sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Chú Sáu

Những vết máu loang lổ từ chân giường ra đến cửa phòng. Không đọng thành vũng lớn, tức là thương tích không lấy gì làm trầm trọng. Văn Bình không đoán được máu này là của ai, chắc là của kẻ địch. Chú Sáu đang ngủ, nghe tiếng động vội choàng dậy. Nhưng chú Sáu vốn ngủ say, khi chú choàng dậy thì địch đã lọt vào phòng, và chiếm được lợi thế. Địch toan bắt cóc chú thì chú kháng cự lại. Nhưng rốt cuộc chú yếu hơn địch, và chú bị khuất phục và dẫn đi.

Ngoài tấm vải nhàu nát và những mảnh ly chai vỡ, đồ đạc vẫn không bị suy suyển vị trí. Chú Sáu sống độc thân có khác, căn phòng của chú tiêu biểu cho chủ nghĩa bề bộn, nó là phòng ngủ, phòng đọc sách và là phòng... kho nữa. Cái tủ buýp-phê kê lọt trong góc có thể được coi là tiệm hàng xén thu nhỏ. Trên mặt được bầy đủ thứ, từ cây đèn bấm, cặp mắt kiến đến hũ cà-phê pha không cần lọc, và những chai tương, chai dấm, chai rượu đủ mầu...

Cạnh tủ buýp-phê là một cái tủ khác lồng kính chững chạc, đựng toàn sách. Chắc không phải truyện giải trí, mà là sách khải cứu nhức dầu mỏi mắt vì cuốn nào cũng dầy cộm, được đóng gáy da, in chữ vàng rực rỡ và được giữ gìn hết sức sạch sẽ. Chú Sáu được giới thiệu là bếp kiêm bồi phòng, kiêm luôn tài xế ban đêm cho Bửu Khoa, nhưng tủ sách thượng lưu này chứng tỏ chú là người có học. Không phải học lè phè. Mà là học cao.

Văn Bình hỏi Diễm Hà:

- Sách này là của chú Sáu?

Nàng đáp:

- Vâng. Chú Sáu là một gia nhân quái dị. Chú không đậu bằng nào cả mà dân khoa bảng học rụp xương cũng chưa theo kịp chú. Cái gì chú cũng biết, riêng về khoa học chú chưa chịu kém ai, dĩ nhiên chú chỉ khâm phục mỗi ông Bửu Khoa mà thôi. Chú đọc sách chăm chỉ hơn cả sinh viên sửa soạn kỳ thi nữa. Em không hiểu tại sao một người giỏi giang như chú Sáu lại nhận làm bồi phòng, đầu bếp và tài xế, quần quật từ sáng đến khuya, chủ nhật ngày lễ cũng không được nghỉ.

- Ngoài chú Sáu ra, không còn gia nhân nào khác nữa ư?

- Không. Tính nết Bửu Khoa buồn giận hiền dữ thất thường, có khi thay đổi một ngày cả chục lần thì ai dám làm gia nhân nổi. Nghe nói trước kia Bửu Khoa cũng có thuê nhiều người giúp việc, song họ đều rủ nhau đi hết. Khi em đến đây thì chú Sáu đã có mặt.

Văn Bình tẩn mẩn cầm một chai huýt-ky cạn non nửa, soi lên ánh đèn. Thường lệ, rượu huýt-ky ngon có mầu sắc đẹp, giờ đây, cơn khát đang giầy vò cơ thể, màu sắc nó càng đẹp hơn, và mùi thơm nó còn thơm gấp chục lần. Chàng mở nút, toan ngửa cổ dốc vào cuống họng thì Diễm Hà ngăn lại. Chàng vội hỏi:

- Cô sợ gì? Sợ thuốc độc phải không?

Diễm Hà lắc đầu:

- Không. Em thấy cái máy thu thanh của chú Sáu.

Máy ra-dô là loại máy thông dụng trên thế giới, mán mọi trong rừng rậm Phi Châu còn không ngạc nhiên thì chẳng lẽ Văn Bình lại ngạc nhiên. Tuy vậy, chàng vẫn tạm ngưng thưởng thức rượu mạnh thần tiên, ghé mắt vào cái ra-dô 9 băng toàn bằng tăng-di-to của Nhật, mang tên một hãng rất quen thuộc là Sony, nhưng không hiểu tại sao Văn Bình lại khựng người. Và giây đồng hồ khựng này đã làm cho chàng no ứ bao tử mặc dầu chàng đang đói meo, chàng cũng đột nhiên hết khát...

Diễm Hà kéo cái ra-dô về phía nàng và nói:

- May quá, nếu nó còn chạy thì có nhiều hy vọng tìm ra nơi chú Sáu bị giữ.

Nàng không nói rõ "nó" là gì song Văn Bình đã biết là một dụng cụ phát tín hiệu. Kỹ nghệ hiện đại đã sản xuất hàng chục thứ dụng cụ phát tín hiệu khác nhau, cất trong mình nó phát ra những tín hiệu đặc biệt, người ở xa có thể nghe được bằng máy tiếp nhận riêng. Dụng cụ này được phổ biến rộng rãi đến nỗi nhiều bà vợ mắc bệnh ghen tuôn nặng đã lén mua quẹt máy hoặc bút máy phát tín hiệu bầy bán trên thị trường, bỏ vào túi áo đức lang quân, ban đêm đức lang quân đi với mèo nói dối là đi công việc làm ăn, các bà ở nhà chỉ cần mở máy là theo dõi được lộ trình. Người ta còn chế tạo cả một kiểu máy nghe tín hiệu và tính toán luôn vị trí khiến các bà vợ sư tử Hà Đông có thể phăng ra tổ ấm của ông xã dễ dàng...

Chú Sáu biết dùng máy phát tín hiệu không phải là chuyện lạ. Văn Bình chỉ lấy làm lạ tại sao chú Sáu lại dùng. Diễm Hà lên tiếng giải thích:

- Như anh đã thấy cái đồng hồ truyền điện của em, cái ra-dô thu tín hiệu này cũng do Bửu Khoa sáng chế. Tuy là nhà khoa học chuyên về di truyền, ông ta rất giỏi về điện tử. Ông liên lạc với mỗi người một cách khác nhau. Với em ông dùng đồng hồ truyền điện nhẹ, còn với chú Sáu, ông xài dụng cụ phát tín hiệu. Bất cứ đi đâu, chú Sáu đều mang dụng cụ này đi theo, nó cũng là đồng hồ giống loại đồng hồ của em...

Văn Bình mở nnút máy ra-dô. Từ ống loa nhỏ xíu, vọng ra một điệu nhạc giựt gân. Chàng bèn hỏi Diễm Hà bằng mắt. Nàng nói:

- Không, đó là nút vặn ra-dô. Những nút của ra-dô không liên quan đến bộ phận thu nhận tín hiệu. Vì vậy người ngoài không thể biết được.

Nói đoạn, nàng cắm cái đầu dây được dùng để tắt ống loa và để nghe riêng, và đưa đầu kia cho Văn Bình đút vào lỗ tai. Sợi dây nhỏ một đầu có cái nút đút vừa lỗ tai được gọi bằng Anh ngữ là earphone, giành cho giới mê nhạc muốn nghe riêng một mình, không làm phiền người khác.

Văn Bình đinh ninh sẽ nghe được những tiếng tút tút tít tít thường lệ của máy phát tín hiệu. Song chàng chỉ nghe được điệu nhạc. Nhưng không phải điệu nhạc giật gân của mấy anh chàng da đen thổi kèn. Mà là nhạc nhẹ. Nhạc đệm bằng măng cầm. Chàng bèn rút cái nút ra khỏi tai và đưa cho Diễm Hà:

- Cô thử coi, tôi chẳng nghe thấy gì cả.

Diễm Hà nghe một phút rồi mỉm cười, vẻ mặt tươi tỉnh:

- Có. Máy đang chạy. Em quên nói với anh về lối lắp ráp cầu kỳ của Bửu Khoa. Ông ta sợ người ngoài nghe, có thể nghi ngờ nên thay âm thanh tút tút cổ điển của máy phát tín hiệu bằng tiếng đàn măng cầm.

- À ra thế. Nhưng tiếng đàn này chỉ chứng tỏ máy đang chạy, chứ nó không cho biết được chú Sáu đang ở đâu.

- Đó là điều em muốn nói với anh.

Diễm Hà mở tủ buýp-phê, lôi ra cái máy thu thanh hiệu Sony, giống hệt cái đặt trên bàn. Nàng lẹ làng mở miếng gỗ hình chữ nhật ở phía sau ra. Bên trong chàng thấy một cái hộp nhỏ, trông tương tự như máy điện tâm kế. Nó chỉ lớn bằng phần mười cái điện tâm kế do Nhật chế tạo, được y sĩ dùng để đo sức khỏe của trái tim. Điện tâm kế luôn luôn có những cây bút tự động chạy trên tờ giấy, tình trạng trái tim ra sao được ghi thành những nét cao thấp bằng mực. Diễm Hà lôi cái hộp ra ngoài, mở đèn thật sáng cho Văn Bình thấy rõ hơn.

Điều vừa mục kích làm chàng toát bồ hôi khâm phục. Bửu Khoa đúng là bộ óc khoa học kỳ quan. Các cơ quan điệp báo đàn anh trên thế giới đã sáng chế cái máy theo dõi điện tử, tuy nhiên loại máy này còn quá cổng kềnh, chỉ có thể đặt ở gần trung ương, chưa thể xách tay mang dọc đường, hơn thế, nó còn ở thời kỳ thử nghiệm. Cái máy của Bửu Khoa rất tiện lợi, nó vừa nhỏ, vừa nhẹ, treo trong xe hơi dễ dàng.

Diễm Hà loay hoay cắm điện rồi mở một giãy nút. Tiếng rè rè êm tai nổi lên, ngòi bút viết chữ đen từ từ lượn trên tờ giấy màu vàng, kẻ ô vuông nhỏ màu nâu. Nhưng ngòi bút chỉ chuyển động trong vòng 30 giây rồi ngưng.

Diễm Hà nói:

- Chú Sáu đã bị chở về nhà giam. Vì máy phát tuyến đứng lì một chỗ.

Văn Bình hỏi:

- Đồng ý. Cây bút ngưng lại tức là máy phát tuyến không xê dịch như trước nữa. Nhưng cô có thể biết được nhà giam chú Sáu tọa lạc tại khu nào, tại đường nào trong thành phố không?

Nàng đáp "có chứ" một cách ung dung pha lẫn kiêu hãnh. Văn Bình khét tiếng về kiến thức khoa học ngay cả các nhà nghiên cứu có hàng đống bằng cấp trên vai nặng chĩu cũng không dám bịp chàng. Hễ có thời giờ rảnh rổi là chàng đọc ngấu nghiến, ông Hoàng lại lập cho chàng một thư viện bằng phim ảnh vi-ti với đủ sách báo và tài liệu được cập nhật hóa. Có thể nói không ngoa khối óc của chàng là một thư viện thu hẹp. Tuy vậy, chàng lại hoàn toàn mù tịt về cách thức Bửu Khoa áp dụng để khám phá lộ trình kẻ bị theo dõi. Không hiểu nàng bấm nút ở đâu mà tờ giấy trên có ngòi bụt tự động trở thành sáng rực. Té ra bên dưới có đèn. Ngọn đèn được bật sáng vừa cho Văn Bình thấy một vật chàng không bao giờ ngờ tới.

Vật này là bản đồ thành phố Ba Lê. Kinh đô ánh sáng được liệt vào hàng thành phố đàn anh về khoản đông đảo và rộng rãi, những bản đồ in trên tờ giấy lớn bằng tờ nhật báo mà tên đường còn nhỏ li ti, huống hồ bản đồ nằm dưới được ánh đèn chiếu sáng này chỉ nhỏ như nửa tờ bìa cuốn truyện bỏ túi.

Diễm Hà mở ngăn kéo, rút ra cặp viễn kính. Nàng đeo vào mắt và bắt đầu quan sát tấm địa đồ. Nàng reo lên:

- Đây rồi...

Văn Bình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Diễm Hà trao ống nhòm cho chàng. Trời đang đêm mà viễn kính rọi sáng như ban ngày, giữa trưa nắng rực. Bản đồ được vẽ bằng mực xanh, chỗ đậm chỗ nhạt. Con sông Sen ngăn đôi thành phố nổi bật một mầu hồng mát mắt và gợi cảm. Và ngay trên bờ hữu ngạn, chàng nhận thấy một vệt đen đậm ngoằn ngoèo như con giun để rồi cô đọng lại thành dấu chấm tròn thật lớn.

Dấu chấm tròn mầu đen là nơi chú Sáu bị giam. Nó tọa lạc ngay cuối đường Cầu Mới. Trong khu Chợ Chính.

Khu chợ gồm một khoảng đất mênh mông với hàng chục đường phố nhỏ hẹp, vô danh, từng là nơi hành nghề của dân anh chị và hồng lâu từ nhiều thế kỷ, ngay giữa trung tâm Ba Lê, giữa những đoàn xe và người chật ních không còn chỗ chen chân và những cái tháp khổng lồ cao ngất làm bằng bắp xu, hành, măng tây, bom, mận và dưa bở. Chú Sáu bị giam tại khu chợ, việc giải cứu sẽ rất khó khăn vì Văn Bình không hiểu máy tính của Bửu Khoa được chính xác đến đâu, hơn nữa, ban đêm là thời khắc đông đúc nhất, ồn ào nhất, nhiều đường cấm xe cộ lưu thông, chàng phải đi bộ, và đến khi chàng rẽ được đám đông người ngợm và hàng hóa thì địch có thể cao bay xa chạy.

Diễm Hà lấy bút chì mỡ gạch dấu chữ thập gần cái chấm đen đậm trên bản đồ rồi nói với Văn Bình:

- Đúng rồi. Đây là đường Những Kẻ Ngây Thơ 1. Em sẽ lái anh đến.

Chàng bỗng có cảm giác bị rình rập. Chàng cầm tay Diễm Hà, kéo nàng lại sát tường rồi tiến lên một bước, chắn ngang mặt nàng làm tấm khiên che chở.

Nhưng chàng đã cẩn thận hơi quá đáng. Vì tứ phía vẫn vắng lặng. Tuy vậy, chàng chưa chịu tin là giác quan thứ sáu của chàng đánh hơi lầm. Địch đã giết bác sĩ Bửu Khoa, địch đã bắt chú Sáu, địch khó thể cho Diễm Hà tự do. Chàng lo lắng cho tính mạng của Diễm Hà hơn là tính mạng của chàng.

Chờ một lát không thấy gì khả nghi, chàng mới bằng lòng cho nàng ra ngoài hành lang, xuống sân. Chàng nói như ban lệnh:

- Mời cô đi trước.

Diễm Hà có vẻ phật ý:

- Anh sợ họ ám sát em? Em chán ngấy cuộc sống, chán ngấy tất cả. Họ giết em chính là mang phúc lành lại cho em.

Văn Bình không đáp. Chàng không muốn cất tiếng, phần vì tránh khơi sâu nỗi đau đớn của Diễm Hà, phần khác vì cần đề phòng địch dựa vào tiếng động để mở cuộc tấn công.

Chiếc Alpine động cơ cực mạnh vẫn đậu bên trụ cổng. Đêm khuya thanh vắng, chàng tha hồ phóng nhanh. Diễm Hà tất tưởi ra sân. Sau khi hai người vào biệt thự, không có ai lẻn vào theo, bằng chứng hồi nãy chàng mở hé cánh cổng một gang tay để làm dấu, giờ đây khoảng cách vẫn còn nguyên một gang như cũ. Nếu người lạ đột nhập, cửa phải mở rộng hơn nữa. Dẫu địch khép lại, khoảng cách vẫn phải thay đổi.

Diễm Hà không mở cửa xe mà nhảy luôn vào bên trong. Chiếc A-110 này thuộc kiểu mui trần. Công ty Rờnô chỉ sản xuất xe A-110 mui sắt cứng đét, muốn biến mui sắt thành mui vải, có thể kéo lên, xập xuống bằng nút điện, chủ nhân phải mang xe đến một cơ xưởng chuyên môn và phải trả rất nhiều tiền. Làm mui vải đắt hơn mua xe hơi mới cắt chỉ.

Tuy nhiên, Văn Bình lạnh toát châu thân, vẩy ốc mọc đầy mặt và gáy. Cơn lạnh thất thường này không do thời tiết gây ra. Chàng vội kêu lớn:

- Diễm Hà, Diễm Hà, nhảy xuống ngay, kẻo...

Chàng định nói "kẻo gặp tai nạn hiểm nghèo" nhưng những tiếng nổ tyhật lớn lấn át. Tiếng nổ này từ chiếc Alpine xinh xẻo và đắt tiền phát ra, ngau sau khi Diễm Hà an vị, hấp tấp mở công-tắc cho xe chạy. Đó là tiếng nổ của lát-tích. Nền đất dưới chân Văn Bình rung chuyển dữ dội như thành phố Ba Lê lên cơn địa chấn. Gạch đá bắn tung tóe. Thanh âm ào rộng trong không khí tịch mịch ban đêm như hàng trăm, hàng ngàn đợt sóng một buổi biển động ngoài khơi... ầm ầm... ầm ầm....

Văn Bình đang bước rảo thì xảy ra vụ nổ. Trong dĩ vãng, chàng từng gặp nhiều vụ nổ tương tự, song linh tính kỳ lạ đã giúp chàng nhìn thấy trước tai nạn và chàng kịp thời nằm rạp xuống hoặc tìm nơi ẩn núp an toàn. Đối với vụ nổ kinh hoàng này, chàng chưa kịp làm gì, ngoại trừ kêu Diễm Hà thoát thân.

Có lẽ nàng đã nghe tiếng kêu hoảng hốt của Văn Bình. Vì chàng thoáng thấy đầu nàng nhô lên. Chắc nàng sửa soạn nhảy ra ngoài. Sức nổ của lát-tích giấu trong xe đã nâng bổng nàng lên trước khi tung nàng qua cổng sắt vào trong biệt thự. Văn Bình đứng sừng sững mà không bị thương nặng vì những miễng nổ vào sức nổ đã bị cột trụ bê-tông hai bên cổng cản lại.

Tai nạn thê thảm xảy ra trong vòng 5 giây đồng hồ. Sau đó, tất cả trở lại yên lặng. Chàng không nghe tiếng rên của Diễm Hà. Lửa bắt đầu cháy đỏ. Chàng vội nép mình sau trụ cổng. Tiếng nổ của thùng xăng trong xe hơi tiếp theo, những gì còn nguyên vẹn sau tiếng nổ đầu tiên đã bay lả tả, chiếc Alpine mỹ miều trở thành một đống sắt bốc lửa nóng rực.

Diễm Hà nằm sóng soài trên nền cỏ. Trời tối, chàng không thấy rõ mầu cỏ, song chắc là cỏ non xanh tươi, chàng quỳ xuống, bàn tay chạm đất làn cỏ mịn màng như thể da thịt người đẹp. Như thể da thịt của Diễm Hà. Nàng chết mà hơn, vì nàng sống nàng sẽ khổ, với tấm thân căng cứng tình yêu mà không được hưởng thụ tình yêu do những trớ trêu của tạo hóa. Mắt nàng mở rộng, ngửa nhìn vòm trời không trăng sao. Chàng từ từ vuốt mắt nàng. Mặt nàng còn nguyên, thân thể nàng cũng còn nguyên, ngoại trừ những khoảng cháy khét, quần áo rách bươm. Lệ thường, nạn nhân các vụ nổ lát-tích khó được thân thể toàn vẹn. Một sự ngẫu nhiên mầu nhiệm đã giúp nàng...

Bỗng dưng chàng nảy ra ý định ôm Diễm Hà hôn. Đàn bà trăm phần trăm cũng vị tất hấp dẫn bằng nàng. Chàng cúi xuống. Trời ơi... nàng đã chết mà môi nàng vẫn nóng, vẫn chứa đựng một sự rung động khác thường...

Và, một lần nữa trong cuộc đời tung hoành bên cạnh những người đàn bà đẹp, cơn xúc cảm mềm yếu đã cứu Văn Bình Z.28 thoát chết.

Vì chàng vừa rạp mình ngang với mặt đất để hôn Diễm Hà thì sau lưng chàng, trong tòa nhà cổ xưa của Bửu Khoa, một tiếng nổ kinh thiên động địa xảy ra. Chàng có cảm tưởng như hàng chục trái bom cỡ lớn cùng được pháo đài bay B-52 thả xuống sân nhà và cùng nổ một lúc. Trận gió hung hãn do vụ nổ tạo ra quét qua sân, mạnh đến nỗi những cái chậu sứ xếp thành hàng dài gần bực cấp cũng bị bốc lên và thổi bắn vào tường vỡ loảng xoảng. Nếu Văn Bình ngồi hoặc đứng, trận gió giết người này đã cuốn chàng theo và chàng có nhiều triễn vọng biến thành thịt lầy lụa...

Mắt chàng tóe đom đóm đen sì, tai chàng ù hẳn. Tiếp theo tiếng nổ ghê gớm này là một loạt tiếng nổ khác, song chàng chỉ nghe được những âm thanh rất nhỏ, như bầu trời bao la đã được hãm thanh. Chàng cố vận nhỡn tuyến để quan sát. Chàng thấy lờ mờ một chái nhà bị đổ sụp. Trong chái nhà này có căn phòng của chú Sáu. Dưới hầm cũng có tiếng nổ. Có lẽ địch cốt làm phi tang. Địch không muốn ai nắm được chi tiết cỏn con nào khả dĩ dẫn đến Tô Lan... Bửu Khoa bị giết cũng chưa đủ, địch muốn thiêu luôn xác chết. Mọi giấy tờ liên quan xa gần đến Tô Lan chắc sẽ biến thành than. Phút này, Văn Bình chưa thấy bóng dáng xe cứu hỏa. Sự can thiệp của đội cứu hỏa thành phố sẽ dập tắt được đám cháy, song chàng không tin là những giấy tờ quan trọng sẽ được bảo vệ.

Thế là hết.

Hết hy vọng hợp tác với Nguyễn Phước Bửu Khoa. Chàng hy vọng vào nữ bí thư Diễm Hà thì hy vọng này đã bị tiêu hủy từ trong trứng nước. Nàng chưa giúp chàng được gì đáng kể thì bị tử thưong. Và suýt nữa chàng cũng chết vùi dưới đống gạch vụn chất cao như núi.

Chàng bùi ngùi đứng dậy. Trong đêm, chàng nghe tiếng máy xe hơi và tiếng người nhốn nháo. Những chiếc xe của cảnh sát đã rú kèn ngoài đường. Khu vực này thường lệ yên tĩnh mặc dầu tọa lạc ở trung tâm thành phố đang biến thành ồn ào, hỗn độn. Văn Bình xốc lại quần áo, thản nhiên đạp trên cánh cổng sắt bị giật đổ nằm ngổn ngang trên đất.

Ba Lê là thị trấn có nhiều cây to bóng mát, cho nên chàng có thể tàng hình dễ dàng. Khi cảnh sát lập xong nút chặn để tiến hành công cuộc cấp cứu thì Văn Bình đã ra đến đầu đường. Trong tầm mắt chàng là sông Sen. Giòng nước được văn nhân thế giới nức nở ca tụng. Trời êm và đẹp như đêm nay, nằm trên con tàu nhỏ với em bé, mặc cho nó bập bềnh, vốn là thú vui cố hữu của điệp viên hào hoa Z.28 mỗi khi chàng ghé kinh đô ánh sáng.

Nhưng đêm nay, Văn Bình chẳng có em bé nào để ôm ấp trên sông tình tự. Chết, chết, chết, những ai gặp chàng đều chết. Mai sáng chàng phải tiếp xúc với Tô Lan. Tiếp xúc đúng 8 giờ sáng. Địa điểm: một nhà hàng, bảng hiệu gồm 4 chữ, chữ đầu là C và chữ cuối là P. Ba Lê có hàng ngàn, hàng vạn nhà hàng, mầy mò tìm ra nơi hò hẹn không phải dễ.

Chàng chỉ còn tia hy vọng cuối cùng: giáp mặt hai người thân còn lại của Nguyễn Phước Bửu Khoa, đó là chú Sáu và Lệ Liên. Chú Sáu đã rơi vào tay địch. Chàng đã biết nơi chú bị giam giữ. Giờ này không biết chú còn sống hay đã bị địch làm thịt. Khu chợ là nơi có nhiều cống rãnh, chỉ đấm nhẹ vào màng tang chú Sáu bất tỉnh là đủ. Nạn nhân được tống xuống cống. Những cái cống thật sâu. Những cái cống nhằng nhịt dưới đất, không biết dẫn đi đâu. Những cái cống chứa toàn nước bẩn.

Và nhất là giống chuột. Chuột cống Ba Lê là chuột cống lớn nhất và dữ nhất năm châu. Họ hàng nhà chuột thường sống tập trung trong hệ thống cống ở khu chợ. Thi thể chú Sáu có thể biến mất trong vòng mươi, mười lăm phút.

Chỉ còn lại Lệ Liên. Chàng có sẵn địa chỉ của nàng trong túi. Chỗ ở của nàng không xa bao nhiêu. Tuy nhiên, chàng không biết giờ này đang ở nhà hay nàng đi vắng. Hay nàng đã bị địch bắt? Hay nàng đã bị địch giết? Lẽ nào địch đã chiếu cố đến Diễm Hà và chú Sáu, địch lại có thể bỏ quên tên nàng trong danh sách đoạn trường?

Ruột gan Văn Bình rối như tơ vò. Chàng đang băn khoăn giữa hai việc, đến nhà Lệ Liên hay tiếp tục đi tìm chú Sáu. Cả hai việc đều quan trọng ưu tiên như nhau. Chàng không thể phân thân đến cả hai nơi cùng một lúc, cho nên chàng phải lựa chọn.

Nhưng lựa chọn cách nào?

Chàng nhún vai, rút ra đồng tiền kim khí 50 xu. Chàng nhẩm ghi từng mặt, mặt phải là Lệ Liên, mặt trái là chú Sáu.. truớc khi tung đồng xu để coi sấp ngửa, chàng hơi rụt rè. Đúng ra, chàng phải đến nhà Lệ Liên. Vì Lệ Liên là phụ nữ. Phụ nữ chân yếu tay mềm. Và là phụ nữ có nhan sắc. Chú Sáu là đực rựa, mặt mày thiếu cảm tình, có đi tàu suốt sang bên kia thế giới cũng chẳng sao. Nhưng ác hại là chú Sáu đang lâm nguy, chú Sáu lại thân cận Bửu Khoa hơn, chú Sáu có nhiều điều kiện giúp chàng phăng ra địa điểm tiếp xúc... Tuy phó thác cho thần may rủi, Văn Bình vẩn thầm mong Lệ Liên sẽ thắng chú Sáu.

Nhưng mặt trái của nửa đồng phật-lăng đã hiện ra chềnh ềnh. Định mạng muốn chàng đến khu chợ giải thoát cho chú Sáu. Chàng thở dài ném đồng xu đáng ghét vào lùm cây bên đường rồi bách bộ qua cầu, sang bên hữu ngạn. Sau lưng chàng, xe cộ kẹt cứng thành hàng dài. Vụ nổ trong biệt thự chỉ làm nhiều phòng sụp đổ, chứ không gây ra đám cháy nên đội nón đồng chỉ rú kèn, phóng xe hết tốc độ cho vui chứ không có cơ hội trồ tài. Đống lửa của chiếc Alpine được dập tắt ngay với sự hợp tác của nhân viên an ninh và dân chúng trong khu vực. Biệt thự của Bửu Khoa trở thành đống gạch vụn đã bị cô lập hoàn toàn bằng hàng rào cảnh sát.

Văn Bình ngoảnh lại nhìn lần cuối trước khi đặt chân lên cầu. Lòng chàng bỗng lắng xuống. Điềm nhiên như không có việc gì quan trọng, chàng nện bước qua đường Thị Sảnh, sát bờ sông, xuyên qua một đường nhỏ đến đại lộ một chiều Rivoli chan hòa ánh đèn và đầy nhóc xe cộ, nam nữ du hí.

Từ tối đến giờ, chàng qua lại con đường thượng lưu này không biết là lần thứ mấy mà chàng không có dịp đậu xe, xô cửa một nhà hàng gắn máy điều hòa khí hậu mặc dầu bao tử của chàng đang kêu la dữ dội. Lần này nữa, chàng chỉ tạt qua, vẫy tắc-xi, chạy đến đường Cầu Mới, ra lệnh quẹo bên phải.

Chợ trung ương tọa lạc trên đường này. Chàng xuống xe lội bộ xuyên qua đường Hàng Sành đến đường Những Kẻ Ngây Thơ. Chàng tủm tỉm cười một mình khi nghĩ đến tên đường Những Kẻ Ngây Thơ. Ngày xửa ngày xưa, chàng còn là du khách mới ghé kinh đô ánh sáng lần thứ nhất, chàng đã nôn nao đòi bạn bè dẫn đến chợ chơi và luôn tiện nếm cho biết những thú vui tại đó. Và chàng đã xửng vửng vì tài nghệ của một khuôn mặt hết sức ngây thơ, giọng nói hết sức ngây thơ chàng gặp tại đường Những Kẻ Ngây Thơ. Vào việc, nàng chẳng ngây thơ chút nào, chàng thanh niên Z.28 lạc vào động đào có nửa giờ đồng hồ mà bị nẫng luôn cái ví đựng toàn giấy bạc.

Ngoài cái kỷ niệm... cù lần ấy, Văn Bình đã có thiện cảm đặc biệt với khu chợ. Chàng là dân sành ăn, sành uống, một trong những món súp được chàng gắn bó là xúp hành.... cái tên nghe rất thường, đọc trên thực đơn ở Sàigòn thì tiệm ăn Tây nào cũng có, nhưng coi chừng... ngay cả đầu bếp ở Ba Lê chưa chắc nấu xúp hành ngon, chứ đừng nói tới mấy ông hỏa đầu quân ở xa Ba Lê hàng vạn cây số.

Xúp hành chỉ là món xúp gồm hành tây, bánh mì, phó-mát gờ-ruy-e, bột, bơ, muối, tiêu trộn với nước và rượu vang trắng. Nó chỉ gồm ngần ấy gia vị, tìm ở đâu cũng có, ấy thế mà thiên hạ chỉ có thể ăn xúp hành hợp khẩu cái ở trong khu chợ Ba Lê. Đêm đêm, khi vãn hát, trai thanh gái lịch ùn ùn kéo vào chợ. Văn nghệ sĩ, nhà triệu phú... mọi người đều lấy những tiệm ăn bình dân này làm nơi hẹn. Món xúp hành trong chợ ngon thật là ngon. Đêm nay, giá Văn Bình được kéo nghế ngồi xuống trước món súp nóng bỏng miệng, có mỹ nhân mắt biếc môi hồng chầu chực một bên thì...

Trời ơi, chàng không dám mơ tưởng đến mùi hành và mùi thơm của phó-mát nữa. Chàng cố tưởng tượng dạ dầy của chàng là một cô gái ngoan ngoãn để chàng an ủi "em chịu khó chờ anh một lát, công việc sắp xong rồi, chúng mình sẽ có thật nhiều thời giờ để hàn huyên với nhau".

Nhưng mặc cho chàng nhủ thầm dạ dầy, nước miếng của chàng cứ tiếp tục trào ra miệng. Vì hỡi ơi, chàng vừa đặt chân vào một khu vực nổi tiếng về món bao tử hầm. Bao tử đói meo được ngửi mùi bao tử hầm, nấu theo lối độc đáo của vùng Can 2 với đủ mùi thơm, mùi béo, mùi tiêu, mùi hành tỏi, boa-rô, cần ngò húng... thì đến đại tu sĩ ăn trướng chay cũng động lòng, huống hồ đệ nhất ẩm thực gia Văn Bình.

Lâu lắm, chàng chưa được thưởng thức lại món bao tử hầm. Các chú con Trời ở Sàigòn cũng làm món bao tử và từng được nức nở khen ngon, nhưng nếu so sánh với bao tử hầm trong chợ Ba Lê thì chưa đi đến đâu. Úi chao, nấu món này cầu kỳ không kém rùa rắn, bao tử con bò tẩy trắng tinh được xắc thành hình con cờ ngâm trong la-de, rượu vang và cỏ-nhát. Nấu lẫn với chân bò để nó sển sệt. Chưa hết, nó còn phải phủ kín bằng những miếng mỡ bò lên trên khi đổ vào nồi. Mỡ bò có tác dụng ngăn khí trời nhiễm vào bao tử trong lúc hầm làm nó bị đen và kém ngon. Người ta còn bịt miệng nồi bằng một lớp bột kiên cố. Phải nấu từ 10 đến 12 giờ đồng hồ mới chín.

Thú nhất là khi múc ra đĩa. Bên ngoài, tuyết rơi rỉ rả, trời lạnh muốn thắt bao tử, những cái đĩa trinh nguyên được đặt ngay ngắn trên bàn. Đĩa được hơ thật nóng, vô phúc anh nào cù lần chạm vào là cháy da tay... Văn Bình đã cháy da tay như vậy nhiều lần, mặc dầu chàng không đến nỗi... thộn, ngay cả trong thời gian chàng mới làm quen với thủ đô Ba Lê. Chàng cháy da tay là do ý muốn. Thủ đoạn cháy da tay này do một người bạn thân thổ công thành phố truyền dậy lại cho chàng. Đi ăn với cô bạn con nhà lành khá nghiêm nghị, chàng giả vờ ôm cái đĩa trong khi mải mê tán tỉnh, rồi suýt soa kêu đau. Cô bạn hoảng hốt cầm lấy tay chàng. Thế là...

Những chuyện rí rỏm ấy xảy ra từ sâu song Văn Bình có cảm tưởng như thời gian đứng lại. Bụng chàng trống rỗng và lạnh lẽo hơn bao giờ hết. Chàng hít một hơi Salem, đoạn cắm cúi bước rảo qua nhà hàng chuyên bán bao tử hầm, thực khách đông như dân nghèo chen chúc đi lãnh đồ chẩn tế.

Giờ này, giờ dân Ba Lê sửa soạn lên giường ngủ, lại là giờ dân trong chợ sửa soạn từ trên giường nhảy xuống. Buổi trưa trong chợ vắng tanh, vắng ngắt, chỉ trừ khu chợ hoa tô vẽ muôn hồng ngàn tía cho những gian hàng đang ngủ.

Máu giang hồ của Văn Bình cũng thức dậy với các hoạt động ban đêm của chợ trung ương. Đột nhiên chàng cảm thấy sức khỏe và trí sáng suốt gia tăng cho dẫu chàng đang đói muốn rục xương.

Chàng thở phào rồi dấn vào hẻm. Tên hẻm này là gì, chàng không biết. Diễm Hà đã ghi rõ địa chỉ và chàng đã học thuộc. Nếu máy điện tử của Bửu Khoa không bị bé cái lầm tai hại thì chú Sáu đang bị giam trong căn nhà ở cuối hẻm, trông ra hai mặt đường.

Giống như các khu chợ lớn khác trên thời giờ, luật của kẻ mạnh được coi là khuôn vàng thước ngọc bên trong những đường hẻm. Vì vậy, Văn Bình không ngạc nhiên khi thấy một bọn đầu trâu mặt ngựa rượu say bí tỉ chửi nhau, đánh nhau ngay ngoài đường. Chàng vừa gặp một cuộc ẩu đả gần đổ máu vì giành gái, chàng lại đụng đầu một đám lỏi tì giựp bóp của khách bộ hành đang kéo nhau chạy như giặc. Chàng đi mép vào trong lề, cố gắng không gây phiền phức với bọn du đãng. Mặc dầu một số du đãng nặng trên một tạ thịt có bãn lãnh khác thường - như đã chứng tỏ trong nhà của Bửu Khoa - chàng vẫn không coi chúng ra gì, sở dĩ chàng tránh né vì chàng sợ hỏng việc. Chắc chắc địch phải bố trí đàn em chung quanh nơi giam giữ chú Sáu và tìm đủ mọi cách ngăn cản chàng đột nhập.

Căn nhà trông ra mặt đường là một cao ốc nhiều từng. Nó được xây cất từ mấy chục năm nay là ít, vì bộ mã nó mảnh khảnh như sắp đổ về phía trước, tường và mái đều đen bẩn, có lẽ từ ngày mọc lên đến giờ nó chưa hề được sơn phết lại. Tuy đây là hẻm buôn bán, nhà nào cũng mở toang hoác, nó tọa lạc giữa ngã ba đường mà cửa dưới, cửa trên, cửa lớn, cửa nhỏ đều đóng im ỉm. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đó là nhà hoang. Nhà sắp bị triệt hạ, nhường chỗ cho một binh đinh tân tiến.

Văn Bình rảo bước qua và không dừng lại. Chàng nhận thấy nhiều gã đàn ông tóc râu xồm xoàm đang nằm la liệt trước ngưỡng cửa. Bọn này ghiền ma túy hoặc là ma-ca-bông với lối sống đầu đường xó chợ, hay là nhân viên của địch nằm canh gác? Văn Bình chưa thể quyết đoán. Chàng cần quan sát tường tận trước khi hành động.

Trạm quan sát lý tưởng đới với chàng là một quán cà-phê nhỏ xíu, lụp sụp ở bên kia ngã ba. Gọi là quán cà-phê, song người ta bán cả rượu mạnh và một số đồ nhắm. Không có thời giờ ăn cơm, chàng đành uống rượu vậy. Vả lại, rượu vốn là một hình thức cơm của chàng. Miễn hồ là huýt-ky chính cống.

Chàng ngồi xuống giữa đám đông hỗn độn và ầm ỹ. Mọi người đều trò chuyện như la thét. Tiếng thét dẫu lớn cũng chưa lớn bằng những âm thanh từ cái ăm-li và ba thùng loa to tướng phát ra, sặc mùi kích động nhạc. Dân nhậu toàn là phu phen trong chợ, họ ăn mặc đủ kiểu, người mặc áo lạnh, quấn khăn len, đội mũ sùm sụp, đeo găng da dầu trời chưa lạng, lại có người mặc vẻn vẹn cái áo thun lá. Họ không để ý đến người chung quanh nên Văn Bình bước vào thản nhiên. Chàng chỉ gặp khó khăn khi kiếm ghế, vì ghế nào cũng bị chiếm. Có khá nhiều ghế trống nhưng dân nhậu đã dùng để gác chân hoặc để đồ. Vất vả lắm chàng mới giành được một chỗ ngồi thích hợp ngó qua cao ốc xiêu vẹo, nơi chú Sáu bị nhốt.

Chàng mua một gói đồ chiên đựng trong những cái cọt-nê làm bằng giấy báo, dốc đổ xuống bàn. Mặt bàn được trải vải dầu nhầu nát. Quán cà-phê có bộ mặt không lấy gì làm sạch, khăn bàn dĩ nhiên là nơi chứa cặn rượu, tàn thuốc, cát bụi, đồ bẩn và vi trùng, nhưng Văn Bình lại bốc ăn đồ chiên một cách ngon lành. Chàng chiêu phần ba chai Vat 69, hạ chai xuống, toan ngừng vì sợ thiên hạ dòm ngó, song lại nâng lên, tu thêm một hơi nữa. Hớp này khá dài bên một phần ba khác đã chui tọt vào cổ họng chàng. Trong chớp mắt, bỏ thì thương, vương thì tội, Văn Bình khiệng luôn phần ba còn lại của chai huýt-ky.

Mắt chàng đang ngứa xốn và kèm nhèm bỗng sáng hẳn ra. Triệu chứng giống người đau mắt hột này thường xảy ra mỗi khi chàng bị cai rượu. Và không riêng cặp mắt, mọi bộ phận trong cơ thể từ tai mũi miệng ở ngoài đến lục phủ ngũ tạng đều chạy êm ro như xe hơi mới được bơm mỡ và thay dầu nhớt.

Văn Bình chỉ thấy ánh đèn lờ mờ trên lầu 4, lầu cao nhất của tòa nhà cổ lỗ sĩ đối diện. Muốn lên lầu 4, chỉ có một cái hẻm tối om ngay bên cạnh. Chàng chưa biết hẻm này dẫn đến đâu, song chắc là một phần của cao ốc. Nếu địch đề phòng chàng đột nhập, họ sẽ đặt sẵn nhân viên trong đó.

Chàng xỉa tiền xuống bàn rồi đứng dậy. Mới uống một chai Vat, giá được uống thêm vài ba chai nữa, chàng cũng không say. Tuy vậy, chàng phải giả vờ chếnh choáng để khỏi bị chú ý. Không may cho chàng, trong cơn say kịch nghệ, chàng dẫm lên mũi giầy của một gã chuyên nghề vác thịt. Máu tươi còn chảy ròng ròng trên cái tạp-dề bằng vải ca-rô của hắn. Hắn đang mê ly bên chai vang đỏ, mặt hắn cũng đỏ lòm như ly vang đầy ắp trên bàn thì ngón chân hắn bị gót giầy của Văn Bình chận đè. Kể ra hắn chỉ đau xoàng và chỉ văng tục một tiếng là đủ. Khốn nỗi, hơi men đã làm hắn sửng cồ nhanh chóng và dễ dàng, Văn Bình lại quá nhỏ, quá thấp đối với hắn. Nếu hắn biết tài Văn Bình quật ngã như nhái bén những tay anh chị khuân vác trong Chợ, chắc hắn không dám gây sự tuy thần Lưu Linh đã làm hắn gia tăng can đảm. Bởi vậy, hắn trợn mắt, phồng mang, dằn mạnh chai rượu xuống bàn, cốt lôi kéo sự quan tâm của mọi người trong nhà hàng, trước khi chửi rủa một cách hạ cấp và vung quyền đánh Văn Bình.

Chàng thấy rõ quả đìa-rét của hắn ngay từ lúc hắn nhấc cánh tay lên. Chàng có dư thời giờ triệt đòn tận gốc. Chàng ngáng nhẹ là hắn mất quân bình và ngã tòm. Chàng cũng có thể né tránh. Song chàng chẳng làm gì cả. Chàng ung dung chìa mặt ra lãnh đòn. Vì chàng nghĩ thầm là trong trường hợp chàng thi thố tài nghệ chặn đòn hoặc né tránh, vô hình chung chàng sẽ tự quảng cáo với địch chàng là võ sư hữu hạng.

Quả thôi sơn rớt đúng xương hàm của chàng. Gã phu vác thịt đánh tận lực nên Văn Bình cảm thấy đau. Chàng giả vờ loạng choạng, phải dựa tường để khỏi té xỉu. Rồi chàng rẽ đám đông, toan lỉnh ra ngoài. Nhưng thái độ phục tùng của Văn Bình lại làm đối phương say men chiến thắng. Hắn thấy chàng lảo đảo, bèn rượt theo, đấm tiếp vào mạng sườn. Chàng đành nhào luôn vào ghế. Thiên hạ không bênh vực chàng thì chớ, họ còn nhảy vào đánh hôi nữa. Hai ba gã đàn ông vạm vỡ xúm lại để làm thịt chàng. Nóng mắt, chàng toan cho mỗi tên một ngọn cước. Nhưng một lần nữa, chàng lại nằm bất động. Cả bọn chia nhau đấm đá lung tung. Sau cùng, thấy chàng không có phản ứng, chúng mới chịu buông tha. Hai tên xốc nách chàng, lôi sềnh sệch ra ngoài và xô vào đống rác chất cao ngất ngưởng. Cũng may, đống rác chỉ toàn cải bắp, cà chua, xúp lơ, hành tỏi bị thối hỏng, không có vật nhọn nên chàng chỉ phải nhức đầu lộn mửa...

Loa vi âm của tiệm cà-phê vẫn tuôn ra điệu nhạc kích động ong ỏng. Tiếng ồn của máy hát tuy vậy chưa át được tiếng cười khoái chí của bọn phu khuân vác vừa tẩm quất Văn Bình. Văn Bình vốn là người ít chịu nhịn nhục, hồi còn đi học, hễ bị trêu chọc là chàng quyết ăn thua đủ với kẻ dám vuốt râu hùm, lớn lên xông xáo giữa cảnh mũi tên hòn đạn, chàng vẫn tính nào tất ấy. Nếu điệp vụ này không ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe của ông Hoàng, chàng đã vùng dậy, làm cỏ luôn một lượt. Chàng đá lia một vòng là cả đám khổng lồ sẽ đo ván. Nhân tiện chàng sẽ tặng mọi người trong quán cà-phê một bài học nhập môn đau điếng về thói ỷ thế hiếp cô.

Nằm trên núi rác, Văn Bình nhìn vào trong quán. Không ai lưu tâm đến chàng nữa. Chàng rón rén ngồi dậy, khập khà khập khiễng bước qua cái cống đầy nước đen ngòm. Vận chàng còn hên: hồi nãy, bọn họ tống chàng ra xa hơn chút nữa là chàng đã kết duyên với nước cống kinh niên, và chàng sẽ phải ngâm mình hàng tuần dưới sông Sen, thoa tẩm hàng thùng nước cốt hoa hồng mới xua đuổi được mùi hôi bất hủ...

Qua khỏi vùng sáng, Văn Bình thót nhanh vào hẻm tối. Thật ra hẻm không đến nỗi tối lắm, ở trong xa có ánh đèn lấp loáng. Căn cứ vào ánh đèn này, chàng biết là hẻm khá sâu. Chàng đi được 50 mét thì ở bên phải có một khung cửa lớn và cái cầu thang xi-măng với những bức tường và bực cấp bám bồ hôi, đờm rãi và đất bẩn.

Chàng rẽ vào song chưa vội đặt chân lên cầu thang. Chàng núp sau cửa trong tư thế nghe ngóng, chờ đợi. Mấy phút sau, chàng biết chắc là tình hình còn an toàn, chàng mới trèo ba bực một lên tầng trên. Đúng đây là nhà bỏ hoang vì gạch lót nền đã bong ra từng mảng, những cửa sổ còn dính tòng teng vào bản lề hoặc rớt xuống đất để lộ những khung chữ nhật đen ngòm thoang thoảng mùi mốc.

Tuy vậy, Văn Bình lại gia tăng thận trọng. Giới đi ngang về tắt thường lợi dụng những tòa nhà lớn không người ở vào mục đích nghề nghiệp. Làm nơi hò hẹn, nơi tra khảo hoặc giam giữ tạm thời thì tuyệt.

Lầu nhất không có ai. Ngoại trừ những con vật quen sống trong bóng tối. Ánh đèn nê-ông và tiếng ồn điếc tai đã loãng hẳn chi chàng lên đến lầu ba. Lầu tư dường như cách biệt với cuộc sống rồn rập phía dưới. Tầng này gồm một giãy phòng dài, phía trước có hàng hiên rộng và lan can sắt. Căn phòng chàng thấy tia sáng hồi nãy tọa lạc ở mặt đường bên kia. Văn Bình nép sát tường, toan đi men đến căn phòng có ánh đèn song vội khựng lại. Nhiều dấu hỏi quay cuồng trong óc chàng. Nếu là nhà bỏ hoang, tại sao có ánh đèn? Có thể địch thắp đèn làm mồi để nhử chàng tới...

Nghĩ vậy, chàng bèn ẩy một cánh cửa, đỡ nhẹ cho nó khỏi đổ xuống, lọt vào bên trong, ráp cánh cửa lại như cũ, rồi lần mò ra bao lơn phía sau. Chàng đoán không sai, sau binh-đinh không có hàng hiên ăn thông phòng này với phòng khác mà chỉ có dãy ban-công nhỏ xíu của mỗi phòng. Những cái ban-công này ở cách nhau quá xa, chàng không hy vọng nhảy đến nơi, nhưng chàng không lấy làm lo ngại vì chàng vừa nhìn thấy những ống nước và ống máng chằng chịt.

Chàng hít một hơi thật dài, tống xuất thán khí đang đè ép tim phổi, đoạn bám lấy ống máng gần nhất. Như con sóc đu cành cây trong rừng thẳm, chàng chuyền tay thoăn thoắt từ ống này sang ống khác. Giây phút này, địch mai phục một tay súng trong hẻm thì chắc chắn chàng bị trúng đạn. Dầu không nhằm chỗ hiểm chàng cũng rớt xuống. Trời ơi, từ trên cao hơn 10 mét rớt xuống chàng khó tránh được thương tích trầm trọng....

Trong chớp mắt, chàng đã vượt được nửa đường. Chỉ còn 3 mét nữa là đến ban-công kế cận. Hai cánh tay của chàng như tăng thêm cường lực, chàng di chuyển bằng cánh tay mà lanh lẹn và dễ đàng như di chuyển bằng chân.

Nhưng... rắc một tiếng khô khan... điều chàng không ngờ tới đã xảy ra. Xảy ra giữa lúc chàng sắp đạt tới đích...

Ống nước bằng chì trở nên ròn tan như cái bánh tráng, nó kêu rắc một tiếng là đứt phăng ra, nó không hề báo hiệu cho chàng phòng bị trước. Một tay của Văn Bình chơi vơi trong khoảng không, song chàng chưa bị nguy hiểm vì đang còn tay kia bám chặt ống nước. Chàng xoay người nửa vòng và rướn lên, chộp lấy một ống khác, cách chàng độ hai mét.

Họa vô đơn chí... chàng bắt được ống nước này thì ống nọ bị gãy, cũng nghe tiếng rắc khô khan. Rồi hết. Bồ hôi lạnh toát đầm đìa. Chàng nín thở cho thân thể nhẹ bớt, mắt đảo chung quanh tìm một ống chì khác.

Rắc.... lại một tiếng rắc khô khan nữa, tiếng rắc khô khan thứ ba. Và ống chì thứ ba bị gẫy. Điểm tựa cuối cùng của Văn Bình đã bị gẫy. Tiếng rắc bi thảm nổi lên thì Văn Bình ngã nhào xuống.

Nhiều công nhân xây cất làm việc trên gióng cao thỉnh thoảng bị xẩy chân là thiệt mạng. Nhưng Văn Bình không chết, một phần vì số chàng còn đỏ, phần khác vì chàng là cao thủ trong võ lâm, chàng chỉ rơi từ lầu tư xuống lầu ba là bàn chân của chàng đã quặp được một máng xối bằng sành khá kiên cố.

Thân thể chàng mệt rừ. Trận đòn lãng nhách của bọn phu khuân vác giờ đây mới ngấm. Chàng muốn quặp cả hai chân cho vững song gân cốt đã rời rả, chàng đành treo lủng lẳng vào ống máng, chân bên trên đầu ở dưới, dốc ngược như can nhân bị treo lên để tra tấn.

Mắt chàng đối diện với một vòm trời lác đác tinh tú. Đằng Đông, một ngôi sao lấp lánh. Đằng Đông là quê hương thân yêu, với những hình bóng thân yêu. Những đêm dạo chơi ở xa thành thị đông đúc, chàng có thói quan nằm dài trên nệm cỏ hoặc bãi cát để nhìn trời. Tuy không phải là nhà thiên văn, chàng lại thích quan sát các vì sao. Mỗi lần chàng tự phụ, chàng nhìn trời là hết dám. Một vị lão sư dậy môn luyện nguyên khí cho chàng đã dặn chàng như vậy. Giải thiên hà gồm khoảng hai trăm ngàn triệu vì sao, trong số đó loài người mới đếm được một triệu, mắt trần cũng mới nhìn thấy sáu ngàn, nên khi nhìn trời, những kẻ bách chiến bách thắng như chàng cũng cảm thấy quá nhỏ bé và quá tầm thường.

Đột nhiên ở đằng đông, chòm sao sáng nhất lóe lên như bốc lửa. Rồi ánh lửa phụt lên. Như thể ánh lửa của hỏa tiễn khi rời giàn phóng. Ánh lửa sáng dần, lớn dần và sau cùng bay xẹt vào không gian bao la. Đó là sao chổi. Văn Bình vừa nhìn thấy sao chổi. Không phải là lần đầu chàng gặp sao chổi trong đêm, vì hàng năm có chừng 9 tỉ sao chổi lớn nhỏ đủ cỡ và người thành thạo có thể đếm được trung bình mỗi giờ chừng 10 sao chổi trong phạm vi con mắt có thể nhìn thấy.

Ngôi sao chổi vừa tan biến trong bầu trời tối làm Văn Bình liên tưởng đến ông Hoàng. Sau nhiều năm chói sáng, đời ông sắp sửa tắt. Chuyến đi của chàng tới Ba Lê sẽ ảnh hưởng phần lớn đến tính mạng của ông tổng giám đốc. Chàng đang mệt rừ bỗng phục hồi được sinh lực và như thể được chắp cánh, chàng chỉ rướn nhẹ là níu được một ống máng khác, trước khi buông thả hai chân xuống như cũ. Và một phút đồng hồ sau, chàng đã trèo lọt vào ban-công một phòng ở lầu ba.

Chàng xoa nắn lại các bắp thịt, vươn vai hít đầy dưỡng khí tốt lành rồi từ lầu ba thoăn thoắt chuyền ống máng lên lầu tư. Vụ hụt chết vừa qua đã giúp thêm kinh nghiệm nên chàng di chuyển có vẻ dễ dàng và nhanh nhẹn hơn.

Chàng đột nhập một căn phòng trống trơn, định thần nghe ngóng một lát. Tứ phía không có âm thanh nào khả nghi,Văn Bình bèn men ra hành lang. Ánh đèn yếu ớt của căn phòng gần cuối lọt qua kẽ hở cửa sổ chiếu ra ngoài những vệt mỏng song hàng. Chàng khom lưng, núp dưới cửa sổ. Mắt chàng đã quen với bóng tối. Chàng biết chắc là ngoài chàng ra, không có ai mai phục ở hành lang. Tai của chàng rất thính, nếu trong gian phòng thắp đèn có người, tất chàng phải nghe tiếng hơi thở.

Vậy chú Sáu ở đâu? Đối phương ở đâu?

Sợ lầm, chàng lắng nghe lần nữa. Chàng chỉ nghe được tiếng động của khu chợ bên dưới vẳng lên. Kỳ dư không có tiếng động nào khác. Thậm chí những tiếng động thật nhỏ do thạch sùng rớt từ trần nhà xuống đất gây ra cũng lọt vào tai chàng. Lẽ nào chàng không nghe được tiếng người thở.

Không trù trừ nữa, chàng đạp tung cửa.

Cũng như ở tầng dưới, cửa gỗ đã mục. Hai cái bản lề rỉ sét bị văng ra ngoài, cánh cửa rớt xuống theo. Bên trong là căn phòng trống trơn. Trống trơn như mọi căn phòng trong cao ốc bỏ hoang này.

Trong phòng chỉ có một ngọn đèn duy nhất treo tòng teng ở đầu sợi dây điện ám khói đen sì. Ngọn đèn không có chao, bóng điện chỉ được 25 nến là cùng.

Tuy vậy Văn Bình vẫn nhìn thấy rõ ràng như thể hàng chục đèn pha i-ốt cùng được mở sáng một lượt. Chàng đứng chôn chân trên ngưỡng cửa, cổ họng bất thần bị chặn nghẹn. Chàng không hề bị chém atêmi vào cổ họng, nguyên nhân khiến chàng nghẹt thở là một người đàn ông nằm sóng sượt ở giữa nhà.

Nạn nhân ngoảnh mặt về phía chàng, hai mắt nhắm nghiền. Đặc điểm của nạn nhân là bộ râu xồm xoàm. Hắn là người Á-Đông mà râu ria xồm xoàm hơn người phương Tây.

Tim Văn Bình đau nhói. Mọi hy vọng vừa nhú lên đã sụp đổ tan tành. Vì người đàn ông đang nằm trên đất là chú Sáu. Chàng tìm chú Sáu để phá màn bí mật. Nhưng chú Sáu đã chết. Màn bí mật càng dày thêm bí mật.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx