Các em lớn lên, chỉ thấy đảo Côn Sơn được gọi bằng cái tên đẹp là hòn Đảo Ngọc, chắc ít em biết là trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà toàn quân và toàn dân ta đại thắng bọn Mỹ cướp nước, và bọn bù nhìn bán nước, thì đảo ấy lại là một địa ngục ở trần gian đấy! Côn Sơn thuộc quần đảo Côn Lôn, ở về phía đông nam của Nam Bộ nước ta, cách đất liền gần nhất là 83 ki-lô-mét. Nguyễn Ánh, tên vua phản dân phản nước nhờ quân Pháp giúp chống lại nhà Tây Sơn, đã dâng Côn Lôn cho Pháp để đền ơn. Mấy chục năm sau, thực dân Pháp xâm lược chiếm toàn nước ta. Việc đầu tiên của bọn giặc cướp nước là tìm một nơi hẻo lánh, xa đất liền để làm chỗ tù đày, giam cầm những người yêu nước Việt Nam chống lại chúng. Chúng đã chọn đảo Côn Sơn. Số người bị kết án từ mười năm tù trở lên bị đưa ra đấy. Chúng xây ba khu vực lớn gọi là banh, nghĩa là nhà giam. Banh 1 giam tù thường. Banh 2 giam tù chính trị. Về sau, vì tù đông quá, chúng xây thêm banh 3. Ngoài ba banh chính, còn có những nơi gọi là sở, cũng để giam tù, như sở tải (làm vệ sinh), sở lưới (lấy hải sản), sở chuồng bò (lấy củi) v. v... Tù thường là những người bị kết án ăn cướp, giết người, khác với tù chính trị là những người hoạt động về chính trị chống bọn cướp nước, hoặc nhằm lật đổ chính quyền của chúng. Thế thì tù chính trị là những người yêu nước, muốn đuổi quân xâm lược để nước được độc lập và tự do. Tù chính trị, do đấu tranh mà được hưởng một chế độ riêng, bắt buộc bọn cai ngục phải thực hiện đúng: không phải ra làm việc khổ sai ở ngoài banh, được nhận thư từ, sách báo, thuốc men, tiền bạc của gia đình gửi vào. Năm 1936, ở bên Pháp, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền thì tù chính trị ở các thuộc địa được trả tự do. Vì chả có tội gì! Nhưng bọn thống trị ở thuộc địa đã lừa dối chính quyền bên Pháp. Chúng chỉ xếp là tù chính trị những người lập chính đảng, tham gia Đảng, viết sách báo phản đối chúng, hoặc rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm. Còn những người hoạt động chính trị đến mức biểu tình đòi thóc lúa, hoặc có xung đột với bọn cầm quyền, thì chúng bẻ queo ra là tội cướp bóc, hành hung, bắt chịu án tù thường, khổ sai. Đầy ra Côn Đảo, những người này phải ở banh 1 với tù thường. Nói chung, tù ở nhà lao nào cũng bị đánh đập, đối xử tàn nhẫn. Nhưng ở ngục Côn Sơn, họ còn bị đánh đập, đối xử tàn nhẫn gấp trăm nghìn lần. Họ làm việc nặng nhọc quá sức.
Ví dụ như ở sở chuồng bò, họ phải vào rừng, leo dốc, lấy đủ mỗi người mỗi ngày một thước khối củi. Hoặc ở sở lưới, họ phải ngâm mình dưới biển ban đêm để mò san hô, bắt đồi mồi, bắt vích. Nhiều người không làm đủ mức, bị bọn cai ngục hành hạ rất tàn nhẫn, đến nỗi không chịu nổi cực hình. Muốn tránh cực hình, họ đành tự tử còn hơn sống. Tù thường mà gây sự giết được tù chính trị còn chóng được tha. Hồi thuộc Pháp, ở Côn Đảo, những người tù bị liệt vào hạng bất trị phải chịu đựng một hình phạt đặc biệt tàn khốc, là bị giam vào hầm xay lúa. Hầm rộng mỗi bề độ mười mét. Có năm, sáu cái cối xay lớn và nặng, mỗi cái phải năm, sáu người kéo mới nổi. Vì cả ngày bụi cám, trấu bay lên, nên trong hầm lúc nào cũng lờ mờ, đứng cách nhau một mét không nhìn rõ nhau. Chỉ cần vào đó mười lăm phút thì lúc ra đã khạc thấy đờm đen. Làm ở đây, chỉ ít bữa là không tránh được đau mắt, đau tim, đau gan, ho lao, kiết lỵ. Rồi vì làm nặng, ăn khổ, ốm không thuốc men, bệnh nhân sẽ chết. Người bị chết do hầm xay lúa không phải là ít. Những năm 1941, 1942 nguyên nhân bệnh kiết lỵ đã giết hại mỗi ngày trung bình bảy, tám người. ở hầm này, tùy theo số người bị phạt, có khi là năm sáu chục, có khi đến hơn trăm, nhưng dù nhiều hay ít, số thóc hàng ngày xay ra gạo cũng phải là ba mươi nhăm bao, mỗi bao tám chín mươi ki-lô-gam. Những người bị phạt vào hầm xay lúa thường là những tay tù thường, mang án nặng, lại hung hăng nhất, nên tính chất lưu manh côn đồ của họ lên đến tột độ. Bọn tù sừng sỏ, gọi là tù anh chị, và bọn có tiền đút lót cho cai, lính, thì được làm nhẹ, hoặc ngồi chơi đánh bạc với nhau. Còn bọn đàn em, bọn không có tiền, lép vế, thì nai lưng ra làm hơn súc vật. Thế mà còn bị hành hạ đánh chửi nữa. Vì vậy, bọn anh chị đã đút lót để tranh nhau làm chức cập-rằng, cai quản trong hầm xay lúa, được ăn trên ngồi chốc, đè đầu đè cổ, bắt nạt kẻ yếu thế. Mỗi ngày mỗi người xay thóc được trả công một xu, vậy mà có cập-rằng vơ vét được hai ba chục đồng một tháng. Nhưng làm cập-rằng hầm xay lúa cũng là đi vào chỗ chết. Họ bị anh em oán thù. Không mấy người thoát bị đánh chết bằng dùi đục sửa cối, đâm chết bằng kim khâu bao, hoặc chém chết bằng dao mang lén vào hầm. Cập-rằng nào lâu nhất là bền được sáu tháng. Có người mới làm chưa được một tháng đã bị giết bằng đòn thù. Hồi đó, năm 1930, ở Côn Đảo, có một người đảng viên cộng sản bị thực dân xuyên tạc bản án cho thành tù thường. Người này bị giam ở banh 1. Cũng biết đây là một tay hoạt động chính trị rất đáng ghê sợ từ năm 1912, đã từng làm những việc long trời lở đất, nhưng bọn cầm quyền ở Đông Dương không đủ bằng chứng để xử tử hình. Chúng chỉ kết được cái án nặng nhất là hai mươi năm khổ sai thôi. Chúng bèn ra lệnh ngầm cho tên chủ ngục Buviê phải tìm cách trừ khử người ấy đi. Song tên "ông lớn" này không dám tự tay làm việc hãm hại. Nó nghĩ mưu mẹo là dùng những tù thường liều mạng, cùng đường vào bậc nhất làm việc ấy thay cho nó. Muốn treo tính mệnh người ấy ở đầu sợi tóc, nó cắt người ấy làm cập-rằng hầm xay lúa. Nó nói giọng lừa phỉnh:
- Hầm xay lúa làm việc lộn xộn lắm! Tôi cử anh đến làm cập-rằng. Anh là người có chính trị, mới có thể cai quản được hầm này. Biết ngay thủ đoạn thâm độc của tên khốn nạn nó muốn giết mình, nhưng cũng biết không thể từ chối nổi nó, người đảng viên cộng sản nghĩ ngay đến sứ mệnh của mình là một mặt chống địch, một mặt giác ngộ đồng bào.
Anh nói như để giao hẹn với tên chủ ngục:
- Tôi không biết xay lúa, lại không biết làm cập-rằng. Việc cử cập-rằng là tùy anh. Anh bảo tôi làm, nếu tôi không được việc là tại anh. Thế là từ hôm ấy, người tù chính trị của chúng ta làm cập-rằng hầm xay lúa. Nhưng cũng từ hôm ấy, những người tù thường trong hầm xay lúa hết sức ngạc nhiên. Người cập-rằng mới này vui vẻ, hòa nhã, và cũng lao động cùng các bạn, có khi lại nhận việc nặng nhọc hơn. Anh ta không ăn tiền đút lót, còn giảng giải, khuyên bảo mọi người cùng làm với nhau, tùy theo sức khỏe hay yếu mà chia việc nặng hay nhẹ. Ai đau ốm thì được giúp đỡ, săn sóc. Muốn khỏi mỏi mệt quá sức, anh ta định giờ nghỉ. Thỉnh thoảng anh ta cố tình làm cho cối hỏng, phải đưa đến Bản Chế để sửa, cho anh em đỡ việc.
Vì làm nặng nhọc nên chóng đói. Ngày trước, buổi trưa, anh em vẫn phải lén lút nấu ăn thêm, lấy trộm bao gạo làm củi đun. Nhưng hễ bọn mã-tà bắt được thì chúng đánh thừa sống thiếu chết. Bây giờ không thế nữa! Gạo sẵn đấy, giã cho trắng thêm để nấu cho ngon. Bao tải sẵn đấy, cứ tự do phá ra mà đun. Lại được anh em sở tải tiếp tế cho thức ăn nữa. Thành thử tù làm ở hầm xay lúa sung sướng hơn tù làm ở nơi khác. Họ lao động vừa sức, được ăn đủ và ngon, không bị mất tiền, không bị bắt nạt, ngược đãi. Cập-rằng thương yêu mọi người. Mọi người cũng thương yêu cập-rằng. Và tất cả thương yêu nhau. Trong hầm, không xảy ra xích mích. Không ai coi ai như thù địch nữa, trái lại, còn hiểu kẻ thù của mình chính là thực dân Pháp. Một nơi địa ngục nhất trong cái địa ngục trần gian này biến thành một nơi có đầy tính nhân đạo. Nhưng có một cái kém trước. Đó là số bao thóc xay được. Từ ba mươi nhăm bao mỗi ngày, sụt dần xuống ba mươi ba, rồi ba mươi. Rồi hai mươi tám. Rồi hai mươi nhăm. Qua một tháng rưỡi, số thóc xay được có hai mươi ba bao mỗi ngày. Tên Buviê lo sợ và căm tức quá. Nó thất bại rồi! Người nó định giết không bị giết, mà lại giết lại nó: Không đủ gạo cho tù ăn thì nó mất chức. Nó vội vàng đánh điện về Sài Gòn xin gạo. Và bắt tất cả tù phải đi đào khoai làm lương thực dự trữ. Nó cự người cập-rằng hầm xay lúa không làm đủ bổn phận. Nhưng người này vẫn bình tĩnh, đáp:
- Tôi đã nói trước với anh là tôi không biết xay lúa, và không biết làm cập-rằng. Tôi làm cập-rằng là do tự anh cử tôi. Cho nên việc không chạy là tại anh. Cáu quá, thằng thực dân như điên cuồng. Nó xông vào hầm, đánh bừa bãi để ốp làm. Nhưng anh em tù đã giác ngộ, la ó lên rầm rĩ. Vốn biết những tay này là bất trị, nó đành phải lui về. Nhưng để trả thù người đã chiến thắng nó, nó cách chức cập-rằng và phạt giam người ấy vào hầm tối. Hầm tối là cái buồng hẹp, vừa một người nằm, có cùm sắt, xung quanh kín mít như bưng, chỉ có rệp và hơi cứt, hơi đái. Để đầy đọa thêm người đảng viên cộng sản rất đáng sợ này, nó bảo:
- Mày đã không làm đủ mức gạo thì tao bắt mày ăn thóc!
Từ hôm đó, mỗi bữa người địch thủ của tên Buviê nhận một ca thóc khô. Nhưng người ấy nào có chịu nhượng bộ! Nhất định nhịn ăn để chống lại nó. Tin ấy bay ra ngoài. Toàn thể tù thường đều bất bình. Họ bảo nhau bãi công để tỏ tình đoàn kết với người tù chính trị mà họ rất yêu mến và kính phục. Đó là cuộc bãi công đầu tiên ở ngục Côn Đảo. Và cũng cảm động làm sao! Những bữa ăn sau, người đảng viên cộng sản của chúng ta nhận được ca thóc thì chỉ thấy lượt trên là thóc, còn lượt dưới là bánh. Tuy anh bị nhốt trong hầm kín, nhưng bao nhiêu việc xảy ra ở bên ngoài, anh đều biết hết. Muốn báo tin tức đấu tranh, anh em tù thường đi quét dọn, đến gần hầm ấy thì giả vờ kể với mã-tà, nhưng nói thật to những việc vừa xảy ra. Mã-tà là những thằng vô cùng độc ác, tàn bạo, hỗn xược nhất. Nói với ai, chúng cũng "mày tao". Nhưng từ đó, đứa nào cũng phải kiềng cái người bị nhốt trong hầm kín này. Chúng không dám động đến anh đã đành, mà còn gọi là "ông" nữa. Người đảng viên cộng sản làm cập-rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn năm 1930, đã làm náo động cả đảo ấy là ai? Năm 1918, hải quân Pháp cùng với hải quân của mười ba nước tư bản khác đến Hắc Hải định tấn công vào thành phố Xêbátxtôpôn nước Nga Xô Viết mới ra đời. Người ấy ở trong hàng ngũ hải quân Pháp, đã cùng lính thủy Pháp phản chiến, và đã tự tay kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Pari, để chiếc tàu ấy quay mũi đầu tiên.
Tháng 9 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ ta cho đón các đồng chí ở Côn Đảo về. Người ấy, tuy đã bị tù mười bảy năm rưỡi, còn lái được chiếc ca-nô bị sóng gió làm rơi địa bàn xuống biển, về được đến đất liền. Người ấy, năm 1955, đã được thưởng Huân chương Xtalin, là thứ huân chương cao quý của thế giới tặng những người có công lớn với hòa bình quốc tế. Người ấy, năm nay tuổi đã gần chín mươi mà còn mạnh khỏe, và còn sáng suốt để làm tròn một trách nhiệm nặng nề nhất của Đảng và nhân dân giao cho. Người ấy vẫn luôn luôn chăm lo học tập đạo đức của Hồ Chủ Tịch. Người ấy là đồng chí Tôn Đức Thắng, là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và cũng là Chủ tịch danh dự của ủy ban thiếu niên nhi đồng Việt Nam, từ ngày ủy ban được thành lập. Đó là bác Tôn rất kính mến của chúng ta.
Viết năm 1959 Sửa 1976 Nhà xuất bản Kim Đồng
@by txiuqw4