Câu nói “Chỉ có một Trái Đất” xuất hiện sớm nhất trong Hội nghị môi trường nhân loại do Liên hợp quốc triệu tập năm 1972. “Chỉ có một Trái Đất” là tiêu đề của bản báo cáo phi chính thức do nhà kinh tế học người Anh B. Utto và nhà vi sinh vật học người Mỹ R. Tupos đưa ra trong hội nghị với tiêu đề phụ là “Hãy quan tâm và bảo vệ một hành tinh nhỏ”. Tác giả không những xuất phát từ tiền đồ của bản thân Trái Đất mà còn tổng hợp từ các góc độ: xã hội, kinh tế, chính trị, tăng trưởng dân số, lạm dụng tài nguyên môi trường, ảnh hưởng tiêu cực của kĩ thuật công nghệ, từ sự phát triển mất cân bằng và những khó khăn của các thành phố trên thế giới, từ đó mà bàn về vấn đề môi trường, kêu gọi nhân loại phải quản lí Trái Đất một cách tỉnh táo hơn.
Vì sao nói “Chỉ có một Trái Đất”? Nhân loại từ khi ra đời, tất cả: ăn, mặc, ở, đi lại, sản xuất và sinh hoạt không có cái gì không dựa vào Trái Đất này để tồn tại và phát triển. Bầu không khí, rừng núi, biển cả, sông ngòi, đầm hồ, đất đai, thảo nguyên, các động vật hoang dã trên Trái Đất này đã tạo thành một hệ thống sinh thái tự nhiên vô cùng phức tạp và quan hệ mật thiết với nhau, đó chính là môi trường cơ bản để con người dựa vào nhau mà sinh sống. Đã từ lâu tiến trình văn minh của nhân loại luôn ngừng lại ở sự tước đoạt và chinh phục thiên nhiên, hầu như xưa nay chưa ai nghĩ đến phải bảo vệ và báo đáp lại Trái Đất, cái nôi đã nuôi dưỡng con người. Loài người đồng thời với việc tạo ra những thành quả văn minh cũng đã tước đoạt thiên nhiên, gây ra cho Trái Đất – nơi chúng ta sinh sống, đầy thương tích. Sự tăng trưởng dân số và mở rộng sản xuất đã xung đột môi trường, gây nên những áp lực to lớn. Ngày nay môi trường đang xấu đi, tài nguyên bị cạn kiệt đã trở thành mối trở ngại lớn nhất cho tiến trình văn minh của nhân loại. Diện tích rừng toàn cầu năm 1862 ước có khoảng 5,5 tỉ ha, đến thập kỉ 70 của thế kỉ XX chỉ còn không đến 2,6 tỉ ha. Vì mưa rừng nhiệt đới có vai trò rất quan trọng đối với điều tiết khí hậu toàn cầu, cho nên một diện tích lớn rừng bị chặt phá sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho khí hậu. Do chế độ canh tác không hợp lí nên diện tích đất đai trên thế giới bị phong thực, kiềm hóa ngày càng tăng. Căn cứ dự đoán của các cơ quan Liên hợp quốc, vì đất đai bị xâm thực nên hàng năm trên thế giới bị mất đi 24 tỉ tấn đất màu, diện tích sa mạc hóa hàng năm tăng thêm 6 triệu ha.
Nếu tiếp tục phát triển với tốc độ đó cộng thêm diện tích do phát triển đô thị và giao thông lấn chiếm thì toàn thế giới sau 20 năm nữa sẽ mất đi 1/3 tổng diện tích canh tác, sản lượng lương thực sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Ngoài ra vì diện tích sinh sống của sinh vật hoang dã ngày càng bị thu hẹp, con người lại săn bắt tự do, cộng thêm nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, nguồn gien di truyền của động, thực vật trên thế giới chắc chắn bị giảm sút nhanh chóng. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được đối với loài người.
Dù là nước phát triển hay nước đang phát triển đều nhận thức được rằng: vấn đề môi trường đang gây cản trở to lớn đến khả năng phát triển. Không giải quyết vấn đề môi trường thì không những tiến trình văn minh của nhân loại bị ảnh hưởng mà ngay bản thân sự sống của con người cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Năm 1992 ở Brasilia – thủ đô Braxin, Liên hợp quốc đã triệu tập Hội nghị môi trường và phát triển. Trong hội nghị này tất cả các đại biểu đã mặc niệm hai phút vì Trái Đất. Hai phút mặc niệm đó thể hiện nhân loại đang sám hối, phản tỉnh và nghĩ về Trái Đất: chúng ta chỉ có một Trái Đất!
Từ khoá: Vấn đề môi trường.
@by txiuqw4