sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đọc Thơ Nhớ Bạn

cover

Tác giả: Phan Nhật Nam

Thể loại: Tùy Bút

Tình trạng: Đã hoành thành

Sáng cuối tuần, thức dậy nơi một chốn lạ (sau 18 lần thay đổi chỗ ở kể từ khi đến Mỹ), La Puente, có lẻ là một city nhỏ nhất của Cali; dân cư phần đông người Mễ, giới lao động làm nghề vận tải. Tóm lại lạ cảnh, lạ người toàn thể, nên tôi sống với trạng thái "lạ hoắc" như không thể có tình thế nào hơn. Khi mở đầu lá thư như thế trả lời cùng Luân Hoán (Canada) chẳng phải vì bạn tôi là người làm thơ, và tôi là kẻ viết văn nên cố ý xoay qua chuyện thơ văn, triết lý trong một lá thư thăm hỏi thông thường. Không phải vậy. Lá thư ngoài chuyện nhắc lại những kỷ niệm nhỏ thời niên thiếu nơi một chốn xa thẳm gọi là Đà Nẵng kia vào những năm 50, khi những đường phố còn mang tên Pháp.. Avenue de France; Verdun.. mà những đứa bé (tôi và các bạn) có thể dựng sân đá bóng bất kỳ ở đâu sau giờ tan học buổi chiều: Trước vườn hoa Con Gà; chỗ Hội Cứu Tế.. Ngay bên cạnh đường phố chính. Lá thư cũng nhắc tới những danh tính, vóc dáng, tính cách của Quý Phẩm, Hồ Thị Hồng, Thu Hà, Thạch Trúc.. Những người đẹp "làm giông bão mấy gã trai tơ" như ngôn ngữ của thơ bạn tôi khi chúng tôi lớn lên những năm sau. Nhưng hơn thế nữa, lá thư của bạn tôi (như một tiên tri rất chính xác) đề cập đến một nỗi Đau.

Mối Đau nầy có thật - Vì bốn người mà bạn tôi đề cập trong lá thư gởi tôi thì đã có Nguyễn Văn Đồng (Hà Nguyên Thạch), Huỳnh Bá Dũng, Lê Vĩnh Thọ mà do một xếp đặt (kỳ lạ một cách bình thường) đã có mặt với tôi ở những đoạn đời không thể nào quên, cho dù trí nhớ có cạn kiệt bao nhiêu, hoặc người ta thường cố quên - cách muốn quên đi những điều quá cay nghiệt.

Đầu tiên là Đồng, người mà bạn đã vẽ trong ‘Cỏ Hoa Gối Đầu’: Cho dù níu chặt Chân Cầu...Hồn thanh xuân vẫn phai màu gío bay. Phố xưa nhưn nhức dấu giày. Đi về lững thững hồn đầy cỏ hoa. Tiếng thơ chải chuốt mượt mà.Hồn phơi phới lạnh nét tà áo thơm.Vùi đời dưới gốc cô đơn.Tỉnh cơn, hương rượu chập chờn hóa thơ. Đồng, bút hiệu Hà Nguyên Thạch –( tôi vẫn chưa quen với bút hiệu nầy dẫu đã mấy mươi năm qua), hắn ta học cùng lớp với tôi từ ngày vào Phan Châu Trinh; đi một đoàn Hướng Đạo, diễn chung vỡ kịch đầu đời năm 1956 (Ngày 4 tháng 3- Ngày bầu Quốc Hội đầu tiên ở nước ta...) Khi qua Sông Hàn (chỗ bến Hà Thân để đi diễn kịch bên xóm An Hải), từ trên đò, hai thằng bé nhìn về thành phố Đà Nẵng, và cùng nói lên lời: "Đà Nẵng của mình đẹp thiệt!!" (Ý nói cảnh đẹp của đất nước, quê hương nhưng vì chưa biết diễn tả văn vẽ, chữ nghĩa). Cảm giác nầy - Phản ứng của hai đứa nhỏ khi thấy ra cảnh sắc quê hương kỳ ảo, rực rỡ - được tôi nói lại ra lời, viết nên thành những dòng chữ trong Chương "Đi Bắc Về Nam" (Tù Binh và Hòa Bình, Hiện Đại, Sài Gòn 1974) cũng đúng ngày 4 tháng 3, năm 1973, lần đầu tiên qua sông Bến Hải đi Hà Nội nhận tù binh Mỹ, và khi trở về, từ cửa phi cơ nhìn xuống quê hương Miền Nam trãi rộng thuần hậu dịu dàng trong bóng chiều ngã sẫm tối, bập bùng những khóm lửa ấm áp vùng Long Khánh, Bình Long.. Cảm khích làm nước mắt ứa ra không cầm được. Cảm xúc ngày nhỏ chúng ta thường có trong những dịp nghỉ hè, nghỉ tết khi trở về nhà, về làng; khi đi Huế vào, từ Đèo Hải Vân ngờm ngợp trước cảnh chói loà rực rỡ của Vịnh Đà Nẵng trong nắng sáng.. Hoặc chỉ cần ngồi trước Tòa Thị Chính nhìn lên Sơn Chà (mà tuổi nhỏ chẳng ai trong chúng ta gọi tên chữ Tiên Sa), tưởng ra từng cành cây bụi lùm bí ẩn trên ấy. Và chúng ta chưa biết nói thành lời, viết lên trang giấy.

Nhưng hơn ba mươi năm sau, người bạn Nguyễn Văn Đồng của tôi đã như thế nào, mà Luân Hoán đã phải kêu lên:

ta nghe nói người bây giờ rách lắm

rách áo cơm, rách nát cả tinh thần

nhưng chắc chắn hồn thơ người chưa rách

xin giữ giùm hơi thở đó muôn năm

hãy gắng sống gắng làm thơ uống ruợu

rất bình thường như lao động chân tay

bỏ nghề dạy đâu phải là bỏ hết

ngón tài hoa của một kẻ râu mày

(Hơi Thở Việt Nam)

Thật sự, chẳng phải là tôi vô tâm, sau cuộc đổi chủ bất ngờ, người bạn tốt nghiệp đại học sư phạm Huế của tôi, người bạn từng đứng trên bực giảng, từng ở trong cương vị Phó Chánh Sở Học Chánh của một tỉnh, đã phải bỏ làm thầy đi tìm củi chẻ thuê, cũng chỉ vì Giàu chữ nghĩa nhưng mơ hồ đạo đức (thứ đạo đời của chủ nghĩa vô lương). Ngày nay anh vẫn còn tiếp tục vất vả bên một góc trời quê nhà.

Người thứ hai là Lê Vĩnh Thọ. Lúc ấy, đối với tôi là đang trong một đoạn đời vô cùng khủng khoảng với tuyệt vọng đơn độc nặng chĩu như tảng đá đè xuống lồng ngực. Thế nên, Thọ, dẫu là người liên hệ thân thiết độc nhất, mỗi lần gặp nhau, dù trong cơn say cũng chẳng ai nói với ai tiếng nào - Khoảng thời gian tôi bị quản chế tại Lái Thiêu (sau ngày đi tù về, 1991-1993). Tôi có một căn nhà tranh vùng Bình Nhâm cách Xã Búng của Thọ khoảng mười-lăm phút honda. Bữa rượu thường có vào chiều tối (khi Thọ từ Sài Gòn trở về - Đi dạy Anh Ngữ cho những cơ quan, hoặc nhân sự cộng sản muốn học sinh ngữ nầy để liên lạc với người Mỹ trong các dịch vụ thương mại, du lịch). Rượu loại rẻ tiền, thuốc lá đen, thức ăn chỉ là mấy hạt đậu phụng, hoặc vài trái cây điạ phương. Ly rượu cũng chỉ là một cái cớ để hai chúng tôi ngồi với nhau. Ngồi dựa lưng vào vách nhà tranh nhìn ra khu vườn tối sẫm dầy đặc những cây măng lão (loại măng-cụt tuổi quá trăm năm khi vùng đất nầy vừa được khai khẩn). Khu vườn chập choạng mù sương do hơi nước từ sông Sài gòn loang tỏa, chập xuống những vũng bóng tối kỳ dị như tranh của Ruben, Rousseau. Chúng tôi, hai người độc nhất còn lại của Sài Gòn sau 1975, nay gặp nhau ở một vùng đất mà chắc trước đây cả hai không hề có ý niệm đến: Ấp Bình Đức, Bình Nhâm, Lái Thiêu thuộc Tỉnh Bình Dương. Từ tình cảnh nầy, lời nói, câu chuyện đã trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, mối liên hệ (dẫu lặng lẽ) vẫn vô cùng hòa hợp, thấm đậm (cũng bởi, chị Lan vợ Thọ là em ruột của Nguyễn Văn Minh, bạn cùng lớp của tôi và Đồng ngày nhỏ). Bỗng nhiên, một hôm sự việc xẩy đến như một tai họa mà cả hai đồng linh cảm sau nhiều lần cố tránh: Chúng tôi nói về trách nhiệm, hậu quả của cuộc chiến vừa qua. Lẽ tất nhiên tôi trình bày với quan điểm người lính (như phản ứng hằng có, thêm cảnh sống thực tế trước, sau khi đi tù về). Thọ nhìn chiến tranh với cấp độ của một giáo sư văn chương, và (quan trọng hơn) của một Người Làm Thơ. Từ hai vị thế cách biệt nầy, câu chuyện biến thành lần tranh cải không khoan nhượng. Chúng tôi xa nhau với lời khẳng định (của cả hai phía): "Ông và tôi chẳng nên bao giờ gặp nhau nữa." Và chúng tôi giữ lời ấy cho đến ngày tôi ra khỏi nước (1993-1994).

Không gặp nhau, không có nghĩa không nhớ và qúi nhau.Trước những cảnh huống bức rức, nhạt thếch từng ngày của chúng ta ở đây, càng tạo nhiều cơ hội nhớ quê nhà, nơi mà tôi đã một lần chia chung, gánh đủ. Bao nhiêu điều nầy cần phải phải nói đến nhưng (tôi hay cũng nhiều người) đã không còn sức lực nói nên lời (lẻ tất nhiên không phải vì thiếu phần chữ nghĩa, văn hoa), nhưng quả tình bởi nỗi mệt nhọc kiệt cùng từ quả tim không sinh khí nơi đất người (lẫn quê nhà) trong một thời đại cưc độ khinh miệt Con Người-Kẻ Sĩ...Và dĩ nhiên, những lần buồn nhớ như thế, những khuôn mặt bè bạn lại hiện ra, trong đó không sót Lê Vĩnh Thọ, nhất là qua nhắc nhở từ Luân Hoán:

đời lưu lạc mỗi ngày là một tuổi

dài vô cùng nhưng không đủ xót xa

ta hổ thẹn muốn giấu người tất cả

giấu được người, nhưng đâu giấu được ta

thư viết cho người mấy lần không gởi

ta đốt để nhìn làn khói trắng bay

từng chữ của ta hóa thân trong lửa

ta cũng cháy vèo sao vẫn chưa hay

...

ta biết người chờ từng giây từng phút

bó gối quê nhà nhẫn nhục chờ trông

ta thẹn làm người tự do viễn xứ

ngó lại đời mình trùng điệp số không

đã hẹn với người sao ta chợt khóc

sống phải làm người xứng đáng đương nhiên

tội nghiệp thân ta trót già trước tuổi

ngơ ngác cõi người hiu hắt đuốc thiêng

xin gửi về người niềm tin chưa chết

cùng giòng thơ và chút nhớ thương

thơ hơi mặn vì hình như có máu

có lá cờ vàng đắp mặt quê hương.

(Ngơ Ngác Cõi Người)

Người thứ ba, Huỳnh Bá Dũng. Nỗi đau cố kết, đọng cứng lại nơi đây. Làm sao có thể nói hết mối thâm tình ân nghĩa giữa hai chúng tôi. Dẫu thuộc hai khoá sĩ quan khác nhau (18 và 19 Trường Đà Lạt); nhưng từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật trong suốt hai năm (nếu không phải bận gác trực, tôi và Dũng luôn tìm tới nhau trong những thời giờ thuận tiện) Và điều thân thiết cảm động lý thú nhất (đối với lứa tuổi thanh niên, trong khung cảnh, môi trường sinh hoạt phiền hà, gắt gao kỹ luật của quân trường - lại là một quân trường nổi tiếng kỹ luật nhất trong số các học viện quân sự thế giới) là những giờ phút hiếm hoi kia là dịp để Dũng chia sẻ với tôi về niềm yêu thương trong sáng, thuần hậu đối với Đặng Nguyệt Thi (cô bạn gái cùng đường Nguyễn Hoàng, cùng lớp với anh từ những năm thơ ấu sau lần di cư vào Đà Nẵng, 1954). Tôi đã là tấm gương trung trực nhất (cũng là độc nhất) để hai người trải đủ lên tất cả những chi tiết, tiếng lời, cảm xúc về một tình nghĩa hiếm có (rất hiếm hoi) của thế kỷ nhiễu nhương, và nhiều điều tệ hại đổ vỡ tự lòng người. Tôi được chứng kiến tự ngày đầu Mối Tình Tưởng Như Không Hề Có Thật của Dũng-Thi cho đến nay hơn bốn-mươi năm sau, dẫu đã cách biệt vì một tai họa cắt xé không thể đền bù. Không bao giờ đền bù được bởi sự việc sau đây.. Đêm Giao Thừa Mậu Thân, 1968, Trung Úy Huỳnh Bá Dũng, sĩ quan trực Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn II Bộ Binh đóng tại thị xã Quảng Ngãi; lực lượng cộng sản chiếm hết những điểm then chốt trong thành phố, Trường Kim Thông, khu nhà của Dũng. Đợi đến trời tờ mờ sáng, lúc chiếc xe có thể len lỏi qua những khu vực đổ nát, xác người rải rác, Dũng vội vã trở về nhà dẫu tất cả nhân viên phòng hành quân đồng ngăn cản. Lòng anh là cơn lửa cháy với độ nóng nhất bởi Thi đang mang thai cháu bé thứ hai (sau nầy là Mỹ Linh, hiện tại là một trong những bác sĩ xuất sắc về thần kinh não bộ của Đại Học Berkeley, CA); Thùy Linh còn nằm nôi. Thi chỉ là một cô giáo hai-mươi lăm tuổi không biết gì, không làm được gì hơn những công việc bên trong lớp học, và gia đình. Bạn tôi ôm đứa con nhỏ trên chiếc bụng rộn đập tiếng động của sự sống thứ hai đang thành hình. Gần cổng Trường Kim Thông, xe Dũng bị bắn chận lại, anh rút khẩu súng ngắn cầm tay, nhảy khỏi tay lái chạy vào xóm nhà quen thuộc.. Nhà của Bạn- Nơi Luân Hoán, Đynh Hoàng Sa trú ngụ - Chốn thân thiết mà các bạn, những Hà Nguyên thạch, Châu Văn Tùng,Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc... Bạn cũ từ ngày còn chung Trường Phan Châu Trinh chọn làm địa điểm vui thú, gặp gỡ thường ngày. Nhưng oan nghiệt thay- Căn nhà đóng kín cửa. Luân Hoán đã về Đà Nẵng; Đynh Hoàng Sa đến nhà bên vợ; những bạn kia đang nơi chốn chiến đấu. Lực lượng cộng sản vốn đầy hiểm độc, kinh nghiệm trong kỹ thuật tác chiến, và cũng luôn khôn ngoan (cách khôn ngoan của kẻ chuyên nghiệp giết người), xử dụng căn nhà làm địa điểm phục kích, vì đã biết rõ một điều: Đấy là chốn của bọn ngụy hằng ngày thường tập họp để không ai sẽ nghi ngờ là một bẫy chết. Dũng chạy nhanh vào nhà.. Toán lính cộng sản đồng nổ súng với tất cả vũ khí chúng có được. Dũng ngã xuống không kịp kêu lên tiếng đau. Cũng không kịp hiểu Chốn Của Bạn nay đã ngụy trang nên thành Bẫy Chết. Cùng một lúc. Thi rú lên tiếng khủng khiếp, siết chặt hai con vào ngực. Đứa bé vụt khóc thét kinh hoàng. Xác của Dũng được xem như chiến công đầu tiên, đáng hãnh diện của toán lính cộng sản. Chúng lột truồng người chết. Úp mặt xuống đất để không ai nhận ra đấy là Trung úy Huỳnh Bá Dũng - Người sĩ quan có nét mặt trong sáng đầy nam tính của những pho tượng Hy lạp, La Mã cổ.

Gần ba-mươi năm sau, ngày tôi đi tù về, bị chỉ định cư trú tại Lái Thiêu (đã nói ở phần trên), mỗi khi cần có chuyện phải về Sài Gòn, tôi thường chọn đường liên tỉnh qua lối Cầu Sắt Lái Thiêu, Nhị Bình, An Phú Đông.. nơi đơn vị anh đã đụng trận suốt năm Mậu Thân, khởi đi từ những ngày đầu xuân khi ở Huế về, tháng Hai, 1968. Đi giữa đường quê yên lắng, thoang thoảng mùi hoa cau, nhưng quả thật lòng tôi nặng phần ủ dột.. Nơi nầy, Nguyễn Ngọc Khiêm gục chết, chỗ vườn mía mà sau nầy Như Phong mướn đất, làm nhà trồng hoa hồng, hoa lan; đây là cầu Ông Đụng nơi Mai Ngọc Liên đã ngã ngữa, bung người lên cao do hứng nguyên băng thượng liên khi thúc đơn vị qua cầu; chỗ kia là của Nguyễn Văn Được phọt ra búng máu tươi khi đang ra lệnh xung phong.. Nhưng đường về, tôi phải chọn ngã qua cầu Thanh Đa, lối Quốc Lộ 14. Vì tại căn nhà 321 Lô I, cư Xá Thanh Đa luôn có tiếng nói... "Mầy hỏi bố mầy ấy chứ, mẹ đâu có biết.. Mầy có lớn đến bao nhiêu, bố vẫn mi mầy trước khi đi làm cơ đấy.." Và khi tôi vừa bước vào thì luôn có lời chào: "Gớm, ông đi đâu mà mất mặt đến mấy tuần nay, bạn ông đợi ông đấy; vào chơi với ông ấy một chút xong tôi cho ăn cái món mà ông và bạn ông thích. Kỳ ở Đà Lạt mỗi chủ nhật đi phố, hai cậu ăn gì tôi cũng biết.." Bữa cơm được dọn lên, dĩa thịt đông, dưa chua, hai cái chén, hai đôi đũa để sẵn.. Ông ăn đi. Ăn với bạn ông. Tôi ngồi nhìn cho vui thôi. Chắc Thi không phải nói riêng với tôi. Thịt đông dưa chua - Món ăn mà hai cậu thanh niên lần tiên đi chơi phố Đà Lạt đầu xuân 1962 đã gọi dọn ra, "vì ngoài mình (Đà Nẵng) đâu có cái món của người Bắc nầy." Trong bữa ăn hôm xa xôi kia hình như Dũng có câu: "Sau nầy, khi hai đứa mình lấy nhau, mỗi khi tới nhà, mình nói Thi làm cho tôi với bạn món thịt đông dưa chua nầy." Tôi nhớ ra câu nói kia khi xắn đầu đũa vào dĩa thịt. Thi nhìn tôi ăn, cười cười như thể có người thứ ba đang ngồi ở đấy. Quả thật Dũng đang có với chúng tôi như một người không hề vắng mặt.

Hóa ra tôi đã chứng kiến, dự phần với bạn tôi, từ cô học trò nhỏ lần di cư 1954, tóc chưa dài tới vai, nay đã thành một lão nhân mệt nhọc, lạc lõng, vô hồn từng ngày nơi đất Mỹ - Cảnh sống kéo dài trong một nỗi chờ đợi thăm thẳm không hề được hiện thực - phi lý, bi thảm gấp vạn lần tình cảnh nhân vật của Beckett đợi Godot. Và bạn tôi, Đặng Nguyệt Thi thật sống với Dũng, bên Dũng, bằng Dũng qua trí tưởng, với ý niệm.. Ông ấy làm thế nầy; ông ấy nói như thế đấy, ông ấy thích ăn cái món đồ do tôi nấu cho ông ăn đây nầy... Dũng hiện diện cùng bạn tôi trong suốt một cuộc đời - băng qua cái chết - vượt lên cái chết suốt ba mươi- sáu năm không một ngày giờ đứt đoạn.

Những chữ nghĩa cào xé sau đây đáng ra tôi có bổn phận viết nên đối với Dũng. Và không phải chỉ chừng ấy, mà phải viết từng đêm, từng ngày, vào mỗi bữa ăn, khi nói đùa trong mỗi câu chuyện sinh hoạt gia đình với Thi, và hai cháu Thùy Linh, Mỹ Linh - Gần nửa thế kỷ chứ đâu ngày một ngày hai bạn ơi. Nhưng quả thật tôi có cảm giác kiệt lực, vô dụng, nên cuối cùng, tôi phải cậy đến những chữ nghĩa xót xa sau đây của Luân Hoán- Người Bạn của Huỳnh Bá Dũng - Bạn của chúng ta.

...em hỡi em có biết

bậc thềm chúng mình vẫn hôn nhau

trước khi anh ra trận

cánh cửa chúng mình vẫn hôn nhau

khi cuộc săn người tạm dứt

một người bạn anh

một người bạn thân của anh đã đến

đã nằm đó không biết bao lâu

với chiếc áo maillot, chiếc quần lót trắng

với vết máu loang

cùng nước mắt y

vào buổi sáng của một ngày đầu năm mới

Dũng có còn biết không?

mày là que hương tao vừa thắp

cháy suốt cuộc đời tao

Dũng thân yêu

hãy về đó

về trên nụ lệ xanh

tao vay mượn vợ con mày và bạn bè cũ

hãy về đó

về trên lá quốc kỳ phủ quan tài

bay bay trước gió

về trên tay súng anh em

cùng nỗi đau trong ngực

hỡi Dũng, bạn có biết không

tôi gọi tên bạn ngoài phố chết

tôi viết tên bạn lên bậc thềm xưa

và qùi xuống

bạn chết chưa kịp biết

khói lửa vây Sài Gòn

máu xương vỡ tràn ở Huế

và hầu hết nhiều thành phố chúng ta

hỡi Dũng,

bạn chết chưa kịp biết

nỗi đau xót nghìn đời không phai nhạt

hỡi những đầu cầu nào bắt tay nhau

những giòng sông nào kiếm tìm nhau

tôi biết vợ bạn người Hà Nội

bạn người Lăng Cô

gặp yêu nhau từ Đà Nẵng

hai cô cậu chim sâu lộng lẫy ra đời

hát từng giọng Quảng Nam chân thật

sao bây giờ bạn nỡ nằm đây

trên bậc thềm tình tôi heo hút

em hỡi em

anh vẫn thường ao ước

một ngày nào vui tay

anh sẽ vẽ trái tim anh lên vách

đó là một bài thơ

suốt đời anh để lại

nhưng bây giờ anh chợt nhận ra

trên bàn tay anh tím bầm những máu

máu của quê hương

máu của bạn bè

máu của anh

máu của em

tất cả

Việt Nam Việt Nam

bài thơ tôi vẫn là thứ ngôn ngữ ba hoa

với chút tài vặt cũ

nên Dũng dễ gì hiểu cho

anh chết cho chúng ta thêm yêu nước

anh chết cho chúng ta qúi tự do

tội cho anh không kịp thấy

trong sân trường Kim Thông

trên núi cao bên đầu cầu sông Trà Khúc

bên cửa đông doanh trại Sư đoàn

bên lòng dân Quảng Ngãi

những hung thần đã rụng cánh gãy vây

những hung thần đã rơi đầu ở đó

tôi có cần nêu lên

những con số chua cay buồn thảm?

Dũng hỡi Dũng

hãy thông cảm tôi

cho dù bạn đã chết

đạ bị lột đi bộ quân phục xanh

vẫn mang ra mặt trận

hãy nhớ giùm tôi

cái chết nằm kề chiến thắng

tôi đứng nghiêm khe khẻ đưa tay

ngang mày tôi một trái tim sáng chói

.....

Cám ơn Luân Hoán thêm một lần với những bài thơ để tất cả Bằng Hữu luôn hằng sống, hiện diện đủ với chúng ta. Chân thành gởi đến Đặng Nguyệt Thi bởi đã hiện thực Sức Mạnh của Trái Tim Người một cách đơn giản, lặng lẽ, nhưng vô vàn cao quý. Dẫu Người đã vắng mặt từ những ngày tưởng như không thật cách đây rất xa.

La Puente, CA.

20 tháng 5, 2004.

(Ngày của LeThTr)

Phan Nhật Nam


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx