Từ nơi ông ngồi ra cửa phòng khách chưa đầy 10 mét mà ông đi hoài, đi mãi chưa tới. Ông có cảm tưởng như nó dài hàng cây số. Ông chưa lên tiếng vội. Tiếng kèn xe đã ngưng. Ông cò Lương núp sau cửa sổ liếc ra vườn. Có tiếng chân người rồi tiếng nói rổn rẻn:
- Lương ơi, cậu còn thức không?
Ông cò Lương nhận ra ngay giọng nói của Phạm Quân làm cùng Sở, cùng ban từ hơn 10 năm nay. Phạm Quân suýt soát tuổi ông, y có một đống con, trai gái đủ cả. Y phải lo lắng nhiều cho gia đình nên y già trước tuổi. Tuy vậy, tinh thần y còn rất trẻ. Miệng y cười vui suốt ngày. Y là bạn thân của ông cò Lương, hai người gọi nhau bằng tiếng cậu trẻ trung.
Ông cò Lương đáp nhỏ:
- Còn. Cậu ghé tôi có chuyện gì thế?
Trái với thường lệ vồn vã, ông cò không mời bạn vào xa-lông mặc dầu mưa chỉ mới ngớt hột chứ chưa tạnh hẳn. Gió đồng khuya đã lạnh, sương đêm còn lạnh hơn, ông cò Lương vẫn để Phạm Quân đứng như trời trồng dưới hàng ba. Chiếc xe díp cảnh sát tắt máy bên thân cây đồ sộ. Phạm Quân phì phèo thuốc lá, mặc áo tơi rộng và đội mũ ni-lông sụp xuống mí mắt. Phía sau Phạm Quân có 2 nhân viên an ninh mặc thường phục cao lớn, tay cầm súng lục. Thấy ông cò Lương, họ nhanh nhẹn cất súng vào vỏ.
Phạm Quân trèo lên bậc cấp, nhấc mũ khỏi đầu rồi giẫy mạnh cho rũ hết nước:
- Mình vào nhà được chứ?
Ông cò Lương sực nhớ ra thái độ khiếm nhã khác thường của mình, ông lách sang bên:
- Dĩ nhiên là được.
Phạm Quân xoa hai bàn tay vào nhau:
- Gớm..., mưa hoài mưa mãi, sốt cả ruột. Nếu trời tốt đêm qua thì hắn đã bị tóm.
Ông cò Lương đã biễt «hắn» là ai. Ông cố hy vọng «hắn» là một người nào khác. Ông lặp lại:
- Hắn, hắn nào?
- Tên chánh đảng Bướm Vàng. Đỗ Đại Nhân. Mình bao vây cẩn mật mà hắn vẫn chui qua mắt lưới. Tôi thoáng thấy hắn vượt tường biệt thự ông Phòng. Tòa nhà xây toàn bằng đá ong và gạch nung không tô của ông tổng giám đốc ngân hàng cách đây 200 mét ấy mà... Cậu biết chứ?
- Biết. Lão Phòng già khằn, hai chân đi không vững còn đa mang cô vợ trẻ bằng tuổi con lão. Lão ấy cùng họ Phạm với cậu!
Phạm Quân cười ròn, nhe hàm răng vàng cáu chất nicôtin thuốc lá. Cũng họ Phạm, nghĩa là Phạm Phòng. Một chứng bệnh của đàn ông có máu hoa nguyệt.
- Chẳng biết cậu và tôi ai mới cùng họ với lão Phạm Phòng... Hà, hà, tôi bám gót tên chánh đảng nhưng trong loáng mắt hắn biến mất. Gần nửa giờ lục lọi ngoài vườn, trong nhà, không thấy tăm hơi hắn. Sau cùng, nhờ bẹt-giê ngửi quần áo của bắn và tìm đường tôi mới phăng ra hắn đã thoát khỏi biệt thự và ẩn núp trong khu này. Dường như nó trốn sau vườn nhà anh.
- Tại sao câu biết?
- Bẹt-giê. Tôi chở theo con Tutu. Nó đang nằm trên xe. Để tôi giắt nó vào đây!
Ông cò Lương sợ muốn đứng tim. Ban Điều tra của ông có một đàn chó săn thật đắc lực. Toàn là quân khuyển được nuôi nấng đúng phương pháp và được huấn luyện kỹ thuật đánh hơi. Con Tutu được coi là con bẹt-giê khôn nhất, mũi nó thính nhít. Nó ít sủa, có khi cả ngày không gâu một tiếng.
Vì vậy nó nằm trên xe díp mà ông cò Lương không nghe tiếng nó. Nếu nó vào nhà, sự hiện diện của Đại Nhân sẽ bị khám phá tức khắc. Ông bèn xua tay:
- Ông phó vừa điện thoại cho tôi. Tôi đã kiểm soát quanh nhà. Hắn không mò vào đây được đâu.
Phạm Quân chắt lưỡi:
- Dùng con Tutu chắc ăn hơn. Mắt người làm sao nhìn xuyên được bóng đêm. Lại còn vấn đề đánh hơi nữa.
- Khỏi cần.
Sự từ chối của ông cò Lương làm Phạm Quân ngạc nhiên. Tưởng bạn chưa hiểu rõ, y tiếp:
- Cậu đừng sợ phiền hà. Anh em cả mà. Thằng chánh đảng giết người không gớm tay. Hắn đang bị dồn vào mạt lộ. Nếu hắn ở đây, bắt được bé Hồng Điệp làm con tin thì khổ.
Mặt lạnh như tiền, ông cò Lương tiễn bạn ra cửa. Phạm Quân tỏ vẻ băn khoăn:
- Cậu mệt?
Ông cò Lương nhún vai:
- Rất mệt.
Phạm Quân lùi một bước, trợn tròn mắt như thể người đứng trước mặt không phải là ông cò Lương, con người nổi tiếng lịch thiệp. Ông cò Lương buông tiếng «chào cậu» rồi ra dấu khép cửa. Phạm Quân đành ngoắt hai thuộc viên trèo lên xe díp.
Chờ tiếng máy xe chìm hẳn trong khoảng xa, ông cò Lương mới trở vào phòng. Tướng cướp Đại Nhân ngồi chĩnh chện trong ghế không biết từ bao giờ. Hắn hắng giọng:
- Nếu anh không tận tình che chở tôi đã bị bắt.
Ông cò Lương chống nạnh, giọng bực bội:
- Ai bảo với anh là tôi tận tình che chở?
- Anh cò Lương ơi, lương lâm anh đang bị giằng xé mạnh mẽ... Một mặt anh không cho công an dẫn chó bẹt-giê vào, sợ người ta thộp cổ tôi. Mặt khác, anh lại không muốn coi đó là hành động che chở tận tình. Dầu muốn dầu không anh vừa đồng lõa với tôi...
Ông cò Lương lớn tiếng:
- Anh ngậm miệng lại ngay. Anh còn tiếp tục nhai nhải nữa tôi sẽ vả gẫy răng.
Đại Nhân cười mũi:
- Tưởng gì... chứ vả gẫy răng một kẻ bị thương ở vai và chân, một kẻ không có phương tiện tự vệ... là việc quá dễ dàng, quá tầm thường, một việc không quân tử chút nào. Cho dẫu anh vả gẫy hai hàm răng tôi thì sự thật vẫn là sự thật, anh không thể thay đổi được nó.
Đúng... đúng... ông cò Lương muốn thét vỡ lồng ngực. Tên tướng cướp nói đúng. Sự thật vẫn là sự thật, ông không thể thay đổi được nó. Sự thật này là: ông phải trả ơn.
Đại Nhân nhìn đồng hồ tay:
- Gần sáng rồi, anh ơi! Giá anh cho ăn lót dạ thì tốt biết mấy.
Chẳng nói chẳng rằng ông cò Lương nhóm bếp dầu hôi. Đàn gà Mỹ của ông cục tác mỗi ngày, nên mỗi ngày ông đều có trứng. Trong tủ lạnh có một rổ trứng đầy. Ông cò Lương chiên 4 quả lập-là vàng rộm. Ông rắc muối tiêu rồi bưng lại nóng hổi cho Đại Nhân. Ông khui hộp bánh mặn được vợ ông mua giành ăn mừng ngày đầy tháng đứa con vừa sinh. Ông pha cà-phê thật khéo, mùi thơm ngào ngạt khắp nhà.
Đại Nhân gợi chuyện:
- Nhà này do anh làm chủ?
Ông cò Lương đẩy cái lọc cà-phê về phía tên chánh đảng:
- Mời anh.
- Ơ kìa, tôi hỏi sao anh không đáp?
- Giữa tôi và anh chúng mình chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Anh ăn sáng cho chắc bụng. Rồi chúng mình chia tay.
- Như tôi đã nói, đến trưa hoặc chiều nay, các nút chặn được nhổ bỏ tôi mới có thể ra di.
- Anh phải đi ngay sau bữa điểm tâm.
- Anh cò Lương, anh định bắt tôi ư?
- Tôi không còn con đường nào khác. Mời anh dùng cà-phê kẻo nguội. Sau những phút rụt rè, băn khoăn, tôi đã lấy quyết định dứt khoát: anh phải ra tòa.
Tướng cướp Đại Nhân ngó ông cò Lương bằng con mắt ngơ ngác. Giọng ông cò Lương rắn rỏi, dõng dạc, chứng tỏ ông nói là làm. Tại sao ông thay đổi thái độ, hắn cố tìm hiểu. Ông cò cầm ống điện thoại. Hắn ngăn lại:
- Anh kêu cho ai?
- Về Sở.
- Để công an đến bắt tôi.
- Phải.
- Anh thừa đoán biết được bản án của tòa. Tôi không tin là tòa quân sự khoan hồng đối với tôi. Họ sẽ tuyên phạt tối đa. Nghĩa là án tử hình, Nghĩa là sẽ lên máy chém.
Tòa sẽ kết án tùy theo tội trạng... Biết đâu anh chỉ bị phạt khổ sai hữu hạn.
- Tôi đã bắn chết một sĩ quan cảnh sát. Tôi lại còn bắn chết mấy tên em út hèn nhát trước khi trốn khỏi sào huyệt. Tử hình là cái chắc. Tôi khẩn khoản kêu gọi lương tâm anh...
- Mời anh.
- Mời cái gì? Tôi còn lòng dạ nào uống cà-phê và ăn trứng của anh nữa! Tôi đã xét lầm. Anh không phải là người quân tử. Anh là con người vong ân bội nghĩa. Chết đi, tôi sẽ hóa thành thần trùng, ngày đêm ám ảnh anh, quấy phá anh. Tôi sẽ làm anh hối hận đến bỏ ăn, mất ngủ. Tôi sẽ làm anh chết dần, chết mòn...
Ông cò Lương bâng khuâng nhìn bức hình mầu trên buýp-phê:
- Anh đã cứu sống con tôi, vợ tôi, anh có quyền đòi đổi mạng. Lương tâm thẩm sát viên công an không cho phép tôi đồng lõa với tội ác, che chở cho anh. Song lương tâm người cha, lương tâm người chồng, lương tâm con người bắt buộc tôi phải chấp nhận phương thức đổi mạng. Mạng tôi đây, anh tướng cướp Đại Nhân, anh muốn làm gì tùy ý.
- Anh nói gì, thú thật tôi không hiểu.
- Giản dị lắm, tôi xin đặt mạng sống của tôi trong sự sử dụng của anh. Anh cứ giết tôi đi...
Tướng cướp Đại Nhân ngập ngừng đứng dậy. Ông cò Lương lấy khẩu súng lục trong hộc bàn, đưa cho hắn:
- Súng đây. Tôi đề nghị đổi mạng. Mời anh lảy cò. Tôi sẽ không tìm cách tránh đạn hoặc kháng cự.
Ông cò Lương xây lưng về phía tên chánh đảng. Ông điềm tĩnh chờ đợi cái chết. Đại Nhân mân mê cái nòng thuôn tròn óng ánh sắc thép, dáng dấp băn khoăn. Bỗng có tiếng kêu:
- Ba, ba, ba dậy sớm vậy ba?
Bé Hồng Biệp từ phòng ngủ chạy ra. Ông cò Lương bàng hoàng giang cánh tay đón con. Nó xà vào lòng ông, hôn lấy hôn để. Rồi nó nghễn cổ hỏi:
- Ba có khách hả ba?
- Ừ, con ngủ nữa đi. Còn sớm lắm. Để ba tiếp khách.
- Khách của ba sao lại cầm súng?
Khi ấy miệng súng đang chĩa về phía hai cha con. Khi ấy ông cò mới cảm thấy sự dại dột của mình. Mạng ông, ông không cần, nhưng còn bé Hồng Điệp... Nhưng tướng cướp Đại Nhân đã liệng khẩu súng xuống ghế ха-lông, nói giọng đay nghiến:
- Anh Lương ơi, anh đừng hòng... Tôi đã hạ sát mấy mạng người, có hạ sát thêm nữa cũng chẳng đi tới đâu. Súng nổ, lực lượng an ninh ập vào đây, tôi không có hy vọng trốn thoát. Bắt bé Hồng Điệp làm con tin cũng không có hy vọng trốn thoát. Chi bằng ở lại. Anh giao mạng sống của anh cho tôi, thì tôi cũng giao mạng sống của tôi cho anh. Anh nợ tôi, anh phải trả...
Ông cò Lương ngồi im như pho tưọng. Bé Hồng Điệp nép trong tay bố, không cười nói nhí nhảnh nữa.
Đại Nhân dằn từng tiếng:
- Trước mặt con gái anh, anh nghĩ sao?
Ông cò Lương cũng dằn từng tiếng:
- Trước mặt lương tâm, tôi phải nộp anh cho tòa án.
Nói đoạn, ông quay số điện thoại.
@by txiuqw4