sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần II - 7 - -

Lúa thỏ thẻ nhú đòng dưới ruộng. Những mảnh nương sèo đỏ nhợ màu chân hương ngày qua đã thẫm màu trông như những mảnh gấm. Rải rác bên đường, những cây chè sống lâu hơn một đời người, sau vụ xuân, ngọn non xoã toả rườm rà. Mưa xói mòn những vệt đường nhỏ. Không khí phảng phất mùi ngải cứu và mùi nhựa thông khô.

Đi được một đoạn, Pao đứng lại chờ Tích và Pùa. Hai anh em mải chui vào bụi mâm xôi bên đường bứt quả ăn. Môi anh Trung đội trưởng đỏ như môi con gái.

- Mâm xôi trên vùng cao này bự quá. Sắp đến Phéc Bủng chưa, anh Pao?

- Sắp đến xóm ngoài rồi - Pao quay lại giục thằng Pùa - Em đi trước đi.

Pao và Tích đi ngang hàng nhau. Khẩu poọc-hoọc bao gỗ vàng ánh đập bịch bịch ở hông Pao.

- Anh Tích à. Tôi theo Cách mạng hơn ba năm rồi. Quả là bây giờ mới thấy có chỗ không đồng ý với chính sách của đoàn thể. Anh bảo làm thế nào bây giờ?

Nhìn Tích, mặt đăm đăm, Pao tiếp:

- Nói cụ thể như cái việc thu súng. Cả cái việc thu thuế nữa. Vừa không làm được, vừa mất lòng dân.

- Anh có thể báo cáo với cấp trên chứ?

- Cấp trên là ông Vận ấy à? Thế thì nói với hòn đá còn hơn!

Pao đáp vùng vằng, dấn lên. Tích vội đuổi theo, níu tay Pao:

- Anh Pao à, nghe tôi nói đã. Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới. Cái mới tức là cái ta chưa làm bao giờ nên chưa biết. Vì thế…

Tích ngắc ngứ. Mọi việc còn rắc rồi, khó hiểu quá. Đánh trận, nã súng vào kẻ thù, xem ra có vẻ dễ hơn. Giành được chính quyền rồi, thực hành chính sách với dân, quan hệ với đồng chí… hoá ra có nhiều cái khó. Rõ ràng có nhiều cái cứ thấy ngờ ngợ là không đúng, chẳng hạn như tư cách ông Vận và cả lai lịch ông ấy, nhưng chẳng lẽ Cách mạng, đoàn thể lại có thể nhầm lẫn? Tích vốn là lính Quốc dân đảng, dù chưa hề bắn phát súng nào, nhưng cũng vẫn là đã dính líu với đế quốc, phong kiến, mà dám nói đoàn thể sai ư?

- Anh Pao à! Theo tôi, trước hết ta cứ phải chấp hành cái đã.

- Thì đã đành!

Pao gắt khẽ, định nói điều gì lại ngậm miệng, mặt lầm lầm. Thằng Pùa ở phía trước vừa reo:

- Anh Pao ơi, Phéc Bủng kia rồi!

Chó sủa ran, hỗn độn. Rấu rấu, gầu gầu, hức hức, háu háu. Đủ hết các cung bậc, hằn thù và giận dữ. Nổi trên cái dàn nhạc lộn xộn inh tai ấy là giọng sủa toang toang dóng một, rất đĩnh đạc của một con béc-giê. Con này của seo phải Seo Cấu. Cấu mua lại của quan Tây Phơ-rô-pông. Chiến tranh, ly loạn bất an, nhà nào cũng phải nuôi chó. Cái thôn heo hút, có đường nối sang Pha Linh, có đến hơn trăm con chó. Lúc ấy phải đến nửa số chó trong thôn tập trung ở quanh sân nhà seo phải Seo Cấu, nghếch mõm sủa vào một bóng đàn bà ở giữa sân. Người đàn bà gầy còm, váy áo tơi tả, tóc xoã rối bù, ôm một khúc gỗ. Tiếng chó sủa không át được tiếng hát lanh lảnh của chị: Trời hỡi, ngủ ngoan, con gái mẹ à.

Chị vừa đi vừa hát ru khúc gỗ. Lũ trẻ đứng ở ngoài rìa sân thấy chị sắp tới là bỏ chạy, miệng la: "Mụ ma! Mụ ma chúng mày ơi!". Trong khi ấy ở hiên, một bọn người mặt mày dữ tợn mới từ đâu đến, buộc ngựa ở rìa thôn, vẫn điềm nhiên ngồi uống rượu; thỉnh thoảng đưa mắt thấy người đàn bà điên dại có một cử chỉ quái dị, lại rộ lên cười hô hố. Cái cảnh ấy diễn ra từ trưa. Buổi chiều, người đi nương về, qua đó, không ai dừng lại. Ai cũng cắm mặt đi qua. Và mủi lòng, vắt mũi: "Khổ cô Seo Ly quá". Cô Seo Ly khổ quá thật! Mười sáu tuổi đàu đã là con dâu gạt nợ của nhà seo phải, là vợ của seo phải Seo Cấu mà khổ nhục còn hơn con trâu con ngựa. Vì thui thủi vất vả, vì trăm việc đổ lên đầu, vì mẹ chồng và chồng ác độc còn hơn thuồng luồng, hổ dữ, ma quỷ. Seo Ly khổ lắm. Seo Cấu đánh Seo Ly truỵ thai. Ly chết đến bảy phần rồi. Ba phân chưa chết là vì còn đứa con, đứa con gái ốm quặt quẹo nhưng là hòn vàng hòn bạc của Ly. Ly sinh con nằm nhà chưa đầy tuần, mẹ chồng đã hét: "Mày là con ăn hại. Mày để cỏ mọc đầy nương thuốc thế à?". Ly gượng dậy, địu con, cầm cuốc đi. Cái nương thuốc rộng bằng một hơi ngựa chạy. Không còn sức mà địu con vàng con bạc nữa, Ly treo địu con trên cây. Chị nạo cỏ nương hết hơi hết sức, chiều về cởi địu bế con thì ôi thôi, lũ kiến vống đã bâu đầy hai mắt con. Ly khuỵu ngay xuống đất, Ly tưởng mình chết theo con ngay bấy giờ. Vậy mà lạ quá, tỉnh dậy lúc sương xuống, mắt chị vẫn khô. Chị quấn con bằng cái yếm và lặng lẽ đào hố chôn con. "Con về trước nhé. Thế là đời con hết khổ rồi”. Âu yếm dặn dò con rồi chị trở về nhà.

Giờ thì chị là cái xác cô Seo Ly tàn tạ đang múa hát, huyên thuyên nói cười kia. Mặt chị xám xịt, đen bầm những nốt tàn nhang. Mắt chị chỉ còn hai cái lòng trắng. Đi đến chuồng ngựa, lấy cái địu, chị bảo lũ trẻ là chị đi lấy thịt người. Chị bước lại chuồng lợn, gọi con lợn là con, dặn nó chịu khó ăn chóng lớn, rồi chị mở dóng chuồng cho nó chạy ra. Trở lại ôm khúc gỗ, đung đưa hai cánh tay, chị hát.

- À ơi… đẻ con gái mẹ chôn nhau gầm giường… Con cá ở dưới nước. Con chim ở trên trời. Con đẻ ở cửa bếp. Con chết trên cửa trời…

Bọn uống rượu ở hiên đứng dậy, đen ngòm như lũ quạ. Một tốp nữa ở đâu mới tới. Một tên thọt. Một thằng rách tai. Một gã mắt lác. Chúng chỉ trỏ Ly và cười sằng sặc. Nhưng chúng vội đứng dạy, chạy toé ra hai đầu hồi. Từ giữa sân, chị vừa múa và hát và tiến lại cái hiên, bất thình lình dậm chân đánh pạch, chị chĩa khúc gỗ như chĩa khẩu súng vào bọn chúng, hét khàn rè:

- Con tao biến thành khẩu súng bắn chúng mày, lũ hổ xám, hổ vằn, hổ thọt, hổ rách tai, hổ lác mắt kia! Hé… Chúng mày vào nước khỉ, chúng mày biến thành khỉ, thành ma!

Thằng thọt chân và tên mặt sẹo cùng la: "Seo Cấu ơi! Cho nó ăn trứng đi, mày!". Thằng mắt lác kêu: "Kinh quá! Seo Cấu ơi! Cho nó về với giun đất đi!” Bọn áo đen quát: “Mày còn để con ma mà thờ à, Seo Cấu!". Seo Cấu cúi xuống nhặt thanh củi. Thanh củi bay về phía Seo Ly khi Seo Ly đã nhảy sang chỗ khác. Quay lại, Ly cười khanh khách: "Tao là cô tiên, tao tránh được đạn của chúng mày". Seo Cấu giơ nắm đấm:

- Cút mẹ mày đi. Cút mẹ mày theo thằng Pao đi!

"Pao!" Âm thanh này sao mà kỳ lạ vậy. Mặt Ly đang dài dại bỗng ngây đờ, rồi mắt Ly đảo quanh như tìm kiếm. Bọn quạ đen giậm chân:

- Seo Cấu, mày hại bọn tao!

- Cho nó về với tổ tiên đi!

- Cấu! Nó đi gọi thằng Pao thật kia kìa!

Seo Ly dún chân chạy. Nếp váy rách lùng bùng. Nhưng, chị chỉ chạy được quá cái sân ba bước, đã ngã giụi mặt sấp xuống bùn. Tiếng súng giết chết Seo Ly dội đến tai Pao lúc Pao sắp bước vào Phéc Bủng. Lúc ấy, Pao bỗng cảm thấy không khí đã ấp ủ điều gì bất trắc.

Đuốc thông pơ-mu bốc khói hăng hắc sáng ngập ba gian nhà cỏ. Pao đứng trước cái bàn thấp, bóng in vào vách, to như chàng khổng lồ trong cổ tích. Thằng Pùa ngồi cạnh anh Giống bế con bé Seo Hoa mắt như hai hột nhãn. Tích đeo tiểu liên xi-ten đứng ở gần cửa, tay khoanh trước ngực.

Pao nói, tiếng to nhưng dễ nghe:

- Nước ta là nước có nhiều dân tộc. Tỉnh Lào Cai ta cũng vậy. Có những hai mươi dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục, kiểu áo quần khác nhau, nhưng mặt cùng là thịt, lưng cùng là máu, cùng là anh em đoàn kết như năm ngón tay nắm chặt lại. Vì sao, vì tất cả các dân tộc đều bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột. Bây giờ càng phải đoàn kết với nhau. Vì cùng nghèo khó, phải giúp đỡ lẫn nhau tiến lên đời xã hội chủ nghĩa sung sướng như Liên Xô. Nhưng, đoạn đời sau ta bàn sau. Đoạn đời trước ta bàn trước. Ta nói đoạn bây giờ. Đế quốc áp bức bóc lột nó có phân biệt dân tộc đâu. Người Kinh dưới đồng bằng cũng khổ như người Hmông, người Dao trên núi cao. Đoàn kết, đó là chính sách của Đảng và Chính phủ. Các dân tộc bình đẳng, tương trợ nhau, đó là thực lòng mong muốn của Đảng và Chính phủ. Đế quốc, phong kiến, trái lại, nó rất sợ ta đoàn kết. Vì năm ngón tay riêng rẽ thì nó bẻ dễ, nắm chặt thành quả đấm thì nó thua.

Pao ngừng lại. Tưởng mọi người nghe sẽ xôn xao hưởng ứng. Nhưng không. Im phăng phắc suốt ba gian nhà cỏ. Pao nuốt nước bọt đánh ực, giọng cố tình dâng cao, mạnh mẽ.

- Tôi không biết nói dối. Điều hay sáng rõ như mặt trời, không ai che được. Ai nói trái điều ấy thì, hoặc là cố tình phá đoàn kết. Chưa hiểu thì nói cho hiểu. Còn cố tình thì phải phê bình, giáo dục. Vừa rồi, mở lớp học cho người lầm đường cũng là để giúp đỡ họ tiến bộ. Chứ có bắt ai, đánh ai đâu! Thế nhưng không ai chịu đến học cả!

Pao lại ngừng nói. Vì cảm thấy lời mình nói như rơi vào một khoảng không thăm thẳm. Hơn ba chục người, toàn đàn ông, trai tráng - sao lại toàn đàn ông trai tráng? ngồi như cột đá, mắt giương lên, trân trân, không tình cảm. Không khí có cái gì đó rất đáng hồ nghi. Đứng ở cửa. Tích thấy ngôn ngốt. Anh không biết tiếng Hmông, nhưng thấy rõ là Pao đang ở trong tình trạng bị cô lập.

- Chào bộ đội! - Chợt có tiếng chào, giọng Kinh lơ lớ.

Tích quay ra cửa. Ánh sáng đèn từ trong nhà hắt ra, lấp loá một cái mặt sẹo chạy dài qua má.

- Anh vào họp đi!

- Tôi đứng ở đây nghe cũng được - Cái mặt sẹo tiến đến sát Tích - Anh có khẩu súng mới nhỉ?

Nghe tiếng Tích, thằng Pùa lỏn ra. Chỉ có mình Pao, Pao thấy quanh mình vắng vẻ quá. Cái cảm giác ấy càng ám ảnh Pao khi Pao nói về việc đóng thuế nông nghiệp. Việc này, Pao chưa thông đâu. Nhưng khi đối mặt với sự lạnh lùng thờ ơ của mọi người thì Pao bỗng hiểu rằng, vị trí của Pao là bảo vệ những điều đã quy thành chính sách. Giọng Pao như có hơi lửa. Nhưng Pao vẫn cảm thấy đơn độc thế nào, trong lần dừng lại này. Trong đám đông mờ mờ có những tiếng cựa quậy, tiếng ngáp, tiếng gãi và đâu đó cứ âm thầm rỉ rả giọng một người nào đó lan từ góc này tới góc nhà kia.

- Ông nào nói gì thì nói to lên nào? - Pao ngó trái, ngó phải, hỏi dõng dạc.

- Nói gì đâu! - Một giọng lè nhè ở phía sau Pao đáp lại.

- Cứ nói đi!

Không! Chẳng ai nói cả. Đám đông ngủ không ra ngủ, thức không ra thức. Nhưng rõ ràng là không dửng dưng với những lời Pao nói.

- Ai có ý kiến thắc mắc thì hỏi nào?

Pao hỏi, ngồi xuống, nhìn về phía sau. Hình như mọi người đều đã tỉnh ngủ. Pao nhìn thấy mấy chục cái đầu cùng ngẩng cả lên. Trong Pao, những linh cảm đã tích tụ, giờ đây bỗng hợp lại thành một nhận biết chói loà: Pao đang ở trước một nỗi nguy hiểm. Anh đưa mắt tìm Tích. Thấy một cánh tay giơ cao xin nói, Pao như cất được gánh nặng:

- Nào, nói to lên, bà con. T

rong bóng tối mờ ảo, có cái gì đó ngọ nguậy rồi bật lên một giọng nói trẻ trung và gai góc:

- Lúa vừa vào đòng, cú cáo đã về. Trứng mới ấp đã đếm gà con à, Chính phủ!

- Khá khá…

Cái đám người tưởng như thì lì bất động trước Pao bỗng phá lên một hồi cười, cười thật khoái trá, khả ố phụ hoạ cho câu nói xỏ xiên nọ. Ngay lúc ấy, ngoài cửa Tích bỗng hét: "Đứng im, lui ra!”. Pao đứng phắt dậy. Đám đông như những cành cây bị vít, ngay lập tức, đồng loạt bật dậy. Pao quài tay về phía sau, nơi đeo khẩu poọc-hoọc. Nhưng không kịp rồi. Xổ ngay tới trước mặt Pao ba bóng đen. Một ngọn súng ngắn chĩa thẳng vào ngực Pao.

- Đứng im! Trời hạ lệnh tao đến thu thuế mày đây!

Quanh Pao, những bóng đen hung tợn đã vây kín. Những hàm răng nhe trắng ởn, những tiếng rít gầm ghè:

- Trói nó lại!

- Pứi, đánh bỏ mẹ nó đi!

- Chung cào nả, mày theo bọn Cheo chi (Người Kinh) hả?

Rất nhanh, Pao vung tay đập mạnh vào ngọn súng. Đoàng! Viên đạn nổ chúc xuống đất. Pao đấm mạnh vào mặt tên cầm súng và cúi xuống, nhấc cái bàn giơ lên cao. Đoàng! Đoàng! Ngoài cửa vang mấy tiếng súng nổ. Thằng Pùa gào:

- Chạy đi, anh Pao!

Pao văng chiếc bàn con. Đuốc pơ-mu phụt tắt. Huỵch, một bóng đen ngã. Lố nhố những cái bóng ngoài khung cửa. Tiếng la thét ồn ĩ. Căn nhà lộn nhào.

"Tích nguy rồi". Pao múa cái bàn mở lối. Bọn vây Pao giạt ra. Pao lăng cái bàn, tọt ra cửa, rút khẩu súng. Một băng tiểu liên vút lên trời một đường đạn đỏ lừ. Tích đang bị một bọn khác vây ở ngoài sân. Bọn trong nhà ồ ra. Pao chĩa khẩu poọc-hoọc:

- Đụng đến tao, chúng mày chết!

- Anh Pao, chạy đi!

Thằng Pùa lại gào ở phía sau Pao. Mồm nó bị kẻ nào đó bịt chặt. Nó giãy giụa. Một mảnh đuốc rơi ở sân lem lém cháy. Có tiếng người thở rộn rực sau Pao. Tích đang đánh nhau với bọn chúng bằng báng súng. Pao giật lùi. Bọn vây Pao nhích theo theo bước lùi của anh. Nhưng, anh thấy rõ là mình đang ở trong thế bất lợi. Chẳng lẽ anh lại nổ súng vào bọn này. Chính trong cái phút do dự ấy, một tên đã phang gậy trúng vào bắp chân anh. Anh thấy ê cả nửa người. Anh giơ súng lên trời, nổ một phát và thét: "Lui ra!" Nhưng, bốn năm bóng đen đã nhảy xổ vào anh. Mặt anh tối sầm. Một cái chăn ụp rơi xuống đầu anh. Anh gạt nó ra thì bị một thanh củi đập trúng đầu. Anh ngã dập xuống đât. Loáng qua mặt anh một ánh dao sáng rợn và tiếng cười khằng khặc rất quen:

- Hế hế… Trời hạ lệnh tao đến thu thuế mày đây! Pao! Có nhận ra tao không, hà!

Tiếng cười khằng khặc rất quen ấy là của Lử. Thật là Lử đây. Lử ghé lại, nháy mắt đểu giả, rồi bỏ lại sạp bàn đèn. Pao bị trói chân trói tay vào cái cột chính giữa nhà. Đuốc pơ-mu thắp sáng, cháy giần giật và những khuôn mặt vây quanh Pao nhập nhoạng, biến hình như ma quỷ.

- Xem mặt thằng chủ tịch Việt Minh nào!

- Há! Trùm sỏ là nó đấy!

- Đ. mẹ, bắt được hổ dữ phải ăn mừng chứ?

- Thế nào, mày còn bắt chúng tao đóng thuế nữa không?

Rịch rịch… một tốp ba thằng áo đen từ ngoài sân bước vào. Ánh đèn pin vung vẩy. Một thằng nhổ nước bọt:

- Thằng bộ đội chạy mẹ nó rồi!

- Thằng oắt đâu?

- Nó lủi như con cuốc? - Đ. mẹ, nòi Cộng sản đấy! Không diệt nó, lớn lên nó lại làm chủ tịch thu thuế mày.

Áp vào mặt Pao một cái mặt mỡ quen quen. Pao chưa kịp nhận ra thì bị một cái tát vẹo cả mặt. Cái mặt mỡ đứng lui ra, chống tay lên háng:

- Có nhớ bố mày không? Bố mày ở Tả Van Chư! Đi đóng thuế gặp mày. Hoá ra mày là Cộng sản! Há! Mày định cộng thóc lúa. Nhưng ông đã lấy lại hết! Há!

Trán Pao có một vết dao sượt. Vết sượt ứa máu. Lòng Pao ứa máu. Nhất là khi bọn nổi loạn đã tản ra, ngả bàn đèn, hút và ồn ào ăn uống. Pao đã nhận ra mặt bọn này. Không phải chỉ có bọn Phéc Bủng. Không phải chỉ có bọn sảo quán ở Pha Linh! Còn có cả người Tả Van Chư, Lũng Phìn… Còn có cả những lính dõng cũ ở Can Chư Sủ. Và khi Pao nhận ra một bóng cao gầy cứ lom khom cúi mặt, đứng ở xa giống hệt lão Giàng Súng thì Pao rực lên nỗi uất nghẹn: "Trời! Chúng đã hẹn hò nhau ở đây để nổi loạn mà mình không biết!"

Pao không đau vì vết chém, vết đánh. Pao không đau da, đau thịt. Pao đau từ quả tim, lá gan. Pao còn ngờ nghệch lắm. Pao hớ rồi. Pao thua chúng một keo cay đắng quá. Đành rằng mọi việc đều mới mẻ, và không ai có thể lường trước được tất cả. Nhưng, sai lầm như lần này thì không sao gỡ được nữa. Chao ôi! Cách mạng là con đường gian nan. Nhưng với dân tộc Pao thì con đường còn gian nan gấp bội phần. Rồi đây, sẽ còn phải hy sinh bao nhiêu nữa, làm lại bao lần nữa cuộc cách mạng này. Dân tộc Pao còn vất vả. Nó phải vượt qua chính nó. Và chặng đường nó đi còn biết bao hy sinh nhọc nhằn!

Nỗi đau càng khuya càng nhức tấy trong Pao. Cách đây ba năm Pao cũng bị bọn Lử - Seo Cấu bắt trói ở thôn Phéc Bủng này. Sự việc lần này như là lặp lại mà không hoàn toàn giống thế. Lần trước, anh bị chúng bắt vì đi cứu Seo Ly. Cái điều lần trước còn ngờ ngợ thì lần này đã thực sự rõ ràng. Anh là Cách mạng, chúng là bọn phản động. Anh và bọn chúng không thể đi cùng một con đường. Trời lúc ấy đã mờ mờ sáng. Bọn nổi loạn đang ngủ trong nhà bỗng chồm dậy, vội vàng đeo dao súng vào người. Lử từ khay bàn đèn đứng lên, đi đến trước mặt Pao, bất ngờ hầy một tiếng, hắn vung nắm đấm đấm trúng ngực Pao.

- Đ. mẹ, trói chặt nó vào, năm nào tao trói nó vào cây vông, nó nhổ bật cây vông lên, trốn mất đấy!

Ngực Pao tức nghẹn. Đầu Pao ngoẹo một bên. Nhâu nhâu trước mặt Pao những cái mặt thú dữ. Chúng lại rủa xả, lại chửi bới, lại kể tội Pao thu súng, thu thuế, bắt bỏ thuốc phiện…

- Cho nó xuống âm phủ đi thôi, Seo Cấu ơi!

- Tao muốn cho nó sang Pha Linh để Châu Quán Lồ buộc nó vào ngựa.

- Ông cắt tiết mày!

- Chôn sống nó đi!

Nhao nhao quanh Pao những cơn khát máu, những riết róng báo thù. Pao mở trừng trừng hai con mắt xót đắng. Pao nghiến răng. Đứa nào kia? Lão Giàng Súng. Còn lão béo đứng cạnh lão là lão quản ma ư? Đóng bộ đồ sĩ quan, chân đi giày săng đá, Lử rộp rộp bước tới:

- Pao, tội mày nhiều lắm! Riêng với tao, tội cũ tao tạm bỏ, nhưng tội mới: mày trói tao hôm nọ, đáng chết lắm rồi.

Pao ngoảnh mặt đi. Lử kéo khẩu súng ra trước bụng:

- Này, Pao, tao không đưa mày sang Pha Linh đâu. Châu Quán Lồ tao coi như con vắt. Tao hơn nó một ngọn núi. Bây giờ tao muốn nói chuyện tử tế với mày. Tao vẫn coi mày là em. Được không? Thế này, Pao ạ. Mày có tài đấy, quay về với tao, tao chia cho nửa chức. Bằng lòng chứ! Quay về với người Hmông đi! Vai chỉ huy ta chia nhau mà, Pao!

A! Nó dụ dỗ Pao. Thằng ngu, nó dùng điều thô sơ ấy để lung lạc lý tưởng mà Pao đã nhận ra bằng sự thể nghiệm sâu xa của mình. Bất giác Pao mỉm cười.

- Về chứ! Về với tao, với dân tộc Hmông!

- Dân tộc Hmông là tao!

- Cái gì?

- Nói thế nào để mày hiểu được nhỉ!

- Cứng miệng quá đây! Thôi, cho nó đi!

Hai tên mặc áo đen cởi trói Pao, đẩy Pao ra cửa. Tang tảng sáng. Sương bốc ngút ngát. Tiếng chim hoạ mi trong thung rộ lên mở một ngày mới. Pao thoáng nhớ tới con chim mộc. Dội lên trong anh những khoảng khắc hiếm hoi của đời người. Đêm trăng bên bờ sông Chảy, khuôn ngực trắng nhẫy của Seo Cả, bàn tay chị rờ rẫm dọc lưng anh và cơn đê mê chìm đắm của hai người.

- Đi nhanh lên đến Nước Sung Sướng của mày!

Một tên đẩy lưng Pao, vừa nói vừa cười. Pao quay lại trừng mắt. Phía trái Pao có tiếng chân bước rình rịch. Mờ mờ trong làn sương đặc hiện lên ba con ngựa thồ và ba bóng người bước vội.

- Na nủ Lử! Súng, đạn lấy ở kho đến rồi đấy!

Tiếng ai như tiếng lão Sếnh. Pao quay mặt đi, hai cánh mũi Pao cay xè. Lử đập tay vào những bọc thồ trên lưng ngựa:

- Được! Cởi ra rồi đưa về nhà đi. Đủ sức lấy phố châu rồi đấy. Còn thằng A Sinh đâu?

- Dạ, nó đây ạ. Phía sau hai con ngựa, một bóng người bị trói đang ngồi khóc đầu gục trên gối. Pao quay lại và anh không ngờ mình cất tiếng gọi to như thế:

- A Sinh!

Sinh đứng dậy, ngơ ngác. Lử cười hặc hặc, kéo Sinh lại rồi đẩy lên phía Pao:

- Nhập bầy với nhau đi!

Mắt Sinh nhìn Pao run rẩy. Pao khe khẽ lắc đầu. Sinh rên rỉ.

- Anh Pao ơi! Sinh tôi bị nó lừa. Sinh tôi đang ngủ ở lều nương thì lão thầy cúng A Da đến bảo: Về, chủ tịch Pao gọi. Sinh tôi ngồi dậy thì hai thằng ập tới, đè xuống trói! Anh Pao ơi! Hỏng hết rồi! Cả làng phản ta rồi. Còn mấy bà, mấy chị như bà Doa không theo chúng nó thì bị chúng nó gác cửa không cho ra ngoài.

Mắt Pao lừ lừ. Pao cố giữ cho khỏi bị choáng. Bọn Lử nổi loạn to rồi! Mặt Sinh vẫn đàm đìa nước mắt. Sinh không nhát gan. Nhưng Sinh là người uỷ mị. Lử dấn lên mấy bước.

- Đứng lại! Các anh đi đâu? Hả?

Lử quát. Hai con ngựa từ phía trước phi tới dừng lại trước mặt Lử, hí hách hách. Lử nhảy lên kéo cương một con ngựa, cau có:

- Bên Pha Linh các anh thế nào?

- Na nủ chúng ta vẫn ở Lao Pao Chải!

- Hứ, về bảo ông ấy khởi sự đi. Khởi sự phối hợp đi! Đồ con thỏ!

Hai con ngựa quay quay rồi vút đi. Pao cắn chặt môi. A Sinh bỗng ngồi thụp xuống, Lử đi lên, cười khẩy:

- Mày lại muốn tránh đạn tao đấy, hả? Hôm ấy mày tránh đạn tài đấy. Bây giờ mày dạy thằng chủ tịch của mày tránh đạn đi!

Lử cúi xuống. Lúc ấy một đám sương từ dưới chân núi thốc lên và Pao bỗng nhận ra dưới chân Pao là một cái vực sâu, xanh đen cây lá. Xa xa dưới kia, Pao nhận ra cái phố châu nhỏ teo. Cùng lúc, anh nhớ tới cái nhà ông Vận rất đáng ghét. “Không gặp được ông ấy để nói những cái sai của ông ấy rồi”. Thế là hết! Không còn được yêu. Không còn được ghét. Lần này, Lử nhất định không để xổng anh. Nó nhất định giết anh rồi. Cuộc đấu tranh đã đến cái điểm nút. Quãng đời mới của Pao vừa mở ra đã khép lại, và khép lại mãi mãi, trong khi đời mới lại cần Pao, cần có hàng nghìn Pao đứng cái chịu sào.

Chính là ở cái lúc tưởng như tuyệt vọng này, trong Pao lại dâng lên một niềm khát khao sống thật mạnh mẽ. Pao phải sống. Pao cần phải sống để làm lại, để sửa chữa lỗi lầm, để hỏi tội kẻ ác, để nói chuyện với kẻ lá mặt lá trái. Phải sống vì Pao có Seo Cả. Ngợp lên đến nóng ran người Pao kỷ niệm bên bờ sông Chảy đêm nào và tiếng Seo Cả thỏ thẻ: "Em muốn mãi mãi được như thế này". Một ý nghĩ dị thường chợt loé sáng trong óc Pao. Chưa bao giờ Pao nghĩ tới điều đó. Pao không có đến vài giây để đắn đo. Và thế là, Pao quay lại, đạp thật mạnh vào lưng Lử, rồi co chân nhảy thẳng xuống cái vực sâu ở ngay dưới chân mình.

- Ối!

Bị đạp bất ngờ, Lử ngã sập mặt suống đất, nhưng hắn oằn người chồm dậy ngay. Bọn áo đen đang đứng ở phái sau rầm rập chạy lên. Từ bên bờ vực kéo tuột xuống sâu một vệt dài tiếng động rào rào.

- Thằng Việt Minh biến đâu rồi! - Lử gào thất thanh.

- Húi! Kinh quá! Nó là con ma thật rồi!

Bò ra bờ vực, Lử nhìn xuống. Lát sau hắn mới sực nhớ, vội chĩa súng xuống, quát: "Bắn, bắn đi, chúng mày! Nó là ma, nó là con quỷ nó cũng phải chết!".

Tiếng súng vang dưới vực sâu, phản hồi rền rã, nghe như tiếng sấm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx