sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Z.28 Cuba, Đêm Dài Không Sáng - Chương 4: Cuba

Đối với Văn Bình, trái đất ngày nay chỉ nhỏ như một thị trấn tỉnh nhỏ, mọi người đều quen nhau và đến nhà nhau dễ dàng. Không hang cùng ngõ hẻm nào không có dấu chân của chàng. Kể cả những nước lớn như một lục địa - Liên Sô, Mỹ, Gia nã đại, Ba tây, trừ Trung Cộng - Văn Bình đã ghé thăm nhiều lần, và nhiều lần đi xuống tận làng mạc, rừng núi ven biên xa xôi.

Cuba, với một dân số ít ỏi, lèo tèo một diện tích bé bỏng - bề dài hơn ngàn cây số, bề ngang gấp đôi xa lộ Sàigòn, Biên Hòa hoặc bằng Sàigòn, Cấp - lái xe một ngày là hết, lại là một hành tinh ngỡ ngàng đối với Văn Bình. Nó là xứ Văn Bình biết rất ít, và biết rất nhiều.

Biết rất ít vì từ 10 năm nay, thế giới thay đổi, quốc gia thay đổi, Cuba cũng thay đổi từ gốc đến ngọn mà Văn Bình không đến thủ phủ Ha-van (1) . Trước kia, nhà độc tài râu xồm còn ở trong bưng, mỗi lần qua tây-bán-cầu, Văn Bình đều xẹt tới Cuba. Mục đích của chàng là viếng các sòng bạc. Chàng ưa đánh lớn, ở đó họ mở toàn sòng lớn, dành cho triệu phú quốc tế. Sau những canh đỏ đen, chàng có thể giải sầu tự do. Chàng không tha thiết lắm vì da phụ nữ địa phương không được trắng. Đền bù lại, mặt trời, sóng biển, rượu rom và đường ngọt đã làm thớ thịt của họ rắn chắc. Họ lại dễ dãi quá mức dễ dãi. Hơn thế nữa, họ thuộc đẵng cấp dai bền.

Từ 10 năm nay, Cuba biến thành lô-cốt xi-măng và thép máu khổng lồ, sòng bạc đóng cửa, mọi cuộc giải trí bị cấm đoán nghiệt ngã, thậm chí đánh golf cũng là hành động theo chân "đế quốc", sự sống và tự do cá nhân dồn xuống mức cùng tột, du khách không được nhập nội, dân chúng Ha-van về miền quê cũng phải xin giấy di chuyển, chập tối mọi nhà đều đóng cửa sợ sệt, đường phố chỉ thấy binh sĩ và mật vụ G-2 bắt người, đánh người, giết người như ngoé. Tuy vậy, trong chuỗi năm tháng dài giằng giặc này, Văn Bình lại biết rất nhiều về Cuba.

Năm 1961, chàng có mặt trong đoàn quân "giải phóng" đổ bộ trên vịnh Con Heo (2) . Sự hiện diện của chàng không mang tính chất tham dự trực tiếp. Đội lốt nhà báo, chàng đi theo họ, không ai biết chàng là Z.28, đặc phái viên thần kinh quỷ khiếp của ông Hoàng. Cuộc yểm trợ bằng không quân do người Mỹ hứa hẹn bị bãi bỏ vào phút chót khiến đoàn quân giải phóng bị mắc kẹt trên bãi biển, hai phần ba bị bắt làm tù binh. Nhờ may mắn và gan dạ, Văn Bình thoát khỏi vòng vây, cùng một số ít ch ạy ẩn trên núi. Nhiều tháng sau, râu tóc xồm xoàm, áo quần tả tơi, thân thể gầy nhom vì bị G-2 truy lùng ráo riết, Văn Bình mới cướp được xuồng vèo thẳng ra khơi, trở về đời sống loài người, 20 kí thịt bị mất, một đống sâu sốt rét và kiết lị trong máu, đó là kết quả của một chuyến quan sát. Nhưng phần nào nó cũng giúp chàng tìm hiểu được tâm trạng và phong tục bản xứ. Nhất là tìm hiểu phụ nữ bản xứ một cách chi tiết hơn và sống động hơn.

Cơ hội "biết rất nhiều" xảy ra trong mùa thu năm 1962. Cũng do sự may mắn. Với tư cách đồng minh trao đổi kinh nghiệm, ông Hoàng được mời cử người tham dự để quan sát một cuộc tập đổ bộ đại quy mô gần Cuba, gọi là Ph-62 (3) gồm hai ngàn bình sĩ thủy bộ của Mỹ. Cuộc thao diễn này sắp tiến hành thì bị đình hoãn và sát nhập vào lực lượng đặc nhiệm 136 nhằm phong tỏa vùng biển Cuba.

Liên Sô lén lút đặt nhiều giàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử trên đảo, cuộc phong tỏa rầm rộ của Mỹ nhằm buộc họ tháo gỡ và chuyên chở hết về nước. Tình cờ Văn Bình có mặt trong những chuyến chụp hình ban đêm bằng máy bay trên không phận đảo. Tất cả từ trước đến sau gần hai ngàn chuyến với hàng triệu bức hình. Từng phân vuông đất được ghi vào phim nhựa, thành ra lần ấy Văn Bình được "biết rất nhiều" tuy chưa hề đặt chân xuống giang sơn của nhà độc tài râu xồm (4) .

Tình trạng biết rất nhiều mà biết rất ít khiến Văn Bình ấm ức, y hệt sự ấm ức của chàng trai khét tiếng đào hoa đột ngột bị giai nhân cho leo cây thảm hại và thề quyết báo thù những ngày báo thù chưa chịu đến. Ngày đêm chàng ấm ức, chờ dịp vù xuống Cuba.

Văn Bình vui như điên khi được ông Hoàng báo tin lên đường. Gặp đại tá Pít, niềm vui càng dâng cao. Khi phi cơ chở hai người rời Miami, trực chỉ Ha-van, chàng mới bắt đầu... teo.

Teo, phần nào vì suốt cuộc hành trình, hai người không dám chuyện trò tự do. Cuba ở gần mà xa, như thể ở trên mặt trăng. Miami được mấy chục hãng phi cơ thương mãi chọn làm nơi đáp, thế mà đường đi Cuba chỉ có mấy... ngoe. Toàn là phi cơ hạng bét. Tiện nghi hạng bét đã đành. Nữ tiếp viên cũng hạng bét nữa.

Ghế trước, ghế sau, ghế bên đều có người ngồi. Lệ thường, chuyến bay Cuba rất thưa vắng. Chuyến bay này lại chật ních. Giờ đi và đến của Pít và Văn Bình được báo trước cho G-2 nên số hành khách đông đảo trên phi cơ khó thể là hành khách chính hiệu. Văn Bình đành phải ngậm miệng. Chàng chỉ nói với Pít những lúc cần thiết. Nữ tiếp viên phi hành cười tình, chàng nghiêm mặt, không cười trả. Của đáng tội, các nàng không đến nỗi xấu. Chàng tỉnh bơ vì sợ có ngôn ngữ và hành động bay bướm, ướt át, sẽ để lộ cái "mác" bất trị của Z.28.

Đại tá Pít ăn diện khá chững chạc, trời nóng chảy mỡ vẫn đa mang vét-tông, cổ sơ-mi cao tồng ngồng, cà-vạt một mầu đúng đắn, giầy đen bóng đủ soi gương nhổ râu. Văn Bình là phụ tá của "ông phụ tá" nên sự chững chạc tụt xuống một bậc, cũng sơ-mi sọc, áo vét may ôm, giầy láng những kém sang hơn, cái cặp da xách tay chỉ được phép bằng da bò thuộc, trong khi đại tá Pít nghênh ngang với loại da cá sấu đắt tiền.

Mặt Pít xanh mét khi nữ tiếp viên loan tin sắp hạ xuống phi trường Ha-van. Văn Bình cũng phập phồng, nhưng nhờ trời đèn ống trong máy bay là mầu xanh, bên ngoài ánh chiều đã bảng lảng thành ra mầu xanh bối rối của chàng chỉ một mình chàng thấy.

Không khí Cuba chẳng khác gì không khí mọi xứ nóng khác, thế mà bước ra cầu thang, Văn Bình lại tức ngực, đột nhiên có cảm giác nghẹt thở. Chàng hít một hơi dài. Một đống người đứng lố nhố bên dưới.

Hừ..., ủy ban đón tiếp của G-2 đây... Nếu họ khám phá ra mình là Z.28 thì... úm ba la... trong loáng mắt, họ còng tay mình, tống lên xe cây ngày đêm túc trực tại trường bay, chở về trại giam. Cái gì thì Cuba có thể thiếu, chứ cái khoản nhà tù thì ở đây rất nhiều. Về sự kiên cố thì dư sức phá những kỷ lục số một trên thế giới.

Đám hành khách cùng đi với Văn Bình được hướng dẫn vào phi cảng, tới ghi-sê công an, quan thuế. Luật lệ nhập nội thật kinh hoàng: du khách phải trình nộp sổ thông hành, đổi lấy tờ biên lai để dùng trong thời gian lưu trú, khi ra đi mới được hoàn lại. Đừng nghĩ đến việc mang hàng hóa lậu. Nhất là mang đô-la lậu.

Tuy là thượng khách được hưởng thủ tục đặc biệt, Văn Bình vẫn thận trọng tối đa. Biết đâu đấy. Ngoài mấy bộ đồ nhẹ và dụng cụ tùy thân tối cần thiết, va-li của chàng không đựng gì thêm nữa. Hai món tri kỷ của chàng là thuốc lá Salem và rượu huýt-ky chàng cũng phải nhịn.

Trên giấy tờ Pít vẫn là đại tá Pít. Còn Văn Bình thì thay tên đổi dạng hoàn toàn. Chàng cải trang làm một chuyên viên điều tra tư pháp tên là Ben, cái tên thông dụng ở Mỹ, cũng như Mít, Soài, Giáp, Ất của người Việt. Chuyên viên Ben có thật bằng xương bằng thịt hay chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, Văn Bình không rõ, nếu Ben có thật thì Văn Bình phải giở nón bái phục ông tổng Sì-mít. Vì trên mọi góc cạnh, hắn khá giống chàng. Về bề cao chỉ độn thêm 2 phân cho đến giầy vì hắn cao hơn chàng chút đỉnh. Vai hắn vuông, thợ may của C.I.A. độn thêm bông vào vai vét-tông của chàng. Lại độn thêm bông ở bụng, vì trời đất quỷ thần ôi, vòng số 2 của Ben bỏ xa vòng số 2 của Z.28 những một gang tay dài thòng.

Gương mặt là bộ phận khó thêm bớt nhất, nhưng trong trường hợp Ben lại dễ ẹt. Khỏi cần bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và cán bộ hóa trang trung đẳng, Văn Bình có thể hóa phép thành Ben trong vòng 60 giây đồng hồ ngắn ngủi. Nguyên do: Ben học đòi thủ tướng Castro, nửa mặt dưới bị che khuất bởi một rừng râu mép và râu cằm, thiên hạ phải quan sát bằng kiếng lúp mới thấy miệng, môi, răng và mũi, còn nửa mặt trên thì mặc cho cặp kiếng cận thị dầy cộm tung hoành. Đeo râu, đeo kiếng vào, Z.28 là Ben. E bà má của Ben gặp Văn Bình cũng bị lầm. Khi chàng rời phòng giấy C.I.A. trung ương, ông tổng Sì-mít suýt soa luôn miệng "giống quá, giống quá".

Ủy Ban Đón Tiếp do hai viên chức sứ quán Thụy Sĩ và Tiệp Khắc cầm đầu. Thụy Sĩ đại diện cho Mỹ tại Cuba, và Tiệp đại diện cho Cuba tại Mỹ. Đứng sau hai viên chức vẻ mặt hân hoan này là một toán người râu xồm mặc quân phục không cấp bậc. Họ là nhân viên G-2 cao cấp.

Đang hồi hộp, Văn Bình bỗng cảm thấy an tâm và thoải mái. Vì một bóng hồng vừa hiện ra. Nàng đến chậm, xe hơi của nàng từ trong phi cảng phóng ra như tên bắn. Gọi nàng là bông hồng rất hợp vì nàng vận xiêm hồng, và áo đỏ, chao ôi, không phải màu đỏ gay gắt, màu đỏ hung hãn, mà là màu đỏ quyến rũ, màu đỏ dịu dàng của hoa delonix regia, thứ hoa phượng tây quốc hồn quốc túy bất hủ của các quốc gia vùng biển ca-ríb (5) ....

Một màn bắt tay chặt chịa. Một màn giới thiệu ôm đồm. Một gã mập đầy râu được Văn Bình chú ý tới nhiều nhất. Hắn được giới thiệu một cách trịnh trọng là phó giám đốc G-2.

Hắn cười nhe cả hàm răng trắng nhởn:

- Hà, hà, mọi người ở đây thường gọi tôi là Phó Mập. Đề nghị đồng chí cũng dùng tiếng Phó Mập cho nó thân.

Lâu lắm Văn Bình được nghe lại tiếng "đồng chí". Chàng bông-rua hắn. Chàng chủ tâm nắm nhẹ, không xiết, vậy mà Phó Mập cũng nhăn mặt:

- Khiếp, đồng chí Ben này có bàn tay cứng như thép nguội...

Văn Bình đổ bồ hôi lạnh. Lát nữa, nếu hắn ghé trụ sở K.G.B., lục đống hồ sơ "điệp viên địch", hắn sẽ thấy trong số những điệp viên địch phải giết bỏ bất cứ ở đâu có một người bàn tay khác thường, bàn tay cứng như thép nguội.

Văn Bình hoảng hồn đến nỗi bông hồng chìa tay ra giây lâu chàng mới dám nắm. Nói là nắm, nhưng thật ra chàng chỉ khép nhẹ mấy ngón tay. Nàng bật cười:

- Đồng chí sợ tôi đau tay hả? Cám ơn đồng chí. Tên tôi là Regia.

Phó Mập nói:

- Nghe nói hai đồng chí mới đến thăm nước chúng tôi lần đầu. Như các đồng chí đã rõ, một số người ngoại quốc chưa hiểu chúng tôi. Nguyên do họ bị tuyên truyền bóp méo. Các đồng chí đến đây vì công vụ, theo chương trình đã định, các đồng chí lưu lại ba ngày. Ba ngày làm việc liên tục sẽ rất mệt mỏi, do đó, chúng tôi ráng thu xếp để có những giờ xả hơi xen kẽ, các đồng chí cần mua sắm kỷ vật, ăn uống, nghe nhạc, khiêu vũ hoặc thưởng ngoạn thắng cảnh trong thành phố thì Regia sẽ hướng dẫn, bất cứ giờ nào. Regia làm việc tại Sở Du Lịch quen hướng dẫn thượng khách, các đồng chí là thượng khách của chúng tôi...

Cóc đại tá Pít bây giờ mới mở miệng:

- Hân hạnh và cám ơn đồng chí.

Văn Bình ngồi chung xe hơi với nữ đồng chí yêu kiều Regia. Băng xe không chật lắm, nàng thu gọn lại thì dư chỗ. Đằng này, nàng mở rộng cặp giò thon dài, choáng hết nửa ghế. Văn Bình nghĩ thầm "G-2 chơi trò mỹ nhân kế đây..."

Xe chạy được một quãng ngắn là người đẹp hoa phượng ngồi lọt trên đùi chàng. Đường thẳng băng, lưu thông vắng vẻ, tài xế lại bẻ quẹo vô-lăng ở những khuỷu không cần thiết, và luôn luôn đút lốp xe vào ổ gà. Rõ ràng là tài xế được lệnh tạo điều kiện cho người đẹp hoa phượng đốt cháy giai đoạn ái tình. Ồ tưởng gì, nếu là cạm bẫy ái tình thì Văn Bình sẵn sàng xung phong làm nạn nhân....

Vô tư mà xét thì Regia hội đủ tư cách để khoe cặp đùi. Khách tài hoa thường khen phụ nữ đẹp Cuba có cặp đùi đẹp. Là vì họ nhảy bôlêrô. Đừng lầm vũ bôlêrô phát xuất từ châu Âu. Quê hương của nó ở Cuba, vũ bôlêrô ở đây chậm chạp hơn và uốn éo hơn làm mông đùi nở đều. Đêm trăng trên sân thượng của bin-đinh cao nhất thủ đô, ôm Regia nhảy bôlêrô, nhìn mặt biển rực rỡ tia vàng thì cái chết gần kề, Văn Bình cũng coi như pha...

Cho dẫu không được tạo hóa phú cặp giò cân đối, Regia vẫn đáng yêu. Được lắm, mặt nàng, thân hình nàng không có nét nào cục mịch. Chỉ trách môi nàng hơi mỏng, răng nàng nhọn mà nhỏ. Loại mỹ nhân này dữ như cọp cái.

Người đẹp hoa phượng lại nhào vào ngực Văn Bình. Chàng bắt gặp khóe nhìn của Pít. Sắp sử lên cơn mê chàng vội tỉnh. Hừ... tạm thời chàng phải "cai" cái món ma túy đàn bà. Yêu nhanh như điện xẹt, yêu ào ào như bão, chàng sẽ vô tình tự tố cáo với G-2 chàng là Z.28.

Chàng đành nuốt nước miếng và liếm sự thèm thuồng trên mép.

Ba ngày trôi qua không có chuyện gì lạ.

Hai người được mời đến một tòa nhà đầy nhóc binh sĩ võ trang, nó là trụ sở của G-2 rồi vào một văn phòng gắn máy lạnh, làm việc liền tù tì từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối. Phó Mập trao cho đại tá Pít toàn bộ hồ sơ về vụ Giắc Tati để nghiên cứu. Không những nghiên cứu tại văn phòng. Pít muốn mang về lữ quán tùy ý. Chàng yêu cầu được phép mang về Mỹ trình ông Sì-mít thì được chấp thuận tức khắc.

Văn Bình chỉ làm việc chung với Pít trong một ngày. Hai ngày kia chàng nằm nhà. Lý do: bị cảm mệt. Theo chuyên viên hóa trang C.I.A. chàng tránh dang nắng càng nhiều càng tốt, sức nóng gần xích đạo dễ làm bại lộ những đường ráp gắn trên mặt. Người đẹp hoa phượng đã túc trực tại lữ quán để phục dịch cho chàng.

Như mọi thượng khách, Pít và chàng được lấy phòng tại Tự Do (6) , một trong 4 lữ quán sạch nước cản còn sót lại, và là lữ quán cao nhất ở châu Mỹ la-tinh. Nhân viên khách sạn đều ăn lương Nhà Nước, G-2 kiểm soát hầu như công khai nên hai người tiếp tục hà tiện lời nói, thậm chí hà tiện cả cử chỉ vì biết chắc G-2 đặt ống kiếng thu hình. Những khi trò chuyện, hai người chỉ bàn tán về cặp giò ngon lành của nữ đồng chí Regia, hoặc về bộ ngực sáng giá của cô bé giữ két dưới nhà, và cố tình kèm theo những lời phê bình mà con gái nhà lành nghe được phải đỏ mặt.

Ban đêm, Ha-van là thành phố chết. Đành rằng một số hộp đêm còn mở cửa để giải sầu cho các cố vấn Liên Sô, Trung Hoa và Tiệp Khắc, ba quốc gia cộng sản được quý chuộng hàng đầu, tựu chung cũng chỉ là những cảnh hát hỏng và múa may tầm thường, chán ngập đến cổ. Văn Bình lại "bị cảm mệt", do đó chương trình du hí buổi tối được cắt giảm tối đa.

Regia lăng xăng đem thuốc tới. Thuốc uống, thuốc xông, thuốc chích, đủ thứ. Lại thêm bác sĩ và y tá. Văn Bình đều lễ phép từ chối. Đại tá Pít đi rồi, chàng trùm mền ngủ. Ngày thứ nhì ngày chàng bắt đầu nằm nhà, chàng kéo thẳng một giấc từ sáng đến xế trưa. Khay ăn điểm tâm do bồi bưng vào chưa được đụng tới. Bữa ăn trưa đầy món thịnh soạn cũng bị bỏ quên. Regia phải lay chàng dậy.

Chàng cố dằn lòng những mùi thơm da thịt pha mùi rượu rom độc đáo của Regia - Cuba là thiên đường rượu rom - đã bắt chàng vùng dậy. Và chàng làm ẩu với chàng. Dĩ nhiên nàng chỉ phản đối chiếu lệ. Nàng còn thầm mong chàng tiến xa hơn nữa. Hôn nàng xong, chàng mới sợ toát bồ hôi. Chàng tự nhủ "thôi, từ phút này, mình xin chừa, mình phải chừa... lối hôn của mình sở K.G.B. đã biết, họ có máy đo, họ đã biết rõ mình hôn ra sao, hôn bao lâu, và sức nặng của cái hôn đến đâu... chết rồi, mình cứ bừa bãi vô nguyên tắc như thế này thì rớt mặt nạ là cái chắc..." (7)

Ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng của thời gian lưu trú, Văn Bình lại trùm mền, ngủ vô hồi lỳ trận. Chàng sắp phải thức, chàng cần ngủ bù. Regia cũng đợi bên giường. Đợi đến gần trưa, chịu không nổi, nàng đánh thức chàng. Và lần này, trái tim mạnh hơn khối óc, chàng không kềm hãm được sự xúc động phiến loạn nữa.

Chàng đinh ninh G-2 đã ghi hết vào phim nhựa những phút giây cuồng nhiệt của chàng. Nếu họ có đủ hồ sơ dưới tay, và phương pháp phân chất, tính toán điện tử, họ có thể suy dẫn ra phụ tá Ben là Z.28. Nếu họ kém cỏi hơn, họ sẽ dùng những tài liệu này để săng-ta chàng. Hừ.... ông Sì-mít đã dặn chàng, Pít đã dặn chàng, ông Hoàng đã dặn chàng... Ai cũng dặn chàng tự chế bệnh hảo ngọt. Rốt cuộc chàng vẩn là chàng. Thấy người đẹp là chàng phải yêu. Yêu là yêu, bất cần hậu quả.

Chàng nhìn Regia, mặt ngẩn tò te. Nàng cũng vậy, vẻ khôn ngoan, nhanh nhẩu cố hữu đã tan biến, nàng ngơ ngác như mán rừng lạc xuống đô thị tân kỳ rồi từ từ đứng dậy lỉnh ra ngoài.

Buổi chiều, Pít tiếp tục đi vắng. Văn Bình tiếp tục ngủ bù, Regia lại vào phòng chàng. Chẳng đặng đừng, tấn trò yêu đương hồi sáng lại tái diễn. Đằm thắm hơn. Vũ bão hơn. Nàng cũng ngơ ngác giờ lâu trước khi bật ra tiếng nấc khó hiểu.

Đại tá Pít về lữ quán trước khi chiều xuống và hai người hối hả ra phi trường. Đoàn xe đen sì do Phó Mập chỉ huy rời lữ quán Tự Do sau một màn khom lưng, bắt tay và cám ơn cứng nhắc. Tài xế lên phi trường bằng một lộ trình khác qua những đại lộ rộng rãi, hai bên đỏ ối màu hoa phượng vĩ.

Cuba - cũng như các quốc gia caríb - là nơi hoa phượng đỏ đẹp chưa từng thấy. Nó là thứ hoa quốc gia, tương tợ hoa cau, hoa bưởi ở vùng quê ta thời xưa, hoặc lê-dơn, anh đào ngày nay ở Đà-lạt. Người ta gọi nó là hoa lửa vì mùa hè nóng như lửa nó mới mọc dầy. Cánh hoa mĩ miều như cánh phong lan, tôn quý, loại phượng mọc hoang trong rừng già thì mộc mạc, thanh khiết như làn môi đỏ của cô gái đồng trinh. Đặc điểm của nó là khi nó nở hoa cũng là khi nó rũ rụng hết lá để rồi những chiếc lá xanh trẻ đâm chồi tức thời, mầu lục hiền hòa của lá ăn nhịp với màu đỏ rực rỡ của hoa trong suốt 8 tuần lễ. Nó còn một đặc điểm khác, ấy là mùa hoa ở mỗi nước một khác, nơi nở sớm, nơi nở muộn, thành thử khách chơi hoa sành điệu có thể lang thang từ hạ sang thu trên toàn cõi Trung-Mỹ vẫn được thưởng thức màu đỏ và màu lục hân hoan của phượng vĩ thần tiên....

Văn Bình gợi chuyện:

- Regia là tên của hoa phượng. Anh có cảm tưởng Regia không phải là tên thật của em.

Regia nhún vai, bực bội:

- Tôi không thích thái độ thân mật ấy của đồng chí. Tôi cũng không thích sự tò mò không đúng chỗ.

Văn Bình im lặng. Ngồi bên, đại tá Pít cười tủm tỉm một mình. Phi trường Ha-van buồn thiu, buồn chảy. Su khi xuống xe, chờ Phó Mập từ xe dẫn đầu lạch bạch tiến tới, Regia đứng sát vào người Văn Bình:

- Xin lỗi anh.

Chàng bàng hoàng chợt hiểu. Nàng phải giữ kẽ dọc đường là vì trong xe có người tài xế. Nàng nói nhỏ tiếp:

- Về Mỹ, ngẫm nghĩ lại, anh sẽ hiểu em nhiều hơn.

Văn Bình ngó quanh:

- Địa chỉ của em ở Ha-van?

- Anh biết vô ích. Vì anh sẽ không còn dịp quay lại đây. Dẫu anh được phép nhập cảnh với tư cách du khách hoặc thượng khách, em cũng không được phép gặp anh, chứ đừng nói là thân mật như chúng mình đã làm hôm nay tại lữ quán.

- Muốn gặp lại anh nữa không?

Regia ngần ngừ. Rụt rè nghĩa là ưng thuận. Văn Bình giục:

- Nhanh lên, cho anh biết chỗ ở. Phó Mập sắp lại rồi đấy.

Regia lấm lét dúi vào tay chàng một mẫu giấy nhỏ:

- Em đã viết sẵn trong này. Thôi, anh đừng nói gì nữa.

Đại tá Pít thoáng nghe được cuộc thầm thì thân mật giữa hai người. Chàng thốt bằng tiếng Pháp:

- Chết cũng không chừa.

Phó Mập vồn vã mời Pít và Văn Bình vào phòng ăn gắn máy lạnh:

- Các đồng chí được miễn cân và xét hành lý. Về thông hành cũng vậy, nhân viên của tôi đã lo liệu xong xuôi. Giờ các đồng chí chỉ còn đợi họ kêu tên mời lên máy bay thôi. Trời chiều mà nóng quá đi mất. Chúng mình vào đây giải khát.

Quả khí hậu nóng thật. Nắng chiều sắp tắt song vòm trời vẫn chói lòa ánh sáng. Vét-tông Văn Bình ướt đẫm bồ hôi.

Phó Mập đon đả:

- Còn những 20 phút. Máy bay hôm nay cất cánh chậm. Chẳng hiểu tại sao. Thường ngày họ rất đúng hẹn.

Văn Bình muốn véo tai Phó Mập và tát một cái cháy má. Từ ngày có chế độ mới, sự trễ nải đã thành căn bệnh trầm kha. Xe điện, xe đò, tàu hỏa chậm hàng giờ. Nhiều khi quên luôn thời khóa biểu. Công ty hàng không của Nhà Nước là Cubana có lần chậm 5 tiếng đồng hồ. Những lần chậm như vậy, họ tỉnh bơ, không thèm xin lỗi. Theo kinh nghiệm của Văn Bình, 20 phút chờ chuyến bay phải nhân gấp đôi. Nghĩa là 40 phút.

Nếu là cuộc du hí thì giờ giấc không đáng kể. Về phần đại tá Pít thì chẳng sao. Công việc xong xuôi, chàng về Mỹ, báo cáo với ông Sì-mít.

Văn Bình lại khác. Chàng phải ở lại. Kế hoạch dự liệu máy bay sẽ sai hẹn. Nhưng ông Sì-mít không dự liệu một sự sai hẹn đến 40 phút đồng hồ.

Văn Bình cảm thấy ngực trái đau nhói. Chàng ngồi xuống ghế, quan sát phòng đợi của phi cảng. Hành khách của những chuyến bay cuối ngày không mấy đông đảo. Quang cảnh ở đây không rộn rịp như ở mọi phi cảng quốc tế trên thế giới. Hầu như chỉ có một loại hành khách duy nhất: chuyên viên và cố vấn nước bạn. Người Tàu mặc áo bốn túi cổ cao bằng hàng xám xanh, vẻ mặt lầm lì như đục đẽo trong cẩm thạch. Người Nga cởi mở hơn, mặc dầu vẫn là sự cởi mở lạnh lùng. Họ tập hợp từng đoàn, đứng hoặc ngồi riêng hẳn một phía. Không ai chào hỏi ai. Họ còn không thèm nhìn nhau nữa. Sự xích mích giữa hai đảng cộng sản Nga-Tàu đã làm công dân của họ ghét bỏ, thù nghịch, tránh xa nhau như phong cùi. Giữa hai thái cực Nga-Tàu, Văn Bình thấy một nhóm sĩ quan Tiệp Khắc. Họ cười nói, pha trò luôn miệng. Một phụ nữ Tiệp Khắc khá lẳng, chắc là vợ của sĩ quan trưởng đoàn - vì là sĩ quan cao cấp mới được quyền mang vợ theo - tống tình Văn Bình bằng cái nhìn nghiêng ướt át.

Phó Mập đang bận gọi bồi, không để ý tới thái độ mời mọc quá trắng trợn của người thiếu phụ Tiệp. Văn Bình giả vờ không biết. Thiếu phụ Tiệp ngang nhiên đến trước mặt chàng cất tiếng chào một cách sàm sỡ. Người chồng, cầu vai chi chít sao trắng, ngực đầy huy chương vàng đỏ, vội nắm tay kéo đi.

Regia nói rót vào tai Văn Bình:

- Bà thiếu tướng đấy.

Văn Bình không đáp. Loa phóng thanh oang oang thông báo với hành khách về chuyến bay sắp cất cánh. Một loạt tên được lần lượt kể ra với lời yêu cầu trình vé để lên tàu. Vẫn chưa có tên Pít và chàng.

Regia lải nhải:

- Mang râu và đeo kiếng anh còn khôi ngô đến thế này, không biết khi bỏ râu, bỏ kiếng đen anh khôi ngô đến đâu.

Văn Bình đành phải trả lời nàng:

- Vài hôm nữa anh gặp em anh sẽ không đeo râu và kiếng.

Regia giật mình trên ghế. Nàng há miệng toan hỏi song Phó Mập đã trở lại. Nàng chỉ có thể biểu lộ sự bối rối bằng mắt.

Phi cảng vốn vắng lại vắng hơn vì hành khách đều đi một mình, không có thân nhân đưa tiễn. Những màn ôm hôn da diết, những vụ sụt sùi, hoặc lấy mù-soa chấm mắt, hoặc xiết tay cả buổi không chịu buông nhau, không thấy diễn ra ở đây. Nhân viên phi cảng không bao giờ cười. Đàn ông, đàn bà đều có dáng dấp cứng nhắc, dầu họ là quân nhân hay dân sự. Hành khách tay xách nách mang nặng nề lết ra cửa soát vé sau những phút, đôi khi là những giờ, dài lê thê chầu chực trước ghi-sê công an, quan thuế, họ đi thẳng một lèo, không nhìn ngang, ngó lệch, sợ như vậy là phạm tội, và đặc biệt là không ngoái lui để giả biệt tình nhân và bằng hữu...

Loa phóng thanh vẫn oang oang. Bàn giải khát của Văn Bình được kê trong tầm loa nên mọi cuộc trò chuyện bị khỏa lấp hoàn toàn. Phó Mập hét muốn khản cổ đại tá Pít cũng không nghe rõ, rốt cuộc hắn đành rót rượu uống tì tì. Dường như hắn thèm rượu từ lâu không có dịp uống. Tuy rom là sản phẩm trong xứ, nó được dành để xuất cảng, giá bán lẻ rất đắt, mấy chục pêsô một chai. Phó Mập chờ dịp thi hành công vụ để trả thù. Mắt hắn đỏ gay như mặt trời đúng ngọ, hắn vẫn nốc ừng ực.

Nhỡn tuyến của Văn Bình bị khựng lại.

Một chiếc xe hơi kiểu đua, sơn đen, mui sắt, đột ngột hiện ra, đậu sịch ở sân phi cảng. Nó không đậu ở sân đậu tư nhân. Muốn thế tài xế phải lái vòng đến gần rặng cây phượng vĩ trổ hoa đỏ ối ở góc. Sân phi cảng là sân đậu của công xa. Đậu xe bừa bãi ở các quốc gia tự do thì chỉ bị biên phạt, nhưng ở phía sau bức màn sắt, chẳng hạn Cuba, thì là trọng tội, ngồi nhà đá như chơi.

Phải là kẻ mất trí tài xế chiếc xe đua này mới dám vuốt râu hùm... công an, mật vụ. Hoặc giả y bị mật vụ rượt đuổi cũng nên....

Tài-xế là một thanh niên vạm vỡ, đội mũ rơm rộng vành che lấp mặt. Chưa đủ bí mật, mắt y còn núp sau cặp kiếng mát đồ sộ. Y thót xuống đất, tay xách cái va-li nhỏ. Tuy dáng dấp y khoan thai, Văn Bình vẫn khám phá ra sự vội vã, hốt hoảng.

Vật đập mạnh vào thị giác Văn Bình là cái sơ-mi dài tay màu xanh của người lạ. Màu xanh, màu xanh... ruột gan chàng sôi sùng sục. Chàng muốn kêu lên tiếng "trời ơi".

Vì áo màu xanh là một ám hiệu. Ám hiệu này muốn nói "tôi đang bị địch bám sát, nguy hiểm".

Trời ơi, người lạ mặc áo màu xanh này là Santa. Santa đang bị địch bám sát, nguy hiểm... Phi cơ sắp cất cánh. Phòng ăn, phòng đợi, phòng quan thuế... đầy nhóc nhân viên G-2 nổi chìm. Phó Mập lại thọc tay túi quần, kè kè một bên.

Làm cách nào tiếp cứu được Santa?

Nhịp tim của Văn Bình đập thình thình như trống ngũ liên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx