Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, các nước phương Tây vì theo đuổi mục đích phát triển kinh tế nhanh, đã dùng phương thức “đầu tư cao” nên hình thành “tăng trưởng nóng”. Sự phát triển kinh tế khiến cho thế giới tuy bị tổn thương nhiều sau chiến tranh, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn 20 – 30 năm đã chuyển sang thời đại điện tử phát triển cao và mới mẻ, tạo nên những kì tích kinh tế trước kia chưa từng có. Nhưng môi trường mà nền kinh tế dựa vào đó để tồn tại lại bị phá hoại và chà đạp nghiêm trọng. Vì môi trường bị ô nhiễm đã không ngừng phát sinh ra những sự kiện gây tổn hại chung, phạm vi và qui mô các sự kiện đó ngày càng mở rộng, sự ám ảnh về nỗi đau khổ khiến cho con người rơi vào nguy cơ của sự sinh tồn. Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho bản thân, loài người đã dấy lên phong trào bảo vệ môi trường để phản đối những sự việc gây tổn hại chung. Cùng với phong trào bảo vệ môi trường ngày càng phát triển, vấn đề môi trường cũng dần dần trở thành vấn đề xã hội trọng đại, công cuộc bảo vệ môi trường đã trở thành đời sống xã hội quốc tế.
Ngày 5/6/1972, hơn 1.300 đại biểu thuộc 113 nước trên thế giới đã tập hợp ở Xtốckhôm, Thụy Điển, tham gia Hội nghị môi trường nhân loại lần thứ nhất do Liên hợp quốc triệu tập, cùng thảo luận về các vấn đề môi trường mà loài người đang phải đối mặt. Hội nghị đã thông qua “Tuyên ngôn môi trường nhân loại” nổi tiếng, đưa ra lời khuyến cáo trịnh trọng đối với nhân dân toàn thế giới: “Nếu dân số thế giới tiếp tục tăng cao, nguồn tài nguyên bị khai thác theo kiểu tước đoạt, môi trường tiếp tục bị phá hoại và ô nhiễm, thì Trái Đất mà loài người đang sinh sống sẽ gặp tai họa vì cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm lan tràn, sinh thái bị phá hoại”. Tuyên ngôn còn kêu gọi “Chính phủ và nhân dân các nước hãy vì bảo vệ và cải thiện môi trường, đem lại hạnh phúc cho mọi người và các thế hệ mai sau mà nỗ lực phấn đấu”. Căn cứ vào các kiến nghị của Hội nghị này, Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 27 triệu tập cùng năm đó đã quy định lấy ngày 5/6 hàng năm làm “Ngày Môi trường thế giới”.
Hội nghị môi trường nhân loại của Liên hợp quốc và “Tuyên ngôn môi trường nhân loại” đều đã ghi vào lịch sử quá trình phát triển của nhân loại. Nó là bước đi cùng hành động chung đầu tiên của nhân loại để bảo vệ môi trường Trái Đất. Trong hội nghị này, Chính phủ các nước trên thế giới lần đầu tiên đã thảo luận chung về vấn đề môi trường hiện nay, nhằm tìm ra một chiến lược môi trường để bảo vệ toàn cầu. Mặc dù các nước ở những khu vực khác nhau, có chế độ xã hội khác nhau, trình độ phát triển cũng khác nhau, nhưng Chính phủ của các nước trong lời cảnh báo chung “Chỉ có một Trái Đất” đã dần dần đi đến một nhận thức chung: vận mệnh của nhân loại liên quan chặt chẽ với vận mệnh của Trái Đất; môi trường ô nhiễm không có biên giới; công cuộc bảo vệ môi trường toàn cầu phải dựa vào sự hợp tác quốc tế trong một thời gian dài và rộng khắp. Nếu nhân loại phát triển một cách tự do, mù quáng thì không những môi trường sẽ ràng buộc con người mà cuộc sống sẽ ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Cho nên bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sinh tồn của loài người, liên quan đến sự phát triển và tương lai của xã hội. Chỉ có mọi người cùng quan tâm mới có thể cùng phát triển, tiền đồ chung mới tốt đẹp.
Từ khoá: Hội nghị môi trường nhân loại; Ngày Môi trường thế giới; Tuyên ngôn môi trường nhân loại.
@by txiuqw4