sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thanh Tẩy

Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài xã hội chắc chắn không ai nghĩ đó là một nữ tù nhân.

Không gian mà câu chuyện này nhắc đến khá rộng lớn và đặc biệt. Mặc dù “không gian” là một cái gì đó không cần quá cụ thể trong truyện ngắn, nhưng ở đây người viết vẫn nhấn mạnh rằng, bạn đọc đang được giới thiệu về một không gian có tường rào bao quanh và không dễ được nhìn thấy, được vào ra, được thăm thú hay tìm hiểu, nếu tính tỉ lệ dân số thì cứ một nghìn ba trăm người mới có một người được (hay phải) vào đây.

Nếu chẳng may một ai đó từ trên trời rơi xuống khoảng không gian này, thì cảm nhận đầu tiên là đang lạc vào một thôn xóm trung du chứ không phải là một nông trường, hay một đại công trường khai khoáng nào đó.

Trước hết là núi. Núi kề vai sát cánh chạy dài, bao bọc cả một khoảng chân trời phía Tây. Núi ở đây cơ bản là đá hoặc lõi đá, không dùng vào việc trồng cây gây rừng hay chăn thả gia súc gia cầm gì được. Người ta đã bắt tay vào khai thác đá ở đây bốn mươi năm rồi, và nếu cứ khai thác với tốc độ như thế này thì những con người nhỏ bé kia phải mất bốn trăm năm nữa mới có thể làm cho không gian này trở nên phẳng lỳ, hoàn toàn không còn núi đồi gì nữa.

Dưới chân núi là ruộng. Ruộng được chia thành nhiều khoảnh, to nhỏ, xiên xẹo, dàn trải. Trên những khoảnh ruộng đó người ta trồng một năm hai vụ lúa. Bên cạnh những thửa ruộng là một con mương nhỏ dùng để tưới tiêu. Con mương này dẫn nước từ trên núi xuống, sau khi đi một vòng loanh quanh bên chân các thửa ruộng thì chảy ra một cái hồ nằm ở phía Bắc, gọi là hồ Thanh Tẩy. Tại sao lại là Thanh Tẩy? Theo một vài người nói lại, thì, nó được dùng để tẩy trần những thể xác dơ bẩn và thanh lọc những tâm hồn tội lỗi nên được gọi bằng cái tên ấy.

Xen kẽ giữa các khoảng ruộng là những dải đất cao dùng để trồng màu. Ngô, khoai, sắn, mía, dưa, bí, bầu… mùa nào thức ấy, xanh mướt, non tơ hoặc lúc lỉu, bộn bề quả, hạt.

Hết phần ruộng và đất trồng màu là đến khu nhà ở. Có năm khu tất cả. Khu hành chính tọa lạc trên quả đồi cao nhất, cây cối xanh um, rất nhiều voi chầu hổ phục, rồng leo báo nhảy, công xòe phượng múa, ngựa phi chim lượn cùng non bộ và các thế bonsai rải kín từ cổng chính vào tới tiền sảnh, vòng qua sân sau ra tới tận cổng hậu. Sự kỳ thú này được tạo lên bởi chất liệu đá và gỗ, do những bàn tay khéo léo nhất trong số gần một vạn con người làm ra. Gần một vạn con người đó sống trong bốn khu nhà còn lại dưới chân đồi. Bốn khu nhà này cơ bản giống nhau, được đánh số từ A đến D, có cổng riêng, bất cứ ai ra vào đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Mỗi khu có sức chứa trên dưới ba ngàn người. Khu A và khu B toàn nam giới. Khu C dành riêng cho nữ. Khu D đặc biệt hơn một chút, nói theo ngôn ngữ ở đây là “dành chứa đám tiểu yêu”, tức là những cậu bé từ mười bốn tuổi trở lên nhưng dưới mười tám tuổi. Nếu hàng sáng, những đoàn người từ ba khu nhà kia lần lượt làm thủ tục “xuất trại” để ra ngoài đi làm, thì đám tiểu yêu ở khu nhà D chỉ làm việc trong bốn bức tường của khu nhà đó thôi. Thỉnh thoảng, người ta “nhặt” vài ba đứa đi làm việc này, việc khác, nhưng theo quy định chung thì chúng chưa phải ra ngoài lao động như người lớn.

Tất nhiên, ngoài năm khu nhà chính trên đây, còn có những “công trình” phục vụ cộng đồng như trạm xá, nhà trẻ, trạm bơm, máy phát điện hay những dãy nhà lẻ tẻ, ngang dọc, lô nhô, lúp xúp dành cho những người có chức trách ăn ở, sinh hoạt, học tập và công tác.

Đến đây thì bạn đọc đã lờ mờ đoán ra không gian mà câu chuyện này đề cập.

Vâng, đó là một trại giam.

Tên trại được gọi theo tên hồ nước dưới chân núi: Trại giam Thanh Tẩy. Nhưng người viết vẫn phải tiếp tục làm phiền bạn đọc, tức là vẫn phải tiếp tục kể về một điểm nhấn của cái không gian đặc biệt này. Điểm nhấn đó không nằm trong những khu nhà kể trên mà nằm ở trong dãy núi phía Tây, ngay sát con đường rải đá cấp phối, theo hướng đi về phía hồ Thanh Tẩy.

Điểm nhấn ấy là một ngôi đền.

Đền nằm tựa vào vách núi, phải leo hai quãng bậc đá mới lên tới điện thờ chính. Giữa hai quãng bậc đá có chỗ nghỉ chân khá rộng rãi, được đặt một số bàn ghế cho khách ngồi chơi, ngắm cảnh. Tại chỗ nghỉ chân này, dưới gốc đại già có một tấm bia đá, khắc chữ màu vàng, nội dung như sau: Vào năm 1419, Lê Lợi cùng một số thuộc hạ của ông bị quân Minh vây bắt, truy đuổi vào tận vùng núi đá này. Giữa lúc tưởng như rơi vào tay kẻ thù thì có một người dân làm nghề đẽo đá đã chỉ chỗ ẩn nấp cho Lê Lợi và những người đi theo Ngài. Khi quân Minh đuổi đến, chúng đã bắt người làm đá này, hành hạ đánh đập suốt ngày suốt đêm để ông phải khai ra thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn lẩn trốn ở đâu. Không chịu được đòn thù, người đẽo đá đã chấp nhận dẫn quân Minh vào hang bắt Lê Lợi. Ông dẫn quân Minh vào sâu trong một ngách núi, nơi ông biết rõ có một bãi đá ở lưng chừng núi sẽ đổ sập xuống nếu có một chấn động nhỏ. Đến đây ông đã bất ngờ giật dây leo cho đá lăn xuống, đè chết cả nhóm quân Minh. Bản thân người đẽo đá cũng bị đá đè chết, xác ông nằm lẫn với xác giặc Minh. Nhờ vậy mà Lê Lợi thoát được. Sau này khi cuộc khởi nghĩa thành công, Lê Lợi lên làm vua, nhớ đến người đẽo đá trong núi sâu đã bỏ xác vì mình, Đức vua đã cho xây tại đây một ngôi miếu thờ. Người dân quanh vùng coi ông như một vị thần. Vì không ai biết tên ông nên mọi người gọi ông là Thần Đá Rơi. Sau nhiều thay đổi, bây giờ tại chân miếu cổ ngày xưa được dựng lên một ngôi đền thờ Thần Đá Rơi. Ngôi đền này, không ngoài mục đích gì khác, là dành cho các gia đình cán bộ chiến sĩ công nhân viên và các anh chị em phạm nhân trong khu vực trại giam Thanh Tẩy đến thắp hương tưởng niệm tri ân vị thần có công với nước.

Người viết những dòng chữ trên đây là một phụ nữ. Thông thường thì người ta có thể gọi người phụ nữ này là “con mụ”, “thị”, “kẻ giết người”, “đồ sát nhân”, “phạm nguy hiểm”, “nữ tù”, vân vân, nhưng người viết truyện này xin được gọi là “chị”. Chị tên Yến, phạm tội giết người, tù chung thân, được giảm án hai lần, đã thụ án hai mươi tư năm, đang tiếp tục hy vọng vào đợt đặc xá tới sẽ xét giảm án lần thứ ba, và có thể sẽ được ra tù trước khi chị bước sang tuổi bốn mươi sáu. Chị được Ban giám thị cho ra đây trông ngôi đền này đã tám năm. Trước đây ngôi đền chỉ là một bức tường đá sót lại của gian miếu thờ Thần Đá Rơi. Hoang tàn là vậy nhưng người ta vẫn thấy có những chân hương cắm la liệt quanh bức tường. Mặc dù những đoàn tù nhân hàng ngày đi lao động qua đây chỉ “trên răng dưới các tút” nhưng quanh năm suốt tháng, ngày rằm mùng một người ta vẫn thấy có đầy đủ xôi gà oản chuối được đặt dưới bức tường miếu hoang. Nhận thấy tâm linh là một nhu cầu không thể thiếu của con người, nhất là những người đang trên hành trình sám hối, vị giám thị mới đã quyết định cho xây dựng lại ngôi đền, và khi tìm thủ đền, chị Yến đã được chọn trong số hơn hai nghìn phạm nhân nữ đang thụ án. Tại sao lại chọn chị Yến? Có thể có nhiều lý do, vì chị ta chấp hành nội quy trại giam tốt chẳng hạn, vì thời hạn cải tạo của chị sắp hết chẳng hạn, vì chị ta có căn số hợp với nhà đền chẳng hạn, vì chị ta có chút chữ nghĩa chẳng hạn. Thôi thì cũng không nên tìm hiểu cái lý do nào khiến chị Yến trở thành thủ đền, cứ đọc “văn bia” mà chị ta viết thì thấy câu chữ cũng gãy gọn, nếu muốn tò mò một chút sẽ được biết thêm, chị Yến từng là một giáo sinh.

Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài xã hội chắc chắn không ai nghĩ đó là một nữ tù nhân. Chị có khuôn mặt tròn, da dẻ còn căng mịn. Tóc chị thường búi thành lọn ra sau gáy, chưa có sợi bạc nào. Cánh mũi thẳng, tạo cho khuôn mặt sự thanh tú và dễ gần. Đôi môi hồng hào, khi cười khoe ra hàm răng trắng. Dáng dấp thoáng, gọn, nhanh nhẹn. Ám ảnh nhất từ chị có lẽ là ánh mắt đen, hơi buồn, ẩn giấu nhiều tâm trạng. Có cảm giác chị cố làm cho vẻ bề ngoài của mình già hơn so với cái nội tâm vẫn còn căng tràn nhựa sống. Nhìn chung, mỗi người ghé thăm đền sẽ có một cảm nhận riêng về chị, còn vợ của ngài giám thị, cũng là một nhà giáo, thì nhận xét ra miệng thế này: Cô Yến có nét gì đó đảm đang, nhu mì, tháo vát, khôn khéo, biết người biết ta, biết thân biết phận, thủ đền là rất hợp.

Năm đó vợ ngài giám thị lên chơi với chồng cả tháng. Nếu không có người thủ đền chuyện trò giải khuây thì phu nhân giám thị buồn đến phát ốm. Nhưng không phải ngay lập tức chị Yến đã gây được thiện cảm nơi bà giám thị. Sau buổi nói chuyện đầu tiên với chị, vợ ngài giám thị đã về lục hồ sơ lưu ra đọc. Bản cáo trạng xỉn mầu, chữ bay gần hết nhảy nhót mờ nhòe trước mắt bà. Bà buông kính, nhìn ra ngoài hòn non bộ, bâng khuâng không hiểu nổi tại sao người phụ nữ hơn bốn mươi tuổi mà bà vừa gặp lại có thể là kẻ giết người. Mà khi giết người Yến còn rất trẻ. Hai mươi mốt tuổi. Lại vừa học xong cao đẳng sư phạm. Lại là cán bộ đoàn. Lại học lực khá. Thế mà cầm dao đâm thẳng vào cổ người yêu là một thầy giáo dạy văn trong trường. Kỳ lạ thật. Khi ấy cái cô Yến là cô Yến nào chứ chẳng lẽ lại là cái cô thủ đền mà bà vừa gặp?

Vài tuần sau, khi đã thân quen và thực lòng yêu quý người thủ đền, bà giám thị hỏi thẳng Yến:

- Tại sao không kiềm chế được mà lại cầm dao đâm người ta thế?

Yến lắc đầu, cười buồn:

- Em cũng chả biết tại sao bà ạ.

Bà lại hỏi:

- Có yêu nó nhiều không?

Yến rưng rưng:

- Hôm đó em lên hội trường nhận bằng tốt nghiệp. Rồi về phòng tổ chức cán bộ nhận quyết định điều về trường chuyên của tỉnh. Nhận xong, em vội về phòng anh ấy ở dãy nhà tập thể giáo viên, định khoe với anh ấy hai niềm vui cùng lúc mà em vừa nhận được. Nhưng anh ấy lại đang ôm ấp một con bé sinh viên học khóa sau. Em biết con bé này, mấy lần vẫn va chạm với nó nhưng em không thể tin là nó lại có thể giành được anh ấy từ tay em. Em bỏ về. Nhưng tối hôm ấy em quyết định đến giết anh ấy. Khi quyết định vậy, em chả nghĩ gì khác, chỉ nghĩ là giết anh ấy rồi tự giết mình. Thế là xong. Nhưng thấy máu ra thì em sợ quá. Em không dám chết...

Vợ ngài giám thị ôm lấy vai Yến:

- Dại quá! Chết đâu dễ. Sống mới khó chứ. Thế có bao giờ mơ thấy nó về nó trách gì không?

Yến gật đầu:

- Từ ngày ra coi đền, em hay gặp anh ấy. Cứ đêm nào em gặp anh ấy là hôm sau trên núi có đá rơi.

- Đá rơi?

- Vâng, có đá rơi là có người chết.

- Ai chết? Những phạm nhân làm đá à?

- Vâng, có người chết là em lại tắm rửa cho họ. Dùng nước hồ Thanh Tẩy để tẩy trần, rồi nhập quan và đưa ra nghĩa địa chôn. Về đền, em lại cúng khấn cho họ nữa.

- Cúng đến bao giờ?

- Thường thì hết giỗ đầu bà ạ. Em chỉ cúng cho những người nằm lại đây, còn ai được người nhà đón về thì thôi. Vong họ theo về với gia đình của họ rồi.

- Có nhiều người chết không?

- Nhiều bà ạ. Cũng như ngoài xã hội thôi, nhiều kiểu chết lắm. Chết vì già, vì ốm, vì tai nạn, vì tự tử, vì đánh nhau... Trước đây thì làm đơn giản, nhưng từ ngày có đền, ai cũng muốn thủ đến cắm cho họ nén hương, tụng cho họ bài kinh, gõ cho họ mấy tiếng chuông. Có người đi làm qua đây, còn bảo em: Chị ơi, em án chung thân, chắc chết trong này thôi, nếu em chết chị cúng cho em nhé, nhà em chả còn ai, em nhờ chị, chị nhớ nhá, chị mà quên là em về em oán chị đấy.

- Thế cũng sợ nhỉ!

- Vâng. Hồi đầu mới ra đây ở em sợ lắm. Em cũng đâu quen việc cúng bái. Nhưng mà như có người về mách bảo đấy bà ạ. Rồi em cứ tự làm được mọi việc...

Không muốn câu chuyện nhuốm màu tang thương, bà giám thị quay sang gợi chuyện khác:

- Thế là cô Yến ra trường từng ấy năm mà vẫn chưa được đứng lớp lần nào nhỉ? Chưa được dạy dỗ một ai đúng không? Có bao giờ nghĩ đến chuyện được làm cô giáo nữa không?

- Nghĩ thì nghĩ nhiều chứ bà. Có nhiều đêm em mơ đang giảng bài bà ạ. Tỉnh dậy chỉ mong được một lần lên lớp rồi chết ngay cũng thỏa nguyện. Nhưng mà cái số em nó thế rồi, bà bảo, biết trách ai?

Sau lần đó không thấy bà giám thị lên thăm chồng nữa. Nhưng thỉnh thoảng bà lại gửi đồ cho chị Yến, thường là các sách về kinh Phật và văn học.

Công việc của một thủ đền như chị Yến bận rộn nhất là vào dịp tết âm lịch. Không phải vì năm cùng tháng tận, mà vì mùng một Tết là ngày lễ chính thờ Thần Đá Rơi.

Mấy năm trở lại đây, dân trong vùng biết trại giam Thanh Tẩy khôi phục ngôi đền thiêng nên Tết nào cũng có các đoàn xin vào dâng lễ cúng thần. Để chuẩn bị cho ngày lễ chính đó, ban giám thị thường cho người ra cùng với chị Yến sang sửa lại nội thất ngoại viên của khu đền. Các phạm nhân của khu D, những tiểu yêu của trại Thanh Tẩy, thường được điều ra đây để giúp chị Yến làm những việc vặt này. Năm ngoái là một thằng bé mười bảy tuổi, tên là Tiến, phạm tội giết người. Nó giúp chị Yến quét vôi lại toàn bộ ngôi đền và sơn các pho tượng đặt nơi điện thờ chính. Nó làm công việc ấy hết năm ngày. Cứ hàng sáng nó được một quản giáo dẫn theo cùng đoàn người từ phân trại A đi làm qua đây. Tới cổng đền, người quản giáo dắt nó lên giao cho chị Yến. Chiều tối, lại vẫn người quản giáo ấy dẫn nó cùng đoàn người làm đá về nhập trại. Vì nó không được ngủ lại qua đêm nên mấy ngày đó chị Yến chỉ có thể bù đắp khẩu phần ăn cho thằng Tiến vào bữa trưa. Có cái gì ngon nhất chị đều dành cho nó. Đền chỉ có nhiều bánh trái, gặp may thì có thêm xôi oản, thịt gà, trứng luộc, giò lụa. Tiến ăn khỏe, được mấy bữa no nê, thích lắm, hôm cuối cùng nó bảo: “Lần sau có việc gì cô cứ bảo các chú ấy cho cháu ra đây làm cô nhé”. Chị Yến mỉm cười bảo: “Cô có quyền gì mà đề xuất hả cháu. Hãy cứ biết mưa lúc nào mát mặt lúc ấy thôi cháu ạ”. Tiến là trai phố, đang học lớp chín thì phạm tội, là vị thành niên nên án tử thì thoát, án giam vẫn bị buộc. Chị Yến hỏi nó: “Cháu giết ai?” Nó vừa vung tay phết sơn vào mặt tượng Thần Đá Rơi, vừa đáp: “Cái bà già ở bên cạnh nhà cháu”.

- Sao lại giết?

- Cháu chơi net. Lần đó bọn cháu chơi nửa tháng không về nhà. Mấy đứa bạn cháu đã lần lượt đi cứu net rồi. Hôm ấy đến lượt cháu. Cháu chả biết đi đâu, liền về nhà, nhảy lan can qua hàng xóm, định bắt con chim cảnh mang đi bán. Nhà ấy đi vắng cả, còn mỗi bà cụ già. Cháu đang gỡ lồng chim xuống thì bà cụ mở cửa xộc ra sân thượng, cầm gậy vụt cháu túi bụi. Cháu giật được cái gậy đó và vụt lại mấy nhát vào đầu bà cụ. Thấy bà cụ ngã, cháu vội cầm lồng chim bỏ chạy. Con chim đó cháu bán được hơn một triệu, chơi được đến ngày hôm sau thì cháu bị bắt.

- Bà cụ chết ngay à?

- Vâng. Mẹ cháu bảo, hồi cháu còn bé, bà ấy vẫn thường bế cháu đấy.

Chị Yến chép miệng:

- Oan nghiệt. Mà net là cái gì mà cô thấy bao nhiêu đứa vào đây chỉ vì cái thứ ấy thế?

- Là trò chơi điện tử ấy mà cô.

- Chơi một lúc rồi thôi chứ chơi gì mà suốt ngày suốt đêm thế?

- Bọn cháu thường đánh qua đêm. Buồn ngủ quá thì lấy vỏ bao vina gài vào bàn phím giữ nguyên bài đang chơi dở, chợp mắt tí, tỉnh dậy lại đánh tiếp. Chơi chán thì vào nhà nghỉ ăn uống, ca hát, lên giường vui vẻ với nhau.

- Lên giường?

- Thì… chúng cháu lớn rồi mà cô. Cháu trông thế thôi mà biết ngủ với gái từ khi mười lăm tuổi đấy cô ạ. Cháu dậy thì sớm mà.

Chị Yến hơi đỏ mặt trước vẻ hồn nhiên của Tiến. Chị lại hỏi:

- Nhóm bạn cháu có đông không?

- Gần chục đứa cô ạ, cả trai lẫn gái, toàn quen nhau qua mạng thôi.

- Con gái cũng bỏ nhà đi qua đêm thế à?

- Vâng.

- Nhưng mà cứ đi thế thì tiền ở đâu ra?

Tiến bỏ chổi quét sơn xuống, đứng dậy vươn vai:

- Xong rồi cô ạ. Cái ông Thần này chả đẹp gì cả, trông cứ như thằng lính chì trong trò chơi Hầm mộ cổ ấy, cô nhỉ!

- Phỉ phui cái mồm cháu! - Chị Yến vội khua tay trước miệng thằng Tiến - Cháu ăn nói thế không sợ Thần Thánh về vật cổ chết tươi à. Thôi, cháu nghỉ một tí rồi sơn tiếp hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu kia đi.

Đấy là chuyện của năm ngoái. Hai tháng trước chị Yến bất ngờ gặp lại Tiến trong đoàn người đi làm đá qua cửa đền. Thì ra Tiến đã bước qua tuổi mười tám, không còn là “tiểu yêu” nữa, được chuyển sang phân trại B và hàng ngày phải đi lao động. Thỉnh thoảng những nhóm phạm vẫn dừng lại nghỉ chân bên khuôn viên khu đền. Có rất nhiều nhóm phạm khác nhau. Nhóm làm đá, nhóm làm vôi, nhóm làm lúa, nhóm làm gạch, nhóm xây dựng, nhóm chặt mía, nhóm làm đường, nhóm chăn nuôi... Họ tranh thủ uống ngụm nước, hút điếu thuốc hoặc hưởng chút lộc hoa quả của nhà đền. Chị Yến thường để dành lộc cho họ. Cũng có khi họ đi làm xa về, kiếm được chút thức ngon quả lạ đầu mùa, đưa nhờ chị đặt lên bàn thờ cúng Thần Đá Rơi. Chị hay có ý chờ nhóm của Tiến đi qua thì lại chạy xuống dúi vào tay nó mấy cái bắp ngô, vài dóng mía, miếng dưa hấu hay túi cam. Nó cười toe toét, có lần còn bảo: “Đôi mắt cô buồn buồn, khi cười cũng vẫn buồn, giống con bé người yêu cháu”.

Sang năm nay chị Yến lại báo cáo lên ban giám thị những “hạng mục” cần phải tu bổ để xin người ra giúp. Lần này là một thằng bé mười lăm tuổi, người Mường, tên Rú, cũng án giết người. Rú nói ít, bảo gì làm nấy, hễ mở miệng là văng tục. Chị Yến giao cho nó quét vôi toàn bộ hàng lan can dọc theo các bậc đá dẫn lên điện thờ chính. Nó quét được một lúc thì hét lên: “Á à, đ. mẹ mày, dám cắn ông à”. Chị vội chạy xuống thì thấy Rú đang lấy chân di mấy con kiến lửa ngay dưới chỗ nó đứng. Chị bảo: “Ở nơi đền miếu linh thiêng, cháu không được chửi bậy”. Nó cúi đầu: “Nhưng đau đéo chịu được”. Chị lại bảo: “Cô nói lần nữa, cháu không được nói bậy ở đây nghe chưa?”. Nó im lặng. Chị Yến vừa quay đi thì nó lại lẩm bẩm: “Bố mày đút c... vào, về trại còn sướng hơn”.

Chị Yến đã định đề nghị với người của ban giám thị cho đổi thằng tiểu yêu khác nhưng rồi chị nhận ra Rú không biết chữ. Nó giết người hết sức bản năng. Nó cùng với một thằng bạn bằng tuổi, sống cùng làng, đi vào núi chơi. Chỉ vì hai đứa cùng nhìn thấy một con quay của ai đó vứt lăn lóc bên đám cỏ khô nên đã cùng lao đến tranh giành con quay. Rồi chửi nhau. Rồi lao vào đánh nhau. Rú khỏe hơn, đè được lên người thằng kia, hai tay cứ thế bóp cổ bạn cho đến khi buông tay ra thì bạn đã tắt thở. Rú chạy về làng, bảo với mẹ thằng kia rằng: “Nó đánh nhau với cháu. Cháu bóp cổ nó. Nó cứ nằm mãi không chịu dậy. Cháu bỏ nó lại trên núi cháu về đấy. Cô lên mà vác nó về”. Khi làm việc ấy Rú đã bước qua tuổi mười bốn, và theo luật định, nó vẫn phải vào đây chịu án nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn hoang dã, nó vẫn không hiểu nó có tội gì. Nó làm chết bạn, nhưng biết đâu nó đánh không lại, bạn làm nó chết thì sao? Ở quê nó trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường. Đánh không lại thì phải chịu, sao lại bảo nó là tước đoạt quyền sống của người khác, là phạm tội giết người với động cơ côn đồ, là cần phải cách ly khỏi xã hội?

Càng tìm hiểu về Rú, chị Yến càng thấy thương nó. Pháp luật là sản phẩm của một xã hội văn minh, thằng bé này chưa thoát khỏi cuộc sống mông muội, liệu sự trừng phạt của pháp luật có giúp nó trở thành một công dân tốt hay không? Chị hỏi nó: “Tại sao cháu không đi học?” Nó bảo cả làng nó chả có ai đi học. Bố mẹ nó cũng không biết chữ. Chị lại hỏi: “Vậy tất cả các loại giấy tờ tố tụng mà cháu phải ký nhận thì cháu làm thế nào?” Nó chìa ngón tay trỏ ra, đáp tỉnh bơ: “Cháu chỉ cần ấn ngón tay này vào giấy là xong”.

Khi sơn đến bức tượng Thần Đá Rơi, Rú cười ré lên, rồi bảo: “Cái tượng này buồn cười nhỉ, trông như khỉ”. Chị Yến tái mặt: “Cháu không được hỗn thế, đó là một vị thần rất linh thiêng đấy”. Nó quay sang hỏi chị: “Đây là đàn ông hay đàn bà?” Chị Yến bảo: “Đó là đàn ông”. Nó lại cười ré lên: “Thế sao không có chim?” Chị Yến lắc đầu, bảo: “Cháu hư quá. Cháu không được báng bổ tượng Thần như thế”. Thằng Rú im lặng một lúc rồi lại hỏi: “Ông ấy là cái đếch gì mà phải thờ, phải quỳ lạy khấn vái rồi đặt trước mặt ông ấy nhiều thứ thế? Mà ông ấy có ăn được đâu, bọn cháu muốn ăn thì chả cho”. Đến nước này thì chị Yến không chịu nổi nữa. Chị bảo thằng Rú ra ngoài đánh vecni mấy tấm phù điêu bằng gỗ, còn bức tượng Thần Đá Rơi để chị tự tay sơn phết, tô điểm lại.

Đêm đó chị nằm mơ thấy người yêu cũ của mình hiện về. Trong giấc mơ anh thường mang khuôn mặt của Thần Đá Rơi. Anh cứ ngồi ngoài sân nhìn vào trong điện thờ. Chị từ trong điện đi ra thì anh lại đi xuống các bậc đá. Chị chạy theo thì bóng anh đã chập chờn ẩn hiện về phía hồ Thanh Tẩy. Chị choàng tỉnh dậy, hốt hoảng chạy lên gian chính điện. Bức tượng Thần Đá Rơi bị một vết bẩn quệt ngang mặt. Rõ ràng hôm qua chị vừa sơn phết lại rất đẹp. Chả lẽ thằng Rú trước khi về đã lấy tấm giẻ nhúng vecni quệt lên mặt tượng?

Cả ngày hôm sau chị bồn chồn, nôn nóng, khắc khoải một điều gì đó sẽ xảy ra. Khoảng bốn giờ chiều thì có tin đưa đến. Một phạm nhân của phân trại B chết đuối ở hồ Thanh Tẩy. Chị vội vàng đến nơi khâm liệm. Chị không tin vào mắt mình nữa. Người chết đuối chính là thằng Tiến. Chết đuối mà không một hạt nước trong phổi. Giám định pháp y kết luận là chết ngạt. Nhóm phạm làm đá về đến đây thì dừng lại nghỉ ngơi, rửa ráy. Tiến tranh thủ tụt hết quần áo, nhảy ùm xuống lặn một hơi cho mát. Nhưng rồi Tiến đã không nổi lên. Khi các bạn tù tìm ra Tiến thì chỉ còn là một cái xác cứng đơ trong tư thế ngồi dưới mặt nước. Đây là kiểu chết mà những người tự tử thường chọn. Nhưng với tính cách của Tiến thì việc tự tìm đến cái chết là không thể. Vậy thì chỉ có thể lý giải đó là kiểu chết của trời đánh thánh vật. Đúng rồi. Tiến đã từng phỉ báng Thần Đá Rơi. Chị Yến là người hiểu hơn ai hết cái sự linh nghiệm khủng khiếp này. Nhìn Tiến nằm im phắc trên bệ đá để lau rửa sau khi khám nghiệm tử thi, chị Yến bỗng òa lên khóc nức nở. Cơ thể Tiến căng tràn, rắn chắc, dài rộng, đẹp đẽ thế này mà chỉ còn là một cái xác vô hồn thôi sao? Tiến đang ở cái tuổi phát triển đầy đủ nhất về thể lực. Khuôn mặt nam tính, ngực nở, bụng thon, cặp đùi dài chắc nịch, dáng dấp ấy, khí lực ấy, độ thanh xuân tươi trẻ ấy, chưa dùng được vào việc gì, chưa trả lãi gì cho đời, đã vĩnh viễn bị đòi đi như thế này sao?

Đêm ấy chị Yến cúng khấn cho Tiến đến khuya. Sáng sớm hôm sau chị chuẩn bị sẵn một cái bảng gỗ và mấy viên phấn. Khi Rú đến, chị Yến bảo: “Mỗi ngày cô sẽ dạy cháu một tiếng đồng hồ. Cháu phải cố biết lấy cái chữ cháu ạ. Khi nào cháu viết được tên cháu, cháu đọc được văn bia đặt dưới gốc cây đại kia thì cháu sẽ không dám phỉ báng tượng thần ở ngôi đền này. Khi ấy cháu sẽ biết làm người, sẽ tránh được tai họa như phạm nhân của phân trại B hôm qua”.

Chị Yến cứ tưởng sẽ phải thuyết phục thằng Rú rất nhiều nó mới chịu nhận làm học trò của chị, không ngờ nó lại tỏ ra thích thú. Thời hạn sửa chữa đền Thần Đá Rơi đã sắp hết. Chị Yến phải nghĩ ra thêm nhiều hạng mục nữa để xin ban giám thị cho thằng Rú tiếp tục ra giúp thủ đền. Cái ngày thằng Rú sung sướng nhất là ngày nó viết được tên mình. Nó sung sướng đến nỗi, khi hết giờ học rồi, trong giờ làm việc mà nó cứ lấy sơn, lấy vôi, lấy vecni viết những chữ cái R-Ú lên bất kỳ chỗ nào có thể viết được. Chị Yến cũng thấy trong lòng rất vui. Chị dự tính trong đầu những ngày tiếp theo sẽ dạy nó tập đánh vần để đọc hết được những dòng văn bia dưới gốc đại già kia. Nhưng vào đúng ngày cúng ông Công ông Táo thì người của ban giám thị ra đền gặp chị. Lần này họ đưa ra một người phụ nữ khác để thay thế chị làm thủ đền. Chị Yến có ba mươi phút để dọn đồ đạc rồi theo người của ban giám thị về khu C, vốn là phân trại quản lý cũ của chị.

Trong lúc chị cuống cuồng làm theo lệnh của ban giám thị thì thằng Rú cứ loay hoay không biết xử trí thế nào. Nó không muốn rời chị, không muốn bỏ dở chừng sự nghiệp học hành rất tiến bộ của nó. Bỗng người của Ban giám thị nhìn thấy tấm bảng dạy chữ của chị Yến, rồi lại nhìn thấy những chữ cái R-Ú rải rác, nhòe bẩn khắp khuôn viên khu đền. Chị Yến vội bảo thằng Rú xóa hết những chữ đó đi, trả lại sự sạch sẽ cho ngôi đền linh thiêng. Nhưng người của ban giám thị bảo: “Thôi, kệ nó, chị theo tôi về làm thủ tục, muộn rồi”.

Chị Yến bỗng run run cất giọng hỏi:

- Thưa cán bộ, cán bộ có thể cho em biết về phân trại để làm thủ tục gì không ạ?

Người của ban giám thị bảo:

- Về làm thủ tục ra trại. Chị có tên trong danh sách đặc xá tha tù trước thời hạn đợt này.

“Dạ...”

Chị Yến như muốn khuỵu xuống. Chị bỗng vứt gói đồ trên tay, lao đến ôm chặt lấy thằng Rú. Chị hôn chùn chụt vào mặt nó. Rồi chị khóc nức nở: “Rú ơi, hơn hai mươi năm ở đây, giờ cô mới làm được một điều mà cô mơ ước suốt đời mình, cô đã có học trò đầu tiên là cháu, cô đi, cháu cố học tiếp cho đến lúc biết đọc biết viết cháu nhé!”.

Tết năm đó, khi các đoàn đến lễ Thần Đá Rơi trong trại giam Thanh Tẩy, không ít người đã hỏi: “Cô thủ đền cũ năm nay đi đâu rồi nhỉ?”

Người viết truyện này cũng không biết chị Yến đi đâu, làm gì và hiện giờ sinh sống ra sao.

Hết


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx