sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10: Vỏ Quýt Dày…

Đồng hồ tay của Z.62 chỉ đúng 12g5 phút khi chiếc Citroen cọc cạch của Văn Bình ra khỏi ngõ hẻm, phóng nhanh trên con đường đầy nắng.

Bà Huyền Hoa - tức Z.62 - chậm rãi đứng dậy. Phần quan trọng của công việc đã xong. Bà tin vào tài thiện xạ của Văn Bình. Hôlếp bị bắn chết, nút thòng lọng cuối cùng sẽ xiết chặc vào cổ Phan Mỹ. Văn Bình có thể quay về Sàigòn. Vả lại, đêm nay, phái đoàn Việt kiều cũng đáp máy bay trở lại Vọng-các.

Bà Hoa xoa bàn tay ra vẻ bằng lòng. Bà lại bàn rót một ly nước lạnh uống rồi mở cửa xuống nhà xe. Chiếc xe cứu thương sơn trắng đã được Nguyệt Thanh lái vào từ nãy. Đúng 12 g19, bà Hoa sẽ nổ máy từ từ ra đường.

Tuy nhiên, bà còn phải xử trí với xác chết xám ngoẹt nằm còng queo trong xe.

Bà kéo xác chết xuống đất, rồi dùng khăn ướt lau sạch sàn xe. Xong xuôi, bà bấm một cái nút bí mật trong ga-ra.

Nút này ăn thông với một cánh cửa hình tròn xuống hầm. Bà hì hục khiêng hai thùng đựng đầy khoai ở góc nhà xe sang bên. Trông bà già nua, tóc bạc phơ, da dẻ nhăn nheo mà khỏe mạnh khác thường.

Phía dưới là một vòng tròn nhỏ bằng sắt, gắn liền vào phiến đá - nền nhà được lót toàn bằng đá hình vuông. Bà xoay vòng tròn theo chiều cây kim đồng hồ rồi nhấc phiến đá lên, nhẹ như bằng giấy. Tấm cửa bí mật này là một công trình chế tạo khôn ngoan của bà, rút theo kinh nghiệm nước ngoài. Lệ thường, muốn mở một con ốc, người ta phải vặn từ tả sang hữu, ngược với chiều kim đồng hồ. Bà đã làm trái lại. Thỏi son đựng phim vi ti, cán dù chứa đạn thuốc độc của các gián điệp cũng được chế tạo cách này, nghĩa là muốn mở ra phải vặn trái cựa.

Phiến đá nhấc lên, để lộ cái miệng đen ngòm của nhà hầm. Bà Hoa vác xác chết lên vai, bước xuống. Bà bật đèn lên, mở nắp một cái thùng kẽm lớn chứa quá nửa một thứ nước sền sệt. Loại thùng này trước kia được dùng để đựng ét-xăng. Giờ đây, bà Hoa dùng để tiêu hủy xác chết.

Kê sát tường, cả thảy có 5 thùng đậy nắp kín mít, bên trong là cường toan. Một số nhân viên của địch mất tích bí mật trong thành phố. Không ai tìm ra dấu vết vì kẻ mất tích được dìm vào thùng át-xít, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chỉ còn trơ lại vài khớp xương và mảng răng bịt vàng. Một thời gian nữa, những mẫu xương cuối cùng tan ra nước.

Dáng điệu thận trọng, bà Hoa thả xác chết vào thùng cường toan rồi đậy nắp lại. Phản gián của địch không tài nào tìm ra, vả lại nếu họ tìm ra, họ cũng không mảy may hy vọng bắt sống được bà. Dưới căn nhà bề ngoài cổ xưa, hiền lành, đã được chôn sẵn một số thuốc nổ cực mạnh. Chỉ cần kéo con dao điện lên là tòa nhà phát nổ. Bà Hoa đã nghiên cứu kỹ địa thế: bên cạnh là kho vật liệu của báo Nhân Dân, không có người ở.

Lên trên, bà Hoa đóng cửa hầm lại, mở ga-ra, sửa soạn lái xe ra.

Gài số de, bà ngoái cổ lại phía sau và chợt nhận ra một xái quẹt máy nằm lọt trong kẽ ghế. Bà nhặt lên ngắm nghía.

Bỗng bà rùng mình ớn lạnh. Đó là một cái bật lửa Trung cộng mạ kền còn mới nguyên, ánh kền lập lòe trong bầu không khí tranh tối tranh sáng của nhà xe. Bà Hoa mở nắp ra, bật thử. Bánh xe của bật lửa nằm lì ở một chỗ. Không phải vì quẹt máy hết đá lửa, mà vì bánh xe được hàn luôn vào thân quẹt máy.

Một cái quẹt máy giả.

Thoạt trông, ai cũng bị lầm. Song con mắt chuyên môn của bà Hoa không thể lầm được.

Bà lật phía dưới lên xem. Lệ thường phía này để hở, nhồi bông để đổ xăng. Nhưng nó lại kín như bưng. Bà Hoa đưa tay lên lắc mấy cái.

Bây giờ, bà đã biết rõ. Chiếc quẹt máy là một dụng cụ phát tuyến đặc biệt. Nó phát ra những tiếng tè tè tạch tạch riêng, bỏ vào túi một nhân viên công tác trong thành phố, trung ương có thể biết từng giây từng phút y ở đâu.

Bà Hoa không ngờ Phan Mỹ lại bắt nhân viên mang dụng cụ phát tuyến trong người. Bà đinh ninh hắn là thằng ngốc. Rốt cuộc, hắn không ngốc chút nào hết. Có thể hắn tiên liệu Văn Bình sẽ ra đường để bắt liên lạc và Văn Bình sẽ triệt hạ tên nhân viên đi theo. Trong khi tên nhân viên hớ hênh bị đánh bất tỉnh, Văn Bình ung dung dựa lưng vào nệm xe cứu thương, trò chuyện với bà Hoa thì ở phía sau - có thể là cách một quãng khá xa - một chiếc xe hơi khác, gắn ăn-ten vô tuyến dài lê thê lặng lẽ rượt theo. Trong xe, chuyên viên trắc giác của Phan Mỹ thản nhiên hút thuốc lá, đeo mũ nghe vào đầu. Xe cứu thương của bà Hoa đi đâu, họ cũng biết.

Và dĩ nhiên như hai với hai là bốn, họ đã biết bà Hoa lái xe về trụ sở bí mật trong đường hẻm vô danh ở Cửa Đông. Văn Bình đi ra Hàng Lọng, tất Phan Mỹ đã phái người tới ám sát. Kế hoạch hạ thủ Hôlếp sẽ thất bại. Văn Bình sẽ bị bắt cùng với Nguyệt Thanh.

Nghĩ đến lúc con gái duy nhất và quí yêu của mình bị sa vào tay địch, đưa vào phòng tra tấn, chịu những trận đánh dã man, bà Huyền Hoa rùng mình.

Tuy nhiên, bà vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Mặt bà chỉ hơi tái rồi thản nhiên như cũ. Bà đã quen với nếp sống thần kinh căng thẳng từ bao năm nay.

Bà Hoa lẩm bẩm:

- Phan Mỹ giỏi thật.

Song Z.62 cũng không tầm thường. Trong xe Citroen, bà đã lắp một máy vô tuyến cực mạnh, được sản xuất tại Tiệp-Khắc. Dáng điệu từ tốn, bà rút trong cái túi đựng đồ ở băng trước xe ra một cái hộp vuông màu đen.

Bà Hoa ấn nút, cái ăn-ten nhỏ xíu từ trong máy vươn ra dài gần nửa thước. Bà ấn một cái nút khác. Máy walkie-talkie này dùng một tần số bí mật, Phản Gián Hànội không biết. Tiếng máy kêu rè rè, bà Hoa cất giọng đều đều:

- 1, 2, 3, 4… Long Biên kêu Cầu Giấy. 1, 2, 3, 4, alô, alô, Long Biên kêu Cầu Giấy.

Cùng khi ấy, tiếng rè rè nổi lên trong xe Citroen. Nguyệt Thanh cúi xuống nghe giọng nói quen thuộc và can trường của mẹ. Nàng đáp:

- Cầu Giấy đây, Long Biên nói đi.

Giọng nói hiền từ của bà Hoa từ máy walkie talbie tuôn ra:

- Z.28 xuống chưa?

Nguyệt Thanh đáp:

- Thưa rồi. Xuống cách đây một phút.

- Hỏng rồi. Bãi bỏ kế hoạch đã định. Con phải phóng xe lại tận nơi đưa Z.28 đi ngay. Địch đã phăng ra trụ sở của mẹ và đang theo sát con.

- Vâng, con đi ngay.

- Nếu không kịp, con phải bỏ lại Z.28.

- Nguy cho anh ấy lắm.

- Con không được cãi lệnh. Tính mạng của một người quan trọng thật đấy, song không quan trọng bằng tính mạng của một Tổ Chức. Này con, mẹ cũng không muốn ép con làm gì, tùy con định liệu. Chào con, chúc con may mắn. Mẹ đang bố trí thoát vòng vây đây. Thế nào mẹ cũng thoát. Còn con, con hãy coi lại cái nhẫn ở ngón tay xem. Mẹ thương con, nên không muốn con bị địch tra tấn. Hôn con nhé.

Tiếng nói quen thuộc câm bặt.

Bất giác, Nguyệt Thanh nhìn ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái. Nàng chưa đính hôn với người nào. Cái nhẫn bạch kim chạm trổ tinh vi này thật ra chỉ là dụng cụ chứa thuốc độc xi-a-nuya. Nàng được lệnh cắn vỡ con sư tử bằng ny-lông ở giữa cái nhẫn và nuốt độc dược. Mẹ chẳng nói xi-a-nuya tác động rất nhanh và rất êm, trong vòng mấy giây đồng hồ là xong hết. Nguyệt Thanh bậm môi để khỏi òa lên khóc như đứa trẻ.

Tuy giỏi võ, giàu kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch, Nguyệt Thanh vẫn là phụ nữ, đúng hơn một thiếu nữ thơ ngây, từ nhỏ đến lớn quấn quít cạnh mẹ. Con người gián điệp phớt tỉnh, tàn bạo bỗng nhiên nhường bước cho con người đầy tình cảm và ẻo lả.

Nhưng chỉ một giây sau, nàng trấn tĩnh lại được. Mắt nàng quắc lên như sửa soạn giết ai. Như cái máy, nàng mở đề-ma-rơ. Từ chỗ nàng đậu xe đến chung cư của nhân viên bộ Ngoại Giao, nơi Văn Bình mai phục để bắn thiếu tướng Hôlếp, nàng chỉ cần hai phút. Nàng sẽ lên gác kéo chàng xuống. Trong thành phố, bà Hoa có nhiều trụ sở kín đáo, nếu bỏ rơi được bọn theo sau, nàng và chàng sẽ thoát hiểm.

Nàng lái xe giỏi, Văn Bình lại là tay thần xạ. Họ mang một cam-nhông đầy nhóc lính chạy sau cũng vị tất chặn được bàn tay cầm súng bá phát bá trúng của chàng.

Một tia hãnh diện lóe lên trong mắt. Tiếng động cơ nổ dòn. Nguyệt Thanh đặt bàn chân xuống ga, sửa soạn phóng lên.

Nàng nghe một tiếng động khô khan. Nàng thò tay vào túi rút súng nhưng không kịp.

Bốn cửa xe đều mở toang ra một lúc.

Bốn họng súng đen ngòm chĩa vào người nàng. Nhìn sang tả, sang hữu, quay lưng lại, nàng đều thấy súng. Bốn người đàn ông này đều mặc đồng phục màu xám, gài kín cổ treo kiểu Trung quốc.

Ba người đứng ngoài, đóng cửa lại đánh sầm. Người thứ tư trèo lên xe, ngồi gần nàng, giọng nhỏ nhẹ:

- Chào cô. Cô bỏ dùm tay ra khỏi túi. Dầu cô bắn giỏi đến mấy cũng không diệt được cả bốn chúng tôi đâu. Vả lại, chúng tôi đều là tay súng cừ khôi cả.

Nguyệt Thanh buông thỏng:

- Không dám. Ông muốn gì?

Người lạ bỏ khẩu súng của nàng vào túi quần rồi hỏi:

- Hắn đâu rồi?

Nàng quắc mắt:

- Hắn là ai?

Người lạ mặt cười điểu giả:

- Là cái thằng cùng ngồi với cô, tay xách cái đàn ấy.

Nguyệt Thanh bàng hoàng. Song nàng vẫn thản nhiên:

- Tôi không biết.

Người lạ mặt nghiến răng:

- Rồi cô sẽ biết. Tôi đã cho người theo hắn rồi. Sở dĩ tôi hỏi cô là để xem cô có thật tình hay không? Bây giờ, tôi cho cô một hy vọng lập công chuộc tội nữa: bạn cô đi đâu? đi gặp ai? gặp về chuyện gì?

Nguyệt Thanh mừng thầm. Địch chưa biết Văn Bình đi giết Hôlếp. Nàng bèn nhún vai, tìm kế hoãn binh:

- Ông tìm hắn mà hỏi có hơn không?

Người lạ mặt nói:

- Đây này, để tôi nói cho cô biết. Cô lái xe đưa hắn đến đây rồi ngồi đợi, tất hắn chỉ vắng mặt một lát rồi quay lại. Cô đừng tưởng chúng tôi đến đây là chuyện tình cờ. Chúng tôi đã theo cô từ đường Hàng Mành lên Cửa Đông. Nếu cô chịu giúp, chúng tôi có thể tóm hắn mà không phí một viên đạn. Chúng tôi biết hắn mang súng trong người. Hắn kháng cự, buộc lòng chúng tôi phải nổ súng, và một chọi bốn, thế tất hắn sẽ chết, nếu không cũng trọng thương. Mục đích của chúng tôi là bắt sống. Nếu tôi không lầm, cô là người yêu của hắn. Cô không muốn hắn còn sống để tiếp tục yêu cô sao?

- Còn sống? Ông tưởng tôi là trẻ con sao? Các ông sẽ đưa chúng tôi vào phòng tra tấn. Tra tấn chưa chết, chúng tôi sẽ chết trong nhà giam, hoặc bị đem đi hành quyết.

Người lạ mặt vẫn cười đanh ác:

- Cô biết một mà không biết hai: Bị tra tấn, bị hành quyết là việc thường xảy ra trong nghề gián điệp, song đã có nhiều kẻ bị bắt mà không bị giết. Cuộc đời của cô, của người đàn ông yêu cô, tùy thuộc vào thái độ của cô lúc này. Lát nữa, về trụ sở, cô còn có dịp chứng minh lần nữa. Nếu cô chịu khai hết, chịu làm với chúng tôi, cô sẽ được sống, và có thể sẽ được tự do nữa.

Nguyệt Thanh thở dài:

- Ông muốn tôi làm gì?

Vẻ mặt đắc thắng, người kia hỏi:

- Khi nào người yêu cô trở lại?

- Anh ấy dặn chừng 15 phút đến nửa giờ.

- Đi đâu?

- Tới đầu Hàng Lọng.

- Làm gì?

- Gặp một người bạn.

Người kia dặn nàng:

- Bây giờ, tôi để cô ngồi một mình trong xe, anh em tôi sẽ rút vào ngồi trong quán nước đối diện. Thấy người yêu lại, cô đừng tỏ vẻ lo sợ gì hết, nghe chưa. Cô cứ để hắn trèo lên. Rồi chúng tôi sẽ tới. À, tôi cần khuyên cô một điều: hai tay cô phải để ngay ngắn trên vô-lăng. Nếu không, tôi sẽ nổ súng. Thôi, chào cô.

Hắn mở cửa xuống vỉa hè. Trước khi xuống, hắn không quên rút chìa khóa công-tắc bỏ túi. Giá còn chìa khóa, Nguyệt Thanh có thể thừa cơ phóng ra khỏi lề. Xe hơi của họ, dầu thuộc loại cừ khôi, cũng không có hy vọng đuổi theo chiếc Citroen cà tàng của nàng. Mất chìa khóa, nàng có thể nối hai đầu giây điện cho máy nổ, song hắn đã bắt nàng để tay trên vô-lăng, không được rút xuống.

Vừa khi ấy, chiếc xe dài ngoằng bệ vệ của Hôlếp phóng qua.

Nguyệt Thanh nhắm mắt lại. Nàng không dám nghĩ đến những việc sẽ xảy ra nữa.........................

Bà Hoa lặng người trong một giây đồng hồ. Bà vừa ra lệnh cho Nguyệt Thanh dùng độc dược để quyên sinh nếu chẳng may rơi vào tay địch. Từ ngày đưa con gái vào đường hoạt động nguy hiểm, bà đã dặn con nhiều lần, song chưa lần nào bà nhận thấy quyết liệt bằng lần này, vì địch là kẻ vô cùng xảo quyệt.

Trong đời gián điệp, bà Hoa đã thấy nhiều đồng nghiệp đưa ngón tay lên miệng, hoặc cắn vỡ răng giả. Mặc dầu trái tim đã trui lại, bà cũng xót xa, phương chi nạn nhân sắp tới lại là đứa con gái duy nhất của bà, là nguồn hy vọng duy nhất và cuối cùng của bà.

Bà Hoa lắc đầu nhè nhẹ để xua đuổi những tư tưỏng ủy mị ra khỏi óc. Mất con gái, bà mất gần hết cuộc đời, song không vì quyền lợi cá nhân mà là quên sứ mạng. Nguyệt Thanh cũng là một điệp viên dưới quyền bà, như hàng chục, hàng trăm điệp viên vô danh khác, nếu Thượng Đế, nếu tổ quốc muốn nàng hy sinh, bà vẫn phải dặn nàng sẵn sàng.

Bà Hoa lên nhà trên, mở tủ lấy ra một khẩu tiểu liên PPD 1940 1, băng đạn tròn, chứa 7 viên đạn. Với khẩu súng này, bà sẽ quét ngã một tiểu đội của địch trước khi tử thương. Bà cho viên đạn đầu tiên vào nòng, nâng súng lên ngang vai, ngắm bắn, rồi lặng lẽ tiến lại cửa sổ, nhìn ra hẻm.

Cánh cửa đóng kín, bà áp tai vào nghe. Bên ngoài vẫn không có tiếng động nào khả nghi. Có lẽ địch bao vây chứ chưa bắt. Hoặc có lẽ địch bắt Văn Bình và Nguyệt Thanh trước rồi tấn công trụ sở này sau.

Bỗng bà Hoa nghe tiếng chân người lệt sệt. Bà khựng người chĩa họng súng vào cửa lớn. Bà nghe tiếng ho, tiếng ho quen thuộc của người đồng chí già tàn tật sau cửa

- Gì thế, bác Tư?

Già Tư nói vào:

- Bà mở cửa cho tôi.

Bà Hoa mở khóa và them cửa. Tấm cửa lim dày 5 phân đủ sức cản lằn đạn trung liên, chưa kể hai cái khóa Yale và một then cửa bằng sắt. Muốn phá cửa vào, địch phải mất từ 5 đến 10 phút. Cửa ga-ra còn khó phá hơn, vì nó toàn sắt bên trên chông nhọn hoắt, trừ phi địch dùng ba-dô-ka bắn xụp tường.

Già Tư rón rén bước vào. Đó là một ông già trên 55, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, trông như hành khất. Già Tư đội một cái nón lá, tuột vành đen sì, và dận một đôi dép lốp cao-su kiểu Bình-Trị-Thiên. Móng tay, móng chân bám đầy đất và dầu mỡ, bộ râu muối tiêu dài lê thê, dường như không bao giờ được sửa gọt. Tuy nhiên, nhìn kỹ, người ta thấy cái cằm vuông, bộc lộ sự cương nghị, vầng trán cao thông minh và quả cảm, nhất là cặp mắt, một cặp mắt rộng và sáng, lúc quắc lên như bắn ra tia điện.

Đóng cửa lại, già Tư hỏi:

- Họ vây kín rồi, bà biết chưa?

Bà Hoa gật đầu:

- Biết rồi.

- Sao bà chưa trốn đi?

Bà Hoa cười:

- Trốn sao được. Tôi phải đợi bác về đã. Định ra ngoài hẻm gọi thì bác về.

- Bà lôi thôi lắm. Bổn phận tôi là gác bên ngoài bảo vệ bà.

- Bổn phận tôi là đảm bảo cho những đồng chí trung kiên và tài ba như bác khỏi sa vào tay địch.

Già Tư thở dài:

- Chỉ 5 phút nữa, họ sẽ ùa vào đây. Mời bà đi ngay cho.

Bà Hoa cũng thở dài:

- Bác cùng đi với tôi, may ra có thể thoát hiểm.

- Không được đâu. Phải có người ở lại kháng cự để nghi binh. Vả lại….

Giọng già Tư trở nên nghẹn ngào:

- Tôi chắc cô Thanh đã bị họ bắt. Bị bắt tất cô Thanh sẽ tự vận. Bà phải sống để trả thù. Bà phải sống để lãnh đạo anh em.

- Cám ơn lòng tốt của bác. Nhưng tôi đã quyết rồi. Tôi chẳng còn sống bao lâu nữa. Bác là đàn ông lại ít tuổi hơn, bác phải ở lại dìu dắt anh em thanh niên.

- Nếu bà chấp nê, địch vào đây, bà và tôi đều chết. Chết một cách ngu xuẩn. Chết một cách vô ích. Tổ chức sẽ kết tội bà, lịch sử sẽ kết tội bà. Không có bà trong giờ phút nghiêm trọng này, Tổ Chức sẽ như con rắn mất đầu, anh em sẽ phân tán, sứ mạng do Tổ Chức và ông Hoàng giao cho sẽ thất bại.

Bà Hoa cúi đầu suy nghĩ. Đoạn bà ngửng đầu, giọng sắc như dao:

- Tôi chỉ bằng lòng ra đi với hai điều kiện.

- Mời bà nói đi. Nếu là điều kiện hợp lý thì tôi chấp thuận.

- Hai điều kiện, xin bác nhớ cho. Thứ nhất, rút thăm, đúng tên ai, người nấy phải ở lại. Thứ hai, nếu chẳng may là bác, tôi sẽ ở lại cầm cự một thời gian, đến khi gần hết đạn, tôi mới đi.

Già Tư nói:

- Bà bướng bĩnh thật. Ông Hoàng nói vậy mà tôi không tin, giờ đây tôi mới thấy rõ ràng. Vâng, bà đã muốn, tôi xin vâng.

Nói xong, già Tư lại bàn, lấy giấy ra viết. Già đưa cho bà Hoa một mảnh giấy:

- Bà viết tên bà đi, còn tôi viết tên tôi.

Bà Hoa nắn nót chữ Z.62, rồi gấp tư mẩu giấy lại, trao cho già Tư. Già Tư cho vào cái nón lá xóc một hồi rồi nói:

- Mời bà rút thăm.

Tim đập hồi hộp, bà Hoa rút miếng giấy phía trên và mở ra đọc. Bà tái mặt, già Tư mỉm cười:

- Tên bà phải không?

- Không, tên bác.

- Tôi đã bảo mà… Ông Trời có mắt, không bao giờ lầm cả. Thế là xong, tôi xin ở lại.

Ngần ngừ một giây,, bà Hoa nói:

- Còn tờ thứ hai, phiền bác mở ra coi.

Già Tư cười:

- Khổ quá, có hai miếng giấy, cái đề tên bà, cái đề tên tôi, bà đã rút tên tôi rồi thì cái còn lại phải mang tên bà. Tôi không ngờ bà chị lại lẩn thẩn như thế.

Bà Hoa vụt đứng dậy, và lấy mẩu giấy còn lại trong nón, già Tư giật lại không kịp. Già Tư ngồi phịch xuống ghế, mắt đỏ hoe. Quả bà Hoa đoán đúng: miếng giấy thứ hai cũng đề chữ Z.64, bí hiệu của già Tư.

Bình sinh, già Tư là người giỏi quỷ thuật. Hồi còn trẻ, già Tư lang thang đây đó, trổ tài biến giấy ra trứng, nặn bột thành chim để kiếm tiền độ nhật. Chống Pháp bị bắt, đầy ra Côn Đảo, bác kết bè vượt biển trốn về. Sau một tuần lênh đênh trên biển khơi, hai bạn đồng hành chết khát phải ném xác xuống nươc, bác dạt vào đất Thái. Nhờ dân địa phương có cảm tình - và có lẽ cũng nhờ bác thạo tiếng Thái - bác thoát khỏi màng lưới của thực dân, và từ đó bác tá túc ở nước ngoài, tiếp tục sứ mạng giải phóng đất nước. Bác gặp ông Hoàng, gia nhập Tổ Chức gián điệp dưới bí hiệu Z.64, rồi ra Hànội phục vụ dưới quyền bà Huyền Hoa. Bác coi bà Hoa như chị cả, và nhiều lần vào sinh ra tử, đi sát bà Hoa như hình với bóng, bác đã cứu bà Hoa khỏi nanh vuốt của kẻ địch.

Bà Hoa nói:

- Tôi biết mà…

Già Tư lắc đầu:

- Tôi giỏi nghề quỷ thuật, chắc bà chị không lạ gì. Nhưng thôi, tôi quyết ở lại, bà không lay chuyển được tôi đâu.

Bà Hoa định nói: "Tôi cũng quyết ở lại" song vội im bặt. Tiếng chân người chạy thình thịch trong hẻm vang lại. Đến trước cửa trụ sở của bà Hoa, toán người dừng lại.

Rồi một tiếng quát vang lên:

- Mở cửa.

Tiếp theo là tiếng báng súng đập vào cửa:

- Mở cửa. Công an.

Già Tư lên tiếng:

- Các ông đòi mở cửa làm gì?

Tiếng bên ngoài trở nên gắt gỏng:

- Mở cửa để xét nhà.

Già Tư nói:

- Ông chủ đi vắng rồi. Lát nữa mời các ông lại, tôi không có chìa khóa.

- Đừng ỡm ờ nữa. Con mẹ chủ đang ở trong nhà. Mày là đứa giả ăn mày ngồi ngoài ngõ phải không? Khôn hồn thì mở ngay, nếu không chúng tao sẽ nã đạn vào, chết không kịp ngáp.

Già Tư rít lên:

- Phải, lão là đứa giả hành khất ngoài hẻm đây. Các ông có bao nhiêu đạn cứ bắn vào đây, lão sẵn sàng trả lời.

Ngoài hẻm, một chiếc xe díp gắn máy thu phát thanh đã đậu sẵn. Bốn người đàn ông mặc đồng phục xám kéo nhau sang kho chứa vật lệu bên cạnh để bàn bạc. Người chỉ huy nói:

- Chúng có súng. Anh em nghĩ sao?

Có tiếng đáp:

- Tôi đề nghị phá cửa vào. Phía sau đã bố trí xong. Chúng không thoát được đâu.

- Chúng có mấy đứa?

- Tôi không biết. Ít ra là hai, mụ già và thằng ăn mày giả hiệu. Hai đứa già này không kháng cự được bao lâu đâu.

Cả bọn trở lại trước cửa nhà bà Hoa. Người chỉ huy cao giọng:

- Tôi cho những người trong nhà ba phút để suy nghĩ. Sau ba phút nếu không mở cửa và đầu hàng, tôi sẽ ra lệnh bắn nát cửa và ném lựu đạn vào.

Bà Hoa ra hiệu bằng mắt cho già Tư, hai người đều im lặng. Già Tư mân mê khẩu tiểu liên trong tay, tia mắt sáng như điện. Bà Hoa hé cửa sổ nhìn ra sân. Chắc chắn địch phải trèo lên mái nhà bên, rồi truyền xuống sân, hoặc vượt tường nhảy vào

Bà Hoa đoán không sai. Một cái đầu vừa nhô lên khỏi bức tường. Bà định lảy cò, song già Tư chặn lại. Một người mặc đồ xám nhảy vọt lên đỉnh tường, sửa soạn tuột xuống. Khi ấy già Tư mới nhả đạn. Bác chỉ bắn một phát khô khan. Người áo xám ngã nhào xuống sân.

Bên ngoài có tiếng kêu:

- Đồng chí Mạnh bị chết rồi. Anh em, xung phong vào.

Già Tư nhún vai, ra vẻ khinh bỉ. Một loại tiểu liên nổ dòn. Cánh cửa lim vẫn đứng vững. Lại một loạt nữa, tacata, tacata…. Bà Hoa ghé súng qua chấn song sắt ra sân. Một bóng người nhô lên tường, bà Hoa thản nhiên nhả đạn. Một tên khác bò lồm cồm trên mái nhà, già Tư tặng cho hắn một phát văo giữa óc. Hai xác chết đẩm máu lăn long lóc xuống sân.

Tacata… tacata….

Cánh cửa lung lay. Tacata…. Cánh cửa bật tung, một tràng đạn tuôn vào.

Bà Hoa và già Tư đã rút vào phòng trong. Bắn một hồi không nghe phản ứng, bọn công an ùa vào. Hai khẩu PPD cùng khạc lửa ra một lượt. Tốp đi đầu nằm xuống như sung rụng.

Trong khi ấy, hai công an viên khác đã nhảy lọt xuống sân. Già Tư chĩa súng ra, song cả hai đều cuộn mình núp vào góc. Bà Hoa đóng chặt cửa ăn thông ra phòng ngoài. Một loạt đạn từ ngoài sân nổ ran làm nát cánh cửa sổ, mảnh gỗ bắn tung tóe vào vai già Tư. Bà Hoa bắn trả rồi khom lưng đi luồn vào trong.

Ngôi nhà gồm 5 phòng và một ga-ra. Địch đã vào đến phòng ngoài và sửa soạn tông cửa vào phòng thứ nhì. Hai công an viên ngoài sân sắp sửa phá cửa ga-ra.

Bà Hoa kéo già Tư vào phòng thứ tư. Đó là căn phòng kiên cố nhất, tường bằng bê-tông cốt sắt, và không có cửa sổ. Ra vào bằng một cửa lớn, ngoài là gỗ lim, trong là tôn dày.

Già Tư nói:

- Thôi, bà đi đi. Tôi có thể cản chúng được 5 phút nữa.

Tiếng súng vẫn nổ dòn, xen lẫn tiếng quát ra lệnh quăng súng đầu hàng. Hai tiếng oang oác nổ lên. Bà Hoa giật mình: địch bắt đầu dùng lựu đạn cay mắt. Với khí giới trong tay, bà có thể chống cự không lùi, nhưng bà không có mặt nạ phòng hơi ngạt.

Già Tư húng hắng ho. Gian phòng được gắn máy điều hòa không khí, đóng chặt cửa, hai người còn cầm cự được lâu nữa. Nhưng địch đã cúp điện. Đóng cửa thì ngộp thở, còn mở cửa thì hơi cay lọt vào làm đau mắt và rát họng.

Tứ phía, khói trắng bay mù. Già Tư nắm lấy tay bà Hoa:

- Bà đi đi.

Bà Hoa lắc đầu:

- Không, tôi ở lại với bác.

Già Tư quắc mắt:

- Khổ quá, tôi nói mãi mà bà không chịu nghe. Bà đừng hy vọng trôi cùng trốn với bà, vì nếu cả hai cùng trốn, địch sẽ phăng ra. Bà Hoa….

Vừa nói, già Tư vừa chĩa súng xuống chân bắn một phát. Bà Hoa rú lên:

- Trời ơi, bác Tư!

Già Tư mĩm cười kiêu hãnh:

- Bà đã thấy chưa. Bây giờ tôi què rồi, bà muốn mang tôi đi cũng không kịp nữa. Nếu bà trù trừ, tôi sẽ bắn nốt chân kia. Bà đi đi. Sau khi bà đi khỏi, tôi sẽ đóng chặt cửa phòng này lại. Trừ phi chúng dùng cốt mìn, hoặc súng ba-dô-ka, họ không vào nổi đâu. Tôi sẽ bắn cho đến viên đạn cuối cùng, sau đó tôi giật mìn cho nổ, nổ tung, nổ hết.

Nước mắt ràn rụa - phần vì hơi cay, phần vì xúc động tới cao độ - Bà Hoa cúi đầu vái già Tư:

- Bác Tư, xin vĩnh biệt bác.

Già Tư ngồi phịch xuống ghế, máu dưới chân chảy lênh láng:

- Kính chào bà chị.

Đeo khẩu súng lên vai, bà Hoa hỏi:

- Bác muốn dặn lại điều gì không?

Già Tư lắc đầu:

- Tôi là kẻ tứ cố vô thân từ một phần tư thế kỷ nay, không vợ, không con, không họ hàng, thân thích, thi có ai mà nhắn nhủ. Nếu Trời phò hộ cho bà còn sống, về Sàigòn có dịp gặp ông Hoàng thì nói giùm với lão già ấy là thằng Tư vẫn nhớ nó, vẫn phục vụ nó cho đến phút cuối cùng trong đời.

Bà Hoa nghẹn ngào:

- Vâng, tôi xin nói.

Một tràng đạn chát chúa cắt đứt câu chuyện của hai người. Già Tư nhặt khẩu tiểu liên, tra thêm bì đạn khác. Bà Hoa lặng lẽ đến bên tường, bấm nút.

Cánh cửa bí mật trong tường mở ra. Bà bước xuống một địa đạo ăn ngầm từ trụ sở, xuyên qua kho vật liệu của báo Nhân Dân. Mùi ẩm mốc xông lên mũi. Từ lâu, bà Hoa chưa xuống địa đạo này.

Tiếng súng bên trên nhỏ dần rồi im bặt. Bà Hoa bấm đèn chiếu sáng đường hầm. Trước kia, đó là một ống cống lớn được đào dưới thời Pháp thuộc. Bà Hoa cho đào rộng thêm, và mở nhiều đường nhỏ, tỏa ra tứ phía.

Trần hầm được chống bằng những cây gỗ lớn, nền hầm lót tôn, nhưng trời mưa luôn nên nước ngấm vào ngập đến mắt cá chân. Một con dơi cánh lớn bằng nửa cái quạt bay vù vù ngang mặt bà Hoa. Đến chỗ rẽ, bà dừng lại nghe ngóng.

Bên trên là kho vật liệu. Hầm ăn thông qua đường cái, tới một ngôi nhà bỏ trống. Ngôi nhà này của một người Tàu phú thương vào Nam tị nạn sau hiệp định Giơ-neo, để lại cho con gái ở. Nhiều đêm, vợ chồng người con gái giật mình thức dậy thấy một con ma mặc đồ trắng xõa tóc đứng dưới bếp cạnh hồ nước, hoặc tiếng khóc nỉ non nho nhỏ trong bếp vọng ra. Hoảng sợ, họ bèn ngăng nhà ra làm hai, bỏ trống dưới bếp, chỉ ở nhà trên. Họ không thể nào biết được con ma mặc đồ trắng là Nguyệt Thanh, và tiếng ma nỉ non là từ một băng nhựa ghi âm vẳng ra.

Biết vợ chồng chủ nhân tin ma quỷ, bà Hoa đã lập mưu chiếm cái bếp, đào đường hầm tới đó. Đến nơi, bà Hoa nghỉ một giây cho lại sức, rồi vận toàn lực vào hai vai, nâng phiến đá lên.

Bên trên, tối om như hũ nút. Vợ chồng chủ nhà đã dùng nhiều tấm tôn lớn, đóng vào cửa sổ cho con ma thất tình khỏi lang thang ra ngoài.

Bà Hoa cởi quần áo ngoài, lục trong cái bồ đựng giấy vụn kê ở góc lấy ra một bộ y phục Trung Hoa. Bà lau chân cho khô rồi xỏ vào đôi giày Tàu. Xong xuôi, bà mở cửa. Những cái đinh lớn đóng vào tấm tôn đã được gỡ ra từ trước. Cửa này nhìn ra một cái hẻm nhỏ, đi vừa lọt hai người, ngày xưa được dành cho phu vệ sinh.

Bộ điệu thản nhiên, bà Hoa đi ra khỏi hẻm tới phố Hàng Đồng.

Thoát nạn.

Cách bà một quãng, một chiếc xe díp đậu ngang đường, giữa những chướng ngại vật. Khu phố Cửa Đông đã bị công an chặn lại. Họ không ngờ người chủ mưu mà họ ruồng bắt lại là thiếu phụ Tàu, đầu trùm khăn chỉ hở nửa mặt, một chân bị thọt, rềng rang tiến về phía chợ Đồng Xuân. Một giọt lệ long lanh trên mắt thiếu phụ. Bà Hoa khựng người.

Một tiếng nổ long trời lở đất làm bà choáng váng. Tiếng mìn nổ trong trụ sở: già Tư vừa bấm nút hy sinh.

5 phút trước, già Tư lặng lẽ nhìn bà Hoa xuống địa đạo. Chờ bà Hoa đi khuất, già Tư bình thản đứng dậy, trên môi phảng phất một nụ cười lạ lùng. Rốt cuộc, bà Hoa chịu thua. Già Tư lẩm bẩm một mình:

- Mình ở lại là phải.

Một loạt đạn bắn vào tung tóe. Già Tư nằm rạp xuống đất. Đoạn bò lại sát cửa.

Bên ngoài có tiếng thét:

- Hàng đi thì khỏi chết.

Già Tư đáp lại bằng nửa băng tiểu liên. Lại một tốp công an viên ngã xuống, già Tư rú lên cười sằng sặc. Tiếng người chỉ huy quát lớn:

- Nó ở ngay cửa buồng. Bắn mạnh vào.

Già Tư không cười thêm được nữa. Hơi cay làm bác mù mắt, không còn thấy gì hết. Bác phải vận dụng nghị lực mới khỏi phát lên tiếng ho, làm đích cho địch bắn vào.

Bác có thể đóng chặt cửa rồi bấm nút cho mìn nổ. Song bác chưa muốn. Bác cần đợi cho bà Hoa sang đến đường hẻm bên kia, mặc y phục thiếu phụ Tàu, lẻn ra đường Hàng Đồng, rồi thi hành ý định cũng chưa muộn. Bác hình dung trong trí một người đàn bà Tàu trăm phần trăm - bà Hoa đúng là đàn bà Tàu trăm phần trăm, vì bà từng ở bên Tàu, nói tiếng Quảng Đông rất thạo, mặc áo sườn xám màu xanh thẫm, quấn khăn che nửa mặt, dận đôi giày ban đen, thoăn thoắt đi giữa đám người ngơ ngác và run sợ gần chợ Đồng Xuân.

Xế cửa chợ là một trụ sở khác, có một đồng chí túc trực. Bà Hoa sẽ tới đó thay quần áo khác, rồi lên xe - một chiếc xe hơi đeo bảng số của bộ Quốc Phòng - về một tổng hành doanh ở Yên Phụ. Lát nữa,bà Hoa sẽ ngồi trước điện đài, kêu ông Hoàng ở Sàigòn. Ông già lù khù đeo kính cận thị dầy cộm, nổi danh khắp năm châu về điếu xì-gà Ha-van và bộ com-lê bạc màu, chật ních, tuột đường chỉ, chắc sẽ giật nảy người khi cầm bản dịch của bức điện trong tay.

Già Tư chết! Nếu có người bạn già nào được ông Hoàng thương nhiều nhất, sẵn sàng tha thứ nhiều nhất, người ấy phải là già Tư. Hai người quen nhau từ lâu, từ thuở già Tư là tên tù vượt khám Côn Đảo sau khi giết chết hai cặp-rằng Pháp độc ác, còn ông Hoàng là một thanh niên giang hồ, ném dao, bắn súng khét tiếng trên các bến tàu quốc tế, giang hồ với mối thù quốc phá gia vong chưa trả được. Bí danh là Tư, lại già trước tuổi - một mái tóc bạc phơ từ năm chưa bốn mươi - nên người ta gọi là già Tư.

Già Tư chết! Chắc ông Hoàng sẽ nhớ lại những đêm luân lạc phải kiếm đủ tiền cho thằng em vong mạng uống rượu. Mà uống đâu ít! Không uống thì thôi, đã uống thì từ hai chai huýt-ky vuông trở lên, uống suốt ngày không say. Nhiều lần già Tư làm bậy, ông Hoàng sẵn sàng tha thứ cho rằng ngựa hay thường đá chủ. Cho đến khi ông Hoàng về nước điều khiển ngành tình báo và gián điệp. Già Tư theo về, và trong những giờ phút gay go nhất đã vâng lời ra Hànội, phụ tá bà Hoa, người đàn bà đáng kính trước kia là bạn đường thân thiết của ông Hoàng.

Tacata, tacata…

Già Tư phải lăn mình núp sau tường, giòng tư tưởng trong óc cũng đứt quãng. Áp lực của toán người xung phong đang lên tới cao độ nhất.

Vừa nép vào tường tránh đạn, già Tư vừa kiểm điểm lại vị trí phòng thủ và đạn dược. Trong lúc này, địch chưa thể bắn trúng, vì tường bê-tông chỉ có một cửa ra vào, tuy nhiên,, chắc họ sẽ ném lựu đạn. Khi ấy, già Tư đóng chặt cửa. Có phá được cửa cũng mất 5 phút, và ít nhất là một tiểu đội tử thương. Trong khẩu PPD, già Tư còn gần nửa bì đạn. Với 30 viên, bác có thể quét ngã những tên nóng ruột muốn lập công đầu. Lại còn lựu đạn nữa. Già Tư vừa buộc vào giây lưng hai trái lựu đạn Nga RGD. Loại lựu đạn này có thể làm hàng chục công an viên tan xác.

Già Tư tủm tỉm cười một mình. Bác vẫn có thói quen cười một mình như thế. Hồi hoạt động ở hải ngoại, ông Hoàng thường nói với bác:

- Già Tư ơi, có lẽ trước khi chết, chú cũng cười.

Phải, trước khi chết, bác vẫn cười. Oác… oác… Một trái lựu đạn miễng F1 vừa được quăng vào, bàn ghế trong phòng đối diện vỡ nát. May bác không hề gì. Tiếp theo một loạt đạn. Già Tư giật bắn người. Đó là trung liên G-13, với băng đạn dài dằng dặc 250 viên, hết băng này có thể thay băng khác trong chớp mắt 2. Sự lâm trận của trung liên G làm tan rã hy vọng cầm cự của người anh hùng đơn độc.

Già Tư nín thinh, không bắn trả. Trung liên G. khạc đạn một hồi cũng câm bặt. Mọi tiếng ồn khác cũng nín theo. Một sự im lặng khác thường, báo hiệu cho thần Chết đè xuống ngôi nhà siêu vẹo, bàn ghế đổ nát, ngói rớt đầy sân.

Lát sau có tiếng người nói:

- Chúng bị đạn rồi. Tiến lên, anh em.

Già Tư nắm chặt trong tay quả lựu đạn RGD. Chờ cho tên thứ nhất gần tới, bác tung ra. Phát nổ làm tường bê-tông rung chuyển tưởng như đổ sập xuống. Những tiếng kêu thất thanh vẳng ra. Toán xung phong bị giết không còn một mống. Già Tư thản nhiên quăng trái thứ hai, rồi đứng dậy.

Giây phút trọng đại nhất đời đã đến. Bác đặt khẩu súng lên ghế, rồi quỳ xuống lâm râm đọc kinh. Tuy sống ngang tàng, bác là người sùng đạo, ít chủ nhật nào vắng mặt ở nhà thờ. Đọc kinh xong, bác ngồi ngay ngắn, châm thuốc lá hút phì phèo, như kẻ nhàn tản.

Một loạt đạn chát chúa nữa. Tiếng viên chỉ huy:

- Mày chịu hàng không?

Già Tư nói to:

- Chịu hàng.

- Vứt súng xuống đất rồi đi ra ngoài, hai tay để lên đầu.

Già Tư cười ha hả:

- Hết đạn rồi, đừng sợ.

- Mày không ra, chúng tao sẽ ném lựu đạn vào.

- Ném đi, tôi không sợ.

Một giọng nói ngọt ngào:

- Được, nếu anh không muốn ra thì vứt súng xuống thật mạnh, chúng tôi sẽ vào. Này, tôi báo trước, chúng tôi đông lắm, anh không lừa nổi đâu. À, còn bà già…

- Trúng đạn rồi.

Một tiếng "ồ" đáp lại. Già Tư biết họ cần bắt sống để khai thác nên chịu tổn thất sinh mạng. Song bác đã quyết ở lại vĩnh viễn trong ngôi nhà quen thuộc này.

Tiếng giầy đến trước cửa dừng lại:

- Anh ở đâu, lên tiếng cho biết.

Khói súng tỏa mù, gần nhau không thấy gì hết. Già Tư đáp:

- Tôi đây, tôi ở trong góc.

- Tiến ra gần cửa.

- Bị thương nặng, không đi được.

Một tia đèn bấm xuyên qua vùng khói. Hai người đứng ở ngưỡng cửa. Già Tư nghiến răng bóp cò. Rồi chạy đến gần cửa chĩa súng ra ngoài khạc đạn liên tiếp. Viên đạn cuối cùng đã ra khỏi nòng, già Tư hậm hực vứt súng xuống, lùi lại một bước.

Tay bác nắm lấy cái vòng sắt gắn vào tường bê-tông. Bác vận toàn lực rút mạnh ra. Bác vặn một cái đinh ốc bằng kền óng ánh: nút nổ. Bác đến nhẩm trong miệng, 1, 2, 3, 4, 5, 6,…. Một tiếng nổ kinh thiên động địa làm bác bắn lên trần nhà rồi vật xuống. Căn phòn tan ra làm triệu mảnh. Toàn ngôi nhà bị đổ sụp. Kho vật liệu báo Nhân Dân trong phút chốc biến thành đám cháy lớn.

Trừ tốp nhân viên công an đứng ngoài đường, tất cả những người ở trong trụ sở bí mật của bà Hoa đều bẹp dí dưới đống gạch vụn. Trong căn phòng bê-tông, một sự kỳ lạ đã xảy ra: không một món đồ nào còn nguyên vẹn, kể cả khẩu tiểu liên sặc mùi thuốc đạn, già Tư văng vào góc phòng, chân tay gãy nát, mà gương mặt không hề suy xuyển.

Mặt bác Tư vẫn tươi tỉnh, pha chút ngạo nghễ như khi còn sống. Và đặc biệt là nụ cười. Đầu bác lìa khỏi cổ mà nụ cười tiếp tục nở trên cái miệng cương nghị. Đúng như ông Hoàng đã nói, già Tư vẫn cười đến khi chết, cười khinh miệt cuộc sống, khinh miệt bạo lực và súng đạn.

°

Dáng điệu bình thản, tay xác túi đàn vĩ cẩm đựng súng, Văn Bình bước rảo lại chung cư của nhân viên bộ Ngoại Giao ở đường Hàng Lọng.

Ánh nắng xiên khoai buổi trưa làm chàng chói mắt. Vừa đi chàng vừa nhớ tới cái nhìn đầy ý nghĩa của Nguyệt Thanh. Chàng phải thu hết nghị lực nếu không hồi nãy chàng đã kéo nàng vào lòng, quên mất phận sự. Phận sự trên hết, chàng nhủ thầm.

Trước mặt chàng, hiện ra tấm bảng của ty công chính. Như bà Hoa nói, công trường ăn ra đến giữa đường, làm xe cộ chạy chậm lại. Đường Hànội ít xe hơi, song lại nhiều xe đạp. Hơn 12 giờ là giờ tan sở, một thác người cưỡi xe đạp đổ ùn về đường Hàng Lọng ra ngoại ô. Nếu xe hơi của Hôlếp chạy qua, bắt buộc tài xế phải thắng lại, và trong thời gian một giây đồng hồ, Văn Bình có thể thi hành ý định.

Bỗng chàng thấy nong nóng sau gáy. Cảm giác lạ kỳ này chàng thường có mỗi khi bị theo sau. Ai theo sau? Văn Bình bàng hoàng. Nếu có người theo sau, tất chàng đã bị lộ. Và mẹ con Nguyệt Thanh cũng bị lộ. Tất nhân viên của địch đã ập vào xe hơi Nguyệt Thanh và bắt nàng rồi.

Văn Bình nảy ra tư tưởng muốn quay lại để giải cứu cho nàng. song chàng vội đổi ý kiến. Phận sự trên hết.

Chàng giả vờ đứng lại mua thuốc lá. Đặt túi đàn xuống đất, kẹp giữa hai chân, chàng khoan thai bóc gói Tam Đảo, và châm lửa. Trong một thoáng, chàng nhận ra hai người lùi lũi theo sau. Thấy chàng đứng, họ cũng đứng lại.

Cặp mắt Văn Bình phóng ra một tia lửa ghê gớm. Được, chàng sẽ cho bọn theo sau một bài học đắt tiền. Chàng cầm túi đàn, lặng lẽ tiến lại chung cư. Đó là một ngôi nhà lầu mới cất, sơn phết sạch sẽ, trên lầu có ban-công nhìn ra đường. Không ngần ngừ, Văn Bình đi thẳng vào. Theo kinh nghiệm, chàng không ngần ngừ khi đột nhập một căn nhà lạ. Thái độ đàng hoàng sẽ làm người trong nhà tưởng là bạn quen.

Dưới nhà là căn phòng rộng, có hai lối lên gác. Giữa hai cầu thang bằng xi-măng là một cái bàn mộc. Đúng với dự định của bà Hoa, người gác đã ra sau tắm rửa. Văn Bình trèo thang gác.

Chàng không dừng ở lầu nhất mà trèo thẳng lên lầu nhì, rồi tựa lan can nhìn xuống. Một trong hai gã đàn ông theo chàng ngoài đường thoăn thoắt chạy lên. Trong một phần trăm giây đồng hồ, chàng đã nhận rõ tướng mạo hắn. Trạc 30, râu mép lún phún, tay chân khẳng khiu, cặp mắt chậm chạp, hắn chưa phải là đối thủ đồng cân đồng lạng của chàng. Đối với ngữ "dài lưng tốn vải" này, chàng chỉ cần khoèo chân nhẹ là ngã lăn ra đất, khỏi phải xử dụng atêmi nữa.

Trông bộ điệu hớt hải của hắn, chàng biết hắn là tay mơ, được cấp trên phái đi theo rồi về báo cáo. Hạng nhân viên có quyền bắt bớ phải có những cử chỉ bình tĩnh và nhanh nhẹn hơn.

Vào giờ ngủ trưa nên lầu nhì vắng ngắt, ngoại trừ ở cuối hành lang có mấy đứa trẻ đánh đáo với nhau. Văn Bình bước xuớng cầu thang và đụng đầu người lạ ở thềm lầu nhất. Chàng mỉm cười:

- Anh đi đâu vội thế?

Người lạ lúng búng như ngậm hột thị:

- Khôôông.

Văn Bình tiến lại cánh cửa thứ nhì hé mở. Lúc nãy dưới đường chàng đã quan sát địa thế. Từ ban-công phòng này, chàng có thể ngắm bắn Hôlếp dễ dàng.

Chàng xô cửa vào, khoan thai như chủ nhà. Cũng may trong phòng không có ai. Tên có râu mép rảo bước qua, chàng nhoài ra nắm lấy áo hắn, kéo mạnh vào. Chàng chưa cần dụng võ mà người lạ đã bổ chửng trên sàn nhà.

Văn Bình xốc hắn lên, đánh một atêmi vào mặt. Hắn nằm mọp xuống, không cửa quậy nữa. Vừa khi ấy, cửa vào bếp mở tung ra, Văn Bình thấy hai người, có lẽ là cặp vợ chồng, Văn Bình mừng thầm vì không thấy con nít. Sự hiện diện của trẻ em sẽ ngăn cản phần nào công việc của chàng, một công việc tàn nhẫn và độc ác. Vì nếu có con nít, chàng không thể cho chúng tự do trong khi chàng sửa soạn ám sát Hôlếp. Nhưng nếu bắt chúng im đi, chúng lại la thét ầm ĩ, trừ phi đánh cho một cái chết ngất, điều chàng không bao giờ muốn. Vả lại, bình sinh Văn Bình cố tránh phải vũ phu với đàn bà, phương chi là con nít.

Người chồng cởi trần để lộ bắp thịt tay cuồn cuộn. Hắn cao hơn chàng một cái đầu, mặt vuông, mũi bẹp dí, có lẽ là võ sĩ quyền Anh. Người vợ há miệng nhìn chàng không thốt ra lời nào. Văn Bình nghiêng đầu:

- Xin lỗi.

Giọng người chồng hách dịch (có lẽ hắn là công chức cao cấp):

- Cái gi thế?

Văn Bình nhã nhặn:

- Thằng này lẻn vào ăn cắp. Tôi đuổi hắn lên đây và vừa quật hắn ngã.

Người chồng khuỳnh cánh tay lực sĩ:

- Anh là ai?

Chàng buột miệng một câu hớ hênh:

- Nhân viên công an.

Người chồng dằn giọng:

- Công an, công an. Công an ở đâu? Anh biết tôi là ai không?

Văn Bình bước lại gần người chồng. Có lẽ tin vào bắp thịt rắn chắc của mình nên hắn đứng nguyên, không thèm giữ thế. Người chồng lại nói:

- Nhân viên công an hả? Anh đưa chứng minh thư tôi coi?

Văn Bình đáp:

- Thưa đây.

Chàng cho tay vào túi áo. Người chồng cúi xuống. Văn Bình rút ra bàn tay không, và bàn tay vô địch này đã phạt vào cuống họng đối phương. Người chồng tinh mắt, định lùi lại đỡ, nhưng không kịp nữa. Ít ai tránh được cú đánh bất thần của Văn Bình. Người chồng loạng choạng rồi ngã gục vào tường.

Cô vợ rú lên:

- Trời ơi.

Văn Bình tát trái vào má thiếu phụ. Chàng cố tình đánh thật nhẹ, song năm đầu ngón tay của chàng đã in lằn trên cái má trắng nõn. Thiếu phụ ngã ngồi xuống ghế.

Chàng nhìn đồng hồ. Còn 5 phút nữa, Hôlếp mới tới. Chàng vực tên có râu mép dậy, tát vào má cho hắn tỉnh. Hắn mở mắt ra, chàng căn vặn:

- Ai sui mày theo tao?

Mặt hắn tái mét như gà cắt tiết. Hắn ngó chàng rồi nhắm mắt lại. Văn Bình giật tóc hắn:

- Nói mau. ai sai mày?

Hắn lắp bắp:

- Bộ.

- Bộ Ngoại Giao phải không?

- Phải.

- Phan Mỹ sai mày hả?

- Phải.

- Mày theo từ ở đâu?

- Từ hẻm Cửa Đông.

Văn Bình choáng váng. Từ Cửa Đông, nghĩa là Phan Mỹ đã phăng ra trụ sở bí mật của bà Hoa. Nghĩa là lưỡi hái của Thần Chết đã giáng xuống đầu chàng.

Chàng bấm vào xương vai hắn:

- Mày theo tao làm gì?

Hắn kêu lên:

- Ái, ái, đau quá, ông tha cho tôi. Tôi chỉ được lệnh theo ông, còn những người khác đợi dưới xe.

- Ở đâu?

- Chỗ cô bạn gái của ông đợi xe.

Văn Bình à một tiếng:

- Còn người cùng đi với mày?

- Y chờ dưới nhà.

- Có lên đây không?

- Trong 5 phút, nếu tôi chưa xuống thì y lên.

Văn Bình đã biết những điều cần biết. Chàng giáng vào thái dương hắn một atêmi. Lần này hắn giãy lên đành đạch và tắt thở.

Chàng mang túi đàn ra ngoài ban-công, đặt xuống một cái ghế đẩu. Đường Hàng Lọng vẫn đầy ắp xe đạp, xe xích-lô và xe bò. Chàng cho viên đạn thứ nhất lên nòng, và cầm súng để thử nặng nhẹ. Đoạn chàng kéo ghế lại sát lan can. Lâm sự, chàng chỉ cần cúi xuống, nạng khẩu tiểu liên lăn, dựa vào lan can và bóp cò.

Tiếng kêu xe hơi toe toe đặc biệt vang lên. Xe hơi của thiếu tướng Hôlếp.

Kèn này kêu mỗi lần ba tiếng liên tiếp, có thể làm phụ nữ yếu bóng vía phải giật mình. Đó là một hớ hênh của con cáo già gián điệp Hôlếp. Vì kẻ ám sát chỉ cần nghe tiếng kèn là tìm ra.

Văn Bình nhìn về phía hữu. Chiếc Zil III sơn đen bóng lộn có thể soi gương được đang phóng nhanh bỗng thắng lại và đi từ từ. Sát lề đường lúc ấy là hai cái xe bò chở đầy gạch do người đẩy ì ạch và ba cái xe đạp đi cùng hàng. Thấy xe Zil bệ vệ, người lái xe đạp vội lách vào trong, chạm xe bò. Một người ngã xuống.

Tài xế xe Zil lại ấn còi toe toe toe.

Đứng tì lan can nhìn xuống. Văn Bình thấy rõ cổ và đầu của Hôlếp. Y ngồi sát cửa xe, dáng điệu đăm chiêu, dường như không quan tâm đến cảnh kẹt xe. Cạnh y, ngồi sát cửa đối diện là một tên vệ sĩ người to như hộ pháp, hai tay đặt xuống nệm, dường như thủ sẵn khẩu tiểu liên. Phía trước chỉ có một mình tài xế mặc đồng phục trắng, đội kết trắng, đang dán mắt vào khúc đường hẹp bị xe bò án ngữ.

Toe, toe, toe….

Bà Hoa đã nói cho Văn Bình biết đầy đủ về kế hoạch hạ sát Hôlếp, song cố tình quên một điều. Đó là sự hiện diện vào phút chót của một thiếu nữ đi xe đạp vụng về. Thiếu nữ này đậu xe ở đường vòng, khi thấy chiếc Zil dài ngoằng của thiếu tướng Hôlếp hiện ra đằng xa mới trèo lên xe đạp lại chỗ công nhân lục lộ đặt chướng ngại vật. Sự vụng về của thiếu nữ đã làm nghẽn giao thông trong một tích tắc đồng hồ. Bà Hoa không cho chàng biết chi tiết này, phần vì sợ sự sắp đặt bị hỏng vào phút quyết định, phần khác, vì không muốn chàng ỷ vào thiếu nữ đi xe đạp để bắn hụt.

Toe, toe, toe…

Thiếu nữ mặc áo trắng đã rướn lên phía trước. Hai chiếc xe bò sát lề, xa phu đứng lại lau bồ hôi, ngước nhìn chiếc Zil sang trọng ra vẻ kính nể.

Văn Bình chỉ còn nửa giây đồng hồ nữa. Như cái máy, chàng nắm lấy khẩu tiểu liên, đặt lên lan can của ban-công và bóp cò.

Đoàng.

Mặc dầu miệng súng được gắn ống hãm thanh riêng, phát nổ cũng vang dội. Chàng chỉ bắn một phát rồi đặt súng xuống, nhìn xuống đường.

Chàng thấy rõ Hôlếp gục đầu vào cửa xe. Tên vệ sĩ ngước lên, dường như phăng ra chàng. Song chàng đã nã thêm phát thứ hai, tên vệ sĩ ngã luôn bên chủ. Tên tài xế thắng gấp lại, rồi oác, oác, bốn tiếng nổ cùng một lúc. Lựu đạn sa mù trong xe vừa được bắn ra. Trong một phản ứng tự động, tài xế bấm nút phóng lựu đạn sa mù để bảo vệ cho Hôlếp.

Một màn sương trắng che kín chiếc Zil III. Sương mù lan ra thật nhanh, khiến Văn Bình không thấy gì nữa. Chàng rút khăn tay lau báng súng, để xóa hết dấu tay, đoạn mang súng vào, đặt vào tay tên công an viên nằm chết giữa nhà.

Vừa ra đến hành lang, chàng chạm phải tên công an thứ nhì. Sau 5 phút, chưa thấy bạn xuống, hắn mò lên. Gặp Văn Bình, hắn lính quýnh định rút lui, song chàng đã tiến lên phóng một ngọn cước vào mạng mỡ hắn.

Hắn ngã lộn xuống cầu thang. Tiếng nhốn nháo ngoài đường vọng vào.

Văn Bình chạy xuống nhà, thản nhiên ra cửa. Dân chúng xô nhau chạy như bị máy bay thả bom. Liếc nhìn phía xa, Văn Bình nhận ra chiếc Citroen của Nguyệt Thanh vẫn đậu nguyên chỗ cũ. Mắt chàng tóe ra một tia lửa căm hờn. Chàng biết địch đang mai phục để chờ chàng đút đầu vào thòng lọng.

Tiếng súng nổ và tiếng tạc đạn sa mù làm 4 công an viên gác xe Citroen thay đổi kế hoạch. Hai tên xách súng chạy lại. Hai tên còn lại tiến ra xe, dí súng bắt Nguyệt Thanh mở cửa, trèo lên băng sau. Một tên nhìn chừng, tên kia lúi húi rút còng, định khóa tay nàng.

Hắn không dè cô gái ẻo lả kia lại là một nữ võ sĩ nhu đạo cừ khôi. Cái còng sắt vừa tra vào cổ tay tròn trĩnh và trắng trẻo, Nguyệt Thanh đã vung ra, hắt vào giữa mặt hắn. Hắn ngồi xuống. Nàng sắp đoạt được súng thì tên thứ hai đứng ngoài lên đạn đánh soạch kèm theo tiếng quát giết người:

- Ngồi yên, không tan óc.

Bị vướng xe chật, nàng không thi thố tài năng được. Tên cầm súng ra lệnh:

- Để hai tay xuống nệm.

Hắn mở cửa sau, dơ báng súng định giáng cho nàng một cái. Vừa may, Văn Bình tới. Lưỡi dao trong tay chàng loáng lên rồi cắm vào gáy đối phương. Nạn nhân khựng người, khẩu súng lục rơi xuống vỉa hè.

Nhanh như cắt, Nguyệt Thanh trèo lên băng trước, nối giây công-tắc. Hai tên lúc nãy nghe súng nổ vội vã quay lại. Đoàng, đoàng. Chúng ở quá xa nên bắn không trúng. Cả hai co chân chạy về chiếc xe Citroen.

Quang cảnh đường Hàng Lọng hỗn độn không thể tả. Sương mù do tạc đạn phát ra vẫn giăng đầy một khoảng đường. Tài xế xe Zil III bắt đầu ấn còi cấp cứu, tiếng kêu thê thảm như còi xe chữa lửa vang thét giữa buổi trưa nắng gắt.

Các cửa hiệu gần nơi xảy ra án mạng đều đóng cửa kín mít. Xe đạp, bộ hành vội vã chạy về nhà ga Hàng Cỏ, khúc đường xe Zil đậu trở nên vắng tanh. Một hồi còi cấp cứu nữa ré lên. Xe díp công an từ đầu Hàng Lọng phóng tới, thắng lại kêu ken két.

Hai tên công an cầm súng còn cách xe Citroen chừng 10 thước. Nguyệt Thanh đã nối xong công tắc, máy nổ dòn. Nàng định vào số cho xe chạy, Văn Bình vội nói:

- Thong thả một phút, để anh hạ thủ hai thằng này đã.

Hai phát súng lục nổ chát chúa. Chúng ngắm bắn Văn Bình và Nguyệt Thanh qua kính xe phía trước. Một phát trúng vào kính xe, phát kia trật ra ngoài. Nguyệt Thanh cúi xuống tránh còn Văn Bình vẫn ngồi yên, trong cử chỉ chờ đợi. Khi hai công an viên còn cách chàng 5 thước, lọt vào tầm súng lục, chàng mới nhả đạn. Mỗi viên một nạn nhân. Văn Bình tặng cho mỗi tên viên kẹo đồng vào giữa mặt.

Trong khi đó, Nguyệt Tanh lái xe, vòng chữ U về ga Hàng Cỏ. Chiếc Citroen dưới tay nàng lướt nhanh như tên bắn. Văn Bình nhìn vào kính chiếu hậu.

Mặt chàng hơi tái. Một chiếc xe hơi lạ đang bám riết chiếc Citroen. Hànội không phải là Ba-lê hoặc Nữu-Ước để có thể đuổi bắt kinh khủng bằng xe hơi xả tốc lực trên trăm cây số một giờ, và có thể trốn thoát. Con đường dài nhất trong thành phố Hànội không quá ba cây số, và trừ những đại lộ ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm, phố xá đều nhỏ bé, không phải nơi đua tài của xe hơi.

Tuy nhiên, Nguyệt Thanh vẫn phóng nhanh. Nàng lái trên đại lộ Lý Thường Kiệt với một tốc độ khiếp đảm, ít nhất trên 120 cây số một giờ. 120 cây số một giờ, giữa những xe bò, xe đạp, trên một con đường lồi lõm: quả Nguyệt Thanh là một tay đua có tài. Vừa lái, nàng vừa hỏi chàng:

- Họ còn rượt theo nữa không anh?

Văn Bình đáp:

- Còn. Có lẽ mình phải hạ thủ luôn bọn này.

Nguyệt Thanh nói:

- Không được đâu. Họ đã gọi vô tuyến khắp nơi, thế nào cuối đường Lý Thường Kiệt, họ cũng chặn lại.

- Anh hiểu rồi. Bây giờ em thử giảm bớt tốc lực xem sao.

Nàng giảm ga xăng. Lạ lùng xiết bao, chiếc díp theo sau cũng chạy chậm lại. Nguyệt Thanh phóng nhanh, nó cũng rượt theo.

Văn Bình nghiến răng tức tối:

- Hừ, chúng nó muốn chơi trò ú tim với mình. Thôi được, em đưa vô-lăng cho anh. Em hãy trèo ra băng sau. Anh sẽ lái vòng qua nhiều con đường hẻm. Đến đoạn nào không thấy chiếc díp phía sau, em sẽ nhảy xuống và tìm cách thoát thân.

- Còn anh?

- Anh sẽ liệu kế thoát thân sau. Thành phố Hànội nhiều hẻm lắm, anh thuộc lòng như cháo, khi có cơ hội anh sẽ bỏ xe lại, tối nay mình sẽ gặp nhau.

- Không được đâu. Theo em, chỉ có một cách: bắn chết bọn đi theo. Cuối đường Lý Thường Kiệt, chắc chắn họ sẽ chắn ngang đường, chi bằng ra tay từ bây giờ. Gấp lắm rồi, anh nên nghe em. Khẩu tiểu liên, em giấu dưới đệm xe, anh nhấc đệm lên, bấm nút ở dưới, nắp bật lên trong đó có súng và 5 băng đạn, anh tha hồ dùng.

Trong nháy mắt, khẩu K-50 quen thuộc đã nằm gọn trong tay chàng. Chiếc díp màu xanh còn cách xe Citroen năm chục thước. Với khoảng xa này, tiểu liên K-50 có thể bắn nát một con chim. Văn Bình lên đạn, thò đầu ra ngoài cửa xe, bắn tràng đầu tiên. Chàng lia súng từ dưới lên trên, rồi từ trên xuống dưới, cốt bắn vào hai lốp trước và bắn xuyên qua kính lái.

Chiếc díp loạng choạng rồi đâm vào gốc cây bên đường. Một giây đồng hồ sau, nó biến thành một đám cháy. Nguyệt Thanh định lái vào một con đường hẻm, nhưng một chiếc xe đen không rõ từ đâu tới đã quay ngang đường, từ trong có nhiều loạt đạn bắn ra chát chúa. Nguyệt Thanh thắng gấp rồi quay đầu lại. Một viên đạn vèo qua cửa xe cắm vào cánh tay trắng nuốt của nàng.

Nàng nghiến răng chịu đau, vòng lại đường cũ, bàn chân đạp lút ga xăng. Văn Bình xả hết băng đạn thứ nhì vào chiếc xe đen. Máu loang ra đầy áo Nguyệt Thanh. chàng ngồi sát lại người nàng, đỡ lấy vô-lăng, trong khi nàng trèo ra băng sau, xé vải buộc vết thương. Chiếc xe đen đang rồ máy đuổi theo. Chiếc Citroen đã vào đến ngõ Nam Ngư. Văn Bình ra lệnh cho Nguyệt Thanh:

- Em còn đủ sức nhảy xuống được không? Nhảy đi.

Nàng ngần ngừ:

- Trong hẻm này có căn nhà của Sở. Em chắc chắn thoát được. Còn anh?

Văn Bình gắt:

- Nhảy xuống đi. Xe chúng nó chưa tới.

Nguyệt Thanh tông cửa xe nhảy phắt xuống vỉa hè. Văn Bình chờ nàng chạy khuất vào một ngõ hẻm nhỏ, đưa tay vẫy, mới xả hết ga phóng ra đường lớn. Chàng định lái qua vườn hoa Cửa Nam rồi thoát ra đường hẻm gần chợ Hàng Da, song chiếc xe đen đã rượt gần tới. Một kế hoạch táo bạo nổi ra trong trí, Văn Bình nghiến răng phanh xe lại giữa đường, lượm lấy khẩu súng, lăn mình xuống vệ cỏ. Vừa cuộn tròn mình lại gần hàng rào dâm bụt xum xuê, chàng vừa nhả đạn liên tiếp.

Không may cho chàng, chàng chỉ bắn được nửa băng thì kẹt đạn. Từ chiếc xe đen nhảy xuống hai người đàn ông bận âu phục xám, cả hai đều cầm tiểu liên. Kỳ lạ thay, thấy chàng kẹt đạn, họ không bắn mà chỉ núp sau thân xe chờ đợi. Văn Bình muốn chồm dậy nhưng toàn thân bị ê ẩm. Có lẽ vì chàng nhảy vội nên bị sái một bên vai. Chàng đành thản nhiên chờ chết. Dọc ngang mãi rồi, bây giờ bị chết chàng không tiếc nuối nữa. Vả lại, chàng đã cứu được nàng. Thế là đủ rồi.

Tiếng súng kết liễu đời Văn Bình vẫn không chịu nổ. Chàng đứng dậy, ném khẩu K-50 vô dụng xuống đất:

- Các anh còn đợi gì nữa?

Một tiếng đáp nhẹ nhàng:

- Dơ tay lên, tiến lại đây.

Chàng lặng lẽ tuân theo. Một người mở cửa đẩy chàng lên. Phút này chàng mới nhận ra chiếc Zim, một trong các loại xe đắt tiền nhất, chỉ dành cho nhân vật cao cấp. Chàng ngồi giữa hai tên cầm tiểu liên, thân thể đồ sộ như tủ đựng quần áo.

Họ không thèm ngó chàng, họ cũng không thèm nói với chàng nửa lời. Câm như thóc, tài xế xả ga, phóng vào trung tâm thành phố ngập nắng.

Sau những ngày tung hoành, Văn Bình đã trở thành một tử tội.

1 Đó là súng máy Sô Viết Degtyarov, cỡ 7,Z.62 ly, nặng độ 4 kilô, tầm bắn từ 50 đến 500 thướcx. PPD 1940 là một trong những súng máy bắn rất nhạy của Hồng Quân Sô Viết.

2 Tức Goryunov 1943, cỡ đạn 6,Z.62 ly. Loại trung liên này được coi là rất chính xác và nguy hiểm, vì nó xử dụng dễ và nhẹ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx