sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11

Từ ngày nói chuyện với nhau, ông già Goriot thấy ở người láng giềng một bạn tâm giao bất ngờ, một tri kỷ giữa hai người đã kết thành những mối quan hệ độc nhất của ông già Goriot có thể khăng khít với một người khác.

Tình dục không lúc nào làm những bài tính sai. Ông Goriot tự thấy gần gũi Delphine con gái ông hơn, ông thấy sẽ được cô này tiếp đón ông nồng nàn hơn nếu Eugène trở thành thân mật với cô. Và ông già cũng đã cho Eugène biết một nỗi đau khổ của ông.

Bà De Nucingen mà mỗi ngày ông cầu một ngàn lần cho được sung sướng chưa hề hưởng được những vui thích êm ái của ái tình. Đích nhiên, theo ngay lời ông già Goriot, Eugène là một thanh niên đáng mến nhất mà ông chưa hề thấy, và ông ta đoán chàng sẽ làm cho con gái ông hưởng tất cả những lạc thú mà nàng chưa hề biết. Vì vậy ông già hiền lành càng ngày càng yêu mến thêm người láng giềng của ông và nếu không có cái tình hữu nghị thì chắc không thể biết được câu chuyện này sẽ kết thúc ra sao.

Sáng hôm sau, trong bữa ăn trưa, bộ ông Goriot nhìn Eugène mà ông ngồi sát bên, những lời ông nói với anh ta, vẻ mặt biến đổi của ông ta mà ngày thường giống như một mặt nạ bằng thạch cao làm các khách trọ ngạc nhiên. Ông Vautrin mới gặp lại chàng sinh viên lần thứ nhất từ ngày họ nói chuyện với nhau, hình như muốn đọc trong tâm hồn anh ta. Khi nhớ lại kế hoạch của Vautrin, Eugène ban đêm trước lúc ngủ đã đo khoảng không gian mở rộng trước mắt chàng và tất nhiên đã nghĩ đến số hồi môn của cô Taillefer. Anh ta không khỏi nhìn cô ta, như một thanh niên rất đạo đức nhìn một cô gái thừa kế nhà giàu. Ngẫu nhiên hai cặp mắt họ gặp nhau. Cô gái khốn nạn không khỏi nhận thấy Eugène đẹp đẽ trong bộ áo quần mới, cái nhìn ý vị giữa hai người làm Rastignac tin chắc rằng anh ta đã làm mục tiêu của những ước vọng mơ hồ mà các thiếu nữ nào cũng có và họ đặt vào người quyến rũ nào đã đến trước nhất với họ. Một tiếng nói vang bên tai anh: “Tám trăm ngàn quan!” Nhưng bỗng nhiên anh ta nhớ lại những chuyện hôm qua, và nghĩ rằng mối tình cần thiết của anh ta đối với bà De Nucingen là liều thuốc giải độc đối với những tư tưởng xấu xa không cố ý. Chàng nói:

- Tối hôm qua người ta diễn nhạc kịch “Anh thợ cạo thành Seville” của Rossim ở nhà Hý viện Ý. Tôi chưa hề nghe được âm nhạc hay như thế bao giờ. Trời ơi! Có một lô ở Hý viện Ý sướng thật!

Ông già Goriot vịn lấy lời nói ấy như con chó theo cử động của chủ nó.

- Đàn ông các người được người ta chiều chuộng, muốn gì là làm nấy. Bà Vauquer nói.

- Cậu đi về bằng cách gì? Vautrin hỏi.

- Đi bộ. Eugène trả lời.

Anh chàng cám dỗ lại nói:

- Tôi thì tôi không ưng khoái lạc nửa chừng, tôi muốn đi xe, tôi đi đến chỗ vào lô của tôi, rồi đi về cũng đủ tiện ổn! Tất cả hay không chi cả! Phương ngôn của tôi là vậy.

- Phương ngôn đó hay. Bà Vauquer nói.

Eugène nói nhỏ với ông Goriot:

- Có lẽ cụ sẽ lại thăm bà De Nucingen, chắc bà ta sẽ tiếp đón cụ niềm nở, bà muốn cụ cho biết trăm nghìn chi tiết về tôi. Tôi hay được rằng bà ta có thể làm tất cả mọi sự để được tiếp tại nhà bà chị họ tôi, nữ bá tước De Beauséant. Nhờ cụ chớ quên bảo rằng tôi quá yêu bà và sẽ làm bà thoả mãn về điều đó.

Rastignac đi lẹ lại trường Luật, anh ta muốn ở rất ít thì giờ trong cái nhà khả ố này. Anh đi rong gần hết ngày, đầu óc phát sốt lên, cái sốt mà thanh niên có những hy vọng cuồng nhiệt từng trải qua.

Những lý luận của Vautrin làm anh chàng suy nghĩ đến cuộc sống xã hội, lúc anh ta xảy gặp người bạn Bianchon trong vườn Luxembourg.

- Sao bộ anh nghiêm trọng thế? Chàng sinh viên y khoa nói vừa cặp tay anh ta dạo quanh trước Đền.

- Tôi bị những ý tưởng không tốt dày vò.

- Về phương diện nào? Ý tưởng cũng chữa lành được.

- Bằng cách nào?

- Bằng cách để nó áp đảo.

- Anh chưa biết gì đã cười. Anh có đọc Rousseau không?

- Có.

- Anh có nhớ đoạn ông ta hỏi độc giả sẽ làm sao trong trường hợp có thể làm giàu nếu giết một ông quan già ở nước Tàu mà chỉ do ý chí của mình và không rời khỏi Paris không?

- Có.

- Vậy thì sao?

- Này! Tôi đã đến ông quan thứ ba mươi ba rồi.

- Đừng giỡn mà! Này, nếu người ta chứng minh cho rằng việc ấy có thể được, và anh chỉ một cái gật đầu là đủ, anh có làm không?

- Ông quan có già lắm không? Nhưng này, trẻ hay già, què quặt hay lành mạnh, thật tình… quỷ thần ơi, ấy thế thì không!

- Bianchon, anh là một người tốt. Nhưng nếu anh yêu một người đàn bà làm anh cuồng loạn tâm hồn và phải cần tiền cho nàng, nhiều tiền cho nàng trang sức, cho xe cộ nàng, cho tất cả những sở hiếu của nàng…!

- Nhưng anh làm tôi mất cả lý trí mà anh muốn tôi lý luận gì!

- Bianchon ơi! ấy thế là tôi điên rồi, anh chữa khỏi tôi đi. Tôi có hai người chị đẹp đẽ và ngây thơ như thần tiên và tôi muốn cho họ sung sướng. Từ nay đến năm năm lấy đâu ra hai trăm ngàn quan làm của hồi môn cho họ? Anh thấy không, ở đời có những trường hợp phải đánh lớn, và không nên để mòn mỏi hạnh phúc mình bằng cách kiếm từng xu nhỏ.

- Nhưng anh đặt một vấn đề nó nằm ngay ngưỡng cửa đời của tất cả mọi người mà anh muốn chặt cái gút thắt bằng một lát kiếm (34). Anh bạn quý ơi, muốn hành động như thế phải là một Alexardre, nếu không sẽ vào tù. Tôi, tôi sẽ sung sướng với một đời sống nhỏ nhen mà tôi sẽ tạo lập ở tỉnh và tôi sẽ nổi nghiệp cha tôi ở đó một cách khờ dại. Những tình ái của con người được thoả mãn trong một vòng tròn nhỏ hẹp cũng đầy đủ được như trong một chu vi bát ngát. Napoléon không ăn bữa tối hai lần, và không thể có nhiều tình nhân hơn một anh chàng sinh viên trường Thuốc lúc anh ta làm nội trú ở Capucins.

Bạn thân mến ơi, hạnh phúc của ta luôn luôn ở khoảng giữa lòng bàn chân và ót chúng ta; và ví dù nó tốn kém một triệu một năm hay một trăm đồng tiền, thì trí giác thực sự về hạnh phúc ấy trong tâm hồn chúng ta vẫn vậy. Tôi kết luận để người Tàu sống!

- Cám ơn, Bianchon, anh đã làm điều phúc đức cho tôi. Chúng ta sẽ là bạn nhau luôn luôn.

Anh chàng sinh viên Y khoa nói tiếp, lúc ở lớp học ông Cuvier tại Thảo cầm viên ra:

- Này, tôi vừa thấy mụ Michonneau và lão Poiret ngồi nói chuyện trên một tấm ghế dài với một người tôi đã gặp hồi náo loạn năm ngoái gần Hạ nghị viện. Anh chàng này có vẻ là người sở Công an trá hình ra một trưởng giả lương thiện sinh sống nhờ một số niên kim. Ta nên dò xét cặp này: Tôi sẽ nói cho anh biết tại sao. Chào anh, tôi vào hô tên cho kịp lúc xướng danh bốn giờ đã.

Lúc Eugène về nhà trọ, anh la thấy ông Goriot đang đợi anh ta.

- Này, thơ của nó đây nè, chữ viết đẹp nhỉ!

Eugène bóc thơ đọc:

- Thưa ông,

“Ba tôi nói ông thích nhạc Ý. Tôi sẽ hoan hỷ nếu ông vui lòng nhận một ghế ngồi trong lô của tôi thứ bảy đến, sẽ có nữ nghệ sĩ Fodor và Pellegrini, Như thế tôi chắc ông không từ chối. Ông De Nucingen và tôi xin mời ông thật tình đùng cơm tối với chúng tôi. Nếu ông nhận lời, ông sẽ làm nhà tôi rất sung sướng khỏi phải theo tôi làm phận sự người chồng. Xin ông đến cho và khỏi trả lời. Ông vui lòng nhận lời chào mừng của tôi.

“D. DE N.”

- Cho tôi xem nào, ông già bảo Eugène lúc anh ta đọc xong. Ông sẽ đi chứ? Ông ta nói thêm sau khi ngửi tờ giấy. Thơm làm sao ấy! Thế là tay nó đã mân mê tờ giấy rồi đấy!

Chàng sinh viên nói thầm:

- Một người đàn bà không nhào đại vô đàn ông như thế này. Nàng muốn dùng ta để lôi kéo lại anh chàng De Marsay. Chỉ có sự hờn dỗi mới đưa người ta làm những chuyện như vậy.

- Ủa, ông suy nghĩ gì đó. Ông Goriot nói.

Eugène không hiểu lòng hiếu danh cuồng nhiệt của một số phụ nữ lúc bấy giờ, và không biết rằng muốn được tiếp vào một nhà ở xóm Saint Germain, vợ một ông chủ Ngân hàng có thể hy sinh tất cả. Theo thời thượng hồi đó đặt cao hơn tất cả mọi người đàn bà khác những phụ nữ nào được gia nhập vào cái xã hội ở xóm Saint Germain mà người ta gọi là các phu nhân ở Tiểu điện. Trong các vị phu nhân này, đứng hàng đầu là bà De Beauséant, bạn bà ta là nữ Công tước De Langeais, nữ Công tước De Maufrigneuse. Chỉ một mình Rastignac là không hay sự ham muốn mãnh liệt của các bà ở xóm Chaussée d’Antin để được vào cái xã hội thượng lưu ở đấy mà những ngôi sao của phái họ đang rõ ràng chói lọi. Nhưng lòng hồ nghi của chàng đã giúp ích cho chàng, nó đã làm cho chàng có vẻ lạnh nhạt và cái quyền lực đáng buồn là đặt điều thận trong khi đáng lẽ phải nhận điều kiện của người ta.

- Vâng, tôi sẽ đi. Anh ta trả lời.

Như vậy là tính tò mò đã đưa anh ta đến nhà bà De Nucingen trong khi, nếu người thiếu phụ kia không đếm xỉa gì đến anh ta, có lẽ anh ta sẽ đến đó vì tình. Tuy nhiên anh ta không khỏi nóng ruột chờ đợi ngày mai và giờ đi. Đối với một thanh niên, cuộc dan díu đầu tiên có lẽ cũng có nhiều thích thú như mối tình đầu. Sự chắc chắn thành công gây ra nhiều diễm phúc mà đàn ông không thú nhận, nhưng nó lại tăng vẻ quyến rũ của một số đàn bà. Dễ hay khó, chiến thắng vẫn đem lại lòng thèm muốn như nhau. Tất cả mọi mối tình của đàn ông đều do một trong hai nguyên nhân này kích thích hay bảo trì, hai nguyên nhân phân phối tình trường. Nếu người đa cảm cần sự bổ dưỡng của bộ điệu làm duyên đáng, có lẽ những người tính nóng hay sung huyết chuồn ngay nếu chống báng quá kéo dài. Nói cách khác, tình lang phải than vãn quá hoá ra lãnh đạm, cũng như phải khen ngợi quá hoá ra tức giận. Vừa sửa soạn, Eugène hưởng những cái sung sướng nhỏ nhặt mà các thanh niên không dám nói đến vì sợ chế nhạo nhưng nó gợi lòng tự ái của họ. Chàng chải tóc vừa nghĩ rằng mắt người đẹp sẽ lướt qua mấy món tóc quăn đen. Anh chàng làm những bộ điệu trẻ con tựa hồ như một thiếu nữ lúc mặc áo để đi khiêu vũ. Anh ta vừa mở áo lễ vừa ngắm nhìn khoái trá thân hình mảnh mai của mình.

Chắc chắn người ta sẽ thấy những bọn xấu xí hơn mình. Anh ta tự nói.

Rồi anh ta xuống lầu lúc tất cả các khách trọ đều ngồi ăn, và đón nhận vui vẻ những lời la ó khờ khạo do cách ăn mặc đẹp đẽ của anh ta gây nên. Một điểm của tục lệ riêng biệt ở các nhà trọ thường dân là sự sửng sốt kinh ngạc trước một bộ áo quần chải chuốt. Không ai mặc một áo mới mà khỏi mỗi người bình phẩm một tiếng.

Bianchon chặc lưỡi như thể giục ngựa.

- Kt… kt… kt… kt!

Bà Vauquer:

- Phong độ công hầu khanh tướng nhỉ!

Cô Michonneau làm người ta chú ý với câu:

- Ngài đi chinh phục đâu hẳn?

Anh chàng hoạ sĩ gào:

- Cúc cù cu!

Anh nhân viên của Bảo tàng viện nói:

- Có lời chào mừng bà nhà ta nhé!

Poiret hỏi:

- Ông ta có vợ à?

Vautrin reo lên nói liến thoắng một cách khôi hài và với giọng một nhà ảo thuật:

- Một người vợ có nhiều ngăn, đi trên nước, bảo đảm mầu tốt, giá từ hăm là la tới bốn mươi quan, có kẻ ô kiểu mới nhất, giặt được, mặc đẹp, nửa chỉ, nửa vải, nửa len, chữa nhức răng và các bệnh đã do Hàn lâm viện y học Hoàng gia chấp thuận! Rất tốt cho trẻ con, càng tốt hơn cho chứng đau đầu, chứng đầy hơi và các bệnh khác ở thực quản, các chứng đau mắt và đau tai! Các ngài sẽ hỏi: “Những món huyền diệu ấy giá bao nhiêu vậy? Hai xu? Không, không gì cả. Đây là vật thặng dư của những hàng hoá cung cấp cho Hoàng đế Mông Cổ, mà tất cả các vua Âu Châu đều muốn chiêm ngưỡng, kể cả thái công xứ Bade! Cứ vào thẳng trước mặt và vào văn phòng nhỏ. Ê, cử nhạc lên! Bùm, la la xèng! La la, bùm bùm! Anh kèn ơi, anh thổi sai rồi. Vautrin nói tiếp với giọng khàn, tôi sẽ khẻ tay anh ấy.

- Trời ơi! Ông ấy vui quá! Bà Vauquer nói với bà Couture, tôi không lúc nào chán với con người ấy cả.

Giữa những tiếng cười và tiếng đùa cợt mà những lời nói một cách khôi hài kia là dấu hiệu khai mào, Eugène có thể bất chợt cái nhìn lén của cô Taillefer, cô nghiêng mình vào bà Couture, nói vào tai bà ta mấy tiếng.

- Xe kia rồi ạ. Mụ Sylvie nói.

- Người ta dùng bữa tối ở đâu thế? Bianchon hỏi.

- Ở nhà nữ Nam tước De Nucingen.

- Con gái ông Goriot. Anh sinh viên trả lời.

Nghe tên ấy, mắt mọi người đều nhìn về phía người buôn bún xưa, ông này lại đang ngắm nhìn Eugène một cách thèm thuồng.

Rastignac đến đường Saint Lazare, trong một ngôi nhà nhẹ nhàng có những cột thong mảnh, trụ lang nhỏ nhắn…, những cái tạo ra vẻ cái xinh xắn ở Paris.

Đúng là một ngôi nhà của chủ ngân hàng đầy kiểu sức tốn kém, với những cẩm thạch giả, những bậc đầu thang bằng cẩm thạch màu. Anh ta gặp bà De Nucingen trong một phòng khách nhỏ có những bức tranh Ý, trang hoàng như những quán cà-phê.

Nam tước phu nhân buồn. Những cố gắng của nàng để che đậy nỗi buồn làm Eugène càng chú ý nhiều thêm vì không có vẻ gì là đóng kịch cả. Anh ta tuyệt vọng. Sự chán nản này chạm lòng tự ái chàng. Sau khi bông đùa về sự bận tâm của nàng, anh ta nói:

- Tôi ít có quyền được phu nhân tin cậy. Nhưng nếu tôi làm rộn tôi cũng tin là lòng thành thật của phu nhân để cho tôi biết thật tình.

- Ông ở lại đi, nếu ông bỏ đi tôi sẽ cô quạnh, Ông De Nucingen đi ăn cơm ngoài, mà tôi không muốn cô quạnh, tôi cần được khuây khoả.

- Nhưng bà sao thế?

- Ông là người cuối cùng được tôi nói đến chuyện bí mật của tôi.

- Tôi muốn được biết. Như thế này, có lẽ trong điều bí ẩn này, tôi có phần trách nhiệm gì chăng?

- Có lẽ! Nhưng không đâu, đây là những việc gây gổ trong gia đình phải chôn tận đáy lòng. Tôi đã chẳng nói ông hôm kia là gì? Tôi không có hạnh phúc. Nhưng dây xích vàng là dây xích nặng nhất.

Lúc người đàn bà nói với một chàng trai trẻ là nàng khổ sở, nếu chàng trai trẻ kia là người trí xảo, ăn mặc đẹp, nếu anh ta có một ngàn năm trăm quan rổn rang trong túi, anh ta sẽ suy nghĩ những lời Eugène tự nhủ lúc đó, và trở thành hợm mình.

- Bà có thể ước vọng gì hơn nữa? Bà đẹp, trẻ, được yêu đương, giàu có.

- Đừng nghĩ về tôi nữa. Nàng nói vừa lắc đầu với điệu bộ ghê gớm. Chúng ta sẽ ăn cơm với nhau, mặt đối mặt, ta sẽ đi nghe nhạc hết sức du dương. Ông có thích cách ăn mặc của tôi không? Nàng nói tiếp vừa đứng dậy chỉ cái áo dài bằng hàng Cachemire của nàng có hoa vẽ sơn lõi Ba Tư hết sức mỹ diệu.

- Tôi mong bà thuộc về tôi hoàn toàn. Bà thật diễm lệ.

Nàng mỉm cười chua chát:

- Ông sẽ có một của sở hữu đáng buồn. Ở đây chẳng có gì làm ông thấy sự khốn khổ, tuy nhiên trái với những vè ngoài ấy. Tôi hiện đã tuyệt vọng. Nỗi buồn phiền làm tôi mất ngỏ, tôi sẽ xấu xí

- Ô! không thể được. Nhưng tôi rất tò mò muốn biết những thống khổ mà một mối tình tận tuỵ không xoá nhoà được.

- À! Nếu tôi tâm sự với ông, ông sẽ trốn tôi mất. Ông chỉ mới yêu tôi do cái lối chiều chuộng đàn bà của các ông; nhưng nếu ông yêu tôi nhiều, ông sẽ rơi vào mối tuyệt vọng ghê gớm. Ông thấy tôi phải lặng im. Thôi xin ông - nàng tiếp - ta nói chuyện khác vậy. Ông hẳn đi xem nhà tôi đi.

- Không, ta ở lại đây thôi. Eugène trả lời vừa lại ngồi trên một ghế gần bàn De Nucingen trước lò sưởi, và nắm chặt tay bà ta.

Nàng để tay anh ta nắm và lại đè mạnh lên tay chàng thanh niên do một cử động của một sức mạnh tập trung biểu lộ một cảm xúc mãnh liệt. Rastignac nói:

- Xin bà nghe tôi, nếu bà có điều buồn phiền, hãy cho tôi biết. Tôi muốn chứng tỏ rằng tôi yêu bà chỉ vì bà. Hoặc bà nói cho tôi nghe những nỗi đau khổ của bà để tôi có thể phá tan nó đi, dầu có phải giết sáu người chăng nữa, hoặc tôi sẽ ra khỏi nhà bà để không trở lại đây nữa.

Nàng kêu lên vừa vỗ trán với một ý tưởng thất vọng:

- Ồ! Nếu vậy; tôi sẽ thử thách ông ngay giờ đây. Vâng Nàng tự nói, chỉ còn cách ấy nữa thôi!

Nàng bấm chuông gọi.

- Xe ông đã thắng thưa? Nàng hỏi người bồi phòng.

- Thưa phu nhân, rồi ạ.

- Ta lấy xe này. Anh sẽ đưa xe và ngựa tôi cho ông vậy. Anh chỉ dọn ăn lúc 7 giờ thôi.

- Chúng ta đi đi. Nàng bảo Eugène. Anh chàng tưởng chừng đang mơ lúc được ngồi trong xe ông De Nucingen. bên thiếu phụ.

Nàng bảo tên đánh xe:

- Lại Hoàng cung, gần Hý viện Pháp.

Dọc đường, nàng ra vẻ rối loạn, và không trả lời những câu hỏi dồn của Eugène. Chàng không hiểu tại sao có sự kháng cự thầm lặng, dai dẳng, đần độn ấy. Anh ta tự bảo thầm:

- Nàng thoát khỏi ta một lúc rồi!

Lúc xe ngừng, nữ Nam tước nhìn chàng sinh viên với cái nhìn làm anh phải lặng im những lời điên cuồng vì anh ta đã nổi nóng.

- Ông yêu tôi nhiều không?

- Yêu nhiều. Anh ta trả lời vừa giấu nỗi lo âu đang tràn đến.

- Dầu tôi nhờ ông việc gì, ông cũng không nghĩ xấu về tôi chớ?

- Không

- Ông sẵn sàng nghe lời tôi không?

- Một cách mù quáng.

- Ông có lúc nào đi đánh bạc không? Nàng hỏi với giọng run run.

- Không đời nào.

- À tôi thở được rồi. Ông sẽ gặp may. Ví tiền tôi đây, ông cầm lấy. Có một trăm quan trong ấy, đó là tất cả vốn liếng của người đàn bà đầy hạnh phúc này. Ông lại một nhà đánh bạc, tôi không biết nó đích ở đâu nhưng tôi biết nó ở tại đường Hoàng cung. Ông liều đánh trăm quan này ở chỗ người là đánh con quay và con thua hết đi, hoặc đem trở về cho tôi sáu ngàn quan. Tôi sẽ nói nỗi buồn phiền của tôi cho ông nghe lúc trở về.

- Quỷ thần bắt tôi đi nếu tôi hiểu chuyện tôi sẽ làm đây, nhưng tôi tuân lời bà. Anh ta nói vui vẻ vì nghĩ rằng: “Nàng thương tổn danh dự với ta, nàng sẽ không từ chối gì với ta nữa”.

Eugène lấy cái ví tiền xinh xắn, chạy lại nhà số 9, sau khi nhờ anh bán quần áo chỉ cho biết nhà đánh bạc nào gần nhất. Anh ta trèo lên đưa mũ cho người ta cất rồi và hỏi chỗ đánh con quay. Trước sự ngạc nhiên của các khách bạc quen thuộc, người giữ phòng cờ bạc, dẫn anh ta lại một cái bàn dài. Eugène, mà tất cả mọi người đều nhìn theo. Eugène trơ tráo hỏi đặt tiền ở đâu.

- Nếu ông đặt một đồng Louis trên một trong ba mươi sáu con số và nếu số ông ra, ông sẽ được ba mươi sáu đồng. - Một ông già tóc bạc đáng kính trọng bảo ông ta.

Eugène ném đồng trăm quan trên con số của tuổi anh ta số hai mươi mốt. Một tiếng lạ ngạc nhiên vang lên trước khi anh ta định thần. Anh đã ăn mà không hay.

- Lấy tiền ông về đi, trong cuộc chơi này không ăn được hai lần đâu, ông già nói với anh ta,

- Lấy cái cào ông già đưa cho, Eugène khều lấy ba nghìn sáu trăm quan, vì vẫn không hiểu gì về cách chơi, anh ta đặt lên con số đó. Người chung quanh nhìn anh ta một cách thèm thuồng lúc thấy anh ta tiếp tục đánh. Bánh xe quay, anh ta lại trúng nữa, và tay cái lại ném cho anh ta ba ngàn sáu trăm quan nữa.

- Ông có bảy ngàn hai trăm quan. Ông già nói nhỏ bên tai anh ta. Nếu ông tin tôi, ông đi đi, con số đó đã ra tám lần rồi. Nếu ông từ tâm ông sẽ công nhận lời khuyên hay ấy và giúp đỡ một cựu quận trưởng của Napoléon, đang túng thiếu hết sức.

Rastignac, choáng váng, để ông già tóc bạc lấy hết hai trăm quan, và đi xuống với bảy ngàn quan, vẫn không hiểu cách đánh, nhưng sững sờ vì sung sướng.

Lúc cửa xe đóng lại, anh chàng đưa bảy ngàn quan cho bà De Nucingen và nói:

- À ha! bây giờ bà đưa tôi đi đâu nào?

Delphine ôm choàng lấy anh ta như điên và hôn anh ta mãnh liệt nhưng không chút nồng nàn.

- Ông cứu tôi rồi.

Những giọt nước mắt sung sướng tràn xuống má nàng.

- Ông bạn ơi, tôi sẽ nói hết với ông. Ông sẽ là bạn tôi phải không? Ông thấy tôi giầu có phong thịnh, tôi không thiếu gì hoặc có vẻ như không thiếu gì! Ấy vậy, ông nên biết rằng ông De Nucingen không để cho tôi một đồng xu: ông ta trả hết trong nhà, xe cộ, lô xem hát của tôi, về đồ trang sức của tôi ông ta chỉ cấp một số tiền vô nghĩa, ông ta tính toán đưa tôi đến chỗ nghèo khổ âm thầm. Tôi quá kiêu hãnh để phải cầu xin ông ta. Nếu tôi mua tiền ông ta theo giá ông ta muốn bán cho tôi, phải chăng tôi là người đàn bà đốn mạt nhất! Vì cách nào mà giàu đến bảy trăm ngàn quan, tôi lại để bóc lột hết? Vì tự đắc, vì phẫn uất.

Chúng tôi quá nhỏ, quá ngây thơ lúc bắt đầu cuộc đời vợ chồng. Mở lời để hỏi tiền chồng làm tôi như bị rách miệng; tôi chẳng lúc nào dám làm, và ăn hết cả tiền dành dụm của tôi cùng tiền của cha tôi cho; rồi tôi đổ nợ. Cuộc hôn nhân đối với tôi là một thất vọng ghê gớm nhất, tôi không thể nói với ông được: ông chỉ nên biết rằng tôi sẽ nhảy qua cửa sổ nếu phải sống chung với ông De Nucingen bằng cách khác hơn là mỗi người riêng mỗi phòng. Lúc phải cho ông ta hay về công nợ của tôi, về đồ nữ trang cần dùng, những cái sở hữu nhất thời (ông thân khốn khổ của chúng tôi đã tập quen cho chúng tôi không lúc nào từ chối bọn tôi một chút gì) tôi đã chịu khổ nhục quá rồi: nhưng sau cùng tôi đã can đảm để nói ra. Tôi chẳng có sản nghiệp riêng của tôi là gì? Ông ta nổi cáu, ông bảo tôi sẽ làm phá sản ông ta, những điều ghê tởm Tôi đã muốn chôn sâu dưới đất. Vì đã lấy của hồi môn của tôi, ông ta đã trả nợ, nhưng ước định từ đó một số tiền về chi phí riêng của tôi và tôi phải cam chịu để được yên ổn. Từ đó, tôi đã ứng đáp lại lòng tự ái của một người mà ông biết. Nếu anh này lừa dối tôi, tôi cũng là người không tốt nếu không công nhận công bằng tính tình cao thượng của anh ta. Nhưng anh ta sau cùng cũng bỏ tôi một cách tàn tệ!

Người ta không được bỏ rơi một thiếu phụ sau khi đã ném cho họ một đống vàng trong một ngày cùng khốn. Người ta phải yêu họ luôn luôn! Ông là một tâm hồn cao đẹp mới hai mươi mốt tuổi, ông là một thanh niên thanh khiết, ông sẽ hỏi tôi làm sao một thiếu phụ có thể nhận vàng của một người đàn ông? Trời ơi! Chia xẻ tất cả với người gây hạnh phúc cho ta không tự nhiên sao. Khi người ta đã hiến hết tất cả cho nhau, ai còn có thể quan tâm đến một mảnh con của cái “tất cả” ấy? Tiền bạc chỉ quan trọng lúc nào tình nghĩa không có. Người ta không liên kết cả đời sao? Ai đã tưởng được yêu nhiều đâu còn dự đoán đến cuộc phân ly? Các người thề thốt với chúng tôi một mối tình bất diệt làm sao còn có quyền lợi riêng rẽ? Ông không biết hôm nay tôi đã đau đớn bao nhiêu lúc De Nucingen quyết không đưa cho tôi sáu ngàn quan lúc ông ta mỗi tháng đều đưa số ấy cho tình nhân ông ta, một ả ở rạp Ca nhạc viện? Tôi đã muốn tự tử! Những ý tưởng cuồng loạn đã thoáng qua đầu óc tôi. Có lúc tôi thèm thuồng thân phận của một đứa ở, của mụ bồi phòng của tôi. Đi tìm cha tôi sao, điên rồi! Anastasie và tôi đã cắt cổ ông già: Ông cha khốn khổ của tôi sẽ bán mình nếu thân ông có thể lấy được sáu ngàn quan.

Tôi có thể đã làm thất vọng ông vô ích. Ông đã cứu tôi khỏi ô nhục, khỏi chết; tôi đã đau đớn phát cuồng lên. Ô, tôi phải giải thích ông lời này; tôi đã làm điều phi lý với ông. Lúc ông ra đi và tôi không còn thấy bóng ông nữa tôi đã muốn chạy bộ đi trốn… ở đâu, nào tôi có biết. Đó là cuộc đời của một nửa số phụ nữ ở Paris: một bề ngoài xa hoa, những lo âu cay độc trong tâm hồn. Tôi biết có kẻ còn khốn đốn hơn tôi nữa. Thế mà có bà buộc phải nhờ nhà hàng làm những hoá đơn giả. Những bà khác phải trộm chồng: có những ông chồng tưởng những tấm hàng một ngàn quan chỉ bán có năm trăm quan, những ông khác tưởng một mảnh hàng năm trăm quan lại bán một ngàn quan có những phụ nữ bắt con nhịn ăn và bòn mót để có những cái áo.

Tôi thì tôi không có những phỉnh gạt khả ố. Đây, còn mối lo sợ cuối cùng của tôi nữa. Nếu có vài thiếu phụ bán thân cho chồng để chỉ huy họ, thì tôi đấy, ít ra tôi cũng tự do về khoản đó! Tôi có thể để cho Nucingen bọc vàng đầy người tôi, nhưng tôi thích dựa đầu vào lòng một người đàn ông mà tôi kính mến mà khóc còn hơn. Ờ, tối nay thì anh De Marsay sẽ không có quyền xem tôi như một người đàn bà anh ta đã mua được.

Nàng úp mặt vào hai tay, để Eugène không thấy nàng khóc, nhưng chàng đã gỡ mặt nàng ra để ngắm: Lúc ấy nàng có vẻ cao siêu trác việt. Nàng nói:

- Đem tiền bạc trộn lẫn vào tình cảm, ghê tởm quá phải chăng? Ông không thể yêu tôi đâu.

Sự hỗn hợp giữa những tình cảm tốt đẹp nó làm cho phụ nữ rất cao quý và những lỗi lầm mà chế độ hiện tại của xã hội đã buộc họ phải ngộ phạm làm Eugène bối rối xúc động. Chàng vừa ngắm nhìn người đẹp vừa nói những lời êm ái an ủi. Người đẹp đã ngây thơ và hớ hênh làm sao trong tiếng kêu la đau đớn! Nàng nói:

- Ông sẽ không lấy những điều này làm khí giới đánh trả tôi chớ? Ông hứa với tôi đi.

- Ồ, thưa phu nhân, tôi không thể làm như thế đâu.

Nàng bắt tay chàng đặt lên trên tim nàng, trong một cử chỉ đáng yêu và đầy lòng tri ân.

- Nhờ ông, nay tôi đã trở lại là người vui vẻ và không bị ràng buộc. Tôi sống bị một bàn tay sắt đè ép. Bây giờ tôi chỉ muốn sống giản dị, không tiêu pha gì hết. Ông bạn ơi, ông sẽ xem tôi như vậy cũng hay phải không. Ông giữ lấy cái này, nàng nói và chỉ giữ lại sáu ngàn quan. Trong lương tâm, tôi nợ ông ba ngàn quan, vì tôi tự xem như chung phần nửa với ông.

Eugène chống trả như một cô gái đồng trinh. Nhưng bà nam tước bảo anh ta: “Nếu ông không đồng loã với tôi, tôi sẽ xem ông là kẻ thù của tôi”. Chàng nhận tiền, và nói:

- Đây là số tiền để dành, phòng lúc khốn đốn.

Nàng vội la lên mặt tái lại:

- Đó là tiếng mà tôi ghê sợ. Nếu ông muốn tôi có chút liên quan gì với ông thì xin thề với tôi là ông sẽ không lúc nào trở lại chỗ cờ bạc nữa. Trời…ơi! Tôi làm hư hỏng ông sao! Tôi sẽ đau đớn mà chết vì điều ấy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx