sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Vẻ mặt hớn hở của nữ bá tước cho Eugène nhìn thấy những biểu lộ của một tình yêu chân thật và khỏi lầm lẫn với kiểu cách làm bộ làm đỏm ở Paris. Anh ta thán phục bà chị họ, nín lặng rồi nhường chỗ cho ông D’Ajuda, vừa lầm thầm:

- Một người đàn bà yêu đương như thế thật là người thanh cao siêu tuyệt. Vậy mà anh này lại phản bội người ta vì một con búp bê à? Làm sao người ta có thể phản bội một người như thế nhỉ?

Anh ta thấy trong lòng nổi lên nỗi căm hờn như trẻ con muốn lăn xuống chân bà De Beauséant, cầu mong cái năng lực của quỷ thần đi mang bà ta vào lòng như con chim phượng đem con dê trắng còn bú từ cánh đồng vào ổ nó. Anh ta lấy làm nhục nhã ở trong cái viện sắc đẹp mà không có bức tranh của mình, không có người tình của mình.

- Có một người tình và một địa vị cao quý, đó là biểu hiệu của uy quyền! Anh ta tự nghĩ.

Và anh ta nhìn bà De Nucingen chẳng khác một người bị sỉ nhục nhìn kẻ thù. Nữ Tử tước quay lại nhìn chàng và nheo mắt tỏ ý hết sức cám ơn về cử chỉ kín đáo dè dặt của chàng. Màn thứ nhất đã kết thúc.

Bà nói với hầu tước D’Ajuda:

- Ông quen De Nucingen phu nhân khá thân để có thể giới thiệu ông De Rastignac với bà ta?

- Ồ! Bà ta sẽ vui lòng được gặp ông lắm chớ. Hầu tước nói.

Người Bồ Đào Nha đẹp trai đứng dậy, nắm tay chàng sinh viên, và chỉ trong chốc lát chàng đã ở cạnh bà De Nucingen. Hầu tước nói:

- Thưa nữ nam tước, tôi hân hạnh giới thiệu cùng phu nhân nhà quý phái De Rastignac, em họ nữ bá tước De Beauséant. Phu nhân làm cho ông ta khích động quá mãnh liệt nên tôi muốn cho hạnh phúc ông ta được hoàn toàn hơn nên đưa ông ta lại gần thần tượng của ông ta.

Với một giọng chế giễu ông ta đã thô bạo, nhưng khéo nói thì không lúc nào làm phật ý một phụ nữ. Bà De Nucingen mỉm cười và mời Eugène ngồi ở ghế của chồng bà vừa mới đi ra.

- Thưa ông, tôi không dám mời ông ở lại bên tôi. Lúc người ta có diễm phúc gần gũi bà De Beauséant thì người ta ở lại đó.

- Nhưng thưa phu nhân, Eugène nói nhỏ hình như muốn cho bà chị tôi vui lòng, tôi sẽ ở lại bên phu nhân đây. Và lớn tiếng: Trước khi hầu tước đến, chúng tôi đã nói chuyện đến phu nhân đến sự cao nhã của phu nhân.

Ông D’Ajuda cáo lui. Nữ Nam tước bảo:

- Thưa ông, vậy ông ở lại với chúng tôi thật đấy à. Chúng ta làm quen với nhau vậy; bà De Restaud đã làm cho tôi có ý rất muốn gặp ông.

- Vậy thì bà De Restaud giả dối thật. Bà ta đã cấm cửa tôi đấy.

- Sao vậy?

- Thưa phu nhân, tôi có lương tâm phải nói lý do với phu nhân nhưng lúc kể chuyện bí mật này, tôi xin bà hết sức khoan hồng cho. Tôi là người láng giềng của ông cụ phu nhân. Trước tôi không hay là bà De Restaud là con gái cụ nhà. Tôi đã vô tình nói đến cụ một cách rất dại dột, và tôi đã làm ông bà De Restaud giận tôi. Phu nhân không thể tin được rằng nữ Công tước De Langais và chị tôi đã cho sự bội phản cha già như vậy rất khiếm nhã. Tôi có kể cho hai bà nghe câu chuyện xảy ra, hai bà ta cười như điên vậy. Sau đó, hai bà so sánh phu nhân với bà chị, bà De Beauséant đã nói đến phu nhân với nhiều lời khen ngợi, bà bảo tôi là phu nhân hết sức tốt với cụ Goriot là ông bạn láng giềng tôi.

Thật ra, làm sao phu nhân không thương ông cụ được? Ông cụ yêu quý phu nhân như say đắm vậy, làm tôi đã bắt đầu phát ganh, cụ và tôi đã nói chuyện về phu nhân sáng này ngót hai tiếng đồng hồ. Rồi, lòng đầy những cái cụ kể cho nghe, hồi tối nay ngồi ăn với chị tôi, tôi đã nói lại cho bà ta nghe rằng: phu nhân tuyệt đẹp nhưng còn có tình hơn. Chắc bà chị tôi muốn tán trợ cho tấm lòng ngưỡng mộ nồng nhiệt như thế, nên chị tôi đã đem tôi theo lại đây, và với cái duyên dáng thường ngày của bà ta, bà bảo tôi sẽ gặp phu nhân.

- Thưa ông, như vậy tôi đã mang ơn ông rồi sao? Chút nữa ta sẽ là đôi bạn cố giao rồi.

- Thưa, dẫu tình bạn với phu nhân là một tình cảm không phải tầm thường, nhưng chúng tôi không bao giờ muốn làm bằng hữu của phu nhân.

Những lời ngây ngô kia in ra nhiều bản cho bọn tập sự luôn luôn được các bà ưa thích, và chỉ thấy nghèo nàn lúc được đọc một cách vô vị. Cử chỉ, giọng nói, cái nhìn của chàng thanh niên làm cho lời nói tăng thêm giá trị vô biên. Bà De Nucingen thấy Rastignac đáng yêu lắm. Rồi, cũng như các phụ nữ khác, không thể nói gì về những điểm nêu ra một cách chí thành như những điểm của cậu sinh viên, bà ta trả lời về điểm khác.

- Vâng, chị tôi tự hại mình vì cách cư xử với ông cha tội nghiệp kia, người cha mà đối với chúng tôi như một thần thánh.

Vì ông De Nucingen ra lệnh thật sự cho tôi chỉ được tiếp cha tôi buổi sáng, tôi mới phải nhượng bộ về điểm này.

Nhưng tôi đã hết sức đau khổ khá lâu vì việc này, tôi đã khóc. Những áp bức này sau những thô bạo về hôn nhân là một trong những nguyên nhân làm xáo động nhất gia đình tôi. Trước thiên hạ, có lẽ tôi là người đàn bà sung sướng nhất ở Paris, nhưng sự thật tôi là người khốn đốn nhất. Ông sẽ cho tôi điên sao nói chuyện với ông như vậy. Nhưng ông đã quen biết cha tôi với danh nghĩa ấy ông không thể là một người lạ đối với tôi.

- Bà sẽ không gặp được người nào còn trông mong mãnh liệt hơn tôi để được thuộc quyền sở hữu của bà. Tất cả các bà đều tìm cái gì? Nguồn hạnh phúc. Anh sinh viên nói với một giọng thấm tận tâm hồn. Vậy thì nếu hạnh phúc của một người đàn bà là được yêu đương thờ phụng, là có một người bạn có thể cho biết được những ước vọng của mình, những sở hiểu nhất thời, những buồn khổ, những hoan lạc của mình, để tỏ lộ được hết tâm hồn với khuyến điểm xinh xinh và những đức tính tốt đẹp của mình mà không sợ phản bội: bà hãy tin tôi, tấm lòng tận tuỵ luôn luôn nồng nàn, chỉ có thể thấy được ở một người trẻ trung, đầy ảo mộng, có thể chết được khi bà chỉ ra một dấu hiệu, một người chưa biết gì ở đời và cũng không muốn biết gì nữa, vì bà sẽ là vũ trụ của họ.

Như chúng tôi, bà thấy không, chúng tôi vừa ở tỉnh lên, tôi hoàn toàn ngây ngô chỉ quen biết những tâm hồn cao đẹp; và tôi đã muốn ở vậy không yêu đương. Tôi gặp chị họ tôi, chị quá thương yêu tôi, đã làm cho tôi đoán thấy bao nhiêu điều quý giá của ái tình tôi như chàng Chérubin (33) mê say hết tất ci đàn bà trong lúc chờ đợi để có thể tận tuỵ với một người. Vừa thấy bà lúc bước vào chốn này, tôi cảm giác như một giòng nước đưa đẩy lại gần bà, Trước tôi đã nghĩ quá nhiều về bà. Nhưng tôi không mộng tưởng bà đẹp đến thế này. Chị De Beauséant đã bảo đừng nhìn bà chòng chọc như vậy. Chỉ không biết đôi môi hồng của bà, làn da trắng, cặp mắt dịu dàng của bà hàm súc bao nhiêu cám dỗ… Tôi cũng như chàng Chérubin, tôi thốt ra toàn chuyện điên cuồng, nhưng hãy để tôi nói…

Đàn bà không thích gì bằng được nghe người ta tán tỉnh những lời êm ái như thế. Người sùng đạo phải nghiêm khắc nhất cũng chú ý nghe dầu không phải trả lời. Sau khi đã khai mào như trên, Rastignac làm luôn cả chuỗi với một giọng thì thầm duyên dáng; và bà De Nucingen khuyến khích anh ta với những nụ cười trong lúc vừa thình thoảng vẫn ngó De Marsay, mà ông này cứ ở trong lô quận chúa Galathionne. Rastignac ở bên bà De Nucingen cho đến lúc chồng bà ta lại đem bà ta đi. Eugène nói:

- Thưa bà, tôi sẽ hân hạnh đến hầu thăm bà trước bữa dạ hội của nữ công tước De Carigliano.

Nam tước De Nucingen là một người Alsace mập mạp với bộ mặt tròn trĩnh biểu lộ một tính xảo quyệt nguy hiểm, ông ta nói:

- Nhà tôi mời, thì ông chắc sẽ được tiếp đãi rất nồng hậu.

- Công chuyện ta trôi chảy rồi, vì nàng không khó chịu lúc nghe ta nói: “Phu nhân sẽ yêu tôi nhiều không?” Hàm thiếc đã đặt vào miệng ngựa rồi, ta hẳn nhảy lên và lái nó đi. Eugène tự nhủ thầm vừa đi lại chào bà De Beauséant lúc bà đứng lên đi về với ông D’Ajuda.

Anh chàng sinh viên khốn khổ không biết rằng bà Nữ Nam tước lơ đãng không chú ý gì và đang đợi một lá thơ quyết định của De Marsay, một lá thơ xé nát tâm hồn. Rất sung sướng với các thành công huyền tạo, Eugène đưa nữ bá tước ra tận hàng trụ hành lang, nơi mọi người ra đợi xe. Lúc Eugène rời họ rồi, D’Ajuda cười với nữ tử tước:

- Cậu em họ của phu nhân thấy khác hẳn đi. Anh sắp lật đổ nhà chủ ngân hàng rồi. Anh ta mềm dẻo như con lươn, tôi tưởng anh ta sẽ đi xa. Chỉ phu nhân mới khéo chọn được một thiếu phụ đúng lúc nàng cần được an ủi.

- Nhưng phải xem nàng còn yêu người bỏ rơi nàng chăng? Bà De Beauséant nói.

Chàng sinh viên đi bộ từ nhà hát về Đường Mới Sainte Geneviève vừa sắp đặt nhiều dự định rất êm đềm. Anh chàng đã thấy bà De Restaud chú ý nhìn anh ta lúc anh ta ở trong lô nữ bá tước hoặc trong lô bà De Nucingen, và đoán chừng bà ta không cấm cửa anh ta nữa. Như thế là đã được bốn chỗ giao thiệp quan trọng trong xã hội thượng lưu Paris vì anh ta tính cũng sẽ làm cho bà Thống chế vừa lòng. Không tự giải thích những phương tiện, anh ta cũng đoán trước rằng trong cuộc tranh đấu phức tạp về quyền lợi ở đời, anh ta phải bấu víu và một bánh xe mới lên được phía trên bộ máy, và anh ta thấy mình đủ sức mạnh để thắng hãm bánh xe.

- Nếu bà De Nucingen lưu tâm đến ta, ta sẽ dạy bà điều khiển chồng. Chồng bà kinh doanh những việc lợi vô số, anh ta có thể giúp ta lập sản nghiệp ngay một lúc.

Anh ta không tự nói sống sượng như vậy, anh ta chưa khôn khéo đi tính toán một tình thế, phẩm bình và trù hoạch; những ý tưởng kia phảng phất ở chân trời như những đám mây mờ, và dầu nó chưa táo tợn như những ý kiến của Vautrin, nhưng nếu đem xét nó trong lò lương tâm nó cũng không lấy gì làm trong sạch lắm. Sau những cuộc dàn xếp liên tiếp như thế, người ta sẽ đi đến một nền luân lý suy đồi hiện tại. Trong thời này hơn thời nào hết, hiếm mà gặp được những người ngay thẳng, những nghị lực cao đẹp không lúc nào khuất phục trước điều bậy, đối với những người ấy đi sai đường thẳng một chút là một trọng tội, đó là những hình ảnh đẹp đẽ của lòng chính trực đã cho hai giai phẩm: nhân vật Alceste của Molière, và gần đây Jenny Deans và ông già anh ta trong văn phẩm của Walter Scott. Nhưng có lẽ một tác phẩm làm ngược lại với sự miêu tả những ngoắt ngoéo mà một người trong giới thượng lưu, một kẻ tham lam làm cho lương tâm phải uốn theo trong lúc cố đi cạnh điều ác để đạt mục đích mà vẫn giữ được bề ngoài, một tác phẩm như thế cũng không kém hay, không kém xúc động.

Về đến cửa nhà trọ, Rastignac đã mê bà De Nucingen, bà ta có vẻ mảnh khảnh, thanh bai như con én. Anh chàng nhớ lại tất cả; cặp mắt dịu hiền cám dỗ, làn da mịn bóng làm anh ta như thấy máu chảy ở dưới, giọng nói quyến rũ, bộ tóc vàng; có lẽ sự đi làm máu chảy, đi đưa anh ta đến sự say mê ảo hoặc ấy. Anh ta đập mạnh lên cửa ông già Goriot,

- Ông cụ hàng xóm ơi, tôi đã gặp bà Delphine.

- Ở đâu vậy?

- Ở nhà hát Ý.

- Nó có chơi vui không vậy…? Mời vào đi. Và ông già hiền lành lúc dậy đang mặc áo lót đêm, mở cửa ra và lẹ làng nằm xuống lại.

- Ông hãy nói chuyện về nó đi. Ông ta yêu cầu.

Mới lần đầu vào phòng ông Goriot, Eugène không khỏi giật mình kinh ngạc lúc thấy chỗ ở tồi tàn của người cha sau khi đã thán phục lối trang sức của cô gái. Cửa sổ không màn, giấy dán tường đã rã ra nhiều chỗ vì ẩm ướt và co rúm để thấy lớp thạch cao đã vàng vì khói. Ông già nằm trên cái chõng xấu xí chỉ có cái mền mỏng và tấm nệm bông đắp chân do những miếng áo rách của bà Vauquer chắp lại. Gạch lát nền ướt và đầy bụi. Trước cửa sổ có một cái tủ ngăn phình bụng bằng gỗ đào, với những tay kéo bằng đồng vặn hình cành nho có lá hay hoa, một cái bàn cũ kỹ mặt gỗ trên ấy để một chậu thau với bình nước và đồ cạo râu. Ở một góc phòng để giày; trên đầu giường có cái bàn nhỏ không cửa cũng không có mặt đá; ở góc lò sưởi không có chút lửa nào, có đặt cái bàn vuông bằng gỗ hồ đào mà cái thanh ngang đã được ông Goriot dùng để vặn bẻ cái vịm xúp bằng bạc. Một cái bàn viết xấu xí trên ấy có để cái mũ của ông già, một ghế bành màu sẫm độn rơm và hai cái ghế nhỏ bổ túc cho đồ đạc tồi tàn trong phòng. Một tấm vải thô có ô đỏ và trắng đặt trên cái treo mùng hình mũi tên buộc xuống thềm nhà bằng một tấm giẻ. Cái gác ở của người mãi biện nghèo nhất chắc còn có đồ đạc khá hơn ông Goriot ở nhà trọ bà Vauquer. Quang cảnh cái phòng làm ớn lạnh và se lòng, nó giống cái phòng buồn thảm của một nhà tù. May thay ông Goriot không thấy vẻ mặt Eugène lúc chàng đặt cây đèn cầy lên cái bàn ở đầu giường ông. Ông già quay về phía anh ta mà vẫn trùm mền lên thấu cằm.

- Ấy thế! Ông ưa bà De Restaud hay bà De Nucingen hơn?

- Tôi ưa bà Delphine hơn, vì bà thương ông hơn.

Nghe lời nói nồng nàn ấy, ông già giơ tay ra khỏi giường và nắm chặt bàn tay Eugène.

- Cám ơn, cám ơn, ông già cảm động nói. Vậy Delphine đã nói gì về tôi?

Chàng sinh viên lặp lại những lời của nữ nam tước vừa tô điểm thêm lên, và ông già chú ý nghe anh ta như nghe lời chúa dạy vậy.

- Con nhỏ yêu quý của tôi! Vâng, vâng, nó thương tôi lắm. Nhưng đừng tin lời nó nói về Anastasie. Ông thấy đó, hai chị em nó ghen nhau, đó cũng là một bằng cớ của lòng âu yếm của chúng. Tôi biết mà. Một người cha đối với con, cũng như chúa Trời đối với chúng ta, Chúa đi vào tận đáy lòng và xét hiểu hết tâm ý. Cả hai chị em chúng nó đều hiếu hạnh. Ồ, nếu tôi có những thằng rể tốt, tôi đã hạnh phúc quá rồi. Ở thế gian này chắc không có hạnh phúc nào hoàn toàn. Nếu tôi sống với chúng nó, thì chỉ nghe tiếng chúng nói, chỉ biết chúng ở gần bên, chỉ thấy chúng ra vào như lúc chúng còn ở nhà tôi, lòng tôi cũng đã xao xuyến… Chúng nó ăn mặc có đẹp không?

- Đẹp! Nhưng cụ Goriot, tại sao có con gái giàu sang như thế mà cụ lại ở trong cái nhà tồi tàn như vậy?

Ông nói với vẻ vô ưu:

- Thật tình, ăn ở sang hơn có ích gì cho tôi đâu? Tôi không sao giải thích cho ông được những cái này; tôi không thể nói được hai lần tiếp nhau cho hẳn hoi. Tất cả đều ở đây. Ông ta nói thêm vừa đấm vào tim. Đời sống của tôi là ở nơi hai đứa con gái tôi. Nếu chúng vui chơi, chúng sung sướng ăn mặc tử tể, nếu chúng đi trên thảm thì tôi mặc thứ nỉ gì, chỗ tôi nằm ra sao nào có cần gì? Nếu chúng ấm thì tôi không lạnh, nếu chúng cười tôi chẳng lúc nào buồn. Tôi chỉ rầu phiền những nỗi phiền rầu của chúng. Lúc nào ông có con, lúc nào ông tự nói khi ông nghe con ông nói ríu rít “Ở ta mà ra đó!” lúc nào ông cảm thấy những con người nhỏ ấy dính líu với mỗi giọt máu của ông mà chúng là cái tinh anh vì đúng là vậy đó! Ông sẽ cảm thấy dính vào da chúng, ông tưởng thân mình ông rung chuyển lúc chúng bước đi. Đâu đâu tiếng nói chúng cũng trả lời cho tôi. Một cái nhìn buồn bã của chúng làm huyết tôi lạnh đông lại. Một ngày kia ông sẽ thấy ta sung sướng vì hạnh phúc chúng hơn là hạnh phúc của ta.

Tôi không thể cắt nghĩa cho ông được, đó là những xao động ở nội tâm nó đem khoan khoái cho ta cùng hết. Nói tóm lại là tôi sống thanh ba. Ông muốn tôi kể ông nghe một chuyện buồn cười không? Đây này, lúc tôi có con, tôi mới hiểu Chúa Trời. Toàn thân Chúa ở khắp mọi nơi, vì tạo vật ở Chúa mà ra. Ông à, tôi cũng như vậy đối với con tôi. Duy tôi thương con tôi hơn Chúa thương vũ trụ, vì vũ trụ không đẹp bằng Chúa mà con tôi thì đẹp hơn tôi. Chúng nó dính chặt lấy tâm hồn tôi, đến nỗi tôi đã biết là tối nay ông gặp chúng. Trời ơi! người nào làm cho con nhỏ Delphine của tôi được sung sướng bằng một người đàn bà sung sướng khi họ được rất mực yêu đương, thì tôi sẽ đánh giày, làm công việc lặt vặt cho người ấy. Do mụ bồi phòng của nó mà tôi biết cái thằng De Marsay là một con chó dữ. Tôi muốn vặn cổ nó đi. Không yêu một thiếu phụ xinh như cái đồ chơi với giọng như hoạ mi, đẹp như hình làm mẫu. Con mắt nó ở đâu mà lại lấy thằng cha mập Alsacien đần độn ấy? Cả hai đều cần những thanh niên đẹp đẽ tử tế. Thế mà chúng lại làm theo ý ngông cuồng của chúng.

Ông già Goriot thật cao siêu. Chưa lúc nào Eugène thấy ông rực rỡ với cái tình cha say sưa của ông. Một điều đáng chú ý là sức truyền dẫn của tình cảm. Một người thô lậu đến đâu, lúc họ biểu lộ một tình thương mãnh liệt và chân thật, họ phát ra một khí lực đặc biệt làm biến đổi vẻ mặt, làm cử chỉ linh động, cho giọng nói thêm khởi sắc. Lắm lúc vì tình thương mà một người hết sức ngu đần có thể trở thành rất hùng biện trong ý tưởng, nếu không phải là trong ngôn ngữ, và họ như cử động trong một không khí sán lạn. Trong bộ điệu ông già hiền lành kia, lúc bấy giờ như có một sức truyền cảm biểu lộ một đại kịch sĩ. Nhưng những tình cảm cao đẹp không phải là những bài thơ của nghị lực hay sao?

Eugène nói:

- Này, có lẽ cụ không bực mình khi biết bà nam tước chắc sắp đoạn tuyệt với anh De Marsay kia. Anh chàng đẹp trai kia bỏ bà ta để theo quận chúa Galathienne. Về phần tôi, tối nay tôi đã phải lòng bà Delphine rồi.

- Vậy sao?

- Vâng, Bà ta không ác cảm tôi. Chúng tôi nói chuyện tình hằng giờ, và tôi sẽ đi thăm bà ngày mốt, thứ bảy.

- Ồ! Nếu nó ưa ông thì tôi hết sức thương mến ông, ông là người tốt, ông sẽ không làm nó khổ. Nếu ông phản bội nó, tôi sẽ cứa cổ ông trước. Một người đàn bà không có hai tình, ông thấy không? Lạy Chúa! Tôi lại nói ba xàm, ông Eugène ơi. Ở đây lạnh lẽo cho ông quá. Lạy Chúa! Vậy ra ông có nghe nó nói chuyện à? Nó có nhắn gì tôi không?

- Không gì cả, Eugène tự nói thầm. Bà ta nhắn gửi tới cụ cái hôn của con gái Anh ta lớn tiếng trả lời.

- Chào ông hàng xóm! Ông ngủ ngon, có nhiều mộng đẹp. Mộng tôi đã hoàn toàn xây dựng với lời nói kia rồi. Cầu Chúa bảo hộ ông trong mọi ước vọng. Tối nay ông là một thiên thần, ông đem lại cho tôi không khí của con tôi.

- Con người khốn nạn đau khổ thay! Eugène tự bảo lúc nằm xuống. Lòng sắt đá cũng phải cảm động. Con gái ông ta không nhớ đến ông ta nhiều hơn nhớ đến Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích:

(34) Noeud Gordien: cái nút thắt sợi dây buộc xe cùa Godios. Lời sấm truyền dậy rằng ai tháo được cái gút phức tạp ấy sẽ làm vua ở châu Á. Về sau vua Alexandre giải quyết khó khăn này một cách rất giản dị: ông không tháo nút, mà chỉ chém một gương, thế là cái gút mở phăng ra

(35) Một écu: đồng năm quan


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx