sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Ông ta đã cởi bỏ cái áo dài xanh, tất cả áo quần sang trọng, để mùa hạ cũng như mùa đông, chỉ mang một áo đuôi tôm bằng dạ thô màu nâu, một áo gi-lê bằng lông dê và một quần xám bằng nỉ da. Càng ngày càng gầy thêm, bắp chân tiêu mất; bộ mặt mập phị vì một hạnh phúc trưởng giả đầy đủ, nay nhăn rúm lại; trán xếp nếp, quai hàm nhô ra. Trong năm thứ tư kể từ ngày ông lại ở xóm mới Sainte Geneviève, người ta không còn nhìn ra ông nữa. Nhà thương gia buôn bún sáu mươi hai tuổi, nhưng chỉ ra vẻ như bốn mươi, nhà trưởng giả béo mập, tươi tắn hào hoa, với cách ăn mặc sàm sỡ làm vui mắt kẻ qua đường, với nụ cười còn vẻ thanh niên.., nay trở thành một ông lão bảy mươi khù khờ, đi chập chững yếu ớt, mặt mày tái mét. Cặp mắt xanh mẫn hoạt của ông, nay trở nên lờ đờ xám sắt, tái đi, không chảy nước mắt nữa, và cái vành đỏ hình như khóc ra máu. Đối với một số người, ông ta làm cho ghê tởm, đối với kẻ khác ông lại gợi lòng trắc ẩn. Có mấy sinh viên y khoa trẻ tuổi thấy môi dưới ông xệ xuống và sau khi đã đo góc mặt ông(15) và đã quấy rầy dằn kéo ông mà không nghe được ông nói gì, bèn cho ông ta là mắc chứng si độn.

Một hôm, sau bữa cơm chiều, bà Vanquer nhạo ông: “Ấy, con gái ông không lại thăm ông nữa sao?” với dáng bộ nghi ngờ về quan hệ huyết tộc giữa cha con ông, ông Goriot giật mình như bà chủ trọ vừa chích ông với một cây sắt.

- Chúng thỉnh thoảng vẫn đến. Ông trả lời với một giọng cảm động.

- À ha! Ông thỉnh thoảng vẫn còn gặp các cô à? Hoan hô, ông già Goriot. - Bọn sinh viên đồng thanh la lên.

Nhưng ông già nào có nghe những lời chế giễu: ông ta đã trở lại tình trạng trầm tư mà những người chỉ xét đoán nông cạn cho là một tình trạng trí độn và già do sự kém thông minh gây ra. Nếu họ hiểu biết ông hơn, có lẽ họ sẽ quan tâm mật thiết đến vấn đề do trạng huống vật chấtt và tinh thần của ông đưa ra; nhưng đây là một việc rất khó khăn. Dầu muốn biết ông Goriot có đúng thật trước kia là một nhà buôn bún sợi không, và số lượng gia sản của ông là bao nhiêu, đó là một việc rất đễ, những người đứng tuổi đã để ý đến ông ta vì tính tò mò, cũng không hề ra khỏi xóm họ ở, và họ chỉ sống trong nhà trọ chẳng khác gì những con sò sống bám trên một tảng đá. Còn những người khác, thì cuộc sống ở Paris lôi cuốn họ và làm cho họ ra khỏi Đường Mới Sainte Geneviève là họ quên ngay ông già khốn nạn mà họ nhạo báng.

Đối với những trí óc hẹp hòi kia cũng như đối với bọn sinh viên vô tư lự kia, cái nghèo khốn và bộ điệu đần độn của ông già Goriot không thể đi đôi với một tài sản này hay một năng lực nào được. Còn những thiếu phụ mà ông gọi là con ông, ai cũng đồng ý với bà Vanquer. Bà ta nói với cái lý luận nghiêm khắc của thói quen đoán định hết mọi việc của những bà già chỉ lo nói chuyện nhảm mỗi buổi tối họp mặt nhau:

- Nếu ông già Goriot có những con gái có vẻ giàu sang đã đến thăm ông, thì ông ta đã không ở trên tầng lầu ba của nhà tôi với giá bốn mươi lăm quan tiền trọ mỗi tháng, và không ăn mặc như kẻ nghèo hèn để di ra ngoài.

Không có gì phản nghị lại lối lý luận quy nạp ấy. Vì vậy vào khoảng cuối tháng 11 năm 1819 là thời gian xảy ra tấm thảm kịch này thì mỗi khách trọ trong nhà này đã có những ý tưởng cố định về ông già khốn nạn rồi. Ông ta chẳng bao giờ có con gái hoặc có vợ gì cả; sự chơi bời quá lố đã biến ông thành như con ốc bươu, một con ốc nhân hình đáng được phân loại theo họ “cát két” theo lời một nhân viên trong Bác vật viện đến ăn cơm từng bữa ở đây. Đối với ông già Goriot, thì anh chàng Poiret này là một con phượng hoàng, một người thượng lưu. Anh Poiret nói lý luận, trả lời; đáng ra anh ta cũng chẳng nói, chẳng lý luận, chẳng trả lời gì cả, vì anh ta có tật chỉ lặp lại những ý tứ người khác, nhưng với những danh từ, những luận đỉệu mới mẻ khác thôi; nhưng anh ta đưa đẩy câu chuyện, anh ta linh hoạt, anh ta có vẻ như đầy tình cảm, còn ông già Goriot, đây cũng lại theo lời chàng nhân viên Bác vật viện nữa, ông già Goriot thì luôn luôn đứng ở không độ của hàn thử biểu Réaumur.

Chàng sinh viên Eugène de Rastignac đã trở lại nhà trọ với một trạng thái tinh thân mà có lẽ tất cả những thanh niên thượng lưu đều có, cũng như những kẻ đã bị lâm vào những tinh cảnh khó khăn làm cho lâm thời họ có được những phẩm cách của người siêu bạt. Trong năm đầu ở Paris vì việc học hành ở các cấp đầu tại Đại học đường đang ít, nên chàng sinh viên còn rảnh rang để hưởng thụ những lạc thú của thành Paris vật chất. Một sinh viên thật không đủ thì giờ nếu muốn thường thức hết chương trình của mỗi hí viện, để biết hết đường quanh ngỏ hẻm của cái mê hồn trận Paris, tìm biết cách giao thiệp xử thế, học cách ăn nói và tập theo những thú vui đặc biệt của thủ đô; lục lọi chỗ tốt cũng như chỗ xấu, đi nghe các lớp giảng vui vẻ, sưu tầm các bảo vật ở các viện bảo tàng. Lúc ấy một sinh viên say mê những việc bá láp mà lấy làm vĩ đại. Mỗi chàng có một vĩ nhân của mình, một giáo sư của Đại học Viện Pháp quốc, được trả tiền để đứng ngang hàng với thính đường của ông.

Chàng ta nâng cao cà vạt để diện với các phụ nữ xem hát ở các hàng ghế đầu ở Ca Vũ kịch viện. Nhờ những buổi học hỏi khai tâm kế tiếp, anh chàng lột bỏ lần cái vỏ gỗ giác của mình, mở rộng được chân trời cuộc sống của mình, và chung cuộc sẽ quan niệm được các tầng lớp nhân quần xây đấp lên nhau thành xã hội. Nếu anh chàng lại khởi sự nhìn ngắm những hàng xe ngựa ở đại lộ Champs Elyseés vào một buổi tốt trời, anh chàng chẳng bao lâu cũng đâm ra thèm muốn những thứ ấy. Eugène đã âm thầm chịu đựng những sự học tập mà không biết cho đến lúc chàng đi nghỉ hè, sau khi đã thi đỗ hai bằng cấp tú tài văn chương và tú tài luật khoa. Những ảo tưởng của thời niên thiếu, những tư tưởng hàng tỉnh của chàng đã tiêu biến. Trí óc đã thay đổi, tham vọng đã phấn khích, làm cho chàng đã nhìn rõ cái hoàn cảnh của trang viện ông già chàng, của gia đình chàng. Cha mẹ chàng, hai em trai, hai chị gái, và một người dì (mà của cải là những tiền ăn cắp) sống chung trên sở đất nhỏ của dòng dõi De Rastignac. Gia sản này chỉ đem lại một lợi tức ba ngàn quan một năm, nhưng cũng không được chắc chắn vì bị chi phối vì sự sản xuất của ruộng nho cho kỹ nghệ. Tuy vậy cũng phải lấy ra một ngàn hai trăm quan mỗi năm về học phí cho chàng. Vẻ khốn cùng liên miên này mà người ta cố giấu chàng với tất cả lòng khoan hậu, sự so sánh hai chị chàng (mà lúc nhỏ chàng cho là rất đẹp) với các thiếu phụ Paris đã làm cho chàng trông thấy cái tiêu thức của một sắc đẹp mộng tưởng, cái tương lai bấp bênh mà cả một gia đình đông đúc đặt cả nơi chàng, sự chú tâm tằn tiện trong cả những vật sản rất nhỏ mọn, rượu dùng trong gia đình chỉ làm với bã nho ép và biết bao sự việc không cần kể vào đầy..., tất cả đều làm cho chàng thanh niên thập phần tăng bội lòng mong muốn thành đạt, và làm chàng khao khát danh vọng. Cũng như mọi tâm hồn cao thượng, chàng ta chỉ trông mong vào tài năng mình. Nhưng trí óc chàng ta lại rất là “Miền Nam”; lúc thực hành các quyết định, anh chàng cũng do dự như các thanh niên khác lúc ra giữa bể khơi, không biết nên hưởng sức lực mình về phía nào và nghiêng buồm về phía nào để hứng gió thổi. Nếu lúc đầu chàng ta muốn đâm bổ triệt để vào việc học hành, nhưng lúc thấy sự giao thiệp rất cần thiết và say sưa về ý tưởng ấy, anh ta nhận xét rằng đàn bà rất có ảnh hưởng trong đời sống xã hội, và từ đó bỗng nghĩ cách nhảy vào giới thượng lưu để tìm chinh phục những vị phu nhân đỡ đầu: các nhân vật này có thiếu chăng cho một thanh niên nồng nhiệt và trí xảo, mà có trí và nhiệt tâm lại tôn cao nhờ một dáng diệu thanh nhã và một vẻ đẹp cứng rắn mà phụ nữ sẵn sàng bị cám dỗ? Các ý tưởng này xâm chiếm trí óc chàng ngay giữa các đám đồng ruộng, trong lúc chàng đang đi dạo; trước kia chàng đã từng dạo quanh vui vẻ ở đây với các chị chàng, nhưng nay mấy cô bỗng thấy chàng trai trẻ đã thay đổi biết bao! Bà de Marcillac, dì chàng trước kia đã từng được vào đến triều vua, và đã vì thế mà quen biết tất cả những tay cự phách trong các quý tộc. Đột nhiên, anh chàng nhiều cao vọng nhớ lại các kỷ niệm mà dì chàng thường kể lể cho chàng nghe hồi niên thiếu, và nhận ra ở đó những yếu tố của nhiều cuộc chinh phục xã giao, ít ra cũng quan trọng bằng những chinh phục của chàng tại Trường Luật. Chàng hỏi lại bà dì những liên hệ về gia tộc có thể kết nối lại được. Sau khi đã lay động hết các nhánh truyền hệ, bà già cho rằng trong các bà con giàu có và ích kỷ mà có thể còn giúp ích cho cháu bà, có lẽ chỉ có bà Tử tước de Beauséant là người ít ngoan cố hơn hết. Bà bèn viết cho thiếu phụ này một bức thư theo lối văn chương xưa, và giao cho Eugène. Bà bảo anh ta: nếu thành công với bà này, anh sẽ tìm ra các bà con khác. Sau vài ngày về đến Paris, Rastignac gởi cái thơ của dì chàng cho bà Beauséant, Nữ tử tước trả lời bằng cách gởi cho chàng tấm thiếp mời dự buổi dạ vũ ngay hôm sau.

Tình trạng tổng quát của nhà trọ Vanquer vào cuối tháng 11 năm 1819 là như thế. Vài ngày sau, sau khi dự buổi khiêu vũ ở nhà bà De Beauséant, Eugène đến hai giờ khuya mới về nhà trọ. Trong lúc đang nhảy, chàng sinh viên can đảm đã tự hẹn sẽ học đến sáng để đền bù thì giờ bỏ phí. Lần đầu tiên, anh ta sắp thức thâu đêm giữa xóm yên tĩnh này, vì trong lúc chứng kiến được những vẻ huy hoàng của giới thượng lưu, anh ta như bị lôi cuốn vì một nghị lực giả tạo. Anh không ăn cơm tối tại nhà trọ Vanquer. Các khách trọ đều tưởng anh chàng đi dạ hội đến sáng từng bưng mới về, như mọi lúc sau khi anh ta đã đi dự hội tại Prado hay đi khiêu vũ ở Odéon với những vớ tơ bị dơ và giày bị sằn sẹo đi. Trước khi gài cửa anh lao công Christophe mở ra để dòm thử ngoài đường. Ngay khi ấy, Rastignac hiện về, và có thể đi nhẹ nhàng lên phòng anh không một tiếng, nhưng thằng Christophe theo sau lại làm quá ồn. Eugène cởi áo quần, đi dép vào, mặc vào một áo đuôi tôm cũ kỹ, đốt lửa sưởi lên, và nhanh nhẩu sửa soạn học bài. Trong lúc ấy Christophe vẫn ồn ào với cặp giày lộn cộn của y làm không ai nghe ở chàng sinh viên một tiếng gì lúc chàng sửa soạn.

Trước khi vùi đầu vào đống sách luật, Eugène còn ngồi suy nghĩ một lúc. Anh chàng vừa nhận ở nữ tử tước De Beauséant, một nữ hoàng về thời thức ở Paris, với một ngôi nhà được xem hoa lệ nhất của xóm quý phái Saint Germain. Gia dĩ bà ta cũng là một tay cự phách trong giới quý tộc nhờ gia hệ và của cải của bà. Nhờ bà dì De Marcillac mà chàng thanh niên được tiếp đãi tử tế ở nhà này, nhưng anh ta vẫn không biết đây là một đặc ân rất trọng đại. Được gia nhập vào những khách đường thếp vàng này cũng tựa hồ như nhận được một bằng cấp quý phái thượng thặng. Đã ra mặt trong cái xã hội hết sức đặc biệt này, anh chàng đã chiếm được cái quyền đến đâu cũng được. Trong buổi hội họp lộng lẫy làm anh ta choáng mắt, chàng thanh niên chỉ trao đổi được vài lời với Tử tước phu nhân và đã lấy làm tự mãn để chỉ chú ý đến một thiếu phụ mà một thanh niên bắt đầu phải tôn sùng, giữa những nàng tiên chen vai trong buổi yến hội. Nữ bá tước Anastasie de Restaud, cao lớn đẹp đẽ, được xem như là một người có một thân hình đẹp nhất ở Paris. Ta hãy tưởng tượng đôi mắt huyền đen nháy, một bàn tay diễm lệ, một bàn chân xinh xắn, những cử động đầy linh mẫn, một thiếu phụ mà hầu tước De Ronquerolles đã gọi là một con ngựa nòi. Bà ta mảnh mai, nhưng hình dáng đầy đặn tròn trịa, tuy không mập. Những tiếng ngựa nòi, đàn bà rặt giống đã được giới phong nhã đem thay thế các danh từ thiên tiên, mặt thơ mộng, là những danh từ thuộc thần thoại phong tình đã cổ hủ. Nhưng đối với De Rastignac, bà Anastasie de Restaud, là người đàn bà đáng được thèm muốn nhất. Anh chàng đã dành được hai bài nhảy trong danh sách được ghi trên cánh quạt, và đã hân hạnh gợi chuyện với bà ta ngay trong vòng đối vũ đầu tiên:

- Thưa, sau này chúng tôi lại gặp lại được phu nhân tại đâu ạ? Anh ta đường đột thốt lời với một nhiệt tình mãnh liệt thường được đàn bà thích thú.

- Ở đâu chẳng được, ở Rừng Boulogne, ở nhà Hí viện, tại nhà tôi...

Và chàng lãng tử miền Nam vội vã kết thân ngay với bà hầu tước diễm tuyệt kia, với cái tình thân thiết mà một thanh niên có thể tạo ra được với một thiếu phụ trong hai điệu vũ.

Vừa tự xưng là con của bà De Beauséant, là chàng ta được thiếu phụ kia mời, thiếu phụ mà chàng liệt kê ngay vào hạng đại quý phái và thế là chàng ta đã có mòi lui tới nhà bà ta được rồi. Với nụ cười cuối cùng của phu nhân tặng cho, anh chàng thấy cuộc thăm viếng quá cần thiết rồi. Anh chàng lại được cái may gặp được một vị đàn ông không chế nhạo cái thiếu dốt của anh ta, một khuyết điểm chết người giữa những danh nhân xấc xược của thời đại, như bọn Maulincourt, Ronquerolles, Maxime de Trailles, De Marsay, Ajuda Pinto, Vaudenesse; cả bọn người này đều có mặt tại đây trong cả sự rực rỡ của các hợm hĩnh của họ, chen lộn, với các bà thanh lịch nhất: bà Brandon, nữ công tước De Langeais, nữ hầu tước De Kergarouẻt, bà De Sérizy, nữ công tước De Carigliano, nữ bá tước Fernaud, bà De Lanty, nữ hầu tước d’Aigleruont, bà Firmiani, nữ hầu tước De Listomère và nữ hầu tước d’Espard, nữ công tước De Maufrigneuse và các bà trong dòng họ Grandlieu... May cho chàng sinh viên ngớ ngẩn lại gặp hầu tước De Montriveau, nhân tình của nữ công tước De Langeais, một vị tướng lãnh chất phác như một trẻ thơ: Ồng ta cho chàng biết De Restaud phu nhân ở đường Helder. Trẻ tuổi, khao khát đời, thèm thuồng đàn bà… mà thấy rộng mở cho mình hai nhà: đặt chân ở xóm Saint Germain, ở nhà nữ Tử tước De Beauséant, và để gối ở phố Chaussée d’Antin, tại nhà hầu tước De Restaud phu nhân. Để mắt nhìn thẳng suốt các khách thinh Paris, và tự tin mình khá đẹp trai để có thể tìm được sự giúp đỡ và che chở ở trái tim một người đàn bà! Tự cảm thấy khá tham lam để có thể đạp chân lên sợi dây căng thẳng để bước đi với lòng vững tin như chàng leo dây không hề bị té, và tìm được ở một phụ nữ yêu kiều cây sào căm giữ thăng bằng rất tốt! Với những tư tưởng ấy và trước hình ảnh của người đàn bà kia đứng thẳng bên lò lửa sưởi, giữa cuốn sách luật và cảnh nghèo nàn, ai mà chẳng như chàng Eugène trầm tư tìm hỏi tương lai và nghĩ đến một ngày mai đầy những thành công rực rỡ. Trí óc mông lung phiêu bạt trên những lạc thú hậu lại làm anh chàng đang tưởng mình đã ở cạnh bà De Restaud, thì bỗng tiếng thở ra rất mạnh phá tan sự êm lặng của đêm tối và dội vào lòng chàng thanh niên làm anh chàng tưởng chừng nghe tiếng thở dốc của một người hấp hối. Chàng mở nhẹ cửa ra, và lúc đã ra ở hành lang, chàng thấy một đường ánh sáng vạch ngang dưới cửa phòng ông già Goriot. Eugène ngại rằng ông già bệnh chăng, anh ta ghé mắt vào lỗ khoá nhìn vào trong phòng và thấy ông già đang làm những công việc có vẻ quá tội lỗi nên chàng thanh niên tưởng mình cần giúp ích cho xã hội bằng cách xem xét kỷ càng coi ông già tự xưng là cựu thương gia buôn bún đang âm mưu những chuyện gì trong đêm khuya. Ông Goriot chắc hẳn đã buộc ở thanh ngang một cái bàn vật ngửa một cái đĩa và một cái “tìm” đựng xúp bằng bạc mạ vàng, và ông ta đang vặn quanh một sợi dây qua các vật chạm trỗ quý giá này và xiết mạnh đến nỗi ông ta đã biến những vật này thành những thỏi bạc.

- Chà! Ông này là người gì nhỉ!

Rastignac nghĩ thầm lúc thấy hai cánh tay gân guốc của ông già dùng chiếc dây mà uốn vặn chất bạc như nhồi bột vậy. Đây là một tên trộm hay là người oa tàng của trộm cướp giả bộ khờ khạo, yếu đuối và sống như kẻ ăn mày chăng? Eugène vừa ngẫm nghĩ vừa đứng thẳng lên trong một lúc.

Rồi chàng lại áp mắt nhìn qua lỗ khoá lại. Lúc này ông già Goriot đã mở dây thừng ra. Ông ta cầm thỏi bạc, trải cái mền ông lên bàn rồi đặt thỏi bạc lên và cuốn tròn lại, công việc mà ông ta làm một cách dễ dàng kỳ lạ.

- Ông già mạnh bằng vua Auguste ở Ba Lan chắc? Eugène lẩm bẩm lúc thỏi bạc đã gần được cuốn lại tròn trịa.

Ông già Goriot nhìn công việc ông với cặp mắt buồn bã và ứa lệ. Ông thổi tắt cây đèn làm bằng cuộn dây nhúng sáp mà ông ta đã dùng để làm công việc vừa rồi. Rồi Eugène nghe ông ta thở ra trước khi đi nằm.

- Ông già điên chắc.

- Khốn khổ cho con tôi! - ông già Goriot nói lớn tiếng.

Nghe câu này, Rastignac thấy nên dè dặt giữ kín việc này và không nên khinh xuất kết án ông bạn cùng trọ một nhà. Anh ta sắp trở vô phòng thì nghe một tiếng động hơi khó tả và có lẽ do những người đi vớ đang lên cầu thang. Eugène lắng tai, và nhận ra tiếng thở của hai người. Không nghe tiếng cửa đống và tiếng chân người đi, nhưng anh ta bỗng thấy một ánh sáng leo lét ở lầu hai, tại phòng ông Vautrin.

- Thật nhiều bí ẩn trong một nhà trọ!

Anh ta bước xuống vài cấp, lắng nghe, và một tiếng vàng bạc đập vào tai chàng. Rồi ánh sáng vụt tắt, rồi lại nghe tiếng hai người thở mà cửa vẫn không kêu. Rồi lúc hai người đi xuống, hơi thở cũng yếu dần.

- Ai đó? - Bà Vanquer mở cửa sổ phòng bà vừa la lên hỏi.

- Tôi về đây, má ơi. - Vautrin nói với giọng to lớn của anh ta.

- Lạ thật! Thằng Christophe đã cài then rồi, Eugène nói lầm bầm vừa trở vào phòng mình. Phải thức đêm mới biết động tịnh quanh mình ở cái thành Paris này.

Các sự việc xảy ra này đã làm đứt mất giòng tư tưởng phong tình xa vọng của chàng thanh niên, và anh ta bắt đầu vào học. Trí bị sao nhãng vì những mối ngờ vực về ông già Goriot, lại càng sao nhãng hơn do hình ảnh bà De Restaud chốc chốc lại hiền hiện trước mặt chàng như một sứ giả của một định mệnh huy hoàng, anh chàng lần nằm xuống và ngủ ngon, hai tay nắm chặt. Trong mười đêm hứa hẹn để học hành, các chàng trai trẻ đã để hết bảy hôm cho giấc ngủ. Chỉ người quá hai mươi tuổi mới thức đêm.

Sáng sớm hôm sau, thành Paris bị bao phủ trong một đám sương mù dầy đặc và mù mịt đến nỗi những người đúng đắn nhất cũng phải lầm giờ. Những cuộc hứa hẹn công việc hỏng bét. Ai cũng tưởng mới tám giờ lúc đồng hồ đã gõ mười hai tiếng. Đã chín rưỡi mà bà Vanquer còn chưa rời khỏi giường. Thằng Christophe và mụ Sylvie, cũng dậy trưa, đang ngồi nhấp cà-phê rất êm đềm với phăn trên mặt của lớp sữa dành cho khách trọ, mà mụ Sylvie đã nấu sôi rất lâu để bà Vanquer không trông thấy món thuế chúng thâu một cách bất hợp pháp.

- Chị Sylvie ơi, Christophe nói vừa ngưng lát bánh nướng thứ nhất, ông Vautrin là một người tốt nghe! Tối nay lại gặp hai người nữa. Nếu bà chủ hỏi đến, đừng nói gì cả nghen!

- Ông ta có cho mày đồng nào không?

- Ông cho tôi một trăm xu về tiền tháng này, như thầm bảo tôi câm mồm vậy.

- Riêng ông ta và bà Couture không bủn xỉn mà thôi, còn tất cả bọn kia đều cho mình đồng nào ở tay mặt lúc ngày Tết thì tay trái họ đã muốn lấy lui.

- Ấy vậy, mà họ đã cho ta được bao nhiêu? Một đồng trăm xu khốn ấy! Đã hai năm rồi, ông già Goriot tự đánh giày lấy. Thằng cha Poiret keo cú kia thì khỏi cần xi đánh giày, nó nuốt đi thì có chớ đâu lại đem phết vào giày khổ của nó. Anh chàng sinh viên khòng khoèo cho tôi 40 xu; không đủ tiền mua bàn chải của tôi. Còn áo quần cũ thì hắn ta đem bán. Ồ cái nhà này bẩn thỉu quá!

- Ô! Vậy mà chỗ mình làm còn khá nhất xóm đấy: ở đây ta sống yên ổn. Sylvie vừa nhấp cà-phê vừa nói. Ồ, còn về cha Vautrin, mày có nghe người ta bàn tán gì không, Christophe?

- Có! Cách vài ngày nầy, tôi có gặp một ông ngoài đường hỏi tôi: “Ở nhà anh, có một ông bụng bự mang râu quai nón nhuộm râu pháo phòng không?”. Tôi trả lời: “Thưa ông không, ông ta có nhuộm râu, nhưng hình như ông ta không có thì giờ làm công việc ấy đâu”. Tôi kể chuyện ấy cho ông Vautrin nghe, thì ông ta trả lời: “Em mà trả lời. Để thiên hạ biết những khuyết điểm của ta. Ta có thể mất làm rể vì nó đấy.

- Còn tao, thì ở chợ người ta cũng cố làm cho tao nói ông ta mặc áo sơ mi vào lúc nào không. Mày xem, đồng hồ ở nhà 10 giờ kém 15, mà chưa ai nhúc nhích cả?

- Người nào cũng đi rồi mà. Bà Couture và cô gái bà đi ăn ở Saint Etienne từ tám giờ. Ông già Goriot đã đi với một sinh viên đi học đến 10 giờ mới về! Tôi thấy họ đi lúc xuống thang, và ông già Goriot đụng vào tôi cái gói ông ta mang cứng như sắt. Chẳng hiểu ông ta làm ăn cái gì? Nhưng ông ta cũng trung hậu chứ, mà tốt hơn bọn không cho tôi bao nhiêu, nhưng mấy bà lớn mà ông ta gọi là con thưởng tôi rất hậu, và họ ăn mặc đẹp quá.

- Mấy con mụ mà ông ta gọi là con gái ông hả? Có đến một tá con, có đêm có hai người, hai người đến đầy ấy.

- Kìa bà chủ rục rịch kia rồi. Bà ta sắp làm ràm rọt đây. Mày xem chừng sữa, nghe Christophe, coi con mèo uống vụng.

Sylvie lên buồng bà chủ.

- Có chuyện gì vậy, Sylvie, 10 giờ kém 15 rồi, mà mày để tao ngủ li bì lúc nào có chuyện này xảy tới cho tao như vậy!

- Thưa bà, có sương mù dày lấy dao cắt được ấy!

- Vậy bữa ăn sáng ra sao?

- Ôi! Các khách trọ của bà hôm nay sao quá rộn ràng, họ đã chuồn hết từ khi mới mở mắt.

- Nói cho đúng chữ đi Sylvie, người ta nói từ khi mới bừng mắt chớ?

- Vâng, bà chủ muốn nói sao tôi sẽ nói theo. Nhưng dầu sao bà cũng có thể dùng bữa lúc 10 giờ. Chỉ có mụ Michonnette và lão Poireau là không rục rịch. Chỉ có hai người đó ở nhà, và cả hai ngủ như hai khúc gỗ.

- Kia, Sylvie, sao mày lại cặp hai người với nhau như là...

- Như sao bà chủ? Mụ Sylvie vừa nói vừa cười phá lên một cách ngốc nghếch. Hai người là một cặp chớ sao nữa.

- Lạ quá, Sylvie à: làm sao hồi hôm ông Vautrin về được sau khi thằng Christophe đã cài then cửa nhỉ?

- Đâu phải vậy, bà. Nó nghe ông Vautrin về mới xuống mở cửa cho ông ta đấy chứ. Ấy vậy mà bà tưởng rằng...

- Đưa cho tao cái áo cộc, rồi đi xem bữa ăn trưa đi. Xem nấu chỗ thịt cừu còn lại với khoai tây, và dọn mấy quả lê luộc thứ mua đồng ten một quả ấy.

Một lúc sau, bà Vanquer từ lầu đi xuống, ngay khi con mèo vừa động chân đổ cái dĩa đậy bát sữa, và vội vàng lè lưỡi liếm.

- Mèo! bà ta la lên.

Con mèo chạy trốn, nhưng rồi trở lại cọ mình vào chân bà.

- Ờ, ờ! Mày làm bộ nịnh đi, đồ hèn! Này Sylvie, Sylvie!

- Cái gì bà?

- Xem con mèo vừa uống gì đấy.

- Tại lỗi con vật Christophe đó, tôi vừa bảo nó dọn bàn. Không biết nó đi đâu rồi? Ấy, bà đừng ngại gì hết. Sữa ấy sẽ để phần ông già Goriot vậy. Tôi chỉ cần thêm nước vào, ông ta không thấy đâu. Ông ta chẳng để ý đến việc gì, cả đến cái ông ta ăn cũng vậy.

Bà Vanquer vừa xấp dĩa vừa hỏi:

- Anh Ba Tàu đó đi đâu rồi?

- Ai biết được? Ông ta buôn bán quá cỡ mà.

- Tao ngủ nhiều quá.

- Nhờ vậy bà hôm nay tươi tắn như đoá hoa hồng...

Vừa lúc ấy, chuông cửa reo lên, và ông Vautrin đi vào phòng khách vừa hát với giọng thật to của ông:

Ta đã đi cùng thiên hạ,

Người ta đã thấy ta khắp nơi...

- Ồ, ồ! chào má Vanquer. Ồng ta nói lúc thấy bà chủ nhà và đến ôm bà một cách lẳng lơ.

- Thôi đi, bỏ tôi ra nào...

- Bà hãy bảo tôi là “Thằng xấc láo”, nói đi, yêu cầu bà nói đi. Này, để tôi sắp chén dĩa với bà, này. À, tôi tử tế quá há?

Tán mụ tóc đen, chiếm cô tóc vàng,

Yêu đương than thở...

Tôi mới thấy một việc lạ lùng...... do may rủi.

- Việc gì? Bà chủ hỏi.

- Ông già Goriot đi tới con đường Bà Hoàng lúc tám giờ rưỡi, tại nhà anh hàng kim hoàn thường mua đồ chén dĩa cũ và lon dải.

Ông già bán cho anh ta một bộ đồ ăn bằng bạc mạ vàng, với một số tiền khá lớn. Các đồ này đều bị vặn cong queo khá khéo léo, nhất là do một tay không phải là tay thợ.

- À! Thật thế à?

- Vâng. Tôi đang đi về, sau khi đi tiễn một người bạn xuất dương trên tàu của hãng Hàng hải hoàng gia. Tôi đợi ông già để trêu cười chơi. Ông ta trở về xóm này, theo đường Sa thạch. Ờ đây, ông ta vào nhà một lão cho vay nặng lãi đã nổi danh tên là lão Gobseck, một lão lưu manh rất phách lối, có thể lấy xương ông già nó tiện làm con cờ được, một thằng Do thái, thằng A rập, thằng Hy lạp, một thằng cha lang bạt khó có ai bóc lột nổi, vì tiền nó bỏ nhà băng.

- Ông già Goriot làm gì ở đấy?

- Ông không làm gì cả, ông phá hoại. Ông ta là một thằng dại đột đã quá ngu mà phá sản vì thương những cô gái...

- Ông ta kia! - Mụ Sylvie nói.

Ông Goriot gọi to:

- Christophe, đi lên với tôi đi.

Christophe theo ông ta, rồi trở xuống ngay.

- Mày đi đâu? Bà Vanquer hỏi thằng ở.

- Đi lo việc giùm ông Goriot.

- Cái gì đây? Ông Vautrin nói vừa giật cái thơ ở tay thằng Christophe và đọc: Gởi nữ Bá tước Anastasie de Restaud. Rồi mày đi đến đâu? Ông ta vừa trả cái thơ lại vừa hỏi Christophe.

- Đường Helder. Tôi có lệnh đưa cái này tận tay bà Bá tước.

- Cái gì trong này vậy! Ông Vautrin vừa soi cái thơ ra ánh sáng. Một giấy bạc chăng? Không phải? Ông ta mở bao thơ ra. À một hối phiếu đã ký trả tiền rồi (Ông reo lên), Ô hô! Ông đỏm già hào hiệp quá. Thôi đi di, thằng láu cá. Ông Vautrin vừa nói vừa chụp bàn tay to tướng của ông lên đầu Christophe, và xoay thằng nhỏ như cái vụ. Mày sẽ có thưởng khá lắm.

Chú thích

(15) Angle facial: góc mặt, đo có thể biết người thông minh hay ngu dốt tuỳ tam giác rộng hẹp

hết: - 3 -, xem tiếp: - 4 -


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx