sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

02. 1828

Nhật Anh’s

“thành phố thời anh mười bảy tuổi

viển vông cay đắng u buồn”

(Lưu Quang Vũ)

1828

“you can sink to the bottom of the sea,

just don’t go, without me”

*

Tôi luôn cảm thấy như vậy mỗi khi màn hình máy tính giảm ánh sáng xuống, theo chu trình ba mươi giây một lần.

Vào mùa đông, khi nhìn ra bên ngoài cửa sổ từ trên giường, bầu trời và một góc của tòa nhà như những miếng giấy màu được dán lên tấm bìa khổ lớn. Thi thoảng tôi nhắm mắt rồi mở mắt. Bầu trời vẫn đậm đặc như vậy và cơ hồ dường như không vẩn đục. Nó chỉ, ý tôi là, u ám. Buồn thảm. Màu xanh đã bị gột rửa một cách trắng trợn và ma quái và bởi thế, những giác quan của tôi bị nhấn chìm trong một thứ tình cảm sầu não không thể nào chịu nổi.

Những ngày như thế, thường là trong tuần, khi tôi chẳng có việc gì để làm và ngôi nhà không có ai, cái sự yên lặng tuyệt đẹp như một tác phẩm trừu tượng thấu vào não tôi khi nghe một bản nhạc của Brian. Tôi chưa bao giờ thực sự lắng nghe một điều gì khi tôi vui vẻ. Thường thì, tôi chỉ nghe thấy một vài thứ, khi tôi tan nát, theo cách thông thường vào bất cứ lúc nào của một ngày thứ Ba.

Vào một thời điểm nào đó trong ngày, tôi bất lực với chính mình. Cô gái ấy nằm ngửa trên sàn nhà, mái tóc của cô tỏa ra như những đợt sóng đang thoái trào dang dở, bờ vai cô tím xanh, bầu ngực cô nhỏ nhắn. Xương đòn của cô nhô lên hạ xuống luân phiên, đồng tử cô đen nhánh như mực tàu. Tôi chỉ có thể ngắm nhìn cô. Cô là một tấm mạng từ trường không thể nào chạm đến. Nghĩ tới đó làm tôi bật khóc.

Những thân hình màu đỏ lục đan vào nhau bỗng tách ra dưới ánh sáng lỡ cỡ của một buổi chiều tà. Cậu ta đột ngột nói, đi ăn tối thôi.

Chúng tôi đi cạnh bên nhau và rất sát. Từng đợt gió nhỏ thổi lướt qua mái tóc dài của cậu. Vành tai của cậu ấy ửng đỏ lên. Một thứ màu hồng cam, mềm và đẹp. Trong những giấc mơ ban nãy, tôi nhớ mình đã hôn lên đó rất nhiều lần. Gáy của cậu ấy tỏa ra mùi kẹo bạc hà, loại kẹo tròn vo có hình như một viên kim cương xấu xí nhân đặc sô-cô-la. Cái vị đen lan tỏa dần trong miệng.

“chị ăn gì” – cậu hỏi, giọng đều đặn và âm thanh như một cái đài bán dẫn đã hỏng hóc lâu ngày được lôi ra sử dụng khi mẹ vào một ngày tháng Năm đẹp trời nào đó chẳng có việc gì làm mà có thì cũng đã gần xong quyết định bắt tay dọn dẹp một cái chái nhà kho cũ kĩ. Không có bất cứ một dấu nặng nào nhưng nghe như thể bị rơi tụt xuống tận cùng của đêm.

“không gì” – tôi đáp.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau, hai tay co lại thành cụm trong túi áo. Sao chúng mình không nắm tay nhau cho ấm, tôi hỏi, hôm nào đó cùng đi mua găng tay đi, cậu trả lời. Hôm nào đó sẽ cùng đi ra ngoài, vào một tiệm quần áo nào đó mua một đôi găng tay cho mỗi người, và chúng mình sẽ đổi cho nhau, kiểu thế. Cậu có vẻ thích thú với ý tưởng đeo găng so le của tôi và rồi vào một buổi sáng còn hơi sớm và lạnh lẽo, cậu ủ tôi trong chăn, cuộn chặt lấy tôi như cái đuôi của một con mèo.

Khoảng thời gian kéo dài từ tháng Mười cho đến cuối tháng Hai đối với tôi trong suốt như không khí. Tôi đã thực sự tin rằng cái kiểu thời tiết này có thể bằng một cách lãng mạn nào đó, làm tan rữa người ta. Đôi mắt của cậu ta, cả cái cách cậu ta nhìn tôi khi chúng tôi chẳng làm gì, chỉ nhìn về phía nhau và điên cuồng tìm kiếm nhau. Từ một chốn nào đó mà tôi không rõ cũng chẳng thể gọi tên đã bị nổ tung và vương vãi như trăm vạn cánh hoa hồng bị nhuộm trắng, như những mảnh của da.

Cậu hay mở những bản nhạc tôi thích. Trước đó thì tôi chưa biết. Có một vị cổ nhân nào đó mà tôi e rằng không tài nào nhớ rõ đã trầm ngâm nói xuống nhân loại thế này, cái cách mà anh nghe nhạc, chọn nhạc, lọc nhạc là cái cách anh đối mặt và vẽ lại thế giới này. Bằng hư ảnh của anh, bằng cái anh nhìn thấy xuyên thấu qua võng mạc và các tế bào thần kinh trên đỉnh đầu dựng đứng. Tôi đã luôn nhớ đến điều này khi tôi bắt đầu thấy thương yêu ai đó, tôi nghe những gì họ nghe. Đáng lẽ tôi cũng nên đọc những gì họ đọc. Nhưng tôi không làm được. Khi bắt đầu đọc sách, mắt tôi sẽ rất đau và nó sẽ không thể hết đau tới khi tôi đọc hết.

Và bởi thế, tôi nhận ra cậu ta khi tôi thức dậy trong đêm. Không cần bật đèn ngủ tôi cũng có thể hình dung ra khuôn mặt cậu. Cơ thể mảnh dẻ nằm nghiêng, sống mũi gồ ghề và hàng mi cong vút. Bầu mắt ấm áp và khuôn miệng vồng lên như cánh cung. Vai của cậu không lớn hơn tôi là bao và khi cậu đứng thẳng thì liền biến thành một con gấu nhỏ. Trong bóng tối sậm đen tới mức có thể xắt ra thành từng miếng, tôi mơ hồ ngửi thấy mùi hương của cậu. Từ mái tóc dài ngang vai, bị gãy gập bởi lúc nào cậu cũng buộc túm lên bằng một sợi dây chun nhỏ.

Không có nhiều thứ để nói khi người ta nói về biển cả. Tôi cho rằng đó là cái sự phải xảy ra khi chúng ta bắt đầu bàn về biển. Tôi không thích chữ biển, cái cách mà âm n đã chặt đứt sự bao la. Chỉ là có một lần, cậu bảo muốn cùng tôi đi tới biển. Một cái hố nhỏ bị mưa xuống lấp đầy.

Tôi có thể đoán được người gọi điện bằng cách xem giờ. Ví dụ như là, em gái của tôi thường gọi vào buổi tối, khi nó đã ăn xong và bạn trai của nó đang xem bản tin thể thao phát sóng sau chương trình thời sự. Tôi đã hỏi vì sao, trong một lần nói chuyện hiếm hoi khi nó gọi tôi vào buổi sáng.

“em có chuyện quan trọng gì à?” – tôi nói – “thường em không hay gọi vào giờ này, em hay gọi vào lúc tám giờ mà”.

“em có à?” – em gái tôi đáp, rồi nó chuyển sang nói về việc cuối tuần này nó muốn mượn cái áo khoác dạ màu tím cà của tôi.

Hay cậu ta. Thường là đêm, mà nhất là đêm. Trước khi gặp cậu trai này, tôi có thói quen đi ngủ trước mười giờ ba mươi tối. Còn dạo gần đây, khi khí lạnh tràn về ồ ạt và đi ngủ tôi phải miễn cưỡng đóng cửa sổ mặc dù như thế chuông gió của tôi sẽ không thể nào kêu, sau mười một giờ tôi mới chui vào chăn và ngủ say như chết.

Cậu bảo, em không thể gọi cho chị vào ban ngày được.

“gì thế? cậu là ma cà bông à?” – tôi vừa cười vừa nói. Cậu ấy cũng cười. Tôi đoán thế. Khi cậu ấy im lặng. Có một thứ cảm giác như một dạng xúc tu trượt dài trong lồng ngực tôi, những cái chân tí hon của nó giậm nhẹ xuống tấm thảm dày phủ đầy mạch máu. Họng tôi ngứa và tôi thấy bồn chồn.

“không hẳn thế” – cậu nói – “tại vì em chỉ muốn trải qua một ngày và có thật nhiều chuyện để nói với chị, vậy thôi. Em không nên đánh thức chị dậy vào lúc sáu giờ sáng để báo với chị em đang luộc trứng và pha trà được, hoặc là gọi vào lúc mười hai giờ trưa để nhắc chị ăn trưa và báo cáo với chị rằng hôm nay ở chỗ làm em bị người ta tán tỉnh. Hay là em cũng chả thể tự nhiên nhấc máy lên để gọi cho chị chỉ để nói với chị rằng em sẽ gọi lại vào tối nay. Đúng không, em chỉ là sinh viên thôi và em chả có mấy đồng để lãng phí”.

Còn một người nữa cũng gọi cho tôi, sau mười giờ. Tên của cô ấy có nghĩa là một loài hoa mọc lên từ nỗi nhớ. Không phải ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện điện thoại với nhau. Chỉ là đôi khi, sau khi tôi gác máy với cậu ta, khi tôi nằm trên giường và bỗng thấy không thể nào ngủ được. Tôi ngồi dậy và đọc một đoạn trong cuốn sách ở gần tay tôi nhất và đúng lúc đó, tôi nhìn về phía cái điện thoại. Nó nằm yên lặng trong góc phòng, bị bóng tối bỏ quên và sáng rực lên như một chiếc đèn pha có những giọt hào quang lấp lánh. Và rồi cô ấy gọi đến. Bao giờ cũng là xin chào, cậu có khỏe không. Chúng tôi không nói gì nhiều mà phần lớn thời gian, cô ấy mở chế độ loa trên điện thoại và chơi một bản đàn. Đây là bản tớ mới tập chiều nay, và vì thế mà lúc này tớ gọi cậu. Cô ấy chỉ chơi nhạc của Chopin, không ai khác ngoài ông ấy. Tớ cũng thích những nhà soạn nhạc khác, một hôm sau khi chơi xong bản Nocturne No.9, chúng tôi mới trò chuyện với nhau. Vậy sao, tôi hỏi, cậu chỉ chơi Chopin thế. Tớ không biết nữa, cô ấy nói, giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng của cô vẫn còn mang tiết tấu của bản nhạc vừa kết thúc. Tôi biết được rằng cô luôn ở lại rất muộn trong phòng tập. Cô là giáo viên dạy đàn ở Nhạc Viện và đôi khi cũng được mời đi biểu diễn. Thành thật mà nói thì tớ không thích lên sân khấu lắm, cô nói, tớ thấy buồn nôn, hoa mắt chóng mặt và thật đáng sợ, tớ luôn có một nỗi ám ảnh rằng tớ sẽ nôn hết tất cả mật xanh mật vàng xuống phím đàn và trong những giấc mơ, tớ chỉ nhìn thấy thứ sắc màu lộn xộn của những món ăn đã bị nghiền nát trượt ào trên tay tớ. Và bởi thế, cậu là khán giả duy nhất của tớ. Tớ biết, tôi nói. Sau đó chúng tôi yên lặng, thưởng thức bản giao hưởng của đêm cho đến khi cô chúc tôi ngủ ngon và có lẽ một tuần sau hoặc một tháng sau hoặc ngay ngày mai cô ấy sẽ lại gọi điện đến.

Đã từ rất lâu, kể từ khi tôi bắt đầu ý thức được cuộc sống của mình, tôi nhận ra tôi đang bị dung hòa. Bởi xã hội, cuộc sống bên ngoài và môi trường làm việc. Buổi sáng tôi đến tòa soạn, dành nửa ngày để soạn lại bản thảo và biên tập những bài viết mới. Buổi trưa tôi trở về nhà và dành cả buổi chiều để viết thật nhiều điều nhăng cuội. Trong ngăn kéo đầu giường của tôi có một tập bản thảo bao gồm mười lăm bài viết. Tôi bắt đầu viết năm tôi mười bảy tuổi và tám năm sau, chúng vẫn nằm đó, dày lên một ít và bị tẩy xóa phải đến một triệu lần. Bài thứ mười lăm trong tập bản thảo được viết năm tôi hai mươi ba tuổi. Rồi sau đó tôi không còn viết nữa. Tôi vẫn viết, nhưng đã không còn gì để thêm vào tập giấy đó nữa rồi. Giống như một mảnh đất đã bị cày nát tới nỗi đất biến thành đá cuội và cả cỏ dại cũng chết yểu trên những luống cày. Có một phần của tôi bị cắt ra đang nằm ở đó.

Có những ngày Chủ nhật, tôi thức dậy từ sớm và đi bộ xuống sân chơi. Tôi đi giầy thể thao và mặc áo khoác dày. Vào mùa hè tôi chạy năm vòng. Còn mùa đông, tôi cố gắng chạy nhiều hơn. Tôi thích cái cảm giác khó thở đến phát đau khi chạy gấp. Lồng ngực như bị một cây búa tạ nện xuống hối hả và mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng. Trí óc tôi cuồng loạn và mơ hồ bị bóp nghẹt trong một màn sương mờ trắng xóa. Tôi không thể nghĩ. Tôi chỉ thấy bị đau, bị đập nát và tôi lấy làm mừng. Vì tất cả.

Tôi chạy tới khi chân mềm nhũn ra và suýt ngã. Sau đó tôi trở về nhà, trong lúc đợi nước nóng tôi vào bếp pha một ấm trà, uống một cốc rồi đi tắm. Tôi ăn sáng chậm hơn tất cả mọi ngày. Vừa ăn tôi vừa nhẩm tính tiếp theo nên làm gì cho hết ngày Chủ nhật. Bản thân tôi luôn yêu thích thời gian nhàn rỗi như con cá yêu cái hang của mình. Vào cuối tuần, trên phố lúc nào cũng có những phòng triển lãm tranh, triển lãm ảnh. Hoặc không tôi có thể đi lang thang, tạt chỗ này tạt chỗ kia một tí, mua sách, mua quần áo, mua bất cứ thứ gì vừa mắt, ăn một bữa trưa ngon lành do người khác nấu và ngắm nghía mọi điều. Một thành phố nhỏ, cổ kính, trong thời kì ngủ đông. Con người đi lại như những cục bông. Tôi quan sát họ.

Tôi luôn đến nhà cậu vào Chủ nhật. Cậu sống cùng anh trai và chị dâu. Họ sống cùng nhau nhưng cách một cái sân lát gạch vuông màu đỏ. Ngôi nhà màu vàng, xây từ những năm Pháp thuộc. Từ phòng của cậu qua cửa sổ không thấy bất cứ một điều gì, ngoại trừ màu nhàn nhạt của mây mà giờ đây đã bị lẫn vào màu trắng đục của bầu trời. Đó là một thiếu nữ đang ngủ say, cậu đã từng nói với tôi như thế. Em ngắm nàng suốt, khi nàng buồn nàng màu xám, khi nàng vui hai gò má ửng hồng, khi nàng hạnh phúc nàng rạng rỡ, nhưng chưa có lúc nào em thấy nàng thức dậy. Hoặc cũng có thể là, từ cửa sổ này chúng ta không có cách nào để thấy được điều đó.

Trên giường, cậu nằm sấp, quay đầu về phía ô cửa sổ để ngỏ. Cơn thấu lạnh dội vào mí mắt tôi. Một vạn mũi kim đâm thủng, dọc cánh tay tôi nổi da gà. Nhưng tôi không muốn đóng cửa. Cái cảm giác ấy giống như là tôi đang giương tất cả mình ra để thiên đường rắc đầy vào tôi những sợi tơ lung linh nhất.

Trong phòng của cậu có một cái đệm lớn kê chính giữa, nhìn ra bên ngoài rất dễ. Sát tường, về phía đối diện là bàn làm việc, trên bàn làm việc ngoài máy tính ra còn có hộp đựng bút và một quả xoài đã chín rục. Từ chỗ tôi nằm nhìn lên, quả xoài chỉ như một lát cắt của cọng cỏ gà bị úa. Thứ có nhiều nhất trong phòng là sách báo, tạp chí, truyện tranh và đĩa phim, đĩa nhạc. Chúng được xếp thành từng chồng và phân loại theo thứ tự mặc dù mới nhìn vào thì chẳng khác nào một đống giấy vụn đang chờ thanh lí. Như mọi khi, tôi bảo cậu mở The Civil Wars và sau đó thì hãy ôm lấy tôi một lúc, trước khi ngoài kia lên đèn và trực cảm của tôi bị các giác quan của thành phố làm cho tàn lụi.

“thế, em nghe nói là chị đang chơi với bọn trẻ con” – trên ti-vi, người ta đang công bố thành tích của các vận động viên trong lễ hội thể thao mùa đông. Tôi đang chờ bản tin kết thúc để xem chương trình yêu thích, một show ca nhạc khá thú vị.

“em nghe được gì thì cứ tin đi” – tôi nói. Em gái tôi đang có chuyện trục trặc với bạn trai, vì thế chiều nay con bé đến tìm tôi bảo cho nó ở nhờ. Nó sẽ làm tất mọi việc nhà và nấu bữa tối nữa. Nhưng con bé vẫn không bỏ được thói quen kể lể khi đến giờ bản tin thể thao phát sóng. Tôi quan sát em gái từ phía sau lưng. Mái tóc đen dài, eo con kiến và đôi chân thẳng tắp. Con bé đẹp như một nữ thần bước ra từ những bức tranh theo trường phái Baroque của Rubens. Màu sắc tương phản hài hòa, tỉ lệ cân đối, thần thái và cảm xúc được thể hiện kĩ lưỡng bằng một thứ bút lực rắn đanh. Là kiểu người mà chúng ta sẽ nghĩ và tin chắc rằng suốt cuộc đời này không khi nào bị tổn thương và nếu có thì cũng luôn kiêu hãnh.

“có thích không” – em gái hỏi.

“như một bông hoa hồng” – tôi trả lời.

“nhưng hoa rồi cũng tàn, chị nghĩ phải không?”.

Tôi đã từng nhìn thấy cậu ta đi bên cạnh một cô gái nhỏ. Một cô xinh và trẻ và có tất cả mọi thứ trên đời. Ở cái độ tuổi đó người ta có thể cắt cổ tay mình và vào một hôm nào đó lại tỉnh dậy và vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Còn tôi, tôi nghĩ mình đã hơi già cho chuyện đó.

“sao lại thế” – tôi vẽ một vòng tròn lên ngực cậu.

“gì? em đã tắm hôm qua rồi và vừa nãy em cũng đã tắm, trước khi chị đến đây” – đứa trẻ phân trần. Cậu thật đáng yêu khi cho rằng tôi có thể phán xét cậu vì những chuyện cỏn con như thế.

“xem ra là một cậu bé rất ngoan” – tôi vẽ tiếp những vòng tròn khác. Những vòng nhỏ trong những vòng to và những vòng to chồng lên nhau rồi biến mất.

“đã bao giờ chị nghĩ chị sẽ đợi em chưa?” – cậu ta cũng vẽ cái gì đấy lên ngực mình, nhưng tôi không cách nào biết được. Đó là một con voi, một đốm sáng, một vì sao và bởi vì khi người ta bối rối, người ta sẽ tạo ra những cơn bão nhỏ. Có một cơn lốc xoáy quét sạch những bụi bặm trong lòng tôi. Đột nhiên tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm kì lạ. Nhuyễn như một cốc đá bào.

“chị phải nói thế nào?” – tôi hỏi, ngồi dậy và mau chóng mặc lại quần áo. Chân tôi cuồng lên và những ngón chân tôi quắp chặt.

“chị sẽ chờ em chứ, có không?” – đệm bị ấn lún xuống. Gió đã biến đi vào một cõi nào đó trên cao xanh kia, hư vô và không trùng.

“ừ” – tôi chui đầu vào cái áo thun dài tay, tôi quay người lại và đôi mắt rất người kia của cậu xoáy thẳng vào tôi như một cột thu lôi đang cháy sáng – “dĩ nhiên là thế rồi”.

Có thể thấy rõ cái thứ ánh sáng ấy. Khi người ta đã quá quen nheo mắt lại khi mở cửa ra sau một đêm thật dài.

Trên đường về nhà, tôi nhận ra tôi phải từ bỏ đứa trẻ này.

Vì chúng tôi không có cái gọi là trước mắt. Càng không có cái gọi là tương lai. Một sợi chỉ đỏ bị rối như tơ vò.

Không một ai trên thế giới này có thể chịu trách nhiệm cho cái thứ gọi là yêu. Cái cảm tính đáng tởm đó. Nó ăn thấu tất thảy mọi người.

Trong đêm, tôi bắt đầu viết. Những con chữ giống như một loại hình hành xác. Chúng tràn lan trên bề mặt giấy và cấy vào tôi một nỗi đau không thể gọi thành lời. Brian tiếp tục đổ nước mắt xuống biển cả của anh. Và tôi chẳng còn gì để rút ra thêm nữa. Tôi viết, liên tục, vội vã, nhịp nhàng, như khi tôi chạy gấp. Tôi nín thở khi đặt dấu chấm cho dòng chữ cuối cùng. Không còn gì để nôn ra nữa.

Có lẽ tôi đã hiểu được phần nào cảm giác của cô ấy. Khi đứng trên sân khấu bao la và đôi tay run rẩy và muốn được khát khao, muốn được bị đâm thủng và muốn được vỡ tung ra, mãnh liệt như những đợt thủy triều.

Tôi đi ngủ khi bầu trời chuyển màu. Từ xanh đen biến thành tím than rồi khi sắc tím đã nhạt dần, nó trong suốt như một phản ứng hóa học. Một bầu trời có thể làm tan rữa trái tim người ta.

Trước khi ngủ say, tôi nhớ rằng ngực tôi đã đau, dù chỉ là một chút.

2013-12-07

20:40 pm


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx