Bố yêu quí,
Gần đầy bố có hỏi con, tại sao con cả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ, con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lí giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói. Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con, và cũng còn vì qui mô của vấn đề vượt quá kí ức và trí lực của con.
Với bố thì sự việc luôn hết sức đơn giản, chí ít là trong những lần bố nói ra trước mặt con, và, trước mặt nhiều người khác, bất kể đó là ai. Đại loại với bố thì chuyện chỉ thế này: Bố đã làm lụng vất vả cả đời, tất cả là vì các con, mà trước hết là vì con. Nhờ bố con được “ăn sung mặc sướng, con được tự do thoải mái học cái gì con thích, con không phải lo miếng ăn, mà nói chung không phải lo bất cứ chuyện gì. Bố không đòi con phải biết ơn, bố hiểu “ơn nghĩa của con cái” lắm, nhưng ít ra bố cũng cần một thái độ đền đáp, một biểu hiện chia sẻ. Thế mà bấy lâu con luôn xa lánh bố, con ở lì trong phòng, với sách vở, với đám bạn hâm hấp, với những suy nghĩ rồ dại. Con chưa bao giờ cởi mở trò chuyện với bố, ở nhà thờ con chưa bao giờ đến chỗ bố, con chưa bao giờ tới thăm bố ở Franzensbad [1], nói chung con chưa bao giờ nghĩ về gia đình, con chưa bao giờ quan tâm tới việc ở cửa hàng cũng như những việc khác của bố, việc xưởng nhựa [2] con để quàng lên cổ bố rồi con bỏ đi, con ủng hộ thái độ ngang ngược của em Ottla, và trong khi con không động tay động chân làm gì cho bố (thậm chí con chưa bao giờ mang biếu bố cặp vé xem kịch), con lại sẵn sàng làm tất cả vì bạn bè. Nói tóm lại, khi bố qui kết con, thì thực ra bố không qui cho con tội gì xấu xa hay độc ác (ngoại trừ chuyện con muốn lấy vợ lần vừa rồi), nhưng bố qui cho con tội lạnh lùng, xa lánh, vô ơn, và thực ra bố muốn nói rằng, tất cả là lỗi ở con, cứ như con muốn quay ngoắt mọi chuyện, trong khi bố không có một mảy may lỗi lầm nào hết, ngoại trừ việc bố đã luôn quá tốt với con.
[1] Franzensbad (tiếng Séc: Frantiskovy Lázne): một thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng thuộc Áo-Hung, nay thuộc Cộng hòa Séc, cách Praha 180 km về phía Tây - ND.
[2] Cửa hàng (das Geschäft): Cửa hàng tạp hóa-quần áo của gia đình Kafka. Ở thời điểm ăn nên làm ra, cửa hàng có khoảng 15 nhân viên. Xưởng nhựa (die Asbestfabrik): xưởng sản xuất a-mi-ăng (vật liệu để làm các tấm lợp a-mi-ăng trong xây dựng) do Karl Hermann, em rể của Kafka, làm chủ. Xưởng do Bố Kafka đầu tư cho con rể (từ tiền hồi môn cho con gái Elli) và con trai (tức Franz Kafka), mỗi bên góp một nửa vốn và đứng tên chung. Tuy nhiên Kafka không hề hứng thú với công việc quản lí xưởng, ông thường xuyên bỏ bê công việc. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1919), việc kinh doanh xưởng bị thua lỗ, dẫn tới phá sản. Đây là một đòn đánh nặng vào kinh tế gia đình Kafka - ND.
Cách nhìn nhận vấn đề như thường lệ của bố, con chỉ coi là đúng khi chính con cũng tin rằng bố hoàn toàn không có lỗi gì trong chuyện xa lánh giữa hai bố con mình. Nhưng bố ơi, chính con cũng hoàn toàn không có lỗi gì cả. Và nếu con có thể làm cho bố hiểu ra điều đó, thì cho dù hai ta vẫn không thể có một cuộc đời mới - hai ta đều đã quá già để làm điều đó - nhưng có thể chúng ta sẽ đạt được điều gì đó như sự hòa giải; không thể làm dứt hẳn, nhưng cũng làm vơi được phần nào những lời buộc tội không ngừng nghỉ của bố.
Thật kì lạ là cứ mỗi khi con muốn nói điều gì thì hình như bố luôn biết trước. Ví dụ như gần đây bố nói với con: “Tôi lúc nào cũng thương anh, dù tôi không làm ra vẻ như những ông bố khác, cũng vì tôi không biết vờ vĩnh như người ta.” Nhưng bố ạ, con chưa bao giờ nghi ngờ lòng tốt của bố đối với con, có điều con nghĩ rằng bố nói thế là không đúng. Bố không biết vờ vĩnh, phải rồi, nhưng chỉ vì thế mà cho rằng những ông bố vờ vĩnh thì đó chẳng qua là một cách biện hộ, không còn gì để nói, hoặc là - và con tin điều này là đúng - đó chẳng qua chỉ là cách nói che đậy sự thật rằng có điều gì đó không ổn giữa bố và con, mà bố cũng góp phần gây ra, nhưng lại không có lỗi gì cả. Có phải bố muốn nói như vậy không? Nếu vậy, hai bố con mình hãy đồng ý với nhau ở điểm này.
Dĩ nhiên con không nói rằng, con trở nên như bây giờ là do tác động của bố. Nói thế e phóng đại quá (dù thực ra con nghiêng về sự phóng đại này). Hoàn toàn có khả năng là, ngay cả khi con lớn lên hoàn toàn không có ảnh hưởng của bố, con vẫn không thể trở thành người như bố hằng kì vọng. Con rất có thể vẫn sẽ trở thành một đứa yếu đuối, sợ sệt, lưỡng lự, bất an, không thể là Robert Kafka [3] hay Karl Hermann [4], nhưng vẫn là một người hoàn toàn khác con bây giờ, và bố con mình đã có thể sống tốt với nhau. Con có thể đã hạnh phúc nếu có bố như một người bạn, một thủ trưởng, một người cậu, một người ông, vâng, thậm chí là bố vợ (dù đã khó khăn hơn). Có điều khi bố là bố của con, thì sức nặng của bố đè lên con quá lớn, nhất là khi các em trai con mất sớm, còn các em gái lại ra đời muộn quá, và con trở thành đứa đầu lòng đơn độc chịu đựng, điều này thật quá sức con [5].
[3] Robert Kafka (1881-1922): anh họ của Franz Kafka. Robert Kafka là con trai thứ hai của Filip Kafka (tức “bácFilip”), anh trai của Kafka Bố. Robert Kafka là người gợi hứng cho Kafka xây dựng nhân vật Karl Rossmann trong tiểu thuyết “Kẻ mất tích” (sau này được Max Brod xuất bản dưới tên “Nước Mỹ”), trong đó “Karl Rossmann” là tên đảo ngược từnhững chữ cái trong “Robert Kafka” - ND.
[4] Karl Hermann: em rể của Franz Kafka. Karl Hermann kết hôn với Gabriele Kafka (tức “Elli”), em gái Kafka. CảRobert Kafka lẫn Karl Hermann đều là những chàng trai trạc tuổi Kafka và là những người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán - ND.
[5] Hai em trai của Kafka đều mất vài năm sau khi sinh. Em gái kế tiếp là Elli sinh năm 1889, ít hơn Kafka sáu tuổi.
Hãy so sánh hai chúng ta: Con, nói một cách hết sức ngắn gọn, là một Löwy [6] với đôi nét Kafka nhất định, nhưng lại không toát ra khát vọng sống, khát vọng làm ăn và chinh phục của nhà Kafka, mà con sống thu mình, kín đáo và rụt rè, không mấy khi biểu lộ ra ngoài theo kiểu nhà Löwy. Bố, ngược lại, là một Kafka đích thực: mạnh mẽ, khỏe khoắn, ăn thùng uống vại, quyết đoán, giỏi ăn nói, tự tin, từng trải, dẻo dai, thực tế, hòa đồng, với vẻ hào sảng nhất định, và tất nhiên, cùng với những ưu điểm này là những nhược điểm đi cùng trong khí chất và đôi khi trong cơn cuồng giận của bố. Nhưng xét về quan niệm sống nói chung, có lẽ bố lại không hẳn là một Kafka đích thực, nếu con được phép so sánh bố với bác Filip, chú Ludwig hay bác Heinrich [7]. Điều này thật kì quặc, con cũng không hiểu lắm. Hai bác và chú đều vui vẻ hơn, tươi tắn hơn, ít nguyên tắc hơn, thoải mái và ít nghiêm khắc hơn bố. (Điều đáng nói là chính điểm này con lại được di truyền từ bố, mà lại di truyền quá hoàn hảo nữa, song bản thân con lại không có được những điểm đối trọng cần thiết như bố để cân bằng lại.) Mặt khác, ở phương diện này có lẽ bố cũng đã trải qua nhiều đoạn đời, có lẽ bố đã từng là một người vui vẻ hơn bây giờ, trước khi những đứa con của bố, mà nhất là con, làm bố thất vọng và ức chế thường trực (có người lạ đến nhà là bố khác ngay), và có lẽ giờ đây bố đã phần nào thấy vui hơn khi các cháu và con rể mang lại cho bố sự ấm áp mà những đứa con của bố, đến ngay cả Valli [8], đã không thể mang lại. Dù sao hai ta cũng khác nhau hoàn toàn, và trong sự khác biệt này chúng ta trở nên nguy hiểm với nhau, đến nỗi, nếu được tính toán về khả năng con, một đứa trẻ đang lớn, với bố, một người đàn ông hoàn toàn trưởng thành, đi bên nhau sẽ như thế nào, thì có lẽ người ta sẽ cho ra dự đoán là, bố đơn giản sẽ đè con bẹp dí, đến nỗi chẳng còn sót lại một mẩu xương nào của con nữa. Điều đó đã không xảy ra, sự sống vốn chẳng dễ gì đoán định, nhưng có lẽ đã xảy ra vô khối chuyện bực mình. Mà trong đó, con luôn phải nhắc đi nhắc lại với bố rằng, xin bố đừng quên, con chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng bố có lỗi. Bố tác động tới con theo cách tự nhiên của bố, như bố không thể làm khác, nhưng xin bố hãy thôi đi, xin bố đừng nghĩ rằng con chủ tâm ác ý với bố chỉ vì con bị đè nén bởi tác động ấy.
[6] Löwy: dòng họ mẹ Kafka - ND.
[7] Ông nội của Franz Kafka là Jakob Kafka sinh được 6 người con, 4 trai 2 gái: Filip Kafka, Anna Kafka, Heinrich Kafka, Hermann Kafka, Julie Kafka và Ludwig Kafka - ND.
[8] Valli Kafka, tức Valerie Kafka, sinh ngày 25.9.1890, là em gái thứ hai của Franz Kafka. Trong số 4 người con, bà đuợc coi là người hợp với bố hơn cả -ND.
Con là một đứa trẻ sợ sệt, nhưng hẳn con cũng hay nghịch ngợm như những đứa trẻ khác, hẳn mẹ cũng thường cưng nựng con, nhưng con không tin mình là đứa trẻ đặc biệt khó bảo, con không tin một câu nói vui vẻ, một cái nắm tay nhẹ nhàng, một cái nhìn âu yếm lại không thể làm con vâng lời. Vâng, về bản chất thực ra bố là người tốt bụng và dễ mềm lòng (điều này sẽ không mâu thuẫn với những điều kể dưới đây, bởi con chỉ nói về cái hình ảnh mà bố gây ra với đứa trẻ), nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đủ kiên trì và gan góc để tìm kiếm đến lúc nó hiểu ra lòng tốt ấy. Bố chỉ có thể đối xử với một đứa trẻ theo cách hợp với thể tạng của bố, bằng cơ bắp, bằng quát nạt và cáu giận, và trong trường hợp này bố thậm chí còn coi đó là phương pháp rất tốt nữa, bởi bố muốn giáo dục con trở thành một người mạnh mẽ, can đảm.
Dĩ nhiên bây giờ con không thể trực tiếp miêu tả cách giáo dục của bố đối với con trong những năm đầu đời, nhưng trong một chừng mực nào đó, con có thể hình dung ra bằng cách hồi tưởng lại kinh nghiệm những năm sau này và từ việc quan sát cách bố áp dụng với cháu Felix [9]. Trong đó, cần nhấn mạnh rằng, hồi đó bố còn trẻ, vì vậy cũng hăng hái hơn, bạo liệt hơn, bản năng hơn, ít suy xét hơn bây giờ, ngoài ra bố còn dành toàn tâm sức cho việc kinh doanh, thường thì cả ngày con chẳng thấy mặt bố, vì thế ấn tượng bố gây ra với con càng mạnh, đến nỗi con chưa bao giờ thấy nguôi ngoai cho được.
[9] Felix Hermann (1911-1940): cháu ruột của Franz Kafka. Felix là con trai đầu của Karl Hermann và Elli, em gái Kafka. Vào thời điểm Kafka viết bức thư này (1919), Felix mới được 8 tuổi - ND.
Trực tiếp thì con chỉ nhớ được một chuyện trong những năm đầu đời, mà có thể bố cũng nhớ. Đêm hôm đó con cứ nhằng nhẵng đòi uống nước, hẳn không phải vì khát, mà có lẽ phần vìmuốn chọc tức, phần vì muốn bày trò nghịch ngợm. Sau vài lần lớn tiếng quát nạt không xong, bố liền lôi bật con ra khỏi giường, nhấc bổng con ra hành lang và để mặc con phong phanh đứng đó hồi lâu trước cánh cửa đóng sập. Con không muốn nói bố làm thế là không đúng, có lẽ khi đó đã không còn cách nào khác để giữ đêm yêntĩnh, nhưng con chỉ muốn khắc họa phương pháp giáo dục của bố cũng như tác động của nó đối với con. Có lẽ sau lần ấy con đã trở nên dễ bảo hơn, nhưng nội tâm con đã bị tổn thương. Xét theo thể tạng của con, con không thể tìm được bất kì mối liên hệ hợp lí nào giữa việc với con là tự nhiên nhất đời như nhằng-nhẵng-đòi-uống-nướcvới việc khủng khiếp bị ném ra hành lang. Nhiều năm sau con vẫn còn bị ám ảnh bởi cái hình dung đau khổ rằng người đàn ông khổng lồ, bố của con, người có thẩm quyền tối cao đối với con, lại gần như không cần lí do gì, thình lình lôi bật con ra khỏi giường và ném con ra ngoài hành lang, như thể đối với bố con chẳng là gì hết. Đối với bố, con chỉ như một con số không.
Đó chỉ là một khởi đầu nho nhỏ thôi, nhưng cái cảm giác mình như con số không luôn chế ngự con là do ảnh hưởng liên tục của bố (tuy nhiên xét trên phương diện khác thì phải thừa nhận rằng đây lại là một cảm giác cao quí và hữu ích). Ngày đó có lẽ con đã cần một chút động viên, một chút chia sẻ, một chút gợi mở cho con đường của mình, thay vào đó bố lại muốn bẻ con đi đường khác - cũng chỉ vì bố muốn tốt cho con, tất nhiên. Nhưng con đâu có những khả năng đó. Chẳng hạn, bố động viên con đứng chào dõng dạc và đi kiểu duyệt binh, nhưng con đâu phải một chiến sĩ tương lai, hay bố động viên con ăn mạnh, thậm chí còn uống bia nữa, hay bố động viên con hát nhại những câu con không hiểu, hay tập tễnh bắt chước kiểu nói năng phùng mang trợn mắt ưa thích của bố. Nhưng tất cả đều không phải tương lai của con. Và đặc trưng là, ngay cả bây giờ, khi bố động viên con làm việc gì, thì đấy chẳng qua cũng là việc chính bố bị cuốn vào, việc liên quan đến cảm giác tự tôn của bố mà con luôn là đứa làm nó bị tổn hại (như việc con định lấy vợ) hay nó bị tổn hại là vì con (như khi Pepa [10] chửi con). Khi đó con được động viên, được lưu ý về giá trị của mình, về những đám thích hợp mà đáng ra con nên chọn, và Pepa bị trách mắng đến nơi đến chốn. Nhưng, ngoại trừ động viên đã gần như chẳng còn tác động gì được đến con ở tuổi này, nó còn giúp ích gì đây, khi mà trước hết nó không phải dành cho con?
[10] Pepa: tức Josef Pollak (1882-1942), em rể của Franz Kafka. Pollak kết hôn với Valli, em gái thứ hai của Kafka-ND.
@by txiuqw4