Ngày 18/11/1992, toàn thế giới có 1.575 nhà khoa học (trong đó bao gồm 99 người được giải thưởng Nobel) đã đưa ra lời cảnh báo đối với nhân dân toàn thế giới về môi trường như: “Hãy xoay chuyển tình thế khi mà chỉ còn không đầy mấy chục năm nữa, những bất hạnh lớn sẽ đến với con người và Trái Đất sẽ phát sinh đột biến”. Họ còn khởi thảo một văn kiện – “Lời cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đối với nhân loại”. Văn kiện mở đầu rằng: “Loài người và thế giới tự nhiên đang chuyển sang con đường đối kháng lẫn nhau”. Văn kiện này đã xem biến động của tầng ôzôn, không khí bị ô nhiễm, lãng phí tài nguyên nước, hải dương bị độc hóa, sự phá hoại đất canh tác, các loài động, thực vật bị mất dần cũng như sự tăng trưởng dân số là những nguy cơ nghiêm trọng nhất. Thực tế những nhân tố này đã gây nguy hại đến sự sống trên Trái Đất.
Các nhà khoa học môi trường đã khái quát vấn đề ô nhiễm môi trường trên Trái Đất thành 8 yếu tố:
Mưa axit. Nó phá hoại các khí khổng (lỗ nhỏ) trên lá cây, làm cho thực vật mất dần sự cân bằng về quang hợp, nó còn khiến cho nước trong sông ngòi và ao hồ bị chua.
Nồng độ khí cacbonic trong không khí tăng lên khiến cho nhiệt độ Trái Đất tăng cao, hệ sinh thái mất cân bằng.
Tầng ôzôn bị phá hoại, khiến cho tia tử ngoại của ánh nắng Mặt Trời uy hiếp sự sống trên Trái Đất.
Sự tổn hại chung do các chất hóa học gây nên. Có 670 ngàn chất hóa học đã bị thương phẩm hóa, trong đó có 15 ngàn chất gây tác hại chung. Mỗi năm có 500 ngàn người vì sử dụng không chú ý hoặc do xử lí chất phế thải không thích đáng mà bị ngộ độc.
Nước sạch bị ô nhiễm. Mỗi năm trên thế giới có 25 triệu người do dùng nước bị ô nhiễm mà bị tử vong, có 1 tỉ người không được dùng nước sạch.
Đất đai sa mạc hóa. Vì rừng bị phá hoại, chăn thả và canh tác quá mức làm cho đất đai không ngừng bị kiềm hóa và sa mạc hóa. Trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 7 triệu ha bị biến thành sa mạc.
Mưa rừng nhiệt đới không ngừng giảm thấp vì chặt phá rừng nhiều và những nhân tố cháy rừng do con người gây nên, do đó hàng năm có khoảng 17 triệu ha rừng nhiệt đới bị hủy diệt, chiếm khoảng 0,9% diện tích toàn cầu.
Sự uy hiếp về hạt nhân. Năm 1991, 26 nước có 423 nhà máy điện nguyên tử của 26 quốc gia đang vận hành, đến cuối thế kỉ XX lại tăng thêm 100 nhà máy nữa. Phế liệu hạt nhân đổ xuống biển đã trực tiếp uy hiếp môi trường biển. Trên Trái Đất có 50 ngàn đầu đạn hạt nhân phân bố khắp thế giới, thường xuyên uy hiếp hòa bình và sự sinh tồn của nhân loại.
Từ đó có thể thấy những hành vi phá hoại môi trường của con người đã làm cho Trái Đất bị suy thoái, gây nguy hại đến sự sống trên mặt đất. Vì vậy trong lễ khai mạc Hội nghị môi trường và phát triển do Liên hợp quốc triệu tập, Tổng thư kí Butrôt Gali đã kiến nghị tất cả các đại biểu đứng im mặc niệm hai phút vì Trái Đất. Hai phút mặc niệm này thể hiện sự sám hối, phản tỉnh và tưởng nhớ của con người đến Trái Đất: chúng ta chỉ có một Trái Đất. Tương lai của nhân loại quyết định bởi sự lựa chọn của chúng ta hôm nay.
Từ khoá: Vấn đề môi trường; Ô nhiễm môi trường.
@by txiuqw4