm rằm như đêm nay nên cởi trần nằm trên võng đũi ngủ ngoài trời. Nói xong ông vật ngửa ra đất. Ngực trần. Chiếc quần đùi cỏ úa rộng ống y như cái quần đùi cậu học trò Phiêu tặng Toàn, hôm rồi, hở hai cẳng chân dài nghêu lờm xờm lông lá. Tất cả ngập trong ánh trăng.

Toàn nghĩ, ông Đồng hơi phũ miệng khi bảo ông Ké Lanh ngồi nhầm chỗ, chỉ xứng đáng làm chủ nhiệm công ty ong! Không, ông là một thực thể sống động rất cần được cảm thông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx