sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 42 - Công Tử Nói Chuyện Khoa Trường Nơi Quán Dĩ

Vương nghĩa An thấy hai người gái điếm bước vào phòng bèn nói với người đang rửa tay:

- Ông Lục! Ông lại đây mà xem hai cô mới đến!

Hai người gái điếm ngẩng đầu lên. Thấy một người mặt đen, rỗ, hai con mắt hấp ha hấp háy, đầu đội một cái mũ đã rách, mình mặc áo lụa xám dính bết cả đầu, chân đi đôi giầy cũ mũi nhọn, đang xắn ống tay áo lên rửa tay xem chẳng có vẻ gì là văn nhân hay võ sĩ cả.

Khi hắn ở nhà bếp đi ra thì hai người con gái chạy lại:

- Chào ông Lục.

Và cúi đầu, xoay mông đít một cái, một tay sờ chéo áo, cúi chào. lão Lục giơ hai tay đỡ lấy:

- Hai con ngoan ngoãn của tôi! Các con đến đây gặp được lão Lục này là may phúc lắm đấy!

Vương Nghĩa An nói:

- Ông Lục nói đúng đấy! Các cô đến đây đều nhờ ông Lục săn sóc cả đấy! Mời ông Lục ngồi. Đem trà đến đây cho ông Lục!

Thang Lão Lục ngồi trên một cái ghế dài. Hắn kéo hai cô gái ngồi xuống, mỗi người ngồi một bên. Hắn sắn quần lên, gác cái đùi đen bóng lên trên đùi cô Tế, kéo cái bàn tay trắng nõn của cô Tế đặt lên cái đùi đen thui của hắn. Uống trà xong, hắn lấy ra một cái bị đựng cau, bỏ cau vào miệng nhai rau ráu. Nước giãi tràn ra ngoài, chảy ròng ròng xuống râu. Hắn ngả người sang bên phải lại nghiêng sang bên trái, môi ghé vào má hai cô để chùi nước giãi. Khi hai cô kia lấy khăn tay ra lau má thì hắn giựt lấy khăn lau nách. Vương Nghĩa An cầm chén trà nói:

- Ông có nghe tin tức gì gần đây không?

- Có chứ! Hôm trước ông ta có sai một người đến Nam Kinh để thuê may hai mươi bốn lá cờ nhiễu điều thêu rồng, và một cái cờ soái màu vàng lớn. Tháng này, ông sẽ lên kinh. Vào tháng chín, lúc có sương sẽ làm lễ tế cờ. Hoàng Thượng sẽ làm Đại tướng quân và ông chú của tôi làm Phó tướng quân. Hai người sẽ cùng đứng trên một tấm thảm và cúi đầu. Cúi đầu xong, chú tôi sẽ làm tổng đốc.

Đang nói chuyện, có một tên kiếm gái gọi Vương Nghĩa An ra ngoài, thì thầm một hồi, Vương bước vào nói:

- Ông Lục, tôi xin hỏi ông. Vừa rồi có một người khách đến đây muốn gặp cô Tế, nhưng thấy ông ở đây nên không dám vào!

- Cứ đưa ông ta vào đây, có việc gì đâu? Tôi sẽ uống rượu với ông ta.

Vương Nghĩa An đưa người kia vào. Y là một người lái buôn trẻ tuổi.

Người khách kia vào ngồi. Vương nghĩa An liền nói với y bỏ ra một ít tiền mua một đĩa thịt lừa, một đĩa cá, mười be rượu. Vì Thang Lão Lục là người Hồi giáo nên Vương Nghĩa An lại mua thêm hai, ba mươi quả trứng gà luộc. Sau đó, thắp một ngọn đèn treo, Lão Lục ngồi ghế đầu, người khách ngồi đối diện. Lão Lục gọi cô Tế ra cùng ngồi một ghế đầu với khách. Cô Tế cứ nũng nịu đòi ngồi với Lão Lục. Khi bốn người đã ngồi, rượu rót ra. Sau đó bày trò đánh đố ai thua phải uống rượu, ai được thì hát. Lão Lục được và hát giọng ồ ồ bài “Ký sinh thảo”. Rồi đến cô Tế và khách chơi, cô Tế được Lão Lục bảo rót thêm rượu nghe cô Tế hát. Cô Tế quay mặt không chịu hát mà chỉ cười. Lão Lục lấy đũa gõ trên bàn làm nhịp, nhưng cô Tế chỉ cười không hát? Lão Lục doạ:

- Mặt tôi như cái rèm, cuốn lên cũng được, buông xuống cũng được! Tôi bảo cô Tế hát một bài, thì cô phải hát ngay.

Vương nghĩa An lại giục, cô Tế đành phải hát mấy câu. Hát xong nghĩa An nói:

- Ông Vương đến đây rồi!

Viên Bả tổng họ Vương đi tuần đến. Thấy Lão Lục ở đấy, y không nói năng gì. Những người gái điếm cúi lạy. Y vào bàn uống rượu. Người ta lại mua thêm năm, sáu be rượu nữa. Đến canh tư, một tên đầy tớ của nhà đô đốc mang đèn lồng “Đô đốc phủ” đến nói:

- Trong phủ gọi ông Lục về!

Lão Lục và ông Vương ra ngoài. Khách buôn bước vào phòng. Người múc nước rửa tay đến xin tiền, người mang khăn mặt đến xin tiền. Cô gái điếm chải đầu rửa mặt và tắm, bận rộn một hồi. Sau đó, hai người cùng lên giường. Lúc bấy giờ gà đã gáy sáng.

Sáng sớm hôm sau, Lão Lục đến bảo dọn một bữa tiệc tiễn hai công tử đi Nam Kinh. Vương nghĩa An nghe nói hai người con của quan đô đốc đến thì mừng rỡ như bắt được vàng, vội vàng hỏi:

- Ông Lục! Hai công tử đến ngay bây giờ hay chiều? Lão Lục móc ở lưng ra một gói bạc có năm mươi sáu đồng cân đưa cho Vương, bảo sửa soạn một bữa tiệc có bảy món ăn ngon và hai món điểm tâm:

- Nếu chưa đủ tiền thì đến nói với tôi. - Không dám! Không dám! Nếu ông Lục tìm được đám nào cho hai cô kia thì còn nói gì nữa. Vả lại, hôm nay lại là bữa tiệc thết ông cả, ông hai con quan đô đốc, chúng tôi xin cố gắng giúp ông Lục!

- Phải cho ngoan ngoãn đấy! Tôi muốn sao cho hai cô con gái ông vớ được hai ông thì thật là có phúc mười đời!

Vàng bạc, ngọc ngà, châu báu nhà ông ta chả thiếu thứ gì. Nếu gãi đúng tim đen hai ông ấy thì tha hồ mà tiêu! Cả đến bọn đầy tớ, bọn nấu bếp cũng kiếm được chán tiền!

Lý Tứ đứng bên cạnh, nghe vậy cũng mừng quýnh lên.

Dặn dò xong, Lão Lục ra đi. Ở nhà mọi người vội vàng lo dọn tiệc. Đến chiều Lão Lục cùng hai công tử đến, đầu đội mũ lụa, một người mặc áo tía thêu kim tuyến, một người mặc áo xám nhạt thêu kim tuyến, chân đi giày đen đế trắng, mang theo bốn người hầu, ngay giữa ban ngày cũng xách hai cái đèn lồng, một cái đề “Đô đốc phủ”, một cái đề “Nam Kinh hương thí”. Hai người vào ngồi. Hai cô gái cúi chào. lão Lục đứng bên cạnh. Người lớn tuổi hơn là Thang Do, nói:

- Anh Lục, có ghế đây, ngồi xuống chứ!

- Vâng, vâng! Xin hỏi ông cả, ông hai, còn hai cô đây thì có cho phép ngồi không ạ?

Thang Thực nói:

- Sao lại không? Bảo hai cô ngồi xuống chứ! Hai người con gái làm ra vẻ rón rén, rụt đầu rụt cổ, ngồi lên một cái ghế dài lấy khăn tay che miệng cười.

Thang Thực nói:

- Hai cô năm nay bao nhiêu tuổi?

Lão Lục đáp hộ:

- Một cô mười bảy, một cô mười chín.

Vương Nghĩa An mang trà lên, hai người con gái tay bưng chén trà, lấy khăn tay lau xung quanh chén cho khô rồi mang đến đưa cho hai công tử. Hai người tiếp chén trà và uống. Lão Lục hỏi:

- Khi nào hai ông đi?

Thang Do nói:

- Ngày mai, vì quan chủ khảo đã đến Nam Kinh rồi, cho nên chúng tôi không thể ở nán lại nữa.

Trong khi Lão Lục nói chuyện với Thang Do thì Thang Thực kéo cô Tế lại ghế của mình và sờ tay, sờ chân, âu yếm một hồi.

Lát sau, rượu đem lên. Họ đã thuê một người bếp Hồi giáo dọn những món ăn Hồi giáo: yến sào, thịt vịt, thịt gà, cá. Lão Lục tự rót rượu, mời hai công tử ngồi ghế khách; còn mình ngồi dưới tiếp, hai cô ngồi hai bên. Đồ ăn đem lên, hết món này đến món khác. lão Lục tay chân lúng túng, ngồi dưới uống rượu. Lão Lục hỏi:

- Hai ông lên Nam Kinh thì có vào trường ngay không? Từ canh năm ngày mồng tám, trước tiên đọc tên thí sinh phủ Thái Bình. Khi đọc đến phủ Dương Châu, sợ có muộn quá chăng?

Thang Do nói: - Đâu đã đọc ngay đến thí sinh phủ Thái Bình? Trước tiên ở trước viện nổ ba phát súng và cái cổng lớn mở ra. Sau đó, nổ ba phát nữa, cái cửa chính mở, lại nổ ba phát nữa thì cửa Long Môn mở. Có tất cả chín phát súng.

Thang Thực tiếp lời: “Súng ở đấy nhỏ hơn súng ở trước viên môn ông cụ tôi”.

Thang Do nói:

- Nhỏ, nhưng không nhỏ hơn lắm. Sau khi đã nổ súng, người ta đặt hương án ở nhà “Chí Công Đường”. Quan Phủ Doãn phủ Ứng Thiên mang đồ lễ mặc áo mãng bào ra làm lễ. Khi ngài đứng dậy có hai cái lọng che. Quan Bố chính quỳ xuống mời “Tam giới phục ma đại đế quan thánh đế quân” đến để trấn áp trường thi. Sau đó lại mời “Chu tướng quân” ra để kiểm soát trường thi. Cái lọng rẽ ra, quan Phủ Doãn lại ra làm lễ. Thư biện của quan Bố chính ra quỳ mời “Thất khúc văn xương”, “Khai hóa tử đồng đế quân” ra trường làm chủ khảo, mời “Khôi Tinh” ra để soi sáng. Lão Lục lè lưỡi:

- Mời những vị thần, Phật kia ra cả như thế rõ ràng là một việc lớn!

Cô Thuận nói:

- Hai ông thật là to gan, dám đến cái nơi có nhiều thần phật như thế! Chúng em thì thà chết cũng không dám vào!

Lão Lục nói:

- Hai ông đều là, sao “Văn khúc tinh” ở trên trời, có phải như thứ các cô đâu?

Thang Do nói:

- Sau khi đã mời “Văn xương” quan Phủ Doãn lại vái ba vái và Thư biện mời tất cả những người cha mẹ có công đức của những người đi thi.

Lão Lục hỏi: - Thế nào là cha mẹ có công đức? Thang Thực nói:

- Cha mẹ có công đức là cha mẹ những người đỗ tiến sĩ và ra làm quan. Chỉ có những người này mới được mời mà thôi. Còn hạng thi tú tài đến già đời và hạng bách tính thì mời ra làm gì?

Thang Do nói: - Trước mỗi phòng có một lá cờ đỏ, dưới cắm lá cờ đen. Dưới lá cờ đỏ là linh hồn những người mà thí sinh đã cứu giúp, dưới lá cờ đen là linh hồn những người có thù oán với thí sinh. Sau khi quan Phủ Doãn trở về chỗ, Thư biện hô lên: “Ân quỉ vào, oán quỉ vào!” và ở hai bên đốt vàng giấy. Một trận gió thổi ào ào, các linh hồn theo vàng giấy vào ngồi dưới những lá cờ đỏ và những lá cờ đen.

Cô Thuận nói: - A di đà phật! Cho hay ai là người tốt thì đến lúc ấy mới thấy rõ ràng!

Lão Lục nói: - Như cụ nhà ta ở biên cương có nhiều công đức, cứu được bao nhiêu nhận mạng thì ân quỉ chắc là không biết bao nhiêu mà kể. Ở dưới cờ đỏ chắc là không đủ chỗ mà ngồi.

Thang Do nói:

- Cũng may anh Lục không đi thi. Chứ nếu đi thi thì các “oán quỉ” nó lôi anh đi mất.

- Tại sao thế?

- Cứ xem anh Nghiêm bạn tôi ở Nghi Xương thi khoa trước thì biết. Anh là một ông tú tài hay chữ. Ở trong trường thi anh đã viết xong bảy bài văn và đang cao giọng ngâm nga thì bỗng có một trận gió nhẹ làm cho ngọn nến lảo đảo, cái vải che cửa bị kéo ra một bên và một cái đầu thò vào. Anh Nghiêm nhìn kỹ thì thấy đó là đầu một cô gái giang hồ đã cùng sống với mình. Nghiêm nói:

- Người đã chết rồi còn đến đây làm gì?

Người con gái nhìn nghiêm cười khanh khách. Nghiêm hoảng hốt cầm thẻ số hiệu đập một cái, nghiên mực bị lật đổ, mực đen đổ lên quyển thi thành vết bẩn to tướng. Sau đó, người kia biến mất. Nghiêm thở dài mà rằng: số ta phải như thế. Khi Nghiêm nộp quyển thì trời mưa to, anh liều ướt về nhà, bị ốm ba ngày liền. Lúc tôi đến thăm, anh ta nói đến việc đó, tôi nói:

- Chắc vì anh đã làm hại đến đời cô ta nên cô ta tìm đến anh. Anh Lục! Trong đời anh, anh đã làm hại bao nhiêu người? Như thế anh có vào trường thi được không?

Hai cô gái điếm vỗ tay reo:

- Này ông Lục! Ông đã làm hại đời chúng tôi! Nếu ông đi thi thì hai chúng tôi sẽ làm oán quỉ của ông đấy.

Ăn xong. Lão Lục giở cái giọng khàn khàn ra hát một bài, hai công tử vỗ đùi cùng hát một bài. Cố nhiên hai cô gái cũng hát. Ồn ào mãi đến canh ba, hai người mới sai xách đèn để về nhà.

Hôm sau, hai người thuê một cái thuyền lớn đi Nam Kinh. Lão Lục cũng tiễn chân đến tận thuyền mới trở về. Hai người ở trên thuyền nói chuyện suông, bàn đến cái cảnh náo nhiệt khi vào thi. Thang Thực hỏi:

- Anh bảo năm nay sẽ ra đầu đề gì? - Ta đoán nhất định sẽ ra đầu đề về chuyện phụ thân chúng ta đánh dẹp bọn Miêu năm ngoái ở Quí Châu.

- Đề ấy thì chắc sẽ ra ở Quí Châu. - Nếu vậy thì sẽ ra về việc cầu người hiền hay miễn thuế gì đấy thôi, chứ không có gì khác.

Họ nói chuyện suốt trên đường đến Nam Kinh. Người quản gia là Vưu Râu tiếp họ, mang hành lý đến đường Điếu Ngư.

Hai người đi vào nhà, đi quanh một cái nhà hai từng qua một cái cửa nách vào ba gian nhà sạch sẽ, mát mẻ nhìn ra sông. Ngồi đấy nhìn qua bên kia sông là một dãy nhà lan can màu đỏ, song cửa sổ sơn xanh và treo rèm trúc. Những người đỗ tú tài ở các nơi đều về, ở đó có thể nghe tiếng ngâm thơ bình văn.

Hai người vừa đến đó liền sai ngay Vưu Râu mua hai cái mũ vuông mới, giành, siêu đồng, vải che lều, vải che cửa, hoả lò, cọc sáp, kéo cắt bấc, đèn sáp bao đựng quyển thi mỗi thứ hai cái. Rồi họ vội vàng đến chùa Tựu Phong viết tên vào quyển rồi đem đi. Họ lại sắp sẵn những món ăn, bánh mặt trăng, mứt cam, mứt sen, long nhãn, nhân sâm, cốm, dưa muối, gừng, vịt muối. Người anh nói với em:

- Em nên mang theo một ít “a nguỳ”(1) ở Quí Châu đi, thứ đó làm tỉnh trí, khi viết chữ có sai thì không hoảng hốt.

Họ sửa soạn một ngày mới xong; hai người soát lại tỉ mỉ từng cái một, nói:

- Công danh là chuyện to, không có thể làm chơi được! Sáng ngày mồng tám, hai người giao hai cái mũ vuông cũ của họ cho hai người đầy tớ đội, để cho họ có thể sách giành đến chực sẵn ở trường thi. Trên con đường đi từ cầu Hoài Thanh, hai bên là hiệu sách của những người học trò nghèo dựng lên bán những quyển văn tuyển văn bát cổ bìa đỏ, bìa xanh do Tiêu Kim Huyễn, Gia Cát Thiên Thân, Quý Điềm Dật, Khuông Siêu Nhân,

Mã Thuần Thượng, Cừ Dật Phu... chọn lọc. Đến mãi chiều tối, mới đọc xong danh sách những người tú tài ở Nghi Trưng và đọc đến tên hai người. Hai người phải thân hành xách giành, mang hành lý vào. Khi họ đang ngồi xuống đất để cởi áo và tháo giày thì thấy ở hai bên củi đốt lên, lửa cháy bốc cao tận trời và nghe ở trong có tiếng hô:

- Phải khám xét cẩn thận!

Hai người cùng với những thí sinh khác đi vào cái cổng thứ hai để nhận quyển rồi đi qua cửa Long Môn trở về chỗ ngồi của mình. Đến ngày mồng mười thì xong cả, hai người mỏi mệt, mỗi người ăn một con vịt rồi đánh một giấc.

Thi tam trường xong, đến ngày mười sáu, họ bảo đầy tớ mang danh thiếp của “Đô đốc phủ” thuê một ban hát để tạ ơn thần Phật.

Một lát sau, người hầu trà đến bên. Họ theo Hồi giáo cho nên có người bếp riêng của mình không thuê người ngoài. Những người trong ban hát mang rương hòm đến, theo sau là một người mang mười mấy cái đèn lồng trên có ba chữ “Tam nguyên ban”. Đằng sau là một người có một đứa đầy tớ nhỏ đi theo, tay cầm một hộp danh thiếp. Đến cửa, y nói với quản gia nhờ mang danh thiếp vào. Thang Do mở ra thì tờ danh thiếp kia viết:

“Tôi là Bão Đình Tỷ, đưa hai cây sáp, và một ban hát đến chúc mừng”.

Thang Do biết Bão là chủ ban hát, bèn gọi vào. Bão Đình Tỷ gặp hai người nói:

- Con có một ban hát nhỏ ở đây, chuyên hầu các văn nhân và các quan. Hôm qua nghe nói hai vị bảo diễn tuồng, hôm nay con xin đến đây hầu hai vị. Thang Do thấy Bão Đình Tỷ vui tính, giữ y lại cùng ăn cơm. Một lát, mấy người hát tuồng đến. Họ đốt ngựa giấy cứng “Văn xương đế quân” và “Quan thánh đế quân” trong cái nhà nhìn ra sông. Hai người sụp lạy. Lễ xong, họ cũng Bão Đình Tỷ ngồi vào một bàn. Tiếng thanh la và tiếng trống vang lên. Mở đầu diễn bốn vở ngắn trước khi ăn cơm. Đến tối ở trong sân đốt lên mười mấy ngọn đèn chiếu sáng khắp nhà. Tuồng diễn mãi canh ba mới xong. Bão Đình Tỷ nói:

- Những đứa trẻ của tôi chơi trò cưỡi ngựa rất hay! Để tôi bảo nó diễn hầu các công tử xem cho tỉnh rượu!

Mấy người diễn tuồng mình mặc áo khoác bằng lông điêu, đầu cắm lông trĩ, áo bên trong rất mới, nhảy ra, nhảy thành nhiều hình khác nhau. Hai người nhìn xem rất thú vị. Bão Đình Tỷ nói:

- Nếu hai vị cho phép, tôi xin chọn hai đứa trẻ ở lại đây để hầu hạ hai vị.

Thang Do nói:

- Những đứa trẻ như thế này thì hầu hạ gì được? Anh phải tìm một trò vui gì khác chứ?

Bão Đình Tỷ nói:

- Cái đó dễ lắm. Bên kia sông là nhà anh Cát Lai Quan. Anh ấy là học trò tôi. Anh ấy đã được nêu tên lên bảng khi ông Đỗ ở Thiên Trường có mở cuộc thi hát ở trong cái đình giữa hồ. Nếu ngài đến ngõ Thủy Miệt thì thấy có cái cửa hàng của thầy thuốc ngoại khoa họ Chu, bên kia cửa hàng có một cái hàng rào đen; đó chính là nhà của Cát Lai Quan.

Thang Thực hỏi:

- Nhà ông ta có đàn bà không? Nếu có, ta cũng muốn đi với anh.

- Ở đây, có cái nhà “Mười hai lầu” nổi tiếng, sao hai ông không đến đó chơi? Thế nào tôi cũng đi theo hầu.

Bấy giờ tuồng đã diễn xong, Bão Đình Tỷ từ biệt ra về. Hôm sau, Thang Do sắp sẵn tám hồ rượu, hai bình huyết sơn dương, bốn tấm gấm Miên, và sáu gói trà ngon, bảo người mang tất cả đến nhà Cát Lai Quan. Gõ cửa, một người đàn bà chân to ra đưa vào. Nhà trước gồm có hai gian, chia thành ba phòng. Cửa ở phía bên trái đi thẳng vào các buồng, phía sau nhìn ra sông. Cát Lai Quan mặc áo cà sa màu ngọc thạch, mười ngón tay búp măng đang mân mê cái quạt lông ngỗng trời, tựa vào lan can hóng mát. Nhìn thấy Thang Do vào, y hỏi:

- Mời ông ngồi! Ông ở đâu đến?

Thang Do nói:

- Hôm qua ông Bão nói với tôi rằng nhà ông nhìn ra sông rất đẹp mắt, cho nên tôi đến đây thăm ông. Tôi có mang theo ít lễ mọn, mong ông nhận giúp.

Gia nhân đưa các lễ vật đến. Lai Quan nhìn thấy vui mừng hiện ra nét mặt nói:

- Tôi dám đâu nhận tất cả những thứ này.

Và gọi người đàn bà chân to:

- Mang vào nhà và nói với bà dọn một bữa ăn.

- Chúng tôi là người Hồi giáo không ăn được thịt.

- Tôi mới mua được mấy con cua Dương Châu rất to. Không biết các ông có dùng được không?

- Nó là sản vật quê tôi đấy, tôi rất thích. Ông bác tôi ở Cao Yếu(2) viết thư cho tôi nói muốn ăn cua lắm mà không tìm được con nào.

- Ông cụ nhà ta có làm quan không?

- Thầy tôi làm đô đốc ở Quí Châu. Tôi về đây đi thi.

Đang nói chuyện, rượu bưng lên. Mây và sương mù bao phủ con sông trước mặt, nhà hai bên bờ sông đều lên đèn. Những người đi thuyền qua lại không ngớt. Cát Lai Quan uống xong mấy chén rượu, mặt bừng bừng đỏ, dưới ánh đèn nến, y giơ mấy ngón tay búp măng mời Thang uống rượu:

- Tôi uống nhiều rượu rồi! Cho tôi chén trà!

Cát Lai Quan bảo người đàn bà chân to dọn cua và các đĩa trái cây, lau bàn, lấy một cái ấm đất và nấu một ấm trà mai phiến. Hai người đang vui thú như thế thì bỗng bên ngoài có tiếng ồn ào. Cát Lai Quan ra cửa nghe, thì thấy ông Chu thầy thuốc ngoại khoa mặt đỏ, bụng phệ đang mắng bà chân to tại sao bà ném cua vào đầy cửa nhà ông ta. Cát Lai Quan ra nói lại bị mắng một mẻ:

- Nhà anh ở là thứ nhà gì mà ăn cua không đổ ra trước cửa nhà mình lại hắt vào cửa nhà người ta. Anh không có mắt hay sao?

Hai người đang mắng nhau thì người quản gia của Thang ra bảo Cát vào nhà. Vừa vào nhà ngồi thì Vưu Râu đã vội chạy vào:

- Con tìm ông khắp nơi! Ông vẫn ở đây sao? - Anh làm gì mà ra vẻ hoảng hốt thế?

Ông Hai cùng đi với ông Bão đến uống trà ở cái nhà nào gần chùa Tựu Phong ở vườn Đông Hoa, nhưng bị mấy thằng côn đồ xông vào lột cả áo quần. Ông Bão hoảng sợ quá nên bỏ chạy mất. Bây giờ ông hai bị giữ lại trong cái nhà ấy và không sao về được. Ông hai như điên cuồng. Có bà Diêu bán hoa ở cạnh đấy nói rằng cô của người con gái đó đã đóng cửa lại không cho ông hai ra.

Thang Do nghe vậy, vội vàng bảo về nhà lấy đèn lồng để đưa đường đến chùa Tựu Phong.

Ở đấy bọn côn đồ kháo nhau: - Đã lâu chúng ta không có dịp nào may mắn! Nếu không có tiền chuộc thì chúng ta không thả ra.

Thang Do hùng hổ gạt mọi người đi vào, đẩy bà Diêu ra một bên và đấm bật cửa sập xuống. Người em thấy anh đến, vội vàng xông ra. Bọn côn đồ muốn cản lại nhưng thấy vẻ mặt của Thang Do hùng hổ, lại thấy cặp đèn lồng

“Đô đốc phủ” thành ra sợ hãi bỏ chạy tản đi nơi khác. Hai người trở về nhà.

Hơn hai mươi ngày sau, người ta đem mực vào trường thi để viết vào “bảng nhỏ”(3), họ biết là kết quả sẽ được công bố.

Hai ngày sau, bảng công bố, cả hai không có ai đỗ. Họ ngồi trong phòng buồn bã, bảy tám ngày liền, rồi đi lấy quyển thi hỏng về, Thang Do lấy ba quyển, Thang Thực lấy ba quyển. Không có quyển nào được đọc suốt từ đầu đến cuối. Họ chửi mắng các quan chấm thi dốt nát. Giữa lúc đó, thì một người nhà từ Quí Châu mang thư của Đô đốc đến. Hai người mở ra đọc. Chỉ nhân phen này khiến cho:

Bẻ quế xem hoa, cảnh ấy chỉ trong giấc mộng, Tranh long đua hổ phen này lại thấy chiến chinh. Muốn biết việc sau thế nào hãy xem hồi sau phân giải.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx