sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18

Tin ông Quyết Định và ông Đồng đi bệnh viện cấp cứu đến với ông Văn Hiến khi ông đang lặn lội ở cánh đồng Quang Kim - vựa lúa chính của tỉnh. Lúc này vụ xuân đang bắt đầu. Công việc chỉ đạo đang vào mùa bận rộn. Gần một trăm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nằm trong gần hai trăm thôn bản vùng lúa lớn này, dưới quyền chỉ huy của Tổng tư lệnh tối cao là ông đang quyết tâm giành một vụ xuân đại thắng lợi. Theo ông, vụ xuân này tại nơi đây sẽ diễn ra một cuộc cách mạng có quy mô lớn chưa từng thấy; nghĩa là sẽ thay đổi đến tận gốc rễ các tập quán canh tác lạc hậu đã thống trị cả ngàn năm ở vùng đất này. Sẽ thay một trăm phần trăm giống mới. Sẽ thực hiện ngâm thóc giống ba sôi hai lạnh. Sẽ chống đến cùng tệ nạn nước chảy tràn bờ, có cấy mà không bỏ phân, không làm cỏ. Sẽ... Sẽ... Và như thế sẽ là một bước nhảy vọt về năng suất sản lượng. Sẽ tạo ra điều chưa từng có. Là bởi vì từ ngàn đời nay vùng lúa này cả mấy chục ngàn hécta quanh năm chỉ cấy hái có một vụ thôi. Vì cho rằng, hai vụ kết quả cũng chỉ như hai bát úp một, chả bõ. Vì cả vùng này, bao năm nay nhất nhất tuân theo một thói quen, cắm được cây lúa xuống ruộng là bỏ đấy. Động đến phân bón thì sợ bẩn, trong khi phân trâu bò ngập ngụa xóm làng.

Ông Văn Hiến bận tối mắt tối mũi. Họp hành chỉ đạo từng khâu công việc. Hội ý đầu bờ mỗi ngày mỗi tuần. Ruộng đồng bờ tiếp bờ trải ra mênh mông, phải lội tới từng thửa để xem xét, định giá, dự kiến năng suất sản lượng. Thầy sai sót phải lập tức bổ khuyết ngay! Rời bỏ cương vị Tổng tư lệnh tối cao lúc này thì hỏng. Tính ông thế, đã quyết là làm, là đốc thúc kiểm tra ráo riết. Làm việc dưới quyền ông không thể lơ tơ mơ. Qua loa tắc trách là bị ông cách chức, đuổi việc liền. Ông thể về thăm ông Quyết Định và ông Đồng được, cũng là vì quen nếp nghĩ xưa nay, cán bộ mình toàn loại đã lăn lóc với phong trào, mình đồng da sắt, kham khổ đã quen, hai người chắc chỉ ốm đau lặt vặt bình thường, quá lắm thì cũng chỉ một trận sốt rét rung giường chiếu, uống vài viên kí ninh là khỏi thôi; và nếu vậy thì hết đợt chỉ đạo về thăm cũng không sao!

Nói cho công bằng, ông Văn Hiến là người năng nổ nhất, có năng lực nhất trong Thường vụ, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Gốc gác là anh cố nông. Cày bừa gặt hái nhất nhất việc gì cũng đã trải. Các khâu đoạn làm ra hạt lúa củ khoai đều tận tường. Là người lao động sát sạt với công việc, trời còn phú cho ông lòng ham mê cái mới và tính cả quyết - những đức tính rất cơ bản của người lãnh đạo. Thành ra, bước đường quan lộ của ông xem ra có vẻ rất thuận chiều. Năm 1950, quê hương ông nổi lên phong trào phát động quần chúng giảm tô giảm tức. Ông lập tức trở ngay thành một nhân tố ưu tú. Tiếp đó, lại xuất hiện phong trào vận động cán bộ xã lên miền núi công tác, ông liền xung phong. Của đáng tội, thoạt đầu người ta đánh giá ông quá thấp. Đó là bởi vì thấy ông hình dong xấu xí, thấp bé nhẹ cân nên người ta đã tuyển ông vào cơ quan huyện ủy Pa Kha và giao cho ông công việc giám mã, thuần một việc trông coi mấy con ngựa thôi. Nhưng, sau thì giá trị thật của ông, anh chàng Bật mã ôn nổi dần lên từ công việc ông đảm nhiệm từ phong trào ông tham gia. Nói ông thăng tiến theo các phong trào là có lý!

Nhưng nói theo ông Đồng, rằng ông là anh cố nông láu tôm láu cá, cơ hội cũng không phải là sai. Tranh thủ mọi thời cơ để vượt qua số phận của mình, ai mà chẳng vậy; khác chăng là ở ông, thèm muốn này do bản năng quá mạnh mẽ, dồi dào nên nhiễu khi vô cùng lộ liễu. Chẳng nên phủ nhận hoàn toàn ông. Ông là người cần thiết cho cuộc sống lúc này. Sâu sát thực tiễn sản xuất nông nghiệp, gần gụi cuộc sống, lại có tư chất một người lãnh đạo: năng lực hiểu biết và quyết đoán, giờ, ông cũng là một phần linh hồn của ban Thường vụ Hoàng Liên. Tính cách cũng là do hoàn cảnh. Không kể ông Quyết Định một phẩm chất cán bộ vững vàng, cạnh các ông cùng trang lứa, được đề bạt chủ yếu do cơ cấu, thành phần dân tộc và là những cá tính mờ nhạt, ông Văn Hiến có môi trường để kiêu ngạo về mình. Con người tìm thấy bản ngã mình trong khi trằn mình vào cuộc sống. Từ tự tin đến tự mãn, tự cao, tự đại về mình, đen khát vọng vươn tới những đỉnh cao danh vọng, quyền lực là sự phát triển tự nhiên trong tính cách ông.

Tuy nhiên, dõi theo lịch trình công tác và tư tưởng ông, các ông trợ lý có nhận xét, sau vụ đổ máy MTZ ở Na Ẳng, ông Văn Hiến đã im hơi lặng tiếng, và như là náu mình đi một thời gian dài. Thật tình là thế thật. Ông im hơi lặng tiếng phần vì ngượng. Ngượng lắm! Ngượng từ cái chuyện say thuốc lào ngượng đi. Thế quái nào đường đường một đấng Thường vụ Tỉnh ủy, nhân vật số một số hai của tỉnh này mà ăn nói chấn chở như một lão già gàn dở thế. Rõ là làm trò cười cho đám cán bộ thóc mách chưa! Phần nữa, ông im hơi lặng tiếng cũng còn là vì chuyện vụng trộm với Tình có nguy cơ bị vỡ lở. Rắc rối quá, đã phòng ngừa cẩn thận bằng cách tính ngày an toàn của vòng kinh rồi, vậy mà một trưa nọ con bé vẫn xồng xộc đi vào buồng ông, tốc áo lên, phô cặp bầu vú bánh dầy với núm vú thâm xì thâm xịt, nửa khoe nửa dọa, rằng em đã có chửa rồi đấy. Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích. Chết cha cái tật háo sắc, cái thói rửng mỡ rồi. Gương tày liếp Trần Quàn đó có ai chịu soi đâu! Con gái Đô Lương xứ Nghệ đẹp thì có đẹp thật, nhưng cũng là đứa chẳng vừa. Nó đâu chỉ đòi một lạng cao hổ cốt. Nó mà tòi ra một thằng lỏi nhỏ choắt như hột lạc kẹ, rồi yêu cầu cưới xin đàng hoàng và bìm bìm muốn leo nhà gạch, đòi đóng vai bà Thường vụ Tỉnh ủy thì sự nghiệp coi như đi tong rồi. Thôi thì trước mắt dành dụm được bao nhiêu tiền đành dốc hết cho nó, ngọt ngào dỗ dành nó, bảo nó về quê tìm cách giải quyết hậu quả đã rồi tính sau vậy. Thế đó! Ông Văn Hiến, im hơi lặng tiếng, nhưng trong bụng ông bồn chồn lo lắng và cay uất

Trong im lặng cay uất ngẫm ra ông Văn Hiến mới thấy đây rất có thể là một thất bại ê chề của đời mình. Thất bại ê chệ vì rắp tâm xây đài kỷ niệm cho mình mà cuối cùng lại hóa ra là làm anh hề cho thiên hạ cười. Ngẫm ngợi sâu xa mới thấy rằng, một người không thể kéo dài mãi tuổi thọ của mình, nhưng lại có thể để lại hình ảnh vĩnh cứu của mình cho người đời. Gì chứ cái hình tượng một mình một ngựa đi thuyết phục các thổ ty của ông Quyết Định là sẽ còn lại như một biểu tượng vinh quang chói lọi của đời người! Sống ở đời, điều cao quý nhất là gì, nếu không phải là lưu lại ảnh tượng mình trên thế gian! Điều này ông Quyết Định đã làm được. Ông Đồng và nhiều người khác nữa cũng đã làm được. Và suy ra cho cùng thì người này hơn người kia chính là ở chỗ đó. Nhận ra chân lý này, thật tình là ông Văn Hiến rất đau buồn. Nhưng đau buồn mà ông không thối chí. Và bây giờ, thua keo này bày keo khác, ông Văn Hiến quyết bắt đầu lại công cuộc xây đài vinh quang cho mình bằng việc tạo nên một vụ xuân thắng lợi ở vùng đồng lúa này.

Một vụ xuân thắng lợi to lớn vang dội trong toàn tỉnh! Hoàng Liên, một tỉnh thượng du, có năm mươi vạn dân; tám huyện; hai thị xã với hai phần ba diện tích là núi rừng, trước nay chưa bao giờ tự túc nổi lương thực, thậm chí gần một nửa dân số thiếu đói mỗi năm từ hai đến ba tháng; từ nay lịch sử sang trang mới! Nay, từ vụ lúa xuân thí điểm trên diện rộng này, sản lượng lúa sẽ tăng vọt lên tới ba chục vạn tấn. Và như vậy về căn bản Hoàng Liên sẽ giải quyết nhu cầu lương thực cho toàn dân, ngoài ra lại còn có thể đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân!

Ôi, một vụ lúa xuân lịch sử! Một vụ xuân gây chấn động về quy mô, tính chất, hiệu quả gắn liền với t tuổi ông Văn Hiến! Hiển nhiên là như thế rồi! Hiển nhiên là người đời sau sẽ chỉ cánh đống này và nói: ở đây ông Văn Hiến đã làm ra lịch sử! Ở đây, ông Văn Hiến đã một thân một mình lội qua lội lại không biết bao lần cánh đồng này. Dấu chân ông đã đặt trên từng thửa ruộng. Ông đã phân tích, đánh giá thổ nhưỡng từng khu đồng. Ông đã đem giống lúa lai cực ngắn ngày về vùng đất này. Ông đã đưa cái khung cấy về đây và dạy nông dân ở đây kiểu cấy cải tiến hàng rộng hàng hẹp. Pa lèn cố tỉ, anh em bà con chú ý này, chân lội dưới ruộng bùn, tay giơ cao rảnh mạ, ông đã nói: Nhúp rảnh mạ bằng hai đầu ngón tay như thế này, rồi dúi xuống bùn cho tới mu bàn tay, tức là sâu tới bảy, tám xăngtimet và khi rút lên thì đưa ngón tay gạt nhẹ một lớp bùn để lấp kín hố dúi. Ông Văn Hiến, phải rồi, chính ông cũng là người đem kỹ thuật ngâm mạ ba sôi hai lạnh về vùng đất này. Ông Văn Hiến là thế, chứ đâu phải là cái anh cố nông láu cá, ranh ma, chỉ ăn theo phong trào!

Này, bà con có biết không, ấy thế, sau này thế nào mà chẳng có một người kể lại, rằng cái thùng gỗ thông đánh đai mây to đùng thì đặt ở giữa sân kho hợp tác xã mình đây. Nước sôi sùng sục ba phần đổ vào. Trộn với hai phần nước lạnh, nó bốc hơi ngùn ngụt. Trời, ông chủ nhiệm nâng thúng thóc lên mà hai tay run lẩy bẩy như lên cơn sốt rét. Run quá, vì thấy hơi nước bốc chạt vào mặt, nóng như nồi nước xông. Thế này thì bằng luộc thóc giống còn gì! Run quá, nên ngập ngừng. Thấy vậy, ông Văn Hiến liền bước lại, đỡ lấy thùng thóc giống. Bé như hột lạc kẹ, nhưng tiếng rõ to ông nói: “Bà con xem đây! Tôi xin đem đầu tôi ra đảm bảo”. Rồi nâng lên, nghiêng miệng thúng thóc giống xuống. Trời ạ, nghe ùm một tiếng, hơi nước bốc um lên, mọi người rởn cả tóc gáy. Còn ông Văn Hiến thì bật cười ha ha. Ôi, ông Văn Hiến, ông Thần Nông của quê mình!

Ông Văn Hiến mê ngay cái hình ảnh tưởng tượng của mình. Ông mê cả chuỗi hình ảnh những ngày ông chỉ đạo vụ xuân ở đâ>

Mạ ngâm ba sôi hai lạnh gieo xuống các thửa ruộng mạ mặt trang phẳng lì, đã ngồi ngay dậy, đâm mậm tăm tắp. Công việc vụ xuân đã vào nền nếp. Giao lại việc cho anh em cấp dưới, ông Văn Hiến mới nghĩ đến việc trở lại văn phòng. Cũng là lúc O Tròn gọi điện báo cho ông biết: ông Quyết Định đã được chuyển về bệnh viện Trung ương và bệnh tật ông Đồng có biểu hiện xấu, chiếu điện phát hiện ra một khối u to ở lá phổi bên phải. Đang hấp tấp sửa soạn ba lô quần áo thì ngay chiều hôm đó, ông Duyễn cho ông hay tin: ông được Trung ương chỉ định giữ chức quyền bí thư tỉnh ủy Hoàng Liên thay ông Quyết Định. Đứng lặng, vì bàng hoàng một lát. Rồi chẳng thể nấn ná được nữa. Leo lên chiếc xe đạp Thống Nhất nam, ông Văn Hiến vội vã đạp về tỉnh. Lúc này, trong lòng ông xáo trộn nhiều cảm xúc khác nhau. Sung sướng quá và bất ngờ quá! Ông không thể hình dung mình sao lại có thể có bước thăng tiến nhẹ nhàng đến thế. Chân thành, ông thấy như mình đã có phần may mắn. Và trong cảm xúc thành thật đó, ông thấy ngùi ngùi thương ông Quyết Định và ông Đồng. Nhớ lại, ông bỗng thấy như có điếu gì không phải với họ. Với ông Quyết Định là thói xoi mói, kèn cựa, kiêu căng tự phụ. Với ông Đồng là vụ kỷ luật từ hồi ông Đồng còn là Khu trưởng khu Pha Linh. Đồng có khuyết điểm thật. Nhưng thực lòng mà nói, hồi đó ông vừa có thành kiến lại có ý ghen tị với danh tiếng ông Đồng. Chưa kể sau này còn thêm tức tối căm hận vì ông Đồng gán cho ông cái xú danh anh cố nông láu cá láu tôm. Gạt bỏ những tạp vặt trong quan hệ, phải thấy rằng, con người như ông Đồng là quý lắm. Ông Đồng cũng đã tạo được hình tượng sống động của mình. Với thiếu sót ấy, ông Đồng chỉ đáng được nhắc nhở và điều sang công tác khác thôi. Chứ làm gì mà đến mức lưu đảng một năm, khiến ông ấy uất khngang tàng, phẫn chí, không thèm trở lại đảng nữa, khi đã hết hạn kỷ luật. Nói đến kỷ luật, ông lại nhớ đến vụ án đổ máy MTZ và bây giờ ông nhận ra là mình có điều không phải với ông Nguyễn Chí Hưng. Nghĩ đến đây, ông Văn Hiến lại nhớ tới Toàn. Toàn gây ấn tượng với ông bằng các ý tưởng. Phải chăng, chính là vì đề cao quá đáng chủ nghĩa tập thể mà sinh ra kẻ đứng đầu, đặc quyền, đặc lợi, độc đoán? Ý tưởng này ông được nghe ông Quyết Định nói lại trong một cuộc giao ban. Lúc ấy ông rất tức với Toàn. Còn bây giờ nhớ lại ông thấy mặt như có con bọ mạt bò.

Vội xua đuổi ngay cảm giác ân hận, ông Văn Hiến lấy lại thăng bằng. Hếch vành mũ cối lên, ông ngẩng mặt nhìn trời. Gió xuân rười rượi. Mặt ông tươi tỉnh. Chưa bao giờ ông thấy tự hài lòng như lúc này. Ông đâu có phải là con người ủy mị hay mủi lòng. Phải rồi! Ông Quyết Định vì ốm đau, vì ốm đau chứ đâu có phải vì những lý do khác, mà phải rời chức vị bí thư. Còn ông, sau ông Quyết Định thì đến lượt ông đảm nhiệm chức vụ quan trọng đó là đúng rồi! Là chính xác rồi chứ còn gì!

Xuống xe đạp, khóa lại ở cổng bệnh viện, ông Văn Hiến bước vào phòng thường trực. Nữ nhân viên trực nhận ra ông, vội đưa ông đi đến khoa nội, nơi ông Đồng nằm. Chính lúc ấy Toàn cũng đạp xe tới cổng bệnh viện. Lúc này, là buổi trưa một ngày xuân hây hẩy gió nồm.

Thực ra thì Toàn rời khỏi O Tròn từ sớm. Đêm hôm trước, Toàn có gặp ông Duyễn đề đạt với ông chánh văn phòng nguyện vọng được nghỉ phép năm mười hai ngày. Sớm sau, lúc con họa mi từ đâu mới về chiếm thung rừng này, bỗng thức giấc cất tiếng hót lanh lảnh, thì Toàn dậy. Hì hụi buộc níu đồ đoàn sách vở, kể cả cái hòm sách của Phiêu, rồi rón rén rời cơ quan, dắt xe ra cửa rừng, Toàn không đánh tiếng, cố không để ai biết. Không để ai biết có chuyến đi phép này. Không đểết Toàn đang thực hiện một cuộc chia tay! Cuộc sống có vui có buồn là thế. Gần gụi từng người, với một thái độ thể tất, cảm thông hết mực, Toàn thấy thương mến tất cả, kể cả những người có lúc Toàn không ưa. Nhọc nhằn quá, cuộc sống có bao giờ hiện ra ở hình thái hoàn hảo đâu. Mọi người, ai cũng như kẻ đấm với, ai cũng như phải đánh vật với chính mình, chả ai sung sướng trọn vẹn cả. Tội nghiệp! Nhưng mà thôi, với Toàn giờ đâu phải là lúc phân giải ai đúng ai sai, ai phải ai trái. Tình thế có lẽ là gần giống với cuộc ly hôn của một cặp vợ chồng. Vấn đề đặt ra là hãy tạo điều kiện để giải thoát cho nhau càng sớm càng tốt. Và như vậy với Toàn thì đơn giản nhất là coi như sau những tháng ngày lưu lạc, Toàn thế nào cũng phải trở về với nghề dạy học của mình, một công việc thích hợp với Toàn, một môi trường Toàn sống thoải mái và có ích cho đời.

Qua con ngòi cửa rừng, xe đạp chở nặng lại cồng kềnh, mảng suýt bị lật, Toàn đẩy xe lên dốc. Rồi dừng lại nhìn quanh. Đích và chiếc Uoát không có nhà. Nghe đâu đó tiếng đàn ong rù rì kéo mật trong yên bình. Chóng thế! Mới độ nào, thu chớm về, còn bây giờ thì xung quanh cửa rừng, sặc sỡ đủ các sắc màu hoa xuân. Giềng dại như giấy xé trắng xóa cả một vạt rừng phía trước mặt. Ở đó, có hàng gạo non dáng đứng ngay ngắn nghiêm trang như hàng tiêu binh, dang ngang cánh tay đơm những đóa hoa lửa. Thoang thoảng hương lúa lên đòng từ mấy tràn ruộng tạt lại. Xa xa là những đồi đất um tùm chật chội những rặng trẩu đang kỳ hoa nở trắng muốt. Còn cạnh đấy, nhãn từng hàng đang đẩy từng vầng hoa lên các nóc cây, anh ánh một màu kim nhũ phấn vàng.

Ngùi ngùi chút vương vấn, Toàn lên xe đạp dấn, như thoát khỏi một ám ảnh vừa thương nhớ vừa nặng nề.

Tới thị xã lúc tang tảng sáng, Toàn rẽ vào nhà bà cụ Dư gửi lại ít đồ đoàn sách vở, rồi đạp xe xuống bệnh viện th Đồng.

Thấy ông Văn Hiến vừa đi trước mình, Toàn cố ý dừng lại. Nhưng chừng năm phút sau thì Toàn thấy không thể chờ đợi hơn. Anh xách cân đường, hộp sữa, đi nhanh tới căn buồng ông Đồng nằm.

Cửa buồng mở rộng. Lặng phắc. Ông Đồng nằm, đầu gối cao. Mình đắp chiếc chăn chiên xám kẻ sọc đỏ. Mặt ông hốc hác như xưa rày vẫn thế. Da mặt ông thì cũng vẫn vậy, mái tóc rễ tre lốm đốm bạc cứng đơ. Cục yết hầu nhô cao nhọn hoắt. Còn hai con mắt thì như hơi to ra, nóng cháy và phát sáng, chúng vừa là biểu hiện của bệnh tật, vừa là trạng thái quắc thước của ý chí tinh thần. Tất cả, tất cả đều là những nét chính yếu của gương mặt ông, những khắc khổ, gan góc, oai hùng đã định hình, đã tạc vào không gian, thời gian; đã tạo nên chân dung sống động của ông.

Bước vào căn buồng, tiến đến cạnh giường ông Đồng, Toàn khe khẽ ngồi xuống. Ông Văn Hiến nhìn Toàn, hỏi: “Toàn đấy à?”. Rồi vẫn đứng trang trọng, mắt ngầu ngầu, mũi xụt xịt, nhưng câu chữ thì mạch lạc, rắn rỏi. ông nói:

- Đồng chí Đồng rất quý mến. Tôi đại diện cho Thường vụ đến thăm đồng chí. Mong đồng chí vượt qua cơn ốm đau, chiến thắng bệnh tật. Như đồng chí đã từng chiến thắng bọn phản loạn, giữ vững chính quyền Pha Linh năm nào. Như đồng chí đã chiến thắng quả bom nổ chậm của giặc Mỹ ở Cầu Nhò vừa rồi! Tôi cũng như đồng chí thôi. Chúng ta sinh ra là đương đầu với khó khăn, khổ

Nuốt nước bọt đánh ực, ông tiếp, giọng run run:

- Còn giữa tôi và đồng chí, xin đồng chí yên tâm thanh thản, không có quyền lợi riêng tư. Tất cả chúng ta chỉ có một lợi ích tối cao là quyền lợi của đoàn thể, của nhân dân. Tuy nhiên trong xử sự, đã có những lúc tôi tỏ ra không phải với đồng chí. Tôi đã quá khắt khe, thậm chí độc đoán. Về phần tôi, tôi sẽ nghiêm khắc tự kiểm điểm trước ban Thường vụ. Còn hôm nay, đứng trước đồng chí, tôi xin thành thật xin lỗi đồng chí. Và mong đồng chí rộng lòng tha thứ cho. Vâng, xin đồng chí rộng lượng tha thứ cho!

Nói rồi, ông mới sà xuống cạnh giường phía bên kia Toàn ngồi, chớp chớp con mắt ve, đầu gật gật, hỏi:

- Đồng chí có ăn được không? Rồi quay lại, lên giọng cấp trên gọi cô y tá, bảo cô mời bác sĩ trực lại đây. Rồi ông oang oang như nói cho tất cả mọi người trong buồng bệnh cùng nghe, rằng bệnh viện phải chữa bệnh cho ông Đồng với khả năng tối đa, có gì khó khăn cứ gọi điện thẳng cho tôi để tôi giải quyết.

Từ lúc Toàn vào, ông Đồng chỉ nhìn Toàn. Đưa tay nắm tay Toàn, ông không nói. Trong hai cái hố mắt sâu hoẳm của ông, đưa đẩy hai chấm con ngươi lung linh suy ngẫm. Chẳng lẽ là việc ông Văn Hiến đến thăm và xin lỗi ông đang khiến ông nhớ lại cái tích chuyện Lạn Tương Như ở đoạn kết: cuối cùng thì Liêm Pha cũng đã nhận ra tấm lòng đại lượng cao cả của Lạn Tương Như, cũng đã nhận ra mình là kẻ hẹp hòi, thô bạo nên đã tự trần tay áo, cầm roi đi đến trước cửa nhà họ Lạn, quỳ xuống để tạ tội và hai người đã ôm nhau cùng khóc? Hay là... ông biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa và lần gặp này của Toàn với ông sẽ có thể là lần cuối cùng đây. Sẽ là lần gặp nhau cuối cùng đây, nhưng dẫu có thế nào thì hai người cũng mãi mãi nhớ đến nhau. Mãi mãi không thể quên được nhau.

Hà Nội 15/8/2008


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx