sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7: Văn Bình Mất Việc

Chàng chỉ ung dung được vài phút. Hình bóng cô gái bán thuốc không đẹp nhưng dễ thương, và nhất là vô tội, hiện ra đậm nét trong trí chàng. Chàng nảy ra ý định quay lại, dùng kuatsu xoa nắn và giải huyệt cho nàng hồi sinh. Song chàng chỉ dừng chân lưỡng lự đôi giây đồng hồ rồi tiếp tục dấn bước. Trong những năm đầu của cuộc đời hành động, Văn Bình tàn nhẫn khác thường. Nếu công việc đòi hỏi, chàng không ngần ngại giết người. Chàng giết người như đứa trẻ giết kiến. Giết không suy nghĩ. Giết không tính toán. Giết một cách hồn nhiên, không mảy may hối hận. Dần dà, sống bàn tay của chàng bắt đầu biết rụt rè. Chàng tìm mọi cách giảm thiểu thương vong. Vạn bất đắc dĩ, chàng mới xuống tay. Bạn bè cho rằng “anh hùng đã thấm mệt”. Sự thật không phải thế, chàng vẫn trẻ, vẫn khỏe như dạo nào. Trí tuệ và tài nghệ của chàng lại điêu luyện hơn xưa. Có lẽ chàng đã có con, dầu muốn dầu không trái tim bê tông biến thành lò lửa tình cảm.

Khu dạ lạc Nihon trải rộng trước mắt. Ánh đèn nê ông xanh đỏ tím vàng như trăm ngàn con bạch cuộc óng ánh vây bọc và quấn chặt lấy ngũ quan của Văn Bình. Nihon được mệnh danh là “con đường hỗn nhất thế giới” không ngoa. Chàng mới ló mặt đã bị đạo quân của thần trác táng thỗn thện nắm kéo, mời mọc. Đủ hạng đàn bà, cao có, thấp có, béo có, gầy có. Hầu hết là da trắng và là vêtêrăn trong nghề, đứng nối đuôi nhau một giẫy dài, đua nhau ưỡn ẹo, rún rẩy, công khai phô bày da thịt. Những khoảng sáng thì thật sáng, những khoảng tối thì thật tối. Nhiều thứ mùi vị khác nhau ngập đầy không gian. Mùi rượu mạnh lẫn mùi la ve. Mùi thuốc lá lẫn mùi á phiện và ma túy hít, chích, xông. Mùi nước hoa rẻ tiền lẫn mùi da thịt cũng rẻ tiền tương tự. Văn Bình còn ngửi thấy mùi tanh tanh như ngáng chặn cuống họng. Mùi tanh độc đáo này thường có ở khu bến tàu Marseille và những hẻm cụt Tân Gia Ba… nghĩa là những nơi khét tiếng trên thế giới về sự thanh toán giữa giới ma cô tình ái.

Du khách đến Nihon không thể quên ba điều quan trọng. Thứ nhất, mặc quần áo càng xấu càng tốt. Mặc đồ kẻng, veston lụa, ủi thẳng nếp với sơ mi lụa, giày Ý thì chắc chắn ốm đòn. Nếu túi quần sau cồm cộm thì sẽ được nếm mùi nước cống rãnh, ngất lịm đến sáng, chờ xe Hồng thập tự chở vào bệnh viện. May mắn thì vào phòng hồi sinh với vài khúc xương gãy, vài ba mũi vá. Còn nếu số đen thui như mõm chó thì trực chỉ nhà xác. Thứ nhì, chớ loăng quăng một mình, nên rủ anh bạn đồ sộ đi theo. Dẫu có garde corps cũng đừng cậy thế, việc ai mặc người nấy. Thứ ba, tối kị nổi máu anh hùng rơm. Chuyến nào đến thanh lâu, Văn Bình cũng phạm cả 3 khuyết điểm: phục sức diêm dúa, bót phơi đầy ứ đôla, và khoái sửa lưng thiên hạ. Hơn một lần, chàng bị dân anh chị đánh đòn hội chợ, nhưng rốt cuộc chàng vẫn phây phây.

Ma đưa lối, quỷ đưa đường, chàng đang bận ngập đầu, chưa thể đến du hí vậy mà định mạng trớ trêu lại khều chân chàng vào xóm trác táng Nihon. Tiếng trống kêu tùng tùng xen lẫn tiếng não bạt choang choang, chát chát đâu đây một nữ ca sĩ ghét mặc quần áo kín đáo đang ngoáy mông, vẹo ngực, rướn cổ hát một bài giựt gân. Bên phải là cửa kính trong suốt. Bên trái cũng là cửa kính trong suốt. Cả hai đều là hộp đêm thoát y vũ. Chiêu đãi viên hở ngực tung tăng đi lại bên trong như đèn kéo quân giữa những giãy bàn ghế chật ních, đèn đỏ mờ mờ, sặc mùi xì gà, cần sa. Một ả chỉ mặc quần không áo – một lối trình diễn thời trang hở vú đúng sở thích nam nữ trong năm - rún rẩy trước cửa một nhà hàng tối mò, chỉ có hàng chữ lân tinh óng ánh “Mời bạn vào làm tình”. Hàng chữ này là tên cửa tiệm. Copenhay là thiên đàng của ái ân có khác. Muốn đặt tên hiệu ra sao tùy ý. Giá chiếc Matra không bị nổ tan tành, chắc phút này chàng đã đáp ứng miệng cười mời mọc của cô gái bán lõa thể. Chàng giả vờ không nhìn thấy, rảo bước đến góc đường. Té ra gái chơi tụ tập ở đây lại đông hơn. Họ túa ra, quàng vai, níu áo, ngang nhiên kéo chàng vào ngôi nhà trệt thấp, hấp háy ánh đèn nê ông hồng. Đây là nhà thổ. Họ bắt cóc chàng. Không cần hỏi ý kiến chàng. Bất chấp chàng đồng ý hay phản đối. Vất vả lắm chàng mới gỡ thoát mà sơ mi còn nguyên. Đám con gái bán dâm đề nghị gì chàng cũng gật đầu tuốt luốt. Một khách đàn ông với 3 nữ nhân là thú vui của Nihon. Trong căn phòng nhỏ, còn lại 3 cô gái Bắc Âu phốp pháp, mặt bự phấn, lỗ chân lông ở cổ và gáy sâu hun hút. Họ yêu cầu chàng nhập đề ngay, song chàng chỉ máy điện thoại. Một ả hỏi:

- Kêu rượu hả? Để em gọi cho, bao nhiêu cũng có, rượu nào cũng có.

Chàng xua tay:

- Không phải. Kêu cho mấy thằng bạn. Đến đông, vui hơn.

Điện thoại, một trong những nhu cầu của đời sống văn minh, lưu lại trong lòng Văn Bình khá nhiều kỷ niệm. Chàng vốn có cảm tình riêng với niên giám điện thoại của thành phố Copenhay. Chẳng phải vì chàng có thể tự do quay số điện thoại cho các nàng “gái gọi” mà chính vì sở điện thoại Copenhay đã có nhiều cái rí rỏm. Gọi cảnh sát hoặc xe cấp cứu ư, dễ lắm, chỉ cần quay ba con số dêrô, dêrô, dêrô. Một cậu sinh viên khôi ngô, lém lỉnh và khoái bông đùa suýt bị mất cái ghế tham vụ sứ quán sau bao năm đèn sách cậu mới đoạt nổi. Số là sau khi tốt nghiệp vào ngành ngoại giao, cậu được đổi đi Copenhay. Một ông bự từ quê nhà xa lắc xa lơ đến sứ quán thanh tra. Vợ ông bự còn trẻ măng, ông bự lại vừa già vừa xấu nên luôn luôn lo sợ. Bà vợ trẻ sút chuồng có khác, đi chơi cả ngày ở thủ đô. Nhưng bà ta chỉ đi mua sắm, đi ăn uống, chứ cái khoản… cắm sừng lên đầu chồng thì bà không dám (hoặc có dám chăng nữa Z.28 cũng không biết, vì người ta chỉ thuật lại có thế). Một tối kia, không thấy vợ đâu, ông bự bấn súc sích chạy đi tìm. Cậu sinh viên tham vụ khôi ngô được tòa đại sứ cử làm hướng dẫn viên cho bà vợ trẻ trong thời gian lưu lại Copenhay. Ông bự kêu điện thoại hỏi thì cậu buột miệng:

- Dạ, bà vừa đi với ba con dê cụ.

Chết rồi, nói dứt lời, cậu biết là lỡ miệng. Tính cậu vốn tếu, hồi còn ở trường đại học bệnh tếu đã làm cậu hút mất bằng, vậy mà cậu không chừa. Cậu toan xin lỗi và giải thích song ông bự đã cúp. Hừ, bà vợ mỹ nhân thơm như múi mít của ông bự vừa đi với ba con dê cụ ư? Chuyến này ông bự quyết không tha. Ông gặp một ông bự khác trong sứ quán, than thở nỗi niềm thì được tiếp rước bằng những tràng cười như nắc nẻ. Mọi người có mặt đều ôm bụng cười bò lê bò càng. Bà vợ trẻ xuất hiện, và cũng ôm bụng cười bò càng bò lê. Thì ra “Ba con dê cụ” chẳng phải là ba tên hỗn xược dám vuốt râu hùm. Chẳng qua muốn gọi taxi, khách phải gọi số 35, 35, 35. Giới tếu thường nghĩ 35 là dê cụ. Ba số 35 dĩ nhiên là ba con dê cụ. Chàng tham vụ nhà ta kêu dây nói đến hãng lấy taxi giùm lệnh bà, khi nghe ông bự lục vấn, cậu quên phứt và phát ngôn bừa bãi. Cậu phải năn nỉ, lạy lục gần sứt trán mới được ông bự tha lỗi cho. Nhớ lại câu chuyện rí rỏm, Văn Bình bật cười trong điện thoại. Cuối đường dây điện thoại có tiếng phụ nữ đáp lại. Chàng không xưng tên và trình bày lý do như thường lệ. Giọng nói rất nhã nhặn song không kém phần nghiêm trang:

- Thưa, ông là ai? Ông muốn gặp ai? Dầu sao, tôi cũng mạn phép lưu ý ông là đêm đã khuya, văn phòng đóng cửa từ 5 giờ chiều. Nếu có chuyện gì, xin ông gọi lại 9 giờ sáng mai.

- Công việc rất cần. Tôi là Văn Bình, đại tá Z.28.

- Kính chào đại tá Z.28. Văn phòng sẽ mở cửa 9 giờ sáng mai.

- Hiểu rồi. Nhưng tôi không cần nói chuyện với nhân viên văn phòng.

- Thưa, đây là điện thoại của văn phòng.

- Hiểu rồi. Đây là tổng đài. Phiền cô cho tôi liên lạc thẳng với ông Olsen.

- Trời, ông muốn gặp ông chủ ư? Giờ này, ông chủ đã ngủ say.

- Không, còn thức.

- Tại sao ông biết

- Tôi vừa từ nhà ông chủ ra xong.

- Giờ đây ông chủ đã vào phòng. Vả lại, tôi là nhân viên, tôi không thể trái lệnh. Từ chập tối đến sáng, ông chủ không tiếp chuyện bằng điện thoại. Cho dẫu ban ngày nữa, muốn tiếp chuyện bằng điện thoại với ông chủ phải qua phòng bí thư.

- Vậy cho tôi gặp ông bí thư.

- Nữ, không phải nam bí thư.

- Mất quá nhiều thời giờ rồi, cô ơi. Vâng, cô cho tôi điện đàm với… bà bí thư.

- Cái ông đại tá Z.28 này chẳng ga lăng tí nào. Đàn ông ga lăng không bao giờ than phiền mất thời giờ với đàn bà. Hẳn ông cũng biết đàn bà sợ nhất nhắc số tuổi. Dầu đã đến tuổi bà, phụ nữ chỉ thích được gọi bằng cô cho trẻ. Ông ác lắm, cô bí thư của ông chủ mới hăm mấy mà ông nỡ tôn làm bà. Ví thử cô ấy hơn 50, ông cũng phải kêu bằng cô.

Văn Bình giận uất người. Chàng cần tranh thủ thời gian thì cô gái tổng đài lại ưỡn ẹo, giở giọng cà kê dê ngỗng, kiếm chuyện kéo dài vô tích sự. Không gì làm chàng bực mình bằng liệt Z.28 vào hạng đàn ông thiếu ga lăng tính. Nhưng chàng không thể nổi sùng, chàng xuống nước năn nỉ, giọng dịu dàng:

- Xin cô tha lỗi, và…

- Dạ tôi đâu dám. Cô bí thư chỉ làm việc từ trưa đến chiều, nghĩa là sau 12 giờ trưa mai, xin ông kêu lại.

- Cô Nana có mặt trong phòng không?

- Dạ, chúng tôi không được phép rung chuông vào giờ này.

- Vậy thì… ông Vôn-hốp.

Đầu dây im lặng. Văn Bình nói dồn:

- Tôi báo cho cô biết là nếu cô lừng khừng, cô sẽ gánh hết trách nhiệm. Không những trước ông chủ Olsen, cô còn bị công an Đan Mạch làm khó dễ, và có thể bị đưa ra tòa truy tố.

- Thưa ông đại tá, tôi là đàn bà con gái chân yếu tay mềm, con kiến cũng không dám giết nữa là… Công an sẽ chẳng để ý đến kẻ tôn trọng luật pháp như tôi.

- Cô lầm. Công an sẽ kêu cô đến thẩm vấn. Tôi sẽ trình bày với họ là cô đã cố tình ngăn tôi thông báo về vụ ông quản gia bị trúng bom chết.

- Trời ơi, ông quản gia bị trúng bom chết. Vâng, vâng, ông đừng cắt. Phiền ông chờ một lát thôi, tôi liên lạc ngay với cô bí thư.

Giọng nói của cô bí thư chua như dấm thanh. Văn Bình không tin cô ta mới hăm mấy. Xoàng ra cũng trên tứ tuần. Chỉ nghe giọng nàng, chàng cũng ghê răng. Văn Bình tường thuật tai nạn vừa xảy ra, và yêu cầu được gặp ông Olsen.

- Ông xin gặp ông chủ để làm gì?

Nàng hỏi bằng giọng khô khan, gần như trịch thượng. Loại đàn bà cay nghiệt này ế chồng suốt đời là cái chắc. Đàn ông nào ký khế ước trăm năm với nàng là đàn ông vô phúc. Không khéo chết non, không chết bệnh thì ra đường cũng bị xe cán giẹp lép. Chàng cũng đáp sẵng:

- Ông chủ đang cần gặp tôi. Về công việc.

Câu nói của nàng phập xuống như lưỡi dao máy tàn bạo:

- Cách đây nửa giờ, ông chủ đã ban chỉ thị cho tôi. Tôi gọi thẳng cho khách sạn thì nghe nói ông chưa về. Ông chủ nói là công việc định giao cho ông đã được đình hoãn vô hạn định.

Văn Bình choáng váng. Như vậy nghĩa là chàng mất việc. Chàng sẽ không có 8 triệu đôla trả nợ đây cho Thu Thu. Tuy vậy, không có 8 triệu đôla cũng chưa làm chàng uất hận bằng quyết định của Olsen. Đây là chuyện người lớn, chuyện quan trọng liên hệ đến uy tín của một nhà tỉ phú, coi tiền như rác. Uy tín của Olsen chưa đáng kể bằng uy tín của Sở Mật vụ do chàng đại diện. Chàng phải hỏi cho ra lẽ:

- Nói một cách dễ hiểu, tôi bị ông chủ đuổi?

- Thưa ông đại tá, chữ “đuổi” quá nặng nề. Tôi vừa lặp lại đúng y những lời ông chủ. Vâng, đình hoãn một thời gian vô hạn định.

- Tôi muốn nghe những tiếng này từ miệng ông chủ.

- Phiền ông về khách sạn. Nội đêm nay, văn thư chính thức sẽ được gởi đến tận tay ông.

- Không ổn. Yêu cầu cô cho tôi đàm thoại trực tiếp với ông chủ.

- Đáng tiếc. Tôi sẵn sàng chiều ý ông, song ông chủ đã đi vắng.

- Đi vắng? Ông Olsen đi đâu?

- Thưa, tôi không rõ.

Văn Bình hạ máy. Khi ấy chàng mới sực nhớ đang ở trong tổ quỷ sứ với ba đệ tử của thần mày trắng, y phục khêu gợi của con nhà nghèo. Chàng quay lại, cả ba còn ngồi trên đi văng. Hồi nãy, họ lắm mồm chừng nào thì giờ đây họ hà tiện ngôn ngữ chừng nấy. Ngay cả những cử chỉ thiết yếu họ cũng tiết kiệm. Họ không khoa tay múa ngón, dậm chân thình thịch, ngoáy mông đú đởn nữa. Họ ngồi yên, ngước mắt nhìn chàng. Kinh ngạc và sợ sệt. Một ả hỏi:

- Anh là cớm hả?

Văn Bình nhún vai:

- Cớm hay không, em không nên biết.

Chàng xỉa đống bạc curon xuống nệm giường:

- Anh bận việc. Phải đi ngay.

Gái chơi trên thế giới thường giống nhau ở một điểm: mê tiền. Hễ khách lòi tiền ra là họ chộp lấy, nhét ngay vào xú chiêng. Nhưng cả ba cô gái lầu xanh lại lắc đầu. Ả lớn tuổi nhất hốt hoảng thu gọn đống bạc, trả cho Văn Bình và nói:

- Mời anh ra.

Chê tiền thì thôi, Văn Bình không ép. Chàng nhặt xấp curon, đút túi. Cô ả lớn tuổi nhất mở cửa:

- Chúng em chỉ làm nghề này. Rất sòng phẳng. Không lường gạt khách. Không nẫng bót phơi của khách. Không dìu khách trong bóng tối rồi xô ngã xuống rãnh nước. Và nhất là không bán cần sa hoặc bạch phiến. Chúng em không thích bị dòm ngó. Lần sau, anh đừng léo hánh đến đây nữa kẻo có việc xui xảy ra lại oán chúng em không báo trước.

Không đợi nhắc lại, Văn Bình lỉnh ra ngoài. Cũng may, họ lầm chàng là nhân viên điều tra công an. Xóm đĩ Nihon là sào huyệt của tất cả những cái gì xấu xa nhất, song giới đao búa ma cô lại kị công an, nhất là công an chìm. Nếu họ giữ chàng lại, chàng phải kiếm cách tháo chạy. Chàng đã gây nhiều chuyện ở Copenhay, chàng không thích gây thêm một vụ ẩu đả bươu đầu sứt trán vô ích.

Những ánh đèn rực rỡ của khu Nihon nhòa nhạt phía sau. Văn Bình tạt vào một hẻm ngoằn ngoèo, một đám thủy thủ ngoại quốc say rượu bí tỉ đang khoác tay nhau thành hình chữ nhất, loạng choạng che kín lối đi, miệng ca hát lung tung ầm ỹ. Bọn thủy thủ này từ bến tàu lên bộ thường ngày. Nihon tọa lạc ngay trên lộ trình của họ nên họ phải rẽ qua, say mèm, bóp phơi lép kẹp, tay chân ngứa ngáy, sẵn sàng đấm đá bất cứ lúc nào.

Văn Bình đã cẩn thận đi ép vào lề, song vẫn bị khiêu khích. Một gã thủy thủ nhổ nước bọt vào má chàng. Chàng thản nhiên tiến bước. Một gã khác đấm lưng chàng thùm thụp. Gã thứ ba ngáng chân chàng. Số còn lại vây kín chàng. Chàng phải tả xung hữu đột mới thoát khỏi vòng đai tấn công của bọn thủy thủ. Chàng vắt giò lên cổ chạy luôn một hơi. Qua cầu Holmen bắc qua nhánh sông nhỏ là một tiểu đáo, nơi tập trung các cơ sở chính quyền trung ương. Nhưng Văn Bình không qua cầu. Chàng rẽ sang phải, trước mặt chàng là khu Stroyét quen thuộc gồm 5 đường phố và những con hẻm chật hẹp, dích dắc, được coi là thiên đàng của khách bộ hành.

Lữ quán Âu châu nơi chàng lấy phòng, tọa lạc trên đại lộ mang tên nhà văn viết truyện cổ tích tài ba nhất Đan Mạch, Anđơsen (1).

Trước khi đến đại lộ Anđơsen, Văn Bình phải qua một hộp đêm độc nhất vô nhị. Tên hộp đêm là Mặt Nạ. Nó chỉ trương một tấm bảng đen trắng nhỏ xíu, hết sức khiêm tốn, khuất trong tòa nhà cũng khiêm tốn không kém. Ấy thế nó lại thu hút được nhiều trai trẻ bốn phương. Nó độc nhất vô nhị ở điểm không phải có tiền là vào được. Điều kiện cần yếu là mang bệnh đồng tính luyến ái. Hầu hết khách quen là người Mỹ. Văn Bình từng ghé hộp đêm Mặt Nạ nhiều lần. Chàng từng hẹn hò, vuốt ve bọn đĩ đực như thể chàng là dân đồng tính chính cống. Sự thật chàng đến đó do CIA yêu cầu. Chả vì một số nam điệp viên của họ bị nghề nghiệp căng thẳng làm bấn loạn thần kinh, sinh lý và trở thành đồng tính bất trị. Bọn GRU bèn lợi dụng tình trạng tréo cẳng ngỗng này để săng ta… Bất giác chàng liên tưởng đến Thu Thu. Trong nhà hàng Mặt Nạ có một nhóm hội viên Zombie. Chàng thở dài khi rảo qua tiệm sách báo ái tình. Cửa tiệm này có cái máy bán sách báo tự động, đút tiền vào là sách báo khiêu dâm tuột ra. Sát cửa tiệm là hộp đêm Mặt Nạ.

Cuộc sống của con người chỉ là cái mặt nạ dầy cộm. Con người tưởng dùng phong tục, luật lệ là che đậy được sự thật dơ bẩn. Thu Thu cũng như trăm ngàn phụ nữ khác bị giam hãm trong nhà tù của phong tục và luật lệ. Nàng phải sống giả dối. Sống ngày, sống đêm, sống quanh năm, sống trọn thuở thanh xuân vàng ngọc trong sự xảo trá. Đùng một cái, nàng thoát ra ánh sáng. Ánh sáng quá nhiều làm nàng chói mắt. Để rồi nàng nhuốm bệnh suy nhược thần kinh. Nhuốm bệnh sinh lý hỗn loạn. Trời… chàng không ngờ, và không ai dám ngờ Thu Thu trở thành hội viên Zombie. Chàng phải tìm cách cứu nàng. Tìm cách phá tan xiềng xích vô luân của hội “Người chết hồi sinh”.

Khách sạn Âu châu là một tòa nhà chọc trời đồ sộ và sang trọng với tiệm ăn tối tân ở tầng thứ 18. Đêm đã khuya mà đèn trên tiệm còn sáng như sao sa. Bao tử Văn Bình đầy ứ mặc dầu chàng chưa ăn gì. Chàng vào phòng tiếp tân, liên lạc với nhân viên đồng phục sau quầy. Chàng có một bức thư. Nội dung như sau:

“Thưa đại tá,

Vì lý do riêng, tôi trân trọng yêu cầu đại tá hủy buổi hẹn được trù định vào hồi 10 giờ sáng mai. Do đó, công việc tôi trù định giao cho đại tá thực hiện cũng được bãi bỏ.

Theo thỏa thuận chung, phân nửa số thù lao sẽ được trả ngay sau khi nhận việc. Công việc này được bãi bỏ, vấn đề thù lao không còn đặt ra nữa. Tuy nhiên, vì tình cảm riêng của tôi đối với đại tá, tôi xin biếu đại tá số tiền mọn là nửa triệu mỹ kim. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, số tiền kể trên sẽ được chuyển vào trương mục Thụy sĩ mà đại tá đã cho số.

Chúc may mắn,

Olsen.”

Gã nhân viên xun xoe:

- Thưa, tôi xin hướng dẫn đại tá lên phòng ăn.

- Cám ơn, tôi còn no. Tôi phải đi ngay. Phiền ông cho bồi mang hành trang xuống. Tôi chỉ có một cái va li nhỏ.

- Dạ. chúng tôi cứ tưởng ông còn ở lại chơi.

- Không.

Người nhân viên ngần ngừ một phút rồi cáo lỗi, rảo bước vào văn phòng giám đốc. Viên giám đốc lon ton chạy ra, chào hỏi chàng rối rít. Tuy chàng nói rõ chỉ có cái va li nhẹ như bấc mà viên tổng giám đốc vẫn hạ lệnh cho 3 gã bồi lên phòng chàng:

- Đại tá cứ ngồi đây, cần gì lên phòng cho nó mệt.

Văn Bình đáp bằng nụ cười. Như thường lệ, trước khi rời lữ quán, chàng đã gài đặt mấy sợi tóc ở ổ khóa và bên trong va li. Nếu sự hiện diện của chàng bị địch phăng ra, tất địch lục soát phòng chàng. Dầu khéo léo đến đâu, họ cũng để lại dấu vết. Văn Bình vốn có tính đãng trí. Chỉ riêng cái tính ác ôn này chàng đủ làm chết hàng chục lần. Chàng còn sống chẳng qua Thượng đế cho chàng sống. Thế thôi. Nhưng đôi khi, tính đãng trí lại cứu chàng thoát hiểm. Thật vậy, khi ấy nếu chàng không đãng trí để mặc mọi người ra hết cửa sập lại, thang máy bốc lên tầng trên với chàng bên trong thì chàng đã mất mạng. Số là con ma thuốc lá dằn vặt chàng, chàng lục hết túi trên túi dưới cũng không thấy cái quẹt máy và bao diêm quen thuộc. Chàng mới mua gói Salem và bao diêm gần khu thanh lâu, chàng còn nhớ rõ, chàng mới hút 1 điếu, bao diêm còn nguyên. Loay hoay giây lâu, chàng mới tìm ra. Cửa thang máy đã khép. Chàng đành chờ lên đến tầng trên mới bấm nút ngưng rồi xuống phòng bằng cầu thang. Giờ ấy hành lang lữ quán hoàn toàn vắng vẻ. Chàng suýt đâm sầm vào một gã cao lớn từ dưới chạy lên. Thấy hắn, chàng nép sát thường. Thấy chàng, hắn khựng lại trong một tích tắc đồng hồ. Văn Bình chột dạ vì cặp mắt hắn đột nhiên lấm lét, phản ứng của tên trộm bị bắt quả tang đào ngạch. Hắn là người Bắc Âu, da trắng, mũi mỏng lét, miệng tí teo, râu ria xồm xoàm. Hắn quay sau nhìn xớn xác. Rồi nhìn chàng. Rồi hốt hoảng hốt chạy ù xuống những bậc cuối của cầu thang gạch.

Văn Bình không có thời giờ suy nghĩ về thái độ khả nghi của gã đàn ông lạ. Chàng chỉ biết là trong khi quay sau, hắn bắt buộc phải nhìn thấy 3 anh bồi đồng phục ủi thẳng nếp trước cửa phòng chàng, trong số này có một anh lom khom sửa soạn đút chìa vào ổ khóa.

Chàng hiểu liền.

Phòng chàng cách cầu thang xi măng khoảng 6 mét. Chàng quát lớn:

- Nằm xuống, nguy hiểm!

Ba anh bồi cùng lăn kềnh trên nền hành lang. Họ ngã quay, chẳng phải họ nghe rõ và hiểu nội dung tiếng thét báo động của chàng. Họ ngã quay là vì tiếng thét kiai quá lớn. Tưởng trần nhà bằng bê tông kiên cố cũng rạn nứt, vôi hồ rơi rớt lả tả, và nền nhà rung chuyển dữ dội. Nhờ nghệ thuật kiai siêu đẳng của Văn Bình, ba mạng người vô tội thoát chết. Nhiều âm thanh vang dội cùng phát lên một lượt. Ầm ầm… ầm ầm… cánh cửa lim nặng nề dứt khỏi bản lề và đổ rụp. Những âm thanh này do một trái mìn claymore đặt giấu sau cửa phóng ra. Loại mìn định hướng này là một trong các khí giới giết người hàng loạt tàn bạo và chính xác nhất. Nó chỉ bắn về một hướng, do đó mới mang tên là mìn định hướng. Ba gã bồi nằm la liệt trên thảm, miểng gỗ và vôi phủ đầy mình. Văn Bình trông thấy máu. Và chàng nghe tiếng rên la. Chắc họ bị thương. Chàng không có thời giờ tiếp cứu họ. Chàng phải thộp cổ tên Bắc Âu râu ria xồm xoàm mà chàng đoán là hung phạm. Hắn đã thót lên lầu trên, nhưng hắn sẽ lợi dụng tình trạng nhốn nháo trong khách sạn để vù xuống tầng dưới, ung dung đào tẩu ra đại lộ Anđơsen. Đèn đang sáng như sao sa, bỗng tắt phụt. Toàn lữ quán chìm trong bóng tối. Tiếng người gọi nhau từ phía dưới vọng lên. Chắc nhân viên an ninh của lữ quán cúp điện, đề phòng hỏa hoạn.

Văn Bình không dám nhỏm dậy. Theo kinh nghiệm, quân khủng bố thường đặt mìn kép, quả sau phát nổ trong vài ba phút, sức tàn phá giết chóc sẽ mạnh hơn nhiều. Chàng ép bụng, bò lại miệng cầu thang. Tiếng giày nện cồm cộp, đèn bấm lóe tròn, Văn Bình nằm ngang, cuộn mình lăn xuống. Khối thịt cứng rắn của chàng đụng phải đám người từ tầng dưới rầm rộ kéo lên. Cả bọn bị chàng xô ngã túi bụi. Họ ôm cứng lấy chàng, và vô hình chung họ trở thành tấm nệm êm ái lót cầu thang cho chàng trượt xuống ngon lành. Văn Bình không cần quan tâm đến việc họ bị thương nặng hay nhẹ. Chàng chỉ cần chạm mặt đất càng nhanh càng tốt. Với bản lãnh nội ngoại công thượng thặng, chàng không bị sây sát. Đến tầng dưới, chàng vụt đứng thẳng giữa đống người hỗn loạn, và những tiếng kêu cứu đau đớn.

Đèn được bật sáng trở lại. Nhưng không ai nhìn thấy chàng.

Như viên đạn đại bác, Văn Bình vèo ra đường.

Chú thích:

(1) Hans Christian Andersen ( 1805 – 1875 ).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx