Trình Sinh là người Bạch Hạ, tính không thích kỳ thị. Một hôm Sinh đi xa về, cởi đai lưng ra. Chàng cảm thấy đầu đau và nặng như có vật gì bám vào. Nhìn kỹ thì Sinh không thấy gì hết nên lấy làm ngơ ngác. Lúc ấy có người con gái từ phía sau đi tới, nàng vuốt tóc mỉm cười, dung nhan rất xinh đẹp. Sinh ngờ là ma, nàng nói:
Thiếp không phải là ma, mà là hồ ly đây.
Sinh cười:
Nếu là người đẹp thì ma cũng chẳng sợ, huống chi là hồ.
Từ đấy hai người kết duyên rồi sinh được một gái đặt tên là Thanh Mai. Hồ ly thường khuyên Sinh đừng lấy vợ, để rồi nàng sẽ vì chàng mà sinh con trai. Chàng nghe lời, không lấy vợ nữa. Họ hàng và bè bạn đều trách móc khiến Sinh đổi ý, cưới Vương thị ở Hồ Đông.
Hồ ly nghe tin giận lắm, giao trả con cho Sinh và nói:
Đây là "của nợ" của chàng, nuôi hay giết chết nó thì tuỳ ý, tôi chẳng rảnh làm vú nuôi nữa.
Hồ ly ra khỏi cửa đi mất. Thanh Mai mau lớn và thông minh, dung nhan đẹp giống hệt mẹ. Sau đó, Sinh bị bệnh chết, Vương thị đi tái giá, còn Thanh Mai phải ăn nhờ ở nhà chú. Người chú phóng đãng, vô đạo đức, muốn bán cháu đi để kiếm tiền tiêu xài. Vừa dịp có Vương tiến sĩ đang chờ bổ nhiệm, nghe tin nàng thông minh liền bỏ nhiều vàng ra mua, cho hầu hạ con gái là A Hỉ. Con gái họ Vương mười bốn tuổi, dung mạo tuyệt vời, thấy Mai mừng lắm, cho ở chung một chỗ. Thanh Mai cũng khéo chiều, chỉ cần ra hiệu là nàng hiểu ý làm theo nên cả nhà đều thương.
Trong ấp có Trương Sinh, tên tự là Giới Thụ, nhà nghèo túng phải ở thuê nhà của Vương. Chàng trai này rất có hiếu, chăm học, biết giữ gìn hạnh kiểm. Thanh Mai tình cờ đến nhà Trương, thấy chàng ngồi dựa hòn đá ăn cháo cám. Nàng vào nhà nói chuyện với mẹ Trương, thấy trên án có chiếc chân giò heo. Cha của Trương đang bị bệnh, chàng vào đỡ cha đi tiểu tiện, chợt nước tiểu vấy vào áo nhưng chàng không cho cha biết, sợ cha ân hận. Trương cố che chỗ vết nhơ, rồi chạy vội ra giặt cho ông khỏi trông thấy. Thanh Mai nhìn rõ, lấy làm lạ, về thuật chuyện lại, và nói với A Hỉ:
Người đang trọ nhà ta rất phi thường, tiểu thư chưa muốn lấy chồng thì thôi, chứ nếu muốn thì Trương Sinh là người xứng đáng lắm.
A Hỉ ngại gia đình chê chàng nghèo, Thanh Mai lại nói:
Không phải thế, mọi việc đều ở tiểu thư chứ. Nếu nương tử cho là được, tôi sẽ lén nhờ người mai mốt. Phu nhân tất nhiên sẽ hỏi ý kiến, nương tử cứ trả lời "vâng", thế là xong.
A Hỉ sợ Trương nghèo suốt đời thì bị thiên hạ cười. Thanh Mai nói:
Tôi biết xem tướng sĩ phu thiên hạ, ắt không lầm đâu.
Ngày hôm sau, Thanh Mai sang nói với bà Trương, bà không tin. Thanh Mai tiếp lời:
Tiểu thư vẫn khen công tử hiền, tôi hiểu ý tiểu thư, nên mới sang nói chuyện. Cứ cho người mối tới hỏi, hai người chúng tôi sẽ phù trợ, công việc sẽ xong ngay. Nếu như không thành thì cũng chẳng nhục nhã gì.
Trương bà bằng lòng rồi nhờ người bán hoa là Hầu thị đi làm mối. Phu nhân nghe chuyện phì cười, kể lại với chồng khiến ông cũng cười vang. Cho gọi cô gái vào, và thuật cho nghe ý kiến Hầu thị. A Hỉ chưa kịp trả lời, Thanh Mai vội vàng khen Trương Sinh hiền đức, quyết nhiên về sau sẽ vinh hiển. Phu nhân lại hỏi:
Đây là việc trăm năm, nếu con ăn được gạo hẩm thì ta nhận lời gả con cho nó.
A Hỉ cúi mặt suy nghĩ rồi quay vào vách mà đáp:
Giàu nghèo là mệnh trời, nếu tốt số thì không bao giờ nghèo mãi, còn nếu xấu thì bậc vương tôn gấm vóc cũng thiếu gì người không có chỗ cắm dùi. Việc ấy tuỳ ở cha mẹ định đoạt.
Lúc đầu Vương ông thương lượng với con gái là chỉ để mua vui thôi. Nhưng khi nghe A Hỉ nói, ông trở nên cáu giận hỏi:
Mày muốn làm vợ họ Trương thật sao?
A Hỉ im lặng, Vương bà lại hỏi lần nữa, nàng vẫn không nói. Bà giận mắng:
Đồ ngu, muốn đeo bị làm vợ thằng ăn mày hả? Vậy mày chết quách cho tao khỏi xấu hổ.
A Hỉ uất ức bật khóc rồi chạy đi. Mụ mối cũng bỏ chạy luôn. Thanh Mai thấy việc không thành, muốn tự làm mối cho mình. Cách mấy ngày nàng ban đêm qua nhà Trương. Chàng trai đang đọc sách ngạc nhiên hỏi:
Nàng tới làm gì?
Thanh Mai ấp úng trình bày suy nghĩ. Trương nghiêm mặt từ khước. Thanh Mai vừa khóc vừa nói:
Thiếp là con nhà lương thiện, nên mới nguyện ý gởi thân đó thôi.
Trương đáp:
Nàng yêu ta mà bảo ta là người hiền đức, còn việc đi lại ban đêm thì người biết tự ái không làm thế, vậy mà bảo tôi đồng ý ư? Việc tiền dâm hậu thú người quân tử thấy không được. Nếu không thể lấy nhau được, hai người sẽ đối xử làm sao?
Thanh Mai nói:
Nếu chuyện có thể thành thì chàng có chịu thiếp không?
Trương đáp:
Được người như nàng thì tôi chẳng mong gì hơn. Song có ba điều không thể nào thành được, cho nên tôi không dám khinh xuất nhận lời.
Ba điều gì?
Trương đáp:
Nàng không tự chủ được, đó là một điều. Dù nàng có tự chủ được, mà cha mẹ ta không bằng lòng, đó là hai điều. Nếu cha mẹ ta vừa lòng, mà thân giá của nàng đắt, đó là ba điều. Vậy nàng hãy về mau, chứ miệng đời đàm tiếu thì đáng sợ lắm.
Trước khi ra về Thanh Mai dặn tiếp:
Nếu chàng có ý, xin cùng nhau lo liệu.
Trương nhận lời, Thanh Mai về đến nhà, A Hỉ vặn hỏi đi đâu. Thanh Mai quỳ lạy tự thú, A Hỉ giận là lẳng lơ, định đánh mắng. Thanh Mai khóc và biện bạch là không có chuyện gì khác, rồi kể rõ thực tình.
A Hỉ than rằng:
Không cẩu thả kết hợp, là lễ; phải bẩm báo với cha mẹ, là hiếu; thận trọng lời hứa, là tín vậy. Có ba đức tốt đó, trời hẳn giúp Trương không phải lo nghèo mãi đâu.
Rồi A Hỉ lại hỏi:
Em định thế nào?
Mai đáp:
Dạ, em định lấy Trương Sinh.
A Hỉ cười hỏi tiếp:
Đồ ngốc, em có thể tự chủ được chăng?
Thanh Mai đáp:
Nếu không thành thì cũng liều chết thôi.
Ta sẽ giúp em được như nguyện.
Thanh Mai cúi đầu lạy tạ. Cách vài ngày, Thanh Mai hỏi A Hỉ:
Hôm trước tiểu thư nói đùa, hay có lòng thương thực? Nếu có lòng thương em thương cho trót.
A Hỉ hỏi lại, Mai đáp:
Trương sinh không có tiền làm sính lễ, mà em thì không đủ sức để chuộc mình.
A Hỉ trầm ngâm một lát rồi nói:
Điều đó ngoài sức chị. Nếu chỉ gả chồng cho em còn không được thay, huống chi bảo gả "không lấy tiền" thì cha mẹ ta tất không nghe, mà ta cũng không dám nói.
Thanh Mai nghe nói, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, cầu mong tiểu thư cứu vớt. A Hỉ suy nghĩ một lúc lâu lại nói tiếp:
Thôi được. Ta có dành dụm mấy lạng vàng, sẽ dốc túi giúp cho.
Thanh Mai lạy tạ, rồi lẻn sang bảo Trương. Mẹ Trương mừng lắm, đi vay khắp nơi được một số, cất đi đợi tin mừng. Nhân dịp Vương được bổ làm quan tể Khúc Ốc, A Hỉ nói với mẹ:
Thanh Mai tuổi đã lớn rồi, nay cha sắp đi nhậm chức, chi bằng gả chồng cho nó đi.
Phu nhân thường nghĩ rằng Thanh Mai là người quá láu lỉnh, sợ đưa con gái vào đường không hay, nên muốn gả chồng cho rồi, mà lại sợ con gái không vui, bây giờ nghe A Hỉ nói thế, bà mừng lắm.
Hai ngày sau, có người đàn bà làm mướn đến ngỏ ý hộ Trương, Vương cười bảo:
Nó chỉ đáng lấy tì nữ thôi, trước kia sao lại trèo cao quá vậy? Nhưng bán cho nhà cao quý làm hầu thiếp, thì giá còn được gấp đôi ngày trước.
A Hỉ vội vàng tiến lên nói:
Thanh Mai đã hầu hạ con lâu rồi, bán nó làm tì thiếp, thực không nỡ.
Vương liền gởi lời nói với Trương, chỉ lấy đúng tiền vốn cũ, cho lập khế ước để gả Thanh Mai cho Trương. Thanh Mai về nhà Trương, rất có hiếu với cha mẹ chồng, biết lựa chiều theo ý, còn hơn cả chồng. Làm việc siêng năng, ăn tấm cám không than khổ, nên cả nhà đều yêu quý nàng. Thanh Mai lại biết làm nghề thêu vóc, bán rất chạy. Lái buôn chờ chực ở cửa để mua, chỉ sợ mua không được. Kiếm được tiền gia đình Trương cũng bớt cùng túng.
Nhân chủ nhân đi nhậm chức, Mai đến tiễn biệt. A Hỉ khóc và nói:
Em đã có nơi có chốn rồi, chị vẫn còn kém vậy.
Mai tiếp lời:
Đấy là ơn của tiểu thư ban cho, em đâu dám quên? Nhưng tiểu thư cho là không bằng thì sợ rằng em phải giảm thọ mất.
Hai người khóc từ biệt nhau. Vương đi Sơn Tây được nửa năm, thì phu nhân mất, quàn linh cửu ở trong chùa. Vài năm sau nữa Vương vì hối lộ mất chức phải chuộc kể hàng vạn, dần dần nghèo không đủ cấp dưỡng. Những người hầu đều tản đi hết. Năm đó bệnh dịch lan tràn, Vương mắc bệnh chết. Chỉ còn một vú già theo A Hỉ. Chẳng bao lâu, vú già cũng chết nốt. A Hỉ càng lênh đênh khổ sở. Thấy vậy mụ già hàng xóm khuyên A Hỉ lấy chồng. Nàng nói:
Có ai mai táng cho cha mẹ tôi, thì tôi sẽ lấy người ấy.
Mụ già thương hại, tặng cho hai đấu gạo rồi đi. Nửa tháng sau, mụ lại và nói:
Tôi hết sức giúp tiểu thư, nhưng việc khó thành lắm. Người nghèo thì không có tiền mai táng, còn người giàu thì họ chê là con nhà sa sút. Chỉ còn một cách này, nhưng sợ không biết nương tử có chịu theo không?
A Hỉ hỏi:
Cách thế nào?
Bà nói:
Gần đây có Lý lang muốn tìm một người vợ lẽ, nếu cho hắn nhìn thấy dung nhan, bảo hậu táng, chắc hắn cũng không ngại.
Nàng vừa khóc vừa nói:
Tôi là con nhà gia thế mà phải làm lẽ người ta ư?
Mụ lẳng lặng bỏ đi. A Hỉ ăn ngày có một bữa cầm hơi. Được nửa năm, nàng không thể gượng được nữa. Một hôm, mụ già lại đến. A Hỉ vừa khóc vừa nói:
Khổ sở quá tôi chỉ muốn tự tử, nhưng phải gượng sống vì còn hai linh cửu vậy. Nếu chết rồi thì lấy ai thu nhặt hài cốt của song thân nữa? Chi bằng theo lời bà.
Mụ liền đi dẫn Lý lang đến. Thoáng nhìn thấy A Hỉ, hắn vừa ý lắm liền bỏ tiền ra mai táng cả hai linh cửu, rồi đón A Hỉ đi. Về nhà, vào chào vợ cả. Vợ cả vốn hung dữ hay ghen, nên ban đầu Lý chưa dám nói là vợ lẽ, chỉ nói trớ là mua tì nữ, khi vợ cả nhìn thấy A Hỉ thì nộ khí xung thiên, đánh đuổi ra ngay, không cho vào nhà. A Hỉ bỏ xoã tóc, khóc ròng, không biết làm sao.
Chợt có một lão ni đi qua, mời về ở chung. A Hỉ mừng lắm. Đến am nàng lạy xin thí phát. Sư ni không chịu và nói:
Tôi thấy thì chủ không bị phong trần lâu đâu, trong am có đồ dùng bằng sành và gạo muối, cũng đủ sống qua ngày, hãy tạm cư ngụ nơi đây đợi thời vận tới. Đúng dịp, thí chủ hãy đi.
Ở được ít lâu, những quân vô lại trong chợ ngó thấy nàng có nhan sắc, liền gõ cửa chùa buông lời sàm sỡ. Sư ni không ngăn cấm nổi. A Hỉ khóc lóc, toan tự tử. Sư ni đi cầu xin quan Lại bộ mỗ, niêm yết nghiêm cấm, bọn côn đồ mới lùi bước. Một đêm sau, có kẻ khoét vách vào chùa. Sư ni kinh hoàng hô hoán ầm lên, nó mới chạy. Sư ni lại phải đi cáo quan Lại bộ, bắt được tên đầu đảng, đưa sang quận phạt đánh đòn. Sau đó mới được yên.
Hơn một năm sau nữa, một vị công tử đi qua am, nhìn thấy A Hỉ liền mê mẩn tâm hồn. Gã nhờ sư ni dỗ dành nàng và đem nhiều tiền dụ dỗ. Sư ni ôn tồn nói:
Nàng là dòng dõi trâm anh, không chịu làm hầu thiếp đâu, công tử hãy về, thong thả tôi sẽ trả lời.
Công tử về rồi, A Hỉ toan uống thuốc tự tử. Đến đêm thấy cha cau mày hiện báo mộng:
Cha không chiều theo ý con, để con đến nông nỗi này, hối tiếc cũng đã muộn rồi. Song con đừng chết, vẫn còn có thể toại nguyện được.
A Hỉ lấy làm lạ. Trời sàng, rửa mặt xong, sư ni thấy nàng kinh ngạc hết sức và nói:
Nhìn măt thí chủ, thấy không còn vết hắc ám. Vậy tai ương không còn đáng lo nữa. Đến khi hưởng hồng phúc rồi, đừng quên sư già này nhé.
Bà vừa dứt lời thì có tiếng gõ cửa. A Hỉ tái mặt, nghĩ là gia nô của nhà công tử. Sư ni ra mở cửa, thì quả nhiên đúng. Tên gia nô hỏi A Hỉ muốn gì. Sư ni lựa lời đưa đón, xin khất ba ngày nữa. Gia nô thuật lại lời chủ dặn:
Nếu việc không thành, thì buộc sư ni phải đến phục mệnh.
Sư ni vâng dạ rồi từ tạ cho gia nô đi về. A Hỉ buồn rầu, lại toan tự tử, sư ni ngăn lại. Nàng sợ ba ngày nữa họ sẽ đến, không còn từ chối được nữa. Sư ni nói:
Đã có sư già này ở đây, họ chém hay giết ta sẽ lãnh hết.
Ngày hôm sau mặt trời vừa xế bóng thì đổ mưa như trút nước, bên ngoài chùa có tiếng nhiều người xôn xao. A Hỉ nghĩ là có biến động gì, sợ hãi không biết làm sao. Sư ni dầm mưa mở cửa, thấy có kiệu hoa ngừng lại, mấy tì nữ đỡ một người đẹp bước ra, kẻ bộc dịch đi theo nhộn nhịp, mũ lộng rất hoa lệ. Sư ni ngạc nhiên hỏi. Họ đáp:
Đây là gia quyến của quan Tư lý, xin cho tránh nhờ mưa gió.
Sư ni mời vào trong điện, dọn giường mời ngồi. Bọn gia nhân tỳ nữ đều vào trong thiền phòng, tìm chỗ nghỉ ngơi. Họ vào thấy A Hỉ, khen đẹp, chạy ra nói với phu nhân. Một lát tạnh mưa, phu nhân đứng dậy, xin đi xem thiền xá, sư ni dẫn vào. Phu nhân kinh ngạc khi nhìn thấy A Hỉ, nàng quan sát không chớp mắt, A Hỉ cũng nhìn phu nhân chăm chú một lúc lâu. Phu nhân không ai xa lạ. Mà chính là Thanh Mai. Hai người ôm nhau khóc nấc rồi kể chuyện đời mình.
Sau khi cha bị bệnh chết, Trương cư tang xong, đi thi trúng liền cả hai khoá thi hương, hội được bổ chức Tư lý. Trương rước mẹ đi nhậm chức, rồi sau mới dời cả gia quyến đi. A Hỉ than rằng:
Hôm nay nhìn nhau, cao thấp hẳn một trời, một vực.
Thanh Mai cười đáp:
Cũng may là tiểu thư chưa có phối ngẫu. Đây chính là trời định cho chúng ta đoàn tụ vậy. Nếu không bị vướng mưa thì làm sao có cuộc giai ngẫu này? Ắt có quỷ thần xui khiến, chứ không phải sức người vậy.
Thanh Mai liền lấy áo châu, áo gấm, thôi thúc A Hỉ thay y phục. A Hỉ cúi mặt tần ngần. Sư ni cũng khuyên thêm vào. A Hỉ ngại hai người ở chung, danh phận không được thuận. Thanh Mai nói:
Danh phận đã định từ ngày trước rồi, em đâu dám quên ơn chị, vả lại, thử xem Trương lang có phải là người phụ nghĩa không?
Thanh Mai bắt ép A Hỉ trang sức, rồi hai người từ biệt sư ni lên đường. Khi họ tới nhiệm sở, hai mẹ con Trương đều mừng. A Hỉ lạy Trương mẫu và nói:
Hôm nay con không còn mặt mũi nào nhìn mẹ.
Trương mẫu vui cười an ủi, chọn ngày tốt định lễ hợp cẩn. A Hỉ nói:
Nếu trong am còn đường sống thì quyết không chịu theo phu nhân đến đây. Nếu còn nghĩ đến tình nghĩa cũ, thì xin cho một căn nhà riêng, có thể trải được chiếu bồ đoàn là đủ rồi.
Thanh Mai mỉm cười im lặng. Vài ngày sau thấy gia nhân ôm những đồ trang sức diễm lệ tới, A Hỉ bỡ ngỡ ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì. Một lát thấy nhã nhạc vang lừng, A Hỉ càng thêm luống cuống, Thanh Mai kéo bọn tì nữ, bắt ép A Hỉ mặc quần áo mới, rồi dắt ra, thấy Trương mặc triều phục làm lễ, A Hỉ bất giác cũng khom lạy. Thanh Mai dắt vào động phòng và nói:
Chỗ này bỏ trống, dành cho chị từ lâu rồi.
Rồi nàng quay sang bảo chồng:
Đêm nay chàng được dịp đền ơn, hãy gắng sức làm tròn phận sự.
Thanh Mai quay người định đi ra. A Hỉ kéo lại. Thanh Mai cười nói tiếp:
Đừng giữ nữa, em không thể thay được đâu.
Rồi nàng tháo tay chạy ra.
Thanh Mai đối xử với A Hỉ rất cẩn thận, không dám cho mình là chính thất, mà A Hỉ vẫn ngượng thẹn không an tâm. Thấy thế Trương mẫu cho gọi nhau là phu nhân cả. Song Thanh Mai vẫn giữ lễ tì thiếp, không dám trễ nải. Ba năm sau, Trương được triệu vào làm quan trong kinh, tiện đường qua am, đưa năm trăm lạng vàng mừng thọ sư ni. Sư già không nhận, Trương cố ép nên bà mới chịu nhận hai trăm lạng dựng đền thờ Đại sĩ và dựng bia kỷ niệm Vương phu nhân.
Về sau Trương làm tới chức thị lang. Trình phu nhân sinh hai trai một gái, Vương phu nhân sinh bốn trai một gái. Trương dâng sớ trần tình nên triều đình phong cho hai người đều là phu nhân cả.
@by txiuqw4