Thế này thì đến phải chừa thật! Khốn nạn! Giá bảo đã ăn cắp năm lần bảy lượt cho cam! Nó thề với tất cả mọi người rằng vì đói quá, nó mới dám liều. Chứ bản thân nó vẫn lương thiện.
Nhưng ai tin nó?
Người ta không muốn nghe kẻ gian cứ nói dối mãi. Nó đành khóc mà lấy trời làm chứng.
Trời xa. Trời mặc kệ nó.
Vả lại, nó bị bắt quả tang ăn cắp. Theo luật, thế là a lê, vào nhà pha!
- Cứ điệu nó lên bóp, bà ạ. Nó kêu oan thì vả vỡ vỡ miệng nó ra. Để người ta đưa nó vào xăng tan, tẩn cho vài trận thành tàng. Thế cho nó chừa.
- Con cắn cỏ cắn rác lạy các ông các bà, con chừa rồi. Đừng bắt con bỏ bóp. Con sợ lắm! Con chết mất! Biết thế, con chết đói còn hơn chết đòn.
Nó oà lên, khóc rất thảm thiết. Một lúc, nó lăn ra đất, gào lên, lễ la lễ liệt.
Nhưng thế là nó còn non dại, chưa biết gì. Đam người xúm quanh nó lúc ấy toàn là những kẻ thù, chỉ muốn ăn sống nuốt tươi nó.
Hai người cảnh sát xuống xe đạp, rẽ đám người để vào.
Những nét mặt tươi lên. Những mắt long lanh lên. Một vài nụ cười hoan nghênh, tiếp rước hai nhà thừa hành pháp luật.
Nó quay ra. Hi vọng vụt chốc biến mất. Nó suýt ngã. Bất tỉnh.
Bỗng ở trong áo nó rơi ra một tấm bánh. Nó mất kêu oan. Đành mặc người ta túm ngực, lôi xềnh xệch lên sở Cẩm.
Nó nhìn quanh quẩn xem có ai quen không, để mong lấy một sự cứu vớt. Nhưng than ôi, nó sực nhớ ra rằng từ bé, nó chưa biết ai là cha mẹ, anh em cả. Một thân côi cút, bị xã hội đè gí xuống bùn, nó vẫn chỉ lê la đầu đường xó chợ, sống bằng cách tranh cướp chiếc lá bánh, mảnh xương khô với những kẻ cùng cảnh.
Vừa bước qua mấy bậc thềm, nó vào một gian đầy những ông quần áo tây vàng, thắt lưng da ngang mình. Các ông ấy đương ngồi xung quanh một chiếc bàn mộc, cười nói râm ran. Thấy nó vào, các ông nhìn. Từng ấy luồng con mắt rừng rực như muốn thiêu nó ra than.
Nó nóng bừng cả người.
Người cảnh sát dẫn nó, bỏ mũ xuống bàn, thở mạnh một cách khoan khoái, rồi chỉ tay và quát:
- Ngồi vào xó kia, ôn con!
Tức thì, một người khác đi lại chỗ nó, lấy bàn tay khổng lồ úp vào sọ nó, ấn xuống. Mặt nó bị vênh lên.
- Ê! Chà! Ba tuổi ranh đã trộm cắp. Ông cho thì tù!
Những lời doạ nạt thi nhau làm cho nó hoảng.
Dần dần, nó thấy mệt. Mệt quá. Hai mí mắt nặng trĩu. Nó gục mặt vào đầu gối.
Bỗng một chiếc bạt tai thực kêu kéo nó ra khỏi cõi mơ màng. Nó choàng dậy. Thì lại bắt đầu lo sợ. Nó nom ra ngoài đường, ao ước cảnh những người đang kéo xe hoặc bán phở. Nó tưởng tượng được làm con chim kia để bay nhảy một chốc. Thì rồi sau có bị mắc cạm bẫy cũng cam.
Người ta cầm tóc nó, kéo lên. Nó ê ẩm cả một mảng đầu. Lúc nhìn lên, nó thấy một tấm mặt cau có, đen sạm. Nó rùng mình.
Người cảnh sát đến một chiếc bàn con đầy sổ sách, ngoắc ngón tay gọi nó:
- Lại đây, cậu cả!
Nó theo lại, khai tên tuổi. Xong rồi, túi áo, cạp quần nó bị xét kĩ lưỡng. Đoạn người ta dẫn nó xuống nhà giam.
Lúc cánh cửa gỗ đóng lại trước mặt nó, nó còn nghe thấy câu sau cùng:
- Ông cho thì tù!
Chết! Tù thì chết! Biết bao giờ nó lại được tự do? Nó tự trách nó quá dại dột một lúc để làm khổ cả một đời. Ôn lại việc đã qua, nó vẫn không rõ cái sức mạnh nào đã ấn tay nó giơ ra để cướp tấm bánh đó của bà hàng. Nó chỉ còn nhớ là lúc ấy bụng nó réo, mắt nó hoa. Cho nên nó đã làm như một cái máy.
Nó tưởng tượng nếu người ta thả nó ra, thì suốt đời nó sẽ không quên những phút này. Hình ảnh hai người cảnh sát với cái buồng giam cũng đủ bắt nó tránh rất xa những việc phi pháp. Lấy lại được tự do, nó sẽ hiền lành hơn trước nhiều. Và có lẽ nó quy thiện được nhiều bạn nó nữa.
Nghĩ bao nhiêu, nó lại càng thất vọng bấy nhiêu.
Đến hai giờ chiều, người ta ở cửa buồng, xích tay nó, đưa ra toà án. Nó bị dẫn đến trước một ông quan nghiêm khắc.
Ông quan hỏi qua loa, rồi phán:
- Đưa sang đề lao!
Thôi, cõi chết đã đến. Nó bật khóc, khóc rất to mà nó không ngờ. Chân tay nó run lẩy bẩy. Nó ngã khuỵu xuống trước mặt quan dự thẩm:
- Lạy quan lớn. Quan lớn tha cho con! Con chừa rồi. Con thề rằng con không làm bậy nữa. Quan lớn không cần giam con đâu.
Những câu van lơn của nó có kết quả ngay. Quan dự thẩm thét:
- Lôi nó đi!
Người cảnh sát được lệnh, kéo cánh tay nó xềnh xệch ra lối ngoài.
- Ranh con mà bướng thế, không đi. Ông đánh ựa cơm ra bây giờ.
Nó toan để người lính đánh, xem có ựa cơm được không. Vì trong bụng nó, bói cũng chẳng còn một hột có tên gọi quý hoá ấy. Nếu có, thì chẳng đời nào nó đi ăn cắp.
Cổng Hoả Lò mở rộng. Con vật đen sì nuốt trửng thằng bé.
Mai đây, nó sẽ sang Sở mật thám, đo người, chụp ảnh, in tay. Thế là nó bị liệt vào hạng chính thức bất lương. Và bị đòn đánh, tra tấn, rồi vứt lộn xộn với tất cả các thứ rác rưởi của xã hội.
Mấy tiếng trống văng vẳng ở đằng xa. Cậu cai quất chiếc roi xuống sàn, hét:
- Dậy cả đi!
Nó lổm ngổm bò dậy, xếp áo, chiếu, để lên trên ba gạc.
Nó nhìn quanh, ngớ ngẩn. Chẳng bao lâu, nó nhớ lại cảnh mình. Bỗng nó đâm liều. Chẳng liều cũng chẳng làm thế nào được.
Bọn cũ, cậu cai xua ra ngoài sân cho rửa mặt, đi bách bộ. Bọn mới, cậu truyền ở lại trong trại để lau cọ nhà. Cậu phát cho họ hai mươi chiếc chổi buộc bằng những manh chiếu rách quấn lại.
Nó ngoan ngoãn, trước tiên, cầm lấy một chiếc chổi, chui vào tận góc nhà hiểm hóc để quét. Nó có vẻ một đứa bé chăm làm.
Nhưng tự nhiên: Vút! Cái roi mấy quất vào mông nó. Nó giãy nảy, quay lại. Cậu cai nhăn nhở cười:
- Thằng này với ba thằng kia ra nhà xia để dọn.
Nó ức lắm. Nhưng nó phải cố lép, cắm cổ theo lệnh.
Như thế đã xong đâu. Cậu cai rình nó từng tí. Nó biết làm thế nào cho vừa lòng cậu? Cái roi cứ luôn luôn giáng xuống đầu nó vì những lỗi nó không hiểu.
Ngày đầu tiên thực là ngày khổ cực. Đến chiều, cậu cai ra lệnh:
- Im mồm! Ngủ đi!
Tình cờ, nó nằm cạnh một người hơn nó ít tuổi. Nó kết ngay làm anh em. Những câu than thở, những lời xui bẩy, trao đổi, không ngờ nồng mặn ngay:
- Anh bị can án sáu lần rồi, em ạ.
Nó sửng sốt. Nó ngắm lại người nằm cạnh như ngắm một kì quan. Có lẽ nào vào tù nhiều lần thế? Nó như tỉnh một giấc chiêm bao. Thì ra người ta rất có thể phạm tội nhiều lần.
- Thế lần đầu, anh có sợ không?
- Cũng như em bây giờ. Nhưng chỉ vài hôm là quen. Rồi thấy sung sướng.
Ồ quá nhỉ! Nếu vậy, mai, ngày kia, những đứa khác sẽ phải đòn thay nó, mà nó sẽ sung sướng.
- Còn những lần sau?
- Những lần sau vào đây như về nhà. Đến lúc hết hạn phải ra, nhớ họ ra phết.
Những câu nói làm nảy óc tò mò của nó. Nó nghe mà thích chí.
- Anh bị tội gì?
- Toàn ăn trộm.
- Vậy ra anh làm nghề ấy à?
- Ừ. Rồi anh truyền cho em. Anh cũng học được nghề ấy của người bạn ở trong này. Nếu sau này được ra, anh sẽ cho em nhập bọn, rồi em mới giỏi được.
Cứ như vậy, anh em thân mật nhau dần.
Nó chỉ việc lấy tai để nhập tâm những điều cốt yếu:
- Em đừng sợ gì cả. Mình mà có cánh thì đi đâu cũng chả cần. Này, thằng Cam, mấy lần vào đây, đều được làm phó cạo, vác tông đơ đi khắp các trại để húi đầu. Khá đấy. Thằng Tấu có tiền đút lót, lần nào vào đây cũng được làm cai. Nó kiếm chác bọn mình, có tiền để tậu ruộng, tậu nương đấy. Em đừng sợ. Ở tù, tưởng là khổ, chứ khổ đếch gì. Mình khôn, thì vào nhà đá mình học được khối cách kiếm ăn.
Trên tấm linh hồn trong trắng, thằng bạn tha hồ bôi màu. Những nét đậm dần, rõ dần, sẫm dần. Có tài thánh cũng chẳng gột sạch.
Đến hôm ra toà, nhận ba tháng tù, nó chẳng còn bộ mặt buồn thiu nữa. Nó hí hởn đắc chí. Nó có vẻ khinh nhờn pháp luật. Nó cho quan toà là khờ dại, đã gãi đúng vào chỗ ngứa của nó.
Chẳng bao lâu, nó được tha. Trông đời nó có con mắt khác.
Nó lang thang qua sở Cẩm, thăm lại chỗ nó bị giam hôm đầu tiên.
Nó thẹn đỏ mặt. Nó thấy rằng trước nó hèn nhát vô cùng. Làm gì mà phải sợ ai? Cho đến ông sếp nhà pha nó cũng đã coi thường.
Bỗng nó sực nhớ ra rằng từ sáng nó chưa có gì trong bụng. Rảo bước, nó đi thẳng ra chợ. Qua hàng bánh, nó nhận ngay ra cái hồi hơn ba tháng trước, đã túm nó, giải nó lên bóp. Trong óc nó nảy ra một ý: nó phải thử nghề.
Và nó muốn xoáy của bà ta cho bà biết tay.
Nó lượn trước hàng bà cho bà nhận kĩ mặt nó. Nó lại nhìn bà bằng cặp mắt giễu cợt mà nó luyện trong những ngày ở nhà pha. Rồi một loáng nó biến mất.
Vài phút sau, bà hàng la hét, làm rối loạn cả một khu chợ. Tấm bánh bà vẫn bày ở đây. Thằng ranh con ngày trước nó vừa lảng vảng ở đây. Vụt một cái, bây giờ, cả tấm bánh lẫn nó…
Thấy huyên náo, người đội sếp đến.
Bà hàng kể lể sự tình, rồi ca cẩm:
- Tưởng nhà nước bỏ tù nó, thì nó sợ, nó chừa. Chả hoá ra bây giờ nó bợm hơn trước, thầy ạ.
@by txiuqw4