sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 15

Lẽ ra là có thể vui tưng bừng và hoàn toàn thanh thản. Vui và thanh thản lắm. Vì chiều nay Đài phát thanh đã chính thức thông báo: Thi đua với đồng bào chiến sĩ miền Nam tiền tuyến lớn, miền Bắc đã lập công oanh liệt, bắn rơi chiếc máy bay thứ ba nghìn của giặc Mỹ. Đêm nay thứ bảy. Sáng mai, chủ nhật, mở đầu Ngày hội Trồng cây ăn quả của toàn tỉnh. Con người vốn thích hội hè. Vả lại, xưa rày vẫn vậy. Chủ nhật, phần dành riêng cho mỗi người, cũng là phần tập thể có thể tùy nghi sử dụng. Đi lấy củi đóng cho bếp ăn chung. Đi trồng sắn thực hiện chỉ tiêu tự túc một phần lương thực do công đoàn đề ra. So sánh, thì đi trồng cây vui hơn nhiều. Vui vì là cuộc trồng cây ăn quả đại quy mô chưa từng thấy. Những mười chín nghìn gốc vải. Trên suốt cả một triền đồi đất dài hơn một cây số. Với số cán bộ công nhân viên chức có mặt ước chừng năm nghìn người! Tham gia một công cuộc lao động có quy mô lớn, có tính hội hè vậy, ai mà không vui.

Ở O Tròn không khí càng vui hơn vì mọi người đang nao nức thì bất chợt ông Đồng từ Cầu Nhò trở về trở về trong tư thế một tráng sĩ chiến thắng. Quả bom 500 bảng Anh to gấp hai con lợn tạ đã được moi sau nửa ngày trời. Mấy chục dân công ra sức kéo tời cày đất và ông Đồng cùng ông Gia thay nhau tay thuốn. Rồi sau đó, theo lời ông Đồng thì, chính ông Gia tranh với ông chui xuống hút bom, “chà lão ủy viên thường vụ này thế mà gan cóc tía, tự tay buộc dây vào cánh bom, để cánh dân công dô hò lôi lên; và sau đó là phần việc của thằng cha Hưng; thằng cha thượng uý công binh này lắm mưu thật”, nhưng loay hoay hơn một giờ đồng hồ vẫn chưa tháo được kíp bom, thành ra ông Gia mới sốt ruột, nên cuối cùng chàng sĩ quan đành cho lăn quả bom đã gắn bốn kilôgam bộc phá kèm kíp gài xuống vực sâu, cho nó phát nổ một tiếng thật là rung trời chuyển đất!

Niềm vui như thế được coi như nhân đôi mới phải. Vậy mà lạ chưa, cứ như có món nợ chưa trả, bỗng nhiên mọi người vẫn còn cứ thấy thắc thỏm, âu lo thế nào. Ấy là bởi vì đang vui thế, ông chánh văn phòng đang lẩm nhẩm kiểm điểm quân số, bỗng như sực nhớ, liền dóng to một câu: Ai có thấy cô Tình đâu không nhỉ? Và mọi người mới thật sự tá hỏa tam tinh lên, ờ nhỉ, cô Tình đi đâu từ chiều qua mà không thấy mặt? Cô Tình có được phân công đi làm việc gì mà bây giờ chưa thấy tới? Vậy là số phận của cô Tình bỗng nổi lên trở thành tâm điểm áy náy của mọi người. Tình quê ở Đô Lương, Nghệ An, vùng con gái nổi tiếng đẹp sắc sảo. Nhưng nhà Tình nghèo. Nghèo lắm. Đi khai hoang. Nhờ ông chú ở ban Kiểm tra xin vào O Tròn, thoạt đầu chỉ là nhân viên tạp vụ. Ít lâu sau được ông Văn Hiến nâng đỡ cho đi học một lớp văn thư hành chính ngắn ngày. Đồng lương còm sẻ làm ba để nuôi một bà mẹ mù lòa và một đàn em lít nhít sáu đứa. Bữa cơm chỉ báo nửa sất, lấy cớ ăn không hết. Kỳ thực nhặt nhạnh củ khoai, mẩu sắn ăn thêm. Còn bây giờ thì Tình đi đâu từ chiều qua chưa về? Và thế là phó văn phòng Kiến đành phải xách chiếc đèn bão đi dọc con ngòi ngoài cửa rừng, rồi đi tiếp suốt bên bờ con suối lớn. Chỉ lo tìm thấy dấu vết chân cô. Cuống lên, ông Duyễn gọi điện sang Ty Công an. Ty Công an cứ sau nửa giờ lại quay điện trả lời, lại vẫn là không nhận được báo cáo sự cố gì từ khắp các huyện thị, cơ sở. Thắc thỏm cuối cùng được Đích giải tỏa. May thế! Đích được ông Đồng mời vào ăn cháo cóc và giữ một chân tổ tôm. Đích bảo: Ơ kìa, hôm qua em đánh xe đưa ông Quyết Định đi Sâu Chua, lúc quay về, em gặp cô ấy ở bến xe đi Phú Thọ. Em hỏi, cô ấy bảo em đi phép! Đi phép? Làm gì có chuyện ấy! Hay là đích thân ông Văn Hiến nhân danh ủy viên thường vụ trực đặc cách cấp phép cho cô? Ấy thế! Nhưng mà vì sao lại có chuyện tréo khoeo vậy? Ghé tai ông Duyễn, nhay nháy mắt, Kiến bảo, tôi nghi chuyện tơ tình nhăng nhện này có từ lâu rồi, ông chánh văn phòng ạ. Đàn bà con gái tự dưng bỏ cư quan đi ắt hẳn là có chuyện chẳng lành. Mọi người xôn xao. Ông Duyễn vỗ vỗ hai bàn tay: Thôi đừng có dự đoán linh tinh, ăn nói xằng xịt. Ông Căn thêm: Kệ! Anh nào ăn trầu anh ấy đỏ môi! Nhất trí, tất cả cùng thở phào: Hãy cứ biết, thế là cô Tình không hề hấn, không mệnh hệ gì!

Bữa cháo cóc đêm ấy do chính ông Đồng khởi xướng diễn ra rất vui vẻ. Lại như mọi khi, ông Đồng, nhà thiết kế, thi công bữa tiệc, chỉ ăn có lưng bát gọi là. Thì trước nay về đường ăn uống ông vốn chẳng đã rất nhanh, rất hào là gì! Tuy vậy, để ý kỹ, Toàn có nhận xét, hôm nay ở ông có dấu hiệu uể oải hơi khác thường. Toàn cũng chỉ ăn có già lưng bát. Ông Bình và ông Duyễn đánh thẳng căng mỗi người ba bát. Đích ăn nhỏ nhẻ như con gái. Vét nồi là Kiến và ông Căn. Ông Căn bảo, bệnh từ ngoài miệng chui vào, vạ từ miệng chui ra, như các cụ xưa đã từng dạy là khẩu năng chiêu họa đấy, các cậu non người trẻ dạ liễu liệu. Còn tớ, sắp về hưu rồi, có vạ miệng, có ngộ độc chết cũng là xong một đời, tớ cóc s

Chiếu tổ tôm rải ra sau bữa cháo cóc diễn ra thật hào hứng kéo dài một lèo, tới lúc mọi người đứng dậy về nghỉ, nói là lấy sức để mai đi làm thì đã hai giờ sáng.

Năm giờ, kẻng khua lộng. Nhập nhoạng sáng tối. Lần mò theo các lối mòn, ra được tới bờ ngòi thì trời tang tảng. Qua ngòi, đạp một mạch bảy cây số, tới chân dải đồi đất Nhạc Sơn thì sáng rõ mặt người. Đã được phân chia, nhận phần đất trên sơ đồ, cán bộ nhân viên O Tròn lập tức leo núi, tìm lô đất số 5 ở lưng chừng dốc, cạnh túp lều bạt của ban chỉ huy, cũng là nơi tập kết mấy chục nghìn cây vải mới chở từ Hải Dương lên tối qua. Thấy đống cành vải chiết vứt ngổn ngang ngoài trời, ông Đồng bước tới, bẻ tách một nhánh nhỏ, đưa cho Toàn xem, lắc đầu, không nói gì.

Đứng ở lưng dải đồi đất này, nhìn ngước lên, nhìn xuôi xuống mới thấy hết quy mô của công cuộc. Quả đồi cao chừng hơn hai trăm mét. Chia vạch thành mười tầng. Mỗi tầng kéo dài gần cây số, được phân thành nhiều lô. Mỗi lô được giao cho một đơn vị, một cơ quan. Không thể biết chính xác được bao nhiêu người tham gia, nhưng nhìn lên nhìn xuống thấy các tầng san sát nhau nhung nhúc đầu người với nón mũ đủ loại. Và sáng bửng, ngó xuống chân triền núi vẫn còn thấy học sinh, thiếu nhi nổi trống cà rùng ùn ùn kéo lên như mối đùn. Trên dải đường nhựa kẻ một vệt thẳng dưới chân triền núi, chiếc ô tô commăngca mui trần của Ty Văn hóa, đằng sau có ảnh Bác Hồ, hai bên phất phới hai lá cờ đỏ, vừa lăn bánh chầm chậm vừa vang vang tiếng loa. “Thưa các đồng chí và đồng bào. Hôm nay là một ngày trọng đại của tỉnh ta. Hôm nay, Miền Nam đánh địch thắng to. Miền Bắc phấn chấn phất cờ tiến lên...”. Không trông thấy người, nhưng ai mà chẳng biết, cái giọng khê khê ấy, câu thơ ấy là của ông Ké Lanh. Ông Ké Lanh chong đèn suốt cả đêm qua để sửa lại bài diễn văn do Toàn vi và quan trọng là thêm vào đó những câu vè lục bát, để đọc trong lễ khai mạc buổi sáng trọng đại này. Kiến nói vậy. Và hình như chỉ có Kiến nghe bài phát biểu của ông. Thấy vậy, ông Căn liền quay lại:

- Kiến này, nghe làm đếch gì ba câu sáu điều cũ rích ấy. Nghe tao hỏi đây, thế theo cậu thì cái Tình nó bỏ đi như thế là vì lý do gì?

Kiến gãi gãi gáy, giả vờ ngượng nghịu:

- Dạ, cụ hỏi thế thì con xin chịu. Ma ăn cỗ, con đâu có biết cái tổ chấy nó ở đâu ạ.

- Thế nhân danh Công đoàn cậu để nó ễnh bụng ra thì mới biết à?

Kiến nhe răng cười hềnh hệch. Ông Đồng chống cuốc ném cái nhìn chớt nhả vào mặt Kiến, tưng tửng:

- Khi nào nó tòi ra một thằng bé loắt choắt lẹo mắt thì khắc biết thôi vớ.

Rồi chuyển cái nhìn sang Toàn, ông Đồng hạ giọng:

- Khốn nạn thế đấy! Nghèo thì hèn. Hơn nữa, Toàn à, có phải có lần Toàn đã nói với ông Quyết Định ý này. Việc đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể là tiền đề để sinh ra kẻ đứng trên tập thể với tất cả đặc quyền đặc lợi!

Toàn có cảm giác ông Đống đang muốn dốc bầu tâm sự với mình. Và Toàn bỗng thấy gần gụi với ông hơn. Ông, cái thân xác lểu nghểu, vật vờ như người bên âm là một khối ý tưởng nén chặt. Ông đâu có phải là một kẻ bất đắc chí ngông ngạo đơn thuần.

- Thôi, yêu cầu trật tự để nghe Thường vụ phát biểu!

Người chen ngang câu chuyện của Toàn và ông Đồng là Muôi. Muôi vừa leo lên tới lô đất đã trần trùng trục hì hục bổ cuốc rồi thúc xà beng, giờ hố của hắn đã sâu tới đầu gối rồi. Ây dà! Thằng cha cơ yếu mật mã này cậy gia đình mình ba đời ăn củ chuối, cốt cán cách mạng, được lão Văn Hiến coi như thủ túc tin cậy nên hồi này hay lên mặt với anh em gớm! Nghĩ vậy nên ông Căn lừ lừ mắt:

- Mày nghe thì cứ việc nghe. Còn anh em chúng tao có việc của chúng tao.

Nói đoạn, ông hất mắt sang như kích thúc ông Đồng:

- Này, Khu trưởng anh hùng! kế hoạch đào quả bom nổ chậm ở Cầu Nhò nghe thì thấy cứ như dán bùa vào l. mèo, ấy thế mà lại mã đáo thành công nhỉ!

Vẻ như không nghe thấy, ông Đồng mim mím môi. Ông Bình chống cuốc, nghênh nghênh tai. Toàn nhìn xuống chiếc commăngca nhỏ xíu dưới chân đồi. Loa đang rổn rảng bài thơ kết thúc diễn văn của ông Ké Lanh.

Cây vải, cây mận, cây đào

Trong ba cây ấy cây nào anh ưa

Em hỏi thì anh xin thưa

Cây vải xuất khẩu anh ưa suốt đờ>

- Thơ ông Ké Lanh dạo này tiến bộ ra phết đấy, nhà giáo nhỉ?

Ông Bình nói. Ông Căn bĩu môi:

- Hết su hào, bắp cải, cải bao, lại cây vải, cây mận, cây đào. Hết em hỏi thì anh thưa. Rõ chán mớ đời. Nói thật, mấy chục nghìn gốc vải ở đây may ra chỉ đủ cung cấp cho đàn ong của thằng Đích thôi. Ơ, Đích đâu mà không thấy đi làm?

Ông Đồng cười hặc một tiếng:

- Chờ được hoa vải của ông Ké thì ong thằng Đích bốc bay hết cha nó rồi!

- Sao lại bi quan thế!

Muôi từ dưới hố đất, ngỏng cổ dậy. Ông Đống sừng sộ:

- Tao nói thật. Mười chín nghìn gốc không sống nổi một cây đâu! Rồi mà xem. Tỉu hà ma! Chở về đến đây, từ gốc đến cành đã thành củi khô mẹ nó hết rồi còn gì!

Ông Duyễn từ chiếc lều vải Ban chỉ huy đi ra, mặt nhăn nhó:

- Vừa có điện ở Sâu Chua ra, gọi Đích vào đón ông Quyết Định, nói là đưa gấp ra bệnh viện. Gay quá, không hiểu là có chuyện gì!

- Rắc rối nhỉ!

íu mày băn khoăn. Môi mím mím, mắt lì lì, Muôi cúi xuống hố đất như tức khí mà không nói được. Ông Đồng cởi phăng chiếc áo sơ mi nâu, nhấc cuốc hầm hập bổ đất. Toàn đã cuốc được một thôi. Hố Toàn đào cách hố của ông Đồng chừng năm mét.

Tiếng loa phóng thanh đưa giọng ông Ké Lanh chạy dọc triền núi đất chốc chốc lại vang vang: “Xin thông báo: Cho đến lúc này là chín giờ, đội Ty Giao thông vận tải đã hoàn thành mười chín hố đúng quy cách. Đội Ty Lương thực đã đào được mười bảy hố. Đội O Tròn là đội đến công trường sớm nhất, đã thể hiện tinh thần cách mạng tiến công rất cao...”.

- Chỉ được cái nói phét là tài!

Nghe tiếng ông Đồng khậm khoặc ho, Toàn dừng cuốc ngửng lên. Ông Đồng đội cái mũ nan rộng vành đang ngửa cổ ghé vào miệng chiếc bi đông đựng nước chè móc câu hãm sớm nay. Nước chè sớt cả ra cằm ông, bò dờn dợt một vệt dài xuống ngực ông, qua hình xăm con đại bàng xòe cánh trên ức ông. Ngực ông là ngực con gián đói. Nó chỉ là những dẻ xương sườn ghép nổi lại bọc ngoài một lớp bì phu mỏng dính. Ngực ông, ngực của kiếp người lam lũ. Ngực một kẻ ốm o, bệnh tật. Nhìn nó Toàn có cảm tưởng nếu như ông còn được chút sinh lực nào thì đó là nhờ ở hình con đại bàng. Con đại bàng biểu trưng chí khí nam nhi của ông!

- Anh Đồng! Anh nghỉ đi để tôi xúc đất lên cho.

- Không sao đâu!

- Anh Đồng, lẽ ra mới từ Cầu Nhò về, anh nên nghỉ ngơi ít hôm đã.

- Yên tâm đi! Trời đất kýác cho ta hình thể, dùng sinh mệnh làm ta mệt nhọc, dùng già lão khiến ta an dật, dùng cái chết giúp ta nghỉ ngơi. Cả câu này nữa, Toàn đã nghe thấy bao giờ chưa: Trời đất là hý trường. Bi kịch là sinh mệnh.

Leo lên miệng hố, bất giác Toàn bước lại cạnh ông Đồng. Những danh ngôn bất hủ, ẩn tàng bao ý tứ sâu xa, lại như tiên triệu những điều chằng lành, nghe mà lo sợ quá. Mặt trời đã lên cao, nắng chói lóa bỏng rát. Chống tay lên sườn, ông Đồng như trở lại vẻ oai vệ cố hữu. Nhưng, trong bóng râm chiếc mũ nan rộng vành, Toàn thấy ông già sọm hẳn đi. Mắt ông là hai lỗ đáo. Râu cằm ông tua tủa, cứng đơ, bạc phếch. Và ngực ông, nơi làn da bọc con tim, thi thoảng mới lại thấy sự sống thoi thóp giật giật một nhịp như lấy lệ. Ông yếu quá rồi.

- Toàn ơi! Uống nước đi!

Đưa Toàn bi đông nước, ông Đồng dùng mu tay quệt ngang miệng, lào thào không ra hơi:

- Làm vừa sức thôi, Toàn. Đừng hao phí sức lực, về già mệt mỏi lắm.

- Anh Đồng! Anh nghỉ một lát đi!

Lại chống tay lên sườn, ngực hơi ưỡn về phía trước, thật bất ngờ, ông Đồng tỏa cái nhìn thật dịu dàng lên khuôn mặt Toàn:

- Toàn à! Chú sinh sau anh hơn một giáp. Cho phép anh gọi là chú nhé. Toàn ơi! Càng ngày anh thầy chú càng đáng yêu. Đáng yêu ở chỗ nào? Ở chỗ, chú trong sáng quá, trinh trắng quá!

- Anh Đồng! - Toàn ngập ngừng - Lâu nay, ở gần anh mà thực sự chưa có dịp nào được nói chuyện riêng với anh. Anhng à, tôi thật tình là không muốn giấu giếm lòng mến mộ và cảm phục của tôi với anh.

Đưa tay che một cơn ho ngấp ngó trong cổ họng, vẻ ngượng nghịu, ông Đồng xua xua tay:

- Để anh nói hết về chú đã.

- Không!

Bỗng dưng như có linh giác mách bảo, rằng không còn thời gian nữa, Toàn đã cướp lời ông Đồng và trở nên đáo để khác thường:

- Không! Anh Đồng à. Thoạt đầu sống gần anh, nói thật, tôi có cảm giác không thoải mái. Anh như đệ tử của một tôn giáo khổ đau, của nỗi cô đơn chua chát. Anh là cái dị biệt, khác thường. Sau thì tôi hiểu, anh là cơn chấn động tâm thần, tập trung những vấn nạn của nhân sinh. Còn bây giờ thì tôi yêu quý anh thật lòng. Anh đã sống một cuộc đời thật đẹp, một cuộc đời đầy bi hứng tráng lệ!

Đầu đang rũ xuống, chợt ngẩng phắt lên, ông Đồng đã làm gián đoạn cảm xúc của Toàn. Khật khừ đi lại gần Toàn, cặp mắt bạc xác bỗng đỏ sọng như chảy máu, ông đặt hai bàn tay xương xẩu lên vai Toàn:

- Toàn à. Anh gọi Toàn là chú chẳng phải vì chú nhỏ tuổi hơn anh đâu, mà là vì chú để lại trong anh tình yêu và sự tin cậy như tình yêu, sự tin cậy đối với một người ruột thịt. Sống với nhau, như người Mông nói, phải nhìn nhau một tí, mới nên cơm canh. Thành ra, như thế đầy, trước hết chú đừng để tâm tới những chuyện láp nháp của bọn anh.

Nén một cơn ho, mặt đỏ rửĐồng tiếp, giọng khàn đặc:

- Còn anh, lân múa hay nhờ pháo nổ thôi, chứ có gì hơn đâu. Đời Tây Hán bên Tàu, Hàn Tín đang mai một giữa đám đông thì gặp Trương Lương. Nhờ Trương Lương tri ngộ, biết đến cái chí lớn, cái tài cao của mình mà Hàn Tín có dịp thi thố tài năng. Nếu so sánh cốt lấy tinh thần thì anh cũng tương tự vậy. Anh đang sống một cuộc đời của một lãng nhân rất tầm thường. Một cuộc đời lầy cái thú tiêu dao làm cốt lõi. Lấy sự lập dị khác người làm thích. Lấy oai vũ làm nết tốt. Thì anh gặp ông Quyết Định, gặp Cách mạng. Và thoạt đầu thì cũng chỉ nghĩ: Trời đã cho ta chút tài mọn thì ắt có người dùng đến thôi... Nhưng mà... kìa anh lan man cái gì thế nhỉ?

Khẽ đẩy Toàn ra xa một chút như để nhìn rõ Toàn hơn, giọng ông Đồng bỗng trở nên thống thiết lạ thường:

- Toàn à. Thật ra thoạt đầu anh cũng không hiểu chú đâu! Một thầy giáo trẻ tuổi, có tầm hiểu biết sâu rộng như chú, tại sao lại đâm đầu vào con đường này? Hay là chú cũng như bao kẻ muốn dấn thân vào con đường quan lộ? Nghĩa là hãy chịu khó làm tên tiểu đồng cắp tráp theo hầu quan đầu tỉnh ít lâu, rồi sau đó nhờ ơn mưa móc, kiếm chác được tí lợi lộc, được tí chức tước, một bí thư cấp huyện, một trưởng ty chuyên môn chẳng hạn, và thế là thỏa mãn, là vênh vang gia nhập giới quan trường tỉnh lẻ? Không! Toàn à! Bọn anh đã trót đi vào con đường này. Anh không muốn nói đây là con đường đi của những kẻ xấu xa. Ông Quyết Định và bao nhiêu con người khác nữa đấy. Họ là những con người tốt đẹp. Cuộc sống cần và có thể tạo ra những nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi như họ. Nhưng con đường này nó có nhiều chướng ngược lắm. Con đường này nó không thích hợp với em đâu. Nó cũng không thích hợp với anh đâu. Anh ví mình với Lạn Tương Như trong Đông Chu cũng không hoàn toàn đúng đâu. Lạn Tương Như là anh chàng bạch diện thư sinh, chủ về mưu trí tài tình. Còn anh, anh là con người hành động. Anh chỉ thật là anh khi anh ở Pha Linh trong những ngày phỉ nổi và chính quyền cách mạng chênh vênh bên bờ vực thẳm. Hoặc như khi anh cầm cái thuốn vận hết nội công xuyên xuống lòng đất tìm quả bom nổ chậm thôi. Thế đấy, còn con đường này nó dễ làm hư... Hỏng con người ta. Nó làm hư hỏng... anh. Nó khiến anh trở nên nhỏ mọn và vô cùng tầm thường.

- Anh Đồng!

- Nghe anh nói đã, Toàn.

- Anh Đồng, anh không nên khắt khe quá với chính anh. Anh đừng bất công như thế với anh.

- Anh hiểu. Anh hiểu lòng chú. Nhưng mà, Toàn ơi. Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn. Sĩ khả sát, bất khả nhục. Quân tử... không... đóng giả tiểu nhân được... Toàn à...

- Anh Đồng!

Lần này thì Toàn bật kêu thất thanh. Nói câu cuối cùng, giọng ông Đồng đứt quãng và méo xệch. Toàn vội đưa tay đỡ ông, vì thay ông chệnh choạng như mất thăng bằng.

- Không sao! Không sao! Anh còn khỏe chán. Tỉu hà ma! Anh còn đủ sức đánh ngã hai thẳng kẻ cướp ở Pha Linh định hành hung ông Quyết Định cơ, Toàn à!

Giọng nghe đã không ra người tỉnh táo, ông Đồng xua tay và xoay người, thò hai chân xuống sườn cái hố đất vừa từ đó leo lên. Nhưng, đáng lẽ là để hai chân truồi theo chiều dốc rồi từ từ chạm đất và đứng lên, thì kinh khủng quá, hai cẳng chân ông như hai lóng xương khô đã mất hết khả năng tự chủ, chúng tuột đánh phịch tới đáy hố và kéo theo cả cái n hình lỏng khỏng các khúc xương khô của ông rụi xuống theo, như một thân cây ải mục.

- Anh Đồng!

Toàn kêu kinh hoảng và nhảy ngay xuống lòng hố. Tay xốc nách ông, Toàn cố dựng người ông dậy. Không được. Một lần nữa, cũng không được. Rất may, nghe tiếng Toàn kêu, ông Bình, ông Căn, ông Duyễn đã bỏ cuốc xẻng xô cả lại. Trên kéo, dưới đun, trong ánh nắng hầm hập, phải mấy lần đun đẩy, mới đưa được ông Đồng lên miệng hố. Nhưng, vừa được đặt nằm trên miệng hố, ông đã oằn oại, lật sấp người xuống. Rồi như bị thúc từ bên trong, cong lưng, thót bụng, ông há miệng, thốc tháo, oằng oặc nôn ra một đống rớt rãi lẫn máu tươi.

- Thôi chết rồi! Bữa cháo cóc tối qua!

Ông Duyễn hoảng hốt. Ông Căn run rẩy:

- Không! Có sao thì tớ phải bị đầu tiên chứ?

- Ông Đồng bị ngộ độc rồi. Gọi xe cấp cứu ngay, các đồng chí ơi!

- Khổ thế, vừa mới đi đào bom nổ chậm về, đã được nghỉ ngày nào đâu!

Dựng ông Đồng dậy, Toàn một bên, ông Bình một bên, vừa đỡ vừa dìu ông. Dốc, có lúc trượt chân, cả ba ngã ngửa trôi tuột, bắn mỗi người một nơi. Ông Căn, ông Duyễn chạy theo; người cầm cái mũ nan rộng vành, người xách bi đông nước. Gần nửa giờ sau, ông Đồng được đưa xuống con đường dưới chân núi. Lúc này ông đã èo uột dặt dẹo như cái xác không hồn rồ

Nắng chàn chạt. Ngước lên, thấy triền núi khô rang phất phơ mấy cụm lau bạc. Loang lổ đây đó mấy vết đất vừa đào bới đỏ lòm. Thấp thoáng đôi ba cái mũ cối. Mấy bóng nón lá gài mảnh vải dù ngụy trang.

Chiếc commăngca chở ông Ké Lanh biến đâu mất. Bệnh viện cách đây bốn cây số. Có cách nào bây giờ? May, đúng lúc ấy nghe thấy tiếng máy nổ, quay lại thì thấy chiếc Uoát của Đích.

- Em vừa vào Sâu Chua đưa ông Quyết Định ra bệnh viện. Không hiểu có phải bị rắn cắn hay lá độc chạm phải không mà bọng chân trái bí thư tự dưng sưng vù. Người lại phát sốt nóng, lên tới gần bốn mươi độ.

Đích nói. Mấy anh em láo ngáo nhìn nhau. Ông Duyễn mở cửa xe:

- Thôi, chuyện dài nói sau. Bây giờ để tôi đưa ngay ông Đồng đi đã!

Chiếc Uoát vụt đi. Ông Căn, Toàn và ông Bình, ba người bơ vơ đứng dưới lòng đường vắng tanh. Ngày hội long trọng đã tàn cuộc. Ông Bình rơm rớm nước mắt:

- Khổ! Đã cơ cực một đời lại còn oan ức nữa! Ông Căn à, ông Đồng đúng là tứ cố vô thân. Vợ con không. Họ hàng thân thích không. Tôi nghi, ông có bệnh trọng ở trong người từ lâu rồi, giờ gặp lúc mệt nhọc mới phát ra!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx