Nó năm nay mười bốn tuổi. Nhà nó ở thành phố. Sau khi thi học kỳ xong, nhà trường cho nó nghỉ mười ngày. Cái đầu óc hiếu động trong nó nghĩ ngay đến việc ra biển. Nó mê tất cả những cái gì thuộc về biển. Nó đã từng tham gia câu lạc bộ Hải dương học ở nhà văn hóa trung tâm thành phố. Nhưng biển không dễ chấp nhận một đứa bé con như nó. Biển cả chỉ dành cho những người đàn ông sức vóc như bác nó mà thôi. Bố nó cũng chẳng đi biển được. Bố nó bảo ngày còn nhỏ, vì một lần suýt chết đuối nên hễ nhìn thấy nước là sợ. Sợ nước nên bố nó phải cố học để thoát ly. Vì bố nó thoát ly nên nó mới được làm người thành phố. Nhưng nó lại thèm khát biển. Mỗi lần về quê, nhìn thấy biển là nó lại run lên với những cảm xúc kỳ bí. Ở quê, cả gia đình nhà bác nó đều đi biển. Nó rất mong được một lần bước lên con tàu gỗ của bác để cưỡi sóng ra khơi. Và dịp may đã đến. Anh con bác nó vừa mới ở dưới quê lên thành phố mua lưới. Nó liền xin theo anh về quê. Tất nhiên nó không nói với bố mẹ nó là sẽ ra biển. Nhưng trong lòng nó thì đã tự quyết định rồi. Nó sẽ xin xuống tàu với bác ngay khi đặt chân tới làng chài quê hương. Bây giờ thì nó đã ở trên biển. Hóa ra con Người Bạn của bác nó chỉ là loại tép riu trong vô số những tàu thuyền đang có mặt trên đại dương mà thôi. Nó nhìn ngang nhìn ngửa thấy các tàu thuyền sơn phết đủ mầu, và hầu như con tàu nào cũng mang một cái tên, như Hy Vọng, Hoa Hồng, Mắt Biển, Hoàng Hôn, Đại Dương, Quê Hương... Kèm theo những cái tên đó là những con số. Con Người Bạn của bác nó sơn mầu xanh với những sọc đen, ở mũi tàu vẽ hai con mắt viền trắng. Từ hai con ngươi mắt ấy thò ra hai cái mỏ neo nhìn xa trông như hai giọt lệ đang chuẩn bị rớt xuống biển. Tất cả những người đàn ông ở trên các con tàu đều vui tính, ồn ào và nói to. Tiếng họ gọi nhau cứ như những tiếng quát tháo, gào thét. Tàu nhà bác nó có hơn chục người. Bác nó là già nhất, còn lại đều là những chàng trai trẻ. Họ có vẻ mải mê với công việc và ít để ý đến nó. Chỉ thỉnh thoảng anh con bác mới dặn dò nó một câu, đại loại là khi ra biển phải vào trong ca-bin, đứng ngoài thành tàu là sóng sẽ cuốn xuống biển đấy. Biết rồi. Mà sao công việc chuẩn bị lâu thế? Không phải chuẩn bị mà chờ con nước. À, ra vậy. Chờ nước lên. Chờ thắp hương xin thần biển phù hộ. Chờ giờ đẹp mới khởi hành ra khơi. Trong lúc chờ đợi mọi người vẫn bình thản làm những công việc còn dang dở. Họ đưa rất nhiều thứ lên tàu. Nào muối, đá cây, rau quả, xăng dầu, nước ngọt, gạo, mắm... Cứ như thể còn lâu mới đến giờ khởi hành vậy. Có lẽ nó sốt ruột quá, mong được ra biển quá, khát thèm được nhìn thấy đại dương quá nên cứ thấy trong người hồi hộp, phấp phỏng, xen cả một chút lo âu mơ hồ nữa. Cuối cùng thì rồi cũng đến lúc xuất phát. Đoàn tàu đánh cá dong buồm thẳng hướng tới "bãi cá". Đó là cách gọi của những người như bác nó. Còn nó thì rất ngạc nhiên. Sao lại bãi cá? Giữa biển cả mênh mông thế này cũng có những chỗ cá tập trung thành bãi để cho những người dân chài đến đó buông lưới ư? "Rồi cháu sẽ thấy, cá thu sẽ được cất lên đầy khoang thuyền này", bác nó bảo thế. Lúc nãy nó đã được xem các anh con bác đưa muối lên chất đầy một góc tàu. Lại cả từng tảng đá lạnh nữa. Muối và đá đó sẽ được dùng để ướp số cá đánh bắt được. Nó hồi hộp chờ mong đến giờ phút ấy. Nhưng con tàu cứ đi mãi, đi mãi mà vẫn chưa thấy bãi cá đâu. Nó cũng không còn đủ trí lực để mà đứng ngắm mặt biển bao la đang đổi từ mầu xanh thẫm sang mầu xanh đen nữa. Tại sao người nó lại rơi vào một trạng thái buồn cười thế này? Ô hay, nó thấy trong ruột nôn nao quá. Mắt nó hoa lên, và đầu óc nó váng vất lạ thường. Các anh con bác và những thủy thủ vẫn đang nói cười nhưng những lời họ nói trượt đi đâu đó ngoài tai nó. Nó không còn tập trung được thị lực để nhìn, thính giác để nghe, cũng như đã không còn làm chủ được trạng thái thăng bằng của bản thân nữa. Nó vội lần khỏi ca-bin, tìm về góc giường của bác, khẽ nằm xuống đó. Và bây giờ thì nó cảm nhận được sự rung lắc của con tàu. Lắc rất mạnh. Ruột gan phèo phổi nó dường như đang tranh nhau đòi chui ra qua đằng cửa miệng. Rồi ngày hay đêm ập xuống, trôi qua nó cũng không biết nữa. Đôi ba lần nó nhận được ống sữa do anh con bác nó đưa tới tận miệng. Nó đã kinh mùi sữa. Và một lần bác nó nâng nó dậy cho nó húp hết một bát cháo muối. Cháo muối nhưng nó thấy ngọt lịm. Cháo vào dạ dày đến đâu nó biết đến đấy. Rồi nó cũng thấy đỡ dần. Hình như con tàu đỡ rung lắc hơn. Nhưng ngay lập tức nó thấy mọi người trên tàu có vẻ xôn xao. Nét mặt họ căng giãn không bình thường. "Gió thổi tàu chạy lạc khỏi bãi cá rồi", bác nó đến ngồi xuống mép giường cạnh bên nó và nói vậy.
- Lạc đi đâu?
- Nó vội nhỏm người dậy hỏi lại bác.
- Lạc tới quần đảo bão tố.
Nếu không về được ngay, cứ luẩn quẩn ở đây, lượng dầu dự trữ sẽ không đủ, lúc ấy sẽ rất gay. Nó bám vào tay bác ngồi dậy. Nó cảm thấy trong người đã có phần thư thái hơn. Con Người Bạn đang buông neo. Qua cửa chớp nó nhìn thấy một ngôi nhà, không phải, một cái giàn khoan, cũng không phải, hình như là một hòn đảo. Trời trong xanh và gió thổi tới mát rượi. Nó nhìn thấy bên cạnh hòn đảo có một bãi nước mầu xanh ngọc. Lạ thật, cả mặt biển rộng lớn chỉ một mầu xanh đen, nhưng riêng bãi nước gần hòn đảo kia sao lại có mầu xanh kỳ bí thế nhỉ? Mầu xanh dương, mầu xanh ngọc, mầu lá mạ, mầu nõn chuối, mầu cỏ biếc... không, không thể gọi chính xác được mầu sắc của bãi nước kia. Mầu nước ấy đẹp như trong những thước phim nó từng được xem ở Câu lạc bộ Hải dương học - mầu của đáy đại dương. - Đảo P đấy, một trong những hòn đảo của quần đảo bão tố, ở đấy chỉ có bộ đội ở thôi. - Bác nó giải thích thêm cho nó hiểu.
Nó thấy đầu óc mình đã có vẻ tỉnh táo hơn. Nó tụt xuống giường và bám lấy thành tàu, men ra cửa để nhìn cho rõ hơn hòn đảo có bãi nước xanh kỳ lạ. Và chim. Ôi trời ơi, những cánh hải âu đang bay ngang trên đầu nó. Đôi cánh của chúng sải trên mặt biển mới uyển chuyển, mạnh mẽ và kiêu hãnh làm sao! Thế này thì biển cả đúng như trong trí tưởng tượng của nó rồi. Nó đang miên man với những ý nghĩ sung sướng vì được thỏa mãn khát vọng biển khơi thì bỗng nhiên bụng nó nhói đau. Rồi cái đau mỗi lúc một dữ dội, như có người thò tay vào mà vò khúc ruột của nó vậy. Nó cố gượng đứng một lúc để cho cơn đau qua đi nhưng mặt nó cứ tái dần, rồi không thể chịu nổi, nó phải gọi bác ra đưa nó vào. Bác tưởng nó lại say sóng. Bác đỡ nó lên giường, bảo:
- Khổ quá, con trai thành phố là ươn người lắm. Thôi, cứ nằm một lúc rồi sẽ đỡ.
Nhưng nó không duỗi thẳng người ra được. Nó nằm co quắp một cách tội nghiệp. Mồ hôi rịn ra trên trán nó. Đúng lúc ấy nó nghe thấy tiếng anh con bác bảo nhổ neo, quay mũi được rồi. Phải đón hướng gió cho tàu chạy về hướng đông nam ngay thôi. Nhưng bác nó bảo từ từ đã. Bác nó xoay người nó ra, cố uốn cho nằm thẳng, rồi ấn nhẹ vào chỗ đau ở bụng dưới của nó. Nó cong người lên như một con tôm, rồi gập người trở lại tư thế cũ. Nó không thể duỗi thẳng được. "Ruột thừa rồi!", bác nó bảo thế, và đưa tay lên mặt vuốt mồ hôi. Trong khi ai đó không ngừng xoa dầu gió cho nó thì bác và vài người khác nữa rì rầm bàn tán điều gì đó. Thời gian trôi đi theo những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, ướt đẫm toàn thân nó. Nó chưa bao giờ phải trải qua một cơn đau đớn khủng khiếp như thế. Nó quằn quại trong vô thức rồi thiếp đi. Thảng hoặc nó có nghe thấy những tiếng thì thào của một vài người. Nó hiểu là mọi người đang tìm cách cứu giúp nó. Rồi hình như người ta quấn chăn quanh người nó, nhấc bổng nó lên, đưa nó sang một con tàu khác. Sóng dập dềnh dưới người nó. Lại ai đó khênh vác nó lên. Nó được chuyền tay qua một vài người. Rồi người ta đặt nó lên cáng. Nó co gập người lại vì đau. Nó được đưa vào một căn nhà rất tối sau khi qua một đoạn hào dài. Tấm chăn được dỡ ra khỏi người nó. Nó nhận ra mình đang nằm trên một cái giường có chân lắp bánh xe. Quanh nó là những chú bộ đội. Có cả những người mặc áo bờ lu trắng. Họ khám cho nó. Rồi họ tiêm. Mũi tiêm thọc vào da thịt nó nhói đau, nhưng không đau hơn phần bụng dưới đang làm nó mỗi lúc một tức thở. Sau vài mũi tiêm thì nó không còn biết gì nữa. Nó lạc vào một giấc mơ có mẹ và những nàng tiên cá. Nó đang ở dưới thủy cung, mẹ và những nàng tiên cá đang hát ru cho nó nghe. Tiếng hát ru buồn man mác, tiếng hát ru lẫn với mùi cồn, mùi phê nôn, mùi ê te. Mẹ nhìn nó bằng đôi mắt xót xa, đau đớn. Nhưng mẹ cười. Mẹ cười mà khuôn mặt không bừng sáng. Nó chợt nhận ra là nửa người nó bị mắc trong đám san hô. Mẹ thương nó đau, mẹ chờ những nàng tiên cá đang gỡ dần từng nhánh san hô vây bủa quanh người nó. Mẹ cố cười để động viên nó. Nó không đau, nó muốn bảo với mẹ thế nhưng không sao nói được. Và nó muốn tự mình tìm cách thoát ra khỏi đám san hô. Nó giãy giụa liên hồi. Từng nhánh san hô đang tuột dần ra khỏi người nó. Nó cố sức. Nó nhìn mẹ mà cố sức. Cuối cùng nó vùng thoát ra được khỏi đám san hô, nhưng ngay lúc đó mẹ nó cùng đàn tiên cá vụt biến mất khỏi tầm mắt của nó. Nó nhìn thấy trần nhà mầu xám. Nó nhìn thấy một dáng người mặc đồ bệnh viện đang ngồi bên chiếc giường có lắp bánh xe. Và bụng dưới nó hơi đau.
- Tỉnh rồi hả? Khiếp thật. Chú mày đã nuốt vào bụng một con cá mập và bọn anh vừa phải lấy nó ra xong.
- Bác em...?
- Họ về cả rồi. Cả cái con tàu mang tên Người Bạn của chú nữa, nó đã quay đầu lướt sóng về bờ. Còn chú cứ yên tâm nằm lại đây nhé, bao giờ đủ sức thì bơi về sau.
Một chút lo ngại thoáng qua trong đầu nó. Vậy nó đang nằm ở đâu đây? Trên một con tàu khác chăng? Hay đang ở bệnh viện thành phố? Không, nó đang ở ngoài biển cơ mà. Nhưng ở trên biển sao không thấy rung lắc gì cả?
- Chú đang ở trên đảo P. Anh là y tá Thạch. Anh phải trông chú hơn chục tiếng đồng hồ rồi. Còn người gắp con cá mập ra khỏi bụng chú là bác sĩ Hiếu. Lát nữa chú sẽ được gặp chỉ huy đảo và những người mổ bụng chú. Kinh thật đấy. Cả cái hàm răng con mập ngoạm chặt vào khúc ruột dưới của chú. Gỡ mãi mới ra. Nó làm chú đau đớn lắm phải không? - Thật thế ạ?
- Nó thấy giọng của y tá Thạch không có vẻ gì là đùa cả
- Sao cá mập lại vào bụng em được?
- Làm sao anh biết được! Hay là nó nhảy vào miệng chú mày lúc đang ngủ?
- Y tá Thạch vẫn giữ giọng nói nghiêm túc làm nó hoang mang thật sự.
- Còn đây là hầm quân y - Y tá Thạch khoát tay một vòng - Tức là chú mày đang nằm dưới mực nước biển sâu tới hàng chục mét, và lọt thỏm trong lòng những nhánh san hô hàng vạn năm tuổi. Chú mày là một trường hợp đặc biệt đấy. Không phải ai cũng được phép đặt chân lên đây đâu. Cái giường mà chú mày đang nằm cách đây mấy tháng có một cô ca sĩ cực kỳ xinh đẹp cũng vì nuốt nhầm phải cá mập mà phải nằm lên đó để cho các anh mổ bụng. Chà, chà! Con cá mập trong bụng cô ấy mới to làm sao. Khi anh mày vận công nhấc nó ra, nó còn cắn cả vào tay anh nữa. Cá mập con khi vào trong bụng người lớn rất nhanh. Mà trứng cá mập thì có ở mọi nơi, có thể ở trong nước uống, trong gói mì tôm, trong rau sống, trong hoa quả, tóm lại là ra ngoài biển rất dễ ăn phải trứng cá mập. Và khi trứng đã vào bụng người rồi thì nó sẽ nở thành cá và rất thèm ăn ruột người. Ruột của chú với ruột của cô ca sĩ kia đều đã bị cá mập xơi kha khá... Bỗng y tá Thạch im bặt. Anh ta sẽ còn tiếp tục nói nữa nếu như không có tiếng bước chân ngoài cửa hầm. Nó nhìn thấy bốn, năm người bước vào. Một người có vẻ nhiều tuổi hơn cả tiến sát tới bên giường khẽ đặt tay lên trán nó, rồi quay ra bảo:
- Hiếu kiểm tra lại vết mổ xem sao! Còn Thạch, bệnh nhân có biểu hiện gì khác thường không?
- Báo cáo đảo phó, tình trạng bệnh nhân sau mổ ổn định ạ!
- Y tá Thạch đáp lại một cách nghiêm trang. Ngay sau đấy một người mặc bờ lu trắng, đội mũ vải trắng, cổ đeo dây nghe, tay cầm một hộp sắt nhỏ bước tới bên nó, lật chăn lên. Anh ta nghe nhịp đập tim phổi, đo huyết áp, dùng bông tẩm cồn lau rửa vết mổ ở phần bụng dưới cho nó rất kỹ càng và cẩn thận. Hơi đau một tí nhưng nó có thể chịu được. Tự nhiên nó thấy tủi thân. Nó không quen bất cứ khuôn mặt nào đang nhìn nó kia cả. Nó lại đang ở giữa lòng biển khơi. Bố mẹ nó thì ở rất xa. Cả bác nó cùng những người đàn ông trên con tàu Người Bạn cũng đã không còn ở bên nó nữa. Nó lạc vào giữa những khuôn mặt xa lạ, những âm thanh đầy tính mệnh lệnh, những câu chuyện hơi hướng cổ tích, và phảng phất quanh nó là mùi thuốc sát trùng như tà khí vây quanh cái cơ thể nhiễm khuẩn của nó. Nó thấy cô đơn. Và tự nhiên nước mắt nó ứa ra. Người nó hình như rung lên... - Con trai! - Người đàn ông được gọi là "đảo phó" bỗng nói với nó bằng một giọng rất nhẹ nhàng - Hãy nín đi. Ồn cả rồi. Vài ngày nữa vết mổ lành miệng, sẽ có tàu ra đưa con về. Bố đã đánh điện về đất liền rồi. Cả nhà con cũng đã biết tin và đang chờ con khỏe lại để về với thầy cô giáo và các bạn. Con trai có nghe bố nói không? Đừng khóc nữa nhé! Đáng lẽ nó phải nghe lời người đàn ông ấy nhưng không hiểu sao nó lại bật khóc òa lên. Sau này, khi đã ra khỏi căn hầm quân y, khi đã có thể mon men tới các góc đảo, nó cứ xấu hổ mãi mỗi khi nhớ lại giây phút ấy. Tại sao nó lại có thể bật khóc trước mặt mọi người ngon lành như thế được nhỉ? Lên mặt đất, việc đầu tiên là nó phóng tầm mắt ra bãi nước có mầu xanh đặc biệt. Bãi nước ấy bây giờ ở rất gần nó. Ngoài xa kia, biển khơi rộng bao la và tịnh không thấy có một bóng tàu thuyền nào cả. Hóa ra trên đảo khá đông người và họ gọi người đàn ông cứng tuổi là "Đảo phó Vương". Còn nó, nó gọi là "bố Vương". Bố Vương rất vui tính. Bố bảo:
"Ngay khi nhìn thấy mày tao đã nhắm cho con gái tao rồi. Cho nên lúc thằng Hiếu nó định lia kéo xuống chỗ giữa hai đùi, tao phải giữ tay nó lại ngay. Nó mà xẻo mất cái của quý ấy thì con gái tao sau này mất nhờ!".
Mọi người cười ầm lên còn nó thì mãi sau này mới hiểu ra câu nói đùa ấy của bố Vương. Bố Vương có một cô con gái năm nay mười hai tuổi, đang học lớp sáu. Bố đưa cho nó xem ảnh của con gái rồi khoe rằng:
"Rất xinh nhá, lại hát rất hay nhá, lại học sinh giỏi nhá, mày còn chê được ở điểm nào? Còn mày thì vừa thấy bố vợ đã khóc nhè. Chán chết!".
Rồi bố Vương lại bảo:
"Đây, tao mở băng cho mày nghe nhá. Con gái bố mày giải nhất hát dân ca toàn tỉnh cơ đấy".
Và bố Vương bật chiếc đài pin lên cho nó nghe. Từ trong ấy phát ra một giọng hát rất trong trẻo và ngọt ngào:
Ầy hoa tôi là nay ớ... hoa thơm/ Ố tình là con bướm lượn/ Ố tình là con bướm dạo ới... ơ/ Bướm lượn là bướm ối a nó bay/ Bướm dạo là bướm ối a nó bay...
Nó cười bẽn lẽn. Rồi nó hỏi bố Vương:
- Bao giờ mới có tàu ra hả bố?
Nghe nó hỏi câu ấy, bố Vương không tếu táo nữa, giọng có vẻ như hơi chùng xuống:
- Mọi năm ngày này là tàu ra rồi đấy, năm nay không hiểu sao vẫn chưa thấy ra? Nhưng con yên tâm đi. Nhất định tàu sẽ ra. Còn phải mang hàng ra cho bộ đội cơ mà.
Rồi nó nhận ra một điều, không chỉ bố Vương mà tất cả mọi người trên đảo đều mong tàu ra. Tàu ra là thư ra. Tàu ra là những món quà ở đất liền sẽ theo ra. Và tàu ra sẽ mang những thứ mà người ở biển gửi về cho đất liền. Còn nó mong tàu ra để được về với mẹ, về với trường lớp và những người bạn ở Câu lạc bộ Hải dương học của nó. Nó đã quen được với khá nhiều người trên đảo. Ngoài bố Vương ra, nó đặc biệt quyến luyến với bác sĩ Hiếu và y tá Thạch. Bác sĩ Hiếu hiền lành và rất ít nói. Lúc nào nó cũng thấy anh tỉ mẩn với số ốc trinh nữ mà anh kiếm được. Anh lựa chọn đủ kiểu dáng, kích cỡ, mầu sắc để làm cái gì đó, có vẻ bí hiểm lắm. Còn anh Thạch thì chứa trong đầu cả một kho chuyện về đại dương. Chẳng biết chuyện nào của anh là thật, chuyện nào là giả. Nhưng chuyện nào cũng thú vị và hấp dẫn. Anh đưa cho nó xem một khẩu súng rất kỳ dị. "Có biết súng gì đây không? Súng bắn cá mập đấy. Anh là sát thủ đối với loài cá mập ở khu vực này. Chúng nó nhìn thấy anh là không bao giờ còn được quẫy đuôi nữa. Hà, hà. Bố vợ anh thách cưới hai trăm cái vây cá mập. Hai trăm cái vây chú mày có biết là bao nhiêu con không? Một trăm con. Anh đã có tới tám mươi bộ vây rồi. Còn hai mươi bộ nữa anh sẽ kiếm trong vòng bốn tháng. Tháng tư sang năm về bờ là anh đi hỏi vợ được". Nó không tin lắm vào cái chuyện vây cá mập của anh, nhưng chuyện anh bắt bạch tuộc thì nó tin sái cổ. Hóa ra bãi nước xanh kỳ bí mà nó nhìn thấy ở trên tàu chính là bãi san hô sắp ngoi lên khỏi mặt nước. Các nhà hải dương học bảo rằng những hòn đảo ngoài biển chính là do san hô mọc lên mà thành. Nhưng từ dưới đáy đại dương, ngoi lên được khỏi mặt nước thì phải mất hàng vạn năm. Bãi san hô kia sắp ngoi lên khỏi mặt nước rồi. Và mặt nước hiện tại hấp thụ sắc mầu của san hô nên mới có một mầu kỳ lạ thế. Chỉ vài năm nữa thôi cả bãi san hô sẽ nổi lên và thế là cái mầu xanh huyền diệu kia sẽ biến mất. Nhưng đấy là chuyện của vài năm nữa. Còn bây giờ bãi san hô kia là nơi để những người như anh Hiếu ra đó nhặt ốc trinh nữ và anh Thạch ra đó bắt bạch tuộc mỗi khi nước triều rút. Nó đã được theo anh Thạch ra đó một lần. Anh mang theo một thanh sắt dài và một cái xà beng nhỏ. Chỉ liếc mắt một cái là anh phát hiện ra tổ con bạch tuộc nằm ở đâu. Anh xiên thanh sắt xuống, găm chặt con bạch tuộc lại, rồi dùng xà beng bẩy tổ, lôi con bạch tuộc ra. Con bạch tuộc thường phóng ra một vệt mực dài để người bắt nó mất dấu. Nhưng anh Thạch đã nhằm bắt con nào là con ấy không thể chạy thoát được. Anh chỉ chọn bắt con to, búi râu của nó dài tới ba bốn chục xăng ti mét. Thế mà anh còn bảo:
"Ăn thua đếch gì. Anh còn bắt được con bạch tuộc cụ ở đây. Nó nằm trong một cái hang rất sâu, mãi ngoài biển kia cơ. Anh vào hang đánh nhau với nó mấy trận, vòi nó ghê gớm lắm, chặt vòi này nó lại ra vòi khác. Nó mà ghì chặt vào hang thì chỉ có chết. Sau anh lừa chọc mù hai mắt nó. Thế là cứ thế buộc cổ nó lôi đi. Hôm ấy cả đảo ăn no bạch tuộc. Trong bụng nó có cả một đôi giày da trẻ con rất đẹp".
Nó hỏi:
"Đôi giày ấy đâu rồi?".
Anh Thạch nói lảng đi:
"Thì vất đi chứ để trên đảo làm gì có ai đi vừa. Thế chú mày đã nghe chuyện cá bọc thép cắn gẫy dao của anh chưa?".
Cứ thế chuyện của anh Thạch không bao giờ cạn. Nó sẽ còn được nghe nhiều chuyện nữa nếu như không có tàu ra. Cuối cùng thì sau bao ngày mong đợi tàu cũng đã ra với đảo P. Tàu ra nhưng lại không thể cập đảo vì liên tục mấy hôm liền biển nổi phong ba. Nó đứng trên đảo nhìn con tàu to như một cái nhà tầng đang dập dềnh trôi ngoài xa mà bâng khuâng nghĩ đến lúc được bước chân lên đó để về với đất liền. Mấy ngày chờ đợi ấy nó đã hiểu thêm về biển. Biển đỏng đảnh và hung dữ lắm. Mặt biển chao lắc như người ta lắc một chậu nước đầy vậy. Nước quất ràn rạt lên nhà đảo. Gió tốc mọi thứ bay xuống biển nếu không đưa xuống hầm. Muối bám khắp mặt đảo, trên thành tường, mặt bàn ghế, trong đáy bát, trên bề mặt da người... Tiếng sóng đánh vào bờ không lúc nào ngớt. Vậy mà anh Thạch vẫn phải đi gác đêm. Nó ngủ với anh Thạch nên nó thường thấy anh trườn dậy rất nhẹ nhàng để đi nhận đổi gác cho người khác. Có lần nó lặng lẽ dậy theo anh. Nó thấy anh mặc áo mưa trùm kín người, lặng lẽ ôm súng đứng dưới gốc phong ba nơi góc đảo. Gió thốc vào mặt nó. Tiếng rú gào của đại dương làm nó nhiều lần rùng mình. Nhỏ nhoi và cô độc quá! Mênh mông và vô định quá! Anh Thạch hơn nó có sáu tuổi thôi. Mấy ngày nữa là anh bước sang tuổi hai mốt. Nó đã chỉ lên ve áo anh và hỏi:
"Anh cấp gì".
Anh bảo:
"Hạ sĩ".
Nó chẳng biết hạ sĩ là to hay nhỏ. Bây giờ nhìn thấy anh cầm súng đứng gác trong chiếc áo mưa trùm kín người nó thấy thương anh quá. Nó không muốn anh nhìn thấy nó đang thập thò đứng xem anh gác. Nó lại lặng lẽ chui vào màn và thao thức mãi không ngủ được. Nó bị ám ảnh bởi cái dáng lùi dần, lùi dần của anh quanh gốc phong ba khi tránh nước biển hắt lên. Ở trong đất liền nó đã ngủ rất ngon mà chưa bao giờ nghĩ rằng để canh giấc ngủ cho nó, ngoài đảo xa này luôn phải có những người như anh Thạch đứng gác. Đêm ấy nó đã thức đến sáng. Sáng hôm ấy trời quang mây tạnh. Mặt trời nhô lên nơi mặt biển cuộn mình khuất sau tầm mắt. Bố Vương bảo:
"Thời tiết này xuồng sẽ vào được".
Thế là cả đảo háo hức đợi chờ. Nhưng phải hai giờ chiều, nước lên xuồng mới cập được! Biển cả phức tạp quá. Nó nghĩ thế nhưng nó cũng hiểu rằng ra với biển phải tuân theo quy luật của biển. Những người đến hạn được về bờ đã chuẩn bị mọi thứ, chỉ chờ gọi tên là nhấc ba lô lên vai ra tàu. Bác sĩ Hiếu cũng đã hoàn thành cái công trình bí ẩn của mình. Những con ốc trinh nữ đủ sắc mầu bây giờ ngự trên những cành thép có đính vài ba chiếc lá nhựa, làm nên cả một đóa hồng tuyệt đẹp. Thì ra bác sĩ Hiếu đã hứa gửi cho cô bạn gái chùm hoa làm từ ốc trinh nữ, và lời hứa ấy phải được thực hiện trong dịp này. Hai giờ trưa, trời nắng chang chang. Chiếc xuồng máy kéo chiếc xuồng chuyển tải vào bờ khá khó khăn vì vấp phải vô số đá mồ côi. Anh Thạch cùng một số người phải bơi ra để phụ giúp kéo xuồng vào. Trên xuồng có rất nhiều thứ, nào mì tôm, thịt hộp, nào thư báo, đường sữa, thuốc men, lại cả một chú "ỉn" nằm hồn nhiên trong khoang xuồng ngọ nguậy đuôi nữa. Nó cũng đã chuẩn bị xong mọi thứ để về đất liền. Bố Vương cho nó một cái ba lô và tặng nó một cái mũ tai bèo. Bố còn bảo:
"Bố đã báo cáo với chỉ huy vùng rồi. Tàu sẽ đưa con về đất liền, sau đó chỉ huy vùng sẽ bố trí người đưa con về tận nhà. Mấy ngày đi tàu con giữ gìn sức khỏe cẩn thận. Và đừng quên những người lính ở nơi bão tố này, con trai nhé!".
Anh Thạch kỷ niệm nó khẩu súng bắn cá. Bác sĩ Hiếu tặng nó ba bông hồng được làm từ ốc trinh nữ. Ngoài ra trong ba lô của nó còn có san hô, quả bàng vuông, cá bọc thép, các loại vỏ ốc...
Bố Vương bế nó từ cầu đảo đặt lên xuồng. Anh Thạch chuyển ba lô lên cho nó rồi lội xuống biển đẩy xuồng ra ngoài xa. Bác sĩ Hiếu gọi với theo nó, nhắc buộc lại quai mũ tai bèo cho chặt không gió cuốn đi mất. Con xuồng từ từ rời khỏi đảo P. Nó giơ một tay lên vẫy vẫy cho đến khi không còn nhìn thấy những người đứng trên cầu đảo nữa. Xung quanh nó có nhiều người khóc vì chia tay. Nước mắt nó cũng ứa ra, nhưng nó quay mặt đi để không ai nhìn thấy. Con gái bố Vương biết nó khóc sẽ cười. Nó đã ghi địa chỉ của con gái bố rồi. Về tới đất liền việc đầu tiên là nó sẽ viết thư cho các chú các anh ở đảo P và con gái bố Vương. Trong thư gửi cho con gái bố Vương nó sẽ gửi kèm theo một tấm ảnh chụp cảnh bắn pháo hoa ở thành phố quê hương. Nó tin là con gái bố Vương sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được thư nó. Tàu đã quay mũi rồi. Trước mặt nó là đất trời đang chờ đợi, sau lưng nó là quần đảo bão tố với sóng và gió, với bố Vương, anh Thạch và bác sĩ Hiếu.
Thế là nó sắp bước sang tuổi mười lăm. Nó đã hiểu thế nào là ở nơi bão tố!
@by txiuqw4