sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: Văn Bình Ngồi Khám

Nguyên Hương đợi chàng ở phòng ngoài với cái khay ni-lông để một chai huýt-ky mới khui và hai ly pha lê trắng tinh. Trong lúc chàng nói chuyện với ông Hoàng, nàng đã chải lại tóc, tô lại đôi môi chúm chím và phớt chút phấn hồng lên má, trông nàng xinh đẹp bội phần.

Bác sĩ Võ Hoài vịn tay vào bàn, mắt nhắm lại, giả vờ ngất xỉu:

- Trời, tôi bị đứng tim mất rồi.

Văn Bình đập vai bạn:

- Anh bị mệt chắc ở đây không được đâu. Anh xuống phòng tập trước, dặn họ sửa soạn đợi tôi. Uống xong ly rượu, tôi sẽ xuống.

Biết Văn Bình đuổi khéo, Võ Hoài nguýt hai người một cách rí rỏm, đoạn mở cửa bước ra ngoài hành lang. Trong phòng còn lại Văn Bình và Nguyên Hương; chàng ngồi xuống ghế rót rượu, nàng cúi xuống chiếc máy chữ điện IBM, má đỏ hây hây, dáng điệu ngượng ngùng.

Tuy quen chàng và yêu chàng đã lâu, nàng vẫn thẹn thò khi sắp ngã vào vòng tay rắn chắc của chàng. Chàng đưa ly huýt-ky lên môi:

- Cám ơn em đã nghĩ đến anh. Em hết giận anh chưa? Ông Hoàng cấm anh không được say rượu buổi sáng nữa rồi.

Sực nhớ ra, chàng vội nói:

- Ừ nhỉ, suýt nữa quên mất. Anh phải tập dượt dưới hầm đến tối mịt mới xong. Không biết chúng mình còn có thời giờ đi ăn với nhau không.

Nguyên Hương đứng dậy, tiến lại phía chàng, hờn dỗi:

- Nếu quả anh bận, em xin hoãn đến khi anh về. Còn nếu anh nói dối em để hẹn hò với người khác thì coi chừng. Em sẽ bảo cô Quỳnh Loan cắt lưỡi anh đi.

Văn Bình giựt mình đánh thót khi nghe nhắc đến tên Quỳnh Loan. Nàng đã xô Triệu Dung xuống sông Sàigòn. Vốn thích việc khó, chàng quyết chinh phục nàng cho bằng được dẫu bị mất lưỡi. Chàng kéo Nguyên Hương vào lòng, vít đầu nàng xuống. Hương tóc và da thịt thơm thơm thấm vào người chàng. Đê mê, chàng hôn vào đôi môi vừa mở hé. Nàng nhắm nghiền mắt lại, như muốn kéo dài giây phút thần tiên.

Đột nhiên, nàng mở mắt, gỡ ra khỏi vòng tay của chàng rồi tát vào má chàng một cái. Văn Bình bàng hoàng:

- Ơ kìa, sao em lại đánh anh?

Nàng trợn tròn mắt:

- Em còn đánh anh nữa. Anh nghĩ đến cô nào mà hôn em một cách bờ hững như vậy?

Giác quan thứ sáu của đàn bà, nhứt là đàn bà làm gián điệp, thật kinh khủng! Quả chàng đã tơ tưởng tới đôi môi như vẽ của Quỳnh Loan trong khi ôm hôn Nguyên Hương. Bèn chối bai bải:

- Em đa nghi như Tào Tháo. Anh đâu dám nghĩ đến ai ngoài em.

Tay chống nạnh, Nguyên Hương nói:

- Em sẽ cho người theo anh, từ bây giờ cho đến khi anh từ giã Sàigòn. Anh không giữ lời hứa thì chết với em nghe chưa? Em đã trình với ông Hoàng ròi. Nếu anh còn lăng nhăng, em sẽ bắt anh phải cưới em làm vợ ngay khi anh trở về. Em sẽ nhốt anh trong phòng này, không cho đi đâu hết.

Xoa má, Văn Bình kêu đau. Tưởng thật, Nguyên Hương ôm chầm lấy chàng:

- Khổ quá, em đánh chơi thôi mà. Anh bị đau thật ư? Em xin lỗi anh. Để em đền cho anh.

Nàng hôn Văn Bình một hơi dài. Ông Hoàng gọi nàng qua anh-tét-phôn từ nãy mà nàng không biết.

°

Phòng tập ở tầng dưới cùng, cách mặt đất mười thước, bên trên là văn phòng công ty Điện Tử.

Văn Bình xuớng bằng một thang máy riêng. Lúc ấy đã 12 giờ trưa, phòng tập vắng tanh. Đó là một căn phòng rộng 10 thước, dài hơn trăm thước, tường bê-tông gắn cao su hãm thanh. Một làn ánh sáng xanh mát tỏa xuống nền gạch màu vàng.

Văn Bình bắt tay thiếu tá Lê Diệu, chuyên viên tác xạ. Lê Diệu mỉm cười:

- Lâu lắm mới gặp lại đại tá ở phòng tập. Đồ tập vừa được mua ở Hoa Kỳ về, còn mới nguyên và tối tân hơn trước nhiều, nào, xin mời đại tá bắt đầu.

Đối diện Văn Bình, kê sát tường, là sáu cái ca-bin nhỏ, giống như ca-bin điện thoại công cộng. Lê Diệu đưa cho chàng sáu tấm ảnh lớn:

- Khi tôi bấm nút điện, sáu cửa ca-bin sẽ mở ra, từ mỗi ca-bin sẽ có một hình nộm bằng thép bọc ni-lông mềm bật ra. 5 hình nộm là cảnh sát viên, hình nộm thứ sáu là tên cướp mà đại tá cần hạ sát. Cửa ca-bin mở ra, đại tá phải rút súng ra khỏi vỏ và bắn liền, tuy nhiên, đại tá phải bắn đúng tên cướp, bắn lầm cảnh sát viên là mất điểm. Bắn tên cướp cũng phải trúng tim hoặc giữa mặt, nếu không cũng mất điểm. Tên cướp bắn bằng điện tử nên bao giờ cũng trúng, xin đại tá cẩn thận. Ba lần đấu súng cả thảy, ít nhất phải hạ được tên cướp hai lần. Tôi tin đại tá bắn trúng vì ở Sở, đại tá là người bắn giỏi nhất.

Văn Bình nhìn kỹ sáu tấm hình. Sáu người đều mặc quần áo giống nhau, sơ mi ngắn bỏ ngoài quần, miệng phì phèo thuốc lá, một tay thọc túi quần cồm cộm. Diện mạo cũng gần giống nhau, chỉ khác một điều là tên cướp có một vết thẹo dài trên má trái và đi giầy màu nâu trong khi các hình nộm cảnh sát dận giày đen.

Chàng đã quen với lối bắn hình nộm này bên Mỹ, trong các trường huấn luyện công an FBI. Muốn thắng điểm phải hội đủ ba điều kiện: thứ nhứt, nhận diện thật nhanh, để phân biệt tên cướp và năm cảnh sát viên, thứ nhì, rút súng thật nhanh, ít ra là nhanh bằng máy điện tử, và thứ ba là bắn thật trúng.

Thiếu tá Lê Diện hỏi:

- Đại tá vẫn dùng súng Luger chứ?

Văn Bình đáp:

- Tôi đánh mất rồi. Cho tôi khẩu nào cũng được.

Lê Diện ngần ngừ:

- Tôi đề nghị đái tá xử dụng khẩu SM 38 1

Văn Bình suy nghĩ một phút. SM 38 là một trong những súng Côn thường dùng của công an Mỹ. Có hai loại súng ngắn: súng cất trong bao đeo ở thắt lưng, hoặc đeo giấu dưới nách, và súng nhỏ hơn, chỉ cất trong túi riêng, hoặc giấu dưới nách. Ngoại trừ cảnh sát cơ giới là dùng súng nòng dài còn hầu hết đều dùng nòng ngắn, để rút ra nhanh chóng, bao da khỏi kềng càng. Cảnh sát ít dùng súng tự động, đạn để trong gắp mà mà dùng súng rulô. Súng lục tự động bắn chậm hơn súng rulô, nếu bị đạn hóc, đạn thối thì chết. Bắn hết đạn, người ta phải xử dụng cả hai tay để thay bì đạn trong súng tự động, một tay giữ báng súng, tay kia bấm nút cho bì đạn tuột ra, rồi còn phải kéo qui lát cho một viên nhảy lên nòng. Còn súng rulô thì chỉ cần một tay mà thôi.

Sở dĩ Văn Bình ưa súng lục tự động vì nó nhỏ hơn, nhẹ hơn, dễ giấu, lại dễ bắn, và có thể nổ được nhiều phát hơn. Song le, đây là cuộc tập dượt nên chàng nhận thấy súng côn rulô là khí giới thích hợp. Chàng liền hỏi Lê Diệu:

- Thiếu tá đề nghị loại SM 38 nào.

- Thưa có 10 loại 38 đặc biệt. 39 Quân Cảnh, 38 K, 38 Chiến Đấu, 38 nặng, 38 Vệ Sĩ, 38 Teriê, 38 Ngoại Xạ, 38 Không Lượng, 38 Thủ Lãnh, 38 Xentênian, 38 Đặc Biệt Thủ Lãnh, đại ta muốn lấy thứ nào 3 2

- Ồ, những loại này rẻ tiền, bắn không sướng, yêu cầu thiếu tá cho tôi khẩu Mắcnom 33 đặc biệt. 3

Lê Diệu trố mắt, kinh ngạc. Khẩu Mắcnom 44 đặc biệt là súng rulô đắc tiền nhứt, giá bán tại Mỹ gần 150 đô la. Nó là loại nặng, nòng dài, xử dụng cồng kềnh, chỉ những tay thần xạ mới dám mó tới.

Nghĩ tới những lời phê bình gay gắt của ông Hoàng, Văn Bình cảm thấy sung sức hẳn lên. Chàng quyết dùng súng Mắcnom nặng chình chịch để tỏ cho ông Hoàng biết chàng không quá tồi mặc dù nghiện rượu buổi sáng. Chợt nhìn lên trần, thấy mấy cái lỗ tròn của máy điều hòa khí hậu, chàng hỏi Lê Diệu:

- Vô tuyến truyền hình ở đây được chuyển lên phòng nào?

- Theo thường lệ, được chuyển về ban An Ninh. Nhưng ông tổng giám đốc vừa ra lệnh chuyển lên phòng ông. Giờ này, ông tổng giám đốc đang sửa soạn ngồi trước khung ảnh, chờ anh biểu diễn bắn hình nộm.

Văn Bình nhún vai ra lệnh cho Lê Diệu. Lê Diệu bấm một cái nút màu đỏ. Đeo khẩu Mắcnom bóng loáng ở thắt lưng, Văn Bình khuỳnh chân, hai tay duỗi ra sát đùi, mắt mở rộng, nhìn thẳng vào 5 ca-bin đóng im ỉm.

Một tiếng "cách" thật lớn nổi lên, sáu cánh cửa sắt cùng mở toang một lượt. Sáu hình nộm cao lớn cùng nhảy ra, trên tay lăm lăm khẩu súng. Nhanh như chớp, Văn Bình nhận diện được tên cướp có thẹo dài trên mặt. Chờ y nâng súng lên, chàng mới ngã lăn xuống đất.

Hai phát súng chát chúa nổ vang. Hình nộm bị bắn trúng tim, gây ra một lỗ lớn đen sì. Viên đạn của hình nộm bắn ra bị lạc vào tường. Đạn được nhồi một thứ bột riêng, nhuộm màu đen, đụng đâu bẩn đấy, song không làm chết người. Văn Bình đứng dậy, phủi quần áo giữa tiếng vỗ tay hoan hô của thiếu tá Lê Diệu.

Cửa ca-bin đóng lại, rồi mở ra lần thứ hai, thứ ba. Mỗi lần, hình nộm tên cướp được đổi sang vị trí khác, song lần nào Văn Bình cũng bắn trúng, phát thứ nhì vào yết hầu, phát thứ ba vào giữa hai con mắt. Mãi tới phát thứ ba, hình nộm mới bắn vào người chàng, song viên đạn chỉ sướt qua tay áo, để lại một vết đen nhỏ. Lê Diệu cười to:

- Đại tá giỏi lắm. Ba năm nay, tôi mới thấy lại một tay thiện xạ như đại tá.

Văn Bình uống một ly nước lọc - nước lọc chứ không phải huýt-ky - rồi theo Lê Diệu sang phòng bên. Ở góc nhà, đứng sừng sững một hình nộm, mặc theo lối cao bồi miền Tây nước Mỹ. Mỗi bên lưng hình nộm đều có một khẩu súng lục cán bạc nòng ngắn, nhô lên khỏi bao da thêu kim tuyến rực rỡ. Lê Diệu bảo:

- Bây giờ đến tập rút súng. Đại tá cũng đeo hai khẩu như hình nộm. Khi tôi bắn phát súng lệnh thì đại tá phải rút khí giới và lảy cò.

Văn Bình đứng xa hình nộm 10 thước. Hình nợm trừng mắt thủy tinh nhìn chàng. Nó được điều khiển bằng điện tử. Một cái máy IBM ở trong óc tính hộ hình nộm khi nào phải rút súng và bắn vào đâu. Lệ thường, hình nộm rút và bắn nhanh hơn người.

Phát súng lệnh của Lê Diệu nổ dòn, đồng thời mở máy toán điện tử. Văn Bình đang đứng thẳng, đột nhiên quay nửa người và nhanh như cắt ngồi thụp xuống, nã luôn hai phát, khói súng xanh lè, quyện một mùi khét lẹt. Kết quả khả quan: hình nộm trúng đạn vào mắt. Văn Bình chỉ bị thương ở vai. Lê Diệu bắt tay chàng, dáng điệu hân hoan.

Văn Bình nói:

- Nào, còn chém giết ai nữa thì đem ra đây một thể.

Lê Diệu cười:

- Ông Hoàng đặn tôi đưa đại tá lên ghế quay.

Văn Bình cau mặt. "Ghế quay" là một thứ ghế riêng, trông như ghế chữa răng, lắp một động cơ riêng, người ngồi lên là ghế quay tít như chong chóng và hất ngã xuống. Người mới tập phải mặc một bộ quần áo đặc biệt để khỏi bị thương. Ghế quay dùng để làm quen với phương pháp nhảy tàu hỏa, nhảy xe hơi, trong khi chạy nhanh. Lê Diệu lấy bộ áo đặc biệt cho Văn Bình mặc, song chàng gạt đi. Chàng phải biểu diễn lần nữa thật đẹp cho ông Hoàng khỏi dè bĩu.

Chàng ngồi ngay ngắn trên ghế. Lê Diệu vặn cho ghế cao lên, rồi bấm nút. Chiếc ghế ngã ra sau, rồi quay sang trái, quay sang phải, trước khi quay tít mù. Nếu là người yếu tim thì đã bất tỉnh, song Văn Bình vẫn thản nhiên như không. Chiếc ghế đột nhiên tung chàng xuống nền xi-măng, chàng lẹ làng uốn mình nhảy vọt lên, rồi đứng dậy, không bị xây sát, nét mặt bình thường, trên trán không một giọt bồ hôi. Lê Diệu lặng người trong một phút.

Chợt một tiếng nói vang lên trong phòng:

- Được rồi, không cần tập nữa. Thành thật khen ngợi Z.28.

Đó là tiếng nói quen thuộc của ông Hoàng. Lê Diệu móc trong túi ra một chai huýt-ky dẹt:

- Xin mừng đại tá.

Văn Bình mở nút, nốc cạn một hơi. Rượu vừa chảy qua cuống họng, chàng cảm thấy cồn cào, rồi mắt hoa lên, hàng ngàn con đom đóm xanh đỏ múa nhảy trước mặt. Chàng ném chai rượu xuống đất vỡ nát, loạng choạng một giây, trước khi ngã xụm vào ghế bành.

Cửa phòng tập mở toang. Hai người mặc áo trắng, tiến vào, khiêng theo một cái băng-ca. Họ lẳng lặng đặt Văn Bình nằm cứng đơ như khúc gỗ vào băng-ca, rồi khiêng thẳng ra thang máy, lên lầu tư.

Văn Bình được đưa vào một căn phòng sực nức mùi thuốc sát trùng, ba y sĩ vẻ mặt nghiêm nghị đã chờ sẵn. Chàng được khiêng đặt lên chiếc bàn mạ kền bóng loáng, một y sĩ lắp giây điện vào cổ tay, ngực và đầu chàng, hai y sĩ khác đeo ống nghe chăm chú cúi xuống. Bầu không khí bệnh xá im lặng lạ thường. Người ta có thể nghe được hơi thở của ba y sĩ.

Mười phút sau, y sĩ lớn tuổi nhất bỏ ống nghe tiến lại máy điện thoại:

- Alô, xin báo cáo. Các bộ phận trong người đều tốt. Duy có một điều lạ: dung lượng rượu trong máu còn rất nhiều.

Ở đầu giây, ông Hoàng suýt kêu lên một tiếng sửng sốt. Sự kiện này chứng tỏ Văn Bình càng uống rượu càng sáng suốt. Ông thở dài nhè nhẹ. Từ cổ chí kim, tạo hóa mới sản xuất được một điệp viên kỳ lạ như Z.28.

Ông Hoàng hỏi:

- Đã lắp A-16 vào chưa?

Viên y sĩ trưởng đáp:

- Thưa rồi.

- Xong xuôi, các ông đưa Z.28 xuống phòng nghỉ.

Ông Hoàng gác điện thoại, dáng điệu mơ màng. Trông ông, ai cũng tưởng là một thi sĩ già đang tìm vẩn thơ, chứ không ai ngờ được ông là một trong những nhân viên nguy hiểm nhứt và quan trọng nhứt của nhân loại.

°

Văn Bình tỉnh lại trong một căn phòng sơn trắng toát, trang trí vô cùng sang trọng. Chàng hơi ngạc nhiên khi thấy nằm trên giường.

Nhìn chung quanh, chàng lại ngạc nhiên hơn nữa. Quỳnh Như, cô gái đẹp nhứt trong "phòng đợi" đang ngồi trầm ngâm trên ghế bành, kê sát giường. Thấy chàng tỉnh dậy, nàng cất giọng thỏ thẻ:

- Anh khỏe quá, bác sĩ nói anh bảy rưỡi mới tỉnh mà bây giờ mới sáu giờ anh đã ngồi dậy rồi.

Văn Bình ngồi phắt dậy trên giường:

- Tôi bị thương à? Sao tôi lại ở đây?

Quỳnh Như mỉm cười:

- Không đâu. Ông Hoàng cho anh uống huýt-ky pha thuốc mê, để xem xét các bộ phận trong người anh, khi bị bất tỉnh ra sao. Ông Hoàng muốn biết phản ứng của anh nếu chẳng may anh bị địch chích thuốc mê hoặc huyết thanh sự thật 4. Các y sĩ cho biết anh tốt lắm. Địch bắt được anh cũng chẳng làm gì nổi.

- Tôi đang ở trong tổng hành doanh phải không?

- Vâng, ở lầu hai. Ông Hoàng dặn anh có thể trở về nhà sau khi thức dậy. Trong khi anh bị mê, các y sĩ đã gắn vào răng hàm anh một cái A-16. Khi hữu sự, anh chỉ cắn mạnh một cái là máy chạy. Hễ anh thấy miệng tê tê là A-16 bắt đầu chạy. Nó có thể chạy trong 72 giờ đồng hồ mới ngừng. Ông Hoàng sai em nói lại vời anh chỉ dùng A-16 trong trường hợp đặc biệt anh bị bắt ở Hànội, giam trong phòng kín mà không có hy vọng trốn thoát.

Văn Bình giựt nảy người. A-16 là loại máy phát tín hiệu tí hon nhưng tân tiến nhứt của Sở Mật Vụ. Tín hiệu này sẽ lọt vào tai một máy thu âm đặc biệt trong đường kính ba cây số. Chàng vụt hiểu. Ông Hoàng đã cài sẵn nhân viên ở Hànội, trong trường hợp chàng lâm nạn sẽ tìm cách tiếp cứu.

Vuôn vai, Văn Bình bước xuống giường. Mùi son ngòn ngọt như kẹo trên môi Quỳnh Như tạt vào mũi chàng. Nàng mặc một bộ din mỏng, bó sát lấy tấm thân ngà ngọc, làm nổi bật đôi gò bồng đảo phồng nhựa sống. Ngây ngất, chàng nắm lấy tay nàng, kéo lại. Nàng lặng yên cho chàng vuốt ve. Chàng hôn vào môi nàng. Nàng ghì chặt lấy chàng, hôn trả rất lâu.

Đoạn buông chàng ra, Quỳnh Như nói, giọng tiếc nuối:

- Em vừa vi phạm điều 25 trong nội qui. Cấm không được mềm lòng đối với đồng nghiệp nam giới. Đến giờ rồi, thôi anh về đi. Một chiếc xe cọt ve sơn xanh đang chờ anh trên đường Nguyễn Huệ. Chìa khóa công-tắc để dưới nệm xe. Chào anh và chúc anh may mắn.

Quỳnh Như đua chàng ra thang máy xuống dưới nhà. Chàng gạ hỏi thêm, song nàng lặng thinh, đôi mắt mơ màng nhìn đâu đâu. Có lẽ nàng đang nghĩ tới sự khiển trách nghiêm khắc của "ông Đồng".

Chàng vừa ra tới đầu đường Tự Do, đối diện khách sạn Ma-dét-tích, thì chạm trán Triệu Dung. Trong thế chiến, Dung và chàng đều là nhân viên quân báo OSS 5, tung hoành ở châu Âu. Dung học tới năm thứ 5 trường Thuốc thì dấn thân vào nghề điệp báo. Đến khi gia nhập tổ chức ông Hoàng, ra Hànội hoạt động với tư cách lãnh tụ phong trào Yêu Nước, chàng mở phòng mạch, ban đêm là Z.30 làm cộng sản sợ toát bồ hôi, ban ngày là y sĩ đông khách.

Gặp chàng, Văn Bình mừng rú. Hai người bắt tay đến cháy bỏng da. Triệu Dung lôi chàng lên vĩa hè bách bộ dọc đường Nguyễn Huệ. Dung từ Hànội vào Nam được gần một năm, sau khi ông Hoàng cải tổ lại guồng máy hoạt động, đưa phần lớn tổ chức vào vòng bí mật, đội lốt công ty kỹ nghệ như tình báo liên bang Tây Đức của tướng Ghêlen 6

Triệu Dung nói:

- Sáng mai tôi đưa anh lên phi trường, mang theo chỉ thị cần thiết cho anh. Đêm nay anh ở đâu? Ông Hoàng cho biết anh ngủ đêm ở đường Võ Tánh, trong phòng cô Mộng Kiều.

Chàng dẳn mạnh hai tiếng "Mộng Kiều" điểm thêm một cái cười ý nghĩa:

- Mộng Kiều đẹp lắm phải không anh?

Văn Bình hơi ngạc nhiên về sự thay đổi tính tình của Triệu Dung. Từ lâu, Triệu Dung vẫn nổi tiếng là nghiêm nghị, không thích đùa cợt, nhứt là không ưa gần đàn bà. Như đọc được tư tưởng của bạn, Triệu Dung nhún vai:

- Tôi đã 42 rồi, anh biết không? Hai phần ba đời người mà vẫn sống vò võ một mình. Làm nghề gián điệp hành động, ít ai sống đến tứ tuần, nên 42 tuổi đối với tôi cũng như 70 đối với người khác. Bỗng nhiên, tôi thấy trống trải lạ lùng. Tôi muốn trở lại quá khứ, trở lại thuở còn là sinh viên, ôm hôn một cô gái mũm mĩm và nói chuyện bâng quơ suốt sáng.

- Anh quên vụ chết đuối rồi sao?

Triệu Dung phá lên cười:

- À, ông cụ già lắm chuyện đã thuật lại anh nghe. Đúng thế, cô Loan đã lừa xô tôi xuống sông. Cô bé đáo để lắm, tôi đòi hôn nó, nó bằng lòng, lim dim đôi mắt, và ngã vào lòng tôi. Thấy ngon quá, tôi quên cả giữ gìn. Nó chỉ đẩy nhẹ là tôi lăn tòm xuống nước. Nói đúng ra, Quỳnh Loan không xô tôi ngã nổi nếu trước đó Nguyên Hương không lừa tôi uống cà phê. Anh vốn biết tôi nghiện cà phê đen. Nguyên Hương bỏ thuốc vào cà phê, làm tay chân tôi bải hoải. Nên tôi bị thua dễ dàng. À, mai kia có dịp đi chơi với Quỳnh Loan, anh làm ơn rửa hận giùm tôi. Cả Sở đều khiếp cô ta, chắc chỉ có anh mới trị nổi.

Lời nói của Triệu Dung làm Văn Bình miên man nghĩ đến bộ ngực và cái mông bất hủ của Quỳnh Loan. Đêm nay, chàng quyết ra tay bẻ khóa động đào, tạo kỷ lục cho Sở Mật Vụ kính nể. Cúi nhìn đồng hồ, chàng nhếch nụ cười bí mật:

- Chào anh. Tôi có cái hẹn.

- Hẹn với Quỳnh Loan hả? Cẩn thận, không khéo bị uống nước vỡ bụng đấy.

Hai người vui vẻ chia tay. Văn Bình trèo lên tắc xi, dặn lái loanh quanh một hồi, rồi đậu lại cuối đường Phú Kiệt. Chiếc xe hơi mui vải sơn trắng của chàng đậu hồi sáng trước một tiệm ăn Tàu đã được nhân viên Sở lái về cất trong ga-ra riêng. Ông Hoàng dành cho chàng một chiếc Cọt-ve khác, sơn xanh, nằm lẻ loi trước Tổng Ngân Khố, lù mù ánh đèn.

Huýt sáo miệng, chàng mở cửa xe, chui vào. Đột nhiên, chàng khựng người.

Quỳnh Loan đã ngồi trong xe, không biết tự bao giờ. Thấp thoáng sau màn tối, nàng đẹp mê hồn như hồ ly mỹ nhân trong truyện Liêu Trai, khiến Văn Bình rùng mình. Nàng mỉm cười:

- Z.28 sợ em phải không? Anh yên tâm, em không xô anh suống sông Sàigòn đâu.

Văn Bình đóng cửa xe, giọng thoải mái:

- Ồ, trời nóng thế này, được xuống sông tắm mát thì còn gì thú bằng.

Quỳnh Loan nũng nịu:

- Anh cứ riễu em mãi. Lái nhanh đi, kẻo "ông Đồng" thấy thì chết. Nếu em không lầm, tối nay anh có hẹn với "ông Đồng".

- Bọn em sợ Nguyên Hương đến thế kia ư?

- Trời! Chị nào phạm lỗi phải phạt một tuần không được ra phố, mỗi sáng phải dậy từ 4 giờ, đeo ba lô nặng như cối xay trên vai, đi bộ đúng ba chục cây số mới được nghỉ ăn lót dạ.

Văn Bình ấn ga nhè nhẹ, chiếc xe Mỹ gọn gàng lướt ra khỏi lề, bon bon về phía Bờ Sông, gió thổi phần phật. Lái được một quãng, chàng hỏi Quỳnh Loan:

- Chúng mình đi đâu?

- Tùy anh. Nếu có thể, chúng mình vào Chợ Lớn. Ăn trong ấy kín đáo hơn. Đêm nay, em phải trực, chậm lắm là gần mười một giờ em phải về.

Mùi nước hoa "Văng-ve" Ba-lê - thứ nước hoa của đàn bà Âu châu quý phái đa tình - thoang thoảng vào mũi chàng. Những sợi tóc dài của Quỳnh Loan thổi tạt qua tay lái, mơn man da thịt chàng, gây ra một xúc cảm ngây ngất như vừa uống một chai rượu mạnh buổi sáng.

Đại lộ Trần Hưng Đạo đầy nghẹt xe hơi. Văn Bình vẫn phóng nhanh như tên bắn, đèn pha vặn chói lòa. Qua ngã tư Nguyễn Thái Học, Văn Bình nghe còi síp-lê cảnh sát thét bên tai. Chàng lại phóng nhanh thêm. Quỳnh Loan dựa má vào vai chàng. Văn Bình tê mê, quên cả thực tại, hàng chục xe hơi bị chàng rồ máy vượt qua, tài xế buông miệng chửi rủa mà chàng không nghe tiếng.

Chàng quẹo vào đường Huỳnh Quang Tiên, tránh chiếc mô tô của cảnh sát giao thông rượt theo, rồi tắt đèn, chạy từ từ dọc bờ sông. Quỳnh Loan mở choàng mắt:

- Anh coi chừng đấy. Đêm nay, em không muốn nằm trong xà-lim cảnh sát đâu.

Chàng vuốt má nàng âu yếm:

- Trái lại, anh muốn ngủ khám với em đêm nay.

Văn Bình dừng xe trước tiệm ăn Diamond. Hai người chọn một cái bàn khuất trong góc. Chàng mỉm cười trong khi Quỳnh Loan dặn bồi mang lại một chai huýt-ky và hai cái ly. Nàng nói:

- Em uống thật say với anh tối nay để chúc anh lên đường may mắn.

Văn Bình bâng khuâng nhìn vào cái cổ trắng nõn của nàng. Chàng ghé miệng sát mặt nàng, hôn nhẹ vào má, nàng lắc đầu, giọng ngọt ngào:

- Đừng anh, tiệm ăn đông người, thiên hạ cười cho đấy.

Chàng vừa uống xong ly rượu thứ nhứt thì cửa xịch mở, một toán cảnh sát viên võ trang ập vào. Giựt mình, Văn Bình nhìn Quỳnh Loan, dáng điệu cầu cứu. Nàng nhún vai:

- Không phải họ đến tìm anh đâu. Chắc họ vào xét giấy. Một vụ khủng bố vừa xảy ra cách đây mười phút trước cửa một tiệm nhảy.

- Sao em biết?

Quỳnh Loan cười, rút cái walkie talkie nhỏ xíu trong xắc ra:

- Lúc nãy, khi anh ra quầy rượu chọn huýt-ky, em mở máy ra nghe. Lệ thường, em vẫn liên lạc với ban An Ninh ở tổng hành doanh, nhứt là ban đêm.

Văn Bình đẩy đĩa tôm chiên lăn bột vàng rộm lại trước mặt nàng. Nàng khoác tay:

- Em no lắm rồi. Chúng mình về đi.

- 11 giờ em mới về kia mà.

- Không khí ở đây ngột ngạt lắm. Ra ngoài dễ chịu hơn.

Một ý nghĩ nhú lên trong óc Văn Bình. Vì nghề nghiệp, chàng thuê một số phòng trong thành phố, bày biện sang trọng nhưng để trống, chỉ khi nào hoạt động mới tới. Chàng định mang Quỳnh Loan tới đấy, xem nàng có dám xô chàng xuống sông không.

Thấy chàng đậu xe trước một bin-đinh gần Ngã Bẩy, Quỳnh Loan ngạc nhiên:

- Anh dẫn em lên phòng phải không? Em không lên đâu.

Văn Bình hôn vào gáy nàng:

- Anh chỉ mời em uống rượu thôi. Sáng sớm anh đi rồi, em dễ dãi một chút với anh không được sao?

Quỳnh Loan run rẩy dưới cái hôn kỳ lạ của chàng điệp viên đẹp trai giàu kinh nghiệm. Như cái máy, nàng theo chàng lên cầu thang. Văn Bình rất sành tâm lý phụ nữ. người đàn bà khó nhứt thường trở nên dễ nhứt khi đàn ông đánh trúng yếu điểm.

Men rượu làm má nàng đỏ hồng. Không để ý ới đồ đạc đắt tiền trong căn phòng tối tân, gắn máy điều hòa khí hậu. Quỳnh Loan ngồi xuống ghế, xiêm nàng vén cao quá dầu gối, để lộ cặp giò thon tròn và trắng như ngó sen. Nàng mặc một cái áo len mỏng ngắn tay, bó sát ngực. Con mắt quan sát thành thạo của chàng cho biết bên dưới nàng không mặc đồ lót.

Văn Bình giả vờ vô ý gạt tay làm chùm chia khóa để trên bàn rơi xuống đất. Quỳnh Loan cúi xuống lượm. Cổ áo nàng trễ ra, để lộ một nửa ngực trên, chất chứa một sức quyến rũ lạ lùng. Không cầm được lòng, chàng ôm ghì lấy nàng.

Bỗng nhiên nàng kêu lên:

- Trời ơi!

Cái khóa sắt sau lưng áo len đã được Văn Bình kéo xuống, làn da lưng nõn nàng phô bày lồ lộ dưới ánh đèn sáng quắc, chiếc áo len phong phanh chỉ đợi chàng giựt nhẹ là tuột ra khỏi người. Toàn thân Quỳnh Loan nóng bừng lên, ngũ quan nàng đang bị kích thích với tốc độ cao nhất.

Tiếng kêu của Quỳnh Loan làm chàng ngưng tay vuốt ve. Gỡ chàng ra, nàng vội đứng dậy:

- Khổ quá, em để quên cái xắc dưới xe rồi. Anh có khóa xe lại không?

Ngẫm nghĩ một giây, Văn Bình đáp:

- Không.

Bất giác, chàng rờ túi quần sau. Khổ quá, cái ví da đựng giấy tờ và tiền bạc của chàng cũng bay đâu mất. Chàng sực nhớ lúc ôm hôn nàng trong xe, tay chàng mân mê đùi nàng, chạm phải một vật cồm cộm lành lạnh mà chàng không để ý. Có lẽ túi quần cạn, cái ví tuột ra ngoài, nằm trên đệm xe.

Quỳnh Loan kéo lại phét-mơ-tuya. Văn Bình buồn thiu, nghĩ đến trái dâu chín mọng sắp lọt vào tay thì nàng nhớ tới ví da phải gió bỏ quên. Sợ nàng trở về, chàng dặn:

- Anh xuống một mình. Em ngồi trên này đợi anh.

Quỳnh Loan hôn chùn chụt vào má chàng:

- Mau lên nhé. Cái xắc bị mất thì nguy lắm. Bên trong, có một số giấy tờ.

Văn Bình không mấy quan tâm tới cái ví chàng. Tiền mất hết thì thôi, sẽ có tiền khác. Giấy tờ toàn là đồ giả, ông Hoàng đã làm sẵn cho chàng hàng chục căn cước khác nhau. Nếu Quỳnh Loan không khẩn cầu bằng con mắt rơm rớm, chàng sẽ ở lại trong phòng. Đàn bà muốn thì Trời muốn, chàng nhủ thầm. Lát nữa, chinh phục tấm thân ngà ngọc kia cũng chẳng muộn.

Gió mát buổi tối quạt vào mặt chàng. Đường phố vắng tanh. Chàng đi bộ một quãng mới tới nơi đậu xe, dưới một cây bàng lớn, cành lá đen sì, ánh điện ở đầu đường không đủ sức chiếu tới.

Chợt lông mày chàng nhíu lại.

Chàng không thể nào lầm được. Có kẻ đang núp trong xe chàng. Chắc là bọn "thổi xe". Cách cây bàng năm thước, Văn Bình lũi vào mái hiên một ngôi nhà tối om, vận nhơn tuyến nhìn về phía xe Cọt-ve nằm trơ trọi trên đường vắng.

Tiếng động cơ rú lên nhè nhẹ. Chết rồi, trong một tích tắc nữa, chiếc Cọt-ve sẽ vọt khỏi lề, xắc tay và ví da của hai người chắp cánh bay mất. Nhanh như chớp, Văn Bình phóng lại xe. Qua bóng tối mờ mờ, chàng nhận ra một gã to lớn đang lúi húi thử đề ma rơ. Thấy Văn Bình, y tông cửa xe, nhảy vọt ra ngoài, tay cầm cái xắc của Quỳnh Loan, chạy biến về đường Minh Mạng.

Văn Bình co giò đuổi theo.

Phải là vô địch một ngàn thước mới bỏ rơi được chàng. Trong ba phút ngắn ngủi, chàng bắt kịp tên gian. Lúc ấy, hai người chạy qua một nhà ngoại kiều, có nhân viên cảnh sát đứng gác. Văn Bình chỉ cần đòi lại cái xắc rồi bỏ qua câu chuyện, song chàng vừa tới nơi, chưa kịp lên tiếng, tên du đãng đã giáng một đòn quyết tử vào mặt chàng.

Đối với người xông pha chiến trận như Văn Bình thì một chứ mười tên du đãng cũng chẳng thấm vào đâu. Chàng né sang bên, quả đấm bị trượt ra ngoài. Không chịu thua, y lại đấm nữa. Văn Bình lại né. Tên anh chị rút dao bấm ra, lưỡi sắc như nước, lấp lánh dưới ánh đèn.

Bực mình, Văn Bình phải chống đỡ. Nhân viên cảnh sát thổi còi ré lên. Tên du đãng hoảng hốt đâm mạnh vào cổ Văn Bình. Chàng bắt lấy tay cầm dao bẻ ngược, y ngã chúi xuống đất.

Bỗng một tiếng kêu thất thanh nổi lên. Mũi dao chổng ngược đâm vào tim tên anh chị bất hạnh. Văn Bình vội cúi xuống. Nạn nhân xoay ngửa ra, máu tuôn như suối. Người cảnh sát ré còi liên hồi. May thay, một xe Hồng Thập Tự vừa chạy qua. Hai người trên xe nhảy xuống, khiên nạn nhân vào băng ca. Nạn nhân nằm thẳng đơ, cổ ngoẹo xuống vai, da mặt tái mét. Vết thương không nguy hiểm đến tính mạng, song Văn Bình sẽ bị rầy rà.

Nhân viên cảnh sát nói với chàng:

- Xin mời ông về Quận lấy lời khai.

Văn Bình chưa kịp đáp thì một xe díp công an ập tới. Chàng định yêu cầu trở về căn buồng đường Minh Mạng gặp Quỳnh Loan và nhờ nàng báo tin về Sở, song lại đổi ý kiến. Nguyên Hương sẽ không tha thứ cho chàng nếu nội vụ lọt vào tai.

Tới ty cảnh sát quận Ba, chàng được đưa thẳng vào phòng ông phó quận. Chàng được mời ngồi và yêu cầu xuất trình giấy tờ. Chàng bèn ghi số điện thoại của Triệu Dung, nhờ viên phó quận gọi báo tin. Viên phó quận hơi thay đổi nét mặt khi đọc thấy giây nói riêng của Sở Mật Vụ.

- Nếu tôi gọi được, thì sẽ xưng tên ông là gì?

Văn Bình đáp:

- Xin ông nói giùm là người bạn thân nhất của "ông Đồng" bị nạn. chắc ông đã nghe nhân viên báo cáo tên gian định trộm xe hơi của tôi, cướp giật cái xắc bị tôi đuổi theo, dùng dao đâm tôi, song chẳng may y ngã xuống bị mũi dao đâm vào ngực.

Viên phó quận nhấc máy điện thoại:

- Vâng, ông để tôi xét xem. Bây giờ tôi gọi số ấy cho ông.

Gọi một hồi, không nghe ai trả lời, viên phó quận trả máy vào giá:

- Giờ này, nơi đó đóng cửa rồi, phiền ông đợi đến sáng lai.

Văn Bình tỏ vẻ ngạc nhiên. Sở Mật Vụ thường có người gác điện thoại suốt ngày đêm. Nghĩ đến cảnh bó gối suốt đêm trong bót cảnh sát đầy muỗi, lại thiếu thuốc Salem và huýt-ky, Văn Bình vật nài:

- Ông làm ơn gọi lại lần nữa xem.

Dường như không nghe lời khẩn khoản của chàng, viên phó quận xô ghế, đứng dậy, gọi:

- Thường trực.

Hai cảnh sát viên đeo súng lục tiến vào. Viên phó quận chỉ Văn Bình ngồi ủ rũ trên băng gỗ lạnh lẽo:

- Đưa ông này xuống dưới nhà.

Văn Bình phản đối, song viên phó quận đã hối hả bước ra ngoài. Chàng không còn cách nào hơn, ngoài cách thui thủi đi giữa hai nhân viên công lực lầm lì xuống nhà giam.

Z.28 xộ khám.

Xộ khám vì mê gái.

Tức uất người, chàng muốn đạp toang cửa vi-ô-lông, tống cho tốp lính gác ngã rụi, rồi trèo lên xe díp, phóng như điên tới căn phòng thơ mộng đường Minh Mạng.

Song cánh cửa nặng nề đã đóng chặt rồi. Một mình trong căn phòng nhỏ xíu, với chiếc đi-văng gỗ đen sì bồ hôi, với hàng trăm chú rệp đói khát đang chờ đợi. Văn Bình đâm ra chán nản lạ lùng.

Chợt nghĩ ra, chàng tự tát vào má một cái đau điếng. Ngu quá, có thế mà không biết. Quỳnh Loan đã cho chàng vào xiếc. Tại sao viên phó quận không thèm hỏi lý lịch, cũng không thèm lấy một chữ khẩu cung. Tại sao y gọi đúng số Sở Mật Vụ mà không ai trả lời? Phải rồi, thông đồng với Quỳnh Loan, y đã cố tình gọi lộn số. Quỳnh Loan muốn chàng ngủ bót đêm nay cho biết thân.

Chàng bèn đập cửa ầm ầm.

Một cảnh sát viên chạy lại, giọng gắt gỏng:

- Gì thế? Có im cho mọi người ngủ không?

Văn Bình nói, giọng khẩn khoản:

- Tôi là Văn Bình, đại tá Tống Văn Bình.

Người cảnh sát viên cười ré lên:

- Nếu ông bạn là đại tá Văn Bình, thì tôi là thống tướng Oét-mô-re-len. Thôi bồ, đừng xạo nữa, nằm xuống sạp ngủ một giấc cho thiên hạ đỡ khổ. Sáng mai, lên biện lý rồi tha hồ nói phét.

Thờ dài sườn sượt, Văn Bình đành ngồi xuống đi-văng. Ngọn đèn nê-ông ngoài hành lang lập lòe như trêu ngươi chàng. Bao năm vào sinh ra tử, hàng trăm phụ nữ đẹp quì mọp dưới chân, giờ đây chàng bị thua mưu một cô gái hai mươi tuổi. Phen này, nhân viên Mật Vụ được một mẻ cười vỡ bụng!

Văn Bình cố xua đuổi ý nghĩ hờn giận ra khỏi tâm trí để chợp mắt, song chàng không tài nào ngủ được. Chàng nhớ tới lời nói ỏng ẹo của Quỳnh Loan trên xe:

- Anh coi chừng đấy, đêm nay em không muốn nằm trong xà-lim cảnh sát đâu.

Và câu trả lời ngu độn của chàng:

- Trái lại, anh lại muốn ngủ khám với em đêm nay.

Chàng đã được ngủ khám. Nhưng là ngủ một mình. Giờ này, chắc Quỳnh Loan đã ngủ say rồi. Chàng không biết nàng theo thói quen nào, thói quen phương Đông mặc quần áo ngủ che kín, hay thói quen phương Tây cởi bỏ hết rồi chui vào trong chăn.

Gần nhiều đàn bà, chàng ít thấy có làn da lạ lùng như làn da Quỳnh Loan. Trời nóng, rờ vào thì mát, tưởng như được uống một ly nước lạnh bỏ đá, đêm đông giá rét nàng lại tỏa ra một hơi ấm khác thường.

Bồ hôi là mối lo số một của phụ nữ, nhứt là phụ nữ đẹp. Nhiều người đệm bông dưới nách để hứng bồ hôi! Mặc áo dài ni-lông bó kín lấy phía trên, hoặc mang quần din ôm chặt mông dưới, bồ hôi thường đổ ra, tạo thành cái mùi mằn mặn, gây gây, khiến đàn ông khó tính có thể lợm mửa. Đặc điểm của Quỳnh Loan là không có bồ hôi. Mỗi khi nàng dơ tay, nách nàng tiết ra một mùi hương lạ, không phải mùi nước hoa đắt tiền để át bồ hôi, mà là một mùi da thịt ngất ngây, mùi quyến rũ nhẹ nhàng của người xử nữ.

Văn Bình thở dài lần nữa.

Chàng dựa lưng vào tường vôi bẩn thỉu, thu thiu ngủ. Muỗi rệp thi đua hành hạ chàng. Chốc chốc, chàng lại bật dậy, nhìn thấy trước mặt miệng cười châm chọc của Nguyên Hương, Quỳnh Loan, Quỳnh Như, Quỳnh Mai, Thu Thu, Thúy Liễu và Mộng Kiều.

Mệt quá, chàng thiếp lúc nào không biết.

Mãi đến khi mặt trời buổi sáng xuyên qua cửa sổ chấn song, tiếng chân người thình thịch ngoài hành lang, và tiếng khóa mở rỏn rẻn, chàng mới thức tỉnh. Chàng cảm thấy toàn thân ê ẩm, đầu nặng chĩu như bị đánh.

Một cảnh sát viên mở cửa phòng giam, ra hiệu cho chàng ra. Cơn giận hồi đêm xông lên ngùn ngụt, chàng vùng dậy, định phóng cho y một cái đá nên thân, nhưng hãm kịp, nhờ một giọng nói quen thuộc cất lên:

- Văn Bình đấy à? Khổ quá.

Giọng nói đầy ái ngại của Truiệu Dung. Dung chống nạnh trước xà-lim nói tiếp:

- Tôi đã bảo rồi mà. Anh không chịu nghe tôi nên bị họ chơi cho một vố.

Văn Bình cười gượng:

- Ai báo cho anh biết?

Triệu Dung cười tủm tỉm:

- Ôi chao, đêm qua họ có thèm báo cho tôi biết đâu. Nguyên Hương rủ tôi đi ăn mãi tới gần nửa đêm mới về. Trong bữa ăn, nàng nhờ tời nói lại anh nên chừa thói trăng hoa bừa bãi đi. Sinh nghi, tôi hỏi nàng Quỳnh Loan đi đâu, nàng nhún vai đáp: Anh không can thiệp nổi đâu, em quyết tặng Z.28 một bài học. Tôi cáo mệt, đòi về, nàng kiếm cớ giữ tôi lại, khi chỉ 11g45, nàng mới buông tha. Về nhà, tôi gọi điện thoại cho Quỳnh Loan thì nàng nói là hồi tối không gặp anh.

Văn Bình rủa:

- Nói láo!

Triệu Dung vỗ vai bạn:

-Tôi cũng biết con bé nói láo, song đành chịu vậy. Tôi van xin nó, cho tôi biết anh ở đâu thì nó ré lên cười, rồi gác điện thoại. Tội nghiệp cho tôi, đêm hôm khuya khoắt, tôi phải lái xe ra bờ sông, lên xa lộ, đi khắp tám quận đô thành tìm anh. Không thấy, tôi mò lên cả bót Tân Bình. Ác hại nhứt là tôi vào quận ba, hỏi lão phó quận thì y lắc đầu nói không biết. Tôi có ngờ đâu anh bị nhốt trong bót quận ba.

- Anh để tôi thưởng cho y một quả đấm....

- Thôi, tôi can anh. Y là nhân viên ngoại vi của Nguyên Hương. Y phải tuân lệnh nàng. Sáng nay, y thú thật với tôi y không biết anh là Văn Bình vì Nguyên Hương gọi điện thoại lại lúc 10 giờ đêm nói là ông Hoàng ra lệnh giam giữ một người mạo nhận Z.28 đến mai hẵng hay.

Suốt đêm, tôi không ngủ được. Mãi đến năm giờ sáng, Nguyên Hương mới nói sự thật cho tôi biết. Nàng dọa nếu anh không chừa, lần sau còn khổ hơn nữa. Tuy nhiên, nàng vẫn chưa cho biết anh bị nạn ở đâu. Đúng 7 giờ, Nguyên Hương sai người đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ, trên ghi mấy chữ "đến bót quận ba mà lãnh quỉ sứ", tôi vội lấy xe tới đây liền.

Hai người ra đến sân. Ánh nắng buổi sáng chiếu một màu hồng tươi tắn trên cảnh vật. Triệu Dung mở cửa xe cho Văn Bình lên, và dặn tài xế:

- Trường bay Tân Sơn Nhứt.

Văn Bình ngạc nhiên:

- Đi ngay à? Tôi chưa sửa soạn gì cả. Không lẽ lại để đầu bù, tóc rối, áo quần nhàu nát thế này?

- Tôi đã lo đủ cho anh. Va li của anh cất trong thùng xe. À, còn bức thư Quỳnh Loan gởi cho anh nữa.

Triệu Dung ném lên đùi chàng một tờ giấy viết tay, chữ bay bướm và mềm mại:

- Tôi vừa lên xe thì tùy phái mang lại cho tôi.

Văn Bình lẩm nhẩm đọc:

"Anh Văn Bình thân mến,

"Xin anh tha tội cho em. Quả tình em không muốn chơi xấu, nhưng ông Đồng ra lệnh, em phải tuân theo. Trong khi em ngồi chung xe với anh, ông Đồng lái xe đi theo. Em chúc anh thượng lộ bình an, khi anh về, em xin đền lại, chắc anh sẽ bằng lòng và không giận em nữa. Anh có nhìn thấy vết đo đỏ cạnh chữ ký của em không? Vết son ở môi em đấy! Anh biết không, môi em tô son riêng, có một mùi thơm thoang thoảng như bạc hà mà anh ưa thích. Vì anh mê thuốc lá Salem nên em tô son bạc hà đó! Em đã hôn vào đó một trăm lần. Anh cũng hôn vào đó nhé!

"Quỳnh Loan hỗn láo của Z.28".

Văn Bình buông lá thư xuống xe. Triệu Dung hỏi:

- Anh nghĩ sao?

Văn Bình cau mặt:

- Hừ, toàn là một bọn nói phét. Anh nói đêm qua đi ăn với Nguyên Hương nửa đêm mới về. Quỳnh Loan viết thư nói là Nguyên Hương lái xe đi theo tôi. Anh nói phét hay Quỳnh Loan nói phét?

Triệu Dung ngồi im như khúc gỗ. Chiếc xe dài ngoằng sơn đen phóng như bay qua trạm xăng Caltex, án ngữ con đường vào phi trường. Một đoàn máy bay phản lực rú lên, rầm rộ vượt bức tường âm thanh. Cuốn phim những ngày hoạt động sôi nổi bắt đầu, mở dần ra trước mắt Văn Bình.

Đột nhiên, chàng nắm tay Triệu Dung.

Hai người ôm nhau cười như nắc nẻ.

1 Là Smith and Wesson 38 special.

2 Theo thứ tự, những súng này là Military and Police 38 special. K-Masterpiece 38 special, Combat Masterpiece 221.R 38 special, 38/44 Heavy Duty, 38 Bodyguard, 38 Terrier, 38/44 Outdoorman, Military and Police, Airweight 38 special, Chief's special Airweight, 38 Centennial, Chief's special.

3 44 Magnum special (Smith and Wesson).

4 Huyết thanh sự thật là sérum de la vérité, bằng chất scopolamine được dùng để chích vào người bị can để lấy cung. Dưới áp lực của nó, bị can phải khai hết những điều giấu trong tiềm thức.

5 OSS tức là Office of Strategic Services của Mỹ, trong thời chiến, OSS đã được giải tán và thay thế bởi trung tâm tình báo Central Intelligence Agency.

6 Tướng Gehlen, chỉ huy điệp báo Tây Đức, người được mệnh danh là "ông tướng không mặt" khét tiếng trong làng do thám quốc tế.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx