sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Z.28 Phi Tuần Vĩnh Biệt - Chương 2: Tử Thần Trên Phi Đạo!

Cuốn phim ký ức quay lại thật nhanh, chỉ trong vòng một phần trăm giây đồng hồ là ngưng lại. Song Văn Bình thấy rõ từng chi tiết. Chàng nhớ lại những cây sấu sum xuê bắt đầu rụng lá trước bin-đinh công-ty điện-tử, tổng hành-doanh của ông Hoàng ở đại lộ Nguyễn-Huệ, gần bờ sông Sài-Gòn.

Và nhớ cả mầu áo của những cô gái căng cứng, lượn đi, lượn lại như đèn cù, dường như đâm sầm vào chàng để bắt đền. Chàng nhớ chất màu áo trắng đơn thuần mà gợi cảm của Nguyên Hương. Hồi sở còn lưu-động, mỗi lần tới trình diện là Văn Bình ở lại 10, 15 phút trong phòng nữ bí-thư Nguyên Hương.

Song từ ngày ông Hoàng dọn về toà lâu-đài ngàn lẻ một đêm, toàn bằng bê-tông cốt sắt và dụng cụ phong thần sau lữ quán Majestic, Văn Bình không còn được sống những giây phút thi-vị nữa. Phòng giấy của Nguyên Hương đã mất vẻ mộc mạc thường lệ và biến thành một pháo đài điện-tử, có hàng chục cặp mắt và vành tai vô hình ngày đêm theo dõi mọi cử-động. Nguyên Hương cũng không còn là cô thư-ký riêng vùi đầu vào hồ-sơ, sổ sách ám bụi bên cạnh cụ giám-đốc già nua, hà tiện, như ngày xửa, ngày xưa nữa. Dưới quyền, nàng đã có một "đạo quân" phụ-tá, toàn là nữ thần khêu gợi bóc lửa của ban Biệt-Vụ.

Ngoại cảnh thay đổi con người, Nguyên Hương vẫn yêu chàng, vẫn chờ đợi cái ngày (không bao giờ tới) được thành hôn với người con trai vong mạng mà hào hoa, song nàng không được quyền thã lòng theo tình cảm lộ liễu nữa.

Thấy chàng bỏ ghế, định sấn lại, Nguyên Hương vội xua tay:

- Anh nên giữ gìn một chút. Dầu sao em vẫn phải làm gương cho cấp dưới.

Văn Bình ngần ngừ:

- Em giận ư?

Nàng lắc đầu:

- Hơn ai hết, anh đã biết là em không bao giờ giận anh, dẫu cho anh phạm lỗi lầm nào.

- Phải rồi, em đã hết yêu anh. Chưa khi nào anh thấy em lạnh lùng, hờ hững với anh như hôm nay.

- Em không thể nào vồn vã với anh được. Vì lẽ các cô ở ngoài nhìn thấy. Họ không mạ gì mối tình giữa đôi ta. Nếu em dễ dãi, họ sẽ bắc chước. Trừ phi…

Văn Bình đã hiểu nàng định nói gì. Nàng sẵn sàng dễ dãi nếu chàng cưới nàng làm vợ. Song nàng bỏ lửng câu nói, rồi bâng khuâng nhìn vào khoảng không, ngón tay gõ nhịp xuống bàn. Không khí trong phòng đang đè nặng thì may thay Lê Diệp lù lù dẫn xác tới. Vừa thấy chàng, Lê Diệp đã reo ầm như đứa trẻ được cho đồ chơi Giáng-Sinh:

- À, anh Z. 28. Ông cụ chờ anh từ đêm qua đến giờ. Tưởng anh còn khệnh khạng chưa chịu hạ sơn, ông cụ bắt tôi đích thân đến tìm.

Nghe bạn nói, Văn Bình sực nhớ rằng tứ ít lâu nay, chàng tu tiên. Tu tiên ở đây không có nghĩa là cắt tóc vào chùa như hồi ớ Vạn-Tượng. Cũng không có nghĩa là ở lì trong phòng với một cô gái hỏa diệm sơn.

Mà là nằm lì trong dưỡng-đường đặc-biệt của Sở.

Sau nhiều tháng hoạt động và bê-tha không ngừng, Văn Bình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Theo lời khuyên của Y-Sĩ, chàng vào bịnh-viện. Mới đầu, chàng tìm cách thoái thác, vì trong đời, chàng sợ nhất là bịnh-viện, mùi bông băng, mùi ê-the, nhất là cái mùi khó tả của các nữ điều dưỡng nhạt nhẽo như nước ốc, lạnh lùng như tảng băng và khô rắng như bê-tông.

Nhưng sau lần khám bịnh đầu tiên, chàng bằng lòng. Không cần đợi ông Hoàng nài ép thêm, chàng xách va-li tới. Sỏ dĩ chàng đổi ý kiến nhanh chóng, chẳng phải vì căn bịnh cuả chàng trở nên trầm trọng, vì thật ra chàng không có căn bịnh nào nhất định. Chàng vào bịnh-viện để dưỡng sức hơn là chữa bịnh. Vì tạo hóa đã tạo cho chàng một cơ-thể hoàn mũ, lục phủ ngũ tạng như được bọc thép. Chàng chỉ mắc một bịnh duy nhất. Nhưng lại là bịnh nan y, Biển Thước, Hoa-Đà sống dậy cũng phải bó tay.

Bịnh đào hoa.

Sở dĩ chàng đổi ý kiến nhanh chóng vì trong dưỡng-đường có một loại thần dược có thể điều trị được bịnh hào hoa. Thánh dược này là một thiếu nữ 17 tuổi, thích làm nũng và thích cười cả ngày. Nàng là nữ thần nhan sắc của dưỡng-đường, song mọi nhân viên đều sợ nàng như cọp dữ.

Mà nàng dữ thật. Thanh niên nào xớ rớ đụng vào người nàng là ăn đòn ngay tức khắc. Tuy người mảnh khảnh, nàng là đai đen nhu đạo. Và không phải là đai đen đệ nhất, mà là đệ nhị.

Ông Hoàng cho phép Văn Bình vào bịnh viện 2 tuần lễ. Kể ra thì một tuần là đủ rồi. Nhưng quá 3 tuần, chàng vẫn không ra. Quá 4 tuần, chàng vẫn còn đau. Đến tuần thứ tám, chàng vẫn chưa khỏi bịnh. Sang đến tuần thứ 10 thì bịnh cũ khỏi rồi, bịnh mới, một thứ bịnh kỳ lạ bộc phát. Từng đoàn y-sĩ nối đuôi nhau, cố điều trị cho con cưng của sở Mật vụ song không tài nào tìm ra căn bịnh.

Vì căn bịnh kỳ lạ ấy chỉ riêng Văn Bình được biết.

Bịnh đào hoa…

Buổi trưa, buổi tối, nhất là buổi tối vắng vẻ, Văn Bình đều dành trọn vẹn cho người đẹp. Nàng chưa yêu ai, nàng lại thích hạ đàn ông đo ván bằng nhu đạo, nhưng đến khi đối diện Văn Bình, nàng bủn rủn tay chân.

Song việc phải tới đã tới.

Ông tổng giám đốc gọi điện thoại mới Văn Bình về, nhận công tác mới. Và chàng đành phải gạt lệ, bỏ dở công việc tu tiên.

Nói cho đúng, Văn Bình định chần chừ thêm hai, ba tuần nữa, vì công việc tu tiên đang đến thời kỳ sôi nổi nhất. Song ông Hoàng dường như có con mắt thông thiên, đọc thấy mọi việc xẩy ra ngoài ngàn dặm, và đọc thấy tâm tư của chàng, nên bắt đầu ngay vào chuyện:

- Anh phải lên đường ngay mới kịp. Cô Nguyệt Hằng đã dự xong lớp huấn luyện người nhái.

Nguyệt Hằng!

Nếu là Nguyệt Hằng thì dù tu gần đắc đạo trên cõi tiên, Văn Bình cũng nhảy xuống hạ giới, để hòa mình với cát bụi ô trọc. Vì cô gái điều dưỡng rất đẹp, song Nguyệt Hằng lại lạ lùng hơn nhiều. Vả lại, sau lần đoàn tụ ngắn ngủi, chàng chưa có cơ hội được gặp nàng.

Khác mọi lần đã qua, bước vào văn phòng Tổng giám đốc, sau khi bị phá rối cuộc vui với bộ mặt đưa đám nặng nề và đầy oán trách, lần này Văn Bình mặt tươi như người trúng số cặp tư tám triệu bạc.

Mặt ông tổng giám đốc cũng tươi như hoa. Vừa thấy Văn Bình vào, ông Hoàng nhấc mục kỉnh xuống, rồi hỏi:

- LES đã nhận đơn của anh chưa (1) ?

LES không phải là bí danh của một điệp viên lỗi lạc hoặc một tổ chức gián điệp địch đáng gớm. Mà là tên tắc của một công ty tư nhân mới được thành lập, chuyên kết nạp những hội viên trên thế giới muốn sống lâu như ông Bành Tổ. Sự thật là LES chưa tìm ra thuốc trường sinh bất lão, nhưng tin tưởng trong một tương lai gần, khoa học sẽ tìm ra, nên đề nghị hội viên được ủ lạnh, và đóng thùng để dành, chờ cơ hội thuận tiện sẽ mở ra, và hồi sinh lại.

Văn Bình không sợ chết, song lại không thích chết. Chàng thích sống trường sinh bất lão để hưởng lạc thú cuộc đời. Nên với sự đồng ý của ông Hoàng, chàng gởi đơn xin gia nhập hội LES, để sau khi chết, chàng sẽ không phải vào quan tài, mà là nằm trong thùng kim khí, chớ ngày hồi sinh.

Văn Bình gật đầu:

- Thưa rồi. Tôi là hội viên thứ 2.000 (2)

Ông Hoàng nói:

- Không riêng gì anh, nhiều nhân viên của sở, trong số có Lê Diệp và Nguyên Hương, đều xon gia nhập. Theo tôi ước lượng, chỉ độ vài năm nữa, khi công luận thế giới bắt đầu hiểu rõ tính chất quan trọng của hàn học (3) , họ sẽ đua nhau gia nhập, và số lượng hội viên sẽ lên tới hànhg chục, hàng trăm triệu.

Văn Bình ngắt lời:

- Ông sắp mở phòng thí nghiệm hàn học trong Sở phải không?

Ông Hoàng đáp:

- Đó là điều dĩ nhiên. CIA đã có từ hai, ba năm nay. RU và KGB cũng vậy. Chúng ta bây giờ mới nghĩ kể cũng không còn sớm nữa. Tuy nhiên, muộn còn hơn không.

Như anh đã biết, hàn học là một bộ môn khoa học mới mẻ có rất nhiều triển vọng. Vì nếu cuộc thí nghiệm của bác-sĩ Berdford (4) thành công, đời sống của nhân loại và thế-giới sẽ hoàn toàn đổi khác. Nếu con người đã chết có thể sống lại thì chẳng bao lâu nữa, trái đất này sẽ đầy ứ, hàng ngàn vấn-đề phức tạp được đặt ra, người ta bắt buộc sẽ phải di dân lên các hành tinh trong vũ-trụ hệ. Riêng các lãnh-tụ cộng-sản lại quan tâm đến hàn học hơn mọi thành phần khác. Vì như vậy, họ có điều kiện sống mãi, sống mãi không bao giờ chết.

Theo tin riêng của tôi, RU và KGB đã đổ hàng ngàn triệu đô-la vào các phòng nghiên cứu hàn học. Tôi cũng muốn chi phí rộng rãi như họ, nhưng đáng tiếc là không có tiền, chưa có tiền...

Ông Hoàng ngồi yên, vẻ mặt bâng khuâng.

Hiểu ý, Văn Bình cất tiếng:

- Ông cần bao nhiêu?

- Trên địa-hạt thí-nghiệm tân tiến, thì bao nhiêu cũng không đủ, giống như muối bỏ biển vậy. Nhưng nghèo ra cũng phải có từ 5 đến 10 triệu đô-la.

- Ông vay CIA chưa?

- Rồi. Anh là người gần gũi tôi, và biết rõ công cuộc kín đáo của tôi hơn ai hết chắc không lạ gì những khó khăn về vay mượn. Dĩ nhiên, tôi ngỏ lời là họ cho vay ngay, nhưng vay thì phải trả, chúng ta không thể ăn quịt. Nhưng anh nghĩ coi, nước Việt-Nam đói rách này kiếm đâu ra tiến để lấp khoảng trống 10 triệu đô-la nghĩa là sấp xí một tỉ rưỡi bạc. Mới chi 5, 10 triệu bạc, mà họ còn nói lên, nói xuống, đòi gửi phái đoàn đến xem xèt sổ sách, huống hồ ... Đối với một tổ-chức điệp báo nhược tiểu như như chúng ta chỉ có một lối thoát duy nhất. Mà lối thoát duy nhất nầy, anh đã biết, vì trong quá khứ, anh đã thí-nghiệm nhiều lần.

- Thưa ông nghĩa là ta sẽ làm thuê ... để trả tiền.

- Đúng.

- Và lần này bắc cóc các nhà bác-học chuyên về hàn học của Nga-Sô?

- Không đúng hẳn. Cách đây 6 tháng, một trong các chuyên viên hàn học Hoa-Kỳ bị mất tích. Dĩ nhiên, ông ta không thể chắp cánh bay khỏi Hoa-kỳ. Mà là bị KGB lén bắt. Sở dĩ nhà bác học này bị KGB lén bắt dễ dành vì hàn học chưa được coi là có tính cách quốc phòng, đúng ra, chỉ mới được coi như vậy từ giữa năm 1967 mà thôi.

Chụp lấy cơ-hội bằng vàng nầy, tôi mở cuộc điều tra. Và gặp may mắn, tôi phăng ra nhà bác học Mỹ bị KGB mang về Nga-Sô, và giấu trong một cái hồ lớn ở miền Đông, trên đường Tây-Bá-Lợi-Á.

- Giấu trong hồ?

- Phải, giấu trong hồ. Từ ít lâu nay, một phần cơ-sở bí mật của Nga-Sô đều nằm sâu trong lòng đất. Riêng cơ-sở sưu tấm nghiên cứu hàn học được giấu dưới đáy hồ. Ta đã có tay trong, nếu xoay xở nhanh chóng và kín nhẹm, có nhiều hy vọng thành công. Một mặt, ta sẽ có 15 triệu đô-la, trả ngay bằng tiền mặt; mặt khác, ta có thể phá hủy phòng thí-nghiệm của họ, bặt họ phải đi lùi một thời gian.Vì vậy, tôi đã nghĩ đến anh.

- Thưa ông, tôi sẽ đi một mình?

- Không. Một mình sợ không nổi. Một người khác, đúng hơn, một nữ đồng-nghiệp sẽ cùng đi với anh.

- Nếu tôi không lầm thì ông sẽ chọn Kathy vì trong Sở, chỉ có nàng là thông thạo tiếng Nga và có nhiều kinh-nghiệm hoạt-động tại đó.

- Kathy hội đủ điều kiện, song nàng không thể sang Nga được nữa. Nàng đã bị lộ. Tôi đã chọn người khác.

- Nguyệt Hằng?

- Đúng. Nguyệt Hằng từng sống ở Nga-Sô nhiều năm. Nàng có thể giúp ích được nhiều. Vả lại, nàng viết thư cho tôi, yêu cầu được hoạt động chung với anh. Nguyệt Hằng đang theo lớp huấn luyện đặc-biệt người nhái trên pháo đài ZZ. Đã lâu, anh không hoạt động dưới nước. Có lẽ anh cũng nên dợt lại một thời gian. Phiền anh chuyển lời hỏi thăm của tôi cho cô Nguyệt Hằng.

Ông Tổng giám-đốc ít khi hỏi thăm bạn bè và nhân viên. Lần nầy, ông lại tỏ thái-độ vồn vã. Thành ra Văn Bình đâm ra lo ngại. Sau nhiều phen cọ sát với tử-thần, chàng đâm ra dị-đoan. Truớc kia, chàng không hề kiêng que diêm dùng hai, ba người, kiêng con số 13 trong bữa tiệc, kiêng đi dưới cái thang. Đột nhiên, tâm tính chàng biến đổi.

Sự thật, giác quan thứ sáu của chàng đã nhìn thấy những việc sắp xẩy ra.

Nhưng đến bây giờ thì đã quá muộn.

Trước mặt chàng là một hỏa tiễn. Một hỏa tiễn phụt lửa da cam kinh dị đang phóng nhanh vào phi-cơ giữa vùng trời rựt nắng và trên mặt biển, bập bềnh xanh ngắt.

Trên pháo đài nổi, ba người vẫn tiếp tục nín lặng. Hạm trưởng đội kết vào đâu, sửa soạn, bước ra ngoài. Triệu Dung cúi xuống đồng-hồ tay. Không hiểu sao, chàng lại coi giờ. Chàng có cảm tưởng đây là thời khắc quan trọng nhất đời.

Nguyệt Hằng đứng thẳng như pho tượng. Một giọt lệ long lanh trên khóe mắt nàng.

Nàng chắp hai bàn tay vào nhau, miệng lâm râm:

- Lạy Trời phù hộ cho chàng.

Được nuôi nấng trong bầu không khí duy vật, Nguyệt Hằng không hề tin Trời. Song giờ phút nầy, nàng mới nhận thấy tất cả những điều nàng học đều sai lầm. Mọi việc trong đời đều là định mạng. Mọi việc trong đời đều do Đấng Tối-Cao quyết định.

Triệu Dung nhìn Nguyệt Hằng cầu nguyện mà không nói năng gì hết. Vì khi ấy, chàng cũng đang cầu nguyện trong lòng.

Khi ấy, ở Đà-nẵng, một cô gái tuyệt đẹp cũng đang cầu nguyện. Nàng không biết chàng là ai. Nhưng nàng có ấn tượng là đã quen chàng, và trao thân cho chàng từ kiếp trước.

Chàng đã đi rồi...

Trên không phận Đà-nẵng, một cặp phản-lực-cơ xẹt qua như chớp sáng, kèm theo tiếng sấm. Hàng ngày, nàng đã quen nghe tiếng động long trời, lở đất của phi-cơ xé bức tường âm thanh. Nàng đã quen nên cảm thấy thích thú. Bữa nào vắng tiếng phi-cơ rầm rầm là nàng bâng khuâng như người đánh mất vật quý.

Nhưng hôm nay, ruột gan nàng lại nóng như lửa đốt. Nàng vụt đứng dậy, phóng tầm mắt về hướng đông, hướng chàng lái máy bay, rồi kính cẩn quỳ xuống:

- Lạy Trời, phù hộ cho chàng.

Định mạng của Văn Bình gắn liền với đàn bà đẹp, nên giờ ấy, ở Sàigòn, linh tính nguy hiểm đã làm cho một ngươì đàn bà bồn chò mở cửa nhìn ra vườn, rồi nhắc điện thoại, hỏi tin tức.

Nàng là Quỳnh Loan, nữ nhân viên ưu tú Ban Biệt vụ, người đàn bà đẹp duy nhất có con với Văn Bình (5) . Nàng được nghỉ phép một thời gian, và mang Văn-Hoàng về nuôi. Hai mẹ con sinh sống cuộc đời thôn dã giản dị trong một căn nhà rộng thênh thang, trên đường đi Long-Bình, giữa những bụi tre xanh ngắt kẻo kẹt, những cây bưởi cành lá xum xuê trái nhẵn chính mọng đầy nước ngọt.

Giây liên lạc duy nhất của Quỳnh-Loan với đời sống náo nhiệt thủ-đô là cái máy điên thoại siêu tần số. Về Long-Bình được một tuần, song nàng chưa hề sử dụng. Lần này cầm lên, nàng lại đạt xuống. Dường như một tiếng nói huyền bí từ trên chín từng mây cao đang thì thầm vào tai Quỳnh-Loan.

Nàng không nói gì hết, song ở đây, lòng nàng đang lâm râm cầu nguyện:

- Lạy Trời, phù hộ cho chàng.

Qua cửa phòng hé mở, Văn-Hoàng nằm ngủ ngon lành. Trogn giấc ngủ, miệng nó vẫn thoáng nụ cười tủm tỉm, nụ cười lôi cuốn nhưng ranh mảnh, giống bố như đúc.

Chắc chắn lớn lên, nó sẽ như bố. Nghĩa là trở thành hung thần trong nghề điệp báo, dọc ngang trên thế-giới. Nghĩa là trở thành thiên thần trong tình yêu, làm hàng trăm, hàng ngàn người đàn bà say mê.

Khuôn mặt dĩnh ngộ của con trai hiện rõ dưới chiếc mền màu hồng khiến tâm can Quỳnh-Loan xao xuyến. Từ ngày có con, nàng không còn hăng hái trong công tác nữa. Dĩ nhiên, sáng nào nàng cũng tập thể dục đều đặn để giữ vững sắc đẹp thân thể và không quên dợt lại cận vệ chiến. Nàng cũng không quên tập bắn súng thường xuyên, mỗi ngày cỡi ngựa, lái xe đua cho gân cốt khỏi tê cứng.

Song ngọn lửa cuồng nhiệt nghề nghiệp lại nhỏ dần, nhỏ dần trong lòng nàng. Nàng bắt đầu sợ sệt vẩn vơ. Nàng bặt đầu lo lắng tương lai. Nàng theo ông Hoàng ra ngoại quốc một thơi gian ngắn rồi đòi về. Ông Hoàng mỉm cười bảo nàng:

- Cô nhớ cháu, phải không?

Nàng lặng thinh không đáp.

Thật vậy. Văn-Hoàng khi ấy được nuôi trong dưỡng đường đặc biệt của Sở. Thoạt tiên, Quỳnh-Loan đinh ninh có thể xa con, dấn thân vào nhiệm vụ, nhưng mỗi lần xa con, nàng mỗi thấy là nàng không còn can đảm như ngày xưa nữa. Khi ấy, còn một thân, một mình, nàng có thể khưng nhận mọi sự nguy hiểm ghê gớm.

Nhưng sau khi có con, nàng trở về với thiên chức bất dịch của người mẹ, và người ... vợ. Văn Bình đã nói dứt khoát: chàng không thể chung sống với nàng đến ngày răng long, đầu bạc. Vả lại, chính nàng đã cam kết là không phiền hà chàng nữa.

Bên ngoài, trời nắng rực rỡ.

Ngôi nhà mát lẻ loi này được ông Hoàng xây cất trước khi có xa-lộ Biên-Hoà. Tuy bề ngoài mộc mạc, nhưng bên trong lại gồm đây đủ tiện nghi tântiến. Quỳnh-Loan sống một mình với con, với hai tủ lạnh khổng lồ, chứa đầy thức ăn có thể dùng nửa năm không hết.

Xa-lộ Biên-Hoà chạy phía dưới vì tòa nhà nằm trên ngọn đồi thoai thoải. Đứng trong vườn, nàng có thể nhìn thấy đoàn xe nối đưôi nhau trên con đường trắng xám. Song nàng không nghe được tiếng động, vì ở xa hơn nửa cây-số.

Mộ vật cồm cộm ở ngực làm Quỳnh-Loan nhớ đến bức thư của Văn Bình. Nàng nhận được hồi hôm, Lê Diệp đích thân mang tới. Chàng ở lại trò chuyện đến nửa đêm mới lái xe về Sải-gòn. Nàng đọc đi, đọc lại hàng chục lần đếm nổi thuộc làu. Lẻ ra, theo nguyên tắc báp mật, nàng phải phá hủy. Song nàng gập lại làm tám, rồi nhét vào xú-chiên, dường như để ấp ủ tuồng chữ của chàng trong da thịt nàng.

Cử chỉ trang trọng như tín đồ ngoan đạo vào nơi tôn nghiêm, sửa soạn cầu kinh, Quỳnh-Loan rút thư ra rồi lẩm bẩm đọc:

Quỳnh-Loan áp tờ giấy vào ngực, mặt đầm đìa nước mắt. Nàng có cảm giác là trời lóe sáng rồi tối sầm lại.

Rồi lóe sáng.

Cảm giác lạ lùng ấy cũng nảy ra trong tâm trí Văn Bình trên không gian bao la khi vừng sáng đầy lửa, đầy chết chóc đang phóng tới vói tốc độ siêu âm về phía phi-cơ Crusader.

Một lần chót, Văn-bình thử lại máy vô-tuyến. Và lần chót, máy vô-tuyến vẫn căm bặt.

Hỏa tiễn mỗi lúc một đến gần, dường như được gắn từ-thạch. Bản năng tự-vệ vùng dậy trong người, máu sôi sùng sục, Văn Bình nghiến răng, xả ga xăng, cho phi-cơ vút lên cao.

Chàng bàng hoàng khi thấy chiếc hỏa tiễn cũng xoay hướng và bay theo chiếc Crusader. Óc chàng nghĩ thần tốc chư náy tính IBM. Chàng không còn hồ nghi nữa. Đúng là hỏa tiễn vô-tuyến hoặc là hoả tiễn hồng ngoại tuyến tự động tìm mục phiêu trên không trung, tứ pháo đài nổi ZZ bắn lên với mục đích thí-nghiệm. Với loại tên đạn tân tiến nầy, chàng khó có hy-vọng thoát thân.

Trừ phi...

Trừ phi chàng liều mạng...

Trong một phần vi phần thời khắc, Văn Bình đã tiến tới một quyết định dứt khoát. Chàng bèn dùng lối bay Wifferdill, một lối bay biểu diễn quỉ thuật của đội xiệc không gian Thunderbirds. Trình độ điều khiển máy bay của chàng chưa đạt tới hoàn mỹ như nhóm thiên thần Thunderbirds, nhưng ít ra trong thời gian qua, chàng đã có cơ hội sống chung với họ, và quan sát nhiều cuộc trình diễn ngoạn mục, thách thức tử thần của họ (6) . Whifferdill là danh từ chuyên môn để chỉ lối bay thẳng từ dưới lên trên tầng cao, rồi quẹo thành hình chữ U. Phi-cơ bay đứng như bức tường trước khi lạng sang bên trái, dốc mũi xuống, hạ thấp với tốc độ kinh hồn rồi trở lại mức quân bình.

Muốn bay Whifferdill, phi-công phải tính toán dùng vận tốc của gió, vì gió mỗi nơi mỗi khác. Hình như máy IBM trong óc đã tính hộ chàng nên chàng không nghĩ thêm nữa. Vả lại, dầu muốn suy nghĩ, chàng cũng không có thời giờ.

Vì hỏa tiễn quái ác vẫn bám sát lấy chiếc Crusader như hình với bóng.

Động cơ phản lực nổ rầm trời, phụ họa với tiếng nổ rầm trời của hỏa tiễn, Văn Bình vẫn xuống nữa, xuống mãi. Từ trên cao vút xuống, chàng cảm thấy thân thể tê dại vì trọng lực, song tân thần chàng vẫn sáng suốt, và tay chân vẫn cử động được như thường. Chàng dự định xuống đến gần sát biển mới láy ngang, với hy vọng hỏa tiễn phản ứng không kịp sẽ lao xuống nước.

Mặt biển mấp lánh dường như dâng lân, dâng lên, biến thành bức tường bê-tông trắng xanh mênh mông. Hỏa tiễn vẫn rượt theo, chỉ còn cách chiếc Crusader một quãng ngắn. Thường lệ, đoàn xiệc không gian xuống đến gầm mặt đất mới lái ngang. Trong một cuộc biểu diễn táo bạo, họ đã xuống đến cách mặt đất hơn một thước (7) . Lại có nhân viên táo bạo trong đoàn xiệc không gian dám bay là là, vượt qua xe thiết giáp, và thả vào kẽ hở một trái bom nhẹ.

Văn Bình chưa hề biểu diễn như vậy lần nào. Song tình thế đã bắt buộc chàng. Chàng không còn lối thoát nào nữa, ngoại trừ lối thoát thục mạng. Thục mạng vẫn là ý nghĩa thú vị của đời điệp báo.

Cây kim tốc độ dường như điên cuồng, nhảy lung tung trên mặt đồng hồ. Phi-cơ đã bay nhanh, Văn Bình không thể nào bay nhanh hơn được nữa.

Nhưng khi ấy, Văn Bình không quan tâm đến đồng hồ tốc độ. Mắt chàng dán chặt vào cao-kế (8) . Chàng thầm cầu nguyện cao-kế còn nguyên, chưa hư hỏng, vì nếu hư hỏng thì chàng phải chết. Chàng lại thầm cầu nguyện đếm giạy phút tối hậu, động cơ ngoan ngoãn của chiếc Crusader tân tiến sẽ tiếp tục ngoan ngoãn vâng lời, vì nếu không ngoan ngoãn vâng lời thì chàng sẽ chết...

Chàng phải chết... Những tiếng kinh khủng ấy đập vào óc chàng như tiếng sét.

Chết.

Chàng sẽ không gặp lại những người đằn bà tuyệt đẹp. Cô gái xuân thời đã ngã vào lòng chàng, làn da trắng nõn nhảy múa dưới ánh đèn nê-ông phô bài bộ ngực no tròn và cái eo nhỏ xíu, sẽ mỏi mắt chờ đợi chàng trọn đời, chờ đợi mà không bao giờ tái ngộ... Nguyệt Hằng, người nữ nhân viên Smerch lạ lùng đang chờ đợi chàng trên pháo đài nổi ZZ...

Không, Văn Bình không thể chết được. .. Chàng phải sống... Mặt biển Thái-Bình, biến thành bức tường bê-tông trắn xonh mênh mông, cón cách phòng phi hàng trong gan tấc. Bàn tay ướt sũng bồ hôi trong găng da. Chàng mím môi, thu hết sức lực để kéo cần lái.

Như có phép mầu nhiệm, mũi chiếc Crusader sửa soạn chạm mặt biển bỗng nhoài ngang ra. Khi ấy, hỏa tiễn sắp đâm vào đuôi phi-cơ, bị mất trớn, rượt theo không kịp vì Văn Bình lái thẳng góc thước thợ, nên nhào luôn xuống nước...

Thoát nạn...

Nhưng vừa qua khỏi nạn nầy, Vvan-Bình lại rơi vào nạn khác. Phần vì bay quá nhanh, phần khác vì thay đổi áp lực không khí quá đột ngột, chàng bị tối sầm hai mắt. Hiện tượng nầy, giới phi hành gọi là "màn đen", thường xẩy ra đối với phi-cơ siêu thanh (9)

Trước mắt chàng, mọi vật đều đen sì. Chàng cố mở mắt thật rộng, song dây thần kinh không tuân lịnh của óc nữa. Chàng có cảm giác như võ sĩ trên đài bị một loạt trái đìa-rết vào mặt nên bị loạng choạng, nửa tỉnh, nửa mê.

Thật ra, chàng vẫn tỉnh. Tỉnh, nhưng không nhìn thấy, nghe thấy gì hết. Chàng biết rằng trong vai ba giây đồng hồ ngắn ngủi nữa, nếu chàng không có phương pháp nào chế ngự được "màn đen" thì phi cơ không người lái sẽ đâm xuống biển.

Văn Bình muốn giảm bớt tốc độ, nhưng không nhìn thấy bộ phận điều khiển ga xăng nữa. Bàn tay chàng quờ quạng xung quanh ghế ngồi, như người mù, để tìm nút nhảy. Kéo nút nầy, ghế phi công sẽ bắn vọt ra ngoài, chàng có nhiều hy vọng sống sót, vì chàng được trang bị đặc biệt một loại dù riêng, dù B-5 (10) , dầu chàng mê man, dù cũng mở ra tự động.

Tim chàng bỗng đập thình thịch như muốn phá toang lồng ngực. Chàng sực nhớ là hai chân chàng đang duỗi thẳng. Trong tư thế nầy, ghế phi hành được phóng ra sẽ có thể chạm cạnh nhọn của phi cơ, chân chàng sẽ bị tiện ngang đầu gối.

Văn Bình bèn gắng gượng co chân lại, rồi vận chân khí lên đầu. Nhờ nhiều năm tháng khổ công tập luyện, lại am tường những bộ môn vận nội ngoại công thần bí như Ninjitsu Nhật Bản và Thần Ảo Công Trung Hoa (11) , chàng dần dần trở lại mức độ bình thường.

Một lần nữa, gần kề cái chết, Vắn-Bình lại thoát nạn.

Phi cơ vẫn bay rà rà trên mặt biển rập rình. Trong phút bàng hoàng vừa qua, chàng không nghe tiếng động kinh hồn của hỏa tiễn hồng ngoại tuyến đâm đầu xuống đáy biển. Sau khi tỉnh lại, việc đầu tiên của chàng là liếc qua các đồng hồ trên táp-lô.

Chàng thở phào ra mõt cái. Lâu lắm, chàng mới có cơ hội bay ở độ thấp. Ngẫu nhiên, chàng nhớ lại lời dặn của huấn luyện viên trong trường Không quân: mỗi khi lâm trận, phải bay thật thấp để trán màn radar. Pháo đài nổi ZZ vừ phóng hỏa tiễn, tất không biết chàng tới. Có thể họ sẽ phóng tiếp hỏa tiễn thứ hai, và lần này thì vô phương tránh né (12) .

Cũng trong giây phút căng thẳng ấy, mọi người trong phòng kiểm soát của hàng không mẫu hạm nguyên tử lênh đênh ngoài khơi Nam Việt đều nín thở.

Bỗng một nhân viên la lên:

- Trời ơi!

Trưởng phòng kiểm soát kéo máy vi âm lại gần mìệng, báo cáo bằng giọng mất bình tỉnh.

- Thưa hạm trưởng ... Vệt sáng đã mất trên màn radar. Nghĩa là cả phi cơ lẫn hỏa tiễn đều mất cùng một lúc. Họ xuống quá thấp, thấm hơn các tia radar.

- Nghĩa là hỏa tiễn đã đâm vào phi cơ?

- Thưa, tôi tin là như vậy.

- Ra lệnh ngay cho trực thăng cứu cấp.

Cuộc đàm thoại ngừng bặt.

Rồi tiếng báo cáo lại tiếp tục:

- Thưa hạm trưởng...

Giọng hạm trưởng nhuộm vẻ khó chịu:

- Cho trực thăng bay nhanh lên. May ra, ta còn có hy vọng...

- Thưa, diệt lôi hạm 43 vừa mới gọi về.

- Tìm ra chỗ phi cơ bị nạn rồi ư?

- Thưa không. Diệt lôi hạm 43 vừa thấy phi cơ.

- Nhìn thấy phi cơ? Hừ, có lẽ toàn thể chúng ta đều điên ... Ông vừa phúc trình là ...

- Thưa, Diệt lôi hạm đã báo cáo một cách dứt khoát là phi cơ đang bay về hàng không mẫu hạm của ta là một chiếc Crusader II, FSU-2N, Chance Vought của hải quân.

- Cờ nước nào?

- Thưa, không mang phù hiệu. Duy dưới bụng có một vòng tròn màu vàng. Đúng là phi cơ của...

Tiếng báo cáo đột nhiên ngưng bặt. Rồi tiếp tục, đầy vẻ hân hoan và tin tưởng như chủ nhân vừa trúng độc đắc:

- Thưa hạm trưởng. Phi cơ vừa liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát.

Hạm trưởng giật mình đánh thót:

- Phi cơ nào?

- Thưa, phi cơ Crusader có vòng tròn màu vàng dưới bụng.

- Phòng kiểm soát báo cáo là liên lạc vô tuyến bị gián đoạn rồi kia mà...

- Thưa, chúng tôi cũng không hiểu tại sao.

Hạm trưởng hừ một tiếng rồi dõng dạc:

- Sửa soạn cho phi cơ đáp xuống.

Quay nhìn ra khơi sóng vỗ, hạm trưởng nhún vai, buông ra tiếng thở dài:

- Ngày nào cũng gặp một phi công thục mạng như thế này thì chẳng mấy chốc đứng tim mà chết...

Khi ấy, lịnh chuẩn bị được ban ra trong phòng chỉ huy:

- Xã hết tốc lực... Quay mũi tàu theo chiều gió... Giữ tay lái đúng 180 độ ... (13) .

Cách hàng không mẫu hạm ZZ một quãng xa, Văn Bình từ từ cho phi cơ lên cao. Dường như mọi việc xẩy ra đều do bàn tay định mạng trêu người, nên máy vô tuyến đã câm lặng giữa lúc chàng cần tới nhất, để rồi đột nhiên lại cất tiếng nói. Tiếng nói ấm áp và quen thuộc.

Phía trước, ở ba giờ (14) , một khối thép khổng lồ đang bồng bềnh trên mặt biển bát ngát.

Văn Bình gọi đài kiểm soát của hàng không mẫu hạm:

- A lô, ZZ, a lô, ZZ đây là Bạch xà... Các bạn đã nhận ra tôi chưa? Cám ơn món quà hỏa tiễn của các bạn. Suýt nữa, vâng, chỉ suýt nữa là tôi xuống Thủy cung. Trân trọng hỏi thăm sức khỏa hạm trưởng.

Giọng nói ở hàng không mẫu hạm vẵng lên:

- A lô, Bạch xà. Đây là ZZ... Thật đáng tiếc... Yêu cầu cho biết vị trí.

Văn Bình đáp:

- Tôi đang bay về phía các bạn. Hướng 47. Tốc độ 600 dặm. Độ cao 3.000 bộ. Tôi xin phép và chỉ thị được đáp xuống. Hết (15)

- ZZ gọi Bạch xà. Chúng tôi đã nhìn ra bạn.

Im lặng một lát. Tứ phía, không gian mênh mông nhuộm nắng vàng. Bên dưới, mặt biển xanh biếc. Lòng Văn Bình lâng lâng. Chàng quên bẵng, cách đây mấy phút, thần Chết đã tới bên chàng trong gang tấc. Tâm trí chàng hướng về Nguyệt Hằng.

- A lô, a lô...

Giọng nói từ hàng không mẫu hạm lại dội vào tay chàng:

- A lô, Bạch xà. Bạn có thể đáp xuống (16) . QFF: 1.000 miliba (17) . Gió 35°, 20 gút. Hạ xuống 1.000 bộ. Tốc độ tối thiểu. Hướng 360.

Văn Bình thi hành đúng chỉ thị của phòng kiểm soát.

- A lô, Bạch xà gọi ZZ. Tôi đã xuống độ cao 1.000 bộ, tốc độ tối thiểu, hướng 360, hết.

- ZZ gọi Bạch xà. Giữ hướng 360 đúng 60 giây, rồi lái qua hướng 270. Thả bánh xe xuống. Giữ nguyên tốc độ và độ cao. Sau cùng, lái vòng 180 độ.

- Bạch xà gọi ZZ: Bánh xe đã thả xuống. Tôi đang hướng về phi đạo. Hết.

- ZZ gọi Bạch xà: bạn đã thi hành đúng.Giớ đây, bạn hảy đáp xuống an toàn. Thân ái, chúc bạn may mắn.

Trên sân hàng không mẫu hạm, Văn Bình thấy rõ một đường vàng lớn, chạy theo chiều dọc. Đường vàng này làm đích cho phi cơ hạ cánh. Về chiều cao, chàng sẽ dựa vào "kính sáng" (18) .

Chiếc Crusader dưới bàn tay khéo léo, già dặn của Văn Bình hạ cánh êm ru. Chàng vừa nhảy xuống thì hạm trưởng đã nghiên đầu chào thân mật:

- Hân hạnh được gặp đại tá. Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi.

Văn Bình mỉm cười:

- Đúng ra, tôi mới có bổn phận xin lỗi. Vì tôi cất cánh không kịp báo trước.

Triệu Dung bắt tay chàng, vẻ mặt lầm lì. Văn Bình ghé tai vào bạn, giọng băn khoăng:

- Có chuyện quan trọng phải không?

Triệu Dung gật đầu:

- Phải. Nguyệt Hằng.

Văn Bình hốt hoảng:

- Nàng bị ám sát?

- Không.

- Nàng mất tích?

- Cũng không.

- Vậy thì nàng lâm bịnh nặng. Khổ quá, anh ỡm ờ mãi. Không chết vì hỏa tiễn thì lại chết vì thái độ nửa mạc nửa mỡ của anh.

- Nàng đang khóc trong ca-bin.

- Trời ơi, tưởng hàng không mẫu hạm sắp đám rồi.. Tại sao Nguyệt Hằng khóc?

- Nàng tưởng anh tan xác dưới biển.

- Tại sao nàng không ra đón?

- Anh quên rằng trên pháo đài ZZ này toàn đàn ông như anh và tôi. Nàng là phụ nữ duy nhất và phải cải nam trang. Vì vậy, ra ngoài này bất tiện. Công cuộc thụ huấn của nàng rất tiến bộ.

- Bao giờ tôi lên đường?

- Nay hay mai không biết chừng. Dầu sao, cũng còn đợi sự xác nhận của ông Hoàng.

- Kỳ quặc ghê. Nha-Trang có căn cứ huấn luyện người nhái, mà ông cụ lại bắt tôi mò ra tận biển khơi, trên pháo đài phải gió nầy.

- Anh phản đối có lý, song mới có lý một nửa. Nha-Trang có căn cứ huấn luyện người nhái, nhưng không có đại diện CIA, phụ trách chiến dịch hàn học.

- Tôi sẽ gặp họ ở đây?

- Phải.

- Khi nào?

- Lát nữa. Phi cơ còn ở đảo Hoàng Sa, chưa về kịp.

- Chậc. Lần sau, anh nên yêu cầu ông cụ đưa đại diện CIA về Sài-Gòn. Họ muốn gì thì đến tận sào huyệt của tôi mà nói.

- Ồ, anh là kẻ vong ân, bội nghĩa. Ông tổng giám đốc đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở cho anh gặp cố tri mà anh không chịu cám ơn.

- Cố tri? Hừ, anh đã nhắc đến tên Nguyệt Hằng lần thứ ba, thứ tư rồi.

- Xin lỗi anh. Anh và Nguyệt Hằng giận nhau mà tôi không biết.

Văn Bình trợn mắt:

- Chúng tôi giận nhau bao giờ?

Triệu Dung nhún vai:

- Té ra là tôi đoán lầm. Anh và nàng không giận nhau. Nhưng nếu không giận nhau, tại sao anh lại không muốn tôi nhắc tới tên nàng nhiều lần? À, tôi hiểu rồi. Anh không giận nàng, nhưng không có cảm tình mật thiết với nàng.

- Không đúng.

- Vậy nàng là người yêu nhất đời của anh.

- Tôi van anh. Xin anh tha cho tôi. Bảo rằng nàng không được tôi yêu là sai, song nàng được yêu tôi nhất đời cũng không đúng. Hơn ai hết, anh đã rõ cuộc đời tôi. Anh đã biết tôi là con chim sơn ca, càng cây nào trong vườn cũng nhảy lên ca hót.

- Thú thật, tôi mới nghe anh nói lần đầu.

- Anh ăn phải đũa của Nguyên Hương và ông Hoàng rồi. Anh cố tình xỏ ngọt tôi. Khi anh ở Hà-Nội về, lòng anh như trang giấy trắng. Tôi đinh ninh có thể tâm tình với anh, vì anh còn lạ gì, Lê Diệp là bạn nối khố mà cũng chơi tôi nhiều vố đau điếng. Giờ đến lượt anh. Toàn thể sở Mật Vụ đều về hùa với Nguyên Hương.

- Vậy thì thôi. Tôi không bình luận nữa. Nếu lỡ dịp may thì đừng hối tiếc và trách móc.

Triệu Dung lầm lì bước xuống thang. Thái độ nửa kín, nửa hở của bạn làm Văn Bình ngạc nhiên. Là ngưới tinh tế, Văn Bình đã đoán được nội dung câu chuyện mà Triệu Dung dấu đầu, hở đuôi. Chắc chắn là câu chuyện liên quan đến đàn bà... Văn Bình muốn nghĩ đến đề tài khác mà không được. Bóng dáng tha thước của người đàn bà muôn thuở làm chàng hoa mắt, tim đập thình thịch, máu nóng đua nhau vọt lên thái dương.

Từ nhiều năm nay, Văn Bình vẫn đã mang căn bịnh nan y: bịnh đa tình. Chàng biết bịnh mà không sao chữa nổi. Triệu Dung đã nắm được yếu điểm số một của chàng.

Chàng bèn nắm tay bạn, xuống nước:

- Chịu thua anh rồi. Anh muốn nói gì thì cứ nói.

Triệu Dung đứng lại, vẻ mặt sửng sốt:

- Chuyện gì hở anh?

Văn Bình cười nụ:

- Anh đóng kịch tài thật. Song tôi đã ngửi thấy rồi. Ngoài Nguyệt Hằng ra, trên hàng không mẫu hạm còn cô bạn nào của tôi nữa?

Triệu Dung cũng cười nụ:

- Cố tri của anh. Người mà anh nhớ nhiều nhất. Ông Hoàng muốn thưởng công anh nên mới cho anh tới pháo đài ZZ.

- Ai?

- Anh ráng đoán xem.

- Khổ quá. Tôi không phải là thầy bói.

- Nàng đẹp lắm. Đẹp nhất là gái một con, phải không anh? Tôi đã nói rõ đến thế mà anh chưa biết ư?

Văn Bình giật mình đánh thót. Gái một con, trông mòn con mắt, câu phương ngôn này đã được chàng dùng để khen ngợi Quỳnh-Loan. Thật vậy, sau ngày sinh nở, nàng đẹp hơn xưa nhiều. Song chàng không tin gái một con ở đây là Quỳnh-Loan, vì chàng mới gặp nàng ở Sài-Gòn. Vã lại, hai người gần gũi nhau chỉ là chuyện thường tình.

Hẳn là ...

Văn Bình vụt tìm ra sự thật. Chàng nhìn thẳng vào mặt Triệu Dung:

- Tôi biết rồi... Như Luyến ... Nàng về nước bao giờ? Nàng giữ nhiệm vụ gì trên hàng không mẫu hạm?

Triệu Dung gật gù:

- Như Luyến về nước gần được nửa năm. Sau câu chuyện xẩy ra giữa nàng và Quỳnh-Loan (19) , nàng phải lên đường đi Nam-Mỹ, nhưng chỉ bón tháng sau, ông Hoàng cho nàng hồi hương. Vì trong công cuộc thí nghiệm siêu hỏa tiễn trên pháo đài ZZ, những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, uyên bác, và nhất là được tin cậy như Như Luyến rất cần thiết. Nàng phục vụ ở đây đúng hai tuần lễ.

Thường ngày, nàng thí nghiệm tại đảo Hoàng Sa và Tây Sa. Nhưng ông Hoàng yêu cầu nàng về pháo đài nổi mỗi ngày để hoàn bị một loại tàu ngầm bỏ túi đặc biệt mà anh và Nguyệt Hằng sẽ xử dụng. Nói cho đúng, thì đây không hẳn là tàu ngầm bỏ túi, như anh đã thấy trong Thế Chiến Thứ Hai, hoặc duyên hải Nga-Sô trong thời gian gần đây. Mà là một dụng cụ điện tử tân tiến giúp anh sống hàng ngày dưới nước, khi cần có thể biến thành tàu ngầm tí hon, phóng với tốc độ mấy chục cây số dưới đáy biển.

- Như Luyến được tin tôi đến chưa?

- Rồi. Như tôi đã nói hồi nãy, nàng đang ở đảo Hoàng Sa. Tuần dương hạm giao liên cho biết phi cơ chở Như Luyến và một số nhà bác học khác đã cất cánh. Chắc chỉ độ 10, 15 phút nữa thì phi cơ đáp xuống. Anh tốt số thật! Một lúc có hai người yêu, hai đệ nhất giai nhân bên cạnh. Chả bù với tôi. Nữ nhân viên Biệt vụ chê tôi già, anh ạ.

- Họ đùa đấy. Anh còn trẻ lắm.

- Còn trẻ gì nữa. Thấm thoát đã hai thứ tóc trên đầu rồi. Có lẽ tôi phải sống gần anh một thời gian. Vì thấy anh vô tư lự, tôi sẽ có thể bớt già được mươi tuổi.

Nghe bạn nhắc đến tuổi tác, Văn Bình sa sầm nét mặt. Thật ra, chàng cũng không còn là cậu thanh niên đôi mươi của tuổi vàng bay nhảy nữa.

Triệu Dung vùng cười lớn:

- Ồ, chúng mình tâm sự vụn với nhau như đàn bà. Thôi, để tôi dẫn anh đến ca-bin của Nguyệt Hằng. Có lẽ nàng đã khóc hết nước mắt.

Nhưng tiếng cười vụt tắt. Văn Bình cũng khựng người khi nhìn thấy hạm trưởng hấp tấp từ đầu hành lang tiến tới, với một người đàn ông đứng tuổi, xách nơi tay cái cặp da đen. Thoáng trông chữ thập đỏ trên cặp da và trên mũ, Văn Bình biết người này là y sĩ của mẫu hạm.

Linh tính báo cho chàng biết một chuyện bất thường. Chẳng nói, chẳng rằng, hạm trưởng lấy tay chỉ về phía ca-bin của Nguyệt Hằng.

Xô cửa vào, Văn Bình tê tái trong giây phút, Nguyệt Hằng đang nằm quằn quại trên giường sắt, bồ hôi ướt đầy khuông mặt tái mét. Có lẽ nàng đang chống cự với cơn đau đớn cực độ.

Văn Bình hỏi hạm trưởng:

- Thưa, nàng ...

Y sĩ gạt phắt:

- Phiền ông chờ một lát.

Lệ thuờng, Văn Bình rất ghét lối ra lịnh cứng ngắc trong quân ngũ. Chàng cũng rất ghét cách phát biểu trịch thượng của kẻ muốn lên mặt quan trọng. Song lúc nầy, chàng bỗng cảm thấy tầm thường và nhỏ bé. Chàng nín hơi thở theo dõi phản ứng của y sĩ.

Nguyệt Hằng nằm ngửa, ngước mắt nhìn Văn Bình. Chàng đọc thấy tình cảm chan chứa trong đôi mắt đen láy tuyệt đẹp của nàng. Chàng đinh ninh sau thời gian xa cách, buổi gặp gỡ này sẽ là cơ hội cho hai người rủ nhau vào cõi mộng thần tiên. Ngờ đâu, chàng vừa thoát chết trên không gian thì Nguyệt Hằng lại lăn lộn trên giường bịnh.

Văn Bình nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của nàng. Nàng mỉm cười nhè nhẹ. Nụ cười nửa tha thiết, nửa kiêu ngạo cố hữu người nữ điệp viên lỗi lạc nhưng đa tình của Smerch. Nụ cười trong đêm đầu tiên hai người chạm trán nhau trong căn phòng khách sạn gần chợ Bến-Thành (20) .

Y sĩ quay lại nói với hạm trưởng:

- Bịnh nhân cần được giải phẫu ngay. Tôi sẽ ra lịnh cho nhân viên khiêng băng-ca đến, đưa nàng tại phòng mỗ.

Hạm trưởng ngần ngừ một giây rồi nói:

- Thủy thủ không biết rằng bịnh nhân là đàn bà. Vì lý do đặc biệt, nàng phải cải nam trang. Bởi vậy, tôi muốn cuộc giải phẫu được thực hiện một cách kín đáo. Nếu cần, chúng ta sẽ đưa nàng lại phòng mổ.

Văn Bình nắm tay áo của y sĩ, khẩn khoảng:

- Thưa, nàng đau bịnh gì?

Y sĩ nhìn chàng bằng cặp mắt khó hiểu:

- Theo nội quy trên mẫu hạm ZZ, tôi không được quyền tiết lộ, chứng bịnh của thủy thủ đoàn và quan khách...

- Tôi là...

- Vô ích. Hạm trưởng cũng không thể hỏi tôi, huống hồ là ông. Mọi việc xẩy ra ờ đây đều là bí mật quân sự. Phiền ông lên boong, đổi gió cho khỏe khoắn. Hạm trưởng và tôi lo liệu đủ rồi.

Máu nóng sôi trào, Văn Bình tiến lên một bước. Hiểu ý bạn, Triệu Dung hích cùi tay:

- Thôi, chúng mình ra ngoài.

Văn Bình thở dài, theo Triệu Dung ra ngoài hành lang. Trong ca-bin, Nguyệt Hằng chống tay ngồi dậy rồi ngà vật xuống nệm, nằm thiêm thiếp.

Bầu trời bỗng xanh ngắt và sang rực một cách dị thường.

Văn Bình vựa vào lan can mẫu hạm nhìn ra khơi mênh mông. Chàng có cảm tưởng đang trèo lên đỉnh núi cao ngất, tâm thần lâng lâng. Lòng chàng se lại khi thấy Nguyệt Hằng bất động trên giường, sửa soạn chịu giải phẫu. Song chàng chỉ buồn thoáng qua, vì cho tai họa này là định mạng, định mạng trớ trêu và tàn nhẫn của nghề điệp báo đầy nguy hiểm.

Đứng bên, Triệu Dung nhìn đồng hồ tay:

- Như Luyến sắp về đến nơi rồi.

Văn Bình vươn vai, như muốn thu hết dưỡng khí mằn mặn của biển cả bao la vào lồng ngực vạm vỡ. Ở chân trời phía đông chói lòa ánh nắng, một chấm sáng vừa hiện ra. Chấm sáng lớn dần, lớn dần mãi, và sau cùng biến thành một chiếc phi cơ vận tải đen sì.

Chàng bảo bạn:

- Phi cơ Convair R4 Y-2 phải không anh (21) ?

Triệu Dung gật đầu:

- Anh nhớ dai thật. Đúng là Convair. Tôi tưởng lâu ngày sống trên mặt đất, anh không còn nhớ tên máy bay nữa. Hồi chúng mình vượt eo biển từ Luân đôn sang Pháp, phi cơ cũng thuộc loại Convair. Gớm, thằng cha phi công lái thật cừ khôi. Nếu không hôm ấy, chúng mình đã rớt xuống Đại-Tây-Dương, làm mồi ngon cho cá. Từ bấy đến nay, tôi thù loại Convair, không bao giờ chịu leo lên nữa.

Văn Bình nhíu lông mày:

- Ừ nhỉ, sau chuyến chết hụt ấy, chúng mình đã giao ước với nhau là không bao giờ chịu leo lên phi cơ Convair vì sợ sui. Tại sao anh không dặn Như Luyến?

- Dặn gì?

- Dặn nàng đổi phi cơ khác.

- Trời ơi! Chuyện hụt chết trên biển xẩy ra hơn 10 năm rồi. Và lại, khi ấy gián điệp quốc xã lên gài bom nổ chậm trong phòng phi hành nên gây ra tai nạn, chứ phi cơ Convair có tội gì đâu. Hẳn anh đã biết nó là loại vận tải an toàn, phương chi kỹ nghệ chế tạo phi cơ đã tiến triển vượt bực từ ngày chúng mình gặp nạn trong Thế-chiến đến nay.

Văn Bình không trả lời. Nếu tranh luận với Triệu Dung, chàng phải kiên nhẫn, vì Triệu Dung là người có biệt tài thao thao bất tuyệt hàng giờ, có khi hàng ngày. Thời hoạt động bên nhau trong tình báo OSS, nhiều khi rỗi rãi, hai người kiếm chuyện bàn cãi, và bao giờ Triệu Dung cũng thắng, phần vì kiến thức căn bản rộng rãi, phần khác vì có đức tính kiên nhẫn mà Văn Bình không bì kịp.

Huống hồ lúc này tâm thần Văn Bình lại nát như tương. Không hiểu sao trời càng đẹp bao nhiêu, chàng lại linh tính nhiều chuyện bất thường byấ nhiêu.

Trước mắt chàng, chấm đen đã hiện thành con chim sặt hùng hổ, động cơ nổ ròn, đang lượn vòng trên pháo đài ZZ.

Giữa phòng kiểm soát của mẫu hạm và phi công chiếc Convair, cuộc đàm thoại thường lệ đã diễn ra.

- A lô, ZZ gọi Sơn ca. A lô, ZZ gọi Sơn ca. .. Roger... Độ cao 7, dêrô, dêrô... Gió đông, một, năm gút hết.

- A lô; Sơn ca gọi ZZ, Roger... độ cao 7, dêrô, dêrô, hết.

Văn Bình quay lại:

- Nầy anh, Như Luyến đến đây từ bao giờ?

Triệu Dung nhìn bạn, dáng điệu sửng sốt:

- Tôi đã nói một lần rồi. Hôm nay, anh làm sao ấy. Nàng hoạt động với các nhà bác học của mẫu hạm vừa đúng 15 ngày, nghĩa là 2 tuần lễ…

Giọng Văn Bình tuôn ra đều đều như người mơ ngủ:

- Lạ thật, nàng đến đây làm gì?

Triệu Dung sửng sốt hơn nữa:

- Điều nầy, tôi cũng đã giải thích hồi nãy. Nàng đến đây để hoàn bị chiếc tiềm thủy đỉnh bỏ túi để anh xử dụng.

- À, à! Thế mà tôi quên bẵng. Tại sao ông Hoàng nói với tôi là trên pháo đài ZZ còn thí nghiệm nhiều võ khí bí mật khác nữa?

- Kể ra thì nhiều. Nhưng riêng chúng ta chỉ quan tâm đến hai loại mà thôi. Thứ nhất là tàu ngầm tí hon. Thứ hai là một loại phi cơ lên thẳng đặc biệt.

Văn Bình lẩm bẩm một mình:

- Phi cơ lên thẳng đặc biệt…

Bỗng chàng choàng người tỉnh mộng. Phi công Convair đang lái con chim sắt thẳng tới vẹt vàng trên sân tàu, chuẩn bị đáp xuống.

- Alô, Sơn ca gọi ZZ... Gió hậu, yêu cầu trả lời.

- Roger.

- Tiếng Roger vừa rời kh ỏi máy vi âm của phòng kiểm soát, phi công trên không phận chưa nghe kịp, hoặc chỉ mới nghe mà chưa có phản ứng thì toàn thể hàng không mẫu hạm, toàn thể khu biển, toàn thể ngưởi và vật đều khựng lên trong giây phút.

- Ầm, ầm...

- Ầm, ầm…

Một tiếng nổ kinh thiên động địa nổi lên. Văn Bình cảm thấy như nhĩ tay bị xé nát, tứ chi run lẩy bẩy. Chàng đứng chôn chân trên boong tàu bằng thép.Một vùng sáng đỏ ói vụt lên trời, rồi tỏa rộng. Những mảnh sắt vụng bay lả tả. Văn Bình vội nằm rạp xuống. Suýt nữa, chàng bị trúng vào vai. Triệu Dung cũng phải thi thố nghệ thuật tránh né nhu đạo mới thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc.Vì trong tiếng nổ, chiếc vận tải cơ Convair bị vỡ tan tành, đồ đạt, kim khí trên phi cơ tung tóe như sao sa..

Văn Bình thét lên:

- Như Luyến !

Rồi chàng phi thân lại nơi máy bay gặp nạn. Chàng không ngờ rằng Triệu Dung đã rình sẵn từ khi tiếng nổ kinh hồn phát ra. Hơn ai hết, là người bạn nối khố, nhiều năm tháng sống chung trong nguy hiểm nghề nghiệp, Triệu Dung đã biết tính bạn.

Đôi khi tình yêu làm Văn Bình mù quáng. Cách đây không lâu, chàng suýt băng qua cầu Hiền Lương, đọ súng với công an và trùm gián điệp địch trong một cuộc trao đổi con tin dưới sự giám sát của Ủy Hội Quốc Tế. Nếu chàng thực hành được ý nguyện lần ấy, hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Cũng may, đi cùng với chàng có chàng sếu vườn Lê Diệp. Lê Diệp đã dùng tài mọn quật ngã Văn Bình, trong khi người đẹp Mai-Hoa gục chết rên cầu, nửa mình phía bắc, nửa minh lết về miền nam đẽ hò hẹn với điệp viên đẹp trai Z. 28 (22) .

Triệu Dung không thể để cho Văn Bình hốt hoảng, chạy lại đống lửa thép dữ dằn có thể phát nổ lần nữa vì ét-xăng và súng đạn. Vì một lý do khác nữa lý do bảo vệ an ninh, chàng có bổn phận ngăn chặn Văn Bình lại.

Bởi vậy, Văn Bình vừa chạy được hai bước thì Triệu Dung đã phóng chân ra, ngăn bạn. Nếu là kẻ khác tấn công thì dù miếng đòn xuất kỳ bất ý đến đâu, Văn Bình cũng có thể tránh khỏi và quật lại bằng atémi vũ bão.Song người tấn công lại là Triệu Dung, một võ sĩ phi thường, khét tiếng trong sở Mật vụ và trong nhiều tháng chỉ huy phân sở Mật vụ của ông Hoàng tại Hà-nội, vì thần thuật nhu đạo.

Miếng đòn vèo ra như chớp nhoáng, Văn Bình không nhìn thấy. Và chàng ngã sóng soài trên đất. Triệu Dung tiến lên một bộ nữa, vung tay bồi một atémi nhẹ nhàng vào đỉnh đầu bạn. Mục đích của chàng là muốn bạn ngất đi trong vòng 10 phút.

Và Văn Bình Z. 28 đã mê man trong lúc phi cơ bốc cháy rần rần, giữa cảnh tượng vô cùng hỗn loạn trên hàng không mẫu hạm.

17. QFF: áp lực phong vũ biểu ở ngang mặt biển.

18. Kính sáng là "mirroir aux alouettes", một dụng cụ tân tiến do người Anh phát minh, giúp phi cơ phản lực hạ xuống mẫu hạm (lệ thường, muốn hạ xuống, phải cần chuyên viên điều khiển bằng hiệu lịnh). Kính sáng gồm một cái kính cong (hình trục cắt đôi), ở giữa một giàn đèn pha nhiều màu được dùng làm đích. Kính sáng phản chiếu một điểm sáng mà phi công trên trời nhìn thấy, hoặc ở bên trên giàn đèn hoặc ở bên đưới giàn đèn làm đích, tùy theo vị trí phi cơ. Muốn đáp đúng phi đạo, hoa tiêu phải giữ cách nào làm cho điểm sáng luôn luôn ở ngang với giàn đèn pha làm đích.

"Kính sáng" được dùnh để giúp hoa tiêu ước lượng được chiều cao. Còn muốn lái thẳng vào phi đạo thì hoa tiêu dựa vào vêt dài màu vàng, dọc theo chiều dài của boong tàu.

"Kính sáng" được dùng trên các mẫu hạm có phi đạo nghiên, và có thể đạt ở bên tả hoặc bên hữu của tàu.

Một lần nữa, tác giả trân trọng xin lỗi bạn đọc nếu những giòng chú thích vẫn còn tối nghĩa, đồng thời xin lỗi những anh, em không và hải quân vì đã giản dị hóa vấn đề tới mức tối đa.

19. Xin đọc Nữ Thần Ám Sát, đã xuất bản, để biết câu chuyện éo le gìữa Như Luyến, Quỳnh-Loan và Văn Bình.

20. Xin đọc Nữ Thần Ám Sát.

21. Convair R4 Y-2 Tradewind nặng hai tấn rưỡi, phi hành đoàn gồm 3 người, hai động cơ.

22. Xin đọc Gián Điệp Nhị Trùng (hai quyển trọn bộ đã xuất bản).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx