sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thư gửi bố - Chương 4

Con muốn chạy trốn khỏi bố ư? Nếu vậy con cũng phải chạy trốn khỏi gia đình, ngay cả mẹ nữa. Con luôn có thể được mẹ che chở, nhưng chỉ che chở trong mối quan hệ với bố. Mẹ quá yêu bố và quá trung thành với bố, vì vậy về lâu dài, mẹ không thể đóng vai nhà bảo trợ tinh thần trong cuộc đấu tranh của chúng con. Dù sao bản năng của đứa trẻ đã đúng. Bởi vì theo năm tháng, mẹ càng ngày càng gắn bó chặt hơn với bố. Nhẹ nhàng và tinh tế, mẹ luôn giữ được sự độc lập trong mọiquyết định nhỏ nhất mà không bao giờ thực sự khiến bố khó xử. Nhưng mẹ cũng chỉ độc lập được trong những việc liên quan đến mẹ mà thôi. Còn trong quan hệ với chúng con, theo thời gian, mẹ càng ngày càng ngả theo quan điểm và định kiến của bố, ngả theo toàn diện, mù quáng, theo cảm giác hơn là lí trí, nhất là trong trường hợp nghiêm trọng của em Ottla. Tất nhiên con luôn biết rằng, mẹ đã phải giữ một vai trò khổ sở và căng thẳng cùng cực như thế nào trong gia đình. Mệt mỏi vì việc ở cửa hàng và việc nội trợ, chịu cực gấp đôi mỗi khi có người nhà ốm đau, vậy mà phần thưởng dành cho mẹ chỉ là sự đau khổ ở vị trí trung gian giữa bố và chúng con. Đúng là bố đã luôn yêu thương mẹ và ý tứ với mẹ, nhưng ở phương diện này, bố cũng không hề nương nhẹ mẹ, hệt như chúng con. Vậy là chúng ta cùng bổ thẳng lên đầu mẹ, bố từ phía bố, chúng con từ phía chúng con. Đó là một cách đánh lạc hướng. Ta không nghĩ đó là việc xấu, ta chỉ nghĩ tới cuộc chiến. Cuộc chiến giữa bố và chúng con. Giữa chúng con và bố. Và chúng ta cùng giáng xuống đầu mẹ. Đó không phải là bài học tốt cho con trẻ, như bố vẫn thường than vãn về chúng con - mà bố thì chẳng có lỗi gì, tất nhiên. Nó thậm chí còn biện hộ cho thái độ không thể biện hộ của chúng ta với mẹ. Mẹ đau khổ vì chúng con cự bố, vì bố cự chúng con. Khó tin nhất là trong những trường hợp bố có lí, mẹ đã đứng ra tha thứ cho chúng con, cho dù đôi khi sự “tha thứ” này cũng chỉ là một thái độ thầm lặng, vô thức chống lại hệ thống cai trị của bố. Tất nhiên mẹ đã không thể chịu đựng được tất cả, nếu không phải vì tình yêu của mẹvới chúng ta và phước hạnh mà tình yêu ấy mang lại đã cho mẹ sức mạnh để chịu đựng.

Các em gái chỉ ủng hộ con phần nào. Đứa hợp bố nhất là Valli. Là người thứ hai bên cạnh mẹ, nó đóng vai trò tương tự mẹ trong quan hệ với bố mà không mấy khó nhọc. Bố cũng đối xử với nó vui vẻ hơn, có lẽ cũng vì nghĩ tới mẹ, cho dù ở nó có ít tính cách của nhà Kafka hơn cả. Nhưng với bố có lẽ thế lại hay. Ở đâu không có tính Kafka thì bố cũng chẳng thể đòi hỏi ở đó phải có cái gì tương tự. Khác với trường hợp chúng con, ở Valli, bố không có cảm giác mất mát mà bố phải cứu lại bằng bạo lực. Có điều bố chưa bao giờ thích tính Kafka khi nó được biểu lộ ra ở phụ nữ. Quan hệ của bố với Valli hẳn còn vui vẻ hơn nếu những đứa con khác không quấy rối ít nhiều.

Elli là ví dụ duy nhất đã gần như giải thoát thành công khỏi vòng ảnh hưởng của bố. Vậy mà con lại ít chờ đợi điều đó ở nó nhất khi nó còn bé. Elli từng là đứa bé rầu rĩ, mệt mỏi, sợ sệt, quạu cọ, mặc cảm, tự ti, xấu tính, lười nhác, sưng sỉa, tham lam. Con từng không thể lại gần nó, không thể nói chuyện với nó. Nó làm con nghĩ ngay tới chính mình. Nó cũng chịu cảnh bị dạy dỗ giống hệt như con. Đặc biệt tính tham của nó làm con kinh tởm, vì có lẽ đâu đó, con còn tham hơn cả nó. Tính tham là biểu hiện rõ rệt nhất cho nỗi bất hạnh sâu đậm nhất. Con luôn thiếu tự tin mọi nơi mọi lúc, nên con chỉ có thể chắc chắn mình sở hữu một cái gì đó khi đã thực sự giữ được nó trên tay hay ngậm được nó trong miệng, hoặc ít nhất là những thứ đang trên đường đến đó, những thứ mà Elli - vì cùng ở hoàn cảnh như con - lại thích giật lấy của con nhất. Nhưng tất cả đã thay đổi khi nó rời nhà khi còn trẻ - điều này rất quan trọng. Elli cưới chồng, sinh con, trở nên người vui vẻ, không lo lắng, can đảm hào phóng, không ích kỉ và phơi phới hi vọng. Thật khó tin là bố gần như không nhận ra sự thay đổi này và tất nhiên đã không ghi nhận. Bố bị che mắt bởi cơn giận với Elli từ ngày nào và không hề thay đổi, chỉ khác là cơn giận đó giờ đây không còn tính thời sự nữa, bởi Elli đã không còn sống trong gia đình. Ngoài ra thì tình yêu của bố với Felix và cảm tình của bố với Karl cũng khiến nó trở nên không còn quan trọng. Chỉ Gerti [17] là đôi khi vẫn phải chịu trận.

[17] Gerti tức Gerti Kaufmann (1912-1972), nhũ danh Hermann, cháu ruột của Franz Kafka. Gerti là em gái Felix. Vào thời điểm Kafka viết bức thư này, Gerti mới được 7 tuổi. Mùa hè năm 1923, gia đình Gerti đã có thời gian nghỉ hè 5 tuần cùng “cậu Franz” (tức Franz Kafka) ở Ostseebad Müritz. Nhiều năm sau, Gerti Kaufmann đã kể lại sự kiện này trong bài viết “Những kỉ niệm với cậu Franz” (“Erinnerungen an Onkel Franz”) in cuốn Nhóm Praha (Der Prager Kreis) do Max Brod chủ biên, Stuttgart, 1966 - ND.

Còn Ottla? Con gần như không dám viết về nó. Con hiểu rằng mình có thể đánh vuột mất hi vọng vào tác dụng của bức thư. Ở hoàn cảnh bình thường, nghĩa là nếu nó không gặp khó khăn hay nguy hiểm gì đặc biệt, bố chỉ dành cho nó sự căm ghét. Chính bố từng thừa nhận với con rằng bố nghĩ nó đã luôn cố ý làm bố khốn khổ và tức giận, và trong khi bố đau khổ vì nó thì nó lại thấy thỏa mãn và sung sướng. Nó là quỉ chứ không phải người. Hẳn là đâu đó đã phải dựng lên một khối xa lạ khổng lồ giữa hai người, còn lớn hơn khối xa lạ giữa bố và con, đến nỗi nó có thể dẫn đến một sự hiểu lầm khổng lồ như thế. Ottla ở xa bố, đến nỗi bố hầu như không gặp nó, và bổ tưởng tượng nó như ma quỉ. Con thừa nhận bố đặc biệt thấy khó khăn với nó. Con cũng không nhìn thấu trường hợp quá đỗi phức tạp này, nhưng đây chắc chắn là một dạng Löwy, được trang bị bằng vũ khí sắc nhọn nhất của nhà Kafka. Giữa bố và con thật ra đã không có cuộc chiến nào thực sự. Con luôn sớm bị hạ gục. Sau đó chỉ là trốn chạy, cay đắng, buồn khổ, đấu tranh nội tâm. Nhưng hai người thì luôn sẵn sàng ở vị trí chiến đấu, luôn hào hứng, tràn trề sức lực. Một cảnh trí hoành tráng và bi thảm. Truớc hết, hai người thực ra quá giống nhau, bởi đến nay trong bốn đứa con, Ottla có lẽ là biểu tượng thuần khiết nhất cho cuộc hôn nhân giữa bố và mẹ, cho sự kết hợp của hai nguồn sức mạnh. Con không biết điều gì đã chen vào hạnh phúc cha con giữa hai người, con chỉ phỏng đoán rằng, có lẽ sự việc cũng đã phát triển theo cách giống như với con. Phía bố là sự thống trị bản năng, phía nó là sự dằn dỗi kiểu nhà Löwy, sự nhạy cảm, ý thức công bằng, sự bất an, và tất cả được trợ lực bởi ý thức về sức mạnh của nhà Kafka. Có lẽ con cũng có ảnh hưởng tới nó phần nào, nhưng không phải do chủ ý, mà chỉ thuần túy do sự hiện diện của mình. Có điều, Ottla là đứa con út, đứa sau cùng nhảy vào các quan hệ quyền lực đã được xác lập, nên nó có thể tự đánh giá tình hình trận địa dựa trên vô số chất liệu sẵn có. Thậm chí con có thể nghĩ rằng, bản thể nó đã dao động rất lâu giữa lựa chọn hoặc là gục đầu vào ngực bố, hoặc là đứng về phía bên kia. Chắc chắn hồi đó bố đã bỏ lỡ cơ hội, đã đẩy nó ra, nếu không biết đâu, nhiều khả năng hai người đã làm thành một liên minh hoàn hảo. Nếu vậy, tuy rằng con sẽ mất đi một đồng minh, nhưng được nhìn cảnh hai người hòa hợp cũng là sự đền bù thỏa đáng, và bố, tràn ngập trong hạnh phúc vì rốt cuộc cũng tìm được sự mãn nguyện, ít nhất là ở một đứa con, sẽ thay đổi thái độ theo cách có lợi cho con. Có điều, tất cả những thứ đó hôm nay chỉ là một giấc mơ. Ottla không còn liên hệ với bố. Nó phải tự mình tìm đường đi, cũng như con. Và bởi vì nó lạc quan hơn con, tự tin hơn, khỏe khoắn hơn, ít lo âu hơn, nó cũng trở nên xấu xa hơn và bất trung hơn trong mắt bố. Con hiểu, theo quan điểm của bố thì nó chẳng thể nào khác được. Phải, bản thân nó có khả năng nhìn thấu bố bằng con mắt của chính bố. Nó đồng cảm được với nỗi khổ của bố, và buồn thấm thía - buồn chứ không tuyệt vọng, bởi tuyệt vọng là việc của con - về điều đó. Dường như trái ngược với những điều vừa kể trên, bố thường gặp chúng con tụ tập với nhau, thì thầm bàn tán, thì thầm cười cợt, và đây đó bố lại nghe thấy chúng con nhắc đến bố. Bố có cảm giác về một bọn mưu mô mờ ám hỗn láo. Những kẻ mưu mô đầy khả nghi. Tất nhiên bố luôn là chủ đề chính trong các câu chuyện cũng như trong suy nghĩ của chúng con từ hồi nảo hồi nào, nhưng sự thật là, chúng con ngồi với nhau không phải để nghĩ ra cách chống lại bố, mà là, bằng tất cả nỗ lực, bằng cảm hứng, bằng sự nghiêm túc, bằng tình yêu, bằng dằn dỗi, bằng tức giận, bằng khó chịu, bằng hạ mình, bằng ý thức tội lỗi, bằng tất cả sức lực của lí trí và con tim, để cùng nhau thảo luận thấu đáo về sự vụ khủng khiếp này, sự vụ mà bố luôn cho mình có vai trò thẩm phán, trong khi bố cũng thuộc về bên yếu và mù quáng y hệt chúng con. Ít nhất là như thế. Chủ yếu là như thế. (Ở đây con để ngỏ khả năng rằng mình hoàn toàn có thể sai lầm.)

Truờng hợp em Irma [18] là một bàihọc về ảnh hưởng giáo dục của bố trong mối quan hệ tổng thể này. Một mặt, em ấy vẫn là người ngoài, em ấy đến cửa hàng khi đã ở tuổi trưởng thành, chủ yếu chỉ quan hệ với bố ở tư cách là sếp, chỉ phải chịu ảnh hưởng của bố phần nào, và dù sao em ấy cũng đã ở độ tuổi đủ sức chống đỡ. Mặt khác, em ấy vẫn là một người họ hàng ruột thịt, kính trọng bố với tư cách bác ruột, và bố có quyền với em ấy lớn hơn rất nhiều quyền của một người sếp đơn thuần. Trong thân thể yếu ớt, em ấy là một người tháo vát, thông minh, chăm chỉ, khiêm nhường, đáng tin cậy, không vụ lợi và trung thành. Em ấy yêu quí bố với tư cách là bác ruột và kính trọng bố với tư cách là sếp. Em ấy luôn hoàn thành công việc được giao. Mặc dù vậy, trong mắt bố, em ấy vẫn không phải là một nhân viên đủ tốt. Em ấy coi bố như cha và đặt mình ở vị trí con cháu - dĩ nhiên cũng do ảnh hưởng của chúng con - và vì vậy, quyền uy khổng lồ ghê gớm của bố cũng trùm lên em ấy. Dưới ảnh hưởng của bố (tuy nhiên chỉ là ảnh hưởng ở một người trưởng thành khi đối diện với bố, chứ không phải đến mức bị chấn thương nội tâm sâu sắc như ở chúng con, hi vọng thế), dần dà em ấy trở nên người đãng trí, chểnh mảng, chì chiết, đôi khi dằn dỗi - nếu em ấy còn có khả năng ấy. Đấy là con còn chưa nói em ấy có thể đã bị tổn thương, mà bình thường em ấy đã chẳng hạnh phúc lắm rồi, nhất là lúc nào cũng có cả đống việc nhà nhàm chán đổ lên đầu em ấy. Điều còn đọng lại trong con từ mối quan hệ giữa bố với em Irma là một câu nói của bố, một câu tổng kết đã trở nên kinh điển với chúng con, một câu nói gần như báng bổ Thượng đế, nhưng chính thế, nó lại là minh chứng cho sự hồn nhiên của bố trong mối quan hệ ứng xử với người khác: “Thượng đế lòng lành đã ban cho tôi toàn thứ khốn nạn.”

[18] Irma: tức Irma Kafka, em họ của Franz Kafka. Irma là con gái thứ hai của Ludwig Kafka, chú ruột của Franz Kafka. Trong số các anh chị em của Hermann Kafka thì “chú Ludwig” là người ít thành đạt hơn cả. Năm 1911, sau khi cha chết, Irma đến sống ở nhà bác ruột, phụ việc bán hàng và nội trợ cho nhà bác. - ND.

Con có thể miêu tả thêm những vòng ảnh hưởng khác của bố và cuộc đấu tranh của họ chống lại nó, nhưng ở đây con bắt đầu thấy thiếu chắc chắn và phải sắp xếp lại. Ngoài ra, cứ mỗi khi đi càng xa cửa hàng và gia đình, bố lại càng trở nên vui vẻ hơn, mềm mỏng, lịch sự hơn, ý tứ và hòa đồng hơn (ý con là: cả vẻ ngoài cũng thế), cũng giống như một nhà cai trị khi đã ra khỏi lãnh địa của mình sẽ không còn lí do gì để hành xử như một bạo chúa nữa. Ông ta cố thể trở nên tốt bụng ngay cả với những kẻ nhỏ bé nhất. Thực tế, chẳng hạn trong những bức ảnh tập thể chụp ở Franzensbad, bốluôn thích thú và lịch sự đứng giữa những người nhỏ bé rầu rĩ, như một hoàng đế trong những chuyến đi dã ngoại vậy. Dĩ nhiên là chúng con cũng đã có thể được hưởng lợi từ sự hào phóng này, với điều kiện chúng con có đủ khả năng nhận ra điều đó khi còn bé; và con, lẽ ra con đã không đượcphép sống trong vòng tròn tận cùng nhất, vòng tròn thắt chặt nhất, nghiêm khắc nhất của ảnh hưởng của bố, như con đã thực sự làm thế.

Thế là con không chỉ đánh mất ý thức gia đình như bố nói, ngược lại, đúng ra là con vẫn còn ý thức với gia đình. Có điều, đó chủ yếu là ý thức tiêu cực, ý thức trốn chạy bố vào nội tâm (cuộc trốn chạy chưa bao giờ có hồi kết, tất nhiên). Và đây đó, dưới ảnh hưởng của bố, các mối quan hệ với người ngoài của con thậm chí còn bị tổn thương lớn hơn. Bố đã hoàn toàn nhầm lẫn khi cho rằng, con làm tất cả cho người ngoài vì tình yêu và lòng trung thành, trong khi, vì lạnh nhạt và phản bội, con đã không làm gì cho gia đình. Con xin nhắc lại lần thứ mười: Ngay cả khi không chịu ảnh hưởng gì của bố, có thể con vẫn sẽ trở thành người nhút nhát sợ sệt, nhưng từ con người đó tới con người mà con thực sự trở thành bây giờ là cả một quãng đường dài tăm tối [Từ đầu đến giờ, trong bức thư này, chỉ có ít chuyện mà con cố tình im không nói ra thôi, nhưng bây giờ và về sau, con sẽ phải im không nói ra nhiều chuyện, vì con thấy quá khó nói ra (trước bố và con). Con phải nói vậy để, nếu bố có thấy chỗ này chỗ kia không rõ nét trong bức tranh tổng thể, bố cũng đừng cho rằng con thiếu dẫn chứng. Ngược lại, có quá nhiều dẫn chứng đến mức, nếu đưa vào sẽ làm cho bức tranh xấu xí không chịu nổi. Thật khó để có thể tìm ra điểm cân bằng.] Có điều ở đây chỉ cần dẫn ra vài chuyện cũ cũng đủ: Vì bố mà con đã đánh mất tự tin, thay vào đó là cảm giác tội lỗi vô biên. (Nhớ lại sự vô biên này, có lần con đã viết chính xác về một người: “Y sợ rằng đến chết vẫn còn chưa hết nhục.” [19]) Con không thể đột nhiên hóa thân thành người khác, bởi vì mỗi khi gặp một ai đó, con lại rơi vào cảm giác tội lỗi lớn hơn, bởi vì, như con đã nói, con phải sửa lại những gì mà bố gây ra, bố nợ người ta ở cửa hàng, nơi mà con cùng có phần trách nhiệm. Ngoài ra bố đã luôn chống lại bất kì người nào mà con giao thiệp, luôn công khai hay ngấm ngầm phản đối, và con thường phải xin người ta tha thứvề điều đó. Nghi ngờ hầu hết mọi người, đấy là điều bố đã luôn tìm cách bày cho con, ở cửa hàng cũng như trong gia đình (bố hãy kể cho con một người có chút quan trọng với con hồi bé mà không bị bố ít nhất một lần chê ỏng chê eo), và lạ là điều đó không hề làm bố khó chịu (vì bố đã đủ mạnh mẽ để chịu đựng, hay đó thực ra cũng chỉ là một dấu hiệu của nhà cai trị?). Trong mắt con hồi bé, con không tìm được ở đâu bất kì điều gì chứng minh cho sự nghi ngờ này, bởi đâu đâu con cũng nhìn thấy những người tuyệt vời, những người mà con không bao giờ với tới được. Rốt cuộc, con trở nên nghi ngờ chính mình và sợi hãi tất cả những người khác. Nói chung ở điểm này chắc chắn con không thể cứu mình trước bố. Bố hiểu nhầm con có thể do bố hoàn toàn không hay biết gì về giao thiệp của con ở bên ngoài. Bố nghi ngờ và ghen tị cho rằng (con không nói bố không yêu con), nếu con đã xa lánh gia đình, hẳn con phải tìm được đền bù ờ đâu đó, bởi không thể nào con cũng sống ở ngoài như thế. Có điều về phương diện này, con cũng tìm được chút an ủi nhất định, ấy là từ khi bé con đã luôn nghi ngờ chính sự phán xét của mình. Con tự nhủ: “Hẳn là mi lại phóng đại rồi, như tuổi trẻ nói chung là thế, hay thổi phồng những chuyện nhỏ nhặt, rồi nghĩ là ghê gớm lắm”. Có điều sau này, khi đã nhìn thế giới rộng hơn, con cũng gần như đánh mất luôn chút an ủi đó.

[19] Chính là câu cuối trong tiểu thuyết Vụ án (Der Prozess), tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Franz Kafka. - ND.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx