Qua sông rồi Thổ Công cứ liên tục làm tôi ui da xuýt xoa. Anh nói trước ở xóm này có cả mấy vạt đồng trồng toàn rau nhúc. Anh nói ở đây xưa người ta trồng dâu nuôi tằm dệt ra thứ lụa Tân Châu nổi tiếng, và hỏi tôi đã bao giờ nhìn thấy trái mặc nưa dùng để nhuộm Lãnh Mỹ A chưa? Anh nói chỗ này năm ba mùa lũ trước nước lên lé đé mặt lộ, người ta đánh bắt cá linh còn đông hơn đi coi hát ngoài đình…
Nhưng cánh đồng trước mắt tôi chỉ xem xép nước, xơ rơ lúa chét. Một mùa lũ thất bát, Thổ Công chép miệng tiếc rẻ. Cho tôi. Những ký ức quê xứ mà anh vừa đi đường vừa chia sẻ đã rớt lộp độp giãy chết dưới vòng bánh xe quay. Có lẽ san sớt ký ức với người không cùng ký ức là một điều vô vọng. Tôi chỉ nhìn thấy vài vạt rau nhúc đang độ trổ bông, ít vạt ấu bị trì níu vào ruộng cạn… thành ra xách hai từ "mênh mông" đi cả buổi không biết gắn vô đâu. Lụa đi vắng, kêu mặc nưa ơi lâu lắm mới thấy ló đầu ra cho khách xa coi mặt.
Đất đãi tôi bằng những vẻ đẹp khác đủ xài. Mấy cái cộ chất ngun ngút cỏ non nằm bên mé lộ, chơ vơ bớ trâu đi đâu. Những chiếc xuồng con nằm ngủ trưa dưới mé kinh, tắm đầm đìa trong bóng tre bóng trúc. Những ngôi nhà sàn bấm bùn nhón chân sẵn sàng bước qua lũ, vẻ cương nghị ẩn trong dáng gầy guộc khẳng khiu. Những ông bà cụ ngồi im lìm nơi cửa trước ngó mông lung, không làm gì mà như đang nhen ấm áp. Và nắng trưa bỗng dịu trên tôi mỗi khi đi ngang qua những khạp da lươn đựng nước mưa đặt bên đường để đãi khách bộ hành…
Ở xứ mình giờ không còn cái hình ảnh thơm thảo đó. Ý nghĩ đó làm tôi nao nức, muốn sờ tay vào, muốn chụp ảnh, muốn uống ừng ực những ngụm nước mát, để nước chảy ròng xuống áo, muốn cúi lạy người đã đặt khạp nước ở đây, đã giữ cho tôi chút này, cái mà tôi đã mất.
Nhưng chủ nhân của khạp nước ven đường chỉ thản nhiên cười bới lại mớ tóc sương bảo, "lớn lên đã thấy cha mẹ tui đặt khạp nước ở đây, nên tui cũng làm theo y vậy, chỉ đám trẻ cự nự, tụi nó nói má làm chuyện tào lao, thời buổi này rồi…".
Bà già cho tôi uống ca nước mát pha với cả mấy ngậm ngùi. Lên xe rồi tôi hay bồn chồn ngoái lại phía sau. Cảm giác như tôi vừa đi khỏi thì những khạp nước bên đường cũng không còn nữa. Chúng tan biến theo bà cụ đã sắp gần đất xa trời, theo con đường ngày càng vắng khách bộ hành, chỉ những chiếc xe máy vụt ào qua và cơn khát đã được những hàng quán ve vãn.
Anh Thổ Công nãy giờ chẳng uống ngụm nước nào, nhưng trong gió có ngậm ngùi chăng mà giọng cũng nhuốm, nói ra đúng như cảm giác của tôi, "chừng vài năm nữa biết mấy khạp nước đó còn không nữa?"
Cũng như nước lũ, cũng như lụa, cũng như những cây cỏ bên đường… đã biến mất không chờ tôi tới. Những chân trời khép lại ngay trước mặt, ở sau lưng.
Mùa sau trở lại, biết đâu tôi đi cùng một bạn đường ngơ ngác khác, và tôi đóng vai Thổ Công bất đắc dĩ, đi qua cái xóm nhỏ đó, nói chỗ này trước người ta đặt nhiều khạp nước bên đường, là thứ gần như cuối cùng của nền văn minh thơm thảo, haha…
Tôi vẫn thường phải cười suốt những lúc làm Thổ Công khi bạn tới chơi ở xứ mình, ha ha và ha ha. Để đè nén một nỗi gì như mất mát, khi nói về con đường làng quanh quẹo nhẩm dấu chân trâu, những hội ba khía hội cá đường, những lò cốm lò rèn lò đường nằm rải rác ven sông,
Dặn lòng thôi đừng có tiếc những thứ không phải của mình, thuộc về mình, nhưng vẫn ngẩn ngơ… Nên tôi biết anh Thổ Công đằng trước chắc cũng lén thở dài. Anh nghĩ quê mình chẳng còn mấy vẻ đẹp để khoe với tôi. Chợt nhớ câu thơ "những lời ca chưa qua môi đã tan như khói trời"…
@by txiuqw4