sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sóng Vũ Môn

cover

Tác giả: Nguyễn Công Hoan

Thể loại: Truyện Ngắn

Tình trạng: Đã hoành thành

Về huyện Thanh Trì, cách tỉnh Hà Nội độ mươi cây số, ở giữa làng X.X. có một cái nhà cổ. Cứ xem chữ khắc ở trên câu đầu, thì biết cái nhà ấy thượng lương từ ngày tháng ba năm Canh thìn, đời vua Minh Mạng nguyên niên (1820). Kiểu mẫu nhà ấy tuy không lấy gì làm đẹp, song sơ lược dễ coi, mà kiên cố lắm. Trước nhà, một cái sân rộng lát toàn gạch bát to, ngang dọc mỗi bề đến một thước. Một khu vườn rộng, cây cối um tùm, mùa nào thức nấy, dưới bóng cây, lẩn mươi đống rơm cao ngất, thực là một nhà giầu thú quê, cha truyền con nối, không biết phát đạt từ đời nào, mà về sau mỗi đời lại thêm thịnh vượng, hoặc vì đất cát mấy ngôi mồ mả, hoặc vì phúc trạch của ông cha, hoặc tài thao lược của con cháu. Hiềm vì một nỗi, đời nào cũng yêu sự khoa cử, nhưng bận nào cũng lao đao trường ốc, rút lại đến xoay nghề buôn bè cùng làm đến tổng lý là hết. Chủ nhà ấy là ông tổng Hưởng, râu tóc đen rậm, mặt mũi nở nang, rõ ra một người phúc hậu. Vợ mất sớm, ông chỉ có một con trai, năm ấy (1965) đã lên mười lăm tuổi. Hoàng Quý (con trai ông tổng Hưởng) theo học trường một ông đồ ở cạnh làng, nên đã thông, làm nổi bài luận ngắn, và đọc sách được mạch lạc. Ông tổng thấy con có tư chất và chăm chỉ, thì bao nhiêu cái chí khí bay nhẩy ở đâu đều trú cả lại mà hy vọng cho con, bèn định cho ra kẻ chợ để theo đòi học tập.

Một hôm đi vắng về, ông gọi con bảo rằng:

- Quý ơi, thầy xem gia phả nhà ta thì biết các cụ ta ngày xưa đã trầy trật về đường nghiên bút, theo đuổi mãi nơi sân Trình cửa Khổng, song điều kỳ vọng vẫn là mộng tưởng, chỉ loanh quanh trong nghề buôn bè, cái vòng tổng lý. Kể gia tư nhà mình thì không ai bì kịp, thanh giáo nhà ta ai cũng trọng, song thầy nghĩ giầu như Vương Khải, Thạch Sùng ngày xưa, cũng chỉ là anh trọc phú, sang đến đâu cũng chỉ là thầy hào thầy bá nhi dĩ, thấy bóng quan đã gãi đầu gãi tai, khoanh tay dựa cột, trái ý thì bị quở, việc chậm là có đòn, thật là một nghề đầu chầy đít thớt vậy! Này như người ta kia, khoa danh kế thế, trung hiếu truyền giai ra ngoài cờ mở trống giong, về làng ăn trên ngồi trốc, mình nghĩ mà thẹn thay. Vậy nay thầy định cho con theo đòi nghiên bút, một mai nhờ tổ ấm, phất vua lộc nước, công danh hiển đạt thì vẻ vang đến tổ tiên, đẹp mặt cho cha mẹ. Cái gia phả họ Hoàng ta thực đáng quý thay. Con nên cố, khỏi phụ lòng cha mong mỏi. Hôm qua, thầy ra tỉnh Hà Nội, vào hầu cụ cử Nguyễn, thấy ngài dạy đông học trò lắm, nhân thầy có xin trước cùng cụ, sẽ cho con ra thỉnh nghiệp. Vậy con nên sắp sửa hành trang, lễ vật, để mai cha con ta ra hầu cụ. Con chớ lo ngại điều gì, tuy u có mất sớm, thầy thiếu tay đỡ đần, gà sống nuôi con, ngoài coi sóc việc nông thương, trong tần tảo việc nhà cửa, một chốc mười mấy năm trời, đều một tay thầy cáng đáng, vậy công việc thầy làm đã quen, sự khó nhọc thầy coi dường tơ tóc. Chẳng những khi con đi học vắng, việc thầy làm không trễ nhác, mà lại có phần vui vẻ phát đạt hơn được. Thầy nhất sinh hay buồn, nhưng từ ngày thấy con học hành được, thì lòng thầy phấn chấn vô cùng. Vậy bây giờ thầy tham sống là chỉ để mong cho con, để gây dựng cho con, để...

Ông tổng Hưởng nói đến đó thì mắt rơm rớm ướt, Quý đứng thõng tay tựa cửa, nghe lời cha mà trên cái bộ mặt khôi ngô ấy đã biến ra lắm vẻ. Những lời nghiêm huấn đó, thì đến sắt cũng phải oằn, đá cũng phải xiêu. Sáng hôm hai mươi tháng giêng năm ấy, cha con Hoàng Quý bưng một mâm cau đến nhà cụ cử Nguyễn xin nhập môn. Cụ cử thấy Quý vẻ người tuấn tú, mặt mũi sáng sủa, nhận lời ngay, mới bảo thầy trưởng tràng biên vào sổ đồng môn. Trước khi cáo về, ông tổng rụt rè, thưa với cụ cử:

- Lạy cụ, nhà con thực có mình cháu, con chỉ muốn cho cháu theo đòi đạo thánh, nhờ cụ bảo ban cho, ơn ấy không bao giờ dám quên. Vả đạo thánh là đạo rộng, lạy cụ, con bẩm câu này tự lấy làm lỗi quá, song vẫn biết cụ là lượng cả, nên con mới dám thưa.

- Được, có câu gì cứ nói.

- Bẩm cụ, ở ngoài con ít người quen, không tiện chỗ nào cho cháu trọ học, vả nơi thành thị là chốn ăn chơi, cái hay thì ít mà cái dở thì nhiều, con sợ cháu nó là con nhà hiếm, tính quen nuông chiều sẵn, hoặc giả nhiễm thói hư chăng, nên đánh liều xin cụ cho cháu được ở hầu đây, sai bảo điếu đóm, và rèn cặp cho thành nếp, được gần nơi thanh giáo, thì sự học dễ hỏi han. Lâu nay, quả con mộ cái thanh thế đấng tiên nhân cùng phúc trạch của cụ, mới mong cho cháu theo ít giáo hóa chốn gia đình.

- Vâng, ông nghĩ đó thực chí phải, xem ra ông cũng là người mộ đạo vô cùng. Vậy tôi xin hết lòng bảo cháu, cho khỏi phụ bụng ông.

- Dạ. Ông tổng không còn lẽ gì cần thêm nữa, nên sau tiếng dạ cụt thun lủn ấy, lại tiếp thêm:

- Lạy cụ, nhà chúng con quê mùa, không có gì, gọi là vi thành, có buồng cau dâng cụ, xin cụ thương cho. Cụ cử vẻ mặt rất tự nhiên đáp:

- Xa xôi, ông bầy đặt ra làm gì cho thêm phiền! Cụ cử ra dáng bất đắc dĩ, bảo anh học trò bé đứng bên, bưng vào đưa cụ bà cất. Ông tổng vái một cái thực dài, và cáo lui. Quý nửa mừng nửa nhớ lẳng lặng tiễn cha ra cửa. Ông tổng ngảnh cổ lại dặn:

- Con ở đây học cho chăm chỉ, mỗi tháng thầy sai đưa ra một thúng gạo, một con gà làm lương học, với một quan tiền để tiêu vặt. Con nay đã lớn, phải biết suy nghĩ, đừng có nhớ nhà. Những ngày kỵ ông, bà nội và u con, cùng tết nhất, hãy xin phép cụ về. Nhà cụ là nhà thi thư văn phép lắm, con nên ăn ở cho có ý tứ và lễ phép. Thôi, con có nói gì nữa không, thầy về đây! ạng tổng biết tính con gan góc, ít nói, ít cười, nên chỉ dặn con có thế. Quý chắp tay vái chào cha, rồi quay lưng lững thững trở vào, không hề ngảnh cổ lại. Xem như thế thì ông tổng Hưởng khát khao sự học biết là ngần nào. Song được cậu con biết nghĩ, thấy cha thế, nên càng gắng công dùi mài, trau dồi kinh sử. Trừ những ngày xin phép về nhà, còn không ai gặp Quý đi chơi ngoài phố. Quý mỗi ngày một tiến, cả trường ai cũng phục là người có nết có tài.

Quả đất xoay quanh đường quỹ đạo, ngày kia, tháng khác, xuân qua, hạ lại, thu tới, đông đi, bỗng chốc đã ba năm vừa chẵn. Ngày tháng hai năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), bỗng có chiếu chỉ của nhà vua ra rằng nhân khánh điển (không nhớ khánh điển gì), đến tháng mười năm ấy sẽ mở khoa thi. Tháng năm sát hạch, ai đỗ sẽ được thi. Thầy khóa Quý gặp cơ hội may, ra hạch ở Hà Nội, đỗ ngay đầu xứ. Ngày xưa, vì lối đi chưa được tiện lợi và nhanh chóng, cho nên nhà vua lập ra hai trường thi, trường Hà Nội và trường Nam Định, để học trò dễ sự thi cử. Gần kỳ thi, ông tổng Hưởng chọn ngày, sai đẵn một cây tre. Ông tự tay chẻ ra từng thanh dài độ hơn một sải, vót tròn đẽo nhọn hai đầu, buộc thêm một cái ghim, rồi dàn những gọng ấy ra, lấy dây buộc cách nhau độ một gang, căng vải phủ lên trên, lấy chỉ đính vào gọng, sơn đi sơn lại hai ba lượt thật kỹ. Rồi ông cưa đoạn gốc, tra cán làm vồ, đẽo nhọn đoạn tre bổ đôi làm nọc và mua một cái chõng cùng đôi chiếu mới. Sắp đâu vào đấy, ông lại sắm thêm một cái yên con bằng gỗ mộc, và một cái ống quyển sơn sơn, buộc thõng vào cái dây thao đỏ. Trong hai ô kéo yên, ông bỏ sẵn một trăm giấy vũ di, một chục bút lông thủy, hai thoi mực cực phẩm, một cái nghiên đá và một con dao dủi. Ông lại mang theo một thằng nhỏ để quẩy những đồ vật mới sắm ấy, rồi cùng vào nhà cụ cử. Cụ cử trông thấy, mừng quá, liền bảo rằng:

- Tôi mong ông mãi, vì có câu chuyện muốn nói, và mời ông ra chơi đây với tôi để xem thi. Ông tổng vái chào, đáp:

- Lạy cụ, nhờ cụ dạy cháu, may được đầu xứ, đến kỳ thi cháu được đỗ, thật ơn ấy chúng con không bao giờ dám quên.

- À, ra ông đã sắm hết đồ đạc lều chiếu cho anh xứ Quý đấy rồi. Tôi định nói với ông rằng thức ấy nhà tôi sẵn, anh ấy cứ lấy mà dùng cho khước, tội gì còn sắm thêm cho tốn.

- Đa tạ cụ, con vẫn biết thế, song sợ cháu thi khoa này không chắc đã được vào, nên con sắm những thức này cho bền, để khoa sau khỏi phải sắm, và về sau truyền lại cho cháu chắt dùng làm vật kỷ niệm.

- Ông này nói gở, can gì anh ấy hỏng. Tôi bảo anh ấy học, nên tài anh ấy tôi đã rõ, giẫm phải vỏ chuối cũng không trượt. Khoa này anh xứ lấy cho thầy cái thủ khoa nhé! Quý chân đẩy bu gà thiến lại gần thúng gạo, cúi đầu đáp:

- Dạ con xin cố! Ông tổng đứng khúm núm thưa:

- Lạy cụ, chúng con thành tâm lên tết cụ.

- Sao ông cho luôn mà bận nào cũng hậu thế?

- Bẩm không dám, cụ tác thành cho cháu, con tưởng thế này là còn bạc lắm.

- Ông dạy quá, công tôi bảo anh ấy thì ít, mà tài anh ấy thực là cao. Xưa nay tôi chưa thấy ai học hay chữ đến thế. Chắc phen này đỗ thủ khoa. Song tôi với ông, chẳng lẽ tôi lại từ, thế nào cũng xin mời ông ở lại xem thi đã. Trong khi nói chuyện thì bữa cơm chiều vừa dọn ra. Cụ cử mời ông tổng cùng ăn. Quý tuân theo lệ thường, bắc ghế ngồi cạnh hầu cơm. Chuyện trò rất vui vẻ, chủ khách đàm đạo đến mãi khi cơm xong, rửa mặt uống nước. Chợt có người lính tuần vào nói với cụ cử:

- Thưa cụ, cụ cho thầy xứ Quý vào cụ lớn bố đòi. Quý ngạc nhiên, đưa mắt hỏi ý thầy. Ông tổng thấy nói quan đòi đã giật mình, trong bụng phân vân, nửa mừng nửa sợ. Cụ cử ung dung, vuốt râu mỉm cười thong thả bảo cậu vệ:

- Cậu cứ về, nó sẽ vào hầu cụ lớn sau. Khi người lính đã ra, ông tổng bụng dạ còn đương vơ vẩn, bèn hỏi cụ cử:

- Bẩm cụ, chẳng hay việc lành hay việc dữ?

- Việc là việc hay đó! Quý cũng mất cả gan, hỏi:

- Con không hiểu thế nào cả.

- Thế con có biết người học trò to lớn, mặt mũi trắng trẻo, ăn mặc lịch sự, vẫn đến tập văn thầy ở đây không?

- À, cậu Tư!

- Phải, con biết tên là cậu Tư mà thôi, chứ chắc con cũng không rõ đấy là con cụ lớn bố. Vì thầy thấy người ấy không thân gì với con, xem ra lại có ý khinh bỉ, cũng một đôi khi có khích bác và cãi nhau với con nữa.

- Bẩm độ này cậu ấy hay mời con đi chơi và lên cao lâu uống rượu, nhưng con đều từ chối cả.

- Ấy, vì cớ ấy nên cậu ta mới cầu thân với con, mà hôm nay mới có lệnh đòi.

- À, con đã hiểu. ạng tổng ngồi nghe chuyện, mắt gấp gay, mồm há hốc, vẫn chưa vỡ lẽ, bèn hỏi lại:

- Xin cụ truyền rõ thế nào cho con hiểu với, kẻo con sợ vì sự bất bình mọi khi mà sinh tai vạ cho cháu.

- Ông này mới cổ nhân chứ! Hay dở thế nào, sau ông sẽ rõ. Còn anh xứ thì sắp khăn áo vào hầu, ta cho người đưa đường. Quý vừa bước ra đến cửa, thì gặp cậu lính khi nãy nói:

- Cụ cho đòi anh, bảo phải vào ngay, ngài đương đợi. Quý bèn vội vã rảo cẳng theo cậu vệ vào dinh. Ngày đông tháng giá, gió bấc căm căm, sương chiều mù mịt, hai người ngậm miệng cùng nhau thui thủi bước đều qua dẫy hàng cơm con đường Hàng Cỏ. Ngoài đường, lác đác có các thầy nón sơn đội đầu, quan tiền vắt vai, ống quyển cạnh sườn, lều chiếu cắp nách. Hai bên đường, nhà nào nhà nấy đèn thắp sáng choang, thịt treo lủng lẳng, dưới chõng hàng nghi ngút khói nồi canh, thơm sực mùi cá rán. Ngoài cửa, cô hàng thập thò mong ngóng, inh ỏi mời chào, nào mời thầy khóa vào nghỉ nhà tôi, rộng rãi thảnh thơi, chiếu giường sạch sẽ, cơm lành canh ngọt, rượu nồng nem chua; nào mời thầy vào nghỉ một thể, nhà con có mấy cụ tú đến trọ, khoa trước có mấy ông đỗ. Thỉnh thoảng ở đầu ghế, những vị thầy bói tay bưng cơi trầu có gác mấy nén hương lên quá trán, suỵt soạt khấn vái lầm rầm, rồi hạ cơi xuống mặt tráp, để gieo tiền Vạn Lịch: Mấy cụ thầy tướng, đôi mắt cập kèm lẻn sau cặp kính mờ mờ, nghiêng ngửa nói năng, giở sách luôn mồm vanh vách. Ngoài những cảnh hàng cơm, giữa đường, thỉnh thoảng có một vài cặp cáng, theo sau một lũ gia đinh khiêng hòm xiểng, tráp điếu nghênh ngang, nghễu nghện đỗ trước hàng cơm. Bọn người nhà hoảng hốt, nhanh nhảu vào nhà nọ, ra nhà kia, xem có chỗ nào rộng rãi lịch sự để cậu con quan ấy, quan nọ vào trọ. Nhưng phần nhiều các công tử đi thi lại thích vào trọ nhà cô đầu. Chẳng những được cơm ngon canh ngọt, lại có sẵn cả gối êm đệm ấm nữa. Hết Hàng Cỏ, rẽ ra Cửa Nam, Quý thấy người túm đông túm đỏ, đương xem tờ yết thị. Quý tạt vào, thì cậu vệ nắm áo giằng lại:

- Có gì mà xem, đó là quan yết thị đến hăm nhăm tháng này thì khảo quan tiến trường, hăm sáu nộp quyển, sang mồng một vào kỳ đệ nhất. Thôi, hãy đi cho xong việc đã.

- Hôm nay là mấy, cậu?

- Hôm nay là hai mươi rồi.

- Thế mà tôi chưa đóng quyển chi hết.

- Chốc nữa về đóng hãy còn kịp.

- Cậu có biết cách thức đóng quyển thi thế nào không?

- Nghe đâu đóng phản trương tờ đầu, rồi gấp năm, một phần làm gáy đề tên ngoài, rồi thế nào nữa tôi không nhớ, có muốn biết cách thức, chốc nữa hầu cụ lớn ra, xuống tìm tôi ở trại, tôi đưa sang dinh cụ lớn đốc, vào hỏi lão lễ sinh, đãi hắn vài quan tiền, hắn dẫn cách thức cho. Hoặc mua ngay quyển hắn đóng sẵn, mượn hắn đề tên hộ cho cũng được. Ấy mỗi khoa thi họ kiếm tốt lắm. Lại còn nhiều người muốn vào cùng nhau một vi, người ta cũng lót lão lễ sinh để nói với ông lại phòng, khi soạn những quyển đã nộp phân đi các vi, thì họ tìm quyển của mình mà xếp làm một, như thế các thầy thực là dễ dắt díu nhau. Ấy thế mà nhiều thầy khóa dại quá, khi được vào chung vi, bài làm tương cả bản giáp của người ta ném vào cho, giống nhau như hệt, bị các quan đánh trùng kiến, hỏng liểng xiểng!

Trong khi cậu vệ giở mồm mép một nhà theo voi vác hèo ra như thế, thì Quý đầu gật gù, chân lững thững đi qua Cửa Nam, hết quãng đường trong thành, gần đến dinh cụ lớn bố. Thoạt thấy sừng sững cái cổng quét vôi trắng xóa, trên thắp ngọn đèn long mã tờ mờ, ngoài bóng thấp thoáng ba chữ Bố chánh tư đỏ lộ ra, Quý mới sực nhớ mình đi có việc, liền đánh bạo hỏi cậu lính:

- Cậu làm phúc bảo tôi, cụ lớn đòi tôi có việc gì?

- Tôi không rõ. Chỉ biết rằng lúc cụ lớn truyền tôi đi gọi anh thì ngài đương gắt gì, và có cả cậu Tư ở đấy. Quý ta sực nhớ hôm qua cậu Tư mời mình lên hiệu mình từ chối mãi, đến cậu phát khùng lôi kéo to tiếng với nhau. Mồ hôi khi ấy toát ra, Quý vừa đi vừa nghĩ. Qua cái hồ tròn, giữa bầy hòn non bộ, Quý đến trước một cái nhà lầu to. Cậu lính ngăn lại, tiến vào trước để trình. Cảnh cửa vừa mở, xứ Quý thấy tiếng hai người già nói chuyện

- Giá gọi là hai cụ lớn thì phải. Nhưng bỗng một tiếng quát rất dữ dội làm Quý hết hồn:

- Tống cổ nó xuống trại, giao cho chánh đội. Số là trong khi cậu lính đi lần thứ hai, thì có cụ lớn nào ở Kinh ra chấm trường, đến chơi với cụ lớn nhà ta. Đáng lẽ cậu lính phải theo phép mà vào thầy đội để thầy lên trình quan, nay tự tiện trình lấy, ấy là lỗi. Thầy đội nghe tiếng quan thét, vội vã ở đâu chạy lên, vừa gặp tên lính đi ra, vội vàng hỏi ngay:

- Cụ quở gì thế?

- Thưa thầy, chẳng biết tên này có tội gì mà cụ sai đưa xuống thầy giữ. Thầy đội đánh hơi, biết rằng việc này mình có kiếm, lôi ngay tên tù giam lỏng xuống trại. Trại lính ở về phía hữu, nhà gỗ lợp gồi, có năm gian hai chái. Hai chái đầu là hai cái buồng: một buồng làm nhà giam những kẻ có tội đương xét, giữa buồng dựng một cái cùm lim to, tường treo mấy bộ gông xiềng, Nhà ngoài, gian giữa, có cái bàn thờ tổ, ngoài treo mành mành hao. Hai bên, kê hai dãy phản, chiếu để xộc xệch, dưới gầm mấy đôi guốc gỗ để lổng chổng. Trong ô tường nào kìm, nào cặp, nào roi, nào tấn. Buồng bên kia, thầy đội ở, trong bầy biện đẹp đẽ: tủ kính, bàn độc, song bình, giá hương. Trên sập, bầy la liệt điếu sứ, tráp sơn, gối xếp, đèn tọa. ở trường, có treo mấy đôi liễn và ở cột một cái túi roi, mấy đôi hèo. Trên mặt hòm rương, có đặt một cái giá, cắm vài cặp tín bài. Thầy đội ngồi trên ghế, hút điếu thuốc, vắt chân chữ ngũ, tựa tay vào bàn hỏi:

- Thế nào, tội anh làm sao? Nói thật ta xem!

- Lạy cụ, con chẳng biết rằng có tội gì mà cụ lớn đòi.

- Anh chết, muốn sống thú thực với ta, rồi ta trình lên cụ lớn ngài liệu cho.

- Cụ thương cho thì được, mà bắt tội thì con phải chịu, chứ cụ bảo thú thì con chẳng biết gì mà thú.

- Được rồi sẽ biết! Mày chết. Những câu trên này, thầy đội đã dùng nhiều lần để nói với kẻ bị lỗi, xem ra cũng công hiệu cho cái chính sách kiếm chác của thầy. Song, lần này chẳng những thầy dùng mấy câu sáo đó, lại còn hết dỗ dành đến dọa nạt, để ngộ có hở cơ thì thầy nắm lấy chuôi.

Nhưng được anh tù là người có ý và ngay thực, nên cái chính sách của thầy không hiệu. Chợt có tiếng gọi to, đưa tên Quý lên hầu. Xin các ngài nhớ cho rằng thời bấy giờ có chỗ công môn, trừ những buổi hầu ban ngày, lại còn một buổi hầu ban đêm, mà buổi hầu ấy quan trọng hơn cả. Xứ Quý theo cậu lính lên công đường. Công đường là một cái nhà gạch thấp, nhưng rộng. Giữa treo ngọn đèn ba dây. Dưới bóng đèn, một cái sập gụ chân quì, sau sập là một bàn tầu, trên bầy bộ ba tam sự đồng to. Trước sập một bộ ghế bành khảm quây quanh cái bàn xoay. Khi đó cụ lớn ngài giải tọa một mình trên sập, tay tựa gối xếp, trước mặt có cái điếu ống đồi mồi xe dài vắt cần câu. Ngài thoạt thấy bộ mặt trắng xanh của anh khóa, bèn trông trước trông sau, không thấy ai, mới tươi tỉnh bảo:

- À, có phải tên anh là Hoàng Quý không? Quý chắp tay, đáp:

- Dạ, lạy cụ lớn ngàn năm, con tên là Hoàng Quý lên hầu.

- Có phải anh học cụ cử Nguyễn đó không?

- Dạ.

- Khi nãy ta làm cho anh phải sợ một tí, vì sự nó bí mật lắm. Anh có quen thằng Tư nhà tôi phải không?

- Lạy cụ lớn, không.

- Sao lại không ? Nó vẫn tập văn với anh một trường, thường nó vẫn nói chuyện với tôi rằng văn anh kỳ nào cũng được bình kia mà ?

- Lạy cụ lớn, cậu chúng con cao xa, con là hàn sĩ, vậy chúng con không dám làm quen.

- Anh không quen, nhưng cũng biết nó đấy chứ?

- Bẩm ban nãy con mới biết, vì cậu lính bảo con. Sửng sốt, cụ lớn hỏi:

- Sao? Nó nói chuyện gì, mà nó bảo anh những gì? Quý biết câu trả lời của mình hớ hênh, một là vì cái lo vẫn chưa nguôi, hai là vì mình không khôn ngoan, song cũng phải nói xuôi đỡ đòn:

- Bẩm cậu ta nói nghe đâu vì chuyện văn bài thế nào ở trường thầy cử con, mà cậu Tư con với con sinh sự cãi nhau, nên cụ lớn đòi vào. Nay con mới biết Tư công tử là lệnh lang cụ lớn. Cụ lớn tươi nét mặt, ôn tồn truyền:

- Vì sự ấy nên hôm nay tôi định gọi anh vào để em nó được tạ quá cùng anh.

- Lạy cụ lớn ngàn năm, hàn sĩ này thực là có tội với công tử lắm. Nhưng vì con nhà học trò, cho nên không thuộc chỗ công môn, để đến nỗi ngài phải bắt mới vào, thực là đại tội, xin cụ lớn thương cho.

- Không, ta không chấp. Ta còn muốn nhờ anh một việc to tát, anh mà làm được thì không những ta trọng thưởng, mà ơn ấy ta không quên được. Quý xem ý, đoán tất là việc to thật. Song cụ lớn còn phải nhờ mình thì chưa chắc đã khó. Nhưng Quý cũng cứ khiêm tốn, thưa:

- Lạy cụ lớn, tiện sĩ tài hèn sức yếu, biết có làm được không.

- Anh không nói thì cái tài anh, đức anh, ta đã biết hết cả rồi. Con ta mười phần không đậu được một.

- Lạy cụ lớn, ngài dạy quá lời, con nhiều khi được trộm xem văn của công tử, thì tài con thực đại bất cập.

- Anh lạ gì các cậu con quan, học hành gì chúng nó, văn bài gì chúng nó, chỉ sẵn của bố mẹ đấy, ăn cắp đi mà sắm ăn sắm mặc, chơi dại chơi càn. Bố mẹ có muốn cho con khá mới bắt đi học, lười biếng phải mắng chửi, chơi bời phải cấp chấp. Nhưng nào các ông ấy có nghe, đi học chẳng đi, lại tạ dĩ ra mà đi chơi, bài làm chẳng làm, chỉ thuê người làm hộ, đưa lại nộp thầy thì thầy nể, khuyên như đổ son để đêm về khoe bố. Nào biết đâu, đấy chỉ là tài mượn. Hôm qua, tôi mới bắt nó làm văn nhật khắc, thì ra cậu mít đặc cán táu, ngồi từ giờ Dần đến giờ Dậu, không viết nổi ba câu văn sách. Bây giờ tôi lấy làm chán quá. Con các quan người ta đỗ xoành xoạch, mà con mình thì cửa trường chưa biết, tôi lấy làm thẹn lắm. Ba thằng kia hỏng cả, còn thằng này hơi có tư chất một tí, cũng chẳng ăn thua gì. Phen này tôi quyết tuyết-sỉ mà lập một kế, cái kế ấy, phải cần đến anh, vậy anh chớ từ nan.

- Xin cụ lớn truyền cho.

- Anh phải kín mới được, chớ tiết lộ.

- Dạ. Cụ lớn cho Quý ngồi ghế bành, rỉ tai nói một hồi lâu. Đoạn ngài gõ chuông gọi lính, sai mời Tư công tử ra. Công tử đứng sau bình phong nghe trộm đã lâu, thấy cha đòi, lập tức bước ra. Hoàng Quý trông thấy, vội vàng đứng dậy thi lễ, công tử đáp lại. Cụ lớn vào nhà trong, còn hai người ngồi lại thì thầm một lúc nữa thì bác xứ Quý cáo từ về nhà. Đến nơi, cụ cử hỏi ngay:

- Xứ Quý đã về đó à? Việc con hẳn hay nên trông tươi lắm.

- Dạ, quả thị không sai. Ông tổng cũng hỏi:

- Thế nào? Ngài cho con một chân thư lại vị nhập lưu, hay cái bằng cấp đầu xứ?

- Bẩm to hơn nhiều. Cụ cử gạt câu chuyện ấy đi, bảo xứ Quý đóng quyển. Quý vừa xoe giở chiếc lề, bỗng cậu vệ khi nãy vào, tay cầm một quyển có đóng sẵn, đưa cho Quý:

- Khi nãy anh vào dinh, có bỏ quên quyển sách, nên cụ lớn truyền đưa trả. Cụ cử hiểu ý, bảo:

- Con đã có quyển rồi, sao còn đóng làm gì nữa, anh này mới lắm tiền chứ! Đã đi mua sẵn của thầy lễ sinh rồi! Ông tổng Hương thấy con mình tiêu những món có thể đừng được, thì cho là hoang phí, bèn quắc mắt toan mắng. Song cụ cử gạt đi, mời ông lên giường nghỉ. Ông tổng đành chịu, đem cuộn cái bụng nghi ngờ và tức tối vào trong chăn. Sáng hôm sau, cụ cử sai người thắng đường nấu chè, đồ xôi. Đúng giờ, cụ ra ngoài đình gần đấy. Học trò theo lời cụ dặn, chờ sẵn cả ở đó. Cụ cử lấy tư triện, đóng giáp lại các quyển tập văn như lối trường thi, rồi ra bài kinh nghĩa theo kỳ đệ nhất. Trong cả sáu kinh, ai làm được Kinh Dịch thì là đàn anh, còn các kinh khác, thì đều như nhau. Song, bấy giờ học trò còn thiên về Kinh Thi, vì Kinh Thi dễ. Trưa đến, cũng lấy dấu nhật trung, rồi học trò ăn xôi chè của cụ thết, đoạn lại bắt đầu làm, đến chiều tối mới nộp quyển. Hôm sau cụ cử cho bình những văn hay. Hôm sau nữa, cụ lại ra bài phú lục, theo cách thức kỳ đệ nhị. Rồi cụ ra mấy câu văn sách, nửa cổ nửa kim, theo cách kỳ đệ tam. Quý kỳ nào cũng được đứng đầu. Lòng cụ cử lấy làm vui vẻ lắm. Học trò nộp quyển thi ngay từ hôm bình văn kỳ đệ nhất ở trường cụ cử. Khoa thi là một khoa cử ba năm mới có một lần, trừ khi vua có mở ân khoa như năm ấy. Vì vậy, suốt dân gian, tự đàn bà trẻ em, sĩ nông công cổ, ai ai cũng đều mong ngóng, rủ nhau đi xem. Xong, có hai cách vui khác nhau, một cách vui cho đàn bà trẻ con, là hôm các khảo quan tiến trường, một cách vui cho học trò và phần nhiều người trong xã hội, là hôm vào trường và hôm xướng danh. Hôm hăm nhăm tháng mười Mậu Thìn, trời mưa dầm, rét lắm. Trước dinh quan thượng, gần chân cột cờ đám rước bắt đầu đi. Lính toàn mặc áo nẹp, một đội voi đứng dàn trước mặt, một người dịch loa, một đôi lính kỵ, mươi ngọn cờ nheo, chiêng đồng, trống cái, ngũ lôi, bát âm, kế đến bốn đôi quất, các quan trường ngồi trên võng điều che bốn lọng. Rồi một đội cũng cờ, cũng trống, cũng loa, đôi voi đi ủng hậu, đám đi rất nghiêm trang nghi vệ, rõ ra cảnh tượng thái bình. Hai bên từ Cửa Đông, Hàng Mành qua Hàng Hài, Cửa Huyện Thọ, Trường đúc tiền, đến cửa trường thi, người xem đông như kiến cỏ. Đám rước đi tới đâu, thì ai đứng phải ngả nón, ai ngồi phải đứng dậy, nếu không tuân, sẽ bị roi cậu lính đét lưng. Các quan vào trường tế một tuần, dùng lễ tam sinh. Nửa đêm hôm ba mươi, mưa phùn, đường lầy, trời tối như mực, gió thổi lạnh buốt. Xứ Quý ăn cơm xong, sắp sửa các đồ dự bị vào trường, xắn quần, vén áo, ngọn đuốc cầm tay; người nhà quẩy lều, chiếu, yên chõng theo sau, hai người lững thững bước ra phố. Đi được nửa đường, Quý gặp cậu Tư con cụ lớn bố, bèn rủ nhau đi cùng. Ngoài phố, nhấp nhô ngọn đuốc, chỗ xa chỗ gần, cùng trông trường thi thẳng tới, như một đàn đom đóm kéo quân. Trước trường thi, hai ngọn đình liệu đỏ ối, người đông lố nhố, chen vai chạm cánh, ai cũng lướt mướt lấm láp, thỉnh thoảng lại bị cơn gió thổi rét run cầm cập, thực là vất vả. Mọi khi, đối với cái cảnh này, nhà nho ngồi nhà, đã lấy làm một cảnh buồn, thì lại pha chén chè ngon, đốt hòn than đỏ, tri kỷ tri âm dăm bẩy kẻ, mà trò đời chuyện thế, đàm đạo cùng nhau, ngâm câu văn cổ, đọc bài tán luận cho giải sầu. Song, đối với cái đêm rực rỡ này, lòng hi vọng về công danh sùng sục như sôi, nó làm tiêu mất cả cái tư tưởng não nùng, mà phải giũ cánh giương vây, đường mây nhẹ bước...

Một chốc, tiếng loa inh ỏi đinh tai, làm cho ai nấy giật mình, ngửa trông lên. Trên tòa lầu cao, một vị quan ngồi giữa, bên hữu có thầy lai phòng, bên tả có cậu lính thể sách dịch loa. ấy là khi sắp gọi tên các thí sinh lĩnh quyển vào trường. Cạnh lầu, treo một cái bảng con yết các chữ húy nhà vua và trường quy, ai lầm phải khép vào tội phạm húy và phạm trường.

Tư công tử và xứ Quý thế nào lại vào cùng một vi. Nhờ được Tư công tử là người mà phần nhiều lính đã quen mặt, nên việc khám xét qua loa làm phép. Hai người tấp nập, tìm chỗ cao nhất để đóng lều liền sát bên nhau. Quý lấy đĩa xôi, cơi trầu, nậm rượu, thắp mấy nén hương, khấn vái thần kỳ thổ địa, ông bà ông vải, cùng các âm hồn chực báo ân báo oán, đến chứng quả vi thành mà phù hộ cho được thông mây lọt gió, gặp vạn điều hay. Đoạn Quý lấy pháo ra đốt và ngồi chờ ở trong lều, đến lúc rạng đông mới có đầu bài. Học trò kéo ồ ra chép. Trước hết Quý viết ra tờ giấy ráp, buộc vào đầu dây, chăng từ lều cậu Tư sang, rồi giật mấy cái liền làm hiệu. Bên kia thấy động, rút dây về... Quý thi hành mưu ấy suốt trong mấy kỳ sau. Xong kỳ đệ nhất, ai cũng thấy mình nhẹ đi được một phần. Các thầy ra trường, làm huyên náo cả phố xá, nào tiếng cãi nhau về nghĩa sách, nào giọng đắc chí về văn chương, khiến cho khách qua đường hơi lấy làm khó chịu. Nhưng sự khó chịu đó cũng chẳng bao lâu lại tan ngay, vì cái bảng đệ nhị đã mời bớt những ông Đồ kênh về rồi. Chắc ông chẳng phàn nàn gì, vì các ông chỉ cốt đi thi cho biết cửa trường, khi về làng, sung vào chân tả văn, để mẹ đĩ được nhiều phần xôi thịt.

Cứ ngót đi mãi, suốt ba kỳ, trong bẩy nghìn sĩ tử còn độ một nghìn. Tư công tử và xứ Quý nhờ phúc ấm được lọt ba kỳ, còn kỳ phúc hạch nữa là xong. Ông tổng Hưởng chắc mẩm phen này con mình không được tiếng dạ cửa trường, cũng được tú tài đội bảng, chứ chẳng lẽ về không. Sáng hăm bẩy là ngày xướng danh, người đi nghe đông như kiến cỏ. Ông tổng Hưởng sai người nhà mượn ngầm đâu 39 40 được cái áo thụng xanh, để khi xứ Quý có gọi tên thì sẵn có mà mặc vào nhà thập đạo. Chớ khi ấy mới mượn thì sợ lâu, quan gắt chăng. Song sự ấy, ông tổng vẫn giữ bí mật, không cho quan sắp tân khoa của ông biết. Lệ xướng danh thì xướng tỉnh trước, rồi phủ, huyện, xã mới đến tên. Quan trường ở trên lầu truyền xuống dưới, lính thể sách dịch loa theo. Hôm ấy phải chú lính đường trong móm, gân cổ ề à mãi mới được một tiếng:

- Hà Nội tỉnh, Thanh Trì huyện. Ông tổng nghe thấy, mừng quá xuýt ngã, đẩy vai con một cái.

-... Giáp Nhất xã. Nguyễn Văn Sĩ. Ông tổng điếng cả người, tái mét mặt. Lượt gọi tên thứ nhì, đến ngay cậu Tư nhà cụ lớn bố. Thấy tiếng dạ vang trời, dậy đất, từ đằng xa đưa lại, xứ Quý nghĩ đến mình, ruột rối beng. Đám đông người tự nhiên dãn ra cho ông á nguyên thênh thang áo thụng mới tiến vào. Kế đến lượt thứ ba, thứ tư, Quý vẫn chưa thấy tên. Hai cha con thở dài, ngồi xuống chõng hàng nước. Mặt Hoàng Quý lúc bấy giờ điềm đạm lạnh lùng như không. Mỗi lượt xướng danh không thấy tên con, ông tổng Hưởng như bị dao cắt ruột. Anh nhỏ theo hầu, bụng thu cái áo thụng xanh, cứ luôn luôn vơ cái điếu nhà hàng, hết thông lại hút, hết hút lại thông, tay những rắp thò vào bụng để rút áo. Cảnh bi quan ta được mục kích của phần nhiều người trước chỗ xướng danh như thế, diễn mãi tới hồi cuối cùng. Song có một sự kết cục rất đáng thương. Sau khi bảng tú tài đã treo, có người đập vào vai Hoàng Quý, nói:

- Thôi hết rồi, đi về! Ông tổng giật mình đánh thót như người bị bỏng, rồi tự nhiên rưng rức ôm con khóc òa lên. Hoàng Quý vẫn lạnh lùng như không, tự an ủi bằng những câu thơ cổ: Trong cơ duyên may rủi bởi trời, đường sớm muộn có xa nhau mấy bước... Đã tu mi vào trong cuộc cầm thư, người hữu chí trời chi nỡ phụ. Đường kia kẻ trước người sau, trong ba năm nữa có lâu la gì!... Bỗng tên người nhà ở đâu chạy lại, hoảng hốt mừng rỡ, gọi rối rít:

- Thầy đỗ tú tài, thầy ơi! Ông tổng vội lau nước mắt, hỏi:

- Sao mày biết?

- Con thấy có tên trên bảng kia. Số là anh nhỏ nhà quê này, trước cũng đã khốn nạn mãi nơi sân Trình cửa Khổng, đã xem nổi văn tự, đã ký đủ ba chữ tên, song anh chưa dùng cái tài ấy để thi bao giờ, chỉ lần này là lần đầu, anh đi xem bảng thi mà thôi. Trong khi thấy ông tổng khóc, anh bèn quyết phô tài cho bõ công lưng nổi trạch, mép bị vòng mà vội bỏ ngay cái dây thất vọng nó buộc mình, chạy lại chỗ treo bảng. Anh trố mắt ốc nhìn hết bảng này sang bảng khác thì thấy tên thầy ở cái bảng con, chứ không hiểu chi hết. Anh bèn làm bộ công cán lon ton đi trước, đưa hai cha con Hoàng Quý theo sau. Ông tổng Hưởng lách đám đông, đến chỗ người đứng đông xúm xít. Song, vừa tới nơi, bỗng ông rú lên một tiếng thất thần: Con ông bị tội phạm húy. Quý nhìn cha, rưng rưng nước mắt. Anh oán hận phép thi khắc nghiệt vô lý, làm cho anh chỉ sơ ý không nhớ đến kiêng tên húy của nhà vua mà tai hại một đời. Nhưng giữa những tiếng nói cười ồ ạt, còn ai để ý đến nỗi thương tâm của con người bất hạnh, đã đem tài mình cho một kẻ khác được "dạ" vang trời trước cửa trường thi?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx