Nâng cao chất lượng môi trường là mục đích chủ yếu của công tác bảo vệ môi trường. Chất lượng môi trường phản ánh mức độ phù hợp của môi trường đối với sự sinh tồn, phồn vinh cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của nhân loại. Nó có thể phân thành chi tiết hơn là: chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất đai, chất lượng môi trường sinh vật, chất lượng môi trường đô thị, chất lượng môi trường sản xuất, chất lượng môi trường văn hóa, v.v.. Ở thập kỉ 60 cùng với sự xuất hiện vấn đề môi trường, thì vấn đề chất lượng môi trường cũng ngày càng được quan tâm. Người ta dần dần dùng mức độ tốt xấu của môi trường để biểu thị mức độ môi trường bị ô nhiễm.
Vậy làm thế nào để phán đoán chất lượng môi trường tốt hay xấu?
Ở đây ta phải dùng đến tiêu chuẩn chất lượng môi trường. Tiêu chuẩn chất lượng môi trường là những quy định của quốc gia cho phép hàm lượng các chất gây ô nhiễm, hoặc những chất khác có mặt trong môi trường chỉ đến mức nào đó để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân hoặc để bảo đảm những nhu cầu khác. Có 4 tiêu chuẩn chủ yếu về chất lượng môi trường: Tiêu chuẩn chất lượng nước, tiêu chuẩn chất lượng không khí, tiêu chuẩn chất lượng đất đai và tiêu chuẩn chất lượng sinh vật. Mỗi loại tiêu chuẩn theo công dụng hoặc đối tượng phải khống chế lại được chia thành một số loại nhỏ, như tiêu chuẩn chất lượng nước được phân thành tiêu chuẩn chất lượng nước mặt đất, tiêu chuẩn chất lượng nước biển, tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm, v.v..
Tiêu chuẩn chất lượng môi trường thể hiện thành chính sách và yêu cầu bảo vệ môi trường của quốc gia, là thước đo môi trường có bị ô nhiễm hay không, cũng là căn cứ để quy hoạch môi trường, quản lí môi trường và xây dựng các tiêu chuẩn về thải các chất thải gây ô nhiễm. Tiêu chuẩn chất lượng môi trường có một vị trí rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Từ khoá: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường.
@by txiuqw4