sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần V - 7 - -

Pao nói nhẹ nhõm lúc sắp kết thúc cuộc họp.

- Số phỉ trên rừng rút dần rồi. Hai mươi, rồi mười, rồi tám, sáu, năm, hai. Giờ còn có một. Ấy là Lử. Bà con mình đã tin Cách mạng chưa? Thanh bình rồi. Giờ phải lo làm ăn. Lúa chín rồi, phải gặt đi không lợn rừng, khỉ nó phá hết. Có no thì mới yên ổn được.

Bà cụ Doa hưởng ứng:

- Chủ tịch Pao nói phải đấy. Có người chưa muốn gặt vì nghe người xấu nói, sợ phải nộp thuế. Nghĩ bên trái phải biết nghĩ bên phải. Rộng nghe thì sáng. Chính phủ này có phải chính phủ ngày xưa đâu. Cứ xem cán bộ Chính bị thương mà không hằn thù, cứ xem Cách mạng cải tạo người lầm đường, mở đường hiếu sinh cho anh em thì biết. Đấy, ai nói bộ đội ở đây mãi để cai trị mình thì giờ đã thấy chưa, bộ đội rút cả rồi.

Lão Sếnh gật đầu, lập lờ:

- Phải đấy! Giờ nước mưa chảy hết đi rồi. Chỉ còn lại ta sống với nhau.

A Sinh đứng ở cửa, vai khoác súng, trừng mắt:

- Ông Sếnh nói với ai thế?

- À, cái mồm này nói thôi mà. Mẹ cái mồm này nhé!

Lão nghiện vả bộp một cái vào má mình. Người người cười ồ. Rồi đứng cả dậy. Ngoài cửa bỗng lố nhố mấy bóng đàn ông. A Sinh quay lại: "Các anh đã về đấy à?"

Người tuông ra cửa. Bà cụ Doa kêu: "Giống, mày đã về đấy ư!”. Pao đi ra cửa. Thì ra hai chục anh em ở lớp cải tạo ngoài châu về. Về để gặt lúa cho nhà. Về để cày ruộng làm vụ đậu tương.

Pao kéo Sinh ra đầu hiên. Mặt Pao nãy tươi tỉnh, giờ lại khó đăm đăm. Bộ đội cán bộ rút cả rồi. Mặt Pao là mặt người lo việc.

- A Sinh à, thằng Lử còn một mình, nó có thể liều được lắm đấy. Có cách nào nhổ cái gai ấy đi không? Hay là bảo Giống, bảo Seo Cả đưa du kích lên vây rừng. À, nhưng nó chẳng còn ở đấy đâu. Thôi, tập trung vào gặt và làm đất đi. Thiếu đói cũng dễ sinh ra giặc giã đấy - Pao nói, bần thần cả người.

Tháng mười. Mùa làm ăn.

Trên những nương cao, mạch ba góc mùa thu chín đỏ sậm. Trong lũng nhỏ, lúa vàng chói chang, bồng bồng như bọt nước. Bếp nhiều nhà thành lò rèn, chí chát đêm ngày tiếng búa đập. Chè trên núi lại sắp vào vụ mới, búp tơ đã nhu nhú.

Can Chư Sủ dậy sớm. Mặt đất chưa sáng, lửa các bếp lò đã réo ù ù, chảo nước đồ bột ngô sôi lục ục. Ngựa cậm cạnh chân trên sàn gỗ đòi đi, khiến con trâu cũng khua sừng lịch kịch vào gióng chuồng. Cứ thế, cứ thế, tiếng động to dần, to dần, tới lúc người oà ra đường thôn, líu ríu con cái vợ chồng bồng bế, dắt díu nhau lên rừng, ra nương, xuống ruộng.

Cảnh làm ăn thật tình lâu lắm mới lại thấy, dù chưa thật hết phấp phỏng vì máy bay Pháp vẫn rì rì lượn qua lượn lại mỗi ngày, vì tiếng súng thỉnh thoảng lại thình lình nổ đánh đùng làm giật mình con trẻ.

Trong nhà hố pẩu, Pùa là người dậy sớm nhất. Chú là sức sống tươi trẻ, nhẹ nhõm nhất nhà. Bà mẹ kế, hai đứa em và cô bé Din còn ngủ, Seo Cả mới thức dậy châm đèn, Pùa đã nhảy ra sân tập thể dục, hô inh ỏi một, hai, ba… rồi một mình quay cái cối chè mới lắp vù vù. Hố pẩu ngồi uống trà nhìn ra, kinh hãi không hiểu nó quay thế làm gì, thì Pùa đã bỏ vào nhà, giội nước ào ào.

Ngày nối ngày, tháng nối tháng, Pùa đã thực sự là một chàng trai, mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá. Công việc sớm hoàn thiện thể chất của con người. Cái dáng lẻo khẻo đã mất. Bắp tay to ra. ống chân mườn mượt một lớp lông nâu. Vai rộng, cái cổ to và thẳng. Một ngày nào lão Giàng Súng đến chơi, kêu: "Húi! Tao cứ tưởng thằng Pao!". Pùa vênh mặt: "Thì đã sao nào?". Lão cười he hẹ, xỏ xiên: "À, Thế thì phúc cho họ Giàng!" Pùa thật là em Pao rồi, non trẻ hơn, nhưng linh hoạt, ngộ ngĩnh hơn. Đây là nói về tính tình, dáng vóc. Chứ còn về việc làm thì không thua Pao.

Pùa vác cái cày lên vai.

Cái cày to, bắp cày vòng cánh cung ôm ngực. Cái mũ đội chom hỏm trên đầu, áo cũn cỡn, quần rộng ống gấp lên tận đầu gối, trông Pùa cứ như chàng hiệp sĩ trong truyện cổ.

Con trâu ra tới ruộng, được bắc ách là đi. Ngựa kén người cưỡi, trâu chọn người cày đấy, đừng tưởng nó ngu. Ruộng bậc thang the le lưỡi trai. Sá cày uốn éo. Pùa nhảy bên trái, nhảy bên phải luống cày. Cái cày chúc mũi, ngửa mũi, khi chạy thẳng, lúc rạp nghiêng, lộ cái lưỡi cong vêu vỏ đỗ. Cày nương khó vì đá ngầm đá nổi. Mắt Pùa tinh, tay Pùa khéo, lưỡi cày đi từng đường gọn như xén. Cày ruộng cũng không dễ, mặt ruộng ngắn hẹp, tay phải khoẻ để nhấc cày luôn.

Pùa không biết mệt. Đi cày, hét oang oang. Trơ! Con trâu đi. Trua! Con trâu quay. Hoả! Con trâu đứng. Y như vị chỉ huy với người lính của mình.

Nắng lên. Trên cao, diều hâu lượn, dang đôi cánh cứng. Nó ngắm Pùa. Pùa giơ nắm đấm. Pùa vung tay ném. Cút đi, thằng giặc! Rồi cởi phăng áo giật cày, giục trâu đi phăng phăng. Mái núi bấy giờ ngập nắng, ồn ã tiếng thúc trâu.

- Nghỉ tay đã Pùa ơi! Cho trâu nó nghỉ mới chứ!

Nghe tiếng A Sinh gọi, Pùa cười hì hì, tháo ách trâu, cắm cái cày, đi lên ruộng trên.

Ruộng trên là ruộng của Giống. A Sinh đang ngồi cạnh ba khẩu súng gác dựng vào nhau, tay cầm cái điếu còn vương khói. Giống cũng vừa ngồi nghỉ.

- Pùa, mày có thích đi học không?

Pùa ngồi xuống bờ, bứt ngọn cỏ, nhai nhai, nhè ra:

- Học cái gì?

- Học chữ, học tính ấy.

- Không thích! Mà ai người ta cho đi.

- Thằng này lạc hậu. Hay là…

- Hay là cái gì?

Mắt A Sinh nhấp nháy, hất mắt xuống ruộng dưới:

- Vì cái bướm kia kìa!

- Hứ, đừng nói tục nhé.

Mặt Pùa bỗng đỏ rừ. Ruộng dưới có một cô bé vừa đến. Cô bé Seo Dín! Pùa lúng túng, bứt một ngọn cỏ nữa, chạy xuống. Dín ra dáng con gái rồi. Nắng phớt trên má. Vòng cổ hai cái, một cái hố pẩu cho, một cái chị Seo Cả tặng. Chân quấn xà cạp xoáy chôn ốc, thon thon. Mắt lóng lánh, bẽn lẽn. Tay đưa cho Pùa cái túi cơm ngô, cái ống nước mà mặt lại cúi gằm.

Pùa hít hít:

- Có cá nướng à?

Dín ăn chưa?

- Cá bắt ở sông đấy. Tôi mang cơm cho chị Seo Cả gặt lúa ở nương đây.

- Dín đi nhé!

Pùa ôm túi cơm, xách ống nước chạy lên. Pùa bỗng nhảy lên reo: "Anh Tếnh ơi". Sinh đứng dậy. Ruộng dưới có bóng ba người. Đó là Đắc, Phừ và chiến sĩ Tếnh. Họ đi tìm dấu vết Châu Quán Lồ, rẽ qua đây muốn gặp Quang Ngọc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx