Ngày ấy, con đường từ Sàigòn ra Cấp không náo nhiệt như ngày nay. Xa lộ Biên Hòa rộng thênh thang và nhẵn thín còn là một huyền thoại. Khúc đường từ Long Bình trở đi bé nhỏ, ngoằn ngoèo, lồi lõm, xấu xí, hai bên toàn là đồng trống, bụi rậm và cỏ dại san sát. Thỉnh thoảng mới thấy một khu nhà lèo tèo.
Má Sáu sống trong ngôi nhà gạch khá khang trang cách đường cái một quãng ngắn, vậy mà tiếng xe cộ không lọt tới vì rặng tre quá dầy, vườn cây quá đặc và mái nhà quá thấp như thể ép sát xuống nền đất thịt đỏ hõn.
Ngày ấy, Má Sáu chưa đến 50 tuổi. Đàn bà ngũ tuần ngày nay thường còn trẻ, đẹp, nhờ son phấn, hóa chất và nghệ thuật làm đẹp. Ngày ấy, ngũ tuầa đã là tuổi già. Má Sáu lại già trước tuổi sau một chuỗi biến cố gia đình. Tóc má bạc đến nỗi không tìm ra một sợi muối tiêu nào nữa. Da má răn rúm và khô cằn như da trái tảo tầu khô. Răng má rụng hoặc sâu gần hết.
Má Sáu bị mù. Thoạt đầu, mắt má mờ đi, như bị đám mây che, người ta gọi là bệnh cườm, má dùng thuốc lá, thuốc thang mấy năm liên tiếp nó càng mờ thêm, để rồi khi má xoay ra thuốc thần, thuốc thánh bằng tàn hương, nước lạnh và bùa chú thì đêm tối đen đặc xập xuống, tàn bạo. Vĩnh viễn.
Má Sáu sinh được hai con, một trai, một gái. Con gái lớn lấy chồng sớm. Phần vì duyên số, nó đi chợ, gặp một gã đàn ông gấp rưỡi tuổi nó, mặt mũi bảnh bao, lời nói ngon ngọt, nó vứt luôn rau thịt, đi thẳng một lèo. Không về nữa. Má Sáu khóc cạn nước mắt nó vẫn biền biệt. Nó theo chồng đi đâu, không ai biết. Nó còn sống hay chết, không ai biết.
Sau vụ con gái bỏ nhà đi hoang đến vụ ông chồng. Lẽ ra, má bị mù, ông phải sống với má, má lại là người đàn bà đảm đang, mềm mỏng, nhân hậu, xứng đáng để chồng thương yêu. Đằng này ông chồng lẳng lặng xách đồ đoàn đến ở với một cô vợ trẻ. Ông không quên đem theo tiền bạc của má Sáu. Hú hí bên cô vợ trẻ, ông đâm ra rượu chè. Chẳng bao lâu da ông vàng khè. Tròng trắng mắt ông vàng khè. Ông thổ huyết rồi chết.
Còn lại thằng con trai. Hiếm con má đặt tên nó là Hiếm. Ba Hiếm. Phàm con một thường lười biếng. Thằng Hiếm lại lười biếng trên độ thường nhiều bậc. Má Sáu có nhiều cây ăn trái, và mấy mẫu đất làm canh, hoa lợi hàng năm đủ ăn, nếu không nói là dư dã, má biết thu vén, tằn tiện và biết sinh sôi nẩy nở hồi má chưa mù nên cuộc sống vật chất khá thoải mái. Thằng Hiếm không đi học thì chớ, nó còn chơi bời phá gia chi tử. Mới 15 tuổi nó đã nghiện rượu và đánh bạc khét tiếng. Lớn thêm một tuổi nữa, nó kéo bè, kết đảng, trộm cắp ở làng bên. Má Sáu yêu nó kinh khủng, mọi người mách với má những hành động đốn mạt của nó, má vẫn không hề rầy la con, má chỉ sử dụng mỗi một khí giới duy nhất. Duy nhất mà hữu hiệu.
Nước mắt.
Má ngồi chờ con suốt đêm. Ngồi chờ và khóc. Nhiều đêm thằng Hiếm rón rén về nhà, gà đã gáy sáng má nó còn dựa lưng vào vách, nước mắt ràn rụa, nó có trái tim bằng sắt nguội mà cũng rộn ràng. Nghe động, má Sáu ngước cặp mắt thong manh, bàn tay quờ quạng:
- Con về đấy ư?
Rồi tiếp tục khóc. Nó phát cáu:
- Khóc gì khóc lắm thế?
Nó chịu không nổi chiến thuật, nước mắt trường kỳ của má Sáu. Nó thương má thật đấy, song rượu, gái, bài bạc và nếp sống cầu sương điếm cỏ chứa nhiều hấp dẫn đối với nó hơn. Rốt cuộc thằng Hiếm chọn sự giang hồ. Noi gương cha và chị nó vù lên Sàigòn.
Má Sáu còm cõi một mình trong ngôi nhà mênh mông. Một cô cháu ruột tên là Mỹ Dung về ở chung với má. Mỹ Dung chưa đến 20 nhưng đã có chồng, và sinh nở hai, ba lần. Hữu sinh vô dưỡng, sinh đứa nào, chết đứa nấy. Chồng làm tài xế xe đò, kiếm bộn tiền. Gia đình được êm ấm, tuy Mỹ Dung có nhan sắc và chồng vắng nhà luôn. Phiền một nỗi cô vợ có tính hay cười, đôi khi cười tự nhiên, cười ngoại giao mà anh chồng cứ tưởng cười mèo chuột. Anh chồng mắc bệnh ghen «số dách». Những năm đầu tiên không xảy ra cãi cọ, mè nheo. Dần dà, cô vợ cứ đẹp thêm, anh chồng cứ xấu đi, cơn ghen cứ gia tăng cường độ, đến một đêm kia anh chồng rưới xăng vào mùng, toan thiêu sống cô vợ. Đinh ninh Mỹ Dung bị chết cháy, anh chồng trốn biệt. Mỹ Dung không chết. Song sắc đẹp bị giảm bớt 80 phần trăm. Mặt phỏng nặng một bên, mắt và miệng chỉ bị hư hại qua loa, tuy vậy, sự quyến rũ mãnh liệt không còn nữa. Nằm bệnh viện gần nửa hăm, bình phục, Mỹ Dung về hầu hạ cô ruột, má Sáu. Một già, một trẻ, cùng chung tâm sự buồn thương bấu víu lấy nhau để khỏa lấp sự cô đơn trong ngồi nhà mênh mông...
Má Sáu chẳng phải làm gì nên ban ngày dài thật là dài. Buổi trưa má ra vườn đợi nắng. Buổi trưa, nắng gắt, má nằm võng đung đưa dưới bóng cây dâm mát. Buổi chiều, má ngồi nghe hoàng hôn xuống. Rồi ban đêm dài thật là dài.
Mỹ Dung giúp má Sáu quên được phần nào nỗi dài không bao giờ dứt của những sáng, những trưa, những chiều, những đêm vò võ bằng cách đọc truyện. Tất cả tiểu thuyết bán ở Saigon đều được Mỹ Dung mua về. Cả báo nữa. Báo tuần, báo tháng, báo ngày. Thành ra má Sáu là người sống xa thành phố mà lại gần gũi với thành phố.
Hôm ấy, như thường lệ, đọc tiểu thuyết xong, Mỹ Dung đọc báo. Tờ báo ra lò từ rạng sáng ờ Sàigòn, một chú lơ xe nhân tiện ghé lại gần đấy rước khách đẫ mang vào tận nhà cho Mỹ Dung. Nàng không còn là Mỹ Dung - mặt đẹp - nữa nhưng cái nhìn, nụ cười và thân hình của nàng còn rạo rực đáo để. Chú lơ xe đa tình không quản đường xa là vì thế.
Má Sáu lim dim cặp mắt nhìn qua lũy tre ra đường cái. Nhìn mắt má không ai nghĩ má mù. Người ta chỉ biết mù khi thấy má nhìn mãi vào một chỗ, mặt phẳng lì như tảng đả. Nắng chiều sắp tắt. Mải tóc bạc phơ của má Sáu óng ánh dưới hoàng hôn.
Bỗng má xua tay ra hiệu cho Mỹ Dung:
- Đừng đọc nữa cháu.
Mỹ Dung hơi ngạc nhiên:
- Cháu mới đọc được một tin... còn nhiều tin hay lắm, cô à...
- Thong thả. Cô muốn nghe lại tin cướp ngân hàng. Ngân hàng là gì hả cháu?
- Nhà gửi tiền. Ai có tiền thì mang đến gửi. Nhà băng ấy mà...
- À, nhà băng. Nhà băng thì cô biết. Hồi cô còn nhỏ, ông ngoại vẫn đi nhà băng gửi tiền... Chà, ngoại nhiều tiền lắm...
Mắt má Sáu rớm lệ. Mỹ Dung vội cất tiếng đọc để đánh tan sự im lặng khiến má Sáu hồi tưởng quá khứ.
«Ngân hàng Thủ đô, ngân hàng lớn nhất Sàigòn, bị đánh cướp.
Lần thứ nhất một ngân hàng ở Sàigòn bị đánh cướp. Bọn gian đã táo tợn chọn ngân hàng lớn nhất, ngân hàng Thủ đô, tọa lạc trên đường Sạc-ne, để ăn hàng. Chúng đã hạ sát 2 người và ẵm đi một số tiền rất lớn.
Theo tin chính thức, hồi 17g55 chiều qua, 5 phút trước khi ngân hàng Thủ đô đóng cửa thì có 3 thanh niên phục sức sang trọng, xách cặp da khoan thai bước vào, đến ghi-sê. Khi ấy, nhân viên ngân hàng đã sửa soạn ra về. Tình trạng thân chủ đến gửi tiền muộn thường xảy ra, ngân hàng lại không dám làm mất lòng khách hàng nên người phụ trách ghi-sê vẫn tiếp họ.
Một thanh niên đặt cặp da lên ghi-sê, rút súng, hạ lệnh ai ở yên chỗ nấy. Thanh niên thứ nhì buộc viên phó giám đốc mở két lấy tiền. Bọn gian đang bỏ tiền vào bao thì người lính gác ngoài thềm ngân hàng xô cửa. Y thấy bọn gian, y chưa kịp rút súng thì bị trúng đạn giữa ngực, ngã chẽt tại chỗ. Viên phó giám đốc có cử chỉ rục rịch phản công cũng bị bắn chết.
Đúng 18 giờ, bọn gian ung dung rút khỏi ngân hàng. Chúng trèo lên xe hơi do đồng bọn đậu sẵn và tẩu thoát mất dạng. Lệnh báo động được ban hành ngay sau đó, các ngả đường quan trọng ra vào thành phố bị chặn nút. Đến giờ báo lên khuôn, chúng tôi được tin bọn gian vẫn cao bay xa chạy.
Nhà chức trách chưa có lời tuyên bố nào về vụ đánh cướp táo bạo theo kiểu găng-tơ Mỹ này. Bản báo đặc phái viên vặn hỏi các nhân viên ngân hàng có mặt đã phăng ra một chi tiết đáng lưu ý. Chi tiết này là một trong ba tên cướp luôn luôn huýt sáo miệng. Hắn huýt sáo miệng rất nhỏ song rất tròn trịa và êm ái. Dường như hắn chỉ huýt đi huýt lại một bài ca trữ tình do một nhạc sĩ người miền Bắc sáng tác trưóc ngày toàn quốc kháng chiến.
Nhân viên ngân hàng cả quyết đó là bài Con thuyền không bến. Chi tiết này được trình báo với Sở Cảnh sát. Người ta tin rằng Sở Cảnh sát đã biết rõ căn cước của bọn gian, đặc biệt là tên huýt sáo miệng, và đang ráo riết truy tầm...”
Mỹ Dũng buông tờ báo. Má Sáu ngồi thẳng, vầng trán răn riu. Má thường có cử chỉ này mỗi khi bị bệnh tê thấp hành. Hễ trái nắng, trở trời là các khớp xương của má kêu răng rắc, da thịt đụng nhẹ là đau nhói, má phải trữ thuốc cao dán và rượu bìm-bịp như người đầu cơ tích trữ thóc lúa để bán giá cao. Mỹ Dung đặt tay lên vai má Sáu, giọng lo lắng:
- Để cháu đấm bóp cho cô.
Má Sáu đáp:
- Không, cô không đau. “Con thuyền không bến” là bài ca gì, hả cháu? Cô đi coi cải lương hoài mà chưa nghe nói tới.
- Đây là tân nhạc mà cô.
- À, à... tân nhạc. Già thì mê cải lương, còn trẻ thì thích tân nhạc... chắc thằng tướng cướp huýt sáo còn trẻ lắm. Nó bao nhiêu tuổi hả cháu?
- Nhựt trình không thấy nói.
- Chừng nào trong ra-dô có bài «Con thuyền không bến» cháu mở cho cô nghe.
- Tuần trước cháu đã ca rồi đó.
- Ca hồi nào?
- Trời ơi, bữa đó mưa thối nhà thối đất, mưa tầm tã từ sáng đến tối không thèm tạnh, cháu rót rượu bim-bịp cho cô, rồi chẳng hiểu sao cháu ca nho nhỏ, cô nhỏm dậy ôm cháu khóc mùi, cháu hỏi thì cô đáp «tao nhớ nó quá». Thôi, cháu nhắc lại làm chi để cô thêm buồn. Bây giờ cháu đọc tiếp Truyện kiếm hiệp hôm nay đến đoạn thật hay...
Giọng má Sáu bâng khuâng:
- Đến đoạn thật hay à cháu? Nhưng cô không muốn nghe nữa. Cô nhớ ra rồi. Bữa đó cô đau, phần vì trời mưa ẩm ướt, phần khác vì cô nghĩ đến nó. Bốn năm rồi, cháu ơi. Cũng bữa đó, trời mưa tầm tã cách đây 4 năm, nó bỏ cô mà đi...
- Anh Hiếm!
- Ừ, thằng Hiếm. Thằng Ba Hiếm. Thấm thoát đã 48 tháng. Nó lớn hơn cháu 5 tuổi. Vị chi nó 24. Từ 4 năm nay, cô nhớ quay, nhớ quắt. Chẳng biết giờ này nó chui rúc ở đâu. Chứng nào, tật ấy, chắc nó lại chơi bời bậy bạ, lường gạt, cướp bóc... nè cháu?
- Cô cần gì cháu?
- Cô sợ lắm, cháu ơi!
- Cô sợ gì?
- Khỏng rõ nữa. Cô sợ cho nó. Trời tối chưa cháu?
- Chưa. Nhưng cũng sắp. Dạo này ngày ngắn, chưa chiều đã tối.
- Cháu đóng cửa sau chưa? Lát nữa, mưa to lắm. Cháu thắp hương trên bàn thờ cho cô.
Mỹ Dung rùng mình nhìn má Sáu. Hồi nhỏ, nàng đã học hết bậc tiểu học. Nếu gia đình nàng không gặp tai biến để bị khánh kiệt, và nếu nàng không có nhan sắc mặn mòi nàng đã lên tỉnh theo học ban Thành chung. Vì hoàn cảnh nàng phải làm bạn với anh tài-xê. Để rồi... khuôn mặt mĩ miều của nàng bị ngọn lửa ghen tuông tàn phá...
Thật ra má Sáu là dì bên ngoại, hơi xa, nhưng vì cả má Sáu lẫn Mỹ Dung không còn ai thân thích nên gọi bằng cô cho gần. Theo ngành thứ thì nàng là chị của Hiếm. Vì nàng kém tuổi, từ nhỏ Hiếm đã lự nhận là anh.
Má Sáu đứng dậy lặng lẽ bước qua bậc cấp và ngưỡng cửa để vào nhà. Mặt má nghiêm nghị khác thường. Má thường cúng Phật trước khi trời tối. Những khi cúng Phật má thường có thái độ nghiêm nghị như vậy.
Bỗng dưng Mỹ Dung run lẩy bẩy. Má Sáu bị mù nên vành tai rất thính, má nghe rõ tiếng động nhỏ ở xa, có đêm má nghe được âm thanh vi-ti của lá vàng rụng ngoài vườn. Má còn nghe được những thay đổi của thời tiết. Việc má đoán Trời sắp mưa không lấy gì làm lạ.
Vậy mà hôm nay Mỹ Dung lo sợ.
Má Sáu đưa một bàn tay lum khum trên tai, rồi kêu:
- Mỹ Dung ơi! Cháu nghe thấy gì không?
Mỹ Dung nín thở:
- Cháu chẳng nghe thấy gì cả.
Một cơn gió mạnh thổi ầm ầm qua lũy tre, những trái cây xanh trong vườn bị giựt rơi lộp bộp. Tiếng mưa rơi. Tiếng gió, tiếng quả rụng, và tiếng mưa rơi là những tiếng động thông thường. Chắc má Sáu muốn nàng lắng nghe một thanh âm nào khác, một thanh âm kỳ dị nào khác....
Bàn tay gân guốc của người đàn bà góa bụa ngũ tuần run run:
- Có người, có người, cháu ơi!
@by txiuqw4