sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nghĩ Người Ăn Gió Nằm Mưa

cover

Tác giả: Nguyễn Công Hoan

Thể loại: Truyện Ngắn

Tình trạng: Đã hoành thành

Truyện này tôi viết đề tiễn cô giáo Minh, vì từ tháng Năm, chúng ta đã chẳng thấy nàng ở gần chúng ta nữa.

Mà sở dĩ tôi chép thiên này riêng ra tuy nó cũng là truyện Cô giáo Minh vì nó không liên can gì với thuyết không đoạn tuyệt của nàng. Truyện này chỉ là một đoạn tình của nàng với Nhã.

Hẳn độc giả các ngài chưa quên cái thư của Nhã viết cho Xuân, sau ngày Minh về nhà chồng, cái thư mà Minh đọc phải khóc, và bảo là "tiếng thở dài tha thiết của tấm ái tình tuyệt vọng, bài văn tế sống, thổ lộ ở tận đáy lòng của một người cay đắng vì yêu".

Cái thư ấy, tôi cần trích đăng lại, vì có nhiều chỗ dính dáng đến truyện này.

!1Em Xuân,

Nguyên ngày Minh mới đỗ ở trường Nữ sư phạm thì Nhã tuy đã viết báo Tuổi trẻ nhưng không ở hẳn lên toà soạn Hà Nội, mà ở Yên Bái là nhà một người họ. Minh làm đơn xin bổ giáo học, theo lệ được chọn ba nơi, đáng lẽ yêu cầu ở Hà Nội và hai nơi nữa gần Hà Nội mới phải, vì nàng sẽ được gần mẹ. Nhưng mà không, Minh lại xin đi Yên Bái, mà chỉ một tỉnh Yên Bái thôi, lấy cớ rằng nàng thích ở mạn ngược. Nàng không dám ngỏ cho ai biết điều ước nguyện bí mật ấy. Nhưng rồi sau, có người bạn thân của Nhã làm ở Sở học chính nói chuyện ấy với Nhã, Nhã sung sướng quá đến nỗi rơm rớm nước mắt, rồi chàng xuống Hà Nội, để cảm tạ tấm lòng của Minh. Song Minh vui sướng thẹn thò, chối:

- Không, có lẽ người ta lầm với chị Minh Hoàng đấy chứ!

Thấy tính tình Minh kín đáo, Nhã mỉm cười, cảm động nhìn nàng, rồi lảng sang chuyện khác.

Nhưng không may, trời chẳng chiều người, Minh không được về Yên Bái mà lại phải bổ lên Tuyên Quang.

Rồi đó, người Tuyên Quang kẻ Yên Bái, tuy quan hà nhưng gang tấc, thư đi từ lại, vẩn vơ than sớm khóc chiều hôm.

Ở Tuyên Quang nửa năm, Minh không sao chịu nổi cảnh quạnh hiu ở nơi đất khách, nàng bèn xin đổi về Hà Nội.

Độc giả các ngài hẳn cũng còn nhớ bận Minh đi Hải Phòng khánh thành Dạ lữ viện, gặp Nhã ở ga Hải Dương lên. Hai người nói chuyện với nhau được vài câu thì sực Nhã trông về phía tay trái một ngọn đồi xanh cao nhất, trên có lờ mờ một ngôi đền trắng. Nhã mỉm cười đau đớn, chàng nhìn ra ngoài, hỏi vẩn vơ:

- Cái quả núi cao kia, tên là gì nhỉ?

- Đó là núi Yên Phụ.

Nhã gật gù:

- Đẹp nhỉ, những rặng núi đá lô nhô kia mới thần tình làm sao!

Nhã hỏi Minh câu đó, nào có phải chàng quên tên núi, và chàng quên sao được cái kỷ niệm êm đềm với Minh! Chàng hỏi thế, chẳng qua muốn nhắc Minh nhớ lại những ngày vui nó qua như giấc mộng, và để bắt người con gái đã có chồng, hồi tưởng đến cuộc đi chơi ngày trước của nàng với mình.

Vào khoảng cuối thu một năm trước, Nhã đã cùng Minh rủ nhau lên chơi núi Yên Phụ.

Hôm ấy, trời vừa mưa vừa bão, nhưng vì đã trót hò hẹn từ trước, nên cả hai người không ai nỡ phụ lòng nhau.

Mình đi xe kéo, Nhã đi xe đạp, suốt từ sáng đến độ mười giờ trưa thì tới chân đèo. Hai người phải đi bộ trèo dốc dài chừng hai cây số. Rồi đứng trên cao, đôi bạn đưa mắt nhìn xuống, thấy dưới chân, bao la man mác, cảnh vật đậm những gió táp mưa sa. Nhã âu yếm nhìn Minh, mỉm cười, nói:

- Chỉ riêng cô với tôi mới được hưởng cảnh thần tiên, xa những nơi tranh cạnh nhỏ nhen, khốn nạn. Cô có thấy mệt không?

Minh cũng cười, đáp:

- Vui thì thấy mệt sao được. Có vất vả, nhọc nhằn mới nhớ lâu. Non Bồng nước Nhược, âu cũng thế này mà thôi, anh ạ.

- Từ thuở bé, mà có lẽ từ nay về sau, tôi không được đi chơi một cuộc nào thú như thế này nữa.

- Em cũng vậy.

Mơ màng một lát, Nhã nói:

- Bởi vì lần này là lần đầu, cô với tôi được đi chơi phong cảnh với nhau, vả chúng ta chỉ là đôi bạn.

Minh hiểu ý, thở dài, lăm đăm con mắt nhìn ra chỗ xa xa mù mịt. Lúc ấy mưa đã ngớt, gió đã yên. Ánh nắng vàng dát trên thảm núi biếc, lơ thơ mấy bụi cây xanh rờn. Con sông uốn éo khúc mình, nhẹ nhàng đưa chiếc thuyền buồm nâu sẫm.

Hết chuyện tình tứ, đến chuyện văn chương, Minh nói:

- Bài từ khúc anh làm ngày độ đầu hè, thế nào nhỉ, anh thử đọc lại em nghe.

Nhã mỉm cười, bảo Minh ngồi xuống mỏm đá, rồi đọc:

Nhã đọc xong, Minh phá ra cười, hỏi nhạo:

- Anh thấy bài ấy hay ở chỗ nào?

Nhã đùa:

- Nó hay ở chỗ tôi làm để cảm ơn cô.

Minh lắc đầu, dịu dàng nhìn Nhã:

- Nhiều câu sáo quá. Thành ra anh nhận vơ những câu của người khác, em có bằng lòng cho anh làm thơ đâu. Những câu đó không có giá trị gì. Nó chỉ kêu mà không có nghĩa. Anh phải diễn những ý riêng bằng giọng văn riêng của anh mới được.

Nhã cãi:

- Cô lay tỉnh tôi giữa lúc tôi mơ màng, tôi sực nhớ đến kiếp văn của tôi còn có người tri kỷ, thì âu là tôi cảm ơn cô và đoan xin tận tụy với nghệ thuật, để tạ lại lòng cô. Chẳng rõ nghĩa thế là gì?

Mình lắc đầu, buồn rầu, đáp:

- Em cũng hiểu thế. Nhưng anh nên để cái tâm hồn thi sĩ, để cái văn tài của anh lên trên những cái mơ mộng hão huyền. Em muốn khuyên anh nên đặt văn chương vào sự nghiệp.

Nhã giật mình thở dài. Minh nói tiếp:

- Rồi đây, em mong được cái hân hạnh là người độc giả thứ nhất của anh. Làm được tài nào, anh cứ gửi cho em xem trước. Nhưng điều em cấm anh, là anh không được làm thơ.

Em xin tập làm thơ để thay anh cũng thế.

Nhã sung sướng. Bồi hồi, chàng cảm động mỉm cười với Minh.

Rồi hai người say vì cảnh đẹp, mải vì chuyện vui, đến nỗi quên cả thì giờ, mãi đến hai giờ chiều mới nhớ đến ăn uống, và đến bốn giờ mới ra ga, đáp xe lửa về Hà Nội.

Dần dà, cuộc ái tình của Nhã và Minh cứ ngấm ngầm mà khăng khít, mặc cho xuân tàn, thu tạ, tin hồng bay tới cánh tem đi về.

Rồi khi Minh viết thư than thở với Nhã rằng mẹ nàng thụ bệnh; mà có lẽ bệnh nặng. Nhã muốn an ủi Minh, bèn nhất quyết bỏ đi nơi non cao rừng rậm đầy những thi vị đậm đà, để xuống ở hẳn dưới Hà Nội. Vả nhân để đáp lại cái cảm tình đằm thắm của Minh ngày trước, Nhã bèn thuê nhà ở phố Hàng Gai.

Nhưng than ôi, nào hay tháng ngày qua, chẳng thương cuộc vui vầy của đôi bạn trẻ.

Nhã ở nhà mới này được hai trăng có lẻ thì tiếp cái giấy báo hỉ, cái tin mừng rỡ của Minh làm cho Nhã phải đau đớn, ruột gan tan tành.

Sau cuộc chia rẽ của ái tình, Nhã không gặp Minh nữa. Chàng đau đớn quá thành ốm và theo lời thầy thuốc, chàng cần phải nghỉ việc ít lâu, tìm một nơi mát mẻ để tĩnh dưỡng tinh thần. Vì vậy, Nhã lên ở trên Tam Đảo.

Nhưng gọi là ở Tam Đảo, có phải Nhã được sống trong một tòa lâu đài lộng lẫy nào của cái xã hội trượng giả đâu. Chàng ở nhờ cái nhà tranh tiều tụy trong xóm "Trại con gái".

Mà vì không viết được nhiều nữa, nên chàng sống một cách rất thiếu thốn.

Thỉnh thoảng buồn, chàng lững thững đi bộ lên phố, thơ thẩn ngồi phệt trên thảm cỏ, cạnh cái cầu con mảnh dẻ sơn đỏ, bắc qua hai bên bờ xanh rì của dòng suối bạc phau phau.

Man mác, chàng ngắm cái cảnh vật xung quanh lờ mờ như ẩn như hiện, rồi so sánh với cuộc chơi Yên Phụ hồi nào, thấy bồng lai bây giờ nó quạnh hiu, buồn tẻ lạ.

Hôm Minh toan đoạn tuyệt với gia đình cũ, mà Nhã không gặp, chàng bèn đến nhà một người bạn là hoạ sĩ, để nhờ vẽ một bức tả theo ý mình. Bức vẽ ấy, là phong cảnh vùng Yên Phụ, tơi tả trong gió táp mưa sa. Phía xa, một trái đồi cao chót vót, trên đỉnh có một nếp đền trắng xóa, xung quanh là dãy gò đất thấp lô nhô chạy dài, và rặng núi đá cằn, sừng sững soi gương trên mặt làn nước xanh ngắt. Phía gần, trên bãi cỏ vàng, một người thiếu phụ ngồi chống nẹ tay trái xuống đất, hai chân duỗi thẳng. Người thiếu phụ ấy, tức là vai chính của bức họa, Nhã nhờ bạn vẽ đằng lưng, vì người ấy quay mặt vào trong, lăm đăm mơ màng nhìn về phía Yên Phụ. Người thiếu phụ ấy, Nhã dặn kỹ bạn, là một người độ hai mươi ba tuổi, mình bầu bĩnh, gò má hơi cao một chút, và tóc thì quấn, nhưng không quấn õng ẹo lối tân thời.

Nhã cho chỉ có bức vẽ ấy mới an ủi nổi chàng, vì lúc nào chàng cũng được thấy người yêu tưởng nhớ đến cảnh cũ, tình xưa.

Khi bức hoạ ấy xong, Nhã rất vui sướng, vì nó được y như ý nguyện, chàng cầm bút, đề ba câu Kiều lẩy mà chàng cho là rất ý nhị:

Rồi Nhã bình phục, và lại về Hà Nội. Xuân đến thăm anh họ, nàng ngắm bức vẽ ấy, thì hiểu ý. Thương hại Nhã, nàng hỏi vờ:

- Anh có chắc người thật, có còn như người vẽ, và có nghĩ những câu anh nghĩ hộ người ấy không?

Nhã thở dài mỉm cười chua chát, đáp:

- Con người ta nếu không có trí tưởng tượng để an ủi thì sao có thể quên được những nỗi đau lòng. Nếu anh chắc người ấy còn như cũ, thì anh mượn vẽ tranh này làm gì!

Sắp đến giờ khánh thành Dạ lữ viện. Hai hè phố An Dương chật ních những người.

Trong mỗi cái ô-tô sình sịch đi tới, người ta lại thấy những áo gấm đủ các mầu, những mề đay đủ các hạng. Trên tường tòa Dạ lữ viện kiến trúc giản dị, ngọn cờ Pháp - Việt đề huề bay phấp phới. Mấy người cảnh sát tây, nam, trịnh trọng đi đi lại lại để giữ trật tự. Đồng hồ càng chỉ gần bốn giờ bao nhiêu, làn sóng người càng dồn dập bấy nhiêu, mà cảnh sát càng phải ra công để dẹp, để đuổi, những người xem đứng tràn xuống đường.

Trong khi ai nấy đều sợ sệt cái roi mây của các nhà chuyên trách, thì Nhã đi bộ đến, và định qua đường. Bỗng có người nắm lấy chàng, nói:

- Chớ, ông chớ sang, đội xếp họ không cho đi đâu.

Nhã nghe lời, mỉm cười quay gót lại, nhã nhặn đáp:

- Cảm ơn ông có lòng tốt.

- Ông nên đi quá ra đằng kia rồi hãy qua đường...

Nhã nhìn đồng hồ, vừa lẩm bẩm vừa đi:

- Gần đến giờ rồi.

Nhưng tò mò chàng đứng dừng, nói:

- Ở đây canh phòng nghiêm ngặt nhỉ?

Người lạ mặt đáp:

- Phải, vừa đây, người đội xếp kia mới xử bất nhã với một người đàn bà có giấy viện mời đến dự cuộc khánh thành.

Nhã cau mặt:

- Xử bất nhã với một người đàn bà?

Một người bên cạnh nói:

- Phải, mà cái bà ấy nào phải quê mùa gì như chúng tôi.

Một người nữa khôi hài:

- Giá bà ấy mặc áo gấm thì không đến nỗi.

Lại một người nữa nói:

- Không, đó là đội xếp người ta lầm.

- Lầm gì đâu! Thế ông không nghe bà ta cãi lý thế nào à? Bà ấy bảo bà ấy có giấy mời, và đưa cả giấy ra, thế mà đội xếp cũng ẩy bà ta một cái. Nếu không có bà cụ béo ở trong kia thét vang lên, xem có xảy ra sự xô xát to rồi không?

Nhã ngờ ngợ, hỏi:

- Bà cụ béo ấy là bà nào vậy?

- Là bà tuần Mai, mà hình như người đàn bà này là con dâu thì phải, chúng tôi thấy gọi là mợ cả.

Nhã giật mình, hỏi dồn:

- Người đàn bà ấy cao độ bằng ngần này, đi giầy đỏ, răng trắng?

- Phải.

Nhã thở dài, rất thương hại Minh và căm giận người đội xếp. Chàng bồn chồn cả tâm trí, hỏi:

- Các ông thấy chuyện đầu đuôi thế nào?

- Người đàn bà ấy cũng như ông, muốn sang bên kia đường. Vừa bước được vài bước, thì người đội xếp kia hùng hổ chạy lại ngăn. Người đàn bà dịu dàng nói và đưa giấy ra, thế mà cũng bị ẩy một cách tàn nhẫn, đến nỗi xuýt ngã. May ở trong viên có bà cụ và mấy ông ra can thiệp, người đội xếp mới để cho đi.

Nhã tức giận, trừng trừng nhìn người đội xếp. Chàng không hiểu sao Minh không đi xe ô-tô với bà Tuần? Đã vậy chàng nhất quyết đi ngang phố qua trước mặt người cảnh sát ấy để thử xem người ấy có dám xử bất nhã cả với chàng, hay chỉ dám bắt nạt đàn bà yếu ớt.

Chàng đi, để ngộ có phải người đội xếp giở lối dã man, thì Minh của chàng được nhẹ bớt nỗi nhục nhã, vì cũng còn có người nữa gặp cảnh nhục nhã như Minh. Chàng đi, để an ủi Minh một cách xa xôi cao thượng.

Nhã hăm hở rẽ mọi người, lễ phép nói:

- Được, các ông cứ để tôi đi.

Nói đoạn, nhác trông lên thềm viện, Nhã thấy Minh đứng ủ rũ, mắt đỏ hoe nhìn chàng, mà không biết nhìn từ bao giờ. Có lẽ nàng cũng hiểu Nhã biết chuyện xảy ra vừa rồi, nàng trỏ tay chỉ người đội xếp khi nãy, có ý khuyên chàng tránh đừng qua chỗ ấy.

Song, cái dáng bộ của Minh lại càng khuyến khích giục Nhã cứ làm theo ý đã định.

Chàng vừa bước chân xuống đường, thì quả nhiên người đội xếp ấy chạy vội lại, dang hai tay ra chắn.

Nhã mỉm cười, móc túi lấy giấy mời ra, nhưng người đội xếp bĩu môi xua:

- Không được. Ông không qua đây được.

Nhã khinh bỉ, gạt tay người kia, cứ sấn đến. Nhưng Nhã bị người đội xếp giật ngay tay, và trợn mắt, sừng sộ:

- Tôi có phép cấm ông.

Mọi người xôn xao, ồ cả lại xem Nhã hung hăng nói:

- Nhưng ông phải hiểu tôi không qua đây đề đùa bỡn cùng ông.

- Phải, nếu ông đùa bỡn, thì tôi đã mời ông lên Cẩm.

- Thế có thực ông ngăn tôi không?

- Thực, ông tưởng tôi sợ ông vì ông mặc quần áo tây hẳn. Ông làm nhà báo, tôi cũng không cần.

Nhã cười chua chát. Không đáp, chàng đẩy mạnh người đội xếp ra. Thế là hai bên dằng co nhau. Cuộc xô xát suýt thành to, nếu không có nhiều người can thiệp, và nhất là không có bà Tuần và vài người trong ban trị sự ra giảng giải cho người đội xếp nghe.

Nhã vào viện, nét mặt tím bầm, hầm hầm kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tuy Minh không nghe chàng, nhưng nàng thờ thẫn như người mất trí.

Trông thấy vậy chàng rất hởi lòng. Chàng đã hy sinh danh dự để chia sẻ nỗi đau đớn với người yêu.

Cuộc khánh thành Dạ lữ viện hôm ấy không được vui vẻ. Ai nấy đều căm giận người cảnh sát đã xử tàn nhẫn với một người đàn bà, và một người nhà báo. Cho nên sau bài diễn văn thường lệ, tiệc trà không được đậm đà. Người ta nói ít, mà chỉ nói khẽ, và toàn chuyện người cảnh sát. Không ai đả động gì đến việc viện cả. Nhất là Nhã, chàng ngồi cắm mặt, không uống, không ăn, mà cũng không để ý đến một việc gì.

Thấy bầu không khí nặng nề, một ông nghị viện già đứng lên, dõng dạc nói như diễn thuyết:

- Thưa các cụ thưa các quan, thưa các bà, thưa các ông, hôm nay là ngày viện ta khánh thành, các ngài nên vui vẻ lên một chút. Vậy hôm qua, tôi mới nghĩ được một bài thơ mừng viện, tôi đọc để nhờ các cụ, các quan, các bà, các ông, phủ chính hộ cho, tôi xin cảm ơn lắm lắm.

Rồi ông đọc một bài thơ tám câu, đọc một cách rất hứng thú.

Một tràng pháo tay nổi lên để hoan nghênh nhà thi sĩ. Nhã cũng đỡ buồn, chàng ngẩng đầu lên nhìn qua một lượt. Chàng thấy Minh đang loay hoay viết bút chì vào một mảnh giấy.

Ông nghị già ngồi xuống vui vẻ, cười rung cả tập mề-đay.

Bỗng ông lại đứng ngay lên, tay cầm mảnh giấy, thong thả nói:

- Thưa các cụ thưa các quan, thưa các bà, thưa các ông, ban nãy tôi đọc thơ của tôi, bây giờ tôi xin đọc thơ của người khác.

Tiếng cười rì rào nổi lên ở mé đầu bàn. Ông Nghị nói tiếp:

- Đây là thơ của bà Nguyễn Thu Minh...

Nhã ngẩng phắt mặt lên. Mọi người yên lặng quay đầu ngơ ngác tìm. Một cụ hỏi:

- Bà Nguyễn Thu Minh là ai?

Ngay lúc ấy, bà Tuần đứng dậy, cái khối thịt đồ sộ làm rạp cả hai bà ngồi cạnh. Bà híp mắt cười, trỏ vào Minh.

- Thưa Nguyễn Thu Minh đây, con dâu tôi, vợ nhà cả nhà tôi.

Nói đoạn, bà vênh váo trỏ Minh. Mấy trăm mắt đổ dồn cả lại, Minh hơi đỏ mặt. Một tràng vỗ tay ran dậy cả phòng. Riêng Nhã, chàng căm giận lạ thường. Chàng không ngờ Minh nuốt cái nhục chóng được đến thế. Chàng không ngờ chàng đã chịu một mình cái bực dọc ban nãy, mà chính chàng hứng lấy cái bực dọc, chỉ cốt cho Minh đỡ được một nửa gượng sàng. Chàng cúi gầm mặt xuống, nghiến răng, ù tai, rồi chàng cau đôi lông mi, nhìn Minh một cách khinh bỉ. Thấy Minh hớn hở, vui tươi, chàng run lên, những toan chạy lại sỉ vả cho bõ hờn con người vô sĩ.

Ông nghị già đằng hắng, rồi nói:

- Thưa các cụ, thưa các quan, thưa các bà, thưa các ông nghe ạ.

Người ta nói nhỏ khen với nhau:

- Thế mà còn ruột gan nghĩ ra thơ, giỏi thật!

Rồi ông nghị ê a vừa đọc vừa ngâm:

Tiếng xì xào:

- Hay!

Một hồi vỗ tay:

- Hay!

Nhã choáng người như tỉnh giấc mơ màng. Chàng thổn thức, vui sướng quá. Long lanh, chàng nhìn Minh mà văng vẳng bên tai, chàng thấy người ta bẻ:

- Câu cuối không dính gì đến viện, tôi chẳng hiểu sao cả!

Riêng Nhã hiểu. Chàng hiểu rằng nàng vẫn nhớ đến chàng. Chàng hiểu rằng nàng đã an ủi chàng, một cách xa xôi kín đáo. Buồn man mác chàng thở dài, hai mắt rưng rưng, giọt lệ như chỉ chực tuôn rào ra để tạ lòng người tri kỷ...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx