sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thư gửi bố

cover

Tác giả: Franz Kafka

Thể loại: Văn học nước ngoàiVăn học kinh điển

Tình trạng: Đã hoành thành

Đọc ngay

Mua sách giấy

Franz Kafka sinh ngày 3 tháng 7 năm 1883 trong một gia đình Do Thái nối tiếng Đức tại Praha. Ông mất ngày 3 tháng 6 năm 1924 tại Kierling (thuộc Vienna, thủ đô Áo) vì bệnh lao phổi, thọ bốn mươi mốt tuổi. Đương thời ông chỉ xuất bản một số truyện ngắn và tản văn (tổng cộng chưa tới 300 trang sách in) và không gây được tiếng vang đáng kể. Tuy nhiên di sản ông để lại và được người bạn thân của ông là Max Brod xuất bản sau này - khoảng 3.400 trang gồm bản thảo văn học (trong đó có ba tiểu thuyết, một số truyện ngắn, nhiều tản văn và truyện cực ngắn), nhật kí và trên 1.000 bức thư - đã giúp công chúng dần nhận ra tầm vóc của một thiên tài văn chương. Đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi châu Âu đã trải qua những thảm họa chính trị - xã hội kinh hoàng, và nhất là khi tác phẩm của Kafka đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Séc..., giới trí thức Âu - Mỹ và cả giới trí thức Đông Âu đã dần nhận ra những điểm mới mẻ có tính đột phá về nghệ thuật văn chương cũng như những dự cảm và miêu tả đi trước thời đại, gần như có tính tiên tri, về xã hội và nhân sinh của Kafka. Chậm nhất là từ những năm 1950, ảnh hưởng của Kafka, sau khi đã lan rộng ở Mỹ và Pháp, đã quay trở lại khối Đức ngữ và Tiệp Khắc trong giai đoạn “tan băng tạm thời” của khối Đông Âu sau năm 1961, mà cao điểm là Hội thảo Quốc tế về Franz Kafka tại Lâu đài Liblice ở Praha năm 1963. Kafka có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn thuộc hai trường phái văn học lớn sau chiến tranh thế giới thứ hai là trường phái hiện sinh châu Âu và trường phái hiện thực huyền ảo Mỹ-Latinh, trong đó có Albert Camus và Gabriel Garcia-Márques, và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác gia lớn như Walter Benjamin, Theodor Adorno, Elias Canetti, Vladimir Nabokov, Gilles Deleuze, Milan Kundera... ông thường được xếp vào danh sách những nhà văn có đóng góp lớn nhất cho sáng tạo văn học đầu thế kỷ hai mươi ở châu Âu, bên cạnh James Joyce (viết tiếng Anh) và Marcel Proust (tiếng Pháp).

Ở Việt Nam, Kafka đã được dịch và xuất bản tương đối dày dặn. TrongFranz Kafka - Tuyển tập tác phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2002, độc giả có thể tìm thấy những tác phẩm hay nhất của Kafka như hai tiểu thuyết Vụ án vàLâu đài và những truyện ngắn nhưHóa thân, Hang ổ, Trại lao cải…Mặc dù toàn bộ tuyển tập này không được dịch từ nguyên bản tiếng Đức, song tôi cho rằng đây vẫn là một cột mốc lớn trong việc giới thiệu Kafka tới công chúng Việt Nam, tạo tiền đề và là nguồn tham khảo cho việc dịch và xuất bản Kafka trọn vẹn trong tương lai.

Một trong những mảng văn bản quan trọng của Kafka là nhật kí và thư, bởi ở Kafka, nhật kí và thư hé lộ nhiều trải nghiệm và quan điểm sáng tạo văn chương hơn ở bất kì nhà văn nào khác. Nhiều ý tưởng hoặc phác thảo, hoặc đôi khi chỉ là một hình ảnh trong nhật kí hoặc thư, đã được ông phát triển thành những tác phẩm xuất sắc sau này. Từ lâu trong giới nghiên cứu và phê bình văn học, nhật kí và thư của Kafka có một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi chúng giúp ta hình dung một cách sắc nét về cuộc sống cũng như công việc sáng tác của nhà văn, đồng thời giúp giải mã nhiều tác phẩm vốn khó hiểu của ông. Đáng tiếc cho đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có một phần rất nhỏ nhật kí và thư của Kafka được Đoàn Tử Huyến và Dương Tất Từ dịch và in trong Tuyển tập tác phẩm nói trên.

Trong số thư của Kafka thì bức Thư gửi bố có vị trí quan trọng nhất. Bức thư được Kafka viết trong khoảng hai tuần của tháng 11 năm 1919 tại khu nghỉ dưỡng Stüdl tại vùng Schelesen (thuộc Bohemia, Vương quốc Áo-Hung, nay là Zelezná thuộc Cộng hòa Séc). Lý do Kafka viết bức thư này là thái độ phản đối quyết liệt của cha ông với dự định hôn nhân của ông với Julie Wohryzek (1891-1944), một cô gái bị cha ông chê là không đủ nền nã, không xứng với gia đình. Tuy nhiên khi viết, Kafka nhắm tới một mục đích lớn hơn, đó là: nhìn lại toàn bộ mối quan hệ đau khổ giữa cha và con từ trước tới nay, với hi vọng tìm được sự hòa giải với cha. Rốt cuộc bức thư dài 103 trang viết tay không bao giờ được gửi tới địa chỉ người nhận. Sau này Kafka đã chuyển bức thư cho Milena Jesenská, người tình đồng thời là dịch giả tiếng Séc các tác phẩm của ông. Trong di cảo của Kafka, Max Brod (bạn thân của Kafka) tìm thấy một bản thảo đánh máy chưa hoàn thiện của bức thư với những chỉnh sửa bằng tay của tác giả. Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy, Kafka đương thời đã có ý coiThư gửi bố là một “tác phẩm văn học” chứ không phải thư riêng nữa.

Mặc dù không có hướng dẫn cụ thể nào của Kafka, nhưng Max Brod trong lần xuất bản tuyển tập Kafka năm1959 cùng như hầu hết các nhà nghiên cứu sau này đều thống nhất xếp Thư gửi bố vào mục “tác phẩm" bởi họ đều dễ dàng nhận ra sự khác biệt căn bản giữa Thư gửi bố với những bức thư khác. Như đã nói ở trên, nhật kí và thư của Kafka có nhiều đoạn có giá trị văn chương rất cao, nhưng dù vậy chúng vẫn không phải tác phẩm văn học mà chỉ là những phác thảo hoặc những ghi chép về ấn tượng hoặc hình ảnh của tác gỉả. Thư gửi bố, ngược lại, có thể coi như một tác phẩm tự truyện của nhà văn, một “thử nghiệm viết tự truyện công phu nhất của tôi”, như Kafka viết trong một bức thư gửi Milena Jesenská. Nhiều khả năng ban đầu Kafka chỉ định viết Thư gửi bố để giải quyết vấn đề cá nhân giữa hai bố con, nhưng càng viết ông càng ý thức về tính văn chương của bức thư, bởi vậy ông đã không ngần ngại sử dụng một số thủ pháp văn chương, trong đócó thủ pháp phóng đại mà Max Brod đã dễ dàng nhận thấy khi so sánh một số chi tiết được miêu tả trong thư với những sự kiện có thật trong cuộc sống của Kafka. Đây cũng có thể là lí do khiến bức thư đã không được gửi tới tay người nhận, bởi có lẽ Kafka cũng nhận ra rằng nó đã đi quá xa các vấn đề thực tế, vốn đòi hỏi sự rõ ràng và cụ thể, để nhập vào địa hạt văn chương, vốn có tính ẩn dụ và đa nghĩa.

Thư gửi bố có ý nghĩa như một văn bản chìa khóa, giúp giải mã nhiều tác phẩm quan trọng của Kafka. Chủ đề trung tâm trong Thư gửi bố là quan hệ cha - con, trong đó người cha đóng vai một thứ quyền lực tối cao được biện hộ đơn thuần bằng tính chính danh miễn tranh cãi do vị thế tự nhiên của ngưòi cha là kẻ sinh thành và nuôi dưỡng người con; còn người con, vốn là sản phẩm trực tiếp của ảnh hưởng từ người cha, vừa mò mẫm tìm cách thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng này, vừa cố gắng tác động ngược lại người cha, nhưng tất cả đều là những nỗ lực tuyệt vọng. Quan hệ cha - con ở đây được diễn giải theo hướng là một cuộc đấu giữa kẻ cai trị và người bị trị, nhưng điều đáng lưu ý là giữa kẻ cai trị và người bị trị không hề có xung đột về quyền lợi, chủng tộc hay giai cấp, mà họ là cha con: người này vừa là kết quả trực tiếp, vừa là người thừa kế và là niềm hi vọng lớn nhất của người kia.

Trong cuộc đấu dai dẳng này, rốt cuộc cả hai đều trở thành nạn nhân. Dưới sự đè nén bởi quyền lực của người cha - một thứ quyền lực có sức mạnh vô biên và hiện diện ở mọi nơi mọi lúc nhưng lại không rõ hình thù, vì nó được xây dựng dựa trên cảm tính và tín điều chứ không phải dựa trên lí lẽ - tâm lí và tính cách của người con bị biến dạng: anh ta trở thành người yếu đuối, nhu nhược, mất khả năng quyết định - còn người cha trở thành kẻ cáu bẳn và đau khổ vì đứa con mình sinh ra đã không thể trở thành người mạnh mẽ, quyết đoán như kì vọng. (Ta có thể tìm thấy mô-típ về một cuộc đấu với một thứ quyền lực không rõ mặt trong nhiều tác phẩm quan trọng của Kafka, đặc biệt trong hai tiểu thuyết Vụ án và Lâu đài. Trong Vụ án, đó là cuộc đấu củaJoseph K. với hệ thống tòa án đầy quyền lực với các phòng ban nhằng nhịt như mê cung mà không một ai trong số các nhân viên các cấp có thể nói cho Joseph K. biết thực ra anh bị bắt vì tội gì; Còn trong Lâu đài, người đạc điền K. phải đối diện với một hệ thống hành chính thôn xã có quyền lực vô biên, hiện diện ở khắp nơi, với các nhân viên khệnh khạng và lười nhác, nhưng không một ai biết mặt ông chủ Lâu đài cũng như hoạt động thực sự của nó.)

Dịch Thư gửi bố của Franz Kafka, tôi muốn chia sẻ với độc giả tác phẩm tự truyện của một trong những nhà văn được coi là phức tạp và khó hiểu nhất của thế kỉ 20, đồng thời cung cấp thêm một nguồn tài liệu cho giới nghiên cứu Kafka ở Việt Nam. Trong bản dịch này, tôi xin có một số lưu ý:

Kafka gần như sống cả cuộc đời ở Praha. Vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, Praha là thủ phủ của Vương quốc Bohemia, thuộc phần Áo của Vương quốc Áo-Hung (Vương quốc Áo-Hung gồm hai phần: phần Áo gồm các dân tộc Đức, Séc, Slovakia... với tiếng Đức là ngôn ngữ hành chính; và phần Hung gồm các dân tộc: Hung, Serbia, Croatia, Bosnia,... với tiếng Hung là ngôn ngữ hành chính.) Tại Praha cũng như ở phần lớn lãnh thổ Bohemia, người Séc chiếm đa số còn người Đức chỉ chiếm thiểu số. Tuy nhiên riêng ở trung tâm Praha (còn gọi là khu Thành cổ) thì dân nói tiếng Đức lại chiếm đa số, và gần một nửa trong số đó là dân Do Thái. Kafka sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức (như hầu hết dân Do Thái ở khu Thành cổ Praha hồi đó). Kafka học phổ thông và đại học đều ở trường Đức ngữ, nên nền văn hóa chính mà ông được thừa hưởng là văn hóa Đức. Kafka cũng có thể nói tiếng Séc trôi chảy do ông lớn lên trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với người Séc (các nhân viên làm việc trong cửa hàng nhà Kafka hầu hết là người Séc), tuy nhiên ông không phải là người có thể viết thạo tiếng Séc (điều này đã được một số nhà nghiên cứu chứng minh trong khoảng 20 bức thư Kafka tự viết bằng tiếng Séc gửi cho người em rể). Đương thời Kafka chủ yếu giao du trong giới bạn bè Do Thái - Đức ở Praha cùng một số đối tác xuất bản và bạn văn chương ở Áo và Đức, do vậy hầu hết những gì ông viết - tác phẩm, nhật kí, thư - đều bằng tiếng Đức. Để nhất quán, đúng ra dịch giả nên giữ tất cả tên địa danh theo tiếng Đức, nhưng vì độc giả Việt Nam từ lâu đã quen với một số địa danh như “Praha”, “Bohemia”, “Moravia”, “Vienna” “Munich”... (thay vì “Prag”, “Böhmen”, “Mähren”, “Wien” “München”... trong tiếng Đức), nên tôi cũng làm ngoại lệ bằng cách giữ lại những cách viết quen thuộc này.

Thư gửi bố là tác phẩm tự thuật của Franz Kafka, nên nó đề cập tới những sự kiện và con người có thật, đặc biệt là những sự kiện liên quan tới các thành viên gia đình và họ hàng của Kafka. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tác phẩm, bên cạnh một số chú thích, phần Phụ lục của sách sẽ cung cấp một bài viết dài về Gia đình Kafka. Ngoài ra còn có những phần Gia phả và Hình ảnh để độc giả tham khảo. Riêng phần Tiểu sử Kafka, tôi có soạn thêm một số thông tin về 6 người phụ nữ từng có quan hệ tình cảm với Kafka (gồm Hedwig Weiler, Felice Bauer, Grete Bloch, Julie Wohryzek, Milena Jesenská và Dora Diamant), vì họ đều ít nhiều có liên hệ tới quan điểm của Kafka về hôn nhân và gia đình, vốn là một chủ đề lớn được đề cập trong Thư gửi bố.

Xin cảm ơn một số bạn hữu đã đọc bản dịch và cho nhiều góp ý sửa chữa quí báu.

Sài Gòn, mùa mưa, 2012

Thông Tin ebook:

Thực hiện ebook: Văn học cổ điển (facebook.com/vanhoccodien)

Ngày hoàn thành: 20/04/2013

Nơi hoàn thành: Hà Nội

http://e-thuvien.com/forum

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên :

Sienna – Mèo Ma Kết – trangchic

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx