Hội những người rửa bát..và biết chế tác niềm vui
Bụt nói, hầu như tất cả chúng ta đều có tâm phân biệt, chấp vào “danh từ” Có hoặc Không và thường tâm lăng xăng miên man, không ở yên trong hiện tại, nên hạnh phúc vắng mặt. Ví dụ, lúc rửa bát thì có ý “rửa thật nhanh” để “giặt quần áo”, lúc giặt quần áo” thì lại nghĩ sẽ xem bộ phim “Cô dâu tám tuổi” …lúc tay khóa cửa đi ngủ lại nghĩ việc khác, rồi lúc lên gác lại nghĩ mình khóa cửa chưa?
Dường như có một sự mâu thuẫn trong tâm. Ai cũng đều mong muốn mình có hạnh phúc nhưng tâm thì lại không chịu ở trong hiện tại. Nếu tâm lăng xăng ví như một con cóc, bắt bỏ vào đĩa, thì con cóc ấy chẳng bao giờ chịu ngồi yên, luôn tìm cách nhảy ra khỏi đĩa. Sư Ông Nhất Hạnh nói trong tâm ta cũng có Phật tính mà cũng có Cóc tính. Nên nói Phật tại tâm là chưa đủ.Theo cách nhìn của Bụt thì mình phải cần tập luyện, tạo thói quen đưa tâm miên man ấy về yên với hiện tại, tiếp xúc sâu với hiện tại là mình sẽ có rất nhiều hạnh phúc, ngay trong giây phút này “thở vào…thở ra”. Đó là thức tỉnh “wake-up”. Suốt 20 năm, 30 năm, 40 năm qua chúng ta đã sống như vậy. Nếu chúng ta không thực sự chú tâm vào việc này, thì hạnh phúc mãi mãi chỉ là một chiếc bóng tiếp nối 20 năm nữa, 30 năm nữa…
Có lẽ không ai trong chúng ta là không rửa bát, nếu mình thực tập, rửa bát cũng là một cơ hội chế tác rất nhiều sự hạnh phúc. Sáng nay, bài thơ “Rửa bát” đã được phổ nhạc và hy vọng ca khúc vụng về này sẽ được upload lên youtube, chia sẻ không khí tươi vui tới những người sẽ rửa bát …và biết chế tác niềm vui cho phút giây hiện tại.
Điều này đã được Bụt nhắc đến rất nhiều trong kinh điển, gần gũi nhất là “Nhất dạ hiền giả” Kinh người biết sống một mình. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới, hãy quán chiếu sự sống trong giờ phút hiện tại. Hiện tại có hạnh phúc, thì tương lai cũng có hạnh phúc. Tu tập nếu biết cách, thực sự có rất nhiều thi vị, nó không viển vông, có rất nhiều niềm vui, và nó cũng rất gần gũi với cuộc sống. Chỉ có điều chúng ta tạm “dừng tâm miên man” để nhận ra hay không? Nếu bạn phủ nhận nó, điều đó đồng nghĩa với việc “khổ đau hay cảm thọ trơ“ đang có mặt trong bạn.
@by txiuqw4